trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
12.10.2006
Nguyễn Huệ Chi
Tự do sáng tác và lý luận phê bình
 
Trong hai ngày 4 và 5 tháng 10 năm 2006, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lý luận phê bình văn học lần thứ hai tại thị xã Đồ Sơn, với sự hiện diện của khoảng 300 nhà văn, nhà lý luận phê bình cả nước. Ngoài những bản tham luận đã chuẩn bị trước, được đọc trong một ngày đầu, không thật sự gây được ấn tượng, Hội thảo trở nên sôi nổi hẳn khi bước vào ngày làm việc thứ hai, với những ý kiến đối thoại trực tiếp trên diễn đàn. Một trong những phát biểu được dư luận chú ý là của nhà văn Nguyễn Huệ Chi, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học cổ Việt Nam. talawas xin đăng nguyên phát biểu này, do tác giả ghi lại từ đĩa ghi âm của nhà thơ Hoàng Hưng. Người ghi có bổ sung một vài chú thích.
Tôi xin phát biểu về một số vấn đề đặt ra trong hội thảo hai hôm nay. Chủ điểm của tôi là tự do sáng tác và lý luận phê bình. Rất tiếc nhiều ý định nói, các anh Hoàng Hưng và Bùi Ngọc Tấn đã nói, vì thế tôi chỉ xin nói thêm những khía cạnh không trùng với các anh. Trước hết là câu chuyện tự do sáng tác. Anh Phạm Quang Trung vừa phát biểu trước tôi có ý cảnh báo rằng diễn đàn của chúng ta lên tiếng về “tự do sáng tác” đã hơi nhiều, trong khi “trách nhiệm công dân” của nhà văn lại không ai nhắc tới. Quan sát thực tế hoạt động của nhà văn Việt Nam từ mấy chục năm, tôi nhận thấy tuyệt đại đa số nhà văn đều có ý thức trách nhiệm trước xã hội, ý thức trách nhiệm cao nữa là khác. Nhưng chính với tinh thần trách nhiệm cao ấy, nhà văn thường chỉ lên tiếng về những gì mà mình còn thiếu. Thì qua những dẫn chứng cụ thể, chi tiết trong tham luận của anh Hoàng Hưng và phát biểu của anh Bùi Ngọc Tấn, hẳn anh Phạm Quang Trung cũng đã thấy nhà văn Việt Nam hiện còn thiếu cái gì - nếu không là tự do sáng tác thì còn gì vào đấy nữa?

1. Về tự do sáng tác, tôi nghĩ có hai mặt: một mặt, nói như anh Nguyễn Văn Hạnh, đó là sự tự ý thức của chính nhà văn, là một yêu cầu tự giác và tối thiêng liêng mà nếu thiếu nó, nhà văn không còn thực hiện được chức trách cao quý của mình. Nhưng mặt khác, nói đến tự do sáng tác cũng là nói đến những điều kiện để nhà văn phát huy cảm hứng sáng tạo. Về phương diện này tất yếu phải xét đến mối quan hệ giữa nhà văn với một đối tác nó cho phép nhà văn có được tự do sáng tác hay không và tự do sáng tác đến đâu. Đó là chính quyền, là người nắm quyền lực, định đoạt thân phận của nhà văn. Ở đây tôi nghĩ, ý kiến của anh Hoàng Quốc Hải phát biểu chiều hôm qua là một bổ sung không thể thiếu. Anh Hải đã đưa thêm một phạm trù soi sáng cho “tự do sáng tác” là phạm trù “dân chủ”. Nói cách khác, nhà văn vừa cần có ý thức đầy đủ về tự do sáng tác như một thôi thúc nội tại, vừa đòi hỏi xã hội phải tạo điều kiện để mở rộng quyền tự do sáng tác của mình. Và như thế là dù muốn hay không cũng phải nói đến cái thiết chế dân chủ cho phép nhà văn thực thi quyền tồn tại thiết yếu của hoạt động sáng tác. Thực tế nhà văn Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn lúng túng gỡ mãi chưa ra mối mâu thuẫn giữa một bên là ý muốn vùng vẫy ngòi bút nhằm biểu đạt trọn vẹn những gì nung nấu trong tâm tưởng và một bên là cái áp lực ngoại tại buộc anh ta chỉ được “vùng vẫy” trong một giới hạn nhỏ nhoi cho phép - vượt ra khỏi đấy là rơi vào vùng “cấm kị” rồi. Mà hàng mấy thập niên đã trôi qua, không ít tác phẩm nằm trong danh sách “cấm kị” về sau cứ lặng lẽ được “tháo khoán” đều cho thấy, chúng chẳng có gì đáng “kị húy” cả. Những tác phẩm của Nhân văn-Giai phẩm, rồi Chiều chiều của Tô Hoài, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải và rất nhiều tác phẩm khác, hầu như người nào trong chúng ta cũng đều đã đọc và thấy rõ giá trị. Thậm chí có tác phẩm đến nay đã nằm trong danh sách những sáng tác được đề cử truy xét giải thưởng này nọ... ở một danh vị rất cao. Chứng tỏ, trong hơn 60 năm, dầu thuộc về / hay bị gán cho trường phái, nhóm sáng tác nào đi nữa, mỗi khi cầm bút, chưa một nhà văn Việt Nam nào bỏ quên trọng trách công dân của họ - nhà văn Việt Nam vốn được tiếng là hạng người biết “sợ”. Tuy nhiên, sự đa nghi đối với “tự do sáng tác” thì đã gây nên quá nhiều tai họa cho không ít nhà văn.

2. Nói đến thiết chế dân chủ không thể không nói đến những tổ chức xã hội có khả năng tập hợp nhà văn. Trên đất nước chúng ta, hẳn nhiên không ai không biết đến một cơ quan duy nhất: Hội Nhà văn Việt Nam. Lâu nay, một số dư luận đã bàn ra tán vào đối với vai trò của tổ chức này. Vừa rồi anh Lại Nguyên Ân có đề cập trực diện trong hội thảo. Tôi nghĩ, trong tình hình cơ chế hiện tại, một kiểu tổ chức như Hội Nhà văn Việt Nam cũng chưa dễ lột xác hay thay đổi. Và những người ở trong cơ quan Hội - xin lỗi anh Hữu Thỉnh - thực chất là những kẻ “đầu chày đít thớt” trước lực đẩy từ hai phía, cả trên và dưới, nên tuy các anh chị có được ban ơn mưa móc, được một số quyền lợi vật chất nào đấy, dù có to lớn đến đâu thì nhà văn chúng ta vốn rất tự trọng chắc cũng ít ai ganh tị, muốn đòi chia phần một “mẩu bánh mỳ” trong đó, miễn các anh chị tạo được một sân chơi cho anh em hội tụ vui vẻ với nhau, thông tin cho nhau, cũng đã đủ lắm. Nhưng có điều này, theo tôi cần được suy nghĩ nghiêm túc: Là một tổ chức chính trị xã hội của nhà văn, Hội Nhà văn Việt Nam đã hoàn thành chức năng tối quan trọng của mình là bảo hộ quyền tự do sáng tác của nhà văn, và bảo vệ sinh mạng chính trị của nhà văn như thế nào? Có cảm giác như đó mới là “món nợ” đáng tính đến của Hội chúng ta trong 50 năm nay. Đến nỗi có những nhà văn đã phải trả giá bằng 20 năm, 30 năm lao tù, mất hết năng lực sáng tạo, cuộc đời trở thành tàn tạ, như các anh Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt... mà nào có được một lời bảo vệ của Hội trước pháp luật hoặc trước dư luận? Trong khi sáng tác của họ, như đã nói, cho đến thời điểm hiện tại đã chứng rõ, đều là những giá trị lóe sáng ngay vào lúc họ thai nghén và bồng bột viết ra, bởi hầu hết những sáng tác kia rốt cục đều đã được in lại rất đàng hoàng, được liệt kê trong danh mục các giải thưởng cao quý. Chẳng nói đâu xa, một nhà văn đang ngồi trước mặt ta đây là anh Hoàng Hưng, chỉ vì trót có lòng yêu quý nhà thơ đàn anh Hoàng Cầm, muốn cho tập thơ Về Kinh Bắc của họ Hoàng được ra mắt công chúng mà đã phải ngồi trong trại cải tạo đến 39 tháng. Về Kinh Bắc đã được công bố trang trọng, được Nhà nước trao giải thưởng, còn “món nợ” 39 tháng đằng đẵng trong tù của Hoàng Hưng thì không ai trả, đáng nói hơn là hoàn toàn nằm trong sự thờ ơ của Hội Nhà văn. Nếu sang năm Hội ta kỷ niệm 50 năm thành lập Hội thì đây có lẽ sẽ là một vấn đề rất đáng để bàn thảo với nhau.

Một vấn đề thứ hai tôi cũng muốn trực diện đặt ra với Hội với tư cách một thiết chế bảo vệ quyền lợi tinh thần của nhà văn là vấn đề giải thưởng. Lâu nay nước ta đã ban bố nhiều loại giải thưởng nhằm khuyến khích thành tựu của nhiều ngành nghề, trong đó có nghề sáng tác, như Giải thưởng nhà văn, Giải thưởng nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thật là một chủ trương có ý nghĩa khích lệ. Nhưng cơ chế hoạt động dân chủ của các loại giải này có vẻ như còn chưa ổn. Có những loại giải thưởng mà muốn xét tặng lại bắt ứng viên phải làm đơn xin. Xin hỏi: trao giải cho một công trình khoa học, một sáng tác văn học nghệ thuật là một việc vinh danh đối với những thành tựu của đất nước hay là một sự ban ơn? Nghĩ theo cách thứ hai e rằng không phải đạo, chưa nói là làm thấp hẳn đi tấm lòng “liên tài” của Đảng ta. Về cơ chế tổ chức xét giải, cách đây 50 năm lão nhà văn Phan Khôi đã từng trực chỉ hiện tượng: có không ít người vừa ngồi trong Hội đồng chấm giải vừa làm luôn người ứng thí (một điều tối kỵ chưa thấy ở nước nào làm). Vậy mà đến nay những chuyện tối kị vẫn cứ tái diễn như một thông lệ. Thế thì làm sao tránh khỏi dư luận xì xào này khác, cứ mỗi lần trao giải lại có dịp rộ lên, giống như một căn bệnh “tiên thiên bất túc” về giải thưởng của Việt Nam? Tránh sao khỏi mỗi lần “vào giải” lại có hiện tượng “móc ngoặc”, “đi đêm”, hoặc quá “hồn nhiên” như mượn người này người khác lên tiếng tung hô mình là nhà... nhà... vào loại nhất nhì Việt Nam, chỉ để... dễ lọt mắt lọt tai những người đang nắm “cán cân công lý” trong cái lĩnh vực vốn rất cao sang là văn chương nghệ thuật? Những vấn đề nhạy cảm như trên liên quan mật thiết đến tính dân chủ trong hoạt động sáng tạo của nhà văn mà Hội Nhà văn không giải quyết thật dứt điểm thì rõ ràng ảnh hưởng đến uy tín của Hội.

3. Trở lại với câu chuyện tự do sáng tác. Xin nhắc lại, đối với nhà văn, trước hết và trên hết đấy là một nhu cầu có tính chất trực cảm, một tiềm thức sâu thẳm, nhưng đối với nhà lý luận phê bình thì lại là một vấn đề lý thuyết rất cần được bàn bạc thấu đáo. Anh Bùi Bình Thi vừa lên tiếng rằng tự do sáng tác thế đã là quá đủ, khi mà suốt nhiều năm qua nhà văn đã tha hồ nhục mạ, nói xấu lẫn nhau, thừa thãi lắm rồi. Hoàn toàn đúng thôi. Và cũng nhân đây tôi xin phép đề nghị, sự nhục mạ cuối cùng cần được chấm dứt chính là những lời lăng mạ đối với một tác giả trẻ vào chiều hôm qua, cũng trên diễn đàn nghiêm túc này. Không thể vô cớ gán những chữ “trụy lạc”, “suy đồi” cho tác phẩm của người khác tùy tiện được nữa [1] . Nếu cần thì cứ đưa ra pháp luật, như anh Bùi Ngọc Tấn đã có đề nghị đặt mọi sáng tác trước phán xử công minh của luật pháp chứ không để chúng trong tình trạng tù mù, hoặc bị cấm đoán mà không có quyết định chính thức của một cơ quan công quyền nào. Vả chăng, nếu ta cứ tha hồ chửi bới một nhà văn nào đó thì tác giả cũng có quyền đưa chúng ta ra trước tòa án, không phải cứ nhân danh này khác mà nói năng văng mạng được đâu. Nhưng đó là tự do chửi bới nhau. Còn vấn đề tự do sáng tác thì vẫn còn rất nhiều điều để bàn luận. Xin nêu lên đây một vài ví dụ. Mấy chục năm trước, ta từng truyền nhau một câu nói tâm đắc của nhà văn Liên Xô Sholokhov: “Tôi viết theo chỉ thị của trái tim nhưng trái tim tôi là thuộc về Đảng”. Sau mấy thập niên trải nghiệm, ta chợt nhận ra, lời phát biểu này có cái gì đó hình như chưa thật hoàn chỉnh. Cụ Hồ có nói : Đảng là đầy tớ của dân. Đảng đã là đầy tớ của dân thì nhà văn gắn bó với dân mới là phải lẽ chứ. Là đầy tớ thì trên nguyên tắc hiển nhiên phải trung thành với ông chủ, song giữa hai bên vẫn là hai thực thể, hai địa vị, nên không phải lúc nào “tớ” cũng thấu hết được tâm can của “chủ”, nhất là “chủ” ở đây lại không có thực quyền bằng “tớ”. Có khi bên cạnh nhiều việc làm hay, “tớ” cũng làm hỏng dăm ba việc, như việc đánh phá công thương nghiệp, việc không để cho “chủ” khoán ruộng trong nhiều năm, hay những việc “cấm chợ ngăn sông” gây nên lắm tổn thất mà anh Ngô Thảo nói là đến nay đã trôi sông trôi biển hết. Thế thì cái câu của Sholokhov tưởng thâm thúy hóa ra chỉ đúng được một thời. Giờ đây đã đến lúc ta nên sửa lại: “Tôi chỉ sáng tác theo chỉ thị của trái tim, nhưng trái tim tôi là thuộc về nhân dân - 82 triệu con người khắp mọi miền đất nước, với tất cả lo toan, vất vả, hạnh phúc và khổ đau hàng ngày mà tôi được chứng sống, và với luồng sáng nhân văn sâu thẳm kết tinh từ bao nhiêu thế hệ soi tỏ cho tôi”.

Hay một khía cạnh khác của tự do sáng tác cũng cần được minh giải trong bối cảnh xã hội hôm nay, là khẩu hiệu “văn nghệ phục vụ chính trị”. Đặt vấn đề trên một định hướng tổng quát, chẳng hạn người cầm bút cần hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì không có gì không xác đáng. Nhưng lâu nay ta vẫn hiểu “văn nghệ phục vụ chính trị” là phục vụ kịp thời các chính sách của Đảng. Mà hiểu như vậy thì cũng chính thực tế đã kiểm nghiệm và cho thấy, các chính sách kịp thời đó thường chỉ mang ý nghĩa “thời vụ” mà không có giá trị lâu dài. Đâu phải người đề xuất chính sách nào cũng có được một tầm nhìn viễn kiến vượt lên khỏi cái thời sự có tính cục bộ, giai đoạn? Có bản tham luận đã nêu rất đúng trường hợp một số tác phẩm như Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm... bây giờ chẳng ai còn buồn đọc. Không phải chỉ có hai tác phẩm đó thôi mà thử điểm lại xem, từ 1945 đến nay còn rất nhiều, rất nhiều tác phẩm đã rơi hẳn vào quên lãng. Vì sao? Chắc chắn không phải do nhà văn bất tài. Chủ yếu là ở chỗ, nhà văn đã quá sốt sắng đem ngòi bút minh họa các chính sách nhất thời, khiến tác phẩm tự nó không có một chỗ đứng “đắc địa” trong dòng chảy nghệ thuật. Đây chính là vấn đề mối quan hệ giữa nghệ thuật và tuyên truyền từng đặt ra trong thời đầu kháng chiến chống Pháp, giữa Tô Ngọc Vân và một số người khác. Thiết tưởng, đã đến lúc cần giải phóng nhà văn khỏi khẩu hiệu “văn nghệ phục vụ chính trị” chật hẹp vốn đã ám ảnh nhiều thế hệ văn nhân suốt mấy thập niên, mà đâu như ông Lê Đức Thọ cũng từng nói nên bỏ, bởi nó trói buộc tầm nhìn của nhà văn, và vô hình trung kéo lùi sự tự do sáng tạo của nhà văn.

4. Xin đề xuất tiếp một số vấn đề cần “đổi mới” của lý luận phê bình đương đại như tiêu đề chính của Hội thảo. Anh Nguyễn Đăng Mạnh có nói đến những hạn chế cơ bản của thế hệ phê bình thứ tư theo cách tính của anh - thế hệ sau rốt kể từ 1945 đến nay. Tôi xin lạm góp thêm đôi điều vào ý kiến đó. Tôi thấy, từ lâu, lý luận phê bình của chúng ta vẫn mắc hai nhược điểm có thể gọi là lưu cữu, thoát ra chưa nổi, trái lại, phần nào còn để di chứng nặng nề cho một số các nhà phê bình trẻ hôm nay.

a. Thứ nhất, đó là cái quan niệm quá máy móc về chức năng “làm ngọn roi quất cho con ngựa văn học lồng lên” mà một nhà lãnh đạo từng chỉ bảo cách đây ngót 60 năm. Tin tưởng vào lời dạy của cấp trên, trong suốt sáu thập niên, nhiều thế hệ các nhà phê bình đã cố thực hiện chức năng “quất roi” một cách hăng hái, đến nỗi trong môi trường sinh hoạt học thuật - vốn cũng chẳng bề thế gì lắm - của miền Bắc từng nổi lên mấy bậc đàn anh phê bình lý luận thì cũng sản sinh ra chừng ấy trường phái phê bình, và dù về phong cách, sự “tả xung hữu đột” có nặng nhẹ khác nhau thì trên cơ bản, ai cũng hiểu “cây roi” đây là “ngọn roi đường lối”, và ai cũng tin rằng cứ cố sức quất cho trúng “huyệt” - việc phản ánh đường lối đúng hay chưa đúng - là tự khắc “con ngựa văn học” sẽ lồng lên, không trước thì sau. Nhiều học trò, đàn em của những đàn anh ngày ấy nay cũng đã sừng sững là những đàn anh ở các trường đại học, ở viện này viện kia, đã sản sinh ra rất nhiều học trò nối gót mình. Ngẫm lại những chặng đường mà mình đã từng tham dự vào việc “quất roi” một cách hăm hở và đầy tự tin vào kết quả của nó, không hiểu những ai trong chúng ta còn hoạt động hôm nay có được một sự “tỉnh ngộ” thấu đáo về hậu quả của việc làm ngây thơ non nớt ấy hay không - những việc làm cứ tưởng cống hiến tích cực cho dân cho nước, kỳ thực không những không ích gì đối với sự chuyển động bên trong của văn chương nghệ thuật, mà còn để lại một phương pháp tư tưởng cứng nhắc, khiến phê bình văn học rơi vào thô thiển, xã hội học dung tục, đến nay vẫn như một ám ảnh? [2]

b. Thứ hai, một bệnh lưu cữu khác của lý luận phê bình chúng ta là cái thói học người ngoài mà không tiêu hóa. Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhà ái quốc Phan Châu Trinh đã dõng dạc phê phán những thói hư tật xấu của người Việt, trong đó có thói quen nô lệ, “chỉ biết học theo Tàu”: cứ nhắm mắt bê nguyên xi luật pháp, khoa cử, học thuật phương Bắc áp dụng vào nước mình, làm cho tư tưởng ngày càng hèn kém, vậy mà đến giờ vẫn không biết nhục. Cho đến trước 1945, chúng ta đã mở thêm được một “cánh cửa hẹp” để thông với thế giới phương Tây, là nền văn hóa Pháp. Rồi sau 1945, nói như anh Xuân Khánh, chúng ta lại mở được một “cánh cửa hẹp” thứ hai là Liên Xô, để cho các lý thuyết xã hội chủ nghĩa du nhập vào nước ta. Tất nhiên phải nói rằng đấy vẫn chỉ là những “cánh cửa hẹp” thôi, nên những gì ta thâu thái được như phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa... cũng hết sức phiến diện so với mọi lý thuyết mới mẻ của thế giới trong thời đoạn ấy. Nhưng chỗ đáng lưu ý chưa phải là ở đó. Đáng lưu ý là, do thói quen nô lệ cũ chưa gột được, chúng ta đã tiếp nhận các lý thuyết phiến diện kia với một tư thế thụ động, nhắm mắt làm theo nhất nhất, hay nói như cụ Phan Khôi là dù học Liên Xô hay học ai cũng được, chỉ có điều, các học giả của ta đã “học” theo kiểu tằm ăn dâu mà không nhả ra tơ lại chỉ nhả ra dâu. Và còn tệ hơn thế, không nhả ra thứ lá dâu tươi non như dâu mình đã ăn mà nhả ra toàn loại dâu vón cục sau khi qua ruột tằm. Đó mới là chỗ “kẹt” của tư duy lý luận phê bình dân tộc nói riêng, của tư tưởng người Việt nói chung. Tôi nghĩ, đối với người sáng tác thì đúng như anh Nguyễn Khắc Phê đã tự nhận, có thể đọc và chuyển nó thành cảm hứng ở đầu ngọn bút, không cần khăng khăng giữ lấy một chủ nghĩa nào cả. Nhưng đối với người nghiên cứu, lý luận, phê bình thì do yêu cầu của công việc, vẫn phải cố gắng tiếp nhận mọi lý thuyết mới của thế giới, càng nhiều càng quý. Tuy nhiên, sự tiếp nhận lại cũng đòi hỏi một quá trình gian khổ thanh lọc, nhào nặn, biến hóa, để cái lý thuyết mà mình truyền thụ lại, thật sự trở nên cái của mình, có ích đối với việc khám phá văn học dân tộc và góp phần thúc đẩy sáng tác văn học dân tộc. Dường như đó vẫn là một yếu kém rất cần nỗ lực vượt qua đối với người phê bình trẻ hiện đại mà chỉ xin đưa một dẫn chứng: trong 100 luận án Tiến sĩ văn học do các trường và viện đào tạo mấy năm qua thì có dễ có đến bảy tám mươi luận án về thi pháp, và xem ra, cái gọi là thi pháp đó giống nhau đến mức đọc vào cứ có cảm giác một sự sao chép xa gần hoặc mờ nhạt của Giáo sư Trần Đình Sử không hơn không kém. Đó vẫn là “dâu” chứ đâu phải là “tơ” của lý luận.

© 2006 talawas



[1]Trong khi tham luận, nhà văn BBT đã cao hứng “nói thêm” về tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu.
[2]Còn nhớ vào năm 1960, người phát biểu mấy lời này đang công tác ở Nhà xuất bản Lao động, rất hăm hở theo dõi các hiện tượng văn học mới, và bạn mình là Phong Lê, đang làm việc ở tập san Nghiên cứu văn học, cũng luôn chia sẻ niềm hứng thú đó với mình. Một hôm, cả hai chúng tôi nhận được giấy của tạp chí Văn nghệ mời đến gặp mặt. Không biết là việc gì nhưng rất phấn khởi, chúng tôi có mặt đúng hẹn. Tiếp chúng tôi là anh Hoàng Trung Thông, Trưởng Ban Tuyên huấn và hình như kiêm Thư ký toà soạn báo Văn nghệ. Anh Thông rất niềm nở đối với hai nhà phê bình trẻ, và không cần úp mở, với giọng từ tốn anh đề nghị chúng tôi viết bài phê phán cuốn truyện vừa Mạch nước ngầm của nhà văn Nguyên Ngọc vừa mới xuất bản mà theo anh là một tác phẩm phần nào gieo tâm trạng bi quan, không tin tưởng ở cuộc sống xây dựng của miền Bắc trong hòa bình. Tuy chưa đọc Mạch nước ngầm, chúng tôi đã khẳng khái nhận lời, coi như sự giao phó của một bậc đàn anh có uy tín trong văn giới và trong hàng ngũ lãnh đạo văn nghệ. Sau đấy cả tôi và Phong Lê đã thức trắng nhiều đêm để đọc, chia nhau viết, và hoàn thành bài viết trong vòng một tháng. Lập tức trên tạp chí Văn nghệ tháng Bảy năm ấy, “ngọn roi phê bình” của chúng tôi đã quất thẳng vào “con ngựa” Mạch nước ngầm của Nguyên Ngọc một đòn đau (bài “Chỗ mạnh và chỗ yếu của Nguyên Ngọc trong Mạch nước ngầm”). Sau này, khi tôi đã chuyển về Viện Văn học (cuối 1960), được phân công sang một lĩnh vực mới là nghiên cứu văn học cổ, bản thân đã tỉnh ngộ ra nhiều điều, và nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng đã về Viện Văn học (1976) làm Viện trưởng một thời gian lâu, được tiếp xúc nhiều với anh, tôi cứ băn khoăn ngẫm nghĩ, không biết trong trường hợp trao phó cho hai chúng tôi nhiệm vụ phê phán Mạch nước ngầm, chính nhà thơ là người chủ động hay có chịu một áp lực nào từ trên dội xuống. Bởi xét ở cách ứng xử rất nhân văn của anh, tôi khó tin anh lại cương quyết trong những vấn đề như vậy. Cho đến năm 1980, tôi được tháp tùng anh sang Đông Berlin dự một Hội thảo khoa học về văn học chống phát xít. Chúng tôi không có phiên dịch tiếng Đức mà dùng tiếng Pháp, mặc dù trình độ nghe tiếng Pháp của tôi rất tệ. Một hôm, anh và tôi được mời đến dự bữa ăn ở nhà Gs. Kortum, có sự tham dự của vợ ông và Viện sĩ Nauman, đều là chuyên gia của Viện Văn học Đông Đức. Tôi mang hai chai “Lúa mới” đi theo. Trong cuộc gặp gỡ, ngẫu nhiên bà vợ Gs. Kortum ngỏ lời khen Việt Nam có thứ rượu rất tuyệt. Bấy giờ anh Thông mới đưa mắt cho tôi và tôi lôi ngay hai chai rượu trong túi dết ra. Mọi người ồ lên một lượt và mở luôn nút để cùng thưởng thức. Vốn là người sính rượu, anh Thông uống rất hào hứng, uống nhiều hơn cả chủ nhân bữa tiệc, vừa uống vừa bàn luận say sưa về văn học, và say lúc nào không biết. Đột nhiên anh đưa mắt nhìn mọi người trong bàn tiệc một cách khác thường rồi cất tiếng hỏi: “Permettez-moi de poser une question directe: y a-t-il ce qui s’appelle le réalisme socialiste en réalité?” (Cho phép tôi hỏi thẳng: trong thực tế có cái gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hay không?). Cả hai vị Giáo sư và Viện sĩ người Đức ngơ ngác, đưa mắt nhìn anh chằm chằm. Nhưng khi họ chưa kịp nói câu gì thì anh đã tự trả lời: “Non, jamais. Il n’y a rien de si difficile à avaler” (Không, Chưa hề có. Không có một cái gì “khó nhá” đến như vậy cả). Cả hai người reo lên lập tức: Ah! C’est juste! Avis bien judicieux! (Ô! Đúng! Ý kiến quá đúng!). Và kể cả anh Thông nữa, ai nấy dừng lại ở đấy rồi chuyển sang những chủ đề khác, không hề nhắc lại điều vừa chợt nói với nhau. Kể từ đó, tôi mới biết thêm những uẩn khúc bên trong con người Hoàng Trung Thông - người Viện trưởng mà tôi bao giờ cũng quý trọng.