trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
1.3.2007
Edmund S. Morgan
Điều cần biết đối với sinh viên năm thứ nhất đại học Yale
Cao Hùng Lynh dịch
 
Edmund S. Morgan
Con người không thích tò mò. Dân gian thường nói tò mò là một tính xấu và thường mang lại hiểm nguy. Người ta coi tò mò như là hành động của những kẻ rỗi hơi – mặc dầu những người tò mò hiếm khi nào nhàn rỗi. Các bậc phụ huynh dùng mọi cách để ngăn chặn tính tò mò nơi con trẻ, bởi vì nó làm cho đời sống trở nên rối rắm, khi đối diện với hàng loạt những câu hỏi nan giải. Trẻ con – những kẻ đang nỗ lực trưởng thành, những kẻ mà tính tò mò của chúng khiến cho những lời răn đe của cha mẹ luôn luôn tồn tại – được chào đón gia nhập Đại học Yale. Tại đây, chúng tiếp tục hỏi và cố gắng tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi của chính mình. Dưới đôi mắt của người học, đó chính là lý do mà người ta cần phải có ngôi trường đại học, nơi mà mọi thái độ thù nghịch đối với tính tò mò sẽ bị từ khước.

Một số câu hỏi của người học dường như đối với nhiều người là không đáng để hỏi và không cần phải trả lời. Họ – những người học – hỏi về hoạt động của các hạt proton, về ngày tháng trên một đồng xu La Mã, và về bố cục của một bài thơ. Họ hỏi cặn kẽ và chuyên sâu đến nỗi các bạn và tôi khó có thể hiểu được nếu không có nhiều năm tháng để được diễn giảng một cách tường minh.

Nếu người ta hỏi một vị học giả tại sao ông muốn biết lời đáp cho một câu hỏi chuyên biệt, thì có lẽ ông sẽ nói, đặc biệt nếu ông là một khoa học gia, rằng lời đáp, bằng một phương cách mơ hồ, sẽ làm cho một cỗ máy, hoặc một thiết bị mới nào đó có thể vận hành. Ông đáp như thế, bởi vì biết rằng con người thường chỉ hiểu và tôn sùng tính hữu dụng và không cần hiểu điều gì khác hơn ngoài đặc tính ấy. Nhưng đối với các bạn đồng môn và với chính các bạn, vị học giả ấy chắc sẽ không đáp như thế. Giờ đây các bạn đã là thành viên của ngôi trường đại học này, và vị học giả trông đợi các bạn hiểu rằng ông muốn biết lời đáp, đơn giản chỉ là vì ông không biết; người leo núi muốn chinh phục ngọn núi bởi vì trước mặt anh ta có ngọn núi.

Tương tự như vậy, một sử gia, khi được người ngoại cuộc hỏi tại sao ông nghiên cứu lịch sử, có thể sẽ đáp rằng nghiên cứu để có sự hiểu biết về quá khứ, nhằm thấu đạt hiện tại và định hình tương lai. Tôi đoan chắc rằng các bạn ít nhiều đã có lần được nghe một câu trả lời như vậy. Nhưng nếu các bạn thực sự muốn biết tại sao một sử gia bỏ công nghiên cứu dĩ vãng, thì lý do của điều ấy giản dị hơn bạn nghĩ rất nhiều: có một sự kiện đã xảy ra và vị sử gia chỉ muốn biết đó là gì.

Tất cả những điều này không hàm ý rằng những câu trả lời mà người học khám phá không mang đến một hậu quả nào. Trái lại, chúng có thể tạo ra những hệ lụy lớn lao; chúng có thể đổi thay hoàn toàn đời sống nhân loại. Nhưng những hậu quả ấy hiếm khi hình thành duyên do khiến người ta đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Thực tế cũng có việc các học giả đi tìm lời đáp cho các câu hỏi vì sự thúc bách của hậu quả, ví dụ như trong các cuộc nghiên cứu để tìm cách chữa trị căn bệnh ung thư. Nhưng đây không phải là động lực hàng đầu của họ. Hậu quả, đối với họ, chỉ là thứ yếu so với việc được thoả mãn tính tò mò. Ngay cả những người nghiên cứu về y khoa, cái khát vọng dập tắt những chứng bệnh hiểm nghèo có lẽ cũng yếu ớt hơn nhiều so với ước muốn khám phá bản chất của vấn đề. Einstein không hề muốn tạo ra bom hay điện nguyên tử. Thực ra, ông chỉ muốn tìm hiểu về năng lượng và vật chất mà thôi.

Tôi đã nói rằng tò mò là một hành động nguy hiểm. Nó nguy hiểm không chỉ vì các hệ quả ngẫu nhiên như bom nguyên tử, mà còn vì nó thực sự là nỗi khát khao chân lý. Trên thực tế, sự khao khát chân lý xem chừng như là một tình cảm được tôn trọng. Vì có nhiều người đáng kính quả quyết với ta rằng họ đã tìm thấy chân lý; điều ấy nghe như chân lý không có vẻ gì là nguy hiểm. Nhưng trái lại, nó thực sự là điều hiểm nguy. Truy tìm chân lý luôn phải đối diện và đánh đổ các định chế và niềm tin tồn tại lâu đời trong các lãnh vực khoa học, tôn giáo và chính trị. Ngày nay, dễ dàng thấy rằng các cuộc cách mạng trong quá khứ đã mang lại lợi ích vĩ đại cho nhân loại. Tuy nhiên, khó nhận ra ích lợi ấy trong lúc cuộc cách mạng đang diễn ra, đặc biệt khi các bạn cảm thấy mình hoàn toàn hài lòng với tình trạng trước đó. Tương tự thế, ngày nay, không phải lúc nào cũng nhận thấy được rằng sự thoả mãn tính tò mò của nhà nghiên cứu tỏ ra tương xứng với một cuộc đổ vỡ xã hội. Truy tìm chân lý là, luôn luôn là, một hoạt động mang tính chất lật đổ. Và người học đã ý thức rằng họ không thể nào tham gia vào hoạt động ấy nếu đôi khi thiếu vắng sự tranh đấu.

Vì lẽ đó, các bạn có thể tìm thấy sự chống chọi của họ trước bất cứ hành động đe doạ nào đối với công cuộc tự do mưu cầu chân lý. Họ rất thận trọng với việc ràng buộc vào các định chế hoặc niềm tin mà có thể áp đặt cho mình những giới hạn, hoặc mang đến những lời đáp khuôn mẫu cho các vấn đề. Các bạn sẽ thấy nỗi hồ nghi của họ đối với những lời thệ ước trung thành, những tín điều tôn giáo hay sự gia nhập bè phái chính trị. Đăc biệt, họ cố gắng gìn giữ thế giới riêng của mình như là một nơi chốn tôn nghiêm, mà ở đó, bên trong bốn bức tường của không gian thiêng thánh ấy, không có câu hỏi nào có thể bị cấm ngăn.

Nỗi âu lo bị giam hãm vào định kiến đôi lúc có thể thoái hoá thành một căn bệnh học thuật, một căn bệnh làm tê liệt óc tò mò, trong khi đáng ra phải bảo vệ đức tính ấy. Một người học tệ hại nhất xem chừng như chỉ là một kẻ không thể tự mình quyết định. Tất cả các phòng học, từ nơi chốn này cho đến tận Melbourne, nay vẫn còn âm vang những lời lẽ do dự, nhu nhược như thế này: “Có hai trường phái tư tưởng cho vấn đề này, và sự thật có thể nằm ở giữa hai trường phái ấy”. Khi các bạn nghe lời lẽ trên được lặp lại, hoặc khi các bạn bị cám dỗ lặp lại lời lẽ đó, hãy nhớ rằng chân lý có thể nằm ở điểm trung dung giữa hai thái cực, nhưng chắc chắn nó không nằm ở giữa cái đúng và cái sai. Đừng làm gián đoạn sự tò mò bằng cách làm ra vẻ mình đã khám phá ra câu trả lời, trong khi các bạn chỉ mới tạo ra một danh sách gọn gàng các giải pháp tạm chấp nhận.

Sự cung hiến cho óc tò mò không nên kết thúc trong nỗi do dự. Nó nên là, trên thực tế, sự tự nguyện để cho tâm trí dấn sâu vào các quyết định khó khăn.

Đối với người học, một đặc tính thứ hai có vẻ như không liên quan gì đến đặc tính thứ nhất [1] , nhưng lại gắn bó một cách mật thiết với nó. Đó là sự thúc bách thông tri. Người học bị chi phối bởi một thế lực mạnh mẽ không kém tính tò mò, và thế lực ấy buộc anh ta phải kể lại cho mọi người nghe những gì anh ta đã học được. Anh ta không thể thảnh thơi ngừng nghỉ với những điều đã học: anh ta phải nói về chúng. Tinh thần học hỏi khởi đầu bằng tính tò mò, nhưng kết thúc bằng sự thông tri. Dẫu người học có thể lẩn tránh xã hội trong các bờ tường của viện đại học, nhưng họ phải nhận lãnh trách nhiệm đối với xã hội, trách nhiệm thông đạt một cách tự do và trọn vẹn những gì mà họ đã khám phá được bên trong khuôn viên đền thiêng của họ. Truy tìm chân lý không cần một lý lẽ biện minh, và khi một người nghĩ rằng mình đã khám phá sự thật, anh ta không thể và cũng không phải im lặng. Con người lắm lúc không muốn nghe, nhưng người học lúc nào cũng phải nói, cho đến khi nào mục đích thông tri thành tựu.

Với học giả, chỉ có hai phương pháp thông tri – viết và nói. Vị học giả xuất bản các phát kiến của mình thông qua sách báo và thuyết giảng về chúng trong lớp học. Có lúc một trong hai phương pháp sẽ làm hài lòng ông ta, nhưng hầu hết tất cả chúng ta đều cần đến cả hai. Vị học giả chỉ viết sách thường rơi vào thói quen chỉ có thể nói cho các nhà chuyên môn nghe. Nếu làm việc với đề tài đồ sộ, ông ta sẽ đạt tới một địa vị mà không ai có thể có đủ kiến thức chuyên môn để hiểu ông ta; thế là ông ta viết cho chính mình. Trong khi đó, nếu vị học giả ấy không viết lách gì cả, ông ta có thể trở nên say sưa với giọng nói của mình, đến nỗi sẽ thôi làm học giả để trở thành diễn giả.

Sự thông tri không chỉ là ước vọng và trách nhiệm của học giả; đó là lề luật của chính ông, là một khu vực thử nghiệm để khảo nghiệm những khám phá của mình trước các ý kiến phê bình. Không có thông tri, cuộc truy tìm chân lý sẽ biến thành hành động kỳ quặc, khó coi. Học giả cần dành nhiều thời gian trong thư viện và phòng thí nghiệm để tìm kiếm đáp án cho các vấn đề nghiên cứu. Nhưng ông ta cũng nhất thiết phải liên tục cọ xát với các ý kiến khác. Ông ta cần phải được kiểm chứng, thăm dò và giám sát. Ông ta cần phải sẵn sàng để giải thích thoả đáng. Chỉ khi nào ông ta đã chứng tỏ được mình, chỉ khi nào ông ta đã thông tri được tư tưởng của mình, khi đó ông ta mới có thể cả quyết rằng mình đã suy tư tường tận.

Học giả, nói cách khác, cần có người đồng hành để thấy mình có ý nghĩa. Và đặc biệt, ông ta cần người đồng hành có một tâm trí thanh khiết, những người mà ông ta phải diễn giảng mọi điều ngay từ lúc khởi đầu. Ông cần người thách thức mình trong từng bước đi, những không thừa nhận bất cứ điều gì vĩnh viễn là chân lý. Nói một cách ngắn gọn, ông ta cần các bạn.

Khi đặt chân đến đây, các bạn có thể ôm ấp những mục đích khác nhau và các bạn có thể thực hiện các điều ấy: các bạn có thể chơi túc cầu, quần vợt; các bạn có thể hát ca, diễn kịch và tham gia các hoạt động giải trí cuối tuần. Nhưng điều mà nhà trường trông đợi nơi các bạn là bốn năm chuyên cần học tập. Trong bốn năm ấy, chúng tôi mong muốn các bạn cùng tham gia hành trình truy tìm chân lý, và chúng tôi sẽ đòi hỏi ở các bạn những gì mà chúng tôi đòi hỏi cho chính bản thân mình, đó là: tính tò mò và sự thông tri.

Tò mò, tất nhiên, không là điều mà các bạn sẽ đạt được chỉ bằng cách ước muốn. Nó có đặc tính lây lan một cách đáng kinh ngạc. Tính tò mò mà chúng tôi mong đợi phải lớn hơn mối quan tâm thi cử. Chúng tôi sẽ không thoả mãn trước các câu hỏi sáng sủa và sự tiếp nhận các thông tin dễ hiểu của các bạn. Tiến trình thụ nhận thông tin chỉ là phần cần thiết của việc học hỏi, và bất hạnh thay, phần cần thiết này hầu như sẽ được trắc nghiệm trong các kỳ thi, đặc biệt là những bài thi khó khăn có danh xưng là “trắc nghiệm khách quan”, nơi mà sự thật luôn nằm trong các ô chọn lựa A, B, C, D hoặc E, nhưng không bao giờ vươn tới X, Y, hoặc Z. Tính tò mò mà chúng tôi mong mỏi nơi các bạn không thể được thoả mãn bằng cách vượt qua các kỳ thi, hay bằng cách ghi nhớ các câu trả lời và câu hỏi của người khác. Chúng tôi không muốn đặt các bạn vào khoá học rèn luyện trí tuệ. Chúng tôi chỉ muốn các bạn không được ưng thuận với bất cứ điều gì ngoài toàn bộ sự thật về đề tài khiến bạn quan tâm. Điều này có nghĩa là chúng tôi muốn các bạn mãi mãi không hài lòng với sự hiểu biết ít ỏi của chúng ta. Chúng tôi muốn các bạn dồn chúng tôi vào chân tường, vạch mặt và buộc chúng tôi phải thú nhận rằng chúng tôi không biết. Điều này nghe ra có ghê gớm lắm không? Xin thưa: Không. Chúng tôi có thể nói với các bạn về điều chúng tôi biết bằng một sự cả quyết, nhưng hãy xô ngã chúng tôi và các bạn sẽ khám phá nhiều lỗ hổng.

Hãy để tâm trí của các bạn len lỏi vào mọi ngóc ngách của những lỗ hổng ấy. Hãy để tính tò mò dẫn dắt tâm trí các bạn. Các bạn sẽ không đạt được toàn bộ sự thật, không phải về các hạt proton, không phải về bố cục của một bài thơ, thậm chí cũng không phải về đồng xu La Mã. Không ai đạt được cả. Nhưng nếu bạn học được bất cứ điều gì, thì chính điều ấy sẽ làm đổi thay tâm hồn bạn, và hy vọng cũng sẽ đổi thay cả tâm hồn chúng tôi. Dấu hiệu để cả các bạn lẫn chúng tôi thấy rằng chúng ta đã để hoài phí bốn năm ròng rã là mai đây, sau khi rời khỏi chốn này, các bạn vẫn nghĩ suy giống như bây giờ, hoặc giống như chúng tôi bây giờ.

Khi đó, chúng tôi mong muốn các bạn sẽ lại tò mò để truy tìm chân lý. Chúng tôi cũng trông đợi các bạn truyền đạt bất cứ sự thật nào mà các bạn khám phá được và sẽ thực hiện điều đó bằng cả hai phương pháp viết và nói. Nhiều người ngỡ rằng khi họ bập bẹ phát biểu về điều gì, có nghĩa là họ đã biết tỏ tường về điều đó. Họ đã lầm. Hoàn toàn không có việc bạn đã suy nghĩ thật cặn kẽ, mà lại không thể tự diễn đạt một cách rõ ràng, đặc biệt bằng cách viết. Viết không chỉ đơn giản là một cách thức thông tri; nó còn là một phượng tiện suy tư. Cho đến giờ, chắc là các bạn đã thụ nhận được một kỹ năng viết lách nào đó rồi. Nhưng thậm chí nếu đã có được điều đó, các bạn vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi thêm về kỹ năng ấy. Và nếu bạn không biết thêm gì về kỹ năng ấy trong vòng bốn năm sắp tới, thì một lần nữa, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy chúng tôi đã thất bại trong trách vụ của mình, trách vụ làm cho bạn có thể thông tri một cách rõ ràng.

Thông tri là một tiến trình hai chiều, và đại học là nơi chốn dành cho mọi người đến học hỏi, là nơi mà câu hỏi được hỏi và lời đáp được thông tri – lời đáp của các bạn hướng đến chúng tôi, và của chúng tôi hướng đến các bạn. Sau khi kết thúc bốn năm, đa số các bạn sẽ rời khỏi Yale, nhưng nếu nơi chốn này thực sự là một nơi chốn của sự thành tựu, nếu chúng ta thực sự có được sự thông tri lẫn nhau, tôi tin rằng các bạn, trong một ý nghĩa nào đó, sẽ là những người học tiếp tục đặt câu hỏi mới, tìm kiếm lời đáp mới, và truyền đạt chúng đến với mọi người.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Tính tò mò (ND)
Nguồn: Trích từ Saturaday Review, số ra ngày 23 tháng 1 năm 1960. Nguyên bản: The World of Ideas, Essays for Study do Micheal W. Alssid và William Kenny biên soạn.