trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Bầu cá»­ Quốc há»™i khoá XII
 1   2   3   4   5 
10.4.2007
Bùi Minh Quốc
Một mình một phiếu
(Kính gửi báo Văn nghệ cùng các báo đài trong, ngoài nước và trên mạng internet)
 
Tại kỳ họp cuối khoá 11 vừa rồi, Quốc hội đã tổng kết: một nguyên nhân hàng đầu khiến cho hoạt động của Quốc hội còn nhiều yếu kém là do chất lượng kém của phần lớn đại biểu Quốc hội.

Vậy nguyên nhân của tình trạng chất lượng đại biểu Quốc hội còn kém là do đâu?

Nhất định là có nguyên nhân ở cơ chế (lại “cơ chế”, cơ khổ, nếu nói thật nói thẳng thì phải gọi là thể chế), nhưng sửa cơ chế, thể chế thì hơi lâu, vậy trong khi chờ đợi, hãy nhìn vào hai khâu dễ thấy nhất để sửa ngay là khâu cử và khâu bầu.

Trước hết nói về khâu cử.

Bao lâu nay thường có câu truyền miệng và trên mặt báo phê phán tính hình thức của việc bầu cử: “Đảng cử dân bầu”. Nhưng nói thế là oan cho 99% đảng viên vì họ có tí quyền gì trong việc cử ấy đâu.

Xin nêu hai dẫn chứng, với hai trường hợp điển hình là ông Nguyễn Hữu Thỉnh và ông Đặng Hùng Võ.

Mọi người đều biết việc ông Nguyễn Hữu Thỉnh, đại biểu Quốc hội, bí thư đảng đoàn, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, can tội đạo văn, nói nôm na là ăn cắp văn. Nhiều nhà văn đã lên tiếng tố cáo vụ này trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước. Nhà phê bình Đặng Tiến ở Pháp, sau khi đối chiếu kỹ bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh với bài thơ “Thượng đế tạo ra mặt trời” (được dịch ra tiếng Việt) của nữ thi sĩ Christa Reinig đã kết luận rành mạch trong một bài viết đăng trên talawas số 378 ra ngày 22.11.2006: “Hữu Thỉnh có đạo văn, một cách ý thức, công phu và tinh tế”. Nhưng vụ đó cũng chưa ăn nhằm gì so với vụ Hữu Thỉnh đã vi phạm pháp luật kéo dài: vừa làm tổng thư ký Hội Nhà văn vừa làm tổng biên tập báo Văn nghệ và hiện nay vẫn vừa làm chủ tịch Hội vừa làm tổng biên tập tạp chí Thơ, cơ quan ngôn luận của Hội, trong khi luật báo chí nghiêm cấm thủ trưởng cơ quan chủ quản không được làm tổng biên tập báo, tạp chí thuộc cơ quan mình. Một đại biểu Quốc hội mà ngang nhiên vi phạm pháp luật và suốt cả nhiệm kỳ vừa qua, với tư cách đại diện cho giới nhà văn, Hữu Thỉnh thuộc loại ngậm miệng dài dài trong mọi phiên họp trước những vấn nạn hàng đầu của đất nước.

Hữu Thỉnh đã tự làm nhục mình (nhưng không biết xấu hổ), đồng thời làm nhục Hội Nhà văn, làm nhục Đảng và Quốc hội.

Thật hết sức kinh ngạc khi thấy Hữu Thỉnh không những không bị xem xét xử lý mà lại được tiếp tục giới thiệu ứng cử Quốc hội khoá 12.

Một sự thách thức lương tri các nhà văn Việt Nam và công dân Việt Nam!

Trong khi đó, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, một cán bộ được công luận đánh giá là làm việc tốt, nghỉ hưu đúng tuổi nhưng muốn tiếp tục đem tâm sức phục vụ nhân dân nên tự ra ứng cử thì bị tổ chức Đảng dựa vào 19 điều cấm (trong Đảng) buộc phải rút lui.

Thế là thế nào?

Thế là cái 19 điều cấm ấy đã hiện nguyên hình một thủ đoạn dù vi phạm điều lệ Đảng vẫn ngang nhiên được dùng để tước quyền công dân, tước vũ khí chiến đấu của đại đa số đảng viên (trong khi những người lãnh đạo lại luôn lớn tiếng kêu gào nào là Đảng hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, nào là phải nâng cao sức chiến đấu của Đảng) và tạo điều kiện rảnh rang cho một vài cá nhân hoặc một nhóm nhỏ ở chóp bu bí mật sắp đặt toàn bộ nhân sự chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Rõ ràng việc giới thiệu chỉ là sự móc ngoặc bè phái thậm chí là chạy chọt để sắp đặt chia ghế cho nhau rồi đưa ra dân bầu một cách hình thức. Tình trạng ấy đã diễn ra hoài hoài hàng nửa thế kỷ, nay vẫn lặp lại không mệt mỏi. Cái ghế của mỗi cán bộ chỉ lệ thuộc vào sự sắp đặt từ bên trên chứ không lệ thuộc vào lá phiếu của toàn Đảng toàn dân. Cho nên họ mới coi đảng viên thường (nhất là đảng viên đã nghỉ hưu) và người dân thường không bằng cái đinh rỉ. Cho nên mới đẻ ra các vụ động trời như ủy viên Bộ Chính trị kiêm chủ tịch nước Lê Đức Anh can tội gian lận tuổi Đảng cùng nhiều tội tày đình khác (như vụ Tổng cục 2) bị các lão thành cách mạng tố cáo ráo riết liên tục từ 1976 đến nay mà không bị khai trừ, cách chức và truy tố. Rồi vụ Nguyễn Khoa Điềm, đại biểu Quốc hội, tổng thư ký Hội Nhà văn (khoá 5) bị tố cáo gian lận đảng tịch leo tới Bộ trưởng Văn hoá, rồi ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương để cho vào máy nghiền cuốn tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 rất giá trị của Bùi Ngọc Tấn, xoá 2 câu về chiến thắng Điện Biên và chiến dịch Hồ Chí Minh trong chúc văn giỗ tổ Hùng Vương, chỉ đạo viết điếu văn xúc phạm anh linh lão tướng công thần Trần Độ, v.v… Người tố cáo vụ gian lận đảng tịch của Nguyễn Khoa Điềm là ông Nguyễn Đức Đạo, cậu vợ của Nguyễn Khoa Điềm. Trong đơn tố cáo gửi Trung ương Đảng, ông Nguyễn Đức Đạo vạch rõ:

“Đầu xuân 1968, anh Điềm ở trong số 2300 đồng chí của ta bị Mỹ-ngụy bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ Huế được ta giải phóng ra. Tất cả các đồng chí thoát tù đều được đảng bộ nhà lao xác nhận và cấp tốc giao về đơn vị cũ để tiếp tục chiến đấu. Riêng anh Điềm sau đó không lâu được đưa lui về phía sau bố trí vào trại sản xuất A Cơi (miền tây Thừa Thiên) do Ban Kinh tế Khu ủy quản lý. Biết anh Điềm là cán bộ tuyên huấn, có năng khiếu văn thơ, lại là cán bộ từ miền Bắc vào, nên Ban Tuyên huấn Khu ủy định xin anh về tăng cường vào bộ phận văn nghệ của Ban đang thiếu cán bộ. Ban và cấp ủy có cử tôi (phó bí thư chi bộ Ban) và anh Thanh Hải (nhà thơ, bí thư chi bộ Ban) sang Khu ủy gặp đồng chí Trương Chí Công (tức Trương Công Kỉnh) phó bí thư thường trực phụ trách tổ chức và đồng chí Lê Tư Minh, phó bí thư Khu ủy phụ trách an ninh kiêm bí thư thành ủy Huế, cả hai đồng chí đều không đồng ý và cho chúng tôi biết lý do như sau: Anh Điềm không phải đảng viên, trong tù là phần tử phản bội đầu hàng đầu thú khai báo có hại cho cách mạng nên bị anh em cán bộ ta trong tù cô lập, đảng ủy nhà lao cấm không ai được liên lạc và quan hệ với anh Điềm.”

Ngay từ sau 30.4.1975, khi thấy Nguyễn Khoa Điềm vào thành ủy Huế phụ trách thanh niên, nhiều đồng chí biết về Nguyễn Khoa Điềm đều rất ngạc nhiên và đã viết thư tố giác gửi thành ủy, tỉnh ủy, nhưng vụ việc bị ỉm đi.

Thế đấy, một thế lực thẻ-đỏ-tim-đen đã cố kết bằng đặc quyền đặc lợi thành hệ thống trong Đảng đến tận cấp cao nhất, ngang nhiên vi phạm nguyên tắc Đảng, điều lệ Đảng, ngang nhiên hoạt động bè phái theo kiểu “Đảng là ta” để sắp đặt mọi việc của Đảng và Nhà nước (xin xem thư tố cáo của các tướng lĩnh và các lão thành cách mạng Nguyễn Nam Khánh, Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Lê Tự Đồng, Nguyễn Đức Tâm, Phạm Văn Xô, Đồng Văn Cống, Nguyễn Văn Thi…).

Cái sự “Đảng cử” thực chất là thế, cho nên nói “Đảng cử” là rất oan cho đại đa số đảng viên.

Nhưng xét kỹ thì cũng không oan lắm đâu.

Bởi vì những kẻ thẻ-đỏ-tim-đen độc quyền sắp đặt mọi việc kia, về hình thức đều được bầu hợp thức từ cơ sở tới tận thượng đỉnh đấy chứ.

Ấy thế, vấn đề là ở cái người bầu, người cầm phiếu, người bỏ phiếu.

Đảng viên thì cứ cung cúc bỏ phiếu đúng tăm tắp theo sự sắp đặt xảo quyệt kia hết kỳ đại hội này đến kỳ đại hội khác, xong lại về ngồi rên rỉ than vãn với nhau nơi vỉa hè xó bếp. Người dân thì lúc điên máu lên là ào ào kéo nhau đi phá cửa đập nhà mấy tay cường hào ác bá thẻ đỏ, xong lại cầm phiếu cung cúc đi bầu cho những kẻ tệ hại chẳng kém, chỉ khác là chúng biết sửa sang mặt mày giọng lưỡi và chùi mép khéo hơn, để rồi chúng tiếp tục móc túi mình, cướp đất mình, bóp cổ mình.

Thế là thế nào?

Một trạng thái gần như không thể hiểu nổi. Cứ như thể bị ma ám, bị mất vía. Cả một đội ngũ đảng viên, cả một nhân dân từng kiên cường bao nhiêu, bất khuất bao nhiêu trong lửa đạn mà nay đổ khờ ra như thế? Khờ đến mức đứng trong phòng kín một mình một phiếu tha hồ hít thở thoải mái (thậm chí có thể trung tiện cũng không sao) mà không thể có lấy một giây tỉnh ra rằng mình đang bỏ phiếu bầu cho những kẻ sẽ bóp cổ mình.

Đi đóng thuế thì rất cẩn trọng chi li với đồng tiền xương máu mồ hôi nước mắt của mình, mà đi bỏ phiếu thì… thế đấy.

Làm sao đây?

Làm sao để người dân hiểu được rằng cái lá phiếu mình cầm trong tay cũng thấm nặng xương máu mồ hôi nước mắt chẳng khác gì đồng tiền cầm đi đóng thuế. Làm sao để người dân ý thức được sức mạnh đem lại phúc/hoạ của lá phiếu trong tay mình?

Làm sao?

Làm sao?

Khó thật.

Chẳng lẽ phải ngồi đợi đến ngày các bà các cô thợ cấy của chúng ta biết bức xúc (xin lỗi, bức xúc như cần trung… tiện) rủ nhau tìm đọc Giăng-giắc Rút-xô, Mông-tét-squi-ơ, Tốc-cơ-vin trước khi đi bỏ phiếu?

Khó thật đấy, nhưng thiết nghĩ có lẽ cũng không phải đợi lâu đến thế.

Còn nhớ, cái thời phong trào Duy Tân, cụ Phan Châu Trinh mở đầu bằng hô hào vận động cắt tóc ngắn, một việc ngỡ như cực kỳ khó.

Cúp hề! Cúp hề!

Bỏ cái ngu mày
Bỏ cái dại mày


Mấy câu vè, mà người hồi đó bảo là của ngòi bút Nho học-Tây học cao thủ Phan Khôi, lan truyền rất nhanh, chẳng bao lâu, cái mái tóc dài ngự trị lâu đời trên đầu người đàn ông Đại Cồ Việt được thay bằng mái tóc ngắn.

Còn nhớ, cái thời đánh Mỹ, các mẹ các chị dù không biết chữ mà lý sự rất chi sắc sảo trong các cuộc đấu tranh chính trị, khiến cho mấy cha quận trưởng tỉnh trưởng học vấn súng ống đầy mình cứ cà lăm suốt và buộc phải chấp nhận yêu sách.

Và mới đây, một cách ít ồn ào, bằng lá phiếu êm ái mà kiên quyết, tại Đại hội Đảng lần thứ 10, thủ đoạn sắp đặt nhân sự xảo quyệt thâm căn cố đế tưởng chừng không thể thay đổi đã bị xô lệch phần nào, làm rơi rụng mấy kẻ thẻ-đỏ-tim-đen quan trọng. Một dấu hiệu cho thấy khả năng dùng lá phiếu để xô lệch, đi đến làm rệu rã hệ thống thẻ-đỏ-tim-đen được cố kết giằng néo kinh niên bằng đặc quyền đặc lợi là một khả năng hiện thực. Chỉ cốt những người tử tế trong toàn Đảng và toàn Dân đừng có mệt mỏi. Những kẻ thẻ-đỏ-tim-đen không bao giờ mệt mỏi trong trò sắp đặt của chúng thì chúng ta cũng không bao giờ được phép mệt mỏi. Cứ nghĩ đến bao nhiêu máu đã đổ xuống, bao nhiêu cặp mắt người đã khuất đang trừng lên từ dưới mồ rọi thẳng vào mình là tự thấy không được phép mệt mỏi.

Thị trường là chiến trường!
Nghị trường là mặt trận!

Giành lấy diễn đàn mà nói tiếng nói của sự thật, của lẽ phải. Cung cấp thông tin cho nhau, cùng nhau tìm đúng những gương mặt tử tế mà ủng hộ, cùng nhau vạch mặt chỉ tên những hạng thẻ-đỏ-tim-đen chưa bị lộ mà xổ toẹt, dùng lá phiếu để đưa những người tử tế từng bước giành lại từng tổ Đảng, từng chi bộ, từng tổ công đoàn, từng tổ nông hội, từng chi đoàn thanh niên, từng chi hội sinh viên, cứ thế từ cơ sở đến trung ương. Một người biết bảo cho ba người chưa biết, ba người nhân thành chín người, chín người thành tám mốt người, trăm người chả mấy chốc sẽ thành nghìn người. Cứ thế, từng ngày (mỗi ngày mỗi người nói với người khác một lời phải lẽ là thấy lòng sung sướng, là thấy khoẻ khoắn ra, tuổi thọ tăng thêm, còn cứ ngồi vỉa hè xó bếp mà rên rỉ than vãn thì tổn thọ là cái chắc). Khi có một triệu người thì cũng chả mấy chốc thành mười triệu người, và với mười triệu người ý thức đầy đủ về sức mạnh đem lại phúc, hoạ của lá phiếu trong tay mình thì công cuộc dân chủ hoá sẽ chuyển động đáng kể. Cuộc vận động này hẳn cũng không đến nỗi nặng nhọc bằng cuộc vận động cắt tóc ngắn ngày xưa. Cái chìa khoá mở kho dân quyền nằm ngay trong túi ta mà ta không biết, để lâu quá nó hoen ri, nay đem ra mở mà thấy còn kẹt thì cà đi chút xíu là mở được thôi.

Nối gót các cụ Phan Châu Trinh, Phan Khôi xưa, kẻ hậu sinh này xin góp vào cuộc vận động mấy vần nôm na của mình:

Ca dao vận động bầu cử

Một mình một phiếu trong tay
Phúc, hoạ cũng một sự này ai ơi:
Bầu người tử tế xây đời
Bầu quân gian tế là toi nghiệp mình
Phải nhìn cho tỏ cho tinh
Nhìn vỏ thấu ruột ngọn ngành tóc tơ
Tên nào còn ngợ còn ngờ
Thẳng tay gạch phắt, chớ lơ mơ bầu!

(Nếu có điều kiện thì tôi sẽ in bài ca dao trên đây đưa đến tận tay từng người dân Việt tôi.)

Đà Lạt 08.04.2007

Bùi Minh Quốc
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
03 Nguyễn Thượng Hiền – Đà Lạt
ĐT: 063-815459 * 0918007842

© 2007 talawas