trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
13.4.2007
Nguyễn Hữu Liêm
Sơn chộ mệ đầu đội trái bín chạy giặc
 
"Chúng ta là con cháu, là thi sĩ, là tiên tri và nhạc sĩ của Khổ Đau. Chúng ta cùng đan áo cho thần đế từ những sợi len trong tim hồng. Và chúng ta chất đầy tay của Thiên thần bằng hạt giống của ngã tướng nội tâm". (Khalil Gibran, trong Chúng tôi và Anh)

Tối thứ Bảy tuần qua, 7/4, tại tư gia của một thân hữu vùng Milpitas, California, ca sĩ Nguyễn Hữu Thái Hoà, từ Canada đến, đã cống hiến cho thân hữu một đêm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn. Thái Hoà có một giọng ca thanh nhẹ và sang trọng. Đây là tiếng rung của một thế hệ mới, thừa hưởng gia tài tình cảm và ngôn ngữ thi ca của thế hệ trước - đồng lúc mang luôn gánh nặng đau buồn trong lịch sử đó. Làm thế nào để quá khứ u uất này không trở thành một di sản quá gần, quá quen, và nhận chìm tâm trí? Chúng ta có cần ca sĩ mới, âm nhạc mới, nghệ thuật mới để vượt qua quá khứ này?

Giới nhạc sĩ Việt sẽ không thoát khỏi Sơn nếu họ không hiểu thấu ý nghĩa âm nhạc của anh. Cái khó của nghệ thuật là tự làm mới những ngôn từ vốn đã quá mòn. Và không có một dòng âm hưởng nào mà đã không quá mòn, quá quen, quá gần như nhạc của Sơn. Vậy mà, đêm đó Thái Hoà cũng đã làm tôi ngạc nhiên với một bài ca mà tôi chưa hề nghe. Đó là chuyện Sơn, vào “mùa hè đỏ lửa" năm 1972, đến chợ Đông Ba Huế và chộ (thấy) một bà cụ chạy giặc từ Quảng Trị mang "côi trôốc" (hai chữ ô - "trên đầu") một trái bín (bí) còn xanh. Khi Sơn hỏi thăm cụ thì anh mới biết đó là tài sản duy nhất mà bà cụ có thể mang theo - ngoài căn nhà tranh và mảnh vườn nhỏ thêm vài ba con heo gà, mà ban ngày, không có thân nhân, một mình cụ đuổi bắt không được. Sơn sáng tác bản nhạc về chuyện bà cụ này. Tôi không nhớ tên và lời. Lúc đó, trời đã về khuya, cùng với Thái Hoà uống Chivas Regal, giả đò như là cùng uống với Sơn - tôi say quá nên quên hết. Nhưng cái ấn tượng qua âm nhạc về câu chuyện bình dân và bi hài đó không xa lạ gì - vì tôi đã chạy trong đoàn người đó qua đoạn đại lộ Cầu Dài kinh hoàng năm 1972 cùng với nhiều bà mẹ Quảng Trị như thế, và đã chứng kiến nhiều vở bi kịch kinh hoàng lẫn buồn cười gấp trăm ngàn lần. Giữa tiếng ca Thái Hoà, quá khứ tôi trở về, trong cái xúc động đau như cắt từ một vết thương mà có vẻ như không bao giờ lành được. Làm mới lại quá khứ, cho dù bằng âm nhạc của một thiên tài như Sơn, cũng không vượt qua được vết thương lòng cho cá nhân trong cuộc.

Nhưng khi chị Bùi Như Mai lên hát chen kẽ "Nó và Tôi", một bài ca mà Chế Linh hay hát về chuyện một anh lính chiến miền Nam, thì mọi người vừa nghe, vừa cười ngặt nghẽo, làm cho Như Mai đang hát phải bật cười theo. Cũng một câu chuyện, cũng thảm thương, và không có gì bi hài trong đó, nhưng mọi người không chia sẻ được. Còn chuyện bà cụ Quảng Trị với trái bí trên đầu chạy giặc đầy hài hước thì mọi người lại nghiêm túc thưởng ngoạn. Hai vết thương lòng cùng được khơi lại, cái thì được đón nhận như mật ong dịu ngọt đầy xúc động, cái kia thì buồn cười như câu hề của Hoài Linh.

Bản sắc của khổ đau, nói theo nhà văn Mỹ Scott Turrow, thì cũng như tuyết mùa đông. Hàng triệu mảnh tuyết trắng rơi đầy trời, ngập mặt đất, tràn cả cành cây, nhưng không có mảnh tuyết nào giống mảnh tuyết nào. Sự xuất sắc của Trịnh Công Sơn là anh biến những kinh nghiệm đau khổ cá nhân, rất nhỏ nhoi, của riêng mình, thành ra một âm điệu phổ cập. Cái đặc thù không còn bị vướng bởi tính hạn hẹp và riêng rẽ của từng biến cố và sự việc. Ở Sơn, cái từ riêng ta rung lên với cảm thức về cuộc đời. Vượt qua điệu nghệ của nhạc và lời, và cả tên tuổi của Sơn, hay giọng hát của Thái Hoà, cái chất "hát thơ", nói theo Văn Cao, của nhạc Trịnh là năng lực giải hoá xót xa bằng sự phổ quát hoá kinh nghiệm của mình qua âm nhạc. Sơn mắc nợ cuộc đời từ những cảm hứng nghệ thuật mà anh được cảm nghiệm - và anh phải trả lại cuộc đời bằng những ca điệu "hát thơ" từ những chuyện rất nhỏ nhoi và riêng tư đó.

Rudolf Steiner, một nhà huyền bí học của Đức ở đầu thế kỷ 20, trong cuốn sách, Man as a Symphony of the Creative Word (Con người như là một giàn nhạc giao hưởng của ngôn từ sáng tạo, nguyên bản tiếng Đức: Der Mensch als Zusammenklang des schaffenden, bildenden und gestaltenden Weltenwortes, 1923), viết rằng, "Cho những ai cưu mang cuộc sống bằng viễn kiến tinh thần đều phải cảm nhận, không những chỉ là khổ đau, mà cả hạnh phúc và hoan hỷ, vốn được cống hiến từ cuộc đời." Trong viễn cảnh tinh thần, với học thuyết Steiner thì, người nghệ sĩ linh cảm được tình khúc của vũ trụ mà trong đó, nói như đức Phật đã, khổ đau là vô biên giới. Mỗi kinh nghiệm cảm thức được với nhân gian bằng sự khổ đau của họ, chàng nghệ sĩ trở nên con nợ tinh thần, như thân xác của anh mắc nợ vật thể từ trái đất. Nợ nào cũng phải trả. Khi chết, thân thể trở về lại cát bụi để giải hoá nợ nhục thân; khi "uống được nước mắt" của nhân loại từ trong tiếng bi thương của họ, ta phải chuyển hoá lên cao thành nghệ thuật giao hưởng, để trả lại món nợ trần gian - cho dù có "hai mươi năm xin trả nợ người" của Sơn cũng không dừng lại một chuyện tình cảm riêng, mà là món nợ tinh thần của người nhạc sĩ đối với thế gian vốn đã cho anh một cảm xúc như vậy.

Mỗi chúng ta mắc quá nhiều nợ với thế gian này - kể cả chính mình. Và Sơn vô tình là một chủ nợ tinh thần mới cho cả hai ba thế hệ âm nhạc Việt. Mỗi lần tôi nghe nhạc của Sơn, tôi cảm thấy mình - như "thiên thu gọi" để - đang ngắm chăm một con chim phượng hoàng thả cánh giữa bầu trời trưa. Hơi nóng phản dội từ mặt đất tạo nên một áp xuất không khí nâng thân chim cân bằng giữa trời mà nó không cần vỗ cánh. Chim phượng hoàng khi thả cánh giữa trưa, nói theo Steiner, thì nó không còn thuộc về thế gian, nhưng tất cả cái gì của nó đều là từ trái đất. Chim phượng hoàng nằm nơi tầng cung bậc trong giai tầng âm thanh vũ trụ giữa quả đất, con người và mặt trăng. Khi chim này chết, lông cánh trở nên chất liệu tinh thần và xác thịt trở về trái đất. Khi phượng hoàng bay, tinh thần vươn theo gió nắng của trời, nhưng thân xác và nỗi thèm ăn cấu xé thân mình làm chim phải dành hết đôi mắt tìm mồi trên bụi cỏ. Phượng hoàng biểu hiện cho sự quân bình giữa ái dục và tinh thần giải thoát. Và khi con người, như tôi, nghe nhạc của Sơn, tôi thấy linh cảm mình bị lôi theo sức hút của mặt trăng, qua chim phượng hoàng (và thần thoại vươn lên theo ngọn thuỷ triều của biển như nguyệt kinh của giới nữ nhân loại).

Trên phiếm đàn âm thanh chín nút của vũ trụ đầy đẳng cấp thì nhạc của Sơn chắc là đang trụ ở octave thứ Bốn. Nơi đây, chữ "Tình" đang được đánh thức, trong sự kinh động nhẹ nhàng của luân xa thứ Tư nằm trong trái tim con người. Thời đại nhiễu nhương và thoái hoá tâm thức đòi hỏi một nốt nhạc khuấy động yêu thương mà không nhận chìm nhân gian trong bi hãi đầy nước mắt. Nhạc của Sơn đã đi qua khỏi nốt thứ Ba của sáng tạo để trăn trở trong cõi "luyện hồn" (purgatory) đầy nhức nhối. Trong truyền thuyết của Rosicrucian Order thì nốt chuyển nhạc của Sơn luôn được cộng thành tổng số chẵn, như là nốt major, vì thế mà cảm thức âm thanh người nghe được nâng lên ít nhiều, như chim phượng hoàng, dù hau háu nhìn mặt đất tìm mồi ăn, nhưng vẫn vươn cao được lên với Trời.

Trong khi đó, những bản nhạc bolero, như "Nó và Tôi", mà Chế Linh đã làm nhiều người Việt như tôi say mê một thời, cũng theo Steiner, là của thế giới bò. Con bò là hiện thân của trọng lượng cho trái đất [1] . Cho nên, nó là con vật yên ổn nhất trên phương diện tình cảm trong một chỗ của vòng quay 12 con giáp. Khi thần linh đứng bên con bò, họ cảm được điều này để bảo chúng rằng "Các ngươi là những bồ tát đoạ đày xuống trần để mang gánh nặng thế gian. Không có các ngươi, trái đất này sẽ hết ân huệ và sẽ khô cháy". Theo đó thì chỉ có thú vật như bò thì nhân loại mới còn thanh lịch nội tâm và sỏi cát sẽ được chuyển hoá. Vì thế mà dân Ấn giáo tôn thờ con bò, một thú vật nuôi dưỡng tinh thần cho trái đất bằng sự nặng nề, chân chất của chúng. Khi tôi nghe và hát "Nó và Tôi" thì mình có cảm tưởng như đang cỡi bò giữa ruộng bùn. Ở đó, hai chúng tôi không có cảm nhận khổ đau hay gian nan. Cả bò lẫn người cũng chẳng hồn nhiên đâu. Trong cõi nhạc vô tình giữa gian lao đó, chúng tôi hoà với thiên nhiên và đánh mất chính mình vào đất cỏ. Và đó là lý do - sự ngây ngô giữa ruộng - mà khán giả đã cười ngặt nghẽo trong cảm nhận của họ về tính hồn nhiên trong lời ca của chị Như Mai. Đó là lúc mà cảm thức âm nhạc bị chuyển ngoặt từ chim phượng hoàng bay cao đột nhiên đáp xuống lưng bò quá nhanh và không được chuẩn bị. Nhưng không ai trong tiếng cười còn nhớ rằng những anh lính chiến vô danh (hồi đó) đã mang gánh nặng nghiệt ngã của chiến tranh nhiều nhất.

Tháng này là năm giỗ thứ Sáu của Sơn. Một năm nữa thì anh sẽ hoàn tất vòng thứ Bảy trong chu kỳ vũ trụ để mà hoàn toàn siêu thoát. Có lẽ lúc này chim phượng hoàng đã mỏi mệt với thế gian, và anh sẽ không còn hỏi "tôi là ai mà yêu quá đời này" mà bay về cuối chân trời. Khi đó, tôi muốn nói sấm theo Hegel:

"Sơn ạ. Khi âm nhạc đã nhuốm mùi xám bằng sơn cọ của mình, thuở mà hình thái đó nay cũng đã già, và không thể được hồi sinh bằng âm hưởng, ngoại trừ chỉ để hoài vọng tới mà thôi, và chỉ khi ấy thì cánh chim cao vọng cũ mới có thể được tung bay lên vút trong bóng chiều tàn."

"Người đã đến và người sẽ về. Bên kia núi". Đa tạ Trịnh Công Sơn và Nguyễn Hữu Thái Hoà.

© 2007 talawas



[1]Theo Steiner thì con bò có phân lượng quân bình giữa máu và thịt theo tỷ số 1/12. Thịt là của trái đất, máu là của ngã tính (egoity). Con người thì theo tỷ lệ 1/13.