trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
25.4.2007
Noy Thrupkaew
Phải chăng đấy là sự “giải phóng” ở Việt Nam?
Mai Chi dịch
 
Khi các giám đốc nghệ thuật bắt đầu xây dựng Saigon Open City (SOC - Sài Gòn Thành phố Mở), triển lãm nghệ thuật quốc tế đầu tiên của Việt Nam kể từ năm 1962, họ hy vọng sự mở cửa trong kinh tế của quốc gia này sẽ đi kèm với một tự do lớn hơn cho văn hoá nghệ thuật. Họ mới nhầm làm sao.

Người nghệ sĩ đứng sát tường, chân dạng ra như chim ưng trên một chiếc quốc huy. Lê Quang Đỉnh đang treo một tác phẩm nghệ thuật đồ sộ tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thì anh nhận ra anh đã quên mất cái thước nước, một trong hai cái duy nhất mà dự án Sài Gòn Thành phố Mở, triển lãm nghệ thuật quốc tế đầu tiên của Việt Nam kể từ năm 1962, sở hữu. Khi tôi tới hiện trường thì anh đã bập bênh trên chiếc thang được khoảng 10 phút, tay giơ cao các góc của tác phẩm, trong khi các phụ tá của anh chạy quanh thành phố để tìm kiếm dụng cụ.

Dáng đứng chẻ hoe của Đỉnh vô tình tương phản với tác phẩm gây kinh ngạc mà anh đang định treo, “Trực thăng, Nạn nhân, Phi hành gia” của nghệ sĩ Mỹ Nancy Spero. Bức tranh mô tả một chiếc trực thăng khổng lồ đang lớn dần ở phía sau, một chúa Giê-su bị mất đầu, một phi hành gia trông kinh dị với dây rốn dài, hai tay dang rộng trong chiến thắng, mà cũng có thế trong cố gắng tóm lấy cái đầu bị cắt lìa của Chúa Giê-su đang bay như một quả bóng. Chạm đường biên rồi, ơn Chúa!

Đỉnh trông không đắc thắng như vậy sau khi anh ở trên cái thang thêm khoảng 30 phút nữa. “Tôi đang trình diễn một tác phẩm chịu đựng [1] đây. Sức sáng tạo bền bỉ trước bộ máy quan liêu và những thách thức kỹ thuật”, anh nói.

SOC là một dự án nghệ thuật hai năm đầy tham vọng và dự định khai mạc vào tháng 11 năm 2006. Ròng rã hàng tháng trời vật lộn với quan liêu và các xung đột bên trong tổ chức dự án, thời gian dự kiến của chương một đã trôi qua mà SOC không hề nhận được giấy phép. Được thiết kế để giới thiệu sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế về đề tài “Giải phóng” tại các bảo tàng của Sài Gòn, chương một của SOC chịu một số phận mòn mỏi bởi đợi chờ và bấp bênh. Đôi khi các bảo tàng cho phép dự án treo tranh, nhưng sau đấy lại rút lui ý kiến, hay bị các cơ quan chính phủ khác làm vô hiệu lực. (Đỉnh treo bức “Trực thăng, Nạn nhân, Phi hành gia” tại Bảo tàng Mỹ thuật, nhưng không ai được phép xem). Gridthiya Gaweewong, đồng giám đốc nghệ thuật, nói: “Chúng tôi bị đóng cửa mà chưa hề được mở cửa.”

Đây là một chuyện mỉa mai chua chát. Dự án tư nhân táo bạo và có tầm cỡ đầu tiên của Việt Nam có kỳ vọng đem nghệ thuật tới một công chúng rộng rãi, nhưng nghệ thuật đã bị đánh bật về chỗ chui lủi. Tiếp theo sự kiện Việt Nam gia nhập WTO và chuyến viếng thăm lịch sử của Tổng thống Bush, số phận đáng buồn của SOC chỉ chứng tỏ thêm rằng chính quyền của đất nước này chỉ áp dụng chính sách mở cửa cho kinh tế, chứ không cho nghệ thuật.

“Một chân họ muốn tiến lên cùng với WTO”, Gaweewong nói, “nhưng chân kia lại bị kẹp trong ý thức hệ. Nếu tình hình này cứ tiếp tục thì Việt Nam sẽ có một cuộc tranh cãi giữa cái ví và cái đầu. Trong cuộc tranh luận này, Saigon Open City đã nêu ra vô số câu hỏi, và dường như chúng tôi đã có một câu trả lời: cái ví thì mở, nhưng cái đầu thì không.”

“Trực thăng, Nạn nhân, Phi hành gia” của nghệ sĩ Mỹ Nancy Spero được treo, nhưng không được phép có người xem.
Mèo Thép đang sải bước đi tới văn phòng SOC, tai gài một bông hoa đại. Mèo Thép là một nghệ sĩ Thái Lan mang tên Michael Shaowanasai, nổi tiếng vì vai diễn đồng tính luyến ái, một ả báo thù bận ủng trắng trong vai chính của bộ phim Cuộc phiêu lưu của Mèo Thép. Vài ngày trước “tác phẩm chịu đựng” đầu tay của Đỉnh, hồi tháng 11, tôi dành cả buổi sáng đầu tiên của mình ở Sài Gòn để đi tìm buổi “khai mạc dành cho báo chí”, nhưng vô vọng. “Quay lại vào thứ Ba”, một bảo tàng nói. “Có thể là thứ Tư”, bảo tàng khác nói. “Sài Gòn gì cơ?” bào tàng thứ ba hỏi. Còn bây giờ, giống như Alice đuổi theo chú thỏ trắng, tôi lẽo đẽo sau Shaowanasai, một người bạn thân của Gaweewong. Anh là một dấu hiệu rằng tôi đang ở đúng chỗ.

Tôi chạy lên lầu và rơi vào một cảnh hỗn độn nóng rừng rực. Các nghệ sĩ cầm ảnh chạy ngang chạy dọc, dùng dây thép cột các lọ nước gội đầu vào nhau, hay vội vã cho tranh vào khung. Tôi đi theo đoá hoa đại vào phòng của các giám đốc nghệ thuật. Ở đây, Shaowanasai tóm lấy tôi và rít lên, ”Chúng điên rồi! Chúng đòi thêm phong bì!”

“Chúng”, tất nhiên, là những công chức chính phủ, những người khó cưỡng lại được sự hấp dẫn của ít “tiền trà thuốc”. Theo lời một nhân viên dự án, một phần đáng kể của ngân sách dự án, do Quỹ Ford tài trợ chính, được dành ra để bôi trơn (và được ghi trong ngân sách là “phí dịch vụ”).

Mặc dù SOC phải vật lộn với tệ nạn tham nhũng theo phong cách Việt Nam, nền kinh tế đã trở nên minh bạch và thông thoáng hơn. Trong những năm 80, chính phủ Việt Nam bắt đầu Đổi Mới, cải tổ tài chính, rời bỏ tập thể hoá, để đi tới một nền kinh tế thị trường và tự do hơn. Đổi Mới cũng báo hiệu một cách nhìn thoáng hơn đối với nghệ thuật và cuộc sống dân sự. Mặc dù sau sự kiện Thiên An Môn tình hình lại bị thắt chặt hơn, nhưng không gì có thể kìm hãm được năng lượng phát triển kinh tế của Việt Nam nữa. Sau khi Mỹ bỏ cấm vận vào năm 1994 và bình thường hóa quan hệ một năm sau đó, kinh tế Việt Nam bắt đầu bùng nổ. Ngày nay, Việt Nam là nền kinh tế phát triển mạnh thứ hai ở châu Á, chỉ sau chiếc xe tăng Trung Quốc.

Sài Gòn là địa điểm chính của sự bùng nổ này. Ngày nay, đường phố Sài Gòn tràn ngập xe máy, các vỉa hè đầy những cửa hàng bóng bảy, các tiệm ăn tấp nập giới trung lưu ngày càng đông, và Việt kiều khá giả trở về mỗi ngày một nhiều hơn. Thành phố toát ra một năng lượng lởm chởm, dữ dội, và đôi khi tuyệt vọng – cái sự thôi thúc mà người ta thường có khi rời khỏi một căn phòng nặng mùi. Mùi của nghèo đói thê thảm, của chiến tranh, và của thống trị ngoại xâm. “Một nghìn năm Trung Quốc cai trị, một trăm năm ách nô dịch Pháp, mười năm Mỹ đô hộ, nhưng chúng ta vẫn sống sót và đã thống nhất”, một câu nói nổi tiếng của người Việt như vậy.

Trong không khí có mùi của tiêu thụ: khí xả từ vô số chiếc Dream làm nghẹt thở, mùi khói ngọt của thức ăn bán suốt ngày đêm, vị cỏ khô của lạc luộc, mùi ngọt đậm đặc của hoa quả ủng đã lên men. Trẻ đánh giày van nài được làm bóng đôi dép tông không thể làm bóng được, trong khi lũ thanh niên mới phất lượn phố trên xe hơi, nhạc hip-hop giậm giật qua cửa kính đen. Thành phố toát ra cảm giác của những cơ hội bẩn thỉu của một vùng đất mới được khai phá – cơ hội, có thể là không tưởng, để định nghĩa lại bản thân bằng cả nghiến răng và nịnh nọt khêu gợi, và để hốt đống bạc mà sự kết hợp của hai yếu tố trên có thể mang lại.

Nghệ thuật ở Sài Gòn cũng tương tự như vậy, ít nhất là đối với người bên ngoài. Thủ đô Hà Nội đã từ lâu tự hào là trung tâm nghệ thuật của đất nước, với rất nhiều phòng tranh, bảo tàng, và các viện văn hoá địa phương. Hà Nội là người chị gái, nền nếp, tao nhã, khác với đứa em tuổi choai choai Sài Gòn hỗn hào, mê tiền, cái danh tiếng này đã được thiết lập sau khi miền Bắc thắng trong cuộc chiến. “Hà Nội cho rằng cộng đồng nghệ thuật Sài Gòn nặng về trang trí, thương mại, cá nhân chủ nghĩa”, Michael DiGregorio, giám đốc chương trình Việt Nam của Quỹ Ford, nói. Trong khi các nghệ sĩ Hà Nội nổi tiếng với các phẩm vật truyền thống và tranh hiện đại đầy thẩm mỹ thì Sài Gòn được bón bởi nhu cầu của khách du lịch mua những cảnh đồng quê với những cô gái thướt tha áo dài. Người ngoài cho rằng Sài Gòn sính ngoại, vật chất, cộng đồng rời rạc.

Nhìn chung đây là một hình ảnh không đúng. Giới nghệ thuật nhỏ nhưng năng động của Sài Gòn đầy những ý tưởng được khởi động bởi những người nước ngoài trẻ, Việt kiều, và nghệ sĩ Việt Nam. Các phòng tranh và dự án như Gallery Quynh, Blue Space Gallery, Himiko, A Little Blah Blah, Atelier Wonderful và Mogas Station tổ chức shows, thiết kế các chương trình cư trú cho nghệ sĩ, hội thảo ngẫu hứng, chiếu phim, và thậm chí có cả một tạp chí phê bình mỹ thuật. Lịch sử nghệ thuật Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nước ngoài (kỹ thuật sơn mài và tranh lụa Trung Quốc, tranh dầu Pháp, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Liên Xô, phong cách tranh truyện Cuba). Trong chiến tranh Việt Nam, Sài Gòn được tiếp xúc với trào lưu trừu tượng thịnh hành ở Mỹ thời bấy giờ, và phát triển một nghệ thuật thiên về khái niệm, ít tính mô tả hơn là loại nghệ thuật hưng thịnh tại Hà Nội.

SOC được thiết kế để hút cái năng lượng này. Khởi đầu từ một sáng kiến của Quỹ Ford, SOC được thai ngén bởi DiGregorio và Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ một phòng tranh thương mại ở Sài Gòn. Nhưng rồi dự án vất vả đi tìm và giữ chân giám đốc nghệ thuật. Người ta sợ cái quy mô khổng lồ của dự án, sợ những chướng ngại quan liêu, và xung khắc với Mai, người nổi tiếng vì lối hành xử bốp chát của mình. Năm 2005, Mai và Đỉnh, người nằm trong ban lãnh đạo SOC, mời Gaweewong về làm giám đốc nghệ thuật. Tháng 11 năm ấy, sau khi nhận được lời chấp thuận cộng tác của Rirkrit Tiravanija, Gaweewong đồng ý. Cả hai nghệ sĩ người Thái này nổi tiếng vì đã tạo ra các tác phẩm và thiết kế các triển lãm mở và phá quy ước. Geweewong đã từng tổ chức từ liên hoan phim thử nghiệm Bangkok cho tới một cuộc triển lãm mang tên “Chính trị của vui đùa” ở Berlin. Tiravanija đoạt giải Hugo Boss năm 2004, anh nổi tiếng bởi sự hỗn mang đầy sáng tạo. Theo tạp chí New Yorker, anh đã tái tạo lại căn hộ của mình trong một phòng tranh ở New York, mời người xem vẽ lên tường, ngủ trên giường, và cho phép một tạp chí đồng tính luyến ái sử dụng không gian để chụp một ảnh con heo.

Gaweewong và Tirivanija phác thảo ra một dự án kéo dài hai năm, được chia thành ba chương: Giải phóng, Thống nhất và Tái tạo, mỗi chương tập trung vào một giai đoạn, cũng như một khái niệm lý thuyết của lịch sử địa phương, quốc gia và lịch sử thế giới. SOC không chỉ là một triển lãm, nó định tạo ra cái mà các giám đốc nghệ thuật gọi là “nghệ thuật bền vững”. Bằng cách gắn dự án vào các bảo tàng nhiều khi mang tính tuyên truyền trắng trợn của thành phố, và xây dựng một hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật, các giám đốc nghệ thuật hy vọng rằng SOC sẽ tạo ra một động lực thay đổi và phá vỡ từ bên trong.

“Có thể nó sẽ giống như Suvarnabhumi”, Tiravanija nói, hai tháng trước ngày mở cửa dự định của SOC. Suvarnabhumi, sân bay mới của Thái Lan là một trong những sân bay lớn nhất thế giới, được khai trương vào tháng 9 năm 2006 với tất cả sự phô trương và long trọng. Vào ngày mở cửa, hàng ngàn người Thái xuất hiện, không chỉ để lên máy bay, mà để picnic, mua sắm và hân hoan làm tắc các nhà vệ sinh. “Bức tranh về hiện đại và tiến bộ mà chính phủ Thái Lan muốn vẽ ra đã bị nhân dân bôi hỏng, bởi họ đã sử dụng Suvarnabhumi theo cách riêng của họ. Có thể SOC cũng sẽ làm được điều tương tự. Chúng tôi biết chính quyền Việt Nam muốn thu hút du lịch, nhưng chúng tôi hy vọng có thể để lại một cái gì đấy mà người dân Sài Gòn có thể sử dụng theo ý mình.”

Nhưng tới tháng 11, không ai biết bao nhiêu phần của SOC sẽ được trưng bày trước công chúng, chưa nói là để lại về sau cho người khác đánh giá. Nhân viên SOC mất hàng tháng trời để thương thuyết với chính quyền và lãnh đạo các bảo tàng, với rất ít kết quả. SOC dự định mở cửa vào cuối tháng 11, nhưng vì không có giấy phép trong tay nên không được phép làm lễ khai mạc, các hoạt động quảng cáo, hay thậm chí treo một cái biển lên để thông báo cho buổi khai mạc không chính thức. Nhưng qua tin truyền miệng, một đám đông những người xem tò mò vẫn kéo tới văn phòng dự án vào “ngày khai mạc” 26 tháng 11. Một tên lửa khổng lồ làm bằng những lọ nước gội đầu ngự trị trong một góc nhà. Một phòng khác được dành để mô tả những diễn biến và sự kiện chính trị và văn hoá quốc gia cũng như quốc tế.

Chốc chốc lại có trình diễn. Trong đó có một màn diễn của một cặp cha và con: người cha nằm trên người người con, ngâm Kiều, câu chuyện mà học sinh Việt Nam nào cũng biết và học thuộc. Chuyện kể về một cô gái trẻ, ca ngợi lòng hiếu thảo của cô, người đã trở thành gái điếm để cứu giúp gia đình mình. Tới cuối màn diễn, người con quằn mình dưới sức nặng của người cha đang thoả mãn đọc thơ. Khuôn mặt anh nói lên tất cả: anh đã chán mọi thứ lắm rồi, truyền thống, người cha vô ý, cả cái cuộc đấu tranh sinh tồn tồi tệ này. Anh muốn có cuộc sống của riêng anh. Đám đông ầm ừ tán thưởng rồi chen nhau sang những phòng khác vẫn còn đang bẩn thỉu sau những vụ lu bù lắp khung tranh, và đầy những tình nguyện viên đã hoàn toàn kiệt sức.

Từ đây, người xem chạy tới các bảo tàng để nhìn những gì mà bảo tàng cho phép được nhìn, và họ đôi lúc vẫn có thể phát hiện ra những mối liên quan thú vị giữa các tác phẩm của SOC và môi trường xung quanh theo ý đồ của những giám đốc nghệ thuật. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ dành toàn bộ không gian của mình cho những phụ nữ có con hy sinh trong chiến tranh, cho nữ bác sĩ quân y xuất sắc, cho những chị thợ dệt, nói một cách khác, cho phụ nữ là anh hùng cộng sản, là nạn nhân, là người lao động, là người chống lại thực dân.

Tầng trên của bảo tàng có một bức tranh tường lớn hiến tặng Hồ Chí Minh, và cũng ở đây, SOC đặt tác phẩm đáng kinh ngạc “Những người phụ nữ vô danh” của Nguyễn Quang Huy. Tác phẩm là một sự đảo ngược tuyệt vời của chủ nghĩa tượng trưng chính trị và tôn giáo của Việt Nam: ba tượng Phật bị cắt cụt, thay vào đầu là ba bình thủy tinh mà người ta hay dùng để ngâm rượu, nhưng lại đựng rau cỏ và hoa quả ngoài chợ. Trên một màn hình đặt đằng sau những tượng Phật, Huy chiếu những đoạn phim dài vô tận cảnh những phụ nữ gánh thuê cực nhọc, đi kèm với giọng nghệ sĩ Nguyễn Minh Thành đọc bài thơ của anh. “Những người mẹ buôn thúng bán mẹt… bị công an xua đuổi… hiền dịu hay đanh đá… Mẹ yêu quý, chúng con xin quỳ xuống ngợi ca mẹ, chúng con chẳng thể nào mồ côi.” Qua việc đặt tác phẩm của Huy vào trong một không gian vốn dành cho sự sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh, SOC đã để một thần tượng đối chọi với một thần tượng khác: người phụ nữ vô danh đối nghịch với ông già được phong thánh.

“Những phụ nữ vô danh” của Nguyễn Quang Huy được đặt gần một bức tranh tường sặc sỡ hiến dâng Hồ Chí Minh
Phần lớn sự rối rắm của SOC là do quá trình kiểm duyệt vô tận và chạy quanh đèn cù giữa ba nhóm các nhà chức trách: các bảo tàng, tổ chức Đảng mang tên Ủy ban Nhân dân, và Bộ Văn hoá ở Hà Nội. Theo Gaweewong, SOC trở thành con rối ở giữa, xin giấy phép của một cơ quan, được thông báo phải lấy giấy phép của cơ quan khác, cơ quan này lại trỏ về cơ quan đầu tiên. Trong quá trình thương lượng, một nửa các tác phẩm của SOC bị loại mà không có một lời giải thích, trong đó có các tác phẩm của các nghệ sĩ miền Nam trước 1975, các tác phẩm video, một số các tác phẩm Việt Nam khác, và toàn bộ các tác phẩm của một số tác giả nước ngoài.

Quá trình trì hoãn và những quyết định bí hiểm của các nhân vật trong bóng tối nhất quán với truyền thống quản lý sắt đá của Việt Nam với truyền thông, Internet và nghệ thuật. Đẩt nước này không có báo chí độc lập, và mặc dù người ta có thể truy cập email và nhiều website nước ngoài, thì nhiều website tiếng Việt nhắc tới dân chủ, các chủ đề tôn giáo, hay tên của các nhà chống đối, đều bị chặn. Những nhà hoạt động đối lập bị tù nhiều năm vì gửi các bài viết về dân chủ và email chỉ trích chính quyền. Trước chuyến viếng thăm của Tổng thống Bush vào hồi tháng 11, một loạt các nhà hoạt động đối lập có tên tuổi đã bị giam giữ để ngăn họ tổ chức biểu tình hay tiếp xúc với phóng viên nước ngoài. Chỉ sau một thời gian ngắn cho phép báo chí đưa tin về tham nhũng, chính quyền đã đình bản hai tờ báo vào tháng 10 để ngăn chặn sự chỉ trích. Những khai mạc triển lãm nghệ thuật cũng không tránh khỏi sự kiểm tra của chính quyền và bị cản trở bởi kiểm duyệt, không được giấy phép, thậm chí bị cắt điện làm phòng tranh và không gian trình diễn tối thui trong khi nhà bên vẫn sáng đèn.

Theo Hoàng Hưng, một nhà báo về nghệ thuật và văn hoá thâm niên và một biên tập viên của website văn hoá và chính trị năng động www.talawas.org, việc chính phủ Việt Nam tiếp tục ghìm giữ văn hoá trong khi mở cửa nền kinh tế nói lên rất nhiều điều. Trong khi cố gắng đi tìm đối trọng cho sự chuyển dịch của đất nước tới một nền kinh tế toàn cầu hoá, chính quyền “dùng sự kìm hãm văn hoá như một cái phanh”, Hưng nói, “sử dụng hệ thống ý thức hệ để làm chậm cỗ xe lại.”

Với một chính quyền có tư duy văn hoá như thế, loại nghệ thuật quốc tế và avant-garde mà SOC trình bày là điều khó chịu kinh khủng nhất: nó không truyền thống, nó đa nghĩa khủng khiếp. Nó khác hẳn với lòng yêu thích của chính quyền tới “văn hoá truyền thống và phong cách sống Việt Nam”, Hưng giải thích, “một phong cách sống để đối chọi với những thay đổi kinh tế, với phong cách sống Mỹ.” Nghệ thuật khái niệm đặc biệt đáng ngờ bởi mầu sắc ngoại lai của nó, bởi nó chế nhạo mệnh lệnh hiện thực xã hội chủ nghĩa phải truyền tải những thông điệp cách mạng, bởi nó khuyến khích lối diễn giải mở của chủ nghĩa cá nhân tư sản. Hưng giải thích rằng, “trong quá khứ, những tác phẩm đa nghĩa là phản cách mạng. Họ ghét cay ghét đắng loại tác phẩm này, và ghét cả sự mơ hồ nữa.” Hưng bị tù ba năm vào thập kỷ 80 bởi ông viết cái mà chính quyền gọi là thơ “nhập nhằng, phản động.”

Lý do vì sao một số tác phẩm của SOC bị kiểm duyệt thì lại không mơ hồ tí nào. Một trong những tác phẩm đó là bộ phim Xa Việt Nam của Jean-Luc Godard, người trong chiến tranh cũng đã không được Việt Nam cho phép quay bộ phim cảm tình với miền Bắc này.

“Họ không cho phép một ai kể lại câu chuyện chiến tranh, ngoài chính bản thân họ”, Gaweewong nói. Các tác phẩm bị kiểm duyệt khác là của các nghệ sĩ trước 75, hay của những người được coi là thân thiện với miền Nam, trong đó có Sue Hajdu, đồng sáng lập viên của dự án A Little Blah Blah, và đã từng là đồng giám đốc của SOC. “Hai triệu người lính tử trận không được phép được nhắc đến. Miền Nam không có quyền diễn đạt bản thân mình. Bạn không được phép nhớ rằng đó là một cuộc nội chiến.”

Những sáng tác hỗn xược, ví dụ như của Ly Hoàng Ly, cũng bị loại bỏ. Những bức ảnh phụ nữ khoả thân bên trong sắp đặt khổng lồ của chị ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ bị lấy xuống. “Những phụ nữ vô danh” của Nguyễn Quang Huy, lúc đầu đã được phép, nhưng sau đó lại bị cấm vì “không tôn trọng” Phật giáo và nhắc tới chuyện công an quấy rối. Sự kiểm duyệt đáng nói nhất có lẽ xẩy ra với “Mẹ tôi rất đẹp” của Yoko Ono. Tác phẩm tương tác này khuyến khích người xem vẽ hay viết về mẹ mình lên một cuộn giấy khổng lồ. “Họ sợ rằng họ không kiểm soát được những gì mà người ta sẽ viết”, Gaweewong nói.

Gaweewong nghi ngờ vào khả năng thực hiện chương hai và chương ba của dự án, khi các giám đốc nghệ thuật dự định tập trung vào nghệ thuật công cộng và những quá trình sáng tạo mang tính cộng đồng. “Câu hỏi bây giờ nằm ở chính khái niệm ‘giải phóng’. Người Việt nói rằng họ đã giải phóng bản thân khỏi người Trung Quốc, người Pháp và người Mỹ, nhưng giờ đây họ lại đàn áp chính nhân dân họ, mặc dù họ đang đi tìm sự ‘mở cửa’ trong kinh tế. Phải chăng đấy là sự ‘giải phóng’ ở Việt Nam?”

SOC cũng gặp sự hoài nghi của các nghệ sĩ về vai trò phi lợi nhuận của mình. Bởi không thể đăng ký là một tổ chức phi lợi nhuận, SOC phải đăng ký là một công ty tư nhân, và ngay lập tức gặp tất cả những ác ý mà các nghệ sĩ thường có đối với kinh doanh tham nhũng. “Người ta không có một khái niệm gì về NGO (các tổ chức phi chính phủ)”, Gaweewong nói, “họ nghĩ rằng đây là một kiểu rửa tiền” cho các kinh doanh mờ ám, hay để phục vụ chính phủ. Cộng đồng nghệ sĩ bắt đầu rỉ tai nhau về vấn đề minh bạch tài chính, đồn rằng nhân viên SOC bòn rút tiền từ nghệ thuật.

Mai, người chịu trách nhiệm thương thuyết với chính quyền và liên kết với cộng đồng nghệ thuật, bị các nghệ sĩ và nhà phê bình chỉ trích thẳng cánh trong các buổi toạ đàm. “Không ai muốn cộng tác với tôi cả”, cô nói, mắt rơm rớm. “Thế mà bây giờ ai ai cũng nhắc tới dự án của chúng tôi. Vậy người ta muốn gì ở tôi?” Có lẽ họ muốn cô đấu tranh mạnh hơn với chính quyền, nhưng Mai không cho rằng đó là vai trò của mình. “Chính phủ quản lý đất nước này, và phải dẫn dắt đất nước đi theo hướng đi của mình. Các nghệ sĩ cần có tự do, nhưng họ cũng phải đi theo xã hội, họ cũng là công dân.”

Với Mai, SOC là một chiến lược quảng cáo nhiều hơn là một dự án nghệ thuật mới mẻ. “Bốn năm trước đây, không ai nói tới chúng tôi cả, họ tới Hà Nội để tìm nghệ thuật. Thứ Hai vừa rồi, chúng tôi ở trên tất cả các mặt báo”, Mai nói. “Hôm qua tôi bán được mấy bức sơn mài liền. Bắt đầu có nhiều khách hàng tới đây để mua nghệ thuật, đấy là điểm chính của SOC. Nhiều người tới hơn, chi tiền nhiều hơn, đấy chính là cách để nghệ thuật Việt Nam tồn tại.”

Nghệ thuật là business - cách nhìn này có lẽ là cách nhìn mà chính phủ sẽ hài lòng và chấp nhận.

(Noy Thrupkaew là cộng tác viên lâu năm của tờ báo mạng The American Prospect)


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Endurance art: Nghệ thuật chịu đựng - Một chi nhánh của nghệ thuật trình diễn, trong đó các nghệ sĩ thường ở trong những tình huống hay hoàn cảnh khó khăn trong một thời gian dài (ND)

Nguồn: “Sight Unseen”, The American Prospect, March 2007