trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
26.4.2007
Nam Ðan
Keo dính chuột và bà Tú Xương thời đại
 
... mà không có một loại hóa chất nào so sánh được một sản phẩm keo dính chuột nhanh nhất hiệu quả nhất mà trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu vừa cho ra đời đó là keo dính chuột vậy trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu kính mong anh chị bà con cô bác hãy hưởng ứng cho phong trào ba diệt diệt chuột diệt ruồi diệt muỗi trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu xin trân trọng giới thiệu với bà con cô bác anh chị đó là một sản phẩm keo dính chuột keo dính chuột không độc hại không gây ô nhiễm môi trường đặc biệt keo dính chuột có thể tái sử dụng được nhiều lần ngoài ra keo dính chuột còn có tác dụng bẫy được các loại côn trùng khác như ruồi muỗi kiến và gián phương cách sử dụng được hướng dẫn chi tiết trên vỏ hộp trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu xin trân trọng giới thiệu một sản phẩm đó là...

Tôi chắc rằng bạn đã từng nghe đoạn băng ghi âm trên đây phát đi phát lại vang vang suốt quãng đường mỗi sáng đến sở làm. Bạn còn nhớ mình đã ngạc nhiên và tò mò như thế nào khi nghe nó lần đầu không? Hay bạn chỉ bực mình vì tiếng loa làm cho cu Bi con bạn thức giấc ngủ trưa? Riêng tôi, tôi chỉ nghe đoạn được đoạn mất chứ chưa bao giờ nghe nó trọn vẹn. Loáng thoáng những cụm từ “công nghệ hóa màu”, “phong trào ba diệt”... rất khiêu khích lòng hiếu kỳ. Ðể thỏa tính tò mò, chiều hôm qua tôi yêu cầu và được chị Vân, một người bán sản phẩm này, tua đoạn băng cho nghe đi nghe lại nhiều lần, rồi ghi âm lại như trên. Cũng nội dung như vậy, có khi tôi nghe giọng nữ người Bắc cao lanh lảnh, giờ lại là giọng của một ông người Nam. Nhưng cả hai giọng đều có chung đặc điểm là rất liến thoắng, gấp rút, đọc liên tục một hơi không ngưng nghỉ. Bây giờ tôi đã không còn ngạc nhiên vì âm thanh phát ra từ chiếc loa và nhân dáng nhẫn nại của người đàn bà đang đạp xe qua ngõ ấy nữa. Sự hiện diện của chị và những người bán hàng như chị đã là một phần của đời sống Sài Gòn, như sự hiện diện quen thuộc của cậu bé bán mì gõ hay cô cân-đo-sức-khỏe.

Một hôm, chiếc áo dài cô em tôi vừa ủi thẳng thớm để diện cho buổi tiệc cưới bị con chuột khốn kiếp nào đó gặm rách một lỗ lớn không còn cách cứu chữa. Những hôm tiếp theo, nó còn lục tung cặp sách của cu Bo, vừa chạy vừa kêu lít chít vào 2 giờ sáng, làm cả nhà mất ngủ. Sau cùng, cô em tôi mời chị keo dính chuột vào nhà để cố vấn và trang bị vũ khí chống lũ chuột khủng bố.

Chị trùm kín mặt chỉ chừa ra hai mắt như một nữ chiến binh Taliban, đầu đội chiếc mũ vải rộng vành, chân mang giày ba-ta gọn gàng, trước ghi-đông có treo một tấm bảng ghi:

KEO DÍNH CHUỘT –
TẨY TRÀ RĂNG HÔI NÁCH

(Chữ trà chắc là từ chữ chà bị viết sai chính tả.) Và yên sau cột một tấm bảng khác ghi:

KEO CHUỘT
CHÀ RĂNG
HÔI NÁCH
BẤM LỖ TAI

Những dòng chữ đọc lên theo chiều dọc bí hiểm và tếu như một đoạn thơ siêu thực. Mấy chiếc bẫy chuột được cột gọn và chất cao ở yên sau. Chúng tôi mua hai hộp keo dính chuột hiệu “Thế kỷ mới”, mỗi hộp giá 12 ngàn. Ngoài vỏ hộp ghi “Trung tâm keo dính chuột gia truyền”. Cậu em tôi bàn tếu, lẽ ra nên cho thêm hai cái gạch nối giữa ba chữ chuột gia truyền thành chuột-gia-truyền thì thú vị hơn. Trung tâm sản xuất keo dính những con chuột-gia-truyền, thì nghe “ngộ” thiệt. Tối hôm đó, con chuột thủ phạm những cuộc khủng bố bị đền tội. Cô em tôi bày tỏ sự hân hoan của mình một cách nồng nhiệt khi gặp lại chị vào hôm sau. Rồi từ đó cứ đôi ba ngày, chị Vân, tên người đàn bà 40 tuổi, mỗi khi đi ngang qua nhà lại ghé vào uống ly nước và hào hứng giảng cho chúng tôi nghe về niềm hạnh phúc của một thế-giới-không-còn-chuột. Loài người đã chinh phục được mặt trăng, đang trên đường chinh phục các hành tinh khác, và tiến bộ vượt bực trong nhiều lãnh vực. Nhưng trong lịch sử cuộc chiến đấu với loài chuột và các loài sinh vật bé tí khác như ruồi, gián, muỗi thì vẫn còn rất nhiều gian nan, thậm chí có khi thảm bại ở các trận dịch, và chắc chắn còn lâu mới kết thúc. Tuy nhiên, ngoài keo dính chuột ra, tôi không dám mạo hiểm sử dụng hoặc giới thiệu với ai về các sản phẩm chuyên giải quyết các nỗi khổ tâm thầm kín khác của loài người mà chị bán kèm. Chị cho biết, sản phẩm keo dính chuột này chỉ được sản xuất ở ngoài Bắc rồi đưa vào Nam. Chị theo nghề đã hơn 7 năm. Ban đầu người ta chỉ tiếp thị bằng cách rao miệng ở các chợ. Sau đó, chủ nhân trung tâm keo dính chuột gia truyền nghe nhân viên than thở về nỗi đau rát cổ khi rao hàng, nên nảy ra sáng kiến về chiếc máy cát-sét và cuốn băng ghi âm được soạn thảo nội dung ở trên. Tôi tưởng tượng tiếp, sau một thời gian, người ta lại phản ảnh rằng giọng đọc miền Bắc nghe không mấy quyến rũ đối với khách hàng ở miền Nam vì họ không nghe kịp và không hiểu hết nội dung, vì thế một “Hội đồng thẩm định nghệ thuật của công nghệ hóa màu” được thành lập để hoàn thiện tác phẩm này. Sau khi thu thử nhiều giọng rao vàng của các thành viên, hội đồng quyết định trao giải nhất cho “rao sĩ” miền đồng bằng sông Cửu Long mà bạn đang thưởng thức hiện nay.

Chị Vân phải gò lưng rong ruổi trên yên xe từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày, trừ những lúc ngừng nghỉ, chắc hẳn đoạn đường phải trên 70 cây số. Với nhịp lao động và độ bền bỉ này thì người trên 60 tuổi chắc theo không nổi. Nhiều gia đình có đến 2 hay 3 thành viên cùng hành nghề. Chị khoe rằng sau 10 năm vào Nam sinh sống đã mua được một miếng đất và đang cất một căn nhà nhỏ ở vùng ven thành phố miệt Thủ Ðức. Chồng chị làm nghề xây dựng và cả hai đang nuôi ba đứa con ăn học, đứa lớn nhất vừa thi đậu đại học kinh tế. Gương mặt chị dù che kín nhưng khi bỏ khăn ra tôi vẫn thấy sạm hai vết nám trên gò má vì cái nắng đổ lửa của miền đất hứa Sài Gòn. Ðầu thiên niên kỷ mới, tôi bắt gặp ở chị hình ảnh người vợ sớm hôm tảo tần ở những thế kỷ trước trong câu hai thơ “... Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng” của nhà thơ Tú Xương.

Những ngày này, báo chí loan tin loài tê giác sắp bị tuyệt chủng vì người ta săn lùng chúng để lấy sừng, lấy da. Mỗi chiếc sừng tê giác để cho các đại gia ngâm rượu là một tài sản khổng lồ. Tôi đùa, “Có lúc nào đó người ta phát hiện ra loài chuột cũng có những tính chất quí hiếm như vậy và săn lùng truy diệt chúng cho tuyệt chủng thì sản phẩm của chị sẽ ế đấy nhé!”

“Ối dào, anh khéo lo, nơi nào thời nào mà chẳng có chuột, từ trung ương cho đến địa phương, chuột tất! Cứ hễ lơi tay là chúng béo nần béo nẫn ấy. Mà là chuột-gia-truyền hẳn hoi đấy nhé! Mà có chuột thì lại phải có keo diệt chuột. Như thế thì chúng tôi mới sống được chứ. Nói anh đừng cười nhé, chúng tôi sống nhờ vào chuột. Tôi vừa mong keo mình diệt chuột thật hiệu quả, mà lại vừa lo chúng mà chết hết thì khốn. Ngày nào mà chuột tuyệt chủng ắt hẳn ngày ấy nhà tôi đói!”

Tôi thật lòng thán phục chị Vân, các bà Tú Xương thời hiện đại nuôi đủ ba con với một chồng bằng keo dính chuột không độc hại không gây ô nhiễm môi trường... đặc biệt có thể tái sử dụng... Ô hay, tôi sắp thuộc bài rồi đấy!

© 2007 talawas