trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
3.5.2007
Bình Nguyên Lộc
Lột trần Việt ngữ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Chương VII - Mình với ta tuy hai mà vẫn cứ là hai hay là Trò chơi xí cột của các đại danh từ Mã Lai

Chúng tôi không biết ở Trung và Bắc có trò chơi xí cột hay không nên phải giải thích sơ qua vài dòng. Trò chơi thường xảy ra ở một ngôi nhà lớn mà trống trải, một vựa lúa to, vào lúc mãn mùa chẳng hạn, trong đó phải có nhiều cây cột không bị chướng ngại vật ngăn trở, ít lắm là mười cây.

Nếu có mười cây cột thì trẻ con phải đông 11 đứa. Mười đứa làm chủ mười cây cột, còn một đứa thì dư, không có đất cắm dùi. Thế là nó thua. Nhưng nó chưa thua vì các đứa “xí”, tức “cướp” được cột, phải thay đổi với nhau, chớ không được phép giữ chỗ một cách cố định, không giây phút nào sự đổi chỗ được phép ngưng hết. Và đứa thất nghiệp sẽ mau chơn cướp một trong hai, ba, bốn cây bị bỏ trống trong vài giây ấy thế là nó lại được và một đứa khác phải thua.

Các đại danh từ của chủng Mã Lai cũng thế. Nhưng chúng tôi chỉ nghiên cứu có chi Âu tức Thái và chi Lạc với ba phụ chi là Lạc bộ Trãi, Lạc bộ Mã, và Lạc bộ Chuy mà thôi, còn chi Nam Ấn, Trung Mỹ và Đại Hàn chúng tôi còn đang tìm học, thì xin chừa họ ra.

Ta có dân ca (hay thơ?):

Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai.

Nhưng trong ngôn ngữ Việt Nam thì MÌNH với TA, tuy hai mà vẫn cứ là hai.

Chúng tôi bắt đầu xét ngôn ngữ của chủng Mã Lai từ thời thái cổ đến nay, và chúng tôi chia các thời kỳ lịch sử của chủng Mã Lai như sau:

Thái cổ:
Haute antiquité:
8 ngàn năm
Thượng cổ:
Antiquité:
5 ngàn năm
Cổ:
Epoque archaique:
3500 năm
Trung cổ:
Moyen âge:
2500 năm

Đến năm 40 sau Tây lịch thì một biến cố lớn xảy ra, làm xáo trộn ngôn ngữ của ta quá nhiều. Đó là cuộc xâm lăng của Mã Viện. Và từ lối năm đó, thì Việt ngữ vốn là Mã Lai ngữ đa âm, bị độc âm hóa và nhiều biến chuyển nữa xảy ra.

Chúng tôi đi theo sát lịch sử của chủng tộc là chủng Mã Lai nó chia rõ rệt ra thành các thời kỳ sau đây:

I - THÁI CỔ: sống chung nhau quanh núi Himalaya

II - THƯỢNG CỔ: tách rời để di cư đi Ấn Độ và Hoa Nam, Hoa Bắc

III - CỔ: tái hợp tình cờ vì cuộc săn đuổi của Tàu. Trước thời tái hợp có một biến cố lớn là các chi nhóm đã lập quốc rồi ở bên Tàu, và ở Đại Hàn, Nhựt Bổn, Việt Nam, v.v. Vậy khi tái hợp là văn hóa đã hơi khác nhau đôi chút vì sự định cư lâu đời ở các quốc gia đó, và các nhóm đều phong phú thêm về ngôn ngữ, nên lại học qua học lại với nhau, y như học của ngoại quốc.

IV - TRUNG CỔ: lại tách rời, rồi các chi nhóm bị ảnh hưởng ngoại lai của Tàu và Lưỡng Hà, Á Rập, Ấn Độ.

Trong thời Trung cổ nầy thì Việt ngữ thành hình hẳn với những vay mượn của thời tái hợp và của Tàu.

Họ đã lập quốc ở bên Tàu, đã sáng tác thêm, nhưng cái MẶT cứ là MATA, con MẮT cứ là MATA, LÁ cứ là HALA, cứ là ĐOAN, CÂY cứ là KÂY, kaỹu.

Nhưng những thứ tế nhị hơn thì đã khác.

Chúng tôi đi từ cái ta đến gia đình, đến thiên nhiên, đến dụng cụ, đến đời sống tinh thần, và mặc dầu nghiên cứu ngôn ngữ ta lại biết được những sự kiện lịch sử mà tiền sử học không cho biết.

Quả thật tiền sử học không có phép mầu. Nhưng ngôn ngữ học và các khoa học khác có cái gậy thần ấy và cùng lúc với nghiên cứu ngôn ngữ, ta thử tìm biết đời sống tinh thần và tâm linh của dân ta xem sao.

Đây là một phần trong một ngàn trang (chớ không phải 500 trang) sách của quyển NGUỒN GỐC MÃ LAI CỦA DÂN TỘC V.N bị lọc ra, vì quyển đó quá dầy sẽ bán không được. Và chúng tôi làm được vài quyển nho nhỏ với cái phần bị lọc đó.

Đại danh từ TÔI của chủng tộc, thuở ban đầu dĩ nhiên không phải là TÔI đâu. Nó đã tan nát rồi, vào thời tái hợp, nhưng ta khôi phục lại được cái đại danh từ tối quan trọng đó.

Nó chỉ còn tồn tại trong chi Lạc bộ Trãi và Lạc bộ Mã, còn chi Âu đã nói là CHUN, chi Lạc bộ Chuy đã nói là KHNHUM từ hơn 2000 năm nay.

Cái TÔI cổ lối 6 ngàn năm đã tìm lại được ở chương I. Đó là ANY với một bầy con đông vô số kể.
Vua Hùng Vương nói AI. Nhưng bọn Lạc bộ Mã bị Tàu săn đuổi, đến ở trọ với Vua Hùng lại nói AKU. Ta không bỏ AI, không cóp AKU, nhưng ta sử dụng nó cũng khá linh động.

Từ nhiều trăm năm nay, dân ta đã quên tiếng Việt, ngỡ Quan Lang là ông quan có tước là Lang. Nhưng không phải vậy đâu. Đó là KUANG T’LANG.

KUANG là danh từ của ta, tức của Lạc bộ Trãi, có nghĩa là tù trưởng. Còn T’LANG là danh từ của khách trọ mà ta vay mượn có nghĩa là thái ấp nhỏ.

Kuang T’lang = Tù trưởng thủ lãnh 1 thái ấp nhỏ.

Hôm nay một sự lầm lẫn y hệt như thế đang xảy ra tại Ninh Thuận. Người Chàm là Lạc bộ Mã, lại vay mượn danh từ KUANG của Thượng Việt là Trãi và dùng để gọi ông Quận Việt Nam. Kuang đã biến thành Quan, lại đang biến thành Quận.

Bọn khách trọ văn minh, đã đóng góp để kiện toàn văn hóa ta, mà vua Hùng ban thái ấp cho họ, ban các T’lang mà hiện nay họ còn giữ với tước KUANG bị hiểu lầm là QUAN.

Nhưng ta đã hiểu lầm một cách tai hại hơn. Đối với Lạc bộ Mã thì Kuang T’lang = Thằng tù trưởng.

Thế thì khi ta gọi người Mường là Quan Lang thì họ bị mích lòng ghê lắm, nếu họ còn nhớ tiếng Việt cổ thời của bọn Lạc bộ Mã.

Phải gọi họ là Kuang T’lang Aku, nói tắt là KUANG T’LANG KU mới là có lễ độ, vì từ ngữ ấy có nghĩa là: Bẩm tù trưởng CỦA TÔI.

Lối nói đó, giống Tây, nhưng hữu lý hơn Tây. Tây nói VOTRE MAJESTÉ = Bệ hạ của các anh, thì còn nghĩa gì nữa!

Ta đã quên hết tiếng Việt rồi, từ ngày mà ta dời KU để đứng trước các nhân vật, chứ không phải sau: Cụ Tuần, cụ Phán, v.v.

Đây là vay mượn chớ không còn là danh từ chung nữa nên ta biến và dùng sai, vì ta không thạo nghĩa. Danh từ nào vay mượn là biết ngay, vì nếu có biến dạng, biến nghĩa, nó vẫn còn có lý. KU biến thành CỤ và dời chỗ thì còn có lý, nhưng nó tự lật tẩy nó rằng nó là con vay mượn ở trường hợp sau đây, mà ta hiểu bậy bạ quá sức tưởng tượng.

Khi Lạc bộ Mã (và hiện Nam Dương còn dùng y hệt như hồi cổ thời) giới thiệu con trai nhỏ của họ với ai, họ cũng dùng AKU, không phải với ý nghĩa tôn kính quan to nữa, mà với ý nghĩa quý báu đứa con đó.

Anak Aku = Con nít của tôi.

Rồi họ cũng co rút Aku thành Ku. Nhưng lần nầy thì Việt Nam không đảo ngữ nữa, mà cứ để vậy, thay Anak bằng danh từ THẰNG và cho KU một ý nghĩa kì dị: cơ quan sinh dục của con trai: ”Thằng cu Tí, thằng cu Tèo”.

Khi giới thiệu con gái bé, Nam Dương nói: “ Anak gađi”.

Gađi = Con gái bé trinh trắng.

Cả hai tiếng tốt đẹp là KU và GAĐI đều bị dân tộc Việt Nam cho một cái nghĩa xấu nhất thế giới.

Anak Gađi = Cái đĩ.

Ở đây Anak bị thay bằng CÁI và Gađi bằng ĐĨ.

Nhưng ĐĨ thuở ấy (thời Hùng Vương) vẫn còn nghĩa là gái bé trinh trắng. Nó chỉ xấu về sau này, khi ta có danh từ đồng âm là CON ĐĨ mà thôi.

Danh từ CON ĐĨ do tiếng Tamoul (Dravidien Nam Ấn) mà ra, không biết nó len vào Việt ngữ từ hồi nào, và bằng cách nào. Đó là danh từ CHAN ĐI. Nhưng không phải là danh từ chung thượng cổ đâu vì hồi thượng cổ không hề có nghề mãi dâm.

Tóm lại KU và ĐĨ thuở xưa rất tốt đẹp. Tiếng thứ nhứt bị ta quên nghĩa rồi hiểu sai, rồi tiếng thứ nhì thì rủi ro đồng âm với CON ĐĨ do Chanđi tạo ra, khiến ta ngộ nhận về sau.

Ngôn ngữ phiêu lưu kinh khủng và viết về lịch sử ngôn ngữ còn khó hơn là về lịch sử dân tộc nhiều lắm. Nào ai dè trong Việt ngữ lại có danh từ Mông Cổ, danh từ Tamoal, mà lại là những danh từ tối quan trọng vì KẺ và HỌ là hai ý niệm có tầm vóc lớn, còn CON ĐĨ tuy là chuyện xấu xa nhưng vẫn đánh dấu một biến cố lớn trong xã hội Việt Nam: sự xuất hiện của nghề mãi dâm.

Rồi ta sẽ thấy còn nhiều danh từ lạ nữa, mà Phạn ngữ là một.

Danh từ Kuang T’lang cho ta biết thật đích xác chế độ xã hội Việt Nam vào năm 500 T.K, năm mà tiền sử học cho biết rằng Lạc bộ Mã (tổ tiên người Mường) đến ở trọ với vua Hùng Vương.

Nước nhà đã thống nhứt theo chế độ phong kiến vì còn thái ấp, và không khác ngày nay ở xứ Mường chút nào cả. Nhưng vua Hùng Vương lại không có một danh từ để ban cho thái ấp trưởng, mà tạm dùng danh từ Kuang là tù trưởng.

Tù trưởng chỉ là trưởng của bộ lạc thôi chớ.

Điều thứ nhì mà ta được biết là bọn khách trọ ấy vẫn được trọng đãi, vì được phong kiến ở những thái ấp nhỏ, chớ không phải chỉ được làm thường dân mà thôi. Sở dĩ được vậy là nhờ họ đã văn minh lắm và giúp vua Hùng kiện toàn văn hóa.

Bọn Mã rất văn minh. Chính họ là tác giả trống đồng. Vua Hùng Vương kết nạp họ vì tình đồng chủng (40% danh từ giống ta) mà cũng để kiện toàn văn hóa của Văn Lang. Chính họ là kẻ đã đưa đôi đũa ăn cơm tới với danh từ ĐŨA.

Đừng tưởng đó là chuyện chơi. Cho tới năm nay người Ấn Độ văn minh là thế, vẫn còn ăn cơm bằng ngón tay. ĐUA vốn là chỉ số từ có nghĩa là hai, họ và ta biến thành ĐÔI và ĐŨA.

Nhưng vua Hùng Vương cũng không vừa gì, bằng không, ông đã mất ngôi, y như bọn Trãi ở Nhựt Bổn. Thiên Hoàng mà bọn Mã đến cướp ngôi của bọn Trãi đã lập quốc rồi. Vua Hùng Vương cũng đã tiến lên thời đại đồng pha (cổ vật núi Voi) và hơn bọn Mã về nông cụ. Họ có lưỡi HÁI. Đó là danh từ mà trước đó ta không có. Nhưng vua Hùng Vương có lưỡi A, mà:

Một lưỡi A, bằng ba lưỡi hái.

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng bọn ấy văn minh lắm, vì họ lập quốc lâu đời hơn vua Hùng Vương, quanh hồ Động Đình.

Chính bài dân ca ông Nỉnh ông Nang là của họ chớ không phải của ta:

Ông Nỉnh ông Ninh
Ông ra đầu đình
Ông gặp ông Nảng ông Nang
Ông Nảng ông Nang
Ông ra đầu làng
Ông gặp ông Nỉnh ông Ninh.

Có thuyết cho rằng ông Ninh là nói ngọng hoặc hình thức cổ của ông Linh (thiêng). Còn ông Nang là hình thức cổ của ông Lang.

Nhưng chúng tôi cũng có bằng chứng rằng hồi đầu Tây lịch dân ta gọi ông Lang là T’BOT. Lang là tiếng Tàu thì ta không làm sao mà có được vào tới Hùng Vương.

Vả lại nếu Ninh là Linh Thiêng thì linh thiêng chỉ có thể hiện ở đầu đình, nhưng mà ông Ninh cũng hiện diện ở đầu làng như loài người thì không ổn. Vả lại ta cũng chưa vay mượn tĩnh từ Linh của Tàu.

Hiện nay người Nam Dương (Lạc bộ Mã) vẫn có một tục ngữ tương tự, nhưng ý nghĩa thì khác hẳn.

Lang là Lanang = đàn ông lực lưỡng.
Nin là Lilin = cây nến

Dân ta biến L thành N và I thành Ế.

Nhưng ĐÀN ÔNG với CÂY NẾN là cái quái gì? Đó là hai danh từ trong câu tục ngữ mà chúng tôi ám chỉ đến. Cây nến là tục danh dùng để gọi đùa những người đàn ông ẻo lả và vừa gầy lại vừa cao. Tục ngữ ấy đối chiếu hai loại nông dân có hình thù khác nhau, để đùa chơi vậy thôi.

Tục ngữ của MIỀN DƯỚI là như thế này: PUTƠRI LILIN, LANANG LAKI. Định nghĩa đen là: Công chúa cây nến gặp NÔNG DÂN ĐỰC LỰC LƯỠNG.

Ta biến Lanang thành Nang, Nảng.

Ta biến Linin đến hai ba lần:

Linin
→ Ninin
Ninin
→ Nin, Ninh
Nin
→ Nến

Lần biến sau cùng là vào thời Mã Viện mà ta bắt đầu bị độc âm hóa. Nhưng bài ca dao thì đã có trước đó vào giai đoạn nến còn là Ninh.

Ngày nay NANG hình như còn có mặt trong Việt ngữ với nhưng hình thức sau đây:

(Nây) NẤN – (Bắp thịt) U NẦN.

Dân ca họ đi vào xã hội ta, cho thấy rằng thuở ấy họta sống lẫn lộn với nhau chớ họ không sống biệt lập như ngày nay, vì thế mà chúng tôi chấp nhận truyền thuyết Mường, bởi không còn ai biết ai là con cháu của Trãi hay Mã nữa.

Vua Hùng Vương có Ừ mà không có DẠ, chính bọn ấy đã đưa YA tới mà hiện Miền Dưới còn dùng.

Tóm lại, đó là thứ dân bổ sung có đời sống tinh thần và tâm linh tế nhị rồi. Hơn thế vì đã lập quốc từ trước cả đời Tây Chu nữa, nên họ đã có những danh từ quí phái. Hơn thế, quanh họ có lu bù nước Việt văn minh bằng nhau (Sở, Ngô, Việt, Mân Việt) nên họ càng dễ văn minh hơn là vua Hùng Vương trơ trọi một mình ở Văn Lang.

Giàu danh từ quí phái, họ có đến ba đại danh từ ngôi thứ nhứt:

AKU: để người xưng hô với người
KITA: để xưng hô với dân
KAMI: để thần xưng hô với người.

Thần ở đây là thánh trong tôn giáo đồng bóng mà vua Hùng Vương cũng có, nhưng lại không có đại danh từ.

Vậy vua Hùng Vương đã vay mượng KITA của họ để phân biệt quí với tiện.

Y như Tần Thủy Hoàng lên ngôi rồi tự xưng là Trẫm, bắt dân tự xưng là Ngã là Ngô.

Dĩ nhiên là thánh thần của bọn Lạc bộ Trãi vốn nhà quê trước đó, tự xưng Ai, Any, bấy giờ cũng bước lên một bước trên đài danh vọng và cũng tự xưng là KAMI. Câu chuyện xảy ra cách đây 2500 năm.

Sống chung với nhau vài trăm năm thì Lạc bộ Mã (người Mường) và Lạc bộ Trãi đều biến KAMI thành ra MIN. Và MIN tồn tại cho tới năm các cố đạo Tây Phương đến xứ ta.

Hiện nay thì thánh thần ở Nam Dương cứ tự xưng là KAMI chớ không có biến.

Kẻ biến bậy có lẽ là Lạc bộ Trãi. Còn tổ tiên của người Mường, vì cái thân ở trọ, đành phải biến theo, chớ Chàm và Nam Dương có chủ quyền thì không biến!

Quí vị thấy AKU biến ra thiên hình vạn trạng, bây giờ ta theo dõi nhưng biến dạng của đại danh từ KITA.

Vua Hùng Vương chỉ tiếp tục tự xưng là KITA cho đến khi trào đại bị Thục Phán diệt. Nhưng dân thì chưa trèo đèo tự xưng là KITA. Ngày nay ở Miền Dưới (trừ Phi Luật Tân) đã mất vua rồi, thế mà chỉ có leo heo vài tỉnh, dân mới dám trèo đèo tự xưng là Kita mà thôi.

Dân ta trèo đèo có thể vào thời Đinh Bộ Lĩnh vì ông vua ấy bắt chước Tàu, tự xưng là TRẪM, Kita bị bỏ ngỏ. Nhưng khi trèo đèo ta bỏ mất âm KI. Người Chàm trèo đèo vào thời nào không rõ, nhưng âm ki chỉ được họ giữ lại có chữ K mà thôi.

Nam Dương:
Kita (Dân chưa dám dùng)
Phi Luật Tân:
Kita (Dân đã dám dùng)
Mã Lai Á (Kơlantan):
Kita (toàn quốc không dám dùng nhưng tỉnh Kơlantan thì dám)
Đại Hàn:
Đại Hàn là Lạc bộ Trãi thuần túy nên không có đại danh từ này.
Việt Nam:
Ta (Thả cửa)
Chàm:
Kta (Thả cửa)
Giarai:
Ta (Thả cửa)
Mường:
Ta (Thả cửa)

Cái TA thứ ba là TA của thánh thần cũng bị biến lung tung.

Khi các cố đạo Tây Phương đến xứ ta để giảng đạo thì họ mượn KAMI (đã biến thành MIN rồi) để đặt vào miệng đức Giê Su. Khi thánh của nước ngoài dùng đại danh từ đó thì tự nhiên dân tộc ấy nó mất cả nghĩa thiêng liêng, thành thử họ cũng tự xưng là MIN một cách trèo đèo.

Khi ta đọc sách truyền đạo của các cố đạo Kitô giáo, viết bằng quốc ngữ hồi thế kỉ 17, là rất ngạc nhiên, tự hỏi sao đức Chúa Trời, đức Chúa Giê Su không tự xưng với loài người là TÔI ĐÂY, TAO ĐÂY, mà tự xưng là MIN đây, chữ MIN đó không có H cuối.

Các ông thuộc sách giảng đạo làu làu cũng trả lời được khi ta hỏi họ nguồn gốc của đại danh từ MIN ấy trong Việt ngữ, họ chỉ nói đó là tiếng cổ.

Nay ta đã biết rằng ta là Mã Lai rồi thì mọi việc đều rõ. Hơn thế ta lại biết ở cổ Việt, Lạc bộ Trãi vững ngôi với các ông vua Hùng Vương, khi bọn Lạc bộ Mã tới bổ sung cho dân số của vua Hùng.

Còn dân chúng trèo đèo tự xưng là Min vào thời nào? Chắc là không ai dám phá nổi bí mật của thời gian đó, mặc dầu nó chỉ mới xảy ra không lâu, nhưng theo thư tịch thì ta biết, ta biết cả tên của kẻ trèo đèo. Đó là Nguyễn Du trong câu thơ:

Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.
Một khi mà Min bị thần ngoại quốc dùng thì dân ta thấy rằng nó hết thiêng liêng, nên họ mới dám có sự trèo đèo ấy.

Ông Nhựt Bổn biến kì dị vô cùng. Thánh thần của ông không biết tự xưng là gì, nhưng ông thì biến đại danh từ KAMI đó thành danh từ với cái nghĩa ÔNG THẦN.

Thế nên khi đi tìm chủng tộc, họ mới phải điên đầu, vì so với ai, họ cũng khác hết.

Bọn Lạc bộ Mã văn minh lắm, như ta đã thấy với ba cái TÔI rắc rối của họ.

Cái Mầy của chung, nhưng cả hai, Mã và Trãi lại cũng có cái Mầy riêng.

Miền Dưới:
Mika
= Mầy
Bà Na:
Mi
= Mầy
Việt Nam:
Mi
= Mầy
Mạ:
Mi, Mai
= Mầy
Nhựt Bổn:
Kimi
= Mầy

Nhưng đã yên đâu nào. Họ còn có một cái Mầy lễ độ nữa, rắc rối lắm là nó giống hệt cái ta của họ.

Miền Dưới:
Kita
= Mầy ( lễ độ)
Cao Miên:
Eng
= Mầy (lễ độ)
Việt Nam:
Anh
= Mầy (lễ độ)
Mạ:
yiêng
= Mầy ( lễ độ )
Chàm:
Ai
= Mầy ( lễ độ)
XiTiêng:
Ay
= Mầy ( lễ độ)
Ra Đê:

= Mầy ( lễ độ)
Sơ Đăng:

= Mầy ( lễ độ)

Ông Nhựt lấy Anh + Kita = Anata = Mầy ( lễ độ).

Thì cũng như ông Nhựt lộn xộn nên không còn nhận ra bà con nữa.

Đại danh từ KITA = Mầy (lễ độ) chỉ có dân Mã Lai Kedah là dùng mà thôi, nhưng anh Nhựt, có lẽ vốn đồng gốc với Kedah, nên anh ấy biết và mới nhập hỗn loạn như thế đó.

Ở Nhựt Bổn thủ phạm là Lạc bộ Mã, vì Lạc bộ Trãi đã mất ngôi, chịu phận đàn em, ngôn ngữ chánh thức là ngôn ngữ Đông Kinh (Tokyo) mà đó là ngôn ngữ của bọn Lạc bộ Mã, bọn đã cướp ngôi của Lạc bộ Trãi và tự xưng là Thiên Hoàng từ 2000 năm nay.

KAMI với MIKA lộn lẹo điên đầu, nhứt là hai tiếng lại giữ hai ngôi: KAMI ngôi thứ nhứt, MIKA ngôi thứ nhì. Không phải chỉ là sự tình cờ mà có chuyện lộn lẹo như vậy đâu. Ta thấy có sự liên hệ tư tưởng giữa Kita, Kami và Mika. Kita và Kami đều là tôi, chữ thứ nhứt, vua chúa dùng, chữ thứ nhì thánh thần dùng. Nhưng cái âm quan trọng trong đó là âm KI biến thành âm KA chớ không phải là âm MI.

KI nghĩa là Ta đây, thấy rõ trong KITA.

KA nghĩa là ta đây, thấy rõ trong KAMI.

KAMI, ngôi thứ nhứt, thì KA phải đứng đầu.

MIKA, ngôi thứ nhì thì MI phải đứng đầu, vì kẻ quan trọng không còn là Ka nữa mà là Mi, kẻ được gọi đến.

Ta cứ nói lên một câu mà một vị thần của ta xưa nói với con công và đệ tử, ta sẽ buồn cười lắm: ”Mika phải cúng cho Kami một đĩa xôi đấy nhé!”

Còn vua Hùng Vương thì nói với một thần dân như thế nầy: Kami chém kal mika. KAL tức là CÁI, tức LICÁY, mà Lạc bộ Trãi trên Cao Nguyên dùng để chỉ cái đầu.

Dân thì nói: ”Chắc con kớt puôn rợ: kal, chắc, tay, jơn” (Thân thể người có bốn phần, đầu, mình, tay, chơn). Lạc bộ Trãi Cao Nguyên không đọc là chơn mà đọc là jơn. Xưa kia ta cũng phải đọc là jơn, không thể khác hơn được.

Ta lật một quyển tự điển Nhựt Bổn hay Nam Dương ta sẽ ngạc nhiên mà thấy TA với MI được định nghĩa dài một gang tay, còn NÓ thì chỉ có nửa dòng. Đó là dấu hiệu của hai xã hội phân biệt giai cấp triệt để, nên việc xưng hô giữa hai kẻ đối thoại là TAO với MẦY phải phức tạp không thể tưởng tượng được, Tao với Mầy là thần với người, là vua với dân, là nhà giàu với nhà nghèo, là chủ với tớ, là bạn với nhau, là nam với nữ, là quan với dân, là tướng với lính, là một vạn thứ, không sao kể cho xiết được.

Khi dân chúng Việt Nam trèo đèo tự xưng là MIN thì họ lại cho nó mọc cái đuôi H, mới đây thôi, tức sau Nguyễn Du.

Thế thì MÌNH với TA tuy hai mà vẫn là một vì đồng nghĩa. Nhưng MÌNH với TA tuy một mà là hai vì khác ngữ nguyên.

Và đấy là trường hợp Mình với Ta tuy hai mà triệt để hai, hoàn toàn hai, đó là CÁI MÌNH (thân thể), hiện chỉ có bốn quốc gia còn giữ được:

Nhựt Bổn:
Mi
Đại Hàn:
Mon
Việt Nam:
Mình
Thái Lan
Hmơan

HMƠAN, đọc chữ H và thật nhanh ở âm ƠA.

Hiện nay nhóm Khả Lá Vàng vẫn cứ gọi cái mình là cái CHẮC, còn người Việt miền Nam thì gọi kẻ lùn là Chăn chắc. Xin nhớ rằng Bắc Việt mất ngôn ngữ rất nhiều và quên mất CHĂN CHẮC. Người Khả Lá Vàng ở đèo Mụ Già chỉ có thể liên lạc được với miền Bắc chớ không với miền Nam để dạy miền Nam tiếng CHẮC. Vả lại thuở Khả Lá Vàng mất nước Đạo Minh trong tay Chơn Lạp thì miền Nam chưa có mặt trên quả địa cầu.

Vậy miền Bắc vẫn phải có Chăn Chắc có nghĩa là kẻ lùn. Chăn chỉ là tĩnh từ của Lạc bộ Mã là Chin, tổ tiên của người Mường, có nghĩa là nhỏ bé.

Vậy danh từ CHẮC có ít lắm cũng từ 5 ngàn năm, nhưng thật ra nó phải xuất hiện ít nhất cũng từ 8 ngàn năm, từ khi Lạc bộ Trãi phát tích. Năm ngàn năm là thời mà họ di cư tới cổ Việt. Nhưng danh từ kép Chăn Chắc thì chỉ mới có cách đây có 2500 năm, năm mà Lạc bộ Mã, tổ tiên của người Mường, tới ở trọ với vua Hùng Vương và cho ta mượn CHIN.

Hiện nay ở nông thôn Bình Trị Thiên, người ta nói ĐẬP CHẮC thay vì nói ĐÁNH NHAU. Đập chắc là đập cái chắc của nhau, thế nên chúng tôi mới quả quyết rằng vua Hùng Vương nói hệt như Khả Lá Vàng vì CHẮC là danh từ được thịnh dụng của Khả Lá Vàng, để chỉ cái Mình.

Khả Lá Vàng:
Chak
Khả Tu:
Chak
Sơ Đăng:
Cha
Hê Lang:
Cha
Mạ:
Sak
Lào:
Sak
Koho:
Sak
Nông thôn Bình Trị Thiên:
Chắc
Nam Việt:
Chắc

(Nam Việt mỗi ngày mỗi nói đến Chăn Chắc nhưng đã quên mất nghĩa, khác với Bình Trị Thiên còn nhớ rằng đó là Cái Mình. Nhưng Bắc Việt thì quên tuốt cả danh từ nữa.)

Nhưng Lạc bộ Trãi lưu vực Hồng Hà rắc rối hơn tất cả các nhóm Mã Lai khác. Họ còn biến Mình một lần nữa, để dùng làm tiếng xưng hô giữa vợ chồng, tiếng Mình nầy thì còn non choẹt nhưng không biết do Mình là THÂN THỂ hay mình là TA mà ra, bởi vì do cái nào cũng hữu lý cả, bởi em yêu mình, em xem mình như Ta (như em) cũng có lý, mà em xem mình như chính thân mình của em cũng có lý.

Cái tiếng MÌNH trẻ tuổi nầy sống đâu được chừng một vài trăm năm thì đã chết vì ngày nay vợ chồng không xưng hô với nhau như vậy nữa.

Nay thì Em ơi! Anh ơi! Thế thì thề non hẹn biển làm gì, bởi BẬU chết, QUA chết, MÌNH cũng chết và vài năm nữa lối xưng hô Em ơi, Anh ơi, cũng sẽ biến mất.

Ngôn ngữ là một thứ khó điển chế nhứt, y hệt như bắt trạch, bắt lươn, bắt cóc bỏ dĩa.

Năm 1954 đồng bào miền Bắc di cư vào đây, nghe người Nam nói BỰ thay vì TO, họ rất chối tai, nhưng họ không hề dè rằng TO chỉ là tiếng Mông Cổ và ta vay mượn cách đây 5000 năm, và thuở thiên hạ mới dùng TO, thay cho LỚN thì những ông trung thành với ngôn ngữ gốc, chắc cũng đã tức mình y hệt như những ông nghe BỰ lấn át TO.

Đã bảo chính đại chúng tạo ngôn ngữ chớ không phải trí thức, thì xin trí thức đành chịu vậy, tức mình cho lắm chỉ tổn thọ.

Danh từ MìnhThân thể là một hiện tượng mà chúng tôi suy gẫm từ hơn mười năm rồi mà không giải thích được. Tại sao khi tái hợp thì chủng Mã Lai còn giữ được hàng ngàn danh từ chung của thời thái cổ như Núi, Sông, Nước, Cây, Trăng, Lá, thế mà cái thân thể là cái gần gũi với họ nhứt, họ lại không giữ được.

MÌNH vốn là danh từ chung của đại khối Mã Lai, như MẮT. Nhưng MẮT thì giống nhau hết, mà MÌNH lại khác nhau hết, vì họ đã đánh mất hết. Nhưng chúng tôi tin là bọn Trãi còn vì Khả Lá Vàng cổ nhứt. Vậy kẻ đánh mất là Chuy, Mã và Âu.

Nếu họ đánh mất, vì phải học của Tàu hay của Ấn, thì ta hiểu được, đằng nầy họ còn, nhưng lại khác nhau là thế nào? Chúng tôi phải kết luận rằng Mã, Chuy và Âu đánh mất chớ không phải còn, và họ học của một dân tộc kém hơn. Rất có thể họ học của một dân tộc kém hơn vì chế độ mẫu hệ của bọn Mã và bọn Chuy kéo dài rất lâu đời. Thuở ta tới cổ Việt thì ta bắt đầu tiến lên phụ hệ, còn Mã thì không, ở các địa bàn của họ. Chuy cũng thế. Ngày nay, ta vào một gia đình Cao Miên, ta hỏi bất kì cái gì họ cũng bảo ta hỏi thẳng vợ họ. Điểm đó chứng tỏ rằng Lạc bộ Chuy ra khỏi mẫu hệ chưa lâu.

Ông G. Coedès đã cho biết rằng khi bọn Lạc bộ Chuy đến địa bàn mới thì thổ dân, thuộc chủng Mêlanê đã tiến lên cao bằng họ, tức tiến tới thời đại đá mài. Thế nên cuộc hợp chủng rất lớn lao. Và vì phía mẫu hệ đã giỏi nên bộ Chuy phải học với Mêlanê. Hẳn là như thế. Chắc Lạc bộ Mã cũng vậy, vì Nam Dương là trung tâm lâu đời nhứt của nhơn loại với con người Java thì hẳn thổ dân phải giỏi.

Ở các địa bàn Thái và Lạc bộ Trãi thì Mêlanê rất kém vì thế mà Thái và Việt ít hợp chủng, lại còn lấn lướt phía bên nữ, nên sớm tiến lên phụ hệ, và mới còn giữ được Hmơan và Mình. Tiếng Thái đọc theo lời chỉ dẫn của chúng tôi thì rất giống mình.

Như thế, nếu vài bộ phận thân thể, có khác thì không còn phải ngạc nhiên nữa. Tuy nhiên, còn giống nhau rất nhiều: Mặt, Miệng, Lưỡi, Mắt, Xương, Lưng, Chơn, Cẳng, mà toàn khối đều nói giống nhau, ít lắm cũng trong chi Lạc, còn chi Âu có khác là chuyện dĩ nhiên vì họ khác chi. Nhưng cũng không khác bao nhiêu như danh từ mắt đã cho thấy:

Bộ Trãi: mắt
Bộ Mã: Mata
Chi Âu: tả

Đó là lấy một âm trong hai âm, theo thói quen của chủng tộc.

Nhưng đã có chứng tích rằng Lạc bộ Trãi cũng mất vì ta nói là cái chắc vào cổ thời chớ không nói Cái mình, Cái mình chỉ là danh từ mà ta học của người Thái dưới trào An Dương Vương.

Nhưng CHẮC của Trãi và Mình của Thái, cái nào là gốc tổ? Chỉ có trời mà biết. Truy lên tới đó là cụt đường vì nguồn bị nghẽn rồi.

Chi Âu tức Thái và Lạc bộ Chuy rất bê bối về đại danh từ. Lạc bộ Chuy chỉ giống đại khối Mã Lai có tiếng Eng = Anh. Chi Âu tức Thái chỉ giống có tiếng TAU mà họ đọc là RAOU, nhưng lại có nghĩa là CHÚNG TAU, còn thì khác cả.

Mầy họ nói là ĐÀN. Nhưng ĐÀN NÀO mới được chớ?

Ngôi thứ ba bị toàn khối khinh thường, mỗi dân tộc chỉ có một tiếng mà thôi. HẮN, xem ra là tiếng Mông Cổ mà cả Đại Hàn lẫn Nhựt đều có, với hình thức khác, cố nhiên. Nhiều nhóm đồng bào Thượng cũng có.

Nhưng NÓ, chỉ là vay mượn của Lạc bộ Mã, nhưng vay mượn sai. Trong ngôn ngữ của Lạc bộ Mã, NYA chỉ là CỦA NÓ, chớ không là NÓ bao giờ. Nó là IA, mà Nam Kỳ có vay mượn biến thành DA (đọc là YA).

Ta, Lạc bộ Trãi, ta vay mượn sai thì còn cho qua, nhưng người Chàm là Lạc bộ Mã cũng đã dùng sai NYA. Nơi người Chàm, NYA biến thành NHU và cũng có nghĩa sai là NÓ.

Tuy nhiên các cụ Trung Việt và Nam Việt đã vay mượn đúng NYA của Chàm đời xưa. Chàm đời xưa, nói đúng y như Mã Lai Nam Dương và NYA của Chàm đời xưa mang cái nghĩa là NGỮ ẤY. Các cụ miền Trung và miền Nam biến thành NỐ = Ngữ ấy. Nhưng NỐ đang hấp hối.


Chương VIII - Con gái, đàn bà, mái đực trống, chồng vợ

Buổi sơ khai, danh từ chỉ đàn bà con gái đều giống nhau hết thảy, và còn tồn tại đến ngày nay:

Miền Dưới: Wahinê
= Đàn bà
Đa Đảo: Hina (Đảo Marquises)
= Đàn bà
Đa Đảo: Véhini (Đảo Alor)
= Đàn bà
Nhựt Bổn: Himê
= Con gái
Việt Nam: HĨM
= Con gái
Thái: Hi-in
= Phụ nữ
Lào: Mê-nhin
= Phụ nữ

(Tự điển Nhựt định nghĩa HIMÊ là công chúa, nhưng sách Tây lại bảo rằng HIMÊ là con gái. Chúng tôi để danh từ HIMÊ trong biểu đối chiếu với sự dè dặt.)

Việt Nam đã bỏ mất nghĩa của HĨM và cho nó một nghĩa thô tục là cơ quan sinh dục của phụ nữ. Thế thì có lẽ Nhựt cũng đã biến nghĩa danh từ HIMÊ của họ. Sách Tây mà chúng tôi nói đến, nghiên cứu các tác phẩm cũ của Nhựt, còn tự điển là sách mới in. Trong vòng mấy trăm năm nay, Nhựt ngữ đã bị thay đổi hết, tiến từ sự bất biến đến có đủ các thứ biến y như Âu châu.

Trường hợp Việt Nam đánh mất danh từ HĨM có lý do đạo đức và luân lý, chớ không phải là quên nghĩa cũ như trường hợp Thằng Cu, Cái Đĩ. Cái lý do luân lý ấy rất là ngộ nghĩnh…

Ta cứ hình dung ra một bà mẹ hồi cổ thời, bà ấy dạy con: “Mầy nên che cái con gái của mầy lại”. Bà mẹ đó ăn nói rất tốt vì bà tránh phải thốt ra một tiếng thô tục. Dĩ nhiên là trong câu của bà, hai tiếng CON GÁI là HĨM, bởi danh từ con gái chưa xuất hiện.

Nhưng ăn nói như vậy chừng hai trăm năm là danh từ HĨM bị hoen ố rồi nên lại phải tạo ra danh từ mới để diễn ý niệm con gái. Nhưng con gái vẫn chưa xuất hiện, nhưng chúng tôi không đủ tài liệu để kể ra hàng chục danh từ có nghĩa là con gái trải qua 8 ngàn năm lịch sử của dân ta, nhưng đại khái là cứ vài trăm năm thì một danh từ con gái bị hoen ố chính vì cái câu đó, thế nên ta cứ phải thay đổi mãi, mà vua Hùng Vương, bà Trưng bà Triệu ăn nói khác ta ngày nay, chớ không phải y hệt như ta được đâu.

Luật Swadesh về thời hạn một ngàn năm cho 20% danh từ, không thể đúng với loại danh từ này, chúng chỉ thọ 200 năm là cùng. Cách đây một trăm năm, người Pháp nói LE PETIT COIN. Nhưng rồi họ phải bỏ, nói W.C. W.C là tiếng Anh, lại viết tắt thì tưởng nó thọ lâu lắm! Nhưng bây giờ thì họ không dám dùng W.C nữa mà nói TOILETTE.

Tuy nhiên, thật ra thì không phải thay đổi danh từ thuở ta chưa có luân lý. Có lẽ chỉ phải thay đổi từ các đời Hùng Vương đến nay thôi.

Ta thử tìm biết danh từ CON GÁI của thời Hùng Vương 16, 17, 18 xem nó ra sao.

Người Khả Lá Vàng là người của thời đó và hiện còn sống sót họ nói: SALU GUÔI = Con trâu gái.

GUÔI không phải là hình thức đầu của GÁI. Nó chỉ có nghĩa là CÁI hồi cổ thời.

Thế nghĩa là vào thời đó, ta dùng Gái để chỉ GIỐNG CÁI của loài thú chớ chưa chỉ loài người.

Nhưng GÁI mà ta dùng ngày nay thì rõ ràng là của một nhóm Lạc bộ Mã kia là người Mường. Nhưng các nhóm Lạc bộ Mã khác như Chàm và Nam Dương thì nói khác.

Mường:
On Kai
= Con gái
Bình Trị Thiên:
Con cấy
= Con gái

Mãi cho đến ngày nay mà Bình Trị Thiên vẫn còn câu ca dao:

Con trai họ Võ thì lấy
Con cấy họ Võ thì đừng

Trong khi Lạc bộ Trãi chỉ có 36 phương ngữ ở khắp nơi, từ Đại Hàn đến Nhựt, Việt, nhưng đã thống nhứt rồi, ít lắm cũng ở ngoài đồng bằng, thì Lạc bộ Mã có quá nhiều phương ngữ. Ở Nam Dương có 350, ở Phi Luật Tân có 400. Điên được chớ chẳng chơi!

Người Mường chỉ là một nhóm nhỏ trong Lạc bộ Mã thế mà ông H. Maspéro đã tìm thấy 17 phương ngữ Mường khác nhau! Vậy Mường đã cho ta vay KAI mà ta đọc là CẤY để chỉ CON GÁI, còn thấy được trong ngôn ngữ Mường ngày nay và trong ca dao Bình Trị Thiên ngày nay. Lúc Chúa Nguyễn ly khai, hẳn dân ta nói con CẤY ở toàn quốc, tức từ Bình Định tới Lạng Sơn, chớ không phải riêng chúa Nguyễn ở Bình Trị Thiên mới nói như vậy.

Câu ca dao nầy ít có người biết. Nhưng một người bạn ở miền Trung đã cho chúng tôi cái câu đó.

Và ở đây có sự lộn lẹo thật buồn cười:

Cấy, Kai
= Gái (Đáng lý phải = Cái)
Guôi
= Cái ( đáng lý phải = Gái)

Nhưng sau đó có sự điều chỉnh. Người ta bỏ KAI của Mường là khách trọ, dùng GUÔI của Khả Lá Vàng.

Ta trở về với Lạc bộ Trãi là Khả Lá Vàng, nhưng có biến nghĩa. GUÔI là Cái của họ, được ta hiểu là GÁI, còn KAI là GÁI của Mường bị hiểu là Giống Cái.

Ảnh hưởng của bọn Mã, to lắm chớ không phải vừa vì tĩnh từ của họ lấn át cả tĩnh từ của ta, mặc dầu ta đã phản công, nhưng dấu vết còn sót lại mãi cho đến nay ở Bình Trị Thiên.

(Nhưng đất Bình Trị Thiên tuy đã bị Mã hóa ở tĩnh từ CẤY, nhưng lại oanh liệt ở tĩnh từ ĐAM.

Buổi mai, em xách cái oi
Em xuống dưới ao
Em bắt con đam
Đem về bỏ trong cái thỏng
Hắn kêu cái rỏng
Hắn kêu cái rảng
Hắn kêu một tiếng: chàng ơi!
Chàng nay an phận tốt đôi,
Bỏ em lẻ bạn, mồ côi một mình.
ĐAM là CUA, được khắp Cao Nguyên dùng, nhưng ở đồng bằng thì chỉ có Bình Trị Thiên là còn bảo vệ nó, còn toàn quốc đã bị danh từ của bọn Lạc bộ Mã là danh từ KOJOR, mà ta biến thành CUA, tràn ngập hết.

Ta bị tràn ngập cho đến đỗi đa số người Việt không còn biết con đam là gì nữa cả, khi nghe đọc bài ca dao cổ trên đây mà chúng tôi chép lại của một nhà sưu tầm ca dao Trung Việt.)

Nhưng sự điều chỉnh xảy ra vào thời nào thì không thể biết. Chỉ biết rằng điều chỉnh xong rất lâu mà Kai và Cấy cứ tồn tại ở xứ Mường và ở Bình Trị Thiên.

Ta hạ bệ KAI của khách trọ là tổ tiên người Mường, từ địa vị NGƯỜI GÁI xuống địa vị CON CÁI. Đó là ngữ nguyên thật đúng của GÁI và CÁI.

Gái = chỉ thú vật của Khả Lá Vàng → chỉ người của ta.
Kái = chỉ người của Mường → chỉ thú của ta.

Còn MÁI là tĩnh từ của đại khối mà dân tộc nào cũng có, nhưng Việt Nam hỗn xược cho nó cái nghĩa là giống cái của loài cầm, các nhóm Mã Lai khác, dùng để chỉ người.

Nhưng NÁI thì ta không hỗn xược mà chính Thái đã tự hạ mình:

Miền Dưới:
Pơnita
= giống cái của người và thú, cầm thú.
Việt Nam:
Nái
= giống cái của heo
Churu:
Ana
= _”
Rôglai:
Ana
= _”
Thái:
Nai
= Đàn bà có chồng

Nhưng không chắc lắm là Thái tự hạ. Không có ai vô cớ mà tự hạ. Có lẽ các dân tộc khác tự tôn mà thôi, và xưa kia NÁI chỉ đàn bà có chồng, bằng chứng còn thấy được trong từ ngữ Việt Nam: NÁI XỀ. Thái giữ được, các dân khác biến bậy về nghĩa. Ta cũng giữ được, nhưng chỉ để nói đùa. NÁI XỀ là phụ nữ có con quá đông, nhan sắc bị tàn phá, trông bắt ớn.

ĐỰC thì hơi rắc rối. Ta sẽ thấy rằng ÔNG, BÀ là tiếng Mông Cổ mà cả Tàu lẫn Ta đã vay mượn thì ĐÀN ÔNG, ĐÀN BÀ không thành vấn đề nữa. Chỉ còn ĐỰC và TRỐNG mà thôi.

Lạc bộ Mã và Lạc bộ Chuy nói khác hết.

Có người cho rằng ĐỰC do TƯA của Thái mà ra. Nhưng chúng tôi chỉ thấy Thái học danh từ của Lạc bộ Mã, còn Lạc bộ Mã thì chưa hề học danh từ của Thái. Trong Thái ngữ có:

Tưa phu
=
Đực người
Phu chai
=
Người đực

Đực người hay người đực gì cũng đồng nghĩa.

Nhưng Mường là Lạc bộ Mã thì có Đưa = Trai. Mà Mường là một nhóm Lạc bộ Mã (độc nhứt có ĐƯA). Các nhóm Lạc bộ Mã khác như Nhựt Bổn, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Anh Đô Nê Xia, không thấy có).

Xin lặp lại là Lạc bộ Mã dưới thời Chiến Quốc, văn minh đã cao lắm rồi, còn Thái thì cho đến ngày nay vẫn còn thiếu danh từ để diễn ý.

Ngôn ngữ Thái và Cao Miên đầy dẫy danh từ của Lạc bộ Mã vì khi con dân của Sở, Ngô, Việt di cư thì dĩ nhiên lá họ tạt vào rất đông đảo ở nước Tây Âu hùng cường. Còn Cao Miên thì lại học với Phù Nam, sau khi đã diệt quốc Phù Nam. Vì thế mà Thái mới vay mượn Tưa của Lạc bộ Mã.

Ta, ta vay mượn ĐƯA của Lạc bộ Mã, y như Thái, nhưng ta không biến ĐƯA thành TƯA mà biến ĐƯA thành ĐỰC.

Thế rồi cũng lại có sự điều chỉnh y hệt như ở trường hợp Cái, Gái, vì người Khả Lá Vàng nói:

Kuan Salu trùi = Con trâu đực.

Vì Khả Lá vàng là Lạc bộ Trãi nên rồi họ được ưu tiên và Mường phải lép vế vì Mường không thẳng dòng. Thế là Đưa, có nghĩa là Trai, bị hạ bệ xuống làm ĐỰC còn TRÙI có nghĩa là ĐỰC, được tôn lên làm trai.

Không nên ngộ nhận rằng ta đã biến CHAI của Thái làn TRAI, vì CHAI của Thái là biến thể của Licay và có nghĩa y hệt như Licay: đực, lực lưỡng, thủ lãnh, đàn ông.

Mỗi lần người Thái Lan sang Sài Gòn chơi túc cầu hoặc võ Ănglê, ta thường nghe họ khuyến khích bồ nhà: Chai yô! Chai yô! Chai của họ không phải chỉ là Đực mà còn có nghĩa là mạnh. Chai yô! Có nghĩa như là: Tiến mạnh lên!

Nhưng không vì họ cho nó nhiều nghĩa mà tĩnh từ trai là của họ. Chính ta đã lấy của Khả Lá Vàng rồi biến nghĩa, cũng như ta đã lấy Đok là con khỉ của đồng bào Thượng để biến thành KHỈ ĐỘT, vì thường thì sự vay mượn nội bộ xảy ra dễ dàng hơn.

Chúng tôi cũng e là có sự ngộ nhận trong danh từ PHU của Việt Nam, có mặt trong từ ngữ MỘ PHU. Người ta nói đó là tiếng Tàu.

Còn ngờ! Sao cái gì cũng của Tàu hết vậy?

PHU của Tàu chỉ có nghĩa độc nhứt là đàn ông, còn ta thì ta mộ cả phụ nữ để làm phu nữa. PHU của Thái thì mang cả hai nghĩa: nam và nữ.

Bà con Nam: Yạt ti phu chai
Bà con nữ: Yạt ti phu hiin

Thế là PHU của ta do PHU của Thái mà ra.

TRỐNG, ở nông thôn Bắc Việt được phát âm là SỐNG. Nông thôn thủ cựu và SỐNG là hình thức cổ của Trống. Nhưng cái gì biến thành SỐNG? Chỉ một nhóm Thượng Việt độc nhứt là người Khả Tu mới có tĩnh từ nầy dưới hình thức GÔNG để chỉ giống đực của gà. SỐNG thành hình sau khi vua Hùng Vương thống nhứt các bộ lạc. Và cũng xin cứ nói đi nói lại mãi rằng không phải là Hùng Vương đã vay mượn GÔNG của Khả Tu mà bộ lạc Khả Tu và bộ lạc Ađuôk của Hùng Vương có chung tĩnh từ GÔNG. Các bộ lạc khác, phải học theo, sau khi cuộc thống nhứt thành công.

VỢ thì nhứt định là chung vốn với Thái, họ nói là YAR, nhưng CHỒNG thì không giống ai cả và chúng tôi cũng nghi là tiếng Mông Cổ vì ÔNG thêm CH vào là hóa ra đàn ông quan trọng và thân.

(Xin nhắc đến tĩnh từ CÁI thứ nhì, trong Bố Cái Địa Vương. Đó là tĩnh từ có nghĩa là đực, là đàn ông, là lực lưỡng, là lãnh tụ, chẳng dính líu gì tới Cái là giống cái hết thì ta không xét tới nó ở đây. Chỉ biết là tất cả các dân tộc Mã và Trãi đều có tiếng Cái thứ nhì đó.)

Nhưng CHỒNG do ÔNG của Mông Cổ, mọc thêm cái đầu CH chỉ là giả thuyết. Lạc bộ Mã ở Nam Dương gọi CHỒNG bằng ba danh từ, cả ba đều có thể biến thành CHỒNG: RÔ ĐÔNG (Mã Lai Pahang) - BAGÔNG (Mã Lai Perala) - KAMGÔNG (Anh Đô nê xia).

Một chi tiết ngộ nghĩnh: trên thế giới chỉ có chủng Mã Lai gọi Chồng là NHÀ. Vậy Chồng đồng danh từ với Nhà trong các nhóm. Thí dụ Chàm và các phụ chi Chàm như Rađê, Giarai đều gọi Chồng là THAN là SANG, vì họ lại đồng hóa cái Thang với cái Nhà bởi nhà đời xưa cao cẳng, muốn leo lên loại nhà đó phải nhờ cái thang.

Vậy nơi các nhóm đó, cả ba danh từ Thang, Chồng và Nhà là một.

Chàm:
Thang
= Chồng, Nhà, Thang
Giarai:
Sang
= Chồng, Nhà , Thang
Rađê:
Sang
= Chồng, Nhà, Thang
Chu ru :
Sang
= Chồng, Nhà, Thang


Cái thang là danh từ riêng của Lạc bộ Mã :

Nam Dương:
Tanga : cái Thang
Việt Nam:
Thang
Việt Nam:
Nhà sàn = nhà có thang.
Chàm và phụ chi:
Thang, Sang = Thang, Nhà, Chồng
Nhựt Bổn:
Tanna = cái kệ, tức cái món giống cái thang vì có nhiều bực.

Nhựt Bổn là Lạc bộ Mã đa số, nhưng họ lại biến THANG thành cái KỆ, rồi thì họ phải tân tạo danh từ Nhà. Nhà của họ là UCHI, vì đó là thói quen của chủng Mã Lai, gọi cái nhà bằng bất cứ danh từ nào, thì cũng gọi chồng bằng danh từ đó.

Sự kiện này có thể biến thành luật chủng tộc học được. Hễ dân nào gọi chồng là NHÀ TÔI thì nhứt định dân đó thuộc chủng Mã Lai, không có ngoại lệ bao giờ hết.

Ngôn ngữ học lại phục vụ chủng tộc học được một cách chắc chắn, đó là điều bất ngờ.

Nếu Nhựt không biến Thang thành Kệ thì nhứt định chồng của các bà Nhựt Bổn là TANA, chớ không là UCHI.
Nguồn: Bình Nguyên Lá»™c. Lá»™t trần Việt ngữ. Nguồn XÆ°a xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.