trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
21 - 40 / 56 bài
21 - 40 / 56 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Gửi bài này cho bạn bè
15.2.2006
 
Hội đồng chung châu Âu rút kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng tranh biếm họa
talaCu
Cơ quan ngôn luận của talawas – Sát cánh cùng Nhân Dân

Số 19 – Ngày 15 tháng 2 năm 2006


Thay phiên



Salman Rushdie: Các bạn họa sĩ biếm họa Đan Mạch, các bạn có thể dùng chỗ ẩn náu của tôi.

(Gary Valvel)

Chiến tranh thế giới thứ ba



Mẹ ơi, mẹ kể lại chiến tranh thế giới thứ ba bắt đầu bởi mấy cái tranh biếm họa thế nào đi?

(Signi Wilkinson)

Hội đồng chung châu Âu rút kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng tranh biếm họa

Hai tuần sau khi cuộc khủng hoảng xung quanh những bức tranh biếm họa của báo Jyllands-Posten, Đan Mạch, bùng nổ, Hội đồng chung châu Âu đã phản ứng. Ông Josep Borrel, chủ tịch Quốc hội EU phát biểu trong một cuộc họp báo: “Sự kiện Jyllands-Posten một lần nữa cho chúng ta thấy không phải lúc nào báo chí cũng ý thức được về những việc họ làm. Sẽ quá nguy hiểm nếu như chúng ta tiếp tục để mặc họ một mình. Họ cần phải được theo dõi, kiểm tra một cách sát sao. Chúng tôi đã cho ra đời một Ủy ban mới cho nhiệm vụ này, mang tên Ủy ban Phát triển Báo chí.”

Theo đạo luật mới vừa được Quốc hội EU thông qua, các tờ báo trong EU phải gửi tranh biếm họa tới Ủy ban Phát triển Báo chí để xin giấy phép trước khi đăng. “Mọi việc rất đơn giản”, ông Borrel giải thích, “nếu chúng tôi nhận được một biếm họa liên quan tới Đạo Hồi, chúng tôi sẽ gửi tiếp nó cùng tên tuổi tác giả và tên tờ báo tới các cố vấn của Ủy ban là các Trường Koran có uy tín nhất của Pakistan, Afghanistan và Iran. Nếu họ xác nhận rằng nội dung biếm họa phù hợp với đường lối của Kinh Koran và không xúc phạm tới bất cứ người Hồi giáo nào trên thế giới, chúng tôi sẽ cho phép tờ báo đăng.”

Josep Borrel cũng cho biết tư vấn của Ủy ban trong lĩnh vực Thiên Chúa giáo là Tòa thánh Vatican. Tòa thánh Vatican đã khẳng định vai trò cộng tác tích cực của mình, và đã tự động gửi Ủy ban cả danh sách 20 nhà văn mà Tòa thánh cho rằng cần phải cấm và đốt hết sách của họ. Tuy nhiên, người phát ngôn của Ủy ban cho biết, hiện nay Ủy ban chưa có đủ nhân lực để quan tâm tới lĩnh lực văn chương.

Việc tìm người cộng tác cho mảng Hindu tỏ ra gặp khó khăn, bới các tổ chức Hindu khác nhau tại Ấn Độ đang tranh chấp tới đổ máu để tranh giành quyền được đại diện làm việc với Ủy ban. Thống nhất duy nhất của các tổ chức này là “trong tương lai, các nhà biếm họa sẽ không được vẽ bò, dù cả thân bò hay chỉ đầu bò, sừng bò, vú bò v.v… trong các tranh của mình.” Theo các nguồn tin khác nhau, nhà biếm họa lừng danh Gary Larson (www.thefarside.com) đã tìm chỗ ẩn náu vì công an thành phố ông cho biết sẽ không thể đảm bảo an toàn cá nhân cho ông trong thời gian tới.

Tương tự, việc đi tìm cộng tác viên cho Đạo Phật cũng gặp khó khăn. Ủy ban đã liên lạc với các chùa lớn ở Việt Nam, tuy nhiên các sư sãi đều cho biết “công việc chính của họ là kinh doanh kiếm tiền”. Trong chuyến đi công tác Việt Nam tuần trước, ông Borrel cũng đã đặt vấn đề với nhóm Phật tử cao tuổi sinh hoạt tại phường Thanh Xuân Bắc, nhưng ông trưởng nhóm tỏ ra không quan tâm, bởi vì “mọi việc đã có luật nhân quả, không cần phải ai can thiệp”. Nhưng ông cũng khuyên các nhà báo châu Âu nên cẩn trọng với lời lẽ và suy nghĩ của mình. Nếu làm điều xằng bậy, kiếp sau có thể bị đầu thai thành chó mèo, hoặc “thậm chí thành nhà báo Việt Nam thì còn không may nữa”.

Ủy ban Phát triển Báo chí cũng khuyên các nhà biếm họa bớt sản xuất các tranh châm biếm Tổng thống Bush, bởi họ có nguy cơ “lăng mạ quá nửa dân số Mỹ”. Ngoài ra, đặc biệt không đề cập tới Fidel Castro của Cuba và Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên. Ủy ban cũng sẽ cung cấp danh sách của khoảng 5, 6 người Việt Nam, còn sống cũng như đã chết, mà các nhà biếm họa “tốt nhất là không nên chạm đến nếu muốn yên thân”.

Ủy ban cũng sẽ khắt khe hơn trong việc cho phép báo chí trêu người Scottland là keo kiệt, người đảo Corse là lười biếng, người Ý là vô tổ chức, người Đức là không biết làm tình. Các quy định mới cũng hạn chế con rể châm biếm mẹ vợ, nhân viên pha trò về sếp, người ăn thịt nhạo báng người ăn chay. Cách đây hai hôm, một họa sĩ biếm họa của một tờ báo địa phương tại Turin, Bắc Ý, đã bị ba người đàn ông đánh trọng thương vì một bức tranh mà theo họ “làm nhục những người bị bệnh xuất tinh sớm”. Thị trưởng của thành phố Turin đã phải lên truyền hình chính thức xin lỗi tất cả những người mắc chứng bệnh này của thành phố, và một lần nữa khẳng định là “10 giây hay 30 phút không quan trọng, quan trọng là có thực sự sướng hay không”.

Bi kịch của những cái đinh




Bỗng nhiên tớ nghe thấy rầm một cái, quay lại thì thấy cậu ấy đã toi rồi.

(Mark Parisi)

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) đề cử giải thưởng Người trong sạch của năm cho ông Mai Văn Dâu

Ngày 12/2/2006, tại Berlin, bà Huguette Labelle, Giám đốc của Tổ chức Minh bạch quốc tế, một tổ chức tiên phong trên thế giới trong cuộc chiến chống tham nhũng đã công bố việc đề cử ông Mai Văn Dâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một trong những ứng viên cho danh hiệu Người trong sạch của năm 2006. Được hỏi tại sao ông Dâu mới bị nhà chức trách Việt Nam truy tố về tội nhận hối lộ 6000USD nhưng vẫn được đề cử nhận giải thưởng cao quí này, bà Labelle cho biết theo kinh nghiệm của TI, trong những đất nước có mức độ tham nhũng cao như Việt Nam, một người giữ chức Thứ trưởng một Bộ quan trọng trong nhiều năm lại chỉ nhận có 6000 USD là một điều hết sức bất ngờ. Bà nói “Chúng tôi không thể ngờ được rằng một người ở một vị trí quan trọng như ông Dâu mà chỉ nhận có 6000 USD, trong khi ông ấy hoàn toàn có thể kiếm được nhiều hơn con số đó hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Theo những thông tin mới nhất từ Việt Nam mà chúng tôi được biết thì ngay cả một cán bộ có chức vụ thua xa ông Dâu cũng đã từng trả lại những khoản lại quả 10.000 USD vì cho rằng như thế là quá ít. Chính vì vậy, hành động của ông Dâu quả là một sự kỳ diệu và ông ấy rất đáng được biểu dương để làm gương cho quan chức ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Nếu quan chức cao cấp nào cũng chỉ nhận bằng đó tiền hối lộ thì Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác đã giàu có lắm rồi ”.

Bà Huguette Labelle, Giám đốc TI cho rằng ông Dâu xứng đáng nhận giải thưởng Người trong sạch của năm
Cùng ngày, các tổ chức nhân quyền quốc tế nổi tiếng như Human Right Watch và Amnesty International cũng đã lên tiếng đòi chính quyền Việt Nam phải thả ngay ông Dâu. Họ cho rằng không thể lấy lý do nhận hối lộ 6000 USD để bắt một người giữ chức vụ cao như ông Dâu được. Theo họ, đằng sau việc bắt giữ ông Dâu chắc hẳn có những lý do chính trị nào đó. Hai tổ chức này đã tuyên bố rằng nếu ông Dâu không được thả ngay lập tức thì họ sẽ đưa ông vào danh sách các tù nhân lương tâm của Việt Nam.

Trong nước, các ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê, những người từng đề xuất thành lập Hội nhân dân Việt Nam chống tham nhũng nhưng bị từ chối đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng họ sẽ mời ông Mai Văn Dâu làm Chủ tịch danh dự của Hội vì họ tin rằng nếu mời được một đảng viên lâu năm, có uy tín chính trị cao như ông Dâu làm Chủ tịch danh dự thì chắc chắn Hội của họ sẽ được phép hoạt động.

Ông Mai Văn Dâu vui mừng vì nhận được sự ủng hộ rộng rãi cả ở trong và ngoài nước
Được hỏi về phản ứng của mình trước những thông tin trên, ông Mai Văn Dâu cho biết ông rất vui vì đã có được sự ủng hộ rộng rãi cả trong và ngoài nước. Khi được các phóng viên hỏi vì sao lại nhận 6000 USD tiền hối lộ, ông trả lời thẳng thắn: “Tại sao lại gọi đó là hối lộ, chắc các anh cũng biết các chủ tư bản nước ngoài đã bóc lột giá trị thặng dư của công nhân dệt may Việt Nam rất ghê gớm. Những công nhân phải làm thêm ca, thêm giờ với một đồng lương chết đói để làm giàu cho các ông chủ. Với tư cách là một người cộng sản chân chính, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm trích lấy lại một phần giá trị thặng dư đã bị tước đoạt từ những người công nhân nghèo khổ đó. Tôi cũng đã có ý định dùng số tiền này cá độ đá banh, sau đó lấy tiền thắng độ mang đi làm từ thiện nhưng chưa kịp làm thì đã bị bắt. Tôi tin rằng sau này lịch sử sẽ đánh giá đúng về tôi và việc làm của tôi”.

(TK)

Đàn ông cần hai tay để làm gì



Lịch sử y học

“Thưa bác sĩ, tôi bị đau tai.”

Năm 2000 trước Công nguyên: “Đây, anh ăn cái rễ cây này.”
Năm 1000 trước Công nguyên: “Rễ cây là mọi rợ, anh hãy đọc bài cầu nguyện này.”
Năm 1850 sau Công nguyên: “Cầu nguyện là mê tín, anh uống cái nước này.”
Năm 1940 sau Công nguyên: “Cái nước này là chất độc, hãy uống viên thuốc này.”
Năm 1985 sau Công nguyên: “Viên thuốc này không hiệu quả, hãy dùng thuốc kháng sinh.”
Năm 2006 sau Công nguyên: “Thuốc kháng sinh là nhân tạo. Đây, anh ăn cái rễ cây này.”

Thảo nào

Một em bé gái hỏi mẹ. “Mẹ ơi, con được sinh ra đời thế nào hả mẹ?”

“Chúa gửi con tới đây, con yêu ạ.”

“Thế Chúa cũng gửi mẹ tới đây hả mẹ?”

“Đúng vậy.”

“Cả bố, rồi ông bà, rồi các cụ cũng thế hả mẹ?”

“Đúng đấy.”

Đức trẻ lắc đầu nói: “Mẹ nói thế, tức là từ 200 năm nay rồi gia đình nhà ta không có sex. Thảo nào mà ai cũng càu cạu như vậy.”

Thả ruồi

Thầy giáo gõ thước kẻ lên bàn, nói :

“Im lặng! Cả lớp ngồi yên tới mức có thể nghe nổi cả tiếng ruồi bay!”

Cả lớp theo lệnh thầy, không ai dám nhúc nhích. Một lát sau, cậu học trò ở cuối lớp hình như không chịu nổi nữa, bèn réo to lên :

“Thưa thầy, thầy còn chờ gì nữa mà không thả ruồi ra đi ạ!”

Tin cuối ngày

Người xướng ngôn viên của đài truyền hình đang đọc bản tin thời sự cuối ngày. Một tờ giấy được đồng nghiệp đưa lên bàn. Cô chụp lấy và nhanh nhẹn đọc:

“Sau đây là bản tin nóng chúng tôi vừa nhận được: ‘Này, kẽ răng cậu còn dính ngọn rau muống.’”

(hazeem)