trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
29.5.2007
Mathilde Tuyết Trần
Em còn nhớ hay em đã quên...
 
Đã nhiều lần tôi ngần ngại. Viết hay không viết? Nói hay không nói? Phổ biến hay không phổ biến? Những điều của tôi và Trịnh Công Sơn. Tôi là con chim sợ ná, vì đã trúng đạn vài lần, tổn thương đến tận đáy sâu tâm hồn, như người Đức có câu “gebranntes Kind scheut Feuer” (đứa trẻ đã bị cháy tất sợ lửa). Nhưng thôi, mình cứ sống thật với mình, mặc ai đó chê cười, họ tất phải có những lý lẽ của họ.

Tôi còn nhớ người sinh viên bị bắn lủng bụng mà tác giả Bùi Văn Phú đã viết trong bài “Biết bao điều vẫn trôi qua...” đăng trên talawas trong loạt bài Kỉ niệm 5 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn.

Người sinh viên ấy tên là Ngô Vương Toại.

Không phải là tôi không nhớ đến Trịnh Công Sơn, nhưng nhớ đến một câu nói của một người bạn lớn tuổi cười khà khà, nheo mắt chế giễu tôi “Ấy, lại thấy người sang nhận quàng làm họ!”, cho nên tôi cũng ngại mang tiếng, thấy người sang nhận quàng làm họ.

Tấm ảnh này chụp trong một lần gặp Trịnh Công Sơn
Nhưng mới đây, khi đọc bài “Bi kịch Trịnh Công Sơn” của Trịnh Cung do một người bạn cũ gởi đến, tôi chợt hiểu thêm tâm tình của Trịnh Công Sơn lúc tôi gặp lại anh sau nhiều năm xa cách, vì anh không có thì giờ và chắc cũng không muốn kể những điều đã xảy ra trong khoảng thời gian đó, và cũng chợt hiểu rằng, những điều tôi biết về Trịnh Công Sơn, là một viên đá nhỏ, trong hàng trăm ngàn viên đá khác, sẽ giúp những người yêu mến Trịnh Công Sơn có một cái nhìn trọn vẹn hơn về một con người xuất chúng, không phải thời nào cũng có, và tôi có bổn phận phải nói ra, theo cái nhìn của tôi, về người nhạc sĩ tài hoa này.

Sau nhiều năm suy ngẫm cuộc đời và nghe đi nghe lại nhạc Trịnh Công Sơn, chủ quan mà thấy, có thể người ta có lý phần nào, khi chê những nhạc điệu của anh, quá đơn giản, quá theo khuynh hướng "Hướng đạo", nhưng tôi sẽ bênh vực Sơn tới cùng, khi ai đó nói về chất thơ trong lời nhạc của Sơn, vì đối với riêng tôi, không có gì thơ mộng bằng những lời nhạc của Sơn, và chính những lời thơ ấy đã phản ánh tâm hồn của Sơn.

Anh Sơn, nhìn theo cách của con gái nhìn con trai thời ấy, dù tôi mới mười lăm tuổi, là một chàng thanh niên rất đa tình. Anh phải đa tình thì mới có chất liệu để viết nhạc tình, cũng như anh phải thấy những cái đau thương để viết lên những bài hát khác. Cái tình trong nhạc của Trịnh Công Sơn làm cho nhạc của anh khác nhạc của những nhạc sĩ khác. Nó thật. Không màu mè giả dối. Người như anh, nếu có muốn sống như nhà tu, cũng không được. Và anh không phải là người giả dối, vì những đoá hoa biết nói, nếu “được” Trịnh Công Sơn yêu, thì cũng biết rằng, anh không thể chỉ yêu mãi một người.

Lúc gặp anh, tôi là một cô gái mới lớn, đang tuổi dậy thì. Nhìn quanh bạn bè tôi thời ấy, đám con trai nhà giàu học giỏi đẹp trai chờ đợi đi du học để khỏi phải chết trận, đám con gái cũng muốn đi ngoại quốc để lấy chồng giỏi chồng giàu, môn đăng hộ đối.

Nhà tôi ở gần dinh Gia Long, cho nên những cuộc đảo chánh hay những trái bom nổ và những biến động quân sự khác, người dân ở khu ấy đều thấm tận xương tuỷ. Hàng ngày bọn lính Mỹ ngồi xe jeep mui trần, bá súng dựng trên đùi như sẵn sàng bắn, chạy lòng vòng thị oai hai ba bận.

Trong những thời điểm nóng, ban đêm, cứ chừng khoảng ba giờ sáng thì đội quân bảo vệ dinh Gia Long, Toà Đô chánh và dinh Độc Lập, gõ cửa rầm rập, bắt mở cửa ngay, để họ xông vào nhà khám xét. Một tiểu đội súng ống đầy mình ập vào nhà, mở tủ áo, vạch mùng xem người nằm ngủ, chĩa súng vào gậm giường lên đạn, chạy từ trên nóc nhà, sân thượng, xuống nhà bếp cửa sau. Thậm chí đến con chó cũng sợ nằm bẹp gí trong góc cầu thang không nhúc nhích. Nhiều lần tôi thức giấc, cũng không dám hó hé, nằm im, lắng nghe ba má tôi mở cửa nhà, rồi đứng im lặng trong một góc, chờ cuộc khám xét trôi qua.

Khi Sài Gòn hàng đêm bị bắn pháo kích, chúng tôi không được ngủ trên gường nữa, má tôi bảo đem nệm để trên gường để hóng hoả tiễn pháo kích, mọi người trải chiếu ngủ dưới... gậm giường. Như thể cái giường bằng gỗ có thể chống được hoả tiễn.

Mới hôm qua, đọc báo, thấy báo chí tìm cách giải thích cho con nít hiểu, thế nào là chiến tranh, tôi mới tính ra là xã hội Âu châu đã sống 62 năm trong hoà bình. Tất nhiên, các thế hệ trẻ ở Âu châu không biết chiến tranh là gì và cũng không biết hoà bình là gì, vì chúng sinh ra và lớn lên trong thời đại hưởng thụ. Súng bắn ở đâu, bom đạn ở đâu, người chết ở đâu... mặc kệ.

Tôi không thể không viết về anh. Nhiều năm trước, anh Lê Tất Điều (tức nhà thơ Cao Tần) đã khuyên tôi, khoan viết về anh. Thiên chưa thời, địa chưa thuận, nhân chưa hoà. Nhưng chờ đến kiếp nào, thiên mới thời, địa mới thuận và nhân mới hoà? Nếu các sự kiện thời, thuận, hoà không ở trong lòng ta mà ra!

Chữ ANH viết hoa và viết cho nhiều người đã nằm xuống, vì trong tim tôi, tôi mang ơn những con người ấy, để tôi có thể đi con đường lãng bạc của mình. Đâu cũng là số phần. Hàng triệu người, không được tuyên dương công trạng, không được gắn mề đay, nhưng khi họ đã nằm xuống gởi xương đổ máu trên mảnh đất quê hương, thì đối với tôi đó là những anh hùng thầm lặng.

Năm ấy tôi mười bốn tuổi, cầm tờ giấy báo tử của Quân đoàn Thuỷ quân Lục chiến trong tay “Hạ sĩ Nguyễn Văn Điểm đã tử trận tại Quảng Trị trong trận hành quân liên kết Lam Sơn ngày 22 tháng sáu năm...”, tôi lặng người. Lần cuối, lúc anh tôi về thăm nhà đem theo người bạn chiến đấu là anh Quý, anh đeo một cái tai người bọc trong túi nhựa ép quanh cổ. Má tôi đuổi anh ra khỏi nhà, không cho vào nhà, và lật đật chạy ra chợ mua hương hoa vàng bạc về cúng cho người đã chết. Má tôi rầy la anh “phải tôn trọng người đã hy sinh, không nên thất đức!” Anh tôi cười “phải có can đảm chứ má!”

Má tôi bảo tôi “con có đi thì đi, ba má không đi được!” Tôi phóng xe Honda đi. Đường đi đến nghĩa trang rất xa, trời nắng chang chang, và qua nhiều thôn xóm mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu cây số, chỉ còn nhớ là đã ra khỏi thành phố khá xa, đã dừng lại đổ xăng hai lần, lúc đi và lúc về, và nhiều lần hỏi thăm đường đi. Đến nơi, nắng rát người, tôi tìm được người quản gia của nghĩa trang. Tôi chìa tờ giấy báo tử và nói

"Cháu đi nhận anh cháu”.

Ngưởi đàn ông già, ôm ốm, đen xạm, nhìn tôi chăm chú:

“Cô dám vô?”

“Dạ”.

“Cô có khăn tay và dầu không?”

“Dạ, cháu có khăn, nhưng không có dầu”.

Ông ta bảo tôi chờ trong sân, đi tìm và trở lại với chai dầu Nhị Thiên Đường. Ông trút gần nửa chai dầu vào khăn tay của tôi và bảo tôi che miệng và mũi... “Nếu không thì cô bịnh đó”. Tôi không hiểu gì, nhưng nghe theo lời ông.

Tôi theo chân ông vào nhà xác. Từ ánh nắng chang chang bên ngoài bước vào, tôi bị choáng váng vài giây, mới định mắt nhìn được bên trong. Mùi dầu rất hăng và cay nồng xông lên mũi, nhưng tôi cũng ngửi thấy mùi xác người đang bốc lên hầm hầm. Hai hàng hai bên, những bao ny lông căng phồng nằm sát cạnh bên nhau. Nguyên cả một tiểu đoàn đã hy sinh vì bom Mỹ dội xuống đầu. Tôi không khóc nhưng cổ họng ứ nghẹn. Ông già dừng chân trước một cái bao căng phồng, bảo tôi:

“Anh cô đây!”

Cái bao ny lông cột chặt, đeo lủng lẳng một miếng giấy ghi tên họ, quân đoàn và ngày tháng. Tôi chỉ thấy được một khối màu đen vì hơi nước đọng trong bao làm mờ cả bên trong và đôi giày trận đầy bùn đất.

Tôi hỏi ông già:

“Anh cháu bị ra sao?”

Ông khẽ lắc đầu:

“Chắc là mất nửa đầu!”

Anh tôi mới có hai mươi hai tuổi!

Sau khi giao việc làm huyệt và xây mộ cho nhà táng, tôi lái xe honda về nhà. Lúc ấy khoảng sáu giờ chiều, nắng đã dịu đôi chút nhưng còn nóng lắm. Mùi dầu Nhị Thiên Đường vẫn còn nồng và làm cho tôi đỡ nhức đầu. Con đường trở về nhà sao mà dài chưa từng thấy. Tôi không nhớ là mình đã khóc.

Anh Điểm và anh Trúc, cũng như em Bình, là con nuôi của ba má tôi. Mẹ anh Điểm đem con giao cho má tôi vì một thân một mình bà không nuôi nổi con, cha của anh đã đi trận. Anh Trúc không biết cha mẹ ruột là ai và ở đâu. Mẹ em Bình đem giao con cho má tôi, sau khi chú Vĩnh tôi đi bộ đội, và dặn má tôi, đứa con gái tên là Hoà Bình, theo ý nguyện và lời hẹn của chú tôi khi ra đi. Rồi bà cũng biến mất luôn, không bao giở trở lại. Sau năm 54, chắc là có nhiều gia đình tan năm xẻ bảy như thế. Bà ngoại tôi về Bắc, và cũng bẵng tin luôn, không còn bao giờ gặp lại.

Anh Điểm, lém lỉnh, nghịch ngợm, hay gảy một cây đàn guitar xưa cũ, có nhiều tì vết, hát nghêu ngao trên sân thượng tuốt trên tầng ba. Nhiều hôm nắng gắt, nồi canh không đủ cho cả nhà ăn, thì anh chan nước trà ăn với cơm, tỉnh queo. Anh Trúc, hiền hơn, đằm hơn, hay được má giao coi em, tức là chơi đùa với tôi và dắt tôi đi xem ciné.

Anh Điểm và anh Trúc đều bị bắt lính theo lệnh tổng động viên Việt Nam hoá chiến tranh thời ấy, dùng người Việt để giết người Việt. Hạ sĩ Trúc chết trận, mất xác, sau một năm đi lính, thọ hai mươi bốn tuổi. Người yêu của anh, chị Hoa, tục gọi là cô Bảy, một cô gái Bình Định, cũng biến mất luôn, không gặp lại nữa.

Tôi cầm cây đàn guitar của anh Điểm gảy vài cái cho dây đàn rung. Má tôi la quá, bảo tôi đừng đánh đàn gọi anh về, cho anh đi siêu thoát, và đem đốt cây đàn.

Cũng năm ấy, cái chết của cô bạn gái học trò cùng lớp đã gây nhiều thương tiếc trong trường tôi. Xoài, nhà ở bên kia sông Sài Gòn, bên Khánh Hội, mỗi sáng sớm đi học bằng xe vélo Solex, một vạt áo dài kẹp trong tay guidon, vạt sau kẹp trên cặp để trên porte-bagage. Sáng hôm ấy, như thường lệ, chúng tôi đứng xếp hàng ngoài hiên chờ vào lớp, bạn trưởng lớp đi điểm danh, chỉ thiếu có Xoài. Chúng tôi đang học và đã quá nửa buổi sáng thì cô hiệu trưởng gọi cô giáo ra ngoài hiên thầm thì to nhỏ. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, im lặng. Lát sau cô giáo vào lớp ngập ngừng báo tin, Xoài đã tử nạn trên đường đi học sáng nay. Con đường ấy là ngõ ra vào Sài Gòn từ bên kia sông, lúc nào cũng đông nức xe cộ, và nhất là các xe cam nhông kình càng nặng nề lắc lư như muốn lật khi chạy trên những ổ gà to bằng ổ cọp. Các xe đạp, xe vélo Solex, xe gắn máy khác luồn lách giữa những xe to. Nguy nhất là khi những xe nhà binh xuất hiện trên đường, họ luôn có quyền ưu tiên và phóng rất nhanh hoặc thắng khít nút. Một GI AMI trên chiếc Jeep canh tuần của hắn, lúc đi ngang qua Xoài, đã nghịch ngợm thò tay hất ụp cái nón lá của Xoài từ đằng sau ra đằng trước. Xoài bị nón che mắt, luống cuống, lạc tay lái, té xuống đường, hai mảnh áo dài cuốn vào bánh xe, khó gỡ ra, một chiếc xe vận tải phóng đến, thắng không kịp, cán chết Xoài trên mặt đường.

Thời ấy lính Mỹ, lính Đại Hàn, lính Úc... trang bị súng ống đầy người và đầy đường. Theo chân đám lính ngoại quốc là một đội quân những cô gái nhảy, gái bán ba... Đám nữ học sinh chúng tôi ra đường thường chỉ mặc áo dài trắng, dù đến trường hay không đến trường.

Vài ngày sau, cả lớp đi đưa Xoài về nghĩa trang ở bên kia sông. Chúng tôi đi theo quan tài đến huyệt. Đêm qua mưa to, sáng nay mọi đường còn trơn ướt.

Cái huyệt của Xoài đọng đầy nước. Nhà táng lắc đầu, họ đã dùng xô để múc nước ra, nhưng nước mạch cứ dâng lên, không hạ huyệt được. Tần ngần một hồi lâu, cô giáo bảo chúng tôi cắm nhang trước quan tài của Xoài đang nằm đợi trên một gò đất và vái chào người bạn gái rồi ra về.
Tôi biết, Xoài chết oan ức tức tưởi. Một thiên thần áo trắng chưa muốn thoát cánh bay khỏi cuộc đời. Trong tim tôi, Xoài không phải là nạn nhân, mà là anh hùng.

Hai chú tôi, chú Khang và chú C., mãi sau này tôi mới được biết là “dân nằm vùng”, có lần hỏi tôi trong một chuyến về thăm nhà:

“Thế cháu đi ngoại quốc học đã được mấy bồ? Ra ông này bà kia chưa? Đã làm được việc gì có ích chưa?"

Tôi ấp úng. Hai chú chỉ cười hề hề thông cảm.

Chú Khang, nay nằm sâu dưới ba thước đất, đã từng bị phòng nhì Tây tra tấn, đi không nổi, phải bò. Má tôi đi chuộc ba tôi, đành phải bán hết chuộc luôn chú về.

Trong suốt mấy mươi năm chiến tranh trên cả ba miền Bắc Trung Nam, tôi tin rằng có nhiều gia đình bị chia cắt và hy sinh cho cả đôi bên như gia đình tôi vậy. Đâu phải chỉ có rặt mèo trắng hay mèo đen!

Ba tôi chiều tôi, chở tôi đi mua cây đàn guitar mới, nhưng ba tôi sợ má tôi la, cho nên phải chờ chập choạng tối mới lái xe vespa đi len lén, kẻo má tôi lại hỏi “Ông đi đâu?”

Cầm cây đàn mới trên tay, tôi lỏn vào cửa sau, đi thẳng lên lầu ba, giấu cây đàn trên nóc mùng, rồi tôi cứ lên sân thượng, cầm đàn hát ngêu ngao như anh Điểm ngày xưa.

Một anh bạn trong nhóm Hướng đạo của tôi khi ấy, một hôm hát cho tôi nghe bài... “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ, để lại cho con...” tôi lắng nghe và... chẳng bao lâu sau đó, tôi có dịp gặp Trịnh Công Sơn. Khi ấy, Sơn hai mươi tám tuổi, còn tôi mười lăm tuổi.

Trên khu đất trống ở phía sau dinh Gia Long, mọc lên vài căn chòi và trụ sở của đoàn văn nghệ thanh niên học sinh Nguồn sống, và phòng triển lãm của hội hoạ sĩ trẻ ở góc đường Công Lý Lê Thánh Tôn. Trên khu đất này, đoàn Nguồn sống hay tổ chức chợ Tết và những sinh hoạt văn nghệ khác. Sơn ở một căn, gọi là nhà, vách gỗ mái tôn, ở một góc đường.

Nhân hôm có chị Thuý, em anh Sơn, từ Huế vào thăm Sơn, tôi đem máy ảnh đến chụp Sơn ngồi vắt vẻo trên bệ cửa sổ của căn nhà này, và chị Thuý mặc áo dài màu tím đứng trên mảnh đất trống chỉ có cỏ dại. Chị Thuý là gái Huế, giọng nói rất nhỏ nhẹ, và luôn mặc áo dài tím. Một lần, tôi hỏi Sơn anh nặng bao nhiêu ký, vì anh rất ốm yếu. Anh cười nói “Đủ tiêu chuẩn miễn dịch!” Tiêu chuẩn miễn dịch hồi ấy là bốn mươi lăm kí lô, vì với một trọng lượng như thế, làm sao mà vác được một khẩu súng! Chị Thuý cười nhoẻn, tấn công lại tôi một cách nhẹ nhàng “Còn em, nặng bao nhiêu kí lô?” Tôi ỏn ẻn trả lời, “Em chỉ có ba mươi sáu kí thôi!” tôi cũng ốm yếu như tàu lá, gió thổi là bay ngay!

Hôm ấy, buổi chiều không mưa, chúng tôi ngồi chung trên bãi cỏ trước trụ sở Nguồn sống ca hát chơi với nhau cho vui. Tôi cầm đàn hát bài... “Người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín...” Tình cờ Sơn đi qua, hỏi cô bé tên gì. Cô bé mặc áo dài trắng có cái tên độc đơn quá cổ hủ, quê mùa, cho nên Sơn gọi tôi là Bé Ti, và lại đề nghị thêm, trắng như tuyết thì lấy tên là Như Tuyết cũng được, cho nó có vẻ thơ mộng một chút. Nói là làm. Lần tôi hát chung với Bích Hợp trên Đài Truyền hình Việt Nam thì được giới thiệu là Như Tuyết và Bích Hợp! Chic ơi là chic! Hôm ấy thâu hình, thật buồn cười, chúng tôi đã chải chuốt tóc tai và trang điểm sẵn sàng để lên truyền hình, thì trời đổ mưa rào cái ập; chúng tôi đang dựng xe chưa kịp chạy vào trong đài. Ai nấy, tóc tai lép xẹp, ướt lem nhem và son phấn thì tèm lem tuốt luốt, không còn đủ thì giờ để làm đẹp lại nữa! Thế cũng vui.

Một hôm, Sơn hẹn tôi ở trụ sở hội hoạ sĩ trẻ. Tôi vẫn mặc áo dài trắng như đi học, tóc ngăn ngắn chấm vai, túm hai bên thành hai cái đuôi vịt cài bằng hai cái kẹp trắng của chị Thuý. Đến nơi thì các anh đã ngồi sẵn đấy. Sơn giới thiệu một người Nhật muốn thâu một bản nhạc do tôi hát. Sơn đàn và tôi hát bài... “Người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín...” Tấm hình chụp tôi và Sơn hôm đó được người phóng viên Nhật in trên gỗ và tặng Sơn. Còn Sơn tặng tôi cây đàn và bản nhạc chép tay “Tình nhớ”.

Lúc Sơn ở Huế về sau Tết Mậu Thân, anh rất buồn và hát cho chúng tôi nghe bài... “Xác người nằm trôi sông, trôi trên ruộng đồng...” mới vừa viết trên đường về thành phố.

Một buổi chiều vừa dứt nắng, tôi đến chào tạm biệt Sơn để đi học. Anh có vẻ tiếc, “Sao em không ở nhà đi hát?”

Bẵng đi bao nhiêu năm, tôi gặp lại Sơn trong một chuyến về thăm nhà, tình cờ lúc Sơn đạp xe đạp đi trên đường Tự Do cũ, trước nhà sách Xuân Thu. Anh nhận ra tôi, hỏi “Em về khi nào vậy!”

Tôi đến thăm anh tại nhà riêng, có cây xoài rất cao trong sân, gặp lại cả anh Tịnh và vài người khác. Như xưa, gặp nhau là xúm nhau, chuyền nhau cây đàn để hát. Xong, anh hẹn đón tôi đi chơi.

Sơn đến đón tôi trong một chiếc xe hơi, trong xe đã có hai người nữa. Tôi chui vào xe. Anh bảo tôi, “Mình ghé qua chỗ này một chút, hôm nay có một buổi hội thảo về văn nghệ”. Tôi nghĩ là chẳng dính dáng gì tới mình nên cũng chịu. Thời ấy, Âu châu đang có mốt mùa hè kiểu quần "ba phần tư" mà ở nhà dân chúng gọi là quần nước lụt, vì nó chỉ ngắn ngang nửa ống chân. Tôi mặc quần nước lụt và một chiếc T-shirt trắng. Thật ra, đó là một buổi đối thoại nghiêm chỉnh của thành phố với các nhạc sĩ và ca sĩ thứ thiệt trong nước. Tôi ngồi nghe chơi, tai này lọt qua tai kia. Bỗng nhiên có ai đó nói là hôm nay có mặt nữ ca sĩ của phong trào Tây Đức và mời tôi lên hát một bài.

Chết chu! Tôi đành phải lên cầm micro hát một bài với ban nhạc đã đứng sẵn đó. Mắc cỡ quá, vì mình ăn mặc không tề chỉnh để lên hát trước mặt mọi người. Chưa hết! Phóng viên báo Tuổi trẻ ập tới, chụp hình tơi bời và phỏng vấn! Hôm sau có hình đăng trên báo, cả nhà chưng hửng.

Tấm hình làm phông do báo Tuổi trẻ chụp
Buổi chiều hôm ấy, thành phố dịu mát và còn ướt sau một cơn mưa rào vào cuối hè. Tôi xác định thời gian như thế vì hoa điệp đã nở đỏ au và đang bắt đầu rụng, ngày tựu trường ở Sài Gòn vào đầu tháng chín đã gần kề. Mùa hè đã được quy định bởi thiên nhiên và tổ chức.

Tôi và Sơn ngồi yên lặng trong xe. Chú tài xế bấm còi inh ỏi để sửa soạn giành đường lên dốc một chiếc cầu nhỏ. Xe đi qua mấy cái cầu rồi tôi không nhớ, chỉ nhận thấy lá chuối, nhà sàn, mái lá, mái tôn và những chiếc ghe lướt ngang qua trí nhớ của mình một cách êm ái.

Trời chiều vẫn xanh. Một màu xanh huyền bí, buồn âm u và dịu dàng, như nhuộm cho cây lá, cho đất, cho không gian bàng bạc thêm xanh. Những tiếng động của cả thành phố ù ù như một tạp âm đều đều không dứt.

Xe rẽ vào một con đường nhỏ hơn, nhiều ổ gà và nhiều đám trẻ con ở trần mặc quần xà lỏn chạy lăng nhăng. Tôi giật mình khi trước mũi xe hiện ra cái cổng vào của nhà hàng Bình Lợi. Đường đi đến đây thì tôi đã quên, nhưng còn nhớ tên nhà hàng này.

Không ai muốn lên nhà hàng nổi ngồi. Nhất là Sơn, cứ muốn chiếm một cái chòi bên bờ sông, không sợ mưa. Nhà hàng có bao nhiêu cái chòi tôi lơ đãng không đếm, chỉ biết là ít. Vừa chỉ chỗ ngồi cho tôi, Sơn vừa nói với một vẻ bực dọc nhẹ nhẹ, chán ngán:

“Chút nữa tụi nó chơi nhạc là nhức đầu lắm!”

Một người bạn đi cùng giúi vào tay tôi cái thực đơn to tướng:

"Cho người sắp đi đi chợ trước.”

Sơn cũng ngó tôi cười:

“Ờ, em đi chợ trước đi, muốn ăn gì thì kêu.”

Hơi nước từ mặt sông bốc lên và hơi nước của những đám mây chiều màu đen xám, u tối, như gặp nhau ở giữa từng không làm cho không gian thêm mát lạnh và ướt rượt. Cái ẩm cao độ này, cộng với cái áo còn mướt mồ hôi của tôi, làm tôi thỉnh thoảng nổi gai ốc.

Cơn gió thổi la đà trên mặt nước sông làm gợn sóng lăn tăn và đẩy mấy đám bèo, mấy đám lục bình dạt vào bờ sông. Tiếng lá cây rì rào, tiếng dế kêu rúc rúc, tiếng ếch nhái ồm ộp đâu đó, tiếng nước sông vỗ vào bờ, tiếng mọi người rì rào quanh tôi, thâm nhập vào tim tôi, nhắc tôi: Nghe cho đã đi, nhìn cho đã đi, rồi đi...

Như một thói quen, tôi nhìn quanh tìm xem có bông hoa nào hay không. Hoa giấy, hoa dâm bụt, hoa thiên lý, hoa đại, hoa ngâu, hoa mười giờ và hoa mắc cỡ.

Cái chòi, gọi là chòi, chứ nóc làm bằng xi măng được tô điểm bởi một lớp lá tranh bên trên, bên dưới có chạm trổ hình dây leo, chỉ có một cột chống ở giữa, giống như cái mẫu thu nhỏ của nhà hàng Bảy Mẫu trong khu Văn Thánh. Cái nền tròn bằng xi măng đủ chỗ cho tám người ngồi ấm áp quanh một cái bàn xi măng xây tròn chung quanh cột.

Mấy cái bóng đèn chợt sáng lên. Sướng quá, có điện rồi. Suốt cả tuần ấy, ngày nào cũng cúp điện từ bảy tám giờ sáng đến bảy tám giờ tối, chứ không theo lịch trình gì nữa. Nước cũng có hôm bị cúp suốt ngày.

Tôi chợt nhớ ra là chưa nhìn lên bầu trời. Trăng đêm ấy tròn xoe trên nền trời xanh đen nhưng trong. Các ngôi sao hiện sáng lấp lánh như không thiếu một vì sao nào.

Sơn không ăn, anh chỉ lo trút cho tôi đầy chén.

Nửa chừng, anh nói anh sẽ hát cho tôi nghe một bài của riêng, riêng một mình anh.

Ban nhạc đã bắt đầu chơi từ lâu. Chúng tôi ăn lúc ban nhạc chơi, lúc họ nghỉ đổi bài thì chúng tôi lợi dụng vài phút ấy để hát cho nhau nghe và gõ nhịp vào ly vào chén.

Tiếng anh khàn khàn yếu ớt, nhưng Sơn hát say sưa một bài hát rất buồn của riêng mình anh. Nỗi buồn đó, không ai biết rõ nó hơn anh.

Nhìn kỹ Sơn. Tóc anh đã bạc nhiều. Đôi mắt đã bớt vẻ tinh anh. Những ánh mắt nhìn xa xăm vào chân không của anh lúc ấy làm cho tôi có ý nghĩ: anh muốn sống và anh muốn tìm quên. Sơn rất sợ cô đơn, dù anh đã sống rất cô đơn trong chiếc nôi của anh, với nhiều mối tình thơ mộng… “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Và mỗi ngày anh sống nơi đây như một ngày chạy trốn hiện tại, để có ảo tưởng là anh không còn trên cõi tạm này nữa. Thật là tâm trạng mâu thuẫn của một người nghệ sĩ.

Lúc tôi đi, anh ôm chặt tôi tạm biệt và tặng tôi một cái hôn. Những ngón tay gầy guộc của anh bấu vào cánh tay tôi làm cho tôi có cảm nghĩ anh muốn nói với tôi rằng, hãy sống giùm anh một đời sống mà anh không biết.

Tạm biệt Sơn, tôi không nghĩ rằng cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh, tôi chúc anh nhiều bình an trong óc và trong tim.

Rồi bây giờ, trong làn khói trắng mỏng và mùi hương quế thơm dịu toả ra từ bàn thờ của má, tôi tưởng tượng rằng anh cũng đang cười vui thanh thản ở thế giới bên kia, vì thơ và nhạc của anh vẫn còn đang sống trong nhiều con tim.

France 2007

© 2007 talawas