trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
7.7.2007
Charles Baudelaire
“Âm nhạc đích thực gợi ra những ý tưởng giống nhau trong những đầu óc khác nhau”
Phạm Kiều Tùng dịch
 
Người dịch chỉ trích dịch phần nói về ba cách diễn giải khác nhau, lần lượt của Wagner, Liszt, và Baudelaire, về cùng một khúc nhạc: khúc mở màn vở Lohengrin của Richard Wagner. Wagner, Liszt, và Baudelaire là ba tên tuổi lớn, điều này không ai phủ nhận. Qua bài này, người đọc sẽ thấy là khúc mở màn nổi tiếng nêu trên đã “gợi ra những ý tưởng giống nhau” trong “đầu óc” ba tên tuổi đó.

Dẫu vậy, ai biết đâu, chỉ một mình Beethoven nghe ra “tiếng búa định mệnh” trong bản Giao hưởng số 5 của ông?
Người dịch
… Tôi thường nghe nói rằng âm nhạc không thể huênh hoang là có thể diễn giải bất cứ gì một cách chân xác như ngôn từ và hội hoạ được. Điều đó là đúng trong một chừng mực nào đó, nhưng không hoàn toàn đúng. Âm nhạc diễn giải theo cách riêng của nó, và bằng những phương tiện đặc thù của nó. Trong âm nhạc, cũng như trong hội hoạ và ngay cả trong ngôn ngữ viết, vốn dĩ là nghệ thuật xác thực nhất trong các nghệ thuật, bao giờ cũng tồn tại một khoảng trống khuyết cần được bổ sung bằng trí tưởng tượng của người nghe.

Ắt hẳn là những suy nghĩ trên đã thúc đẩy Wagner đi tới quan niệm coi nghệ thuật kịch, xét như sự kết tập, sự trùng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật, chính là nghệ thuật ở mức cao nhất, là thứ nghệ thuật có tính tổng hợp hơn hết và hoàn thiện hơn hết. Nếu chúng ta tạm gạt qua sự hỗ trợ của nghệ thuật tạo hình, của phối cảnh, của sự nhập vai những điển hình lí tưởng của những diễn viên kịch đầy sinh động, và ngay cả của lời ca nữa, thì vẫn còn điều không thể khước bác, là nếu âm nhạc càng có sức thuyết phục bao nhiêu thì sức gợi ý của nó càng mau lẹ và đúng đắn bấy nhiêu, và càng có nhiều cơ hội cho những người nhạy cảm lĩnh hội được những ý tưởng phù hợp với những ý tưởng đã gợi nguồn cảm hứng cho người nghệ sĩ. Tôi xin lấy ngay một ví dụ, đó là khúc mở màn nổi tiếng của vở Lohengrin, vở nhạc kịch [của Wagner] đã được ông Berlioz tán tụng thật tuyệt vời trong một bài viết theo phong cách chuyên môn [về âm nhạc]. Nơi đây, tôi chỉ muốn xác minh giá trị của khúc mở màn đó qua những gợi ý mà nó mang lại [cho người nghe].

Tôi đọc trong tờ chương trình được phân phát vào thời điểm đó, tại Théâtre-Italien: “Ngay từ những trường canh [hay ô nhịp, mesure] đầu tiên, tâm hồn con người cô đơn kính tín đang chờ đón chiếc bình thiêng tự đắm chìm trong không gian vô tận. Anh ta thấy một sự xuất hiện kì lạ từng bước được định hình, thành một cơ thể, một vẻ mặt. Sự xuất hiện đó càng lúc càng rõ nét, trở thành một đoàn thiên thần kỳ diệu rước chiếc bình thiêng ở chính giữa, diễu hành qua trước mặt anh ta. Đám rước thần thánh tiến tới; trái tim của kẻ được hưởng ân sủng càng lúc càng đập rộn rã; anh ta thấy lòng mình như trải rộng ra, triển nở; biết bao khát vọng khó tả nên lời bỗng thức tỉnh trong anh; anh không cưỡng lại được nỗi hoan hỉ càng lúc càng tăng, trong khi tự thấy mình mỗi lúc một tới gần sự xuất hiện ngời sáng đó, và cuối cùng khi chính chiếc Chén Thánh (Saint-Graal) xuất hiện giữa đám rước thần thánh, anh chìm ngập trong sự tôn thờ xuất thần, như thể toàn thế giới đột nhiên tan biến đi.

“Trong khi đó chiếc Chén Thánh ban những phúc lành lên vị thánh đang cầu nguyện và phong tặng ông là hiệp sĩ. Thế rồi những ngọn lửa nóng bỏng dịu dần ánh rực sáng của chúng; trong niềm hoan hỉ thần thánh, đoàn thiên thần mỉm cười với trần gian mà đoàn rời bỏ, bay lên trời cao. Đoàn thiên thần đã để lại chiếc Chén Thánh cho những con người thuần khiết bảo vệ, những con người với trái tim đã được tắm gội nước thiêng, và đoàn thiên thần uy nghi đó tan biến vào không gian sâu thẳm, cũng theo cách mà trước đó đoàn từ đó hiện ra.”

Người đọc sẽ hiểu ngay thôi, rằng tại sao tôi nhấn mạnh một số đoạn nêu trên [in nghiêng]. Giờ, cầm cuốn sách của Liszt trên tay, tôi lật tới trang mà ở đó trí tưởng tượng của người nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng (một nghệ sĩ đồng thời là một triết gia) đã diễn giải theo cách riêng của ông cũng khúc mở màn đó:

“Phần dẫn nhập đó chứa đựng và bộc lộ yếu tố thần bí, là yếu tố luôn hiện diện và cũng luôn ẩn dấu trong vở nhạc kịch [Lohengrin]... Để giúp chúng ta hiểu được sức mạnh khó có thể kể lại của niềm bí ẩn đó, Wagner cho chúng ta thấy trước hết vẻ đẹp khó tả nên lời của ngôi thánh đường, nơi ngự trị của một Thượng Đế đã ra tay báo thù cho những con người bị áp bức, và chỉ đòi hỏi tình yêu và niềm tin nơi những tín đồ của mình. Wagner hướng dẫn bước đầu cho chúng ta về chiếc Chén Thánh; ông khiến chúng ta hoa mắt về ngôi thánh đường bằng gỗ không thể bị hư hoại, với các bức tường toả hương thơm, các cánh cửa bằng vàng, các rầm bằng cốt thạch miên, các cột bằng bạch nhũ thạch, các vách bằng miêu nhãn thạch, và chỉ những con người có trái tim cao quí và đôi bàn tay thanh khiết mới có thể tới gần những hàng hiên lộng lẫy của ngôi thánh đường. Ông không hề mô tả cho ta thấy ngôi thánh đường trong cấu trúc hùng vĩ và thực của nó, nhưng, để chuẩn bị cho những giác quan yếu kém của chúng ta, trước hết ông cho ta thấy ngôi thánh đường phản chiếu trên làn nước màu thiên thanh, hoặc được tái hiện qua những áng mây lấp lánh ngũ sắc.

“Khởi đầu là một làn giai điệu thiếp ngủ trải rộng, một bầu thanh khí mờ hơi nước dàn trải, nhằm làm cho bức tranh thiêng liêng tự vẽ ra trước những cặp mắt trần tục của chúng ta; mà để đạt hiệu quả thì chỉ thể giao phó cho các cây vĩ cầm, được chia làm tám giá nhạc khác nhau, các cây vĩ cầm đó, sau nhiều trường canh gồm những âm bồi, tiếp tục ngân lên những nốt nhạc cao nhất trong những âm vực của chúng. Tiếp theo đó, cái mô-típ nhạc chủ đạo được lấy lại bởi những cây kèn và sáo có âm thanh dịu nhất; những cây kèn co và những cây kèn fa-gốt, khi nhập cuộc, là đồng thời chuẩn bị sự tham gia vào của những cây kèn trôm-pét và trôm-bôn, những cây kèn này lặp lại vẫn giai điệu đó lần thứ tư, với một âm thanh bùng vỡ chói lọi màu sắc, như thể trong khoảnh khắc duy nhất đó lâu đài thần thánh sáng rực lên trước những cái nhìn bị làm cho loá mắt của chúng ta, trong tất cả vẻ huy hoàng sáng ngời toả rạng của nó. Nhưng sự toả tia sáng chói lọi đó, từng bước đạt tới cường độ của ánh sáng toả ra từ mặt trời, đã tắt đi nhanh chóng, như một ánh trời mờ mờ. Hơi nước trong suốt của những đám mây lớn tan đi, cái thị kiến dần biến mất trong cùng mùi nhựa hương sặc sỡ mà chính trong đó thị kiến đã xuất hiện, và khúc nhạc kết thúc bằng sáu trường canh đầu tiên, nhưng chúng trở nên nhẹ nhàng thanh khiết hơn nữa. Tính chất thần bí lí tưởng của khúc nhạc được đặc biệt làm rõ bởi cường độ thật nhẹ (pianissimo) luôn được duy trì trong dàn nhạc, và chỉ hơi bị ngắt quãng trong khoảnh khắc ngắn khi cây kèn đồng làm chói lọi những đường cong giai điệu tuyệt vời của mô-típ duy nhất của phần dẫn nhập đó. Đó là hình ảnh mà, khi nghe khúc nhạc khoan thai (adagio) cao nhã đó, đã hiện ra trước tiên trước những giác quan xúc động của chúng ta”.

Liệu tôi có được phép chính mình kể lại, dùng lời lẽ để nói về sự diễn giải không thể tránh mà trí tưởng tượng của tôi đã thực hiện về cùng khúc nhạc đó, khi lần đầu tiên tôi lắng nghe nó, đôi mắt nhắm nghiền, và tôi cảm thấy mình có thể nói được nâng lên khỏi mặt đất? Chắc chắn tôi không dám nói thoả thích về những điều mơ mộng của tôi, nếu không có ích lợi gì khi nối kết chúng nơi đây với những điều mơ mộng trước [của Wagner rồi của Liszt]. Người đọc biết rằng chúng ta theo đuổi mục đích nào: chứng minh rằng âm nhạc đích thực gợi ra những ý tưởng giống nhau trong những đầu óc khác nhau. Vả lại, sẽ không là lố bịch nơi đây khi lập luận tiên nghiệm, không phân tích và không có những so sánh; bởi lẽ điều thực sự gây kinh ngạc, đó là âm thanh không thể gợi ra màu sắc, những màu sắc không thể cung cấp ý tưởng về một giai điệu, và âm thanh cùng màu sắc thì không thích đáng để diễn dịch những ý tưởng; những sự vật luôn tự biểu đạt bằng một sự tương tự hỗ tương, kể từ ngày Thượng Đế đã phán truyền về thế giới như một tổng thể phức hợp và bất khả phân.

Tự nhiên là một ngôi đền ở đó những cây cột sinh động [1]
Đôi khi thốt ra những lời lẽ tối nghĩa;
Con người đi qua đó ngang qua những rừng biểu tượng
Chúng quan sát con người với những cái nhìn thân quen.

Như những tiếng vọng dài từ xa hoà lẫn vào nhau
Trong một sự hợp nhất mù tối và sâu thẳm,
Rộng lớn như đêm và như ánh sáng,
Hương thơm, màu sắc và âm thanh tương ứng nhau.

Vậy thì tôi tiếp tục. Tôi nhớ lại rằng, ngay từ những trường canh đầu tiên, tôi hứng nhận một trong những ấn tượng khiến sung sướng mà hầu như tất cả những người giàu tưởng tượng đều biết, qua giấc mơ, trong giấc ngủ. Tôi cảm thấy mình được giải phóng khỏi những ràng buộc của trọng lực, và tôi tìm thấy lại bằng hồi ức niềm hoan lạc kì lạ thường có được ở những nơi chốn trên cao (nhân tiện, xin lưu ý là tôi không được biết tờ chương trình vừa nêu dẫn trên [của Wagner]). Sau đó tôi tự vẽ ra một cách không chủ tâm cái trạng thái thú vị của một người được cuốn vào một cơn mơ mộng tuyệt vời trong một niềm cô đơn tuyệt đối, nhưng là một niềm cô đơn với một chân trời mênh mông và một ánh sáng trải rộng lan toả; sự mênh mông không có bối cảnh nào khác ngoài chính nó. Ngay sau đó tôi nghiệm thấy một cảm giác về một ánh sáng rất sinh động, với một cường độ sáng chói tăng dần rất nhanh, mà những sắc thái do từ điển cung cấp đều không đủ để diễn tả sự tăng thêm luôn lại nảy sinh sức nóng rực và sắc trắng đó. Lúc bấy giờ tôi hiểu được trọn vẹn ý tưởng về một tâm hồn chuyển động trong một môi trường sáng, về một sự xuất thần làm bằng hoan lạc và nhận thức, và bay lượn bên trên và rất xa thế giới tự nhiên.

Từ ba sự diễn giải đó, bạn có thể dễ dàng ghi nhận những điểm khác biệt. Wagner chỉ ra một đoàn thiên thần mang một chiếc bình thiêng; Liszt nhìn thấy một toà nhà đẹp một cách kì diệu, được phản chiếu trong một ảo cảnh mờ hơi nước. Cơn mơ mộng của tôi ít được minh hoạ hơn nhiều bởi những sự vật vật chất: nó mơ hồ hơn và trừu tượng hơn. Nhưng điều quan trọng ở đây là chú tâm tới những điểm giống nhau. Không nhiều, thì chúng cũng hợp thành một chứng cứ đủ; nhưng, may sao, chúng lại nhiều và làm xúc động tới mức thừa thãi. Trong cả ba sự diễn giải chúng ta đều tìm thấy cái cảm giác về niềm cực lạc tinh thần và thể chất; về sự cô lập / cô quạnh; về sự chiêm ngưỡng điều gì đó vô cùng lớn và vô cùng đẹp; về một ánh sáng dữ dội làm hoan hỉ đôi mắt và tâm hồn tới độ khiến người ta ngất đi; và cuối cùng là cảm giác về không gian trải rộng tới những giới hạn cuối cùng có thể mường tượng được.

Không một nhạc sĩ nào tài giỏi hơn Wagner để vẽ ra không gian và chiều sâu vật chất lẫn tinh thần. Đó là một nhận xét mà nhiều đầu óc, và là những đầu óc sáng suốt nhất, đã không thể tự ngăn mình không đưa ra, trong nhiều trường hợp. Ông sở đắc cái nghệ thuật diễn giải, bằng những mức độ tế vi, tất cả những gì là quá mức, là bao la, là tham vọng, trong con người tinh thần và tự nhiên. Chừng như đôi khi lắng nghe âm nhạc dữ dội và chuyên chế đó, người ta tìm thấy lại, được vẽ trên nền của bóng tối, bị dày vò bởi cơn mơ mộng, những huyễn tưởng quay cuồng của nha phiến.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Hai đoạn thơ bốn câu thứ nhất và thứ nhì của bài “Correspondances”, trong tập Les Fleurs du Mal của Charles Baudelaire.
Nguồn: Trích dịch bài “Richard Wagner et Tannhauser à Paris” của Charles Baudelaire, in lần đầu năm 1861 trên tờ Revue Européenne, vá»›i tá»±a “Richard Wagner”, in lại trong Baudelaire, Oeuvres Complètes, Éd. du Seuil, 1968, các trang 512-514; tá»±a bài là trích Ä‘oạn từ má»™t câu trong bài.