trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
8.5.2008
Phạm Thị Kim Loan
Phỏng vấn một người Việt 59 tuổi, sang Mỹ năm 1993
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì và biết gì về cuộc chiến tranh ấy? Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài phỏng vấn của các sinh viên Mỹ gốc Việt, Đại học U.C. Berkeley, California. Toà soạn xin viết tắt tên người được phỏng vấn.
talawas
Phạm Thị Kim Loan: Xin bà cho biết tên, tuổi?

Lê Thị C. (LTC): Tôi tên là Lê Thị C., năm nay 59 tuổi và đang định cư tại Sacramento, California.

Xin bà kể đôi chút về thời thơ ấu của mình?

Thật sự tôi không nhớ nhiều về thời thơ ấu của mình. Suốt thời nhỏ, tôi ở nhà nuôi ba đứa em vì ba tôi bỏ nhà ra đi từ khi tôi ra đời. Thuở đó, gia đình tôi khổ nhất trong làng Văn Trình và chúng tôi sống nhờ việc buôn bán trái cây, dưa, mắm, ớt, v.v… Các em tôi được đi học, còn tôi phải ở nhà với má để kiếm tiền, lo trọn đầy đủ từ áo quần cho đến từng bữa ăn cho các em. Lúc mười bốn tuổi, tôi chạy giặc vì ở quê lúc đó tình hình bắt đầu rối loạn. Gia đình vào thành phố Huế năm 1968 và ở đó cho đến bây giờ. Cuộc sống của tôi lúc đó khó nhọc vì thời tuổi trẻ của tôi không giống như mọi người. Những niềm vui của thời trẻ như đi học với bạn bè, chơi lò cò hay nhảy dây coi như chưa bao giờ xảy ra cho tôi. Chính vì điều đó, đôi khi tôi cảm thấy mất đi một phần nào đó trong cuộc sống.

Xin bà kể lại đôi chút về cuộc sống của mình trước năm 1975 ở miền Nam?

Trong thời gian đó, tôi có đi dân quân tự vệ hai năm. Hoàn cảnh cũng tệ như những năm khác. Còn buôn bán là chuyện bình thường vì đó là phương tiện kiếm tiền để nuôi gia đình. Năm 1970 tôi về quê chồng. Chồng tôi ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi lập gia đình, công việc làm ăn hơi khác một chút. Lúc đó, tôi phài đi làm ruộng. Kể từ trước đó, tôi chưa lần nào phài đi cấy hay bừa, nên cộng việc này thêm khó khăn. Ngoài ra, tôi còn phải phục vụ nhà chồng đầy đủ vì là phận con dâu. Nhà chồng đối đãi với tôi rất tệ nhưng tôi chỉ giữ nỗi buồn trong lòng mình. Trong lúc chồng tôi ra chiến trường, nỗi khổ trong cuộc sống ngày càng tăng lên. Đến bây giờ, tôi vẫn biết ơn ba chồng tôi vì ông ấy đối đãi với tôi rất hiền hậu và đầy tình thương.

Xin bà kể một kỷ niệm về ba chồng?

Đôi khi má chồng tôi không cho tôi về thăm gia đình nhưng vì nhiều khi lâu quá, tôi không về thăm gia đình, nên tôi đành phải lén đi. Tôi biết tôi phải làm con dâu tốt, nhưng mỗi ngày, tôi phải chăm sóc cho cả gia đình chồng từ nấu nướng cho đến việc ngoài đồng nên đôi khi quá sức của mình, và tôi không biết phải làm sao thêm nữa để làm vừa lòng gia đình chồng. Mỗi khi tôi muốn vào phố thăm má tôi, tôi phải xin phép má chồng trước. Kỷ niệm tôi nhớ nhất về ba chồng của tôi là khi tôi không có tiền để về thăm gia đình tôi, ba tôi thường cho tôi một hai xu đủ để thuê xe vào phố. Vì vậy, tôi thương mến ông ta rất nhiều.

Trước năm 1975, bà nghĩ thế nào về miền Bắc?

Trước đó ít khi tôi nghĩ gì về miền Bắc vì tôi chăm lo cho gia đình suốt ngày. Nhưng tôi cũng nghe nhiều người nói miền Bắc rất khổ. Nhiều người chỉ có hai cái quần. Đời sống của họ nhiều đau thương.

Bà từng gặp gỡ lính Mỹ trong lúc chiến tranh?

Chuyện này nhớ lại thì buồn cười. Trong lúc chồng tôi ra chiến trường, nhiều lính Mỹ ở lại trong vườn nhà tôi. Sau khi lính Mỹ rút lui, họ đem tặng nhiều đồ như son, áo quần v.v... cho má tôi. Má tôi sợ quá và không dám nhận.

Trước 1975, bà thích bản nhạc/loại nhạc nào nhất?

Tôi thích nhạc của Thanh Thuý, Chế Linh, và Mai Lệ Huyền. Nhạc quê hương tôi mến nhất.

Ngày 30/4/75, bà đang ở đâu, làm gì? Cảm giác của bà lúc đó là gì?

Ngày đó tôi nhớ rất rõ vì tôi trốn chạy vào Đà Nẵng. Lòng tôi lo sợ và mặt mày ốm yếu, xanh xao. Chồng tôi lúc đó đi quân đội đã mấy năm nay nên tôi đi tìm ông ấy. Sau đó, tôi được tin chồng tôi đi cải tạo. Từ đó, tôi đi thăm nuôi chồng tôi một lần mỗi tháng. Về sau này, chồng tôi đổi chỗ thì tôi chỉ có thể đi thăm ba tháng một lần.

Bà sang Mỹ năm nào? Bằng phương tiện gì? Bà có thể kể đôi chút về chuyến đi của mình?

Gia đình tôi sang Mỹ vào ngày 19 tháng 11 năm 1993 theo diện HO. Chuyến đi của tôi bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa gia đình với má chồng tôi. Bà cứ quyết tâm ở lại quê hương vì trước đó ba chồng tôi đã qua đời trong lúc đi thăm chồng tôi trong tù cải tạo. Chuyến đò chìm và ông nhảy xuống cứu đứa cháu nội. Nói tới việc này thì tôi nhớ thương ông hoài… Gia đình tôi vào Sài Gòn ba tháng để làm giấy tờ và khám sức khỏe, chuẩn bị cho chuyến đi. Vào Sài Gòn, chúng tôi có bà con chăm sóc cho, nhưng trước đó, gia đình chúng tôi phải mượn tiền để lo cho chuyến đi; việc mượn tiền rất khó khăn vì ở nhà quê ít ai có tiền để cho mình mượn, nên gia đình tôi và bà con trong làng phải bán của cải để có đủ tiền cho chúng tôi chuẩn bị chuyến đi.

Sau khi sang Mỹ, bà làm gì? Bà có thấy mình hội nhập được vào cuộc sống ở nước mới chưa? Có khó khăn gì không?

Tôi đi hái trái cây và đi bỏ báo từ đó đến bây giờ. Lúc đầu cuộc sống thấy bỡ ngỡ nhưng sau này dù khó khăn đến đâu, tôi thấy cuộc sống bên này vẫn thoải mái và tự do hơn ở Việt Nam. Công việc bỏ báo thì không được bao nhiêu tiền nhưng cũng đủ để chúng tôi nuôi sáu đứa con ăn học. Tôi chấp nhận việc làm này vì dù sao Anh văn tôi kém, và giờ giấc cũng thuận tiện. Ban đêm, chúng tôi đi làm việc, và ban ngày nấu cho gia đình và làm những việc lặt vặt trong nhà.

Bà đã quay trở lại Việt Nam lần nào kể từ khi rời đất nước chưa? Theo bà, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay khác nhau ở những điểm quan trọng nào?

Tôi trở lại quê hương hai lần rồi vì tôi còn ba má và anh chị em ở Việt Nam. Theo tôi, xã hội, con người, và đời sống ở Việt Nam tiến bộ hơn trước năm 1975. Phương tiện đầy đủ từ kỹ thuật cho đến xe cộ. Nhiều nước giúp đỡ về y tế và giáo dục cho nên sinh viên thời nay đi du học trên thế giới. Ở miền quê, hiện nay có máy móc đi làm ruộng, rất ít người dùng trâu để đi cày. Miền quê cũng có vũ trường và quán cà phê để cho người ta nghỉ ngơi và giải trí. Đa số có bà con ở phương xa gởi tiền về giúp đỡ.

Sống ở Mỹ, bà nhớ gì nhất về Việt Nam? Nghĩ đến quê hương, món ăn gì ấn tượng nhất? Bà có ý định về Việt Nam sinh sống trong tương lai?

Tôi nhớ nhất là ba má. Chồng và con cái sinh sống với tôi ở Mỹ rồi cho nên đời sống tôi dành cho họ.

Món ăn nhớ nhất là cháo bánh canh vì đó là món tôi ăn thường xuyên từ nhỏ. Qua đây tôi vẫn nấu vì món ăn này đem đến hương vị quê nhà.

Chồng tôi và tôi định mai này sẽ về quê để hưởng tuổi già. Đời sống bên đó giản dị cho những người lớn tuổi, nhưng trước hết, con cái chúng tôi phải ổn định đã.

Có bao giờ bà ngồi xuống tâm sự với con cái về cuộc sống trong thời gian chiến tranh?

Tôi thì chưa nhưng nếu con tôi muốn hỏi gì thì tôi trả lời. Tôi thấy cảm động vì con cái muốn hiểu về quá khứ.

© 2008 talawas