trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
15.5.2008
Ngô Viết Trọng
Chim ơi! Vĩnh biệt sao đành!
 
Lời tác giả: Ở đời có những chuyện nói ra nghe khó tin nhưng lại là chuyện rất thật. Khi viết lại (2001), tôi vẫn thấy chuyện này như mới xảy ra, mặc dầu nó đã qua đi 25 năm rồi. Nó có những hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến thời nô lệ thượng cổ trung cổ rất xa xưa nào đó: Hai người đàn bà trẻ cầm hai cây roi, xông xáo giữa một đám đàn ông trần truồng, tay chân khẳng khiu lòng khòng với dáng vẻ những con kanguru... Nhân chứng biết chuyện giờ vẫn còn nhiều.Tôi có gọi điện thoại đến một số người trong cuộc để nhờ xác định lại một vài chi tiết. Chuyện xảy ra ở trại giam B5 Tân Hiệp, Biên Hoà, vào năm 1976.
Khoảng cuối năm Ất Mão, không biết bệnh ghẻ phát xuất từ đâu, lan tràn nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam và đặc biệt phát triển mạnh trong các trại tù. Ghẻ lan đi như một trận dịch. Người ta nói ghẻ theo chân mấy anh bộ đội từ rừng sâu về đồng bằng nên cũng gọi là ghẻ bộ đội. Nó không chỉ phát triển ở người mà còn ở các loài khác như chó, mèo và cả đến các loài sống dưới nước nữa. Những ai sống gần đồng gần suối lúc bấy giờ hẳn đã thấy những con cá da bị lở loét gớm ghiếc bơi lờ đờ, có con tưởng chừng như chỉ còn cái đầu với bộ xương...

Khoảng tháng 7 tháng 8/75, tôi bị đưa vào trại giam B5 Tân Hiệp Biên Hoà. Trại này có mười bốn phòng, chứa ngót ngàn người. Mỗi phòng đều có cầu tiêu và bể lớn chứa nước. Tuy vòi nước chảy mạnh, mở tự do, nhưng lượng người quá đông nên việc tắm rửa rất khó khăn. Bị nhốt chừng một tháng thì một số tù bắt đầu bị ghẻ, khởi đầu bằng những nốt nhỏ ngoài da làm cho người ta ngứa ngáy khó chịu. Trại không có thuốc trừ ghẻ nên bạn tù đã “sáng tạo” ra cách lấy nước đắng trong các ống thuốc lào để xức. Mặc dầu thứ nước đen đó có một mùi hôi rất khó chịu nhưng nhiều người vẫn tranh nhau xin để dùng. Kết quả nhiều hay ít không rõ, chỉ biết rằng, ghẻ vẫn lan ra.

Rất tội cho những người bị ghẻ “tiền phong”! Ghẻ hành hạ họ đã đành, cái lòng, cái đầu họ cũng muốn lộn tung lên vì bị bạn bè xa lánh có khi đến độ phũ phàng! Người bị ghẻ tiếp theo sau cứ trách người bị ghẻ trước “Vì mày lây sang cho tao đấy!” Trong hoàn cảnh từ chỗ nằm đến chỗ để đồ đạc đều ở trong thế ép buộc “chen vai sát cánh”, vậy mà cũng phải cắt chiếu phân ranh! Cái dây mùng, cái chéo áo bên này vướng qua bên kia một chút đôi khi cũng sinh chuyện. Những cái miệng nhỏ nhen cứ mở ra là “Ở dơ thì sinh ghẻ chứ có gì lạ!” hoặc “Ghê tởm quá! Thế mà không biết chút lịch sự, cứ chung lộn với người ta!” Thậm chí khi chia đồ ăn, có cả chuyện người lành hất chén của người bị ghẻ khi người này vô tình đặt chén gần chén mình. Không thiếu những toán “người lành” ngồi với nhau rỉa rói những người bị ghẻ. Nói không quá đáng, họ hất hủi những người bị ghẻ thiệt tình như “con chó ghẻ”. Có anh còn lên mặt giảng giải về phép vệ sinh, về phép xã giao, lịch sự nọ kia... tưởng chừng như mình là kẻ hoàn toàn tốt. Một số sợ ghẻ đến nỗi phải nhịn phần ăn quá đạm bạc của mình để thuê những người sáng mắt bắt con ghẻ trong các mụn ghẻ. Người ta dùng cái kim khều khều trong mụn ghẻ rồi khươi ra những sinh vật cực nhỏ, mắt thường rất khó thấy, quệt lên một cái gì đó. Chính mắt tôi đã thấy những sinh vật li ti này nhúc nhích. Trông con ghẻ hơi giống con nhện, nhỏ hơn cả con “mạc” gà. Tuỳ người ghẻ nhiều hay ít, người ta linh động ấn định số lượng con ghẻ bắt ra được để lấy một phần ăn hay nửa phần ăn. Nhưng bắt mãi ghẻ vẫn lan nên nghề này rốt rồi cũng không thọ.

Dịch ghẻ lan thật nhanh. Nhiều người tắm xát xà phòng như điên hàng ngày vẫn không thoát. Rồi những người hay giảng phép giữ vệ sinh cũng không ngăn chận được bệnh ghẻ đến với họ. Chuyện trớ trêu là cái người hay nói chuyện vệ sinh, hay mỉa mai khinh bỉ những người bị ghẻ nhất về sau lại dẫn đầu về ghẻ. Đó là ông Ẩn. Tôi là một trong những người bị ghẻ đầu tiên, ông ta từng nhìn tôi bằng cặp mắt khinh thị như nhìn con quái vật. Mãi tới ngày ông Ẩn được thăng ngạch ghẻ “thượng hạng ngoại hạng” ông mới chịu nở với tôi một nụ cười. Lúc ấy trong phòng không còn ai tránh được ghẻ nữa, còn khác nhau chăng là ghẻ nặng hay nhẹ. Có điều ai cũng nhìn nhận là người da sáng sủa bị ghẻ chiếu cố mạnh mẽ hơn người da tối tăm. Một điều khá tức cười nữa là con ghẻ cũng biết nể “thể diện” con người. Nó mọc khắp chỗ hở, chỗ kín, trên đầu, khắp bàn chân, bàn tay... nhưng nó vẫn chừa ra cái mặt cho bất cứ ai. Phong trào “gảy đàn” trong phòng phát triển sôi nổi. Càng gãi càng ngứa! Càng ngứa càng gãi! Lúc này hết còn ai đổ thừa cho ai vì tất cả đều đã bị nhiễm ghẻ. Nhưng nhìn chung, những người có thăm nuôi được bồi dưỡng ghẻ vẫn ít phát triển hơn. Ngược lại, những người thiếu thốn lại còn dễ mang thêm môt chứng bệnh khác: bệnh tê bại. Dần dần có một số người phải bò lết thay vì đi đứng bình thường.

Có người bị ghẻ chay, mọc nốt trên da, tuy ngứa nhưng không làm mủ, loại này tương đối ít dơ dáy. Có người lại bị ghẻ mủ, chỗ nào cũng mưng lên từng cục mủ, lớn thì bằng hạt bắp, mọc nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân, nhỏ thì bằng mũi kim mọc khắp mình mẩy, đụng đến thì vỡ ra nhầy nhụa tanh tưởi không ai chịu được. Cũng có người bị mang cả hai loại. Tôi thuộc dạng chay, mủ kiêm toàn này. Về sau có một số người bị ghẻ nặng đến độ kiệt quệ.

Ghẻ mủ làm người bệnh khổ sở hơn ghẻ chay rất nhiều. Người bị ghẻ nặng luôn đau đớn theo từng cử động. Nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp đều đau đớn theo từng cái trở mình. Ngồi không yên nằm cũng không ổn, thức chẳng xong ngủ cũng chẳng xuôi. Tôi đã lâm cảnh đau đớn, đờ đẫn, mê mê mệt mệt, ngày cũng như đêm. May lắm khi nào trời mát lạnh tôi mới thực sự ngủ được chút ít. Tôi chỉ tỉnh hẳn người mỗi khi được mở cửa cho ra sân trại tắm nước phèn và phơi nắng.

Sân trại giam hình chữ nhật, đất pha cát, có một số giếng đào không sâu lắm, nước đầy phèn. Sân cũng có trồng vài cây trứng cá để lấy bóng mát. Ban đầu trại ấn định hằng ngày cán bộ trực từng đợt mở cửa một hai phòng cho tù ra sân hít thở, phơi nắng một hai tiếng. Những lúc được ra chơi như thế, hầu hết tù nhân chỉ mặc quần xà lỏn và ở trần. Trong dịp này, một số tù cũng đem áo quần ra giặt phơi, tắm táp. Cũng có người thèm thuốc quá nhưng không có thuốc, họ phải hái lá trứng cá khô vấn hút cho đỡ ghiền. Đây là những dịp tốt cho tù khác phòng chuyện vãn, trao đổi gởi gắm quà cáp cho nhau.

Về sau, thấy người bị ghẻ và tê bại ngày càng nhiều, trại đặc ân cho những tù bệnh nặng ở tất cả các phòng đều được ra sân suốt ngày. Họ được tắm giặt, phơi phong thoải mái. Đó là cái ân huệ mà chẳng người tù nào muốn từ chối. Dù không làm được gì họ cũng dựa cây dựa tường để hít thở thoải mái, tránh bớt được cái ngột ngạt hôi hám trong phòng. Nghiễm nhiên họ cũng trở thành những tay liên lạc tốt giữa các phòng tù.

Nhưng dù cho tù bệnh ra sân thường ngày mà khan hiếm thuốc chữa và thiếu bổ dưỡng thì bệnh đâu có giảm! Thấy được điều đó, trại phải lo tìm một biện pháp mới.

Một buổi sáng, viên cán bộ tới mở cửa cho bọn tôi ra ngoài dặn:

“Mấy anh bị ghẻ mủ đem tất cả áo quần theo ra ngoài hết!”

Dặn xong anh ta bỏ đi mở cửa các phòng khác. Chúng tôi bắt đầu phỏng đoán nọ kia. Có thể là đổi phòng. Dám lần này họ dồn những tù ghẻ nặng về một hay hai phòng để cách ly cho ghẻ khỏi lây lan lắm. Thật sự số tù bị ghẻ và tê bại nặng được cho ra ngoài lúc bấy giờ chắc đã cao hơn con số một trăm. Người nào cũng trơ bộ xương cách trí, bụng thóp lại, hai tay do chứng tê bại tạo cho họ thói quen co gập cổ khuỷu lại trước ngực, hướng lòng bàn tay và các ngón ra phía trước, bước đi lựng khựng trông chẳng khác gì những con kanguru. Viên cán bộ mở các cửa phòng xong, bỏ đó mặc ai làm gì thì làm, đi mất tiêu.

Chừng nửa giờ sau, tôi thấy hai người đàn bà trẻ, một khá mập, một mảnh khảnh đều mặc áo bà ba đi vào, mỗi người cầm một cây roi. Cả hai đều khoảng hăm lăm hăm bảy tuổi. Đi gần đến chỗ bọn tôi đứng thì họ ngừng lại. Hai bà lặng lẽ nhìn người này rồi người khác như xoi bói điều gì. Chốc sau lại có hai người tù khỏe mạnh từ phía nhà bếp vác hai cái bao nhỏ nhưng khá nặng đến quăng xuống gần thềm một cái giếng. Đó là hai bao muối hột. Tiếp đó là bác sĩ tù Lê Công Hùng tay xách hai cái xô chứa nước bước đến. Ông vốn người Bắc, cựu thượng uý, vào Nam dự chiến dịch Mậu Thân và bị bắt trong dịp này, sau đó xin cải danh thành chiêu hồi. Ông được trại chọn làm bác sĩ khám bệnh cho tù. Chúng tôi chưa hiểu họ định làm gì thì người đàn bà mảnh khảnh đến trước mặt tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nghiêm nghị nói:

“Cởi quần ra!”

Tôi ngạc nhiên như trên trời rớt xuống. Lúc ấy trên thân tôi chỉ có độc một cái quần đùi. Thế nghĩa là gì? Tôi ngẩn ngơ nhìn lại bà ta dò hỏi. Những bạn tù chung quanh cũng ngơ ngác nhìn bà ta và tôi. Bà ta lặp lại pha một chút cười:

“Tôi biểu anh cởi quần ra, anh nghe rõ không?”

Tôi hỏi lại:

“Cán bộ bảo cởi quần đùi này?”

Bà ta gằn giọng:

“Chứ còn cái gì nữa!”

Tôi đâu hiểu ý bà ta muốn gì. Mọi người đàn ông gần đàn bà lạ, lại là đàn bà trẻ trung láng lẩy, đều có cái xốn xang gió bão trúc gốc gẫy cành là chuyện thường tình. Cái lệnh “cởi quần ra” của người nữ cán bộ này khiến tôi vô cùng lúng túng. Tôi lo sợ sự nhạy cảm của mình. Nhưng liền đó, tôi chợt nhớ rằng, “hài nhi” của tôi đã bệnh liệt giường qua bao nhiêu ngày rồi...

Trong khi tôi đang dùng dằng thì người đàn bà hơi mập kia cũng chỉ một loạt nhiều anh tù khác ra lệnh:

“Tất cả mấy anh này cũng cởi quần ra hết!”

Qua mấy phút nhìn nhau, cả trăm người tù đàn ông đều tồng ngồng trước mặt hai người đàn bà trẻ. Thật là một cảnh tượng khác thường tôi chưa hề tưởng tượng tới bao giờ. Người đàn bà khá mập nói với bác sĩ Hùng:

“Anh lựa cho tôi mấy người mạnh khỏe!”

Bác sĩ Hùng lựa được sáu anh trong đám. Chốc sau chúng tôi mới biết mấy bà lựa những người này để múc nước tắm cho chúng tôi. Tôi và ba anh bạn khác được gọi lại đứng gần giếng để mấy anh kia dội nước và kỳ cọ cho. Hai cán bộ nữ đứng quan sát và đưa roi chỉ nặn mụt ghẻ này, gỡ mụt ghẻ nọ. Tuy có đau rát nhưng cái đau rát chịu đựng được có pha chút sảng khoái. Từ khi lên mười, tôi có bao giờ được ai tắm cho như vậy đâu!

“Xách xô nước kia lại đây!”

Người đàn bà khá mập ra lệnh. Một anh tù ì ạch xách xô nước đầy lại, trong đó có sẵn một cái lon gô. Xô nước đã được một người tù quậy hoà tan vào cả lon muối hột. Người đàn bà khá mập nói tiếp:

“Anh hãy múc nước trong xô dội cho anh này!”

Gô nước vừa dội lên mình là tôi nhảy dựng người và hét lên. Rát ơi là rát! Không khác gì xát ớt hiểm vào da bị thương! Tôi phải gập người lại, hai tay bụm lấy hạ bộ mà rên rỉ trong khi tiếng cười chung quanh vang rân. Anh tù dội nước ngưng lại. Người nữ cán bộ thét lên:

“Anh cứ dội cho nó! Không dội làm sao mà lành!”

Mấy gô nước muối nữa dội xuống làm cho tôi rát đến thấu xương tưởng chừng muốn ngất đi.

“Thôi, được rồi! Lấy nước lạnh dội lại cho anh ta!”

Khoảng nửa giờ sau tôi mới trở lại bình thường. Tôi thấy nhiều cặp mắt nhìn tôi mỉm cười, trong đó có cả bà cán bộ mập. Bấy giờ lại tới phiên tôi đứng vừa phơi nắng vừa chứng kiến những người bạn khác chịu trận. Bị dội nước muối sau khi các mày ghẻ bị tróc nó rát không tưởng tượng được. Không một ai bị dội vào mà khỏi phải rên la nhảy tưng tưng lên! Tới phiên anh tù người Đại Hàn bị dội, anh hét tướng lên như bò rống rồi vùng chạy bươn bả gặp ai xô vẹt ra nấy. Mấy người tù khỏe phải chạy theo bắt anh ta lại dội nước muối tiếp mặc cho anh vùng vẫy la hét. Trong khi người ta tắm cho anh, tôi lẳng lặng đưa mắt quan sát. Tôi chợt nhận ra một điều khác thường. Cái thân hình khẳng khiu vì thiếu ăn, bệnh hoạn của anh ta lại mang cái “hạ bộ” hết sức kỳ dị. Nó rất lớn, hơi đỏ, cương láng lên không khác gì hạ bộ của trâu bò thời kỳ sung sức. Hèn gì bình thường tôi thấy anh ta chỉ mặc quần đùi một ống! Tên anh ta không biết viết thế nào nhưng mọi người vẫn gọi là Chung Goam. Anh là một kỹ sư, can tội làm việc giúp Việt Nam Cộng Hoà. Lần tắm ghẻ bằng nước muối đầu tiên đã làm cho những người bị ghẻ vô cùng khiếp sợ.

Hôm sau Chung Goam và một số anh không dám ra ngoài tắm nữa.

Cũng bắt đầu từ hôm đó, ngày nào hai nữ cán bộ cũng cầm roi trên tay, xông xáo giữa đám tù đàn ông trần truồng, khẳng khiu, đi lựng khựng hay ngồi ủ rũ. Tôi cứ tưởng tượng ra đó là hai nữ chủ nhân và đám nô lệ của một thuở xa xưa nào. Hai nữ cán bộ ấy bấy giờ chúng tôi đã biết tên, bà mập có bầu tên Phấn, bà mảnh khảnh tên Hồng, đều là người miền Nam.

Cũng kể từ hôm hai cán bộ nữ bắt những người tù bị ghẻ cởi truồng thì vấn đề tù nhân cởi truồng trong trại trở nên bình thường. Nhiều anh chưa bị ghẻ bao nhiêu cũng ở truồng ké cho thoải mái. Bất cứ khi nào, trước bất cứ cán bộ trại nào, kể cả trưởng trại, không ai quan tâm đến chuyện tù mặc quần hay cởi truồng nữa. Dĩ nhiên là ngoại trừ khi đi làm việc.

Ngày kế tiếp thì trại xảy ra một biến cố lớn: Chung Goam qua đời. Có lẽ anh là người đầu tiên chết vì bệnh ghẻ trong tù!

Mãi sau này, khi tôi bị giam ở khám đường Bà Rịa, nơi có đến mấy chục người chết vì bệnh ghẻ, tôi mới rút được kinh nghiệm tất cả những ai bị ghẻ mà đến độ bộ dái sưng lên như dái trâu, mặc quần không được nữa, thì chỉ một hai ngày sau nhất định phải chết. Chính hai người bạn nằm bên trái cũng như bên phải của tôi ở khám đường Bà Rịa, một anh tên Liên, một anh tên Đày, đều chết vì chứng đó. Tôi vẫn còn xúc động mỗi lần nhớ lại việc vài hôm trước khi chết, hai anh này còn dùng muỗng ăn cơm, thay phiên cạo ghẻ cho nhau đến chảy nước vàng và cứ khen “Đã quá! Đã quá!”...

Thấy Chung Goam chết, trại không còn để tự do ai muốn ra tắm thì ra nữa mà bắt buộc các phòng phải đưa những người bị ghẻ nặng ra “tắm muối”. Tắm muối như một cực hình ai cũng khiếp sợ. Ngày nào cũng có cảnh la hét tơi bời ở giếng tắm. Cho nên rất nhiều anh hễ có cơ hội thuận tiện là trốn tránh. Ngày kia, một anh Tàu Chợ Lớn tên là Lý Tường, bị lôi ra tắm nhưng anh cứ mặc quần dài và nhất quyết không chịu cởi. Cán bộ Phấn nổi giận ra lệnh:

“Mấy anh cứ đè nó xuống mà cởi ra!”

Lý Tường phát khùng lên quay nhìn cán bộ Phấn trừng mắt nạt lại:

“N... l... hay sao mà bắt người ta cởi quần để coi c...?”

Mọi người ngẩn tò te ra hết. Gã cán bộ trực đứng gần đó quay mặt giả lơ, miệng tủm tỉm cười. Còn Lý Tường nạt lại cán bộ xong, liền vùng chạy. Cán bộ Phấn hét lên:

“Bắt nó lại! Bắt nó lại!”

Thế là mấy anh khỏe mạnh đuổi bắt Lý Tường lại, đè xuống cởi đồ ra mà tắm cho hắn. Cán bộ Phấn cũng cười khi thấy Tường vùng vẫy la hét vì bị dội nước muối. Nhiều người tưởng hắn sẽ bị phạt hay ít nhất cũng bị rày một trận cảnh cáo nhưng rồi chẳng có chuyện gì xảy ra hết...

Kế hoạch chữa ghẻ bằng cách tắm muối trong trại B5 Tân Hiệp Biên Hoà đã trải qua nhiều tháng sau tết Bính Thìn. Những người ghẻ chúng tôi thành quen lệ cứ sáng ra là loã lồ trăm phần trăm ngồi đợi mở cửa. Một số lớn người bị ghẻ nặng dần thuyên giảm thật sự. Trại cho đây như là một thành công trong kế hoạch chữa bệnh do sáng kiến của trại. Riêng tôi thì không hẳn tin như thế. Tôi thấy những người bệnh đang phát triển mà được gia đình tới thăm, ăn uống đầy đủ thường thuyên giảm rất nhanh. Một anh ghẻ mủ đang đầy người, cầm chén cầm đũa không được, thế mà chỉ sau một tuần được thăm thì ghẻ lặn bớt và nhiều vết lở mím miệng đâm da. Hiệu quả nhất là có vitamin B1 trợ sức. Thuốc tây bấy giờ quá đắt, quá hiếm cho nên người được gia đình cung cấp vẫn hay giấu kín để phòng thân. Những gia đình không kiếm ra được thuốc B1 thì gởi cám trộn đường cho thân nhân. Những gói cám đường tù trao cho nhau cũng là một thứ quà quí. Chỉ tội nghiệp những người không được thăm nuôi bệnh vẫn kéo dài. Dù sau, tắm nước muối riết rồi sự đau rát cũng dần quen phần nào.

Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng hiệu quả của sự tắm nước muối này chỉ là ở chỗ ngăn ngừa sự lây lan của ghẻ. Sau này khi bị đưa vào khám đường Bà Rịa tôi mới có thêm một nhận định khác. Khám đường Bà Rịa số người bị ghẻ ít hơn nhiều so với số lượng người bị ghẻ tại trại B5 nhưng lại chết trên hai mươi người, trong khi trại B5 chỉ chết một viên kỹ sư Đại Hàn Chung Goam. Phải chăng là nhờ trại B5 cho tù tắm nước muối hàng ngày trong khi khám đường Bà Rịa cả tuần tù mới được tắm sơ sài một lần, đó là chưa kể trường hợp tù biệt giam có người cả năm không được tắm? Phải chăng người bị chết là do nhiễm trùng?

Chung Goam từ khi vào tù cho đến khi chết không hề có ai thăm viếng. Anh lại là người ngoại quốc không thạo tiếng Việt nên khó bày tỏ với ai những khó khăn của mình. Cái chết của anh đã làm tôi giật mình. Người tôi yếu đuối và nhỏ con hơn anh ta nhiều. Tôi cũng bị ghẻ trước anh ta khá lâu. Phải nói đúng vào dịp tết Bính Thìn tôi đã đạt mức quán quân về ghẻ ở trại B5 Biên Hoà. Toàn thân tôi chỗ nào cũng nổi nhọt mủ, chỉ chừa mặt. Hai bàn tay chạm nhau một cái là mủ chảy tèm lem. Lại thêm chứng tê bại phụ vào, tay tôi không còn sử dụng chính xác nữa. Khi ăn, tôi phải dùng cả hai tay đưa cái chén lên rồi cố gắng dùng tay trái ép chén vào ngực để giữ. Tay phải lại đưa xuống cầm muỗng bằng cách dùng hai ngón tay chỉ và trỏ để kẹp cán muỗng. Rất nhiều lần tôi đã làm đổ mất phần ăn của mình. Người tôi càng ngày càng luội, lúc nào cũng chỉ ưa nằm. Mà nằm thì cứ mê thiếp từng cơn, đầu óc thì cứ bị ám ảnh chuyện chết chóc.

Nhưng cũng may, vận tôi chưa đến ngày cùng! Một hôm tôi ra phơi nắng thì gặp ba vị cứu tinh. Đó là ông Võ Huyến, cựu Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Quảng Trị, ông Cái Viết Pháp, cựu Chỉ huy phó Trung tâm huấn luyện Cảnh sát Dã chiến Đà Lạt và anh Lưu Phát. Lưu Phát có thời gian cùng làm việc một chỗ với tôi, cũng lại là anh ruột Lưu Khánh Vân, bạn học của tôi. Cả ba người đều mới được thăm nuôi nên đều tiếp tế thức ăn cho tôi. Riêng ông Võ Huyến, thấy tình trạng tôi kiệt quệ như thế, đã không ngần ngại đưa cho tôi cả gói thuốc B1. Kỳ diệu như phép màu, chỉ mấy ngày sau tôi đã giảm bệnh nhiều, nhất là chứng tê bại. Từ đó về sau, mỗi lần được thăm nuôi, mấy ông ấy vẫn tìm cách chia sẻ cho tôi. Có một ông đại tá tên Cát, người cao lớn, tôi chưa hề quen biết, cũng có lần cho tôi một gói đồ toàn thức ăn tốt như đường, cá và bột mình tinh. Ông lại an ủi tôi:

“Qua thấy cặp mắt em còn ‘thần’ lắm, không thể chết đâu mà sợ!”

Không biết ông coi tướng được thật hay là chỉ trấn an tôi, nhưng nhờ đó tôi cũng an tâm rất nhiều. Nếu không gặp được những người ấy, nhất là ông Võ Huyến, có thể tôi đã tranh đi theo Chung Goam rồi.

Qua thời gian được cho ở truồng ra ngoài tắm muối, đầu óc tôi cũng dần bình thường. Ông Võ Huyến biết tôi ngoài đời hay ngâm thơ nên mỗi lần gặp phòng ông được ra chơi, ông lại gọi tôi. Ông khuyên tôi nên ngâm thơ để giải buồn cùng luyện lại giọng. Trong thời gian bị ghẻ phát triển nặng, giọng tôi bị tắt, chỉ nói được khào khào. Tôi nghe lời, bắt đầu ngâm thơ trở lại. Bất cứ bài thơ nào tôi cũng nói là của Tố Hữu hết. “Hồ trường” cũng của Tố Hữu, “Nhớ rừng” cũng của Tố Hữu, “Hai sắc hoa tygon” cũng của Tố Hữu nốt... Mà đã ngâm thơ Tố Hữu thì cán bộ không bao giờ thắc mắc. Tôi vốn thuộc một số bài thơ nổi danh như “Đêm liên hoan”, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ” của Quang Dũng, “Nhà tôi” của Yên Thao, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, bốn bài thơ của T.T. K.H., một số của Tản Đà, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Thế Lữ... nên nhiều người thích nghe tôi ngâm. Một số kiếm giấy bút lén nhờ tôi đọc cho chép lại những bài họ thích. Tôi không thể chép giúp vì chứng tê bại đã làm tôi không sử dụng viết được. Ngày nào tôi cũng được thính giả người thưởng táng đường, kẻ cho trái chanh, cái bánh... Chính chút nghề mọn này đã giúp tôi mau hồi phục sức khoẻ thêm. Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, tôi không khỏi tức cười vì cái việc hi hữu mình đã làm: ở truồng ngâm thơ mà vẫn được đông thính giả ái mộ như thường! Có lúc có cả cán bộ đến nghe nữa. Những lúc đó, tôi vẫn tiếp tục ngâm, nhưng hay dùng thơ thứ thiệt của Tố Hữu. Cán bộ nghe cũng khoái chí vỗ tay khuyến khích.

Có một lần tôi trần truồng ngâm thơ cho một nhóm thính giả cũng trần truồng kẻ đứng người ngồi thưởng thức như thế thì cán bộ Phấn đến. Bà ta cũng ngồi xuống nghe. Anh Tám, một bạn tù cùng phòng với tôi vẫn rất thích nghe thơ, đang ngồi bên tôi bỗng cười khục khặc cụi tay vào người tôi rồi bỏ đi nơi khác. Tôi không hiểu anh muốn nói gì, vẫn tiếp tục ngâm nga. Khi về phòng tôi thấy anh cứ nhìn tôi mà cười ngặt nghẽo. Mấy người chung quanh xúm lại hỏi chuyện gì. Anh kể không ra hơi:

“Tôi đang nghe thằng này ngâm thơ thì mụ mập tới ngồi gần tôi. Nhìn thấy mụ nây nây cái bầu ba bốn tháng, thằng nhỏ của tôi ngủ mê đã mấy tháng nay thình lình nhảy nhổm dậy khiến tôi hoảng hồn phải chạy đi chỗ khác! Nghĩ mà cứ tức cười!”

Mọi người nghe Tám nói đều cười nghiêng cười ngả. Một anh hỏi tôi:

“Nếu ‘ngâm sĩ’ gặp trường hợp đó thì mần răng hè? Không lý đang ngâm mà cán bộ tới thưởng thức lại bỏ chạy! Nặng tội lắm, biệt giam như chơi đấy!”

Một người khác đùa:

“Ngâm sĩ lúc này lấy cả hai tay mà vò nó cũng không nhúc nhích được chứ đừng nói là nó nhảy nhổm dậy!”

Anh này nằm gần tôi nên biết rõ về tôi. Quả thật, mặc dầu bệnh ghẻ và bệnh tê bại của tôi có giảm nhiều nhưng hài nhi của tôi vẫn còn thiêm thiếp liệt giường. Một anh khác lại cười ngặt nghẽo nói:

“Ngâm sĩ bây giờ đã thành ‘công công’ rồi. Để tôi ngâm thế ngâm sĩ đôi lời gọi là thương tiếc thằng bé đã qua rồi một thời quá khứ liệt liệt oanh oanh nhé:

Trời đất từ nay xa cách mãi!
Cửa động, đầu non, đường lối cũ!
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!
(thơ Tản Đà)

Các bạn thấy mấy câu thơ có hợp cảnh hợp tình không?”

Mọi người lại tiếp tục cười ó khen hay. Lôi ra được những câu như thế thì thật tuyệt diệu. Nhưng chết cha! Như vậy là lạm dụng và bất kính đối với nhà thơ tiền bối đáng yêu rồi! Hi vọng rằng người xưa cũng thông cảm cho lũ hậu bối tìm chút vui nhỏ trong bước đường cùng chăng? Một người lại hỏi:

“Công công là cái gì?”

“Công công là từ dành riêng xưng gọi mấy anh thái giám ngày xưa.”

Sau buổi vui đùa trên của các bạn tù, tôi càng lo nghĩ về mình. Quả thật đã khá lâu, tôi không nghĩ tới chuyện gì ngoài sự hành hạ của bệnh hoạn. Bây giờ bệnh đã giảm nhưng hài nhi của tôi vẫn cứ co ro gầm mặt. Phải chăng đời nó đã tàn?

Lợi dụng lúc mọi người yên ngủ, tôi thử mân mê vuốt ve nó nhiều lần, đủ cách, đủ kiểu nhưng nó vẫn vật và vật vượi vô hồn. Nó có thể bình phục không đây? Qua một thời gian cố gắng không kết quả, tôi đã nghĩ đến cuộc sống gia đình sau này với một viễn tượng tối tăm. Sống đây cũng như chết rồi ư!

Cửa động, đầu non, đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!

Ôi, lời thơ buồn thúi ruột! Từ đó, hằng ngày tôi thẫn thờ ra sân nhưng không còn hứng thú gì để ngâm nga nữa. Lòng tôi đang trĩu nặng nên tôi cứ tìm chỗ vắng mà ngồi. Dù vậy, đêm về tôi vẫn thử kiểm tra vốn riêng và vẫn hoàn toàn thất vọng!

Thời gian cứ thế trôi qua. Những người chung quanh ngạc nhiên về thái độ của tôi nên bắt đầu hỏi thăm. Chẳng đặng đừng, tôi phải tâm tình với một người bạn thân. Không ngờ anh ta hở ra với người khác để rồi cuối cùng ai cũng biết hết. Chẳng bao lâu sau, mọi người đều chú ý đến tôi làm cho tôi càng khó chịu. Có người thật tình khuyên giải an ủi, nhưng cũng có người lấy đó để trêu chọc làm trò cười. Mấy câu thơ của Tản Đà bỗng được nhiều người ngâm nga.

Lại một chuyện tức cười nữa xảy ra, một anh tù vốn chẳng hề màng đến thơ phú, một hôm cũng ồ ề ngâm Cửa động, đầu non, đường lối cũ. Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi! Gặp lúc viên quản giáo đi ngang, nghe anh ta ngâm, viên quản giáo hỏi:

“Anh đang ngâm thơ gì đó?”

Anh tù ghẻ trả lời tỉnh bơ:

“Thơ Tố Hữu đấy cán bộ!”

Viên quản giáo hỏi lại:

“Có thiệt thơ Tố Hữu không? Thơ Tố Hữu làm gì mà có ‘ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!’ à? Anh liệu hồn mà ngâm thơ phản động!”

Nói xong viên quản giáo bỏ đi thẳng. Anh em tù nhìn nhau cười. Không ngờ sau này khi ra tù, tôi có gặp một bạn tù cũ, nhắc lại chuyện xưa thì anh này cũng tưởng mấy câu thơ đó là của Tố Hữu thiệt.

Một hôm, tôi đang ngồi một mình thì anh Khởi bước lại ngồi xuống bên cạnh. Trước đây anh cũng là tù ở truồng, nhưng gần đây anh đã mặc quần trở lại. Khởi nhỏ nhẹ hỏi:

“Thằng cháu anh nó đã ngồi dậy được chưa?”

Tôi cười méo mó khôi hài:

“Nó đành tâm vĩnh biệt tôi rồi anh ạ! Tôi đã cố làm nhiều cách mà đều vô hiệu.”

Anh Khởi tủm tỉm cười:

“Tôi bày cho anh một cách, anh hãy cố gắng thử xem sao nhé! Nói thiệt với anh, trước đây tôi cũng bị như anh, sau nhờ nhìn lén cán bộ Phấn mấy lần mà nó hoạt động trở lại đấy anh. Anh cứ ráng vừa ‘chiêm ngưỡng’ vừa tưởng tượng nhiều pha gây cấn thử xem sao. ‘Chiêm ngưỡng liệu pháp’ có thể là cách trị liệu thần diệu đấy!”

Tôi chỉ nhìn Khởi cười buồn. Khởi lại hài hước tiếp:

“Nhưng nhớ hễ kết quả sơ sơ là lo chuồn liền chứ đừng chờ nó khỏe mạnh mà hung hăng lên là mang họa đấy nhé!”

Cán bộ Phấn có bầu cỡ ba bốn tháng chi đó. Bà ta có thói quen cẩu thả, hay bạ đâu ngồi đấy. Anh em tù nhiều người dù gần chết nhưng vẫn hay “bình phẩm” nọ kia để vớt vát tinh thần. Tôi vốn nhút nhát nên bình thường không dám đấu tranh trực diện như thế mà chỉ âm thầm luyện công thôi. Hôm ấy, sau khi nghe Khởi mách nước, tôi quyết định thử ứng dụng “chiêm ngưỡng liệu pháp” xem sao. Biết đâu nó chữa trị được căn bệnh của tôi! Thế là tôi cứ ngong ngóng cán bộ Phấn đến. Vừa trông đợi vừa cố tưởng tượng những đòn “hồi mã tấn thương” thật tuyệt vời. Nhưng thể chất đã quá tàn lụi, dù cố gắng tưởng tượng thế nào cũng vô ích. Suốt ngày đó, cán bộ Phấn vẫn bặt tăm hơi, chỉ có cán bộ Hồng mảnh khảnh “ít gợi cảm” vào điều hành việc tắm rửa. Hôm sau cũng chỉ một mình cán bộ Hồng vào lo công việc. Lòng tôi cảm thấy buồn buồn như mất mát một cái gì. Phải nói thành thật, cả ngày tôi không ngớt theo dõi những cán bộ vào ra cổng trại. Tôi quên luôn cả mục tiêu cần đạt là để chữa bệnh mà lại ngỡ như mình đang mong đợi một người tình, một người bạn thiết xa cách lâu ngày. Mong ngày không được lại mong đêm. Quả đúng là liên tưởng củng cố đam mê, thời gian ấy gần như lúc nào tôi cũng nghĩ tới người đàn bà đó...

Cũng may, bà Phấn không đi hẳn. Một buổi sáng kia, với cái dáng nâng náo hơn, bà Phấn lại xuất hiện để chỉ huy việc tắm xát chữa bệnh. Sau một hồi xông xáo làm việc, bà Phấn lại gốc cây trứng cá chảng chân ngồi. Tôi thấy cơ hội thuận lợi đã đến, bèn giả vô tình, mon men lại gần làm như núp nắng dưới bóng cây. Lúc này trại nới việc thăm nuôi, gia đình tiếp tế thuốc men cho tù khá thoải mái. Những người bị ghẻ nặng nguy ngập phần lớn đã được bắn tin cho gia đình thăm nuôi tiếp thuốc, bệnh cũng giảm lần. Một số tù ở truồng đã mặc quần trở lại. Những người bị xếp vào hàng tanh tưởi nhất, trong đó có tôi, bây giờ đã ít bị người khác né tránh. Tôi đã có thể lẫn lộn giữa đám đông một cách bình thường để hành động không lộ liễu. Hễ có cơ hội là tôi tận tình vận dụng phương thức “ba mặt giáp công”: mắt thì liếc chiêm ngưỡng, đầu óc thì tưởng tượng những đòn phép thần sầu, tay thì lén mân mê “nó” để hà hơi tiếp sức. Nhưng than ôi! Tôi cố thử đi thử lại rất nhiều lần mà hài nhi vẫn thiêm thiếp giấc nồng...

Đêm này qua đêm khác, tôi cứ nghĩ về tương lai tối tăm của mình:

Trời đất từ nay xa cách mãi,
Cửa động, đầu non, đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!

Thế là hết rồi. Trước kia tôi đã nghe nhiều người nói về cái bệnh khốn kiếp kia. Nó đã làm cho bao nhiêu người thấy mất hết ý nghĩa của cuộc sống. Nhiều gia đình đã ly tan vì nó. Tôi cứ hay nghĩ về mấy con gà trống thiến béo nung núc thui thủi kiếm ăn một mình không bầu bạn mà thương. Thôi thì cứ mặc dòng đời đưa đẩy. Cả ngày về tôi cũng chẳng còn thiết tha mong đợi nữa. Dù sức khỏe có phần vãn hồi nhưng tôi không còn chút nào hứng thú ngâm nga như trước. Tôi chỉ muốn được tĩnh lặng, không ai quấy rầy. Cái danh công công của tôi đã dần thành thông dụng. Tôi cũng thản nhiên chấp nhận, không vui, không buồn...

Thấy tình hình chữa ghẻ cho tù khả quan, hai cán bộ nữ cũng thưa tới điều khiển việc tắm rửa lần. Những người ra ngoài lúc này dần mặc quần đùi trở lại càng nhiều. Riêng tôi, tuy không còn tin tưởng mấy, nhưng nhớ lời người xưa “còn nước còn tát”, tôi vẫn tiếp tục luyện công cầu may.

Một hôm, lựa lúc mọi người đã tắm xong cả tôi mới ra giếng. Lúc đó trời nắng hơi gắt, mọi người đều tìm chỗ tránh nắng. Tôi muốn được một mình một chiếu tôi tìm một chỗ vắng để dễ luyện công hơn. Không ngờ “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, một vài anh đã đoán biết ý tôi. Tôi đang tập trung thần lực truyền sức cho hài nhi thình lình một toán bốn năm người vừa cười vừa chạy nhanh đến chỗ tôi:

“Chào công công! Công công luyện chưởng thành công tới đâu rồi?”

Tôi ngượng ngùng chỉ hài nhi cười:

“Nó vẫn mê mê muội muội vậy thôi!”

Anh Bằng, người bạn tù tuổi cỡ năm mươi, ít nói, luôn tỏ ra đàng hoàng chững chạc, nhìn tôi thương hại:

“Được rồi, để mai tôi cố giúp anh thử sao! Ngày mai cũng vào giờ này, tôi ra đây tắm cho anh!”

Mấy người khác đều cười nửa tin nửa ngờ:

“Phải đấy, ngày mai tụi tôi sẽ ra đây chứng kiến sư phụ làm phép cho công công!”

Một anh cười hô hố:

“Mấy con mẹ y tá chữa được bệnh ghẻ mà lại không chữa bệnh này cho chả luôn, thiệt là bất nhân!”

Một anh khác nhìn anh Bằng dò hỏi:

“Anh không trêu gạt công công đó chớ!”

Anh Bằng cũng cười:

“Tôi nói thật mà! Biết đâu cách làm của tôi lại hiệu quả thì sao!”

Tư cách ăn ở hàng ngày của anh Bằng đã làm tôi có chút tin tưởng. Mà cũng có thể do tôi đã hết đường xoay xở, nên cố bám víu vào lời nói đó. Tôi nhìn anh biết ơn:

“Tôi rất hi vọng ở sự giúp đỡ của anh. Tôi sẽ nhớ ơn anh suốt đời!”

Anh Bằng nhìn tôi nói có vẻ thành thật:

“Tôi cũng hi vọng giúp được anh. Nhưng trước hết, nhất là trong đêm nay, anh hãy cố gắng tập trung trí tưởng tượng vào những pha cụp lạc nhất mà anh đã gặp trong đời. Nó sẽ giúp anh rất nhiều. Mong anh chuyến này toại nguyện!”

Suốt đêm đó, phải nói là tôi đã lạm dụng quá đáng. Tôi không thành công trong việc thức tỉnh hài nhi mà lại làm cho hài nhi nôn mửa tả tơi. Tôi lại càng tràn trề thất vọng vì nghĩ như thế chỉ làm cho nó đuối sức thêm.

Hôm sau, đến giờ hẹn, tôi ra giếng thì anh Bằng và rất nhiều người cùng theo ra. Tôi để ý thấy anh Bằng cầm một cái hũ Péniciline. Sau khi tắm rửa và đợi khô người xong, tôi ngồi bên miệng giếng đợi anh Bằng làm phép. Phải nói là tôi cũng khá hồi hộp. Những người khác có lẽ cũng như tôi, đều chăm chú theo dõi hành động của anh Bằng. Anh mỉm cười mở hũ péniciline: chỉ có một ít thuốc nước gì trong trong dưới đáy hũ. Anh nhìn mọi người rồi nhìn tôi:

“Công công hãy ra sức tưởng tượng đi! Bà Phấn, bà Hồng hay nàng tiên nào đó cũng được!”

Anh bảo tôi chấm ngón tay vào hũ thuốc rồi quệt lên hài nhi. Tôi quệt nhiều lần cho đến khi hết thuốc trong hũ. Ban đầu tôi cảm thấy mát mát nhưng sau đó nó nóng lên như bôi dầu nhị thiên đường. Tôi cũng cảm thấy có cả mùi dầu nhị thiên đường. Anh Bằng nói:

“Anh xoa bóp đều cho hài nhi đi! Thuốc trợ sức ngày trước xuất ngoại đem về còn chừa đó!”

Tôi làm theo lời anh, dùng cả hai bàn tay để xoa như người ta dùng tro để tẩy nhớt khi làm thịt con cá chạch hay con lươn. Mọi người chung quanh chăm chú theo dõi. Một vài người lên tiếng hỗ trợ cổ võ:

“Hậy, hậy, dô, dô!”

Lần đầu tiên từ sau trận bệnh ghẻ, tôi thật sự thấy hài nhi cựa quậy. Mọi người cùng cười rôm rả:

“Nó chuẩn bị ngồi dậy đó! Nó chuẩn bị ngồi dậy đó! Chúc mừng! Chúc mừng!”

Và quả thật nó chuyển gồng mình rồi ngóc đầu lên. Tôi sung sướng quá chừng. Trông nó cũng còn đẹp trai như thuở nào. Nó gật gật như thể cám ơn những người chung quanh đang thật tình chúc mừng cho nó. Một anh khen:

“Nó nghễu nghện trông chẳng khác gì một nhân vật quyền uy đang hiểu dụ dân chúng về một kế hoạch kinh tế nhảy vọt sắp thực hiện hỉ!”

Người bên cạnh thúc cùi chỏ vào người mới phát biểu, nói khoả lấp:

“Thôi, đừng đi quá lạc đường! Thế mới phải chớ! Tôi đã biết nó đâu nỡ để cho ngâm sĩ chịu cảnh ‘Cửa động đầu non, đường lối cũ, Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi’ sao đành?”
Nguồn: Trích trong tập truyện Ngõ tím, in năm 2003, cùng tác giả