trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
29.7.2008
Yiwu Liao
Nhân viên mai táng
Nguyên Mẫn dịch
 
Trích từ một bài của Liao Yiwu (Liêu Diệc Võ) phỏng vấn Zhang Daoling, một nhân viên, 71 tuổi, tại cơ sở mai táng ở Chengdu, Trung Hoa. Liao Yiwu, nhà thơ, nhà văn, nhà làm phim, đã từng bị cầm tù nhiều năm vì một bài thơ phản kháng vụ thảm sát Thiên An Môn, tác giả cuốn The Corpse Walker-Real Life Stories: China from the bottom up (Wen Huang dịch sang Anh ngữ, Pantheon xuất bản tháng 4-2008), sưu tập các bài phỏng vấn lớp người thấp cổ bé miệng trong xã hội Trung Hoa.


Liao Yiwu: Ông Zhang, ông làm nghề này bao lâu rồi?

Zhang Daoling: Tôi bắt đầu vào nghề từ năm 1957, khi vừa tốt nghiệp trường mỹ thuật ở đây. Lúc đó là thời kỳ chống hữu khuynh, vì thế khi đảng bộ ở đây giao cho tôi công tác này tôi nhận ngay. Nếu từ chối, hẳn tôi đã bị kết tội hữu khuynh. Thời đó, dân chúng ít khi dùng dịch vụ mai táng. Họ lo ma chay tại nhà riêng hay tại làng xã của họ. Phần lớn người chết ở đây là do cảnh sát gửi đến. Thường là nạn nhân của mấy vụ giết người hay là dân vô gia cư. Khoảng giữa thập niên năm mươi, Mao Chủ tịch khuyến khích nhân dân hoả thiêu nguời chết, vì không còn đủ đất làm nghĩa trang. Nhưng dân chúng họ không chấp nhận chuyện hoả thiêu. Do vậy mà chúng tôi hầu như không có việc làm. Thủ trưởng giao cho tôi công việc thiết kế các bản tin để truyền bá tư tưởng của Mao Chủ tịch.

Liao: Tôi chắc là công việc đó làm ông bận rộn.

Zhang: Đúng vậy. Năm 1958 Mao chủ tịch phát động chính sách Đại Nhảy vọt. Một số thanh niên xông vào cơ sở mai táng, thúc đẩy chúng tôi biến lò thiêu thành lò luyện gang thép. Thủ trưởng tìm cách giải thích cho họ là hai loại lò có thiết kế khác hẳn nhau, nhưng họ không tin, rồi bắt ông ấy giải giao cho cảnh sát. May là có ông chủ tịch huyện đến can thiệp, không cho họ phá lò thiêu. Sau cùng, để hoà giải, ông ấy cho phép họ xây lò luyện trong sân cơ sở. Ông có thể tưởng tượng ra được đấy, cái cơ sở mai táng yên tịnh, âm u, đã biến thành một cơ xưởng ồn ào, mờ mịt khói. Tôi chạy ra chạy vào như con thoi, thu lượm bất kỳ mảnh kim loại nào tìm được, từ xe đạp cho tới nồi niêu xoong chảo. Đúng là một thảm hoạ. Trong vòng vài tháng kế tiếp, tất cả những gì chúng tôi sản xuất được chỉ là mớ sắt kém phẩm chất, vô dụng.

Liao: Đến lúc nào thì cơ sở mai táng mới thật sự phát triển?

Zhang: Vào lúc có nạn đói năm 1960. Vì mọi người lo đổ công sức cho kế hoạch sản xuất sắt thép của Mao Chủ tịch, không có ai lo toan việc đồng áng. Thế là nạn thiếu lương thực xảy ra. Chỉ riêng huyện này đã có vài vạn người chết đói. Số nguời chết quá lớn nên không thể lo nổi chuyện ma chay cho từng người. Người ta không còn đủ thì giờ và hơi sức để đóng hòm. Họ chỉ quấn xác chết với chiếu rơm rồi mang đến đây. Chúng tôi làm việc không xuể. Lúc ấy lò thiêu vận hành khác bây giờ. Chúng tôi phải mang xác chết đút vào lò. Đôi khi cái nút điện bị trục trặc, chúng tôi bị tro xác thổi đầy mặt. Bây giờ mọi việc đều tự động hoá. Chỉ cần nhấn nút là dây chuyền đưa xác vào lò.

Liao: Tôi tưởng ông chỉ lo việc trang điểm xác chết. Sao ông lại phải lo chuyện thiêu xác?

Zhang: Tất cả những người chết gửi đến đây đều là nạn nhân của nạn đói. Họ hàng của họ không lo nổi việc trang điểm cho người chết. Thoạt đầu chúng tôi còn sửa soạn chút đỉnh cho người chết dễ nhìn hơn, nhưng vào mùa xuân 1961, nạn thiếu lương thực càng thêm trầm trọng. Xác chết đổ đến ào ạt, tôi không còn thì giờ lo việc trang điểm nữa. Hàng ngàn người sục sạo trên núi, cứ như là châu chấu ấy, đi tìm bất cứ thứ gì có thể ăn được – vỏ cây, cỏ, rễ, rau dại, côn trùng. Đỉnh núi thì đã trơ trụi vì phải lấy gỗ cung cấp cho mấy cái lò luyện trong chính sách Đại Nhảy vọt. Trong khi lang thang trên núi để kiếm ăn nhiều người đột nhiên lăn đùng ra chết. Công an bắt tù nhân – cựu địa chủ, phú nông, hữu khuynh – leo lên núi để thu nhặt xác chết. Tù cũng đói nên họ đình công. Khi công an tìm cách phá vỡ cuộc đình công, dùng báng súng đánh bọn tù, họ cũng không nhúc nhích. Rồi trưởng công an mới đưa sáng kiến để thu nhặt xác chết. Ông ấy cột mấy xác chết lại bằng dây thừng dài rồi cho thanh niên kéo xác xuống núi. Làm như vậy cũng đỡ hao sức.

Liao: Ông có bị ảnh hưởng bởi nạn đói không?

Zhang: Vì cơ sở mai táng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lan tràn, chính quyền địa phương bảo đảm cho lò thiêu hoạt động tốt và nhân viên được cung cấp đầy đủ. Đến năm 1962 đã có dấu hiệu nạn ăn thịt người. Những xác chết mang từ núi về thường bị mất chân mất tay. Thịt xung quanh đùi, vai, lưng và mông biến mất. Lãnh đạo địa phương dặn chúng tôi giữ kín sự việc và hoả thiêu xác chết ngay. Công an tuần tra đồi núi, phục kích bắt được vài tay ăn thịt người, rồi tống họ vào khám. Ông biết tại sao họ muốn ăn thịt nguời không? Một số người, sau khi ăn cỏ và đất sét trắng để giảm cơn đói, đã bị táo bón nặng, bụng phình chướng. Mấy ông thầy thuốc bắc nói với họ là thịt người làm nhuận tràng rất tốt. Họ muốn được chữa khỏi bệnh ngay...

Liao: Chuyện gì xảy ra sau đó?

Zhang: Sau nạn đói, công việc trở lại bình thường. Vì có nhiều người chấp nhận chuyện hoả thiêu, cơ sở mai táng đuợc mở rộng, thêm một gian lễ lạt và một phòng trang điểm. Cách thức trang điểm thay đổi tuỳ thuộc vào vai vế của người chết. Cán bộ và dân có học thì chúng tôi trang điểm kỹ lưỡng hơn cho nghi lễ thăm viếng. Dân quê thì không đòi hỏi nghi lễ này, họ chỉ cần buổi viếng riêng. Trong những trường hợp đó, việc trang điểm cho người chết đơn giản hơn nhiều: tôi rửa mặt người chết, rồi thoa phấn, chải đầu, nhét gòn vào miệng, thoa tí son môi. Nhưng đôi khi việc trang điểm cũng khá rắc rối. Có lúc, khi xác chết mang đến đây, chân tay đã cứng ngắc, má hõm sâu, mặt thâm tím. Nếu người chết trong mùa hè thì xác dễ bốc mùi hôi. Tôi phải kiên nhẫn dùng hết tài năng để biến bộ mặt thảm sầu thành bộ mặt bình thường.

Liao: Đây là nghề dành cho những người can đảm.

Zhang: Tôi cũng như một ông bác sĩ – dần dà trở nên vô cảm. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá có mấy tay chọc phá tôi. Vào giữa đêm, họ lấy một xác chết mà tôi đã sửa soạn dựa ngay vào cửa phòng tôi. Khi tôi thức dậy để đi ra nhà cầu, vừa mở cửa là cái xác đập ngay vào mặt, miệng xác đụng miệng tôi. Tôi sợ gần chết. May là tôi nhận ra xác chết nên bình tâm lại được ngay. Tôi dựng xác lên, vả vào mặt nó hai cái, rồi mang trở về phòng xác. Rồi tôi lại quay ra ngủ tiếp, sau đó không cảm thấy gì cả, chỉ có vị formandehyde trong miệng suốt mấy hôm.

Liao: Ông nói như chuyện đùa.

Zhang: Tôi quen rồi. Vào thời Cách mạng Văn hoá, cứ đôi ba hôm lại có xác chết quấn cờ đỏ được chở đến. Hồng Vệ binh chĩa súng, buộc tôi phải rửa sạch và tẩm liệm xác đồng chí của họ. Có lần một lãnh đạo Hồng Vệ binh bị đối thủ đâm chết. Vài ngày sau, khi đồng chí của anh ta mang xác đến đây, thì răng đã nghiến chặt và mắt lồi khỏi tròng. Tôi phải dùng kìm kéo mí mắt xuống. Vất vả lắm mới mở miệng anh ta được. Khi tôi dùng dao cạy miệng, dòi lúc nhúc tuôn ra. Lưỡi anh ta đã rữa thối. Chịu hết nổi, tôi phải bụm miệng chạy ra ngoài để thở. Vài phút sau, khi đã bình tĩnh lại, tôi mới quay vào. Tôi đánh răng cho anh ta, rồi bơm hàng lọ formaldehyde vào bao tử. Giống như là mình rửa cầu tiêu vậy. Tôi mất cả buổi chiều làm việc trong phòng xác để biến cái bộ mặt giận dữ, méo mó ấy thành một bộ mặt thân thiện với nụ cười mà ai cũng nhớ. Mấy anh Hồng Vệ binh cảm phục lắm. Họ mang cho tôi cái băng tay Hồng Vệ binh và hô mấy khẩu hiệu đại để như: “Học tập theo công nhân mai táng!”. Họ còn phong cho tôi làm vệ binh danh dự.

Liao: Tôi rất phục những người như ông – một ảo thuật gia biến mảnh thịt thối rữa thành một thân xác giống người.

Zhang: Người ta không thích làm cái nghề này. Có lần bạn gái của con trai tôi, biết tôi làm nghề này, đã thề là sẽ không bao giờ trở lại nhà tôi nữa. Tôi nghe nói cô ấy vì quá sợ nên liên tục rửa tay sau khi đã lỡ bắt tay tôi. Nhưng có gì mà sợ. Sớm hay muộn ai cũng chết cả. Tôi cho là sửa soạn xác chết chỉ là một công việc bình thường thôi.

Liao: Như vậy có nghĩa là ông đã vượt lên những xúc cảm của con người?

Zhang: Chỉ có một lần tôi bị xúc động thật sự. Có một cháu gái nhỏ chết vì tai nạn lưu thông. Khi họ mang xác bé đến đây, nửa cái đầu đã vỡ mất. Khi chạm vào cánh tay, bàn tay cô bé, tôi cảm thấy buồn khôn tả. Sau khi phụ tá của tôi lau sạch người cô bé, tôi yêu cầu được để yên một mình để tạo lại đầu và mặt người chết. Tôi bơm gien silicon vào sau đầu rồi che lại bằng mảnh da, đã ngâm formaldehyde, của một người nào đó. Tôi gội và chải tóc cô bé, kết lại thành một bím tóc dày. Sau khi trang điểm mặt và môi, tôi mặc cho cô bé cái áo trắng. Lúc ấy cô bé trông thật rạng rỡ, nụ cười tươi trên môi, cứ ngỡ như còn sống. Tôi còn lấy mascara của Pháp để kẻ mắt cho cô ấy. Mắt cô bé trông thật là xinh. Trong buổi lễ tưởng niệm, những người tham dự kinh ngạc khi thấy nàng tiên bé nhỏ nằm ở đấy. Họ khóc và thay phiên ôm cô bé. Tôi quan sát từ một góc phòng, thầm kín cầu mong người ta để cô ở lại phòng xác thêm một đêm nữa, để tôi có thể một mình chiêm ngưỡng tác phẩm của mình và mang hoa hay đồ chơi đến cho cô bé. Nhưng sau lễ tưởng niệm, họ đẩy xác cô vào hoả thiêu ngay. Tất cả công trình của tôi chỉ tồn tại được hơn một giờ. Cái đẹp không tồn tại lâu, trước sau rồi nó cũng bị huỷ diệt. Mỗi ngày có biết bao người xinh đẹp tử tế chết đi. Tôi sửa soạn thể xác họ, với hy vọng duy trì và nâng cao vẻ đẹp của họ trước khi họ vĩnh viễn ra đi. Tôi không muốn bỏ mất một ai nữa. Cái đáng sợ nhất trong đời không phải là cái chết mà là sự mất mát đến cùng với cái chết. Cựu thủ trưởng của tôi qua đời vào đầu năm nay. Ông ấy chưa đến bảy mươi. Tôi trang điểm cho ông ấy. Khi còn sống ông ấy có một thú vui. Lúc còn trẻ ông ấy sưu tập thiệp cưới, đến năm năm mươi ông lại sưu tập cáo phó. Phòng ông ấy chứa toàn những sưu tập ấy. Ông ấy thường nói mấy cái cáo phó đều đọc tựa như nhau và dân Trung Quốc chúng ta thiếu sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ông ấy muốn cáo phó của ông phải độc nhất vô nhị, vì thế ông ta đã soạn nó từ khi còn sống. Ông in ra cả trăm bản, cất vào ngăn tủ cùng với sổ ngân hàng và di chúc. Sau khi ông ấy mất, bạn của ông ấy đưa cho ông Wang, tân bí thư chi bộ cơ sở mai táng. Ông Wang, chủ trì lễ tưởng niệm, đã đọc bản cáo phó cho mọi người nghe lúc tập diễn. Chẳng có ai hiểu được bản cáo phó nói gì. Nó có vẻ cổ xưa, nghe như thơ haiku. Tôi đọc không được đến nửa số chữ trong bài cáo phó. Ông ấy viết tay. Chắc ông ấy đã đọc bài cáo phó cả trăm lần trước khi chết, hy vọng đó sẽ là những lời sau cùng ông để lại cho cõi đời này. Nhưng ông tân bí thư cho rằng bản cáo phó không phản ánh tinh thần cách mạng của thời kỳ mới. Vì vậy ông này viết lại lời cáo phó với mấy ngôn từ chính trị mới, theo một kiểu cách mà cựu thủ trưởng ghét thậm tệ. Thế đấy, mình làm gì được? Đây là Trung Quốc mà. Khi còn sống anh không có quyền quyết định gì cả. Lúc chết, anh cũng không được quyết định cáo phó của anh nói gì.

Bản tiếng Việt 2008 talawas