trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
29.8.2008
Nam Đan
Chuyện tắm gội
 

Ngày xưa tôi là thằng bé rất sợ tắm. Mỗi chiều mẹ bắt tắm là cả một cực hình. Nhiều khi tôi chỉ đứng dội nước qua loa cho mẹ nghe tiếng nước xối là xong. Có vẻ như không chỉ có mình tôi là người ngại tắm, mà rất nhiều người có cùng nỗi ngại này. Ít ra tôi cũng có cô Kiều là người đồng cảm. Suốt trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du chỉ cho cô “nhúng nước” có hai lần. Lần đầu: rõ ràng trong ngọc trắng ngà / dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Lần sau là lần cô phải tắm bất đắc dĩ khi nhảy xuống sông Tiền Ðường trầm mình.

Bạn tôi, anh Hà Vũ Trọng, cho biết một chi tiết rất thú vị: Các ông quan rất ít tắm. Theo luật lệ ngày xưa, cứ mười ngày thì các quan được nghỉ việc một ngày để tắm gội, ngày ấy được gọi là “Hưu mộc nhật”. Mà ngẫm lại thì dường như trong văn chương Việt Nam ít có ai viết về việc “tắm”. Người ta quan tâm đến các sinh hoạt khác mà xem nhẹ việc làm vệ sinh thân thể chăng? Tôi hỏi những người quen biết thì chỉ sưu tầm được vài câu ca dao, tục ngữ như: Một đàn cò trắng phau phau / ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm; hay làm cho lắm tắm cũng ở (hay “cởi”?) truồng.

Tìm trong một cuốn tự điển tiếng Việt, tôi chỉ thấy một số từ “tắm” như sau: tắm giặt, tắm gội, tắm rửa, tắm táp... Tò mò, tôi tìm thêm được một số tắm thơ mộng khác như:

tắm ao: tắm bên cầu ao ở miền quê

tắm hồ: tắm trong hồ nước thiên nhiên hoặc trong hồ nước nhân tạo còn được gọi là tắm pit-xin (piscine).

tắm biển; tắm sông: tắm hồ, tắm biển và tắm sông đòi hỏi người tắm cần phải biết bơi, và việc “tắm cho sạch” không quan trọng bằng “bơi cho khỏe, hay bơi cho vui”. Có nghĩa là hành động tắm mang ý nghĩa hưởng lạc nhiều hơn ý nghĩa vệ sinh.

tắm thác và tắm suối: thường được liên tưởng đến khung cảnh rừng núi hoang vu thơ mộng và các cô sơn nữ (có khi là tiên nữ ) hồn nhiên vui đùa với dòng nước, dĩ nhiên sẽ có một, hay vài, chàng trai cũng hồn nhiên không kém rình xem, hoặc rắn mắt hơn thì “chôm” y trang của các nàng đem giấu.

tắm giếng: người ta thường tắm giếng vào ban đêm. Trong những đêm trăng, tắm giếng còn được kết hợp với một hình thức tắm khác rất thơ mộng là tắm trăng. Tôi không thuộc nhưng dường như đã có đọc những câu thơ của Hàn Mặc Tử tả cảnh tắm trăng rất huyền ảo này. Nhà thơ Nguyễn Ðức Sơn cũng có những câu thơ tả cảnh tắm dưới trăng rất tuyệt, xin chép lại theo trí nhớ, có thể không chính xác lắm: Mười ba tuổi có lần tôi chợt thấy / Em tắm truồng ngoe nguẩy cuối đường trăng... Hai câu thơ làm tôi liên tưởng đến cái cảm giác xốn xang về những kinh nghiệm giới tính đầu đời của một cậu bé mới lớn.

Mà hễ đã có tắm trăng thì chắc hẳn sẽ có tắm với các hiện tượng thời tiết tự nhiên khác như tắm nắng, tắm sương, hay tắm... gió, và ác liệt nhất là tắm mưa.

Vâng, tuyệt vời nhất là tắm mưa. Hình như người ta chỉ thường tắm mưa khi còn bé, khi lớn lên thì thú vui tắm mưa cũng mất theo những trò chơi khác của thời thơ ấu. Yêu cầu đầu tiên của việc tắm mưa là phải “hồn nhiên”. Vì tắm mưa mà tắm một mình, hay tắm mà mặc quần áo thì mất hết 99% thi vị! Ngày nay chúng ta ít thấy hình ảnh trẻ con tắm mưa như các thế hệ cha anh của chúng. Chúng đã quá... bận rộn cho thú vui này. Hay các đấng bố mẹ quá lo ngại cho sức đề kháng của cơ thể và các rủi ro có thể xảy đến?

Tắm thì truồng. Tắm thường đi kèm với hình ảnh hay ý niệm về sự lõa thể. Làm cho lắm tắm cũng ở (hay “cởi”?) truồng là vậy. Nhưng điều này không hẳn đúng. Ở những nơi công cộng (giếng, vòi nước, sông, suối...), hay những nơi người tắm (thường là phụ nữ) không yên tâm về sự riêng tư hay sự an toàn, thì họ tắm nhưng vẫn mặc y phục. Thật ra, chính sự cố gắng làm cho thân thể mình được kín đáo ấy, lại là một nét đẹp rất quyến rũ. Hãy hình dung làn áo vải đẫm nước dán vào da, mái tóc xõa rũ rượi... nhưng thôi, tôi dành phần tưởng tượng, và sáng tác tiếp theo cho bạn nhé. Tôi biết có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh hay đoạn phim rất gợi cảm được thực hiện trong tình trạng đẫm nước này.

Bác tôi cho rằng ở miền Bắc có tắm mùi mà ở trong Nam thì không có. Những ngày lễ tết, hay những dịp quan trọng trong năm, các bà mẹ ngâm nước nóng với một loại lá rau mùi, rồi dùng nước này rửa mặt, và cho mọi người trong nhà tắm. Nước rau mùi giữ mùi thơm rất lâu. Bác tôi cho rằng chỉ ngửi thấy mùi loại rau ấy là nhớ đến không khí ngày lễ tết, hay ngược lại, đến các ngày lễ tết là lại nhớ đến mùi loại nước tắm đặc biệt ấy. Ngoài ra, người ta còn nấu nước với các loại lá thuốc để xông. Người xông trùm mền, ngồi với nồi nước lá thuốc bốc hơi nóng nghi ngút trong một thời gian nhất định cho mồ hôi vã ra. Xông là một hình thức tắm bằng hơi nước nóng để chữa một số bệnh ngoài da, cảm mạo, phong thấp... Lá thuốc để xông thường có bán ở chợ và các tiệm thuốc Nam hoặc tiệm thuốc Bắc. Ngày nay trong các tiệm tắm hơi cũng có hình thức xông này, nhưng thay vì trùm mền thì người tắm ngồi trong một phòng kín có đặt một lò than đang cháy, rồi xối một loại nước lá ngâm hương liệu lên tấm vỉ thép đặt trên lò cho nước bốc hơi. Và thường khi thì không ngồi một mình.

Ngày nay, được phát sinh theo những thay đổi của xã hội, có nhiều loại hình tắm kỳ dị khác. Có lịch lãm như các cụ ngày xưa, nếu biết đến, thì chắc hẳn các cụ cũng phải bàng hoàng bái phục.

Ví dụ, các bà mẹ thường tắm bia (tắm bằng bia) cho trẻ sơ sinh vì tin rằng bia sẽ làm cho chúng sạch sẽ và cứng cáp. Lớn lên, các trẻ sơ sinh (nam) này lại tắm bia cho mấy em trong các nhà hàng đặc sản với niềm tin mãnh liệt rằng, làm điều đó sẽ giúp đời mình lên hương.

Tắm bùntắm nước nóng có công dụng mang lại sức khỏe cho con người. Ngược lại, tắm ôm, tắm thuê (hay còn gọi là tắm giùm), tắm khô... là những dịch vụ rất khả nghi, dù được thực hiện ở trong phòng kín hay ngoài bãi biển. Có lần tôi bắt gặp một bảng quảng cáo cho dịch vụ tắm cổ truyền, tiếc rằng tôi không đủ can đảm để bước vào tham gia, nhưng... hãy đợi đấy!

Ðể được một làn da mịn màng, mềm mướt thì người ta tắm sữa. Thường là sữa dê, có thể pha thêm các loại hương liệu. Món này các nhân vật cực kỳ giàu có mới có thể thực hiện vì rất tốn kém. Có người còn cho rằng tắm sữa phải được thực hiện trong bồn tắm đúc bằng vàng khối thì mới mang lại công hiệu.

Tắm trắng đang rất thịnh hành trong giới làm đẹp. Ðể có được làn da “không đụng hàng” của mình hiện nay, chàng ca sĩ nổi tiếng Michael Jackson có sử dụng chiêu này không? Sau khi được tắm bằng kỹ thuật này, và nếu không được chở vào bệnh viện da liễu để cấp cứu, thì bạn sẽ sở hữu một làn da trắng tươi mịn màng như bông bưởi. Thật ra tắm trắng không phải là một kỹ thuật mới lạ của công nghệ làm đẹp, ngày xưa cô Tấm dịu hiền của chúng ta đã từng tắm trắng cho em gái của mình là cô Cám bằng nước sôi.

Về kỹ thuật tắm thì còn nhiều điều phải bàn, nhưng phạm vi một bài viết như thế này không cho phép chúng ta đi quá xa, chỉ xin lướt qua vài chi tiết đặc biệt.

Tắm đứng trong thau (chữ của nhà báo Ðình Phú, báo Thanh niên) là một kỹ thuật tắm để tiết kiệm nước trong những vùng khan thiếu nước trầm trọng. Ðứng trong thau khi tắm và hứng lại nước để dùng vào chuyện khác. Có một kỹ thuật khác được gọi là tắm khan cũng rất hiệu quả trong trường hợp này. Chỉ cần một ca nước và chiếc khăn mặt bé xíu là có thể áp dụng tắm khan. Thấm nước vào khăn rồi lau mặt và khắp người. Vắt khăn ra ca đựng, lau khô thân thể lại, rồi lại thấm nước vào khăn để “tắm” lại lần nữa. Cứ thế, cho đến khi ráo nước và sảng khoái thì thôi!

Tắm chung: cũng gần như góp gạo nấu cơm chung vậy. Một hôm nào đó bạn cảm thấy đời mình sao cô đơn hiu hắt quá, và muốn thay đổi nó. Bạn hãy xách 2 can nước, mỗi can 20 lít, sang nhà cô bạn xinh đẹp nhất xóm, rồi lấy hết can đảm đề nghị nàng tắm chung cho đỡ... tốn nước. Hệ quả của sự đề nghị này chắc chắn sẽ là một bí mật cực kỳ thi vị mà chỉ có mình bạn trải nghiệm mà thôi!

Tắm trộm là vì lý do gì đó mà bạn không muốn tắm ở nhà mình, lại sang tắm ở nhà hàng xóm mà không có sự đồng ý của gia chủ.

Tuy cùng có chung chữ trộm nhưng việc ngó trộm người khác tắm thì không liên quan gì đến tắm trộm. Tương truyền rằng, một hôm nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm đang tắm, Trạng Quỳnh nín thở, rón rén chiêm ngưỡng toà thiên nhiên của bà. Bà phát hiện bèn ra một câu đối, thách Trạng Quỳnh đối, nếu đối được thì trạng sẽ được phép ngó công khai chứ không phải khổ sở nín thở ngó trộm như thế nữa, nếu không đối được thì xéo. Câu Da trắng vỗ bì bạch đã vang danh thiên hạ từ dạo ấy.

Tắm không chỉ đơn thuần là việc vệ sinh thân thể mà có khi nó còn là những nghi thức của xã hội. Trước khi các phi tần được đến với vua, thì các nàng sẽ được tắm kỹ lưỡng và tẩm ướp các loại hương liệu vào da thịt, hòng mang lại nhiều khoái cảm cho đấng quân vương. Ngoài ra, tắm cũng hiện diện trong các nghi thức tôn giáo như lễ tắm nước sông Hằng ở Ấn Ðộ; lễ rửa tội (baptize) cho tín đồ trong Thiên chúa giáo, hay đạo Tin lành.

Nếu bạn hỏi tôi rằng sự vụ tắm nào kỳ diệu, hào hứng và thơ mộng nhất? Xin thành thật khai báo, có lần tôi nằm mơ thấy mình là anh chàng trần xì Chử Ðồng Tử, lỡ nằm giấu mình dưới cát, ngay dưới chỗ công chúa Tiên Dung đứng tắm. Vô duyên thay, lúc nàng Tiên Dung trong mơ dội những gáo nước làm cát trôi khỏi thân thể của Chử Ðồng Tử, chính lúc cực kỳ căng thẳng đó, thì giọng của nàng dịu dàng thét lên: “Giời ơi, lại cúp nước nữa rồi!”, tôi tỉnh giấc!

© 2008 talawas