trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 11 / 11 bài
  1 - 11 / 11 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Sách mới
1.2.2005
Yuri M. Lotman
Cấu trúc văn bản nghệ thuật
 
Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch

Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2004



Nếu như trước đây tên tuổi của Yuri M. Lotman (1922-1993) chỉ được biết đến qua việc trích dẫn một vài luận điểm khi đề cập đến chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học, thì khoảng vài năm trở lại đây, một số chương, đoạn trong các công trình khoa học của nhà ký hiệu học này đã được giới thiệu qua các bản dịch của Trịnh Bá Đĩnh (Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nhà xuất bản Văn học – Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2002), Từ Thị Loan (Chùm bài phê bình, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6 – 2004).

Gần đây (quý IV năm 2004) một trong những công trình quan trọng của ông là Cấu trúc văn bản nghệ thuật đã được giới thiệu và dịch trọn vẹn sang tiếng Việt. Công việc này do các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) và Viện Văn học phối hợp thực hiện. Toàn văn bản dịch gồm 540 trang. Ngoài Dẫn luận, Kết luận và Chú thích, công trình này gồm có 9 chương. Phần Dẫn luận, các chương 1, 2, 3, 4, 5 và một phần chương 6 do dịch giả Trần Ngọc Vương dịch; Nguyễn Thu Thủy dịch phần còn lại của chương 6, Kết luận và toàn bộ Chú thích; Trịnh Bá Đĩnh dịch các chương 7, 8, 9. Công việc hiệu đính toàn bộ bản dịch do PGS. TS Trần Ngọc Vương đảm nhận.

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương đã được người đọc biết đến qua các công trình: Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam (1995), Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung (1997). Gần đây ông còn được biết đến với tư cách là một dịch giả qua công trình dịch thuật này và quyển Logic học về các thể loại văn học của Kate Hamburger do ông và Vũ Hoàng Địch dịch; ông Trần Ngọc Vương cũng là tác giả của một vài bản dịch các tác phẩm của N. I. Konrad trước đó.

Có thể nói rằng, với các công trình lý thuyết về mô hình hóa (ký hiệu học, cấu trúc luận), trong đó có Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Yuri M. Lotman trở thành không chỉ là người chủ xướng của trường phái ký hiệu học Tartu của Liên Xô, mà còn được xem là một trong số ít ỏi những nhà tư tưởng lỗi lạc bậc nhất của nhân loại thế kỷ XX trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trong bài Các lý thuyết thi pháp học cấu trúc trên Tạp chí Văn học năm 2002, Trịnh Bá Đĩnh đã xếp Lotman cùng với V. Propp và R. Jakobson vào khuynh hướng thi pháp học cấu trúc Nga và Séc. Đặc trưng của khuynh hướng này là kết hợp nghiên cứu trạng thái tĩnh và động của một hiện tượng văn học và văn học được xem xét trong sự gắn bó với hoạt động thực tiễn văn hóa - xã hội của con người. Do đó hướng nghiên cứu này được định danh là thi pháp học cấu trúc - chức năng.

Cấu trúc văn bản nghệ thuật là một công trình mang tính lý thuyết cao. Mối quan tâm thường trực của tác giả trong công trình này là mô hình cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật đã mô hình hóa hiện thực như thế nào. Ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay, khi những công trình nghiên cứu nghiêm túc, mang tính lý thuyết cao vẫn còn ít, thì việc dịch và công bố rộng rãi công trình này là hết sức cần thiết. Nó góp phần mở rộng cánh cửa giao lưu với bên ngoài để người đọc có thể tiếp cận với những lý thuyết và phương pháp mới mà trước đây vì nhiều lý do chưa được giới thiệu có hệ thống. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trần Minh Tuấn

Đà Lạt, Lâm Đồng

© 2004 talawas