trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
10.12.2005
Bùi Vĩnh Phúc
Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật
 1   2 
 
PVKT: Anh có nghĩ rằng con người nhà văn, nhà thơ, con người nghệ sĩ, với (những) nhân vật mà anh ta xây dựng nên là một, có thể trùng khít và soi chiếu vào nhau? Nhân vật văn học có phải là một phản chiếu của hình ảnh nhà văn? Chúng ta có thể nói như thế nào về thế giới mà một người nghệ sĩ sáng tạo ra và thế giới mà anh ta thật sự sống với trong cuộc sống đời thường? Xin đưa thêm cái nhìn đặc thù của anh về trường hợp đặc biệt của Trịnh Công Sơn.

BVP: Trong cái nhìn của tôi, luôn luôn có một sợi dây nối giữa con người và tác phẩm của bất cứ một nghệ sĩ nào. Có một sự xâm thực, ở một mức độ nào đó, của thế giới đời thường của cá nhân người nghệ sĩ vào thế giới nghệ thuật của anh ta. Và ngược lại. Con người nhà văn, nhà thơ, con người nghệ sĩ, với (những) nhân vật mà anh ta xây dựng nên có thể là một, trùng khít và soi chiếu vào nhau hay không? Vấn đề này, xét một cách sâu xa, trên bình diện lớn là cả nền văn chương thế giới, Tây cũng như Ðông, và tính theo chiều dài thời gian suốt từ xa xưa cho đến bây giờ, là một vấn đề rất phức tạp và tế nhị.

Tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm văn học, thể hiện thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ. Và, chắc chắn, nhìn dưới một góc cạnh nào đó, nó không thể tách lìa hẳn với thế giới hiện thực trong cuộc sống hàng ngày của con người ấy. Hai thế giới đó được nối kết bằng một sợi dây, tạm nói như thế. Nhưng tác phẩm nghệ thuật và cuộc sống trong đời thường của người nghệ sĩ không thể nào trùng khít lên nhau được. Phải có một khoảng cách để giúp cho nghệ thuật bay lên. Khi tôi phân tích một tác phẩm văn học, tôi dựa vào những kinh nghiệm đọc, những kinh nghiệm mỹ học của mình. Nhưng tôi cũng phải dựa vào văn bản. Chính nó cho ta thấy thế giới nghệ thuật của người sáng tạo. Trong một khía cạnh nào đó, cái thế giới này được nở bừng ra từ chính những ước mơ và khát vọng trong cuộc sống đời thường của người nghệ sĩ. Nhìn một cách nào đó, nó có thể trông như là một thế giới hoàn toàn khác lạ. Dù sao, tôi không nghĩ là có sự đứt đoạn giữa hai thế giới này. Giữa bờ thực và bờ ảo. Giữa ước mơ và hiện thực. Chúng bồng bế xoắn xít lấy nhau. Nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy được điều ấy. Nói một cách nào đó, tôi không quan tâm lắm về con người cũng như thế giới đời thường của Trịnh Công Sơn. Tôi chỉ quan tâm đặc biệt đến thế giới nghệ thuật của anh. Nhưng những điều tôi vừa thử trình bày ở trên cũng có thể áp dụng cho Trịnh Công Sơn, hay cho bất kỳ một nhà văn, nhà thơ, hay một nghệ sĩ nào khác.

PVKT: Ca từ của Trịnh Công Sơn là cái làm cho người nhạc sĩ này nổi bật lên so với các nhạc sĩ khác. Trong vai trò của một nhà phê bình văn học, và đặc biệt trong cái nhìn của một nhà ngôn ngữ, anh có thể cho người đọc nghe một vài nhận định của anh về chữ nghĩa, về ca từ của Trịnh Công Sơn?

BVP: Tôi xin phép được dùng trở lại ở đây một số điều tôi đã viết về chữ nghĩa, về ca từ của Trịnh Công Sơn. (Mở sách Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật). “Không ai nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà lại không thấy những nét kỳ ảo trong ngôn ngữ của người nhạc sĩ. Những nét kỳ ảo trong thế giới của anh đã khiến cho cái thế giới ấy trở nên, có khi, đẹp đẽ, lung linh nhiều mầu sắc, có khi, nhòe nhạt thấp thoáng những nét nghệ thuật hơn. Nó là một thế giới tuy không xa nhưng cũng không thật gần với cuộc đời này (...) Trong thế giới của anh, ngôn ngữ làm ra tất cả. Chính ngôn ngữ đã tạo ra một thế giới mới, trong đó, anh và bạn bè bằng hữu cũng như những người con gái đáng yêu trong cuộc sống anh hay trong cuộc đời này đã đi lại, nói cười và tan đi như bóng nắng chết trên sông dài, hay như khói trời tan loãng trong mênh mông phù du hư ảnh.

Ðó là một thế giới có thật hay là một thế giới chỉ có trong tưởng tượng? Có lẽ là cả hai. Có lẽ thế giới này đã xâm thực, chiếm lĩnh và hòa tan làm một cùng thế giới kia. Chính vì thế mà thế giới của Trịnh Công Sơn trở nên nhoà nhạt, lung linh hư ảo. Và để lặp lại: Nó là một thế giới “lai”: lai giữa hiện thực và mộng tưởng, lai giữa hiện tại chớp mắt và thiên thu mịt mù, lai giữa hồng và xám, giữa xanh và đỏ, giữa trắng và đen, giữa vàng và tím, lai giữa “một phố hồng một phố hư không” và bức “tường trắng lặng câm u tối.”

Ngôn ngữ sinh ra thế giới. “Ngôn ngữ là căn nhà của hiện hữu”, là “chỗ An cư của Tính thể”, để lặp lại tư tưởng của Heidegger. Câu nói này càng đúng hơn nữa với Trịnh Công Sơn, một con người thơ. Người ta thường cho rằng những lời ca của anh là thơ. Thì đúng là như vậy. Chúng là những lời thơ thả bay cho gió cuốn. Chúng là những hình ảnh, những biểu tượng bất chợt. Như những hình ảnh bất chợt hiện ra lạ lùng, kỳ bí và đầy hư ảo trong những giấc mơ của ta. Chúng bay rải rác và rồi đột nhiên xếp lại thành những bức tranh lạ lùng mang đầy tính huyền ảo. Ðó là những lời thơ của một người thường thấy mình mộng du ngay trong đời sống, và thấy đời sống trở về trong những giấc mộng của mình. Ðó là những câu thơ nhặt được trong đời. Hay trong mơ. Có khi Trịnh Công Sơn xếp đặt nó theo một thứ vần điệu nào đó dễ nhận ra, qua những hình thức của thi ca mà chúng ta đã quen biết; có những khi, chúng giống như những câu thơ tự do, những câu thơ dài ngắn không đều, như những mảnh giấy mà trẻ con xé nghịch thả bay cùng trời đất. Có lẽ đa số những câu hát của anh nằm trong dạng thức đó. Những câu thơ tự do, như những mảnh giấy nhỏ nhiều màu sắc thả bay trong trời.

Thật ra, Trịnh Công Sơn đã làm mới ngôn ngữ bằng một cách rất bình thường: anh dùng những chữ bình dị, thậm chí tầm thường, trong ngôn ngữ của người đời, rồi xếp chúng lại một cách hết sức bất ngờ khiến, qua sự sắp xếp đầy tính bất ngờ ấy, những hình ảnh lạ lùng, thiết tha và thơ mộng hiện ra trước mắt chúng ta. Làm ta sững sờ. Và hạnh phúc. Ðôi khi sững sờ, hạnh phúc trong xót xa, cay đắng. Bởi lẽ, có thể chúng là những gì không thật, nhưng chúng lại phản ánh đúng sự thật ở bên dưới cái mặt nạ, cái vỏ của những hiện thực vật lý. Làm được như thế là người có tài.

PVKT: Tôi đồng ý Trịnh Công Sơn là một nhà thơ, đúng như cách nhìn của anh. Nói một cách nào đó, Trịnh Công Sơn đã xây dựng thế giới của mình, qua ngôn ngữ, một cách rất “hiện thực huyền ảo”. Rất lạ mà cũng rất thực. Nhưng, theo anh nghĩ, ca từ của Trịnh Công Sơn có đi sát với âm nhạc của anh không?

BVP: Anh hỏi, “ca từ của Trịnh Công Sơn có đi sát với âm nhạc của anh không?” Tôi không hiểu rõ câu hỏi này. Hoặc, đúng hơn, nó có hai cách hiểu. Hoặc là, với dòng nhạc như thế, hành âm như thế, ca từ của anh có bắt được vào cái thần thái, cái phong khí của dòng nhạc hay không. Hoặc là, một cách giản dị hơn, những lời ca của anh có hoà hợp thật sát với các nốt nhạc trong bài hát để khi phát âm, nó bắt được vào nốt nhạc. Có nghĩa là lời ca không bị bẻ, bị uốn, để khi bắt vào nốt nhạc nào, nó được phát âm đúng như thế, với những dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, và không dấu. Nếu hiểu theo nghĩa một, tôi thấy Trịnh Công Sơn đã tìm được những dòng nhạc hoặc lối hành âm thích hợp với ca từ của anh, thường là lối kể chuyện, những điệu ballad. Còn nếu hiểu theo cách kia, Trịnh Công Sơn, như bất kỳ một nhạc sĩ Việt Nam nào, cũng không hoàn toàn thoát nổi đâu. Tiếng Việt là một thứ “tonal language”. Nó có dấu thanh. Tài thánh thì anh cũng không thể chạy thoát được chuyện có những lúc lời ca bị uốn đi theo nốt nhạc. Nhưng, cũng như chuyện làm thơ lục bát vậy. Theo kinh nghiệm đọc thơ của tôi, nhiều khi những bài thơ hay lại là những bài mà vần điệu không bám chặt vào nhau quá. Không cần lúc nào cũng phải dùng “chính vận”. Dùng “thông vận” mà có được những hình ảnh mới và lạ vẫn hơn là dùng “chính vận” mà hình ảnh cứ phải bắt vít vào những góc cạnh cũ kỹ.

Phạm Văn Kỳ Thanh, ngoài vai trò là một luật sư, anh còn là một nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc. Tôi rất thích những bài phê bình pha lẫn nghiên cứu của anh về các nhạc sĩ như Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Ðình Chương, Văn Cao, v.v., mà anh đã viết nhiều năm trước đây. Anh đã khám phá ra được những ảnh hưởng nào mà các nhạc sĩ này đã thu nhận từ nguồn nhạc dân tộc cũng như từ nguồn nhạc thế giới, và anh cũng đã trình bày được sâu sắc những đóng góp tốt đẹp của họ vào âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Trần Văn Khê, trong bộ Hồi ký năm tập của mình, cũng có nhắc đến anh. Ông cho rằng anh là một “musicologist”, một nhà nhạc học trẻ đặc biệt ở ngoài nước, một trong ít người ở hải ngoại này có nguồn tài liệu về âm nhạc, tân cũng như cổ, phong phú nhất. Và anh cũng đã rộng lòng chia sẻ nó với nhiều người, trong đó có ông. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã từng chia sẻ với tôi những điều tương tự. Mặc dù biết rằng anh đang bận bịu trên đường hoàn tất tác phẩm viết bằng Anh ngữ Những nẻo đường âm nhạc Việt Nam, tôi cũng biết được rằng anh cũng đã suy nghĩ và tìm hiểu, cũng như có nhiều tài liệu nghiên cứu liên quan đến các sáng tác của Trịnh Công Sơn. Tôi mong có dịp nào đó anh sẽ viết một bài phê bình và phân tích về những tác phẩm của người nhạc sĩ này, từ góc độ phê bình và nghiên cứu của anh.

PVKT: Xin cám ơn anh đã có những nhận xét tốt đẹp về một vài cố gắng của tôi. Cũng xin phép để được cám ơn hai nhạc sĩ Trần Văn Khê và Phạm Duy ở đây. Tôi cũng hy vọng là sẽ có dịp viết về Trịnh Công Sơn qua sự nhắc nhở của anh. Chắc chắn, những vấn đề mà chúng ta có dịp thảo luận hôm nay sẽ giúp nhiều cho tôi trong việc nhìn ngắm chân dung tinh thần cũng như trong việc đánh giá Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ mà tôi cũng rất yêu mến. Ở đây, tôi chỉ muốn đưa một ý nhỏ về câu hỏi lúc nãy của mình. Trong các bài hát tiếng Việt, “lyrics”cũng là phần quan trọng. Nó phải đi theo nốt nhạc để diễn tả cái ý của bài hát, của tư tưởng. Nếu lời hát không “ăn” với nốt nhạc, điều đó có thể đưa đến một phản tác dụng về mặt mỹ học. Trịnh Công Sơn ít khi bị lâm vào cảnh ngộ này. Nhưng thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp điều ấy. Chẳng hạn, trong bài “Cuối cùng cho một tình yêu”, phổ thơ Trịnh Cung, câu hát cuối, “Sầu thôi xuống đầy”, khi được lập lại lần thứ hai, ai cũng nhận thấy là từ “thôi” đã bị uốn để đưa lên theo nốt nhạc. Kết quả là nó không còn được phát âm đúng như là nó nữa. Dù sao, ngay sau nó là từ “xuống” được ngân nga qua nhiều cung bậc một cách rất điệu nghệ, khiến cho từ “thôi”, mặc dù có thể nhìn là một nét hỏng, cuối cùng, lại trở nên nhoà vào một kết hợp luyến láy của từ “xuống”, khiến cho tất cả mềm đi. Và từ “thôi”, “nét hỏng”, ở đây đã được cứu vãn. Một phần lớn nhờ vào sự giáp cận của nó với sự “lả ngọn”đẹp đẽ của từ “xuống” ngay sau đó.

Dù sao, xin anh đừng khôn khéo “xoay cuộc cờ” về phía người phỏng vấn và “đánh ngược” lại như thế. Xin được hỏi anh câu hỏi kế tiếp: Anh có nhận xét gì về phong cách của Trịnh Công Sơn? Phong cách nói chung và phong cách ngôn ngữ nói riêng. Và anh đánh giá thế nào về con người nghệ sĩ này?

BVP: Chúng ta đã có cơ hội nói nhiều về điều này từ nãy đến giờ. Tôi chỉ muốn nói thêm là phong cách ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn là phong cách của một nhà thơ. Hay đúng hơn, ngôn ngữ của anh được tạo dựng, chủ yếu từ cái nhìn mới mẻ, tinh khôi vào đời sống. Cái nhìn của những em bé, mở tròn mắt nhìn vào cuộc đời này và thấy ra ở đó biết bao điều lạ lẫm. Tôi nghĩ là chính cái nhìn con trẻ cộng với sự nhậy cảm và tha thiết sống của một người hết sức yêu thương cuộc đời này đã dẫn đến phong cách ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn. Còn trong vai trò là một nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn có một phong cách rất đặc biệt, thể hiện được những nét đặc thù Việt Nam, cũng như thể hiện được tâm trạng của thời đại mà anh sống. Qua âm nhạc và ca từ của mình, Trịnh Công Sơn cũng nói lên được cái hơi thở của thời đại cũng như ước mơ của con người. Ngoài ra anh còn thể hiện được những khuôn mặt của tình yêu, của cô đơn và của những ám ảnh thường trực của con người, nhất là người trẻ, sống trong một thế giới rạn nứt vì đạn bom và lửa cháy, một thế giới rạn nứt vì những giằng xé trong tâm thức của con người trong một cuộc chiến tàn khốc.

Trong vai trò ấy, Trịnh Công Sơn đã được đánh giá là người nghệ sĩ có một phong cách rất đặc biệt. Nhưng đời sống, với quá nhiều tạp âm và biến chuyển của thời cuộc, đã làm cho cái nhìn về Trịnh Công Sơn của chúng ta có nhiều góc độ khác nhau. Tất cả những xáo trộn và biến chuyển của đời sống với nhiều phiền tạp của xã hội, thời cuộc, chính trị đã giằng kéo con người Trịnh Công Sơn. Khó mà định vị một chỗ đứng rõ ràng cho Trịnh Công Sơn để có thể đưa ra một đánh giá về người nhạc sĩ này với sự đồng thuận của tất cả mọi người. Ngay cả trên mặt thẩm mỹ, có những người cũng có thể nhìn thấy ở anh những nét quá nữ tính, quá “effeminate”. Như có người đã thấy như thế ở triết học của Derrida, ở trong giọng ca của Julio Iglesias, v.v... Những người ấy vẫn có thể có cái lý của họ. Chúng ta cũng nên tôn trọng những ý kiến khác biệt nhau nếu, trong chúng, ta tìm thấy những hạt nhân hợp lý. Trong một cái nhìn và ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ, Trịnh Công Sơn thể hiện bi kịch Việt Nam. Khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, người ta có thể thấy rằng, cả trong và ngoài nước, những người có quan tâm đến âm nhạc Việt nói riêng, và mọi người yêu nhạc nói chung, đã có cơ hội lắng lại để nhìn kỹ hơn cả một khoảng thời gian trên dưới 40 năm là quá trình sáng tác của Trịnh Công Sơn để tìm hiểu về đóng góp của anh. Nếu đặt tác phẩm của Trịnh Công Sơn trong một bối cảnh rộng lớn hơn, không phải chỉ hạn hẹp qua một giai đoạn của lịch sử, của xã hội Việt Nam, nhưng trong bối cảnh của nghệ thuật thế giới, và nhìn tác phẩm của Trịnh Công Sơn nhẩy đập hân hoan và bi thiết trong trái tim của nhân loại nói chung, tôi nghĩ ta có thể nói Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ lớn của thế giới.

PVKT: Anh nghĩ thế nào về vai trò của lịch sử, của cơ duyên trong sự hình thành con người Trịnh Công Sơn và trong sự đóng góp của Trịnh Công Sơn vào gia tài văn học Việt Nam?

BVP: Ðể tạo nên một người nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, phải có một đất nước lớn. Tôi nói lớn đây là lớn về giá trị con người, giá trị nhân văn. Ngoài ra, còn phải có đủ cả cơ và duyên. Nói đến cơ và duyên ở đây tức là nói đến những nét đặc thù của lịch sử, đúng như trong tinh thần câu hỏi của anh.

Lịch sử như một cỗ máy quay vòng, con người ta sống trong những thời đại khác nhau và chịu những sức tác động khác nhau của những biến cố khác nhau mà lịch sử mang đến. Chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn đó là một khía cạnh của lịch sử. Hơi thở thời đại với những nét văn hoá phản ánh tâm tình của thời đại đó lại là những yếu tố khác. Trong bối cảnh văn hoá và thời đại ấy, Trịnh Công Sơn trở nên một khuôn mặt nổi bật vì đã chịu những tác động của cơ và duyên như thế. Dĩ nhiên, cũng phải có tài năng của người nghệ sĩ nữa. Không phải chỉ trong khía cạnh phản ánh cuộc chiến Việt Nam, mà trong khía cạnh phản ánh đời sống của con người Việt Nam, đặc biệt là trên mặt tình cảm như tình yêu và sự cô đơn, Trịnh Công Sơn đã phản ánh tất cả những điều đó một cách hết sức đặc thù, độc đáo và kỳ diệu. Ðặc biệt là ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn. Ca từ của anh là một chất men gây ám ảnh. Nó làm chúng ta thấy ngôn ngữ Việt Nam thật đẹp, thật tuyệt diệu. Nó làm cho chúng ta yêu tiếng Việt và yêu quê hương hơn.

PVKT: Anh có suy nghĩ gì không về những người sẽ đọc anh khi anh thai nghén và cấu trúc tác phẩm viết về Trịnh Công Sơn này của mình? Anh có muốn nói lên một điều gì đặc biệt, qua cuốn sách, ngoài những điều anh nói về con người nghệ sĩ Trịnh Công Sơn?

BVP: Như trong phần “Lời nói đầu” của cuốn sách, tôi nghĩ rằng “thực tại của cuộc đời, một cách nào đó, hiện ra trước mắt mỗi một chúng ta do chính nơi cái nhìn của ta về nó. Mà tâm hồn ta rung động như thế nào thì cái nhìn, từ đó, sẽ “khúc xạ” thực tại theo sự rung động ấy. Cái nhìn của tôi về “thực tại” Trịnh Công Sơn cũng là một cách nhìn của tôi về cuộc đời. Ðúng hơn, đó là một cách biểu lộ mình. Một sự thể hiện cách nhìn và cách sống đời của mình. Khi ta cầm bút viết về bất cứ điều gì trong đời, cũng có nghĩa là ta cầm bút và viết về chính ta. Ta chấm ngòi bút vào bình mực của tâm hồn mình để viết về chính mình. Cái viết nào cũng mang chứa trong nó sự thực đó. Nhưng những “thực tại” được nhìn nhận theo cung cách này, nếu chúng được yêu mến vì đã biểu lộ được một điều gì đó, hoặc vì chúng đã làm cho người đọc nhìn ra được, hoặc liên hệ được, với chính thực tại mà họ đã cảm nhận hay nhìn thấy, thì chúng cũng có một giá trị riêng của mình. Ít nhất là một giá trị trong khía cạnh chia sẻ.”

Tôi hy vọng cuốn sách của mình đóng góp được một cái nhìn tương đối có chiều sâu về tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Từ đó chúng ta có thể hiểu và yêu mến người nghệ sĩ này hơn. Ðặc biệt, tôi mong là qua cuốn sách này, ta nhìn thấy rõ hơn nữa cái tài sai sử ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn. Ðiều đó, như tôi đã có dịp nói, cũng làm cho ta yêu tiếng Việt hơn, và, từ đó, nó làm cho ta yêu quê hương hơn.

PVKT: Có nhiều người đọc xong chuyên luận của anh cho tôi biết là họ nghĩ anh là một người bạn rất thân của Trịnh Công Sơn. Họ lý luận: không thân thiết với Trịnh Công Sơn thì không thể nào biết rõ về những suy nghĩ, những mơ mộng và rung cảm của người nhạc sĩ đến như thế. Anh có thân quen gì với Trịnh Công Sơn không? Riêng tôi, tôi nghĩ nếu giả dụ Trịnh Công Sơn được đọc cuốn sách của anh, không biết anh ấy sẽ có phản ứng như thế nào? Có thể sẽ là rất hạnh phúc vì có được một người nghe rõ tiếng đàn của mình. Có thể là rất ngỡ ngàng và lạ lùng vì đã có một người đi thẳng được vào trái tim của anh ấy và nói với anh ấy về những điều mà anh ấy đã mơ về nhưng không bao giờ nhìn rõ những nét mặt của những giấc mơ mình đến thế. Và cũng có thể là thảng thốt, thậm chí bất bình, vì anh đã vẽ ra những giấc mơ mà anh ấy không từng mơ, hoặc không từng ý thức là mình đã mơ như thế. Anh Bùi Vĩnh Phúc, anh nghĩ gì về vai trò của anh, vai trò của một nhà phê bình văn học?

BVP: Trong một cuốn sách viết về các vấn đề phê bình, tôi có được đọc là chính những nhà phê bình, qua nhiều thời đại, đã làm cho Shakespeare trở nên vĩ đại trong mắt nhìn và trong tâm hồn của người đọc cũng như người thưởng ngoạn kịch ông ở khắp nơi trên thế giới. Không phải là Shakespeare đã không có cơ hội để nói về những tác phẩm của mình. Dù sao, người ta đã xem những lời nhận định ấy của chính tác giả chỉ như là một trong những lời nhận định của một người bình thường đã đọc và đã nghe Shakespeare. Thậm chí, nhiều người trong giới văn học lại đánh giá rằng những lời nhận định ấy là những lời lẽ thô thiển, thiếu chiều sâu về tác phẩm của Shakespeare. Shakespeare đã không hiểu được chính ông hoặc tác phẩm ông một cách trọn vẹn và sâu sắc. Và Shakespeare đã chỉ trở nên vĩ đại thật sự khi có những nhà biên khảo, lý luận và phê bình phân tích rõ cái gì đã làm nên tài năng vĩ đại của Shakespeare, cái gì làm nên chiều sâu uyên áo trong suy tưởng của ông. Nhà lý thuyết Wilhelm Dilthey cũng nói, “Mục tiêu tối hậu của quá trình giải minh văn bản là để hiểu một tác giả sâu sắc hơn là chính họ tự hiểu biết về mình.” (“The ultimate goal of the hermeneutic process is to understand an author better than he understood himself”).

Tôi không hề quen biết gì với Trịnh Công Sơn cả, cho dù là trong những bạn bè của tôi có những người rất thân với anh ấy. Nhưng tôi có gần như đầy đủ các nhạc tập của anh; và tôi có khoảng trên một ngàn các bài hát của Trịnh Công Sơn được hát lên do đủ các ca sĩ, nam cũng như nữ, trước và sau 1975, trong các băng cassettes và CDs. Có nhiều bài được khoảng từ 10 đến 15 ca sĩ hát trong những đĩa khác nhau, với những phong thái và lối hoà âm khác nhau. Nếu có dịp nói chuyện với Trịnh Công Sơn, đặc biệt là nói chuyện về các sáng tác của anh ấy, tôi nghĩ cũng là một điều hết sức thú vị. Dù sao, ngay cả nếu có một chuyện như thế, tôi vẫn tin vào cái nhìn của chính mình hơn về cái “thực tại” được gọi tên là Trịnh Công Sơn. Không phải là có những lúc anh em, bạn bè ta nhìn rõ ta hơn cả chính ta nhìn ngắm mình đó sao? Và các nhà phân tâm học, cho dù có lắng tai nghe các “thân chủ” của mình nói chuyện, vẫn tin vào nhiệm vụ của mình hơn. Họ nghe những người “thân chủ” ấy nói để, sau đó, tiết lộ cho những “thân chủ” của mình biết về chính họ (những “thân chủ” ấy), biết về cái thế giới bí ẩn mà chính họ, dù là người sống trong thế giới ấy, thậm chí “sở hữu” cái thế giới ấy, nhưng lại không hề nhận rõ mặt mày của cái thế giới ấy ra sao.

Thật ra, tất cả chúng ta đều chỉ sống có một nửa. “Một nửa”, đó là nói quá đi đó thôi. Chúng ta chỉ sống có một phần mười hay một phần trăm cái thế giới, cái đời sống của mình mà thôi. Ý thức của chúng ta chỉ là phần nổi lên của tảng băng sơn. Một hình ảnh so sánh quá cũ, nhưng nó lại rất chính xác. Nhà phê bình văn học nhiều lúc giống như là một nhà phân tâm. Vấn đề của mỗi nhà phê bình là họ đã nghe, đã nhìn ngắm, đã giải mã con người của “thân chủ” mình như thế nào, với những “thiết bị đo” nào. Với tôi, “thân chủ” ở đây không hẳn là con người nghệ sĩ, con người sáng tạo. Mà là tác phẩm của họ. Nó là văn bản. Anh giải mã văn bản như thế nào, người đọc sẽ nhìn “cái đọc” của anh để, ngược lại, “giải mã” anh, giải mã tác phẩm phê bình của anh. Ðiều đó là sự công bằng. Với sự công bằng ấy, tôi cảm thấy mình vừa khiêm tốn và vừa tự tin để đi vào tác phẩm.

PVKT: Anh có cho rằng đánh giá của một người đọc bình thường, về một tác phẩm văn học nào đó, cũng có thể có giá trị như đánh giá của một nhà phê bình?

BVP: Một nhà phê bình, trên mặt bằng của sự đọc, đứng ngang với mọi người để hạnh phúc bước vào thám hiểm một văn bản. Nếu qua sự đọc của mình, anh ta biến được cái văn bản ấy ra thành một tác phẩm văn học (với cách đặt vấn đề và những thao tác nghệ thuật của anh, với cách giải minh văn bản của anh), một cách độc đáo, tức là anh ta đóng góp được một điều tốt vào cái đọc chung và vào sự hạnh phúc của con người khi đến với văn chương, nghệ thuật. Trên mặt lý thuyết, bất cứ người đọc nào cũng có tiềm năng để trở thành một nhà phê bình. Nhà phê bình chỉ là người đã đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc đọc, đã học hỏi về sự đọc nhiều hơn, có thể có nhiều kinh nghiệm mỹ học trong việc đọc hơn những độc giả bình thường, nhờ ở chỗ ông ta đã có dịp tiếp cận với nhiều lý thuyết văn học hơn, và có thể ông ta, qua sự rèn luyện của mình, có một sự nhậy cảm hơn người thường với những văn bản văn học. Trong khía cạnh thẩm thức văn chương, giá trị của một nhà phê bình có lẽ chủ yếu là ở những chỗ ấy. Cho dù vai trò và đóng góp của phê bình còn có thể được nhìn nhận từ những góc cạnh, những phương diện khác nữa. Hạnh phúc của một nhà phê bình, theo tôi, nhiều khi cũng phát xuất từ chỗ đứng bình thường ấy, để, như tôi đã nói, đóng góp được một điều tốt vào cái đọc chung và vào sự hạnh phúc của con người khi đến với văn chương, nghệ thuật...

PVKT: Vai trò của phê bình, của nhà phê bình, còn có điều gì khác hơn thế không?

BVP: Dĩ nhiên, từ góc cạnh phê bình, tôi cũng không phủ nhận những đóng góp cần thiết của nhà phê bình trong việc suy nghĩ về vai trò của văn học. Những suy nghĩ ấy làm nên sự vận động của văn học một cách tích cực. Nó tạo nên sự tự vấn của văn học về vai trò của chính nó. Nhà phê bình, trong tiến trình tự tra xét, tự truy vấn như thế, lúc ấy, có thể sẽ đặt vấn đề với những cái nhìn, những thái độ được coi là quyền lực hay chính thống trong văn học. Ðặt vấn đề với những điển phạm. Anh ta cũng có thể đóng góp trong việc nhìn ra được những biến động trong dòng suy tư hay trong hướng đi của nền văn học trong đó mình đang sống cùng và sống với. Phê bình cũng cần những lý thuyết nữa. Ðó là những cách nhìn, những bước vận động mới, những bước nhảy khác nhau để tiếp cận văn bản. Ðó là những “thiết bị đo” của phê bình văn học.

Tất cả những điều vừa nói là cần thiết. Chúng tạo sức sống cho phê bình. Chúng tạo ra những bức “không ảnh” giúp ta nhìn được toàn bộ một khung cảnh văn học. Sinh hoạt phê bình cần có được những bức “không ảnh” như vậy. Nhưng chỉ “không ảnh” thôi, chưa đủ. Phê bình cũng cần phải đi xuống “mặt bằng văn bản” và đi vào “thực địa”. Cái đọc cụ thể một số tác phẩm văn học cũng giúp cho phê bình “hiện thực hoá” và sinh động hoá những bức “không ảnh” của mình. Tôi nghĩ phê bình phải đi bằng hai chân: vừa lý thuyết, vừa thực hành. Ðiều đó giúp tạo cho nó sự quân bình, như Jonathan Culler và Robert Scholes (mặc dù, trên căn bản, họ là những nhà lý thuyết) và nhiều nhà phê bình khác đã chỉ ra. Hãy sử dụng những “thiết bị đo” của anh, những bước nhảy mới của anh, để tìm ra những khuôn mặt mới lạ của văn chương trong việc đi vào “thực địa” của mình.

PVKT: Xin trân trọng cám ơn nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc vì buổi nói chuyện rất lý thú này.

BVP: Tôi cũng xin cám ơn anh và tất cả các độc giả đã chịu khó theo dõi cuộc nói chuyện của chúng ta.

XI. 2005

© 2005 talawas