trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Âm nhạc
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
Loạt bài: 250 năm sinh Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)
 1 
2.1.2006
Dương Tường
Di chúc của Goethe cho Mozart
 
Những hoạt động trong „Năm Mozart 2006” kỉ niệm 250 năm sinh của thiên tài âm nhạc, người Áo nổi tiếng nhất mọi thời đại này, diễn ra rầm rộ ngay từ những ngày đầu năm trên toàn thế giới, đặc biệt tại Áo, Đức, và vào ngày sinh của ông, 27 tháng Một. Mozart (hay Mô-da, theo cách phát âm phổ biến tại Việt Nam) là một trong hai nhà soạn nhạc phương Tây - người kia là Ludwig van Beethoven – được công chúng Việt Nam biết đến nhiều nhất. Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu một số bài viết về Mozart nhân năm kỉ niệm này.
talawas
Năm 1828, tức là bốn năm trước khi qua đời, Goethe chỉ định đích danh Mozart làm người thực hiện di chúc của mình, giao cho nhà soạn nhạc hàng đầu thế kỷ 18 “mối bận tâm chủ yếu” của ông: kiệt tác Faust.

Wolfgang Amadeus Mozart (27.1.1756-05.12.1791) Johann Wolfgang Goethe (28.8.1749-22.3.1832)

Ðiều này xảy ra 37 năm sau khi Mozart mất, nên nghe ra có vẻ kỳ lạ hay chí ít cũng là “ngông” đối với đông đảo người đương thời. Tuy nhiên, nó phản ánh một phức trạng tâm lý rất thật và không hẳn là không hiểu được nếu ta xem xét đối chiếu những quan hệ và tương đồng giữa hai thiên tài này.

Sinh trước Mozart 7 năm và chết sau 41 năm, Goethe, vào lúc lâm chung, vẫn đòi “mehr Licht” (thêm ánh sáng). Cái mà Mozart kiếm tìm cũng là ánh sáng, cả cuộc đời ông là một sự vươn tới ánh sáng, “thêm ánh sáng”. Hai người khổng lồ cùng thời chia sẻ một số phận: họ đều bất hoà với thời đại của mình như số đông các thiên tài - họ là những người lạc thời. Mozart, mà năm ngoái thế giới vừa kỷ niệm 200 năm ngày mất, đã một thời gian dài bị phủ nhận hay chí ít là đánh giá thấp. Cái chất thơ ngọt ngào của nét giai điệu, cái lấp lánh diệu kỳ của hoà thanh, cái hoàn hảo của khúc thức trong nhạc Mozart dễ làm cho ta, khi nghe bây giờ, quên rằng ông đã là người nổi loạn, đã ném vào mặt đám cử toạ đeo tóc giả rắc phấn của thành Vienne cái thông điệp rành rành trong Ðám cưới Figaro: “Hỡi các vị chúa quý tộc, đã hết rồi cái thời các vị tự cho mình tất cả quyền hành!”. Thiên tài Mozart, do vậy đi liền với sự cô đơn và không tìm thấy chỗ đứng trong thời của mình. Năm 1788, Joseph Haydn, lo lắng cho tình cảnh vật chất của Mozart, ngậm ngùi nhận xét trong một bức thư: “Cuộc đời của những thiên tài lớn thường hay bị làm hại bởi sự nhẹ dạ vô ơn của những người hâm mộ họ”.

Còn Goethe, sau thành công của Götz [1] Werther [2] , cũng trải qua những khủng hoảng để rồi cuối cùng đi đến một hành động khước từ triệt để: ông quyết định không cho xuất bản phần II của Faust khi đó đã được hoàn thành. Về sau này, vào năm 1886, Nietzsche nhận xét về số phận không hợp thời thế của Geothe như sau: “Trong lịch sử người Ðức, Goethe (...) là một màn đệm bỏ lửng, không có nối tiếp”.

Hiển nhiên Goethe thấy Mozart là người đáng tin cậy nhất để giao phó “mối bận tâm chủ yếu” của đời ông. Ngày 12.2.1829, Eckermann, người thư ký trung thành, ghi lại lời ông: “Lẽ ra Mozart phải soạn nhạc cho Faust”.

Goethe tin chắc rằng chỉ có Mozart mới có khả năng làm được việc đó. Ông viện lý lẽ để chứng minh như sau: “Faust có những yếu tố rất chói, gớm guốc, ghê sợ, quá đối lập với thời của chúng ta. Âm nhạc (phù hợp với nó) phải mang tinh thần của Don Juan [3] ”. FaustDon Juan vậy là hai anh em tinh thần - hai kiệt tác đồng điệu của hai thiên tài đi trước thời đại, hai người khổng lồ của Thời Ánh sáng.

Ðó là ý nghĩa di chúc của Goethe cho Mozart.

3.1992




[1]Götz von Berlichingen mit der einsernen Hand, kịch của Goethe, 1773
[2]Die Leiden des jungen Werthers, tiểu thuyết của Goethe, 1774 (bản dịch tiếng Việt đã xuất bản: Nỗi đau của chàng Werther)
[3]Il dissoluto punito ossia il Don Giovanni, nhạc kịch của Mozart, công diễn lần đầu tại Nhà hát kịch Quốc gia Praha ngày 29.10.1787
Nguồn: DÆ°Æ¡ng Tường, Chỉ tại con chích choè, trang 106-108, Nxb Há»™i Nhà văn, Hà Ná»™i 2005