trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
8.6.2006
Thuận Văn
Từ điển vị lai
 
Hoá ra, hai cuốn từ điển của luật sư Lê Đình Hồ, Tự điển phân giải chính trị và bang giao quốc tế Anh-Việt Việt-Anh (TĐPGCTBG) cùng Từ điển pháp luật Anh-Việt Việt-Anh (TĐPL), còn là hai cuốn từ điển đầy tính vị lai. [1]

Vị lai là “chưa đến”, là “về sau” và để hiểu cho trọn vẹn hai công trình ngôn ngữ học này thì có lẽ chúng ta phải hướng đến những ý nghĩa... về sau. Lớp người đi trước từ Trần Hưng Đạo, Chu Văn An cho đến Phạm Quỳnh, Phan Khôi không hề viết như ông Lê viết đã đành mà những Đào Duy Anh, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nguyễn Văn Khôn, Võ Phiến cũng chưa hề hạ bút như là ông ấy đang hạ. Dễ thường, chúng ta phải đợi một thời gian nữa lâu lắm, rất lâu, mới có cơ may thấy được cái ngày những tinh hoa ngôn ngữ và tri thức trong hai cuốn sách kia đơm hoa kết trái. Và, dễ thường, chúng ta cũng phải đợi một thời gian dài nữa, rất dài, may ra mới “biết” và “nhận thức” như là ông ấy đang “biết” và đang “nhận thức”.

Thật vậy, cứ đọc xong lời “phân giải” của ông Lê về “Cuộc cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại” bên Trung Quốc:

Thời kỳ khởi đầu vào năm 1966 khi Hồng Quân của Trung Cộng, theo huấn thị của Mao Trạch Đông, công kích tất cả các viên chức chính quyền và sĩ quan quân đội viện cớ rằng sự tái trỗi dậy của các khuynh hướng tư bản và duy vật đang xảy ra. Những viên chức bị tình nghi bị đưa đi các trại cưỡng bức lao động để được “học tập cải tạo”. (TĐPGCTBG, tr. 247)

thì không một người đọc trung bình nào mà không lắc đầu ngơ ngác, ngạc nhiên. Cái ông Mao trong cuốn từ điển ấy là ông Mao nào vậy? Cái cuộc “cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại” ấy là cuộc cách mạng nào vậy? Mới đọc ai cũng thoáng nghĩ đến một ông Mao khét tiếng và cuộc cách mạng khét tiếng thế nhưng những lời “phân giải” ấy lại làm chúng ta nghĩ đến những thứ... chưa hề có tiếng. Cơ hồ, cái con số 1966 ấy lại là con số đặt sau một sự “giáng sinh” nào đó trong mai hậu. Và, cơ hồ, cái ông Mao ấy lại là một ông Mao nào đó sẽ... giáng sinh trong mai hậu. Ông Mao khét tiếng là một ông Mao cộng sản, thứ người mà, danh chính ngôn thuận, phải làm hết sức để xiển dương chủ nghĩa duy vật, làm sao một lãnh tụ cộng sản có thể viện cớ “sự tái trỗi dậy của khuynh hướng duy vật” để ra tay trấn áp? Còn cái cuộc “cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại” khét tiếng đâu phải là cuộc cách mạng mà “Hồng Quân Trung Quốc” tấn công tất cả “sĩ quan quân đội”? Thử tưởng tượng cái liên minh lạ lùng giữa những binh nhất, binh nhì, hạ sĩ, trung sĩ với những thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng và đại tướng: tất cả hợp quần chỉ để đưa mấy ông uý - tá và những viên chức dân sự khó ưa vào trại cải tạo!

Cái gọi là “cách mạng văn hoá” mà ai cũng biết, thực chất, là một trò chơi quyền lực ở đó họ Mao đã mượn sức của “quần chúng” để triệt hạ những đối thủ chính trị tại Trung Nam Hải. Sau thất bại của chính sách kinh tế giáo điều mệnh danh “Đại nhảy vọt” đề xướng vào năm 1958 mà hậu quả là 30 triệu người chết đói, năm 1961 họ Mao đành phải rút lui, chỉ giữ vai trò danh dự của một Chủ tịch Đảng để Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ điều hành đất nước theo đường lối thực tế mà sau này ông ta tố cáo là “hữu khuynh” và “xét lại”. Sau 5 năm rút lui trong bóng tối để nghiền ngẫm, năm 1966 họ Mao bắt đầu phản công bằng bài diễn văn kích động Hồng vệ binh chất vấn những cán bộ biến chất, nhiễm thói trưởng giả và mất hết lý tưởng cách mạng. Với sự ủng hộ của quân đội, lúc này do Lâm Bưu cầm đầu, những Hồng vệ binh chưa ráo máu đầu đã rầm rộ mở một chiến dịch đấu tố từ thấp rồi lên cao. Họ hạ nhục và họ hành hung những cán bộ, viên chức hay sĩ quan, tướng lĩnh hay những trí thức và khoa bảng cho thấy có dấu hiệu “hữu khuynh” hay “xét lại”. Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước, đã bị đấu tố và bị cầm tù. Đặng Tiểu Bình, Tổng Bí thư Đảng, đã bị đấu tố, bị án lưu đày. Thậm chí con của Đặng, sinh viên tại Đại học Thanh Hoa, cũng bị ném từ lầu cao xuống đất què giò. Chỉ có Chu Ân Lai là được an thân, mà để được an thân như thế thì vị thủ tướng nổi danh trí thức nhất Trung Nam Hải này phải ngậm bồ hòn làm ngọt, phải dè dặt ý tứ và chấp nhận cái sự hao hụt quyền hành, nghĩa là làm một lãnh tụ ngậm miệng ăn tiền.

Khó mà tin rằng kẻ đã có gan soạn một cuốn từ điển chính trị - ngoại giao mà lại không có trí để hiểu thế nào là “duy vật”. Mà cũng thật khó để tin rằng soạn giả ấy lại chẳng biết tí ti nào về cuộc “cách mạng” khét tiếng mà người có kiến thức vào mức bình dân nào cũng biết. Bởi thế, để tin, để chấp nhận thì chúng ta chỉ có thể đặt cuốn từ điển vào hệ quy chiếu của tương lai, cái “tương lai” đã thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ vượt thời gian của nó. Cho qua, chấp nhận toàn bộ những thông tin trên là đúng thì có viết, cùng lắm, chúng ta cũng viết, hoặc, “viện cớ sự tái trỗi dậy của các khuynh hướng tư bản và duy vật”; hoặc, “viện cớ rằng các khuynh hướng tư bản và duy vật đang trỗi dậy”. Có ai lại làm rối tung chữ nghĩa kiểu “viện cớ rằng sự tái trỗi dậy của các khuynh hướng tư bản và duy vật đang xảy ra”?

Viết thế, không phải là soạn giả không biết viết hay viết như trẻ con tập viết. Xin chớ vội đánh giá thấp mà hãy nghĩ lại cái thuở Xuân Diệu mới trình làng mấy vần thơ như “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm / Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em”. Ngày trước, thơ này đã bị người cùng thời chê là “ngô nghê”. Ngày trước, thơ này đã bị thiên hạ chê là “như tập dịch Pháp văn”. Và nếu như ngày hôm nay chúng ta ca tụng mấy vần thơ trên như là một trong những thí dụ về cái hay của tiếng Việt thì biết đâu, mai này, mấy “vần từ điển” khó hiểu của ông Lê cũng được nâng niu như những sáng tạo ngôn ngữ tuyệt vời thì sao?

Đó chính là tính vị lai trong hai cuốn từ điển của ông Lê, và, có nhiều, khá nhiều thí dụ như thế.

Lấy thí dụ như ý niệm “tuyên chiến”. Nếu chiến tranh, theo cái nhìn của von Clausewitz, là sự “tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác” thì hành động “tuyên chiến”, theo cách hiểu thông thường, là hành động ở đó một quốc gia chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng hoà bình giữa mình với một quốc gia khác: bây giờ thì không thể nói chuyện bằng ngoại giao, bằng đàm phán mà là nói bằng xe tăng, bằng súng lớn, súng nhỏ. Trước đó, cho dù quan hệ hai bên có căng thẳng cách mấy đi nữa thì, về căn bản, họ vẫn chưa lâm chiến. Như việc Chú Sam lăm le đánh chế độ của ông Saddam Hussein mấy năm trước chẳng hạn. Chú ấy hăm mãi, hăm mãi nhưng tình trạng hai bên có phải là tình trạng chiến tranh đâu? Phải đợi đến ngày 20.3.2003, khi ông George Bush chính thức tuyên chiến thì Ngũ giác Đài mới khai cuộc bằng những trận mưa bom và pháo để mở đường cho mấy chàng G.I. ôm súng leo lên xe tăng băng qua giới tuyến. Như thế, cái trò tuyên chiến mà chúng ta hằng biết hoàn toàn khác xa với cái trò “tuyên chiến” chỉ có một mình ông Lê biết:

Declaration of war (sự tuyên chiến): Sự tuyên bố chính thức bởi một quốc gia tham chiến rằng tình trạng chiến tranh vẫn còn tồn tại với một quốc gia khác. (TĐPGCTBG, tr. 152)

Quả là một lối “tuyên chiến” lạ lùng, chưa từng thấy. Chiến tranh “vẫn còn tồn tại” thì có nghĩa là, trước đó, chiến tranh đã diễn ra rồi. Tưởng tượng cái cảnh tức cười khi, giữa lúc hai nước đang đánh nhau chí tử đã mấy năm thì tự dưng một bên mới nổi hứng... tuyên chiến, mới lịch sự “tuyên bố chính thức” rằng “chiến tranh vẫn còn tồn tại”. Hãy tưởng tượng phản ứng của cộng đồng thế giới khi, trong cái ngày đặc biệt nói trên, ông Bush chẳng thèm nói năng gì cả, lặng lẽ xua quân từ Kuwait băng qua biên giới tiến chiếm Baghdad, rồi lặng lẽ cử người sang Iraq thành lập chính phủ lâm thời, rồi lặng lẽ lùng bắt, rồi lặng lẽ đưa ông Saddam Hussein ra toà. Hãy tưởng tượng cái ngày lạ lùng đó, sau khi bao nhiêu cơ sự đã diễn ra, như ngày 20.3.2006 chẳng hạn, ông Bush mới đủng đỉnh bước tới toà án ở Baghdad để “chính thức tuyên bố” với một Hussein râu ria bờm xờm trước vành móng ngựa rằng tình trạng chiến tranh “vẫn còn tồn tại”!

Đó, có lẽ, là lối tuyên chiến của tương lai. Và nếu muốn tuyên chiến theo trường phái này thì, e là, ông Bush phải đợi tới thế kỷ 150 hay thế kỷ 200 gì đó.

Rời chiến tranh để nhảy sang một khía cạnh tinh tế và nhạy cảm nhất của con người là tình dục cũng thế, cũng đầy những ý nghĩa vị lai. Sống trong thời đại mệnh danh “giải phóng tình dục” thì không ai trong chúng ta là không biết đến ý niệm “khiêu dâm”, thế nhưng chắc chắn chẳng có mấy ai biết đến cái trò “khiêu dâm” dường như chỉ có một mình ông Lê mới biết:

Pornography (sản phẩm khiêu dâm): Thuật từ dùng để chỉ bất cứ sản phẩm tục tĩu nào cung ứng vật thể quái lạ cho sự khao khát về tình dục. (TĐPL tr. 1106)

Không ai mà không lắc đầu ngơ ngác, cả dân sadist hay masochist cũng không thể không lắc đầu ngơ ngác. Họ lắc đầu thắc mắc rằng cái “sản phẩm khiêu dâm” kia là cái gì mà hay thế, lạ lùng đến thế. Khiêu dâm, ai cũng hiểu, là khêu gợi sự dâm dục. Mà để “khêu” lên chuyện ấy thì phải sử dụng những sản phẩm có khả năng cung cấp những hình ảnh, ngôn ngữ hay âm thanh gợi hình để đánh động vào trí tưởng tượng của con người, kích thích họ tưởng tượng nên những đối tượng ảo và sống động, phù hợp với những ham muốn tình dục của mình. Chúng ta ai cũng biết đại khái như thế và, bởi thế, ai cũng ngạc nhiên tự hỏi mình rằng cái “vật thể quái lạ” của ông Lê này là cái thứ gì?

Thế nào là một “vật thể quái lạ”? Quả chùy gai mà các nhân vật trong truyện Tàu như Thủy hử hay Thuyết Đường sử dụng? Cây đinh ba của Trư Bát Giới trong Tây du ký? Chiếc xe hơi nhỏ bị một chiếc xe tải hạng nặng chạy hết tốc lực húc văng xa mấy chục thước, lăn tròn mấy chục vòng, trở thành một cục sắt vặn vẹo? Hay là bốn cái vỏ xe bị cháy lam nham, gớm chết? Tất cả những thứ ấy, trong cảnh phòng the, cũng có thể xem là những “vật thể quái lạ” lắm chứ? Thế nhưng khi con người có thể giải quyết “khao khát về tình dục” bằng những “vật thể quái lạ” ấy thì xã hội đã thay đổi rất nhiều và, ít ra, đó sẽ là một doomsday của kỹ nghệ mãi dâm khi cái nghề cổ nhất của nhân loại chính thức trở thành... lịch sử. Tưởng tượng cái ngày mà con người có thể “cung ứng khao khát tình dục” bằng những “vật thể quái lạ”. Tưởng tượng cái cảnh một tay phong lưu đang lên cơn bí vì cái sự “get horny”. Tưởng tượng cái cảnh anh ta loay hoay với xấp báo cũ và cái hộp quẹt trong tay để xoay xở ở đâu đó ra một cái thùng nhựa, như cái xô đựng nước hay cái thùng đựng rác chẳng hạn; hay tưởng tượng cái cảnh anh ta hùng hổ với cây búa tạ trên đường để gặp đâu búa đó, búa từ cái hộp thư bằng thiếc cho đến tấm tôn dựng hàng rào, chiếc xe đạp hay thậm chí một chiếc xe hơi chẳng hạn. Dưới sức nóng của ngọn lửa, nhất định, cái thùng kia sẽ chảy ra vặn vẹo. Dưới sức mạnh của từng nhát búa, nhất định, vật dụng nào cũng móp mép, biến dạng. Văn vẹo và biến dạng, tất cả sẽ trở thành những “vật thể quái lạ”, thứ mà ông Lê khẳng định là có thể “cung ứng cho sự khao khát về tình dục”!

Khi nhân loại đã “tiến hoá” tới một trình độ “khiêu dâm” như thế thì, nhất định, cái gene di truyền về giới tính của họ đã bị biến thái rất nhiều, một sự biến thái trải qua hàng chục thế kỷ!

Mà không chỉ là những câu chuyện hiện đại như cách mạng tình dục, cả những chuyện tưởng chỉ diễn ra trong thời trung đại ở Âu châu hay thời tiên Tần ở Trung Hoa cũng bị lôi tuột vào những giá trị vị lai. Như chuyện “đất phong, thái ấp” mà ông Lê chú giải:

feud (đất phong tặng, thái ấp): Sự cấp đất cho nông nô được thực hiện bởi lãnh chúa [thượng cấp] để đổi lấy sự cung phụng từ nông nô. Thuật từ còn được dùng để chỉ quyền lợi có thể thừa kế được đối với sự sử dụng và chiếm ngụ đất đai để đổi lấy sự cung phụng cho lãnh chúa.

Bỏ qua nghĩa chính của chữ “feud” lộn sòng để xem xét đến ý nghĩa của “đất phong” và “thái ấp” trước. “Thái ấp” hay “đất phong”, hiểu theo kiểu của Việt Nam, là vùng đất mà vua chúa ban cho những hoàng thân quốc thích hay những đại thần có công lớn để hưởng những bổng lộc từ thuế má như thái ấp mà vua Trần đã phong cho Trần Hưng Đạo chẳng hạn. Tại Âu châu thời trung đại quyền lực không được tập trung ở triều đình mà phân chia trong tay các lãnh chúa chung quanh, và họ có nhiệm vụ trích một phần thuế nộp cho triều đình hay cung cấp quân binh khi cần thiết. Ở Trung Hoa dưới thời nhà Châu, nếu các chư hầu chung quanh trú ngụ trên đất mà thiên tử phong cho thì, mỗi khi thiên tử yêu cầu, như gởi quân chẳng hạn, chư hầu có nghĩa vụ phải tuân phục. Mà, trong từng vương triều nho nhỏ, hình thức đất phong hay thái ấp ấy cũng hiện diện khi các vị vua cắt đất phong cho giới quý tộc như những lãnh địa tự trị theo các đẳng cấp công, hầu, bá, tử, nam. Hình thức phân phong này đã chớm cáo chung khi Thương Ưởng, Tể tướng của Tần Hiếu Công, thực hiện “biến pháp” trên lãnh thổ nước Tần và thực sự cáo chung khi Tần Thủy Hoàng tóm thu thiên hạ về một mối và áp dụng trên toàn thể giang sơn.

Như thế, cái hình thức “thái ấp” và “đất phong” mà nhân loại hằng biết hoàn toàn khác với thứ “thái ấp” và “đất phong” chỉ có ông Lê mới biết. Từ cổ chí kim chưa có một chế độ nào mà nông nô được ưu đãi đến thế, được trả thù lao bằng nguyên một thái ấp và, cơ hồ, chúng ta phải đợi tới thế kỷ thứ 1500 hay 2000 thì mới may ra thấy được cái hình thái phong kiến và cái giai tầng nông nô “vị lai” này.

Chữ “đất phong” và “thái ấp”, như đã thấy, được ông Lê dịch từ chữ “feud”. Thế nhưng, trong tiếng Anh, nghĩa chính của “feud” lại là oán thù giữa hai gia tộc; còn “thái ấp” hay “đất phong”, thực ra, lại là nghĩa chính của chữ “fief”. Nhưng cái chính vẫn là ý niệm “thái ấp”. Thật là khó mà tin rằng một người thông thái như ông Lê mà lại không hiểu thế nào là “thái ấp” nên cách giải thích thoả đáng nhất cũng là tính chất vị lai. Có lẽ đó là chuyện của tương lai, một tương lai mà lịch sử lặp lại theo chu kỳ hình trôn ốc khi bất cứ nông nô cũng có thể, nói theo ông Nguyễn Đình Thi, “rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Mà để đổi đời “sáng loà” như thế thì phải có một ông Marx hay ông Mao thứ hai nào đó đứng ra kêu gọi “nông nô thế giới đoàn kết lại” chứ? Xưa, ông Marx đã từng kêu gọi “vô sản thế giới đoàn kết lại”. Thế nhưng ông này thì chỉ mặn mà với công nhân mà hờ hững nông dân. Chỉ có ông Mao mới quý nông dân. Và như thế, vô tình hay hữu ý, hai cuốn từ điển của ông Lê đã tỏ ra nhất quán ở tính chất vị lai: nếu ở cuốn đầu chúng ta đã thấy bóng dáng một ông Mao “đàn áp duy vật” thì đến cuốn sau đã thấy thấp thoáng cái ngày giai cấp nông nô đứng lên “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”.

Và để hướng đến một tương lai như thế, ông Lê đã phát minh ra một phương pháp dịch thuật cực kỳ độc đáo.

Cách tốt nhất để “dịch sai hoàn toàn một câu văn”, nói theo nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, là dịch thật sát, là bám vào từng từ để dịch chính xác từng từ. Thì ông Lê thì cũng bám sát mà dịch thế nhưng ông ta lại dịch một cách hoàn toàn... thiếu chính xác, và với cái phương pháp dịch thuật độc đáo này ông ta đã vượt qua cái lo lắng tầm thường của ông Cao để hướng đến với những ý nghĩa vị lai.

Như cách ông Lê “phân giải” cụm từ “Cuộc cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại” chẳng hạn. Tách bạch mục từ này, tiếng Anh ra tiếng Anh, tiếng Việt ra tiếng Việt:

Great Proletarian Revolution: A period beginning in 1966 when the Red Guards of China, at Mao ZeDong’s direction, attacked all government officals and military officers on the pretext that a re-emergence of capitalist and materialist trends was taking place. The suspected officials were sent to forced labor camps to be “re-educated”.
và:
Cuộc Cách Mạng Văn Hoá Vô Sản Vĩ Đại: Thời kỳ khởi đầu vào năm 1966 khi Hồng Quân của Trung Cộng, theo huấn thị của Mao Trạch Đông, công kích tất cả các viên chức chính quyền và sĩ quan quân đội viện cớ rằng sự tái trỗi dậy của các khuynh hướng tư bản và duy vật đang xảy ra. Những viên chức bị tình nghi bị đưa đi các trại cưỡng bức lao động để được “học tập cải tạo”.

chúng ta sẽ thấy rằng ông Lê đã dịch cực kỳ sát và cực kỳ... thiếu chính xác. “Red Guard” là “Hồng vệ binh” chứ đâu phải “Hồng quân” (Red Army)? Còn “materialist trend”, lẽ ra, phải là “materialistic trend” và, trong một câu như thế, phải hiểu là “khuynh hướng vật chất” hay cùng lắm là “khuynh hướng hưởng thụ vật chất” chứ; sao lại là “khuynh hướng duy vật”? [2]

Trường hợp chữ “pornography” cũng thế, khi ông Lê dịch:

Pornography: The term used to designate any production of an obscenity which provides a fantasy object for sexual desire.
thành:
Sản phẩm khiêu dâm: Thuật từ dùng để chỉ bất cứ sản phẩm tục tĩu nào cung ứng vật thể quái lạ cho sự khao khát về tình dục.

rõ ràng ông ta đã dịch cực kỳ sát và cực kỳ thiếu chính xác. Ngay từ chữ “pornography” đã thấy cái sự thiếu chính xác rồi: đó là “thuật khiêu dâm” hay “sự khiêu dâm” chứ sao là “sản phẩm khiêu dâm”? Khó mà tin rằng một người từng soạn nên hai cuốn từ điển chuyên môn mà không hiểu nổi ý nghĩa của một danh từ tận cùng bằng “-phy”’ trong tiếng Anh. Và cũng thật khó để tin rằng soạn giả ấy lại lúng túng, không phân biệt được “sự sản xuất, tạo ra” (production) với “cái được tạo ra”, tức “sản phẩm” (product). Tương tự, chữ “obscenity” (dâm tục) đâu hẳn có nghĩa là “tục tĩu” trong một câu như thế? Nhưng độc đáo nhất lại là “fantasy object” mà ông Lê cho là “vật thể quái lạ”. Chẳng lẽ ông Lê không biết rằng bên cạnh ý nghĩa là “đồ vật, vật thể”, “object” còn có nghĩa là “đối tượng”? Chẳng lẽ ông Lê không hiểu rằng chữ “fantasy” còn có nghĩa là “tưởng tượng”, là “huyễn”, là “ảo”?

Chính vì thế mà câu “Thuật từ dùng để chỉ bất cứ sản phẩm tục tĩu nào cung ứng vật thể quái lạ cho sự khao khát về tình dục” đã trở thành một câu văn cực kỳ vô nghĩa. Nó vô nghĩa đến độ nếu chép ra rồi mang đi hỏi khắp thế giới thì chúng ta cũng chịu, cũng bất lực, cũng chẳng thể nào tìm ra được một người thực sự hiểu nó diễn tả cái gì. Thế nhưng chính cái sự cực kỳ vô nghĩa này lại làm nên cái tính vị lai độc đáo của hai bộ từ điển. Đó là loại từ điển nên được sử dụng cho tương lai hơn là hiện tại. Đó là loại từ điển nên dùng cho chuyện chưa biết hơn là chuyện đã biết. Thử hỏi, giữa những ngày mà có kẻ hùng hục vác búa tạ ra đường để... “cung ứng khao khát tình dục”, anh ta có bị tống vào nhà lao hay không? Thử hỏi, nếu một sinh viên lịch sử, chính trị học hay bang giao quốc tế mà “phân giải” cuộc “cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại” như cuốn từ điển kia đã từng phân giải, liệu anh ta có qua nổi năm thứ nhất hay không? Và, thử hỏi, nếu phải nói chuyện bằng súng mà ông George Bush lại chơi trò “tuyên chiến” theo kiểu “vẫn còn tồn tại” thì liệu dân chúng Mỹ, Quốc hội Mỹ có chịu để ông ta yên hay không?

Chính chuyện giao thoa rắc rối giữa hiện tại và tương lai ấy lại làm tôi nghĩ đến những rắc rối trong The Terminator, ba tập phim sôi động của đạo diễn James Cameron và tài tử Arnold Schwarzenegger. Trong phim, những nhân vật của tương lai đã phác hoạ một kế hoạch hoàn hảo cho mình bằng cách thay đổi quá khứ, mà quá khứ của họ là cái thời chúng ta đang sống. Thế là, chính hay tà, những nhân vật của kiếp sau lại đùng đùng xuất hiện, đùng đùng đánh đấm và đùng đùng bắn giết để tiêu diệt hay để bảo vệ ai đó mà họ nghĩ là sẽ ngáng đường hay sẽ là cánh tay đắc lực của họ. Và, thế là, như đã thấy ở số phận của vai nữ chính trong The Terminator II – The Judgment Day khi không may dính vào chuyện của kiếp sau, khăng khăng kể đi kể lại câu chuyện của kiếp sau, nhân vật ấy đã bị tống vào nhà thương điên. Phim này thì đã tròn trịa con số ba trọn bộ mà từ điển của ông Lê thì chỉ mới có hai, bao giờ mới thấy được cuốn thứ ba? Hiện tại nghe đâu ông đã chuyển hướng với một Textbook on Public International Law - Sách giáo khoa về quốc tế công pháp mà ông quảng cáo là “thích hợp cho mọi giới công nhân, nông dân, thương gia, sinh viên luật cho đến các luật gia”, nghĩa là viết sách giáo khoa phục vụ sĩ, nông, công, thương.

“Trứ thuật” để “khai hoá tứ dân”, kể ra, cũng là một lý tưởng cao đẹp, chỉ tiếc là, nhìn ở bề ngoài, cuốn sách mới này khó mà hợp cùng hai cuốn trước mà kết thành một triology, một bệ phóng vững như kiềng ba chân của tính “vị lai” để giúp chúng ta phóng vào mai hậu.

Sở dĩ tôi tiếc thế là bởi, khi quảng cáo cuốn sách, ông Lê chỉ nhắc tới nông dân mà chẳng buồn động đến nông nô, cái giai tầng nô lệ của tương lai, cái kiểu nô lệ gì mà chỉ cần “cung phụng thượng cấp” là có thể đổi đời khi thù lao là nguyên một thái ấp...



[1]Tự điển phân giải chính trị và bang giao quốc tế Anh-Việt Việt-Anh xuất bản năm 1995, Từ điển pháp luật Anh-Việt Việt-Anh, xuất bản năm 2004.
[2]Không rõ định nghĩa tiếng Anh này được soạn giả tự viết ra hay trích từ nguồn nào. “Materialist” là một danh từ với hai nghĩa: 1/ người coi trọng vật chất, và 2/ người tin vào chủ nghĩa duy vật. Còn chữ “materialistic” mới là tính từ với hai nghĩa tương đương: “materialistic trend” có thể là khuynh hướng vật chất mà cũng có thể là khuynh hướng duy vật tuỳ theo câu văn.
Nguồn: Việt Luận, 26.5.2006 (Australia)