trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
15.7.2006
Phó Toán
Thư gửi ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo
 
Trước hết, xin chúc mừng ông đã được tín nhiệm gánh vác một trọng trách mới trên cương vị mới, một cương vị có những vấn đề hết sức nan giải mà các vị tiền nhiệm của ông để lại.

Tôi xin phép đi thẳng vào vấn đề mà tôi đã trăn trở trong nhiều năm qua về giáo dục.

Trước hết, bàn về chương trình:

Người làm ra chương trình chắc chắn chưa bao giờ nghĩ tới người học sinh phải tải một lượng kiến thức khổng lồ của cả nhân loại trong đó. Từ “phổ thông” chỉ là vỏ bề ngoài, vì có rất nhiều điều mang tính hàn lâm và nhiều điều vô bổ được tải trong sách giáo khoa hiện hành. Một khối khổng lồ kiến thức nhét vào đầu một đứa trẻ mà hầu hết chỉ để chứng tỏ những tác giả của chương trình đó là người hiểu biết nhiều, rộng, giỏi. Họ không hề nghĩ đến viết chương trình để cho trẻ em học, không nghĩ gì đến chữ “phổ thông”.

Tôi xin dẫn chứng về những kiến thức mà trẻ em phải học trong chương trình. Xin phép chỉ dẫn chứng trong chương trình Toán phổ thông, vì các lĩnh vực khác tôi không am hiểu nên không dám lạm bàn.

Người ta, kể cả những nhà toán học, hoàn toàn không cần biết các: Thuật toán tìm ước chung lớn nhất của hai số nguyên, tìm bội chung nhỏ nhất của hai số nguyên, (Toán 6, tập 1, NXBGD, 2005), một số cách phân tích một đa thức thành nhân tử (Toán 8, tập 1, NXBGD, 2005), trục đẳng phương của đường tròn (Hình học 10, NXBGD, 2005 - sách thí điểm)...

Cả đời làm toán của tôi, trừ những lúc cần phải đọc để “dạy cho người khác”, tôi chưa bao giờ dùng đến chúng trong khi học hay nghiên cứu về Toán cả. Những kiến thức trên chỉ chứng tỏ cái đẹp trong Toán học, một vẻ thực sự hoàn mỹ, mà chỉ một nhóm nhỏ những người say mê toán thích hoặc cần tìm hiểu về nó. Đâu có phải kiến thức phổ thông.

Người ta tìm sự chính xác của số (: chẳng để tính toán, chỉ để chứng minh sức mạnh của con người, của các máy tính. Theo tài liệu mà tôi có, một người Nhật đã xác định được 206.158.430.208 2 3.236 chữ số thập phân của số (, khi sử dụng 46 giờ máy trên một máy siêu tính với bộ xử lí 1024 của hãng Hitachi SR8000. Trong khi đó, người ta chỉ cần số ( với bốn chữ số thập phân là đủ dùng cho kĩ thuật đòi hỏi chính xác cao như kĩ thuật vũ trụ hoặc vi mạch, chẳng hạn.

Theo một số sách giáo khoa của nước ngoài mà tôi biết, người ta chỉ định nghĩa thế nào là ước số chung, cho một ví dụ, thế nào là ước số chung nhỏ nhất, cho ví dụ. Và mỗi loại có đúng một bài tập dễ nhất.

Trong sách giáo khoa của chúng ta, có đầy rẫy các mẹo mực, các cách làm thông minh để giải các bài toán cực khó, ngay cả đối với những người viết sách cũng là khó. Để làm gì nhỉ? Điều đó có làm cho học sinh thông minh hơn, giỏi hơn không? Xin trả lời ngay là: ngàn lần không. Khi đó, chúng ta đã đào tạo được các máy làm bài tập. Mọi thứ đã bày sẵn, cứ theo khuôn mẫu mà làm. Điều đó dập tắt mọi sáng tạo. Nó chỉ đáp ứng cho các kì thi, có thể kể cả thi học sinh giỏi.

Đối với một số môn học khác, tình hình cũng tương tự. Một số chuyên gia về các môn ấy cũng đồng ý kiến với tôi.

Chẳng hạn như kiến thức về ADN trong Sinh học. Có cần phải nhồi cho học sinh cả một khối lượng khổng lồ kiến thức về di truyền trong khi cả những người viết sách Sinh học nếu không đúng lĩnh vực, cũng chưa chắc đã nắm vững?

Bắt trẻ em biết những điều thực sự vô bổ đó để làm gì, trong khi các em còn phải học khoảng một chục các môn khác cũng “hàn lâm” chẳng kém.

Điều thứ hai, về những người viết sách giáo khoa mà tôi đã từng tiếp xúc.

Cần nói ngay rằng họ là những người giỏi. Giỏi hơn rất nhiều so với tác giả bài viết này. Nhưng điều cần phê phán và phê phán thật mạnh ở họ, đó là cách viết.

Họ viết với các tiêu chí rất khó có thể dùng một hình dung từ nào cho đúng.

  • Viết sao cho “Hội đồng thẩm định” duyệt;
  • Viết sao cho “người ta” không chê là kém.
Trong suốt ba năm làm việc với họ, tôi chưa bao giờ thấy họ đề ra tiêu chí “viết cho học sinh dễ học”, “viết để bổ sung kiến thức phổ thông cho học sinh”. Với một đội ngũ như thế, họ chỉ viết cho họ chứ không hề viết cho học sinh.

Trong đội ngũ tác giả đó, có những người tuổi đã quá cao để viết. Vị tôi quen (70 tuổi) đã viết ba lần một chương mà vẫn còn phải sửa nhiều. Tôi đã trực tiếp chứng kiến một vài trường hợp: viết 15-16 trang cho một tiết học 45 phút của học sinh trung học (sau đó, chủ biên đã yêu cầu viết lại). Lại nữa, có những vị đã có hiện tượng phân tâm, đồng thời người nhà phải mang theo cả túi thuốc bệnh khi tập trung viết sách giáo khoa.

Điều đáng lo ngại là đưa các kiến thức hàn lâm vào trong sách giáo khoa phổ thông. Một ví dụ điển hình là định nghĩa đoạn thẳng: Đoạn thẳng AB là hình gồm điểm A, điểm B và tất cả các điểm nằm giữa A và B (Sách giáo khoa Toán 6, tập 1, NXBGD, 2005).

Trong khi đó, hầu hết các định nghĩa của đoạn thẳng trong các từ điển, các sách giáo khoa khác là khác hẳn: Trong hình học, một đoạn thẳng là một phần của đường thẳng mà bị giới hạn bởi hai đầu mút, và chứa tất cả những điểm nằm giữa hai đầu mút này. (Từ điển Wikipedia trên mạng: http://vi.wikipedia.org/)

Xin phân tích sự khác biệt theo ý kiến của cá nhân tôi về vấn đề này. Các tác giả sách giáo khoa Toán 6, tập 1 tránh từ “giới hạn” chỉ vì sợ hiểu sang “giới hạn” sẽ được học trong chương trình giải tích của lớp 11, dẫn tới mắc sai lầm trong định nghĩa. Cụm từ “các điểm nằm giữa A và B” của sách giáo khoa Toán 6, tập 1 khác với “những điểm nằm giữa hai đầu mút này”của Từ điển Wikipedia. Ta thấy “điểm nằm giữa” của Wikipedia đã được xác định bởi “là một phần của đường thẳng mà bị giới hạn bởi hai đầu mút”; trong khi “điểm nằm giữa” của sách giáo khoa Toán 6, tập 1 không hề được xác định trong định nghĩa cũng như trong tất cả các khái niệm trước đó. Chính xác ra, phải viết là: “những điểm nằm giữa hai đầu mút này trong quan hệ thẳng hàng”. Mặt khác, từ “giới hạn” của định nghĩa Wikipedia không thể nào hiểu sang nghĩa “giới hạn” của giải tích được. Đây là trường hợp đồng âm dị nghĩa thường thấy trong bất kì ngôn ngữ nào.

Các cụ gọi đó là hiện tượng ngộ chữ. Kiến thức uyên bác quá đôi khi trở thành quẩn. Từ điểm trong có hai nghĩa, nghĩa thông thường và nghĩa tôpô. Do đó, các tác giả viết sách toán đã gần như nhất trí dùng từ điểm giữa thay cho điểm trong của một đoạn thẳng (tránh nhầm với điểm trong của tôpô) và do đó các vị đó đã gọi điểm chính giữa bằng một từ Hán Việt: trung điểm. Nhưng nếu hỏi bất kì người nào chưa đọc sách của các vị đó họ sẽ nói điểm giữatrung điểm là một.

Nếu có thời gian, có thể chỉ ra được nhiều điều thú vị của việc ảnh hưởng kiến thức “hàn lâm” khi viết sách giáo khoa trong môn Toán (định nghĩa đa giác, tam giác, khối đa diện, định nghĩa diện tích,...).

Một mâu thuẫn xảy ra khi theo định nghĩa tam giác của sách giáo khoa: Tam giác ABC là hình gồm ba đoạn thẳng AB, BC, CA khi ba điểm A, B, C không thẳng hàng (Toán 6, tập 1, NXBGD, 2005). Các tác giả sách giáo khoa đã tránh từ giới hạn để học sinh không nhầm với giới hạn của giải tích. Tiếp theo, trọng tâm là giao điểm của ba đường trung tuyến. Vậy, trọng tâm của tam giác theo định nghĩa trên có còn là trọng tâm theo nghĩa vật lí hay không? Nếu ta định nghĩa tam giác theo cách của các sách giáo khoa trước cải cách hay theo các sách giáo khoa của một số nước khác (Tam giác là phần mặt phẳng được giới hạn bởi ba đoạn thẳng khép kín), thì trọng tâm theo định nghĩa toán sẽ trùng với trọng tâm theo nghĩa vật lí.

Đây đó có những kiến thức sai lệch. Trong sách giáo khoa Toán 7, tập 2, có vẽ hình mà hai cây cầu đều xiên so với bờ sông (hình 40 trang 73). Tôi đã góp ý với tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục và chủ biên (năm 2003) bằng văn bản, nhưng hiện nay (sách in 2005) hình đó vẫn chưa được sửa. Hay trong một số sách giáo khoa Toán, các tác giả dùng “vectơ pháp tuyến” thay cho “vectơ pháp”. Tôi cũng đã góp ý trực tiếp cho tác giả. Tác giả đó không chịu sửa với lý do “trong ngôn ngữ có hiện tượng nói sai mãi sau sẽ trở thành không sai nữa”. Ông ta nói đúng. Hiện tượng này trong ngôn ngữ không hiếm (“mặc cả” thay cho “mà cả”, “thanh cao” thay cho “thanh tao”,…). Nhưng trong sách giáo khoa, và chưa ai dùng sai trước đó, tại sao các tác giả lại phải tự tạo ra một từ sai để sau này “sai mãi trở thành không sai nữa”?

Điều thứ ba, những quyết định quan trọng của Quốc hội trong kì họp gần đây về giáo dục đã làm cho tôi hoàn toàn thất vọng. Đó là ba vấn đề:

  • Bỏ thi cho cấp trung học cơ sở;
  • Tiếp tục triển khai phân ban cho học sinh trung học phổ thông, và
  • Chỉ dùng một bộ sách giáo khoa cho toàn quốc.
Theo tôi, việc bỏ thi cần thiết là bỏ thi cho cấp trung học phổ thông và thi tuyển đại học. Một số nước thay cho bằng “tốt nghiệp trung học phổ thông” là tập học bạ. Và cũng tập học bạ đó, các trường chuyên nghiệp dùng để tuyển sinh. Tất nhiên tập học bạ đó phải phản ảnh trung thực sức học của học sinh. Việc “phản ánh trung thực sức học của học sinh” là một điều nan giải đối với hiện trạng của ta, khi các vụ “Cả hội đồng thi có bài thi giống nhau!” (Tuổi trẻ, 17/06/2006), “Thanh Hóa: náo loạn trường thi ở Tĩnh Gia” (Tuổi trẻ, 02/07/2006), “Chuyện thật như đùa: Không học ngày nào cũng tốt nghiệp trung học cơ sở!” (Tuổi trẻ, 18/05/2006), “thầy Đỗ Việt Khoa - Hà Tây”,... đã xảy ra và chắc chắn sẽ còn tiếp tục.

Cấp trung học cơ sở là một mốc hết sức quan trọng để chứng nhận học sinh đã có đủ kiến thức phổ thông cơ sở, vững vàng bước vào đời. Còn cấp trung học phổ thông là để phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh muốn học cao hơn, hoặc đi vào các nghề cần đòi hỏi tay nghề, nghiệp vụ.

Việc hướng nghiệp là lý do để phân ban cho trung học phổ thông. Việc triển khai phân ban là hết sức cần thiết. Thế nhưng tại sao tôi lại cho là một điểm thất vọng?

Đó là vì để phân ban, thì việc hướng nghiệp phải làm cho tốt và phải bắt đầu dạy cho các em ngay từ khi còn đang học trung học cơ sở. Nếu chưa làm tốt việc này (việc hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở), thì phân ban sẽ trở thành duy ý chí. Học xong trung học cơ sở, sẽ có học sinh tiếp tục học cao hơn với các ngành khác nhau, hoặc đi học một nghề chuẩn bị cho cuộc sống tự lập hoặc thôi không cần học thêm. Nhưng hiện nay, thực trạng là phải ép học sinh vào các lớp với ban nọ, ban kia mà học sinh không muốn hoặc không hiểu vì sao. Mặt khác, nội dung học trong “chương trình phân ban” mới chỉ phân biệt ở mức độ “nắm vững” ở ban này thay cho “nắm được” ở ban kia hoặc ngược lại. Chuyện tưởng như đùa mà lại có thật đó. Nếu Bộ trưởng không tin xin hãy tìm đọc trong “Chương trình giáo dục phổ thông” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bản có in dấu đỏ của Bộ.

Việc hướng nghiệp và phân ban phải là nhu cầu bức thiết của xã hội thì mới có thể thành công được.

Còn vấn đề “một bộ sách giáo khoa” cũng lại là một chuyện khôi hài. Tại sao lại để một học sinh ở nơi đô hội và một học sinh ở vùng đi ba - bốn “quăng dao” mới tới trường cùng học chung một sách giáo khoa với nhau? Tại sao học sinh vùng “hay dỡn, con heo” lại học chung sách với học sinh vùng “hay đùa, con lợn”? Nói một cách nghiêm túc hơn, ta trang bị kiến thức cho học sinh hay trang bị “sách” cho học sinh?

Hầu hết các nước trên thế giới đều có nhiều bộ sách giáo khoa.

Trong Quốc hội cũng có nhiều cái đầu sáng giá như viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ khoa học hay giáo sư tiến sĩ. Khi họp về vấn đề này, các vị đó nói gì nhỉ? Hay họ có mặt ở đó để lấy danh, lấy giá?

Nhiều điều muốn nói. Nhưng để nói cho hay, cho đúng, phải có đồng tình, tranh luận hay phản bác, phải có phát vấn, phải có nghi ngờ. Còn khi chỉ có một số người nói mãi, hay mấy cũng chỉ là “độc thoại”.

Từ đó, để CẢI CÁCH nền giáo dục hiện tại, tôi xin đề xuất một số điểm:


1. Vấn đề chương trình

Mục đích giáo dục là đào tạo nên những công dân có tính cách độc lập, khả năng lập luận, đầu óc phân tích. Học sinh cần phải biết cách tự học. Các kiến thức cần có cho cuộc sống mai sau sẽ được trang bị khi các em bước vào đời. Trường PHỔ THÔNG không cần trang bị đầy đủ kiến thức cho mọi ngành, mọi nghề, mà chỉ cần trang bị các kiến thức cơ bản, khả năng lập luận và khả năng phân tích để các em bước vào cuộc sống tự lập.

Cần có nhiều bộ sách giáo khoa cho mỗi vùng, mỗi miền có những đặc điểm về địa lí, về kinh tế khác nhau. Có nhiều bộ sách giáo khoa mới có khả năng chọn được nhiều bộ hay. Chỉ cần đưa ra hai điểm: 1. Theo sát chương trình do Bộ ban hành, 2. Được xã hội chấp nhận. Bộ có hội đồng duyệt sách giáo khoa. Xã hội sẽ chọn bộ sách tốt cho học sinh.

Hãy cho phép các em vừa học vừa chơi hoặc vừa giúp thêm cho bố mẹ trong công việc gia đình hàng ngày. Hãy cân đối thời gian học ở trường - thời gian học ở nhà - thời gian vui chơi giải trí - thời gian nghỉ ngơi và làm các công việc khác của một học sinh. Hãy cân đối thời gian dành cho mỗi môn học. Từ đó mới lập ra chương trình. Có như thế, chúng ta mới có những em học sinh thực sự hiểu biết qua trường học.

Qua hai lần cải cách giáo dục, các sách giáo khoa được gọi là “thí điểm” chỉ có một bộ. Và sau đó các sách giáo khoa theo chương trình thí điểm đó (có sửa đổi không đáng kể) đều trở thành giáo khoa chính thức. Thế sao gọi là thí điểm?

Hãy mạnh dạn cắt bỏ những kiến thức không cần thiết. Hãy hiểu đúng về vấn đề xuyên môn, để tránh các trường hợp kiến thức trùng lặp và môn học này sử dụng các kiến thức chưa được học ở môn khác. Hãy tham khảo chương trình của các nước láng giềng và các nước đã phát triển.

Đối với trung học phổ thông, chương trình đặt ra các học phần của các môn học. Cuối mỗi học phần là điểm trung bình hoặc điểm thi (kiểm tra) ghi vào học bạ. Học sinh muốn học học phần nào trước cũng được. Học sinh không theo học tại lớp (có thể do tự học ở nhà) cũng được phép thi để lấy điểm ghi học bạ. Thay cho bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là học bạ trung học phổ thông.

Cần thay đổi đội ngũ viết sách và đội ngũ lập chương trình phổ thông. Những người đã cho ra các sản phẩm “nửa giáo khoa - nửa bác học” nên cấp huân chương cho họ, rồi cho nghỉ. Hãy mạnh dạn tập hợp các đội ngũ trẻ (dưới 50 tuổi), được đào tạo căn bản và phải kinh qua giảng dạy thành một đội ngũ tác giả viết sách giáo khoa cho hai hoặc ba bộ điển hình, sau này sẽ được Bộ GD-ĐT giới thiệu chính thức cho các sở. Tuy vậy, không nên bắt buộc các sở GD-ĐT phải dùng. Khuyến khích việc viết sách giáo khoa một cách rộng rãi. Bộ sẽ duyệt sách trước khi cho phát hành. Xã hội sẽ chọn lọc. Bộ sẽ kiểm tra “đầu ra” của các trường, các sở.


2. Vấn đề thi cử

Mạnh dạn bỏ bớt các kì thi (kể cả các kì thi học kì và cuối năm). Cải cách thi cử. Đưa kiểm tra trắc nghiệm khoa học thay cho các kì thi tự luận. Chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản, bỏ hẳn các bài tập khó, nhất là các bài đánh đố. Bỏ các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào các trường chuyên nghiệp. Các trường trung học phổ thông phải đảm bảo chính xác học lực của học sinh qua học bạ. Các trường chuyên nghiệp tự lo lấy việc tuyển sinh (qua học bạ) để đảm bảo đầu ra là các học viên đã đủ trình độ.

Nếu làm được các điều trên, thì hiển nhiên các việc học thêm và dạy thêm sẽ tự chấm dứt.


3. Vấn đề đào tạo giáo viên

Đào tạo giáo viên là một trong những vấn đề cơ bản. Thày có giỏi thì mới có học sinh giỏi. Muốn thu hút thày giỏi thì không có cách nào hay hơn là thay đổi chế độ đãi ngộ. Những người đứng lớp trực tiếp (các thày giáo, các cô giáo) cần có lương cao hơn những người khác. Hai người cùng được đào tạo như nhau (về thời gian và cấp độ), người giáo viên cần có lương gấp rưỡi người khác. Chế độ về nhà ở, về sinh hoạt cần được ưu tiên hàng đầu. Tránh tình trạng “Quảng Nam: 29 giáo viên ở trong 18m2” (Tuổi trẻ, 15/11/2004).

Từ việc thay đổi trên, sẽ thu hút học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm.

Chương trình đào tạo giáo viên giỏi cần làm trước và làm ngay. Bên cạnh đó sẽ thải hồi ngay giáo viên nào hay cán bộ quản lí nào vi phạm quy định về thi, kiểm tra.

Tất cả đưa vào Luật Giáo dục. Mọi người phải làm theo luật.

Cuối cùng, xin có mấy lời với tân Bộ trưởng. Đọc bức thư trả lời bạn đọc của Bộ trưởng, tôi rất hoan nghênh sự trân trọng và cởi mở của ông đối với các góp ý chân thành của người dân. Nhưng tôi không thấy “Còn có hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân là đồng tác giả” như Bộ trưởng đã phân tích. Việc chống buôn lậu là của nhà nước, không phải của những người nghiện thuốc lá. Cũng như việc chống “bệnh thành tích” là của Bộ GD-ĐT chứ không phải của các phụ huynh học sinh. Các phụ huynh học sinh sẽ luôn luôn đứng về phía Bộ trưởng nếu ông đưa ra các luật nghiêm đối với các cán bộ dưới quyền mình mắc bệnh thành tích. Liệu ông có dám cách chức giám đốc Sở GD-ĐT khi phát hiện ra bệnh này không? (Cách chức chứ không phải chuyển công tác khác.) Nếu ông dám làm điều đó, thì tôi chắc rằng tình hình sẽ tốt đẹp trong tương lai gần.

Hãy cử các đoàn thanh tra đến các tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp trên 95% (chắc không đủ lực lượng để kiểm tra các tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp trên 90%) để kiểm tra, phúc khảo một số điểm thi và có các kết luận chính xác, có các xử lí nghiêm minh - đúng người, đúng tội. Hãy đặt việc tuân theo pháp luật và xử lí theo pháp luật lên trên việc “giáo dục ý thức giác ngộ”. Hãy đừng để các giám đốc Sở “đã chuẩn bị lời xin lỗi trước” sau khi mắc lỗi, như các Bộ trưởng đã làm trong phiên họp Quốc hội vừa qua.

Xin hỏi Bộ trưởng một câu: Theo quan niệm của Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của dân hay là dân là đối tác của Bộ?

Cuối thư, xin chúc Bộ trưởng thực hiện được lời đã hứa “10 năm”. Xin chúc Bộ trưởng sức khoẻ. Bộ trưởng hãy tin rằng mọi người dân đều ủng hộ Bộ trưởng.

Ngày 04-07-2006

© 2006 talawas