trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
29.7.2006
Trần Thiện-Đạo
Nói về bản dịch bài "Le carton rouge" của François Weyergans
 
Ngày 10.07.2006, nhựt báo buổi chiều Pháp Le Monde (Thế giới) cho đăng trên mạng trong mục Opinion (Quan điểm) luận đàm của nhà văn giải Goncourt 2005 François Weyergans chung quanh vụ mùa đá banh World Cup vừa rồi. Ngày 14.7.2006, báo điện tử tiếng Việt talawas ở Đức cho đăng bản dịch bài này của Phạm Toàn dưới nhan đề "Tấm thẻ đỏ". Sáu ngày sau đó, tờ talawas ngày 20.7.2006 lại cho đăng một bản dịch khác của T.N. cũng cùng một nhan đề. Ông T.N. đã dịch lại, theo lời của chính ông, "bằng tiếng Việt bình dân học vụ cho dễ hiểu", là "vì bản dịch của ông Phạm Toàn ‘Tây quá’, lại có nhiều lỗi nhỏ nữa (như dịch sai câu Ils ne sont pas virtuels chẳng hạn…)".

Dưới đây, chúng tôi xin được miễn bàn tới văn phong của hai dịch giả, một Tây quá, một bình dân học vụ, cả hai, dưới mắt chúng tôi, đều xa cách viết của François Weyergans vốn không cầu kì và cũng không bình dân. [1] Mà chỉ nêu lên mấy chỗ sơ hở điển hình cho trình độ tiếng Pháp của các dịch giả: hai ông tuy biết ngoại ngữ này, nhưng xem chừng chưa thạo và chưa sành. Thành mới mắc phải loại sai sót tinh vi nhưng nghiêm trọng trong bản dịch, khiến cho bài văn mất một phần ý nghĩa. Chỉ cần đơn cử ba câu giáo đầu cũng đủ để minh chứng nhận xét đó.


Nguyên tác, bản dịch, nội dung

(1) Nguyên tác

Dès qu’on essaie de comprendre un peu, qu’on s’en réjouisse ou qu’on le subisse, l’engouement périodique et planétaire pour le football, l’emballement inouï ou invraisemblable pour quelques joueurs devenus emblématiques, eh bien, on a du boulot! Encore heureux qu’on s’emballe pour des joueurs: au moins ne sont-ils pas, jusqu’à nouvel l’ordre, virtuels. Ni vertueux: il y a, sublimée ou explicite, pas mal d’agressivité dans l’air pendant un match (…).

(2) Bài dịch

Bản dịch Phạm Toàn

Dù ta khoái chí theo nó hoặc ta đành chịu đựng nó, song một khi thử tìm hiểu đôi chút cái cơn cuồng điên định kỳ bóng đá trên toàn hành tinh, cái sự mê mệt không sao hiểu nổi hoặc có thể hiểu nổi đối với một vài chân sút đã thành biểu tượng, khi đó ta có việc mà làm! May mà người ta mới chỉ cuồng nhiệt đối với chân sút thôi: ít ra thì cho tới lúc này các chân sút vẫn còn dư sức. Nhưng chẳng dư đạo đức: lởn vởn thăng hoa hoặc hiển hiện tường minh trong một trận đấu vẫn có chút hung hãn hiếu chiến (…).

Bản dịch T.N.

Dù thích hay không thì ngay lúc để mắt tìm hiểu chút xíu về nỗi say mê định kỳ của nhơn loại trong túc cầu, về chuyện hứng chí rồ dại hay không giống ai ráo với một vài cầu thủ biểu tượng của bóng giới, thế là y như phép có chuyện để bàn liền. Mê một vài cầu thủ thì còn cái sướng nào hơn, ít nhứt mấy tên tuổi đó, cho tới giờ này, là có thiệt chớ hổng ảo. Khỏi lễ nghĩa gì ráo, toàn trận đấu, che giấu hay lộ liễu, cũng chỉ ngửi được thứ không khí sặc mùi hung bạo (…).

Nội dung

Hễ cố tìm hiểu chút ít, dầu khoái dầu bực, tại sao hành tinh này lâu lâu cứ giở trò mê đá banh tới mức ấy, tại sao có vài ba cầu thủ đã trở thành biểu hiệu được chiêm ngưỡng quá sức tưởng tượng như vậy, thì chắc còn lâu mới thấu triệt được. Cũng may là người ta chỉ chiêm ngưỡng có loại cầu thủ mà thôi: ít ra, cho tới nay, các nhà này thật sự có da có thịt chớ không là ảo ảnh. Cũng chẳng là đạo nghĩa hiện thân: trong mọi trận đá đều thấy có ít nhiều hung khí, khi thì lộ liễu khi thì ẩn mình (…).


Bình luận

Như đã nói rõ ở đầu bài, chúng tôi xin được miễn bàn tới văn phong của hai dịch giả, dành việc này cho độc giả và giới phê bình vốn đủ thẩm quyền hơn chúng tôi. Mà chỉ vạch ra mấy chỗ sơ hở khiến cho bản dịch của họ hoặc khó hiểu hoặc không sát sao hoặc không đúng ý tác giả. Dưới đây, chúng tôi trích dẫn các sai sót đó. Chẳng hạn:

Thí dụ 1

Nguyên tác l’emballement inouï ou invraisemblable được Phạm Toàn chuyển thành cái sự mê hoặc không sao hiểu nổi hoặc có thể hiểu nổi, còn T.N. thì là chuyện hứng chí rồ dại không giống ai ráo.

Chúng tôi không rõ Phạm Toàn lấy ý ở đâu để chuyển tính từ invraisemblable thành có thể hiểu nổi, cũng như T.N. khi ông chuyển hai tính từ inouï invraisemblable thành rồ dại không giống ai ráo, trong khi mấy chữ đó hàm nghĩa na ná với nhau (vì vậy tác giả mới xen liên từ ou = hay là, ở giữa) là chưa từng nghe chưa từng thấy, quá sức tưởng tượng và nhiều cách biểu diễn khác.

Thí dụ 2

Nguyên tác eh bien, on a du boulot!, Phạm Toàn chuyển thành khi đó ta có việc phải làm!, còn T.N. thì thế là y như phép có chuyện để bàn liền!, trong khi lối nói lóng hết sức thông thường này phát biểu nhận xét còn lâu mới…, khó mà…, sức mấy mà…, đâu phải một sớm một chiều mà… v.v.

Hình như hai ông chưa sành, chưa thạo tiếng Pháp, nên mới đoán chừng mà dịch chữ như vậy.

Thí dụ 3

Nguyên tác Encore heureux qu’ on s’emballe pour des joueurs, Phạm Toàn chuyển thành May mà người ta mới chỉ cuồng nhiệt đối với các chân sút thôi, còn T.N. thì Mê một vài cầu thủ thì còn cái sướng nào hơn.

Ở đây, phải nhận rằng Phạm Toàn hiểu đúng ý tác giả, còn T.N. thì xem bề lúng túng bởi nghĩa đen của tính từ heureux (que). Nên ông mới dùng chữ sướng dịch nó, nhưng trong ngữ cảnh nó chỉ hàm nghĩa duy nhứt là cũng may…, may mà…, chớ không giữ nguyên nghĩa đen như ông nghĩ.

Thí dụ 4

Nguyên tác au moins ne sont-ils pas, jusqu’à nouvel ordre, virtuels, Phạm Toàn chuyển thành ít ra thì cho tới lúc này các chân sút vẫn còn dư sức, còn T.N. thì ít nhứt mấy tên tuổi đó, cho tới giờ này, là có thiệt chớ hổng ảo.

Ngược lại, ở đây chính T.N. mới hiểu đúng ý tác giả, còn Phạm Toàn thì chẳng rõ suy diễn thế nào để có thể chuyển tính từ virtuels thành dư sức.

Thí dụ 5

Nguyên tác Ni vertueux, Phạm Toàn chuyển thành Nhưng chẳng dư đạo đức, còn T.N. thì Khỏi lễ nghĩa gì ráo. Cụm từ cộc lốc của nguyên tác nhấn mạnh chỗ các cầu thủ hằng thiếu đạo nghĩa, bằng chứng là trận đấu nào cũng sặc mùi hung bạo (chữ của T.N., xin chịu ơn): thật tình chúng tôi không hiểu các dịch giả nói gì qua hai câu dịch trích dẫn, đặc biệt mấy chữ (Phạm Toàn) và khỏi (T.N.). Xin được chỉ giáo.

Thí dụ 6

Nguyên tác sublimée ou explicite, Phạm Toàn chuyển thành lờn vờn thăng hoa hoặc hiển hiện tường minh, còn T.N. thì che giấu hay lộ liễu. Hai tính từ Pháp miêu tả hung khí của cầu thủ trong các trận đấu, khi thì dễ thấy khi thì tiềm ẩn. Có thể bảo lời dịch của T.N. đúng với nguyên tác, còn của Phạm Toàn thì… nghe nó thế nào ấy: ông dịch chữ hơn là dịch nghĩa, chắc vì chưa thạo và chưa sành.


Tạm kết

Trở lên trên là mấy sai sót vạch ra từ năm ba câu dịch, trích trong bài luận ngắn của một nhà văn Pháp không bình dân cũng không cầu kì, không dễ hiểu cũng không lắt léo. Các sơ hở này cho thấy dịch văn là một công việc trần ai, đòi hỏi ở đương sự rất nhiều công sức và kiến thức. Ngoài việc trước hết phải thông thạo sành sõi ngoại ngữ, chớ không chỉ biết nó là đủ.

Một dịp để chúng ta suy ngẫm về tình trạng dịch thuật hiện hành.

(Paris 22/07/2006)

© 2006 talawas





[1]Xem Trần Thiện-Đạo, “Giải Goncourt 2005: François Weyergans, Ba ngày về ở với mẹ” (trên Thể thao & Văn hoá, số 121, ngày 8-11-2005.