trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
20.3.2007
 
Dân chủ và giáo dục
David Barsamian phỏng vấn Noam Chomsky
Trịnh Lữ dịch
 
David Barsamian: John Dewey, [1] một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của thế kỷ 20, đã có ảnh hưởng mạnh đến ông trong những năm hình thành tính cách của ông. Cha mẹ ông đã cho ông học một trường theo đường lối của Dewey ở Philadelphia.

Noam Chomsky: Chúng tôi sống ở Philadelphia. Cha tôi điều hành hệ thống trường học của người Do Thái ở đó, và hệ thống này theo đường lối của Dewey, nghĩa là cố gắng tập trung vào việc phát triển sáng tạo của từng cá nhân, những hoạt động tập thể, và các dự án có tính hấp dẫn và khơi gợi. Sau này tôi cũng dạy học ở đó. Ở những trường mà tôi đã học, chúng tôi có tất cả các môn học bình thường, nhưng luôn đặt trọng tâm vào các vấn đề của mỗi đứa trẻ, những say mê và đóng góp sáng tạo của chúng. Không có cạnh tranh giữa học sinh với nhau. Thậm chí tôi còn chẳng biết mình vẫn là cái mà người ta gọi là học sinh giỏi cho đến tận khi lên cấp ba. Lúc ấy mới có xếp hạng và học sinh mới biết mình giỏi dốt thế nào so với bạn bè. Còn trước đấy thì không thành vấn đề.

David Barsamian: Cha mẹ ông cho con học trường này với những động cơ gì?

Noam Chomsky: Một phần là vì họ đều phải đi làm, nên tôi được ở trường suốt ngày. Nhưng quả thực tôi cũng chẳng thích học trường nào khác. Tôi bắt đầu đến trường đó từ lúc mới 18 tháng tuổi, và học suốt ở đấy cho đến hết lớp 8.

David Barsamian: Hãy nói một chút về cha ông. Quan hệ cha con của ông thế nào? Tôi biết rằng cha ông không những đã là người thầy đầu tiên của ông, mà hình như cũng là người chủ đầu tiên của ông nữa.

Noam Chomsky: Ông ấy là một học giả Do Thái. Chúng tôi quan hệ với nhau rất ấm áp. Cha con tôi không có nhiều thời gian với nhau lắm – hầu hết ban ngày tôi đều ở trường hoặc ở ngoài đường với bạn bè – nhưng những lúc bên nhau của chúng tôi đều quan trọng và có ý nghĩa. Vào những tối thứ sáu, chúng tôi cùng nhau đọc các tác phẩm văn học Do Thái truyền thống và hiện đại. Vì cha mẹ tôi đều là thầy giáo và không phải làm việc trong dịp hè, chúng tôi có những kì nghỉ hè dài với nhau. Và cha tôi thường chỉ làm việc ban ngày, đến chiều muộn ông thường về đưa cả nhà cùng đi bơi. Có lẽ đến tuổi 11 hoặc 12 gì đó, tôi bắt đầu để ý đến công việc học thuật của ông. Dạo đó cha tôi vừa làm xong luận văn tốt nghiệp tiến sĩ về David Kimhi, một nhà nghiên cứu ngữ pháp Do Thái thời trung cổ, và tôi nhớ là có đọc nó. Tôi cũng đọc những bài viết của ông, và chúng tôi thường nói chuyện về chúng.

David Barsamian: Theo ông, có phải nhờ đó mà trí óc ông đã được đào luyện để làm chủ một ngôn ngữ phức tạp với hệ ngữ pháp rất chặt chẽ hay không?

Noam Chomsky: Chuyện này cũng khó nói chắc. Nhưng điều chắc chắn là nó đã khiến tôi quan tâm đến ngôn ngữ học Do Thái, là môn tôi học ở đại học. Và cũng có thể nó cũng có gián tiếp ảnh hưởng đến việc tôi chọn ngành ngôn ngữ học, nhưng thực sự là tôi không thể tìm lại được những dấu vết ảnh hưởng này.

David Barsamian: Trong cuốn Tuyên truyền và dân trí, ông có viết rằng “thành tích học tập của tôi trì trệ hẳn lại khi lên cấp ba. Kiểu như tôi bị chìm nghỉm xuống một cái lỗ đen vậy.” [2]

Noam Chomsky: Câu ấy khá chính xác. Lên cấp ba là một cú sốc đối với tôi. Tôi vào một trường học thuật thuần túy, rất kỉ luật và học rất căng. Tôi không thích hầu hết mọi thứ ở đó, chỉ trừ bạn bè. Và tôi nhớ rất ít về cái trường ấy, trong khi vẫn nhớ những ngày học cấp một và cấp hai một cách thật sinh động. Tôi chỉ mong thoát khỏi cấp ba cho thật nhanh.

Hết phổ thông, tôi vào một đại học địa phương ở ngay Philadelphia, tức là trường Đại học Tổng hợp Pennsylvania. Tôi không có ý định theo đuổi bất kì cái gì khác ngoài việc sống và làm lụng ở nhà mình và hàng ngày đi học bằng xe buýt – và tôi đang rất mong được như thế. Danh sách các môn học có vẻ rất thú vị và hấp dẫn. Nhưng chỉ khoảng một năm sau, tôi không còn bị lừa như vậy nữa. Tôi thấy tất cả chỉ là sự tiếp nối buồn tẻ của trường cấp ba, và thực sự đã suýt nữa thì bỏ học.

David Barsamian: Nhưng rồi ông đã gặp Zellig Harris, thầy dạy ngôn ngữ học ở Đại học Pennsylvania.

Noam Chomsky: Thực ra tôi đã gặp ông qua những quan hệ chính trị từ khi tôi mười bẩy tuổi gì đó. Lúc ấy tôi đang là sinh viên năm thứ hai, đang có ý định bỏ học, và dành rất ít thời gian cho việc học hành – có thể nói môn học chính của tôi lúc ấy là môn bóng ném. Tôi tham gia tích cực phong trào Do Thái giáo, nhất là với phái tả theo đường lối lưỡng chủng và phản nhà nước. [3] Và hóa ra Harris là một nhân vật hàng đầu của phái này. Ông cũng là con người rất mạnh mẽ và hấp dẫn về mặt tri thức, lại có cả những mối quan tâm khác mà tôi cũng đang muốn tìm hiểu, ví dụ như tư tưởng vô chính phủ, tư tưởng tả khuynh phản Bolshevik, vân vân.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy hình như thời gian ấy Harris đang cố thuyết phục tôi trở lại đại học. Ông không nói ra, nhưng gợi ý mời tôi lấy mấy khóa cao học mà ông đang dạy ở trường, và tôi đã theo lời ông. Rải rác có những thầy giáo cực kì giỏi trong những lĩnh vực khác nhau của trường: một thầy về toán, một thầy về triết học, kiểu như vậy. Cho nên biết tìm và lựa chọn thì có thể có một chương trình học rất hay mà không cần phải theo một cấu trúc chính thức nào. Và trường Penn cũng đủ linh động để chấp nhận lối học ấy.

David Barsamian: Ông có thực sự kiếm được một mẩu văn bằng tốt nghiệp nào không?

Noam Chomsky: Cuối cùng thì tôi cũng có đủ mọi văn bằng chính thức, nhưng không phải qua hết những môn theo yêu cầu thông thường. Khoa ngôn ngữ tương đối không bị cứng nhắc. Harris gần như là người quyết định mọi chuyện của khoa. Có thể nói là tôi may mắn vì trường ấy không phải là một cơ sở tiếng tăm về học thuật, nên các yêu cầu và mức độ giám sát cũng không nặng, đại loại thế. Kiểu như ta có thể làm những gì ta muốn – ít nhất thì tôi đã được như vậy.

David Barsamian: Như vậy là, kể cả những năm đầu tiên, ông dạy học cũng đã hơn sáu chục năm rồi. Ông đã có hàng ngàn sinh viên. Những phẩm chất mà ông muốn thấy ở một sinh viên là gì?

Noam Chomsky: Tính độc lập trong suy nghĩ, lòng hăng hái, hết mình trong công việc, và luôn có ý muốn thách thức, đặt câu hỏi, và thám hiểm những đường hướng mới. Có rất nhiều người như vậy, nhưng nhà trường có khuynh hướng làm nhụt những tính cách này.

David Barsamian: Đã bao giờ xẩy ra tình trạng sinh viên vì quá sợ ông – tôi muốn nói là vì ông quá nổi tiếng như vậy – nên đã không dám thắc mắc những luận điểm của ông?

Noam Chomsky: Cũng đôi khi như vậy. Chuyện đó đôi khi đúng với những sinh viên đã qua những nền giáo dục truyền thống ở các nước châu Á, ví dụ vậy. Nhưng ở một nơi như MIT thì tương đối hiếm. Đây là một đại học có cơ sở khoa học tự nhiên, thành thử sinh viên được khuyến khích làm nghiên cứu, thách thức và đặt câu hỏi, thực sự là vậy.

David Barsamian: Khi sự nghiệp ngôn ngữ học của ông phát triển, ông cũng ngày càng dấn thân với thời cuộc và chính trị nhiều hơn. Cha mẹ ông đã nghĩ gì về việc này? Họ có lo ông có thể bị rắc rối hay không?

Noam Chomsky: Lúc nào mà tôi chẳng dính líu đến chính trị, nhưng đến những năm 1960 thì cha mẹ tôi bắt buộc phải lo lắng, vì tôi bắt đầu bị bắt giữ và có thể bị ngồi tù cũng như nhiều thứ rắc rối khác nữa. Khi vấn đề Israel và Palestine nổi lên thành một vấn đề quan trọng, đặc biệt là sau năm 1967, và kèm theo là ào ạt những hận thù, vu khống, nói xấu và tố cáo, thì họ ủng hộ những quan điểm của tôi, nhưng chuyện ấy cũng làm khó họ nhiều. Họ sống trong một khu phố hầu như là đặc khu của người Do Thái, và họ rất khó chịu vì những lời vu khống điên cuồng và những trò tấn công có tính chất cá nhân. Thậm chí cha tôi còn viết trả lời một số những vu khống và tố cáo kiểu ấy trên các tờ báo tiếng Hebrew. Không dễ cho họ chút nào. Thực tế là, có lẽ trong thời gian họ còn sống tôi cũng đã một vừa hai phải đi nhiều để tránh cho họ khỏi bị vạ lây, mặc dù không hoàn toàn có ý thức về việc ấy.

David Barsamian: Ông được đào tạo về khoa học tự nhiên, trong đó bằng chứng thực nghiệm là quan trọng nhất; còn lí tưởng ý thức hệ thường lại chẳng cần bất kì một thứ bằng chứng nào.

Noam Chomsky: Thực sự là khi đã mê theo một hệ lí tưởng nào đó, người ta đều chối bỏ và cố gắng né tránh bằng chứng. Nhưng không phải là tôi đã được đào tạo về khoa học tự nhiên đâu. Tôi có một ít cơ sở về khoa học tự nhiên – thậm chí còn làm việc trong ngành toán một thời gian – nhưng tôi không muốn nói quá. Như tôi đã nói, tôi hầu như không được đào tạo chính qui trong bất cứ lĩnh vực nào, kể cả ngôn ngữ học. Chủ yếu tôi là người tự học. Mà tôi thấy chẳng có lí do gì ngăn tôi không nên nghiên cứu lịch sử, xã hội và kinh tế với những phương pháp vẫn dùng trong các môn khoa học tự nhiên. Bằng chứng thực nghiệm là quan trọng nhất. Nó tràn ngập khắp quanh ta. Ta phải cố chọn ra những cái có ý nghĩa quan trọng. Chuyện ta nhìn nhận những bằng chứng ấy với những xác tín và nguyên tắc nào đó là không thể tránh khỏi, và ta phải luôn biết thắc mắc với cả những xác tín và nguyên tắc ấy. Lịch sử và vật lí có những vấn đề khác nhau, nhưng phương pháp tiếp cận chúng bắt buộc phải rất giống nhau.

David Barsamian: Có đôi lúc ông được mô tả là một người theo chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ, và tôi thì thậm chí đã có lần nghe ông tự mô tả mình như một người bảo thủ kiểu cổ. Ông cảm thấy như thế nào về những nhãn hiệu ấy?

Noam Chomsky: Tôi không sử dụng những nhãn hiệu này, nhưng đúng là tôi cảm thấy những quan điểm của mình có nguồn gốc từ truyền thống công đoàn vô chính phủ. Tôi nghĩ chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ đại diện cho một cách tiếp cận hợp lí để giải quyết những vấn đề chung của xã hội loài người. Tất nhiên ta không thể bệ nguyên xi các học thuyết vô chính phủ và áp dụng chúng một các máy móc. Nhưng hình thức để công nhân kiểm soát sản xuất và quần chúng kiểm soát cộng đồng với tôi có vẻ là một nền tảng hợp lí đối với một xã hội phức tạp như xã hội của chúng ta. Còn về nhãn hiệu bảo thủ kiểu cổ, cái này phản ảnh phần nào những thị hiếu cá nhân của tôi trong âm nhạc và văn chương cùng nhiều thứ khác, và phần nào cả niềm tin của tôi vào giá trị của các học thuyết tự do cổ điển. Cũng vậy, những học thuyết này không thể áp dụng được một cách máy móc cho thế giới hiện đại trong thứ ngôn ngữ đã kiến tạo nên chúng, nhưng tôi nghĩ ta nên dành rất nhiều kính trọng cho các lí tưởng Khai sáng – tinh thần duy lí, phân tích phê phán, tự do ngôn luận, tự do truy tìm chân lí – và nên cố gắng khuyếch đại, điều chỉnh và thích ứng chúng vào xã hội hiện đại.

David Barsamian: Gần đây chúng ta thường xuyên nghe rằng các ý tưởng Khai sáng đang bị tấn công, đặc biệt là trong giáo dục, nơi người ta dạy phải nhịn chứ không được theo các biện pháp tình dục an toàn khác, nơi người ta cổ xúy cho thuyết Chúa sáng tạo ra thế giới, và không ngừng kiểm duyệt các sách giáo khoa. Ông có lo ngại về xu hướng này không?

Noam Chomsky: Đây là một đặc điểm rất đáng lo ngại của văn hóa Mỹ. Không một nước công nghiệp nào khác bị tình trạng cực đoan tôn giáo và có những xác tín phi lí như ta thường thấy ở Hoa Kỳ. Trong thế giới công nghiệp, chỉ có ở Mỹ mới có chuyện tránh không dạy thuyết tiến hóa hoặc giả vờ là không phải đang dạy nó. Thật là độc nhất vô nhị. Và các con số thống kê thì thật đáng đau đầu. Gần một nửa dân chúng Mỹ tin rằng thế giới này được tạo nên mới vài ngàn năm nay. Một phần trăm rất lớn, có thể là một phần tư dân số, nói họ đã từng trải nghiệm việc được tái sinh. Một số rất đông vẫn tin chuyện có nhiều người đã bị những thế giới khác đến bắt cóc đem đi. Đại đa số tin có phép lạ, có ma quỉ, vân vân.

Những tư tưởng này đã có từ rất lâu trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng những năm gần đây chúng đã trở lại và tác động vào đời sống xã hội và chính trị với một mức độ chưa từng thấy. Ví dụ, trước Jimmy Carter, không một tổng thống Mỹ nào phải giả vờ làm một tên cuồng tín tôn giáo, nhưng từ Carter trở đi thì anh nào cũng vậy. Hiện tượng này đã thực sự góp phần phá hoại dân chủ kể từ những năm 1970 cho đến nay. Carter, có thể là không cố tình, đã dạy được một bài học rằng ta có thể huy động được một cử tri đoàn rộng lớn ủng hộ mình bằng cách cho mọi người thấy mình là một tín đồ Ki-tô biết kính sợ lời Chúa và tin tưởng phúc âm, dù là thật hay là bịp. Trước Carter, xác tín tôn giáo là chuyện hoàn toàn cá nhân. Kĩ nghệ quan hệ công chúng (PR) đã rất có ý thức chiếm lĩnh hệ thống bầu cử, và hiện đang rao bán các ứng cử viên hệt như họ vẫn rao bán các món hàng hóa khác. Và hình ảnh một con người có lòng tin và tín ngưỡng sâu sắc và biết kính sợ Đức Chúa trời sẽ đứng ra bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm họa của thế giới hiện đại đang là món hàng bán được.

David Barsamian: Tôi làm radio, và chúng tôi không được phát bài thơ “Hú” của Allen Ginsberg, có thể là một trong những bài thơ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, vì nó có một từ bị cấm. Chúng tôi không được phát ca khúc “Gọi nó là Dân chủ” của Bruce Cockburn, vì nó có những lời rất khó chịu về Quĩ tiền tệ Quốc tế, hoặc ca khúc “Bão tố” của Bob Dylan về án tù bất công của Rubin “Bão tố” Carter, một võ sỹ quyền anh nổi tiếng, vì ca khúc này cũng có một từ bị cấm.

Noam Chomsky: Tự do ngôn luận đang bị tấn công ở khắp nơi, cả trên radio lẫn trong các trường đại học. Hàng chục tiểu bang hiện đang xem xét các luật định, mà tôi nghĩ một số sẽ nhất định được thông qua, nhằm kiểm soát lời ăn tiếng nói của giảng viên và giáo sư trên giảng đường và ngăn chặn việc họ “tiêm nhiễm tư tưởng sinh viên.” [4] Như lời giải thích của một vị bảo trợ cho các luật định này thì “khoảng 80 phần trăm [các giáo sư] ... là đảng viên Đảng Dân chủ, những người có tư tưởng tự do hoặc theo xã hội chủ nghĩa hoặc chính thức là đảng viên cộng sản hẳn hoi.” [5] Đây là một phần của tư tưởng thủ cựu cũ rích giờ đây đang được cải biến thành một thứ vũ khí chống lại tất cả những thiết chế nào còn chưa bị mua đứt hoặc kiểm soát hoàn toàn. Các đại học đã tương đối hữu khuynh cả rồi, nhưng vẫn chưa phải là những chi nhánh hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, và điều này không thể chấp nhận được.

Đã vẫn có một truyền thống tự do học thuật sinh động và rất quan trọng ở Hoa Kỳ mà ta không thể xem thường được. Tự do học thuật đang bị tấn công, nhưng nó đã và đang được duy trì và bảo vệ. Đã có những đảo lộn nghiêm trọng của truyền thống này hồi đầu những năm 1950, nhưng tình hình đó đã được khắc phục và chúng ta đã chứng kiến những lời cáo lỗi và hành động sửa chữa những hành vi lầm lạc trong quá khứ của nhiều cơ sở học thuật. Nhưng lúc nào thì tự do học thuật cũng bị tấn công mà thôi. Và bây giờ thì đó là một phần của nỗ lực thiết lập sự thống trị của tư tưởng cực hữu. Bất kì cái gì không kiểm soát được sẽ phải bị đàn áp và khép vào kỉ luật.

David Barsamian: Cho phép tôi hỏi về vũ khí hạt nhân. Vừa mới có công bố rằng Hoa Kỳ đang phát triển một thế hệ mới của loại vũ khí này.

Noam Chomsky: Những nước đã ký kết tham gia Hiệp ước Không phát triển Vũ khí hạt nhân (NPT) đều có nghĩa vụ tự nguyện nỗ lực loại trừ các vũ khí hạt nhân. Đó là một phần của chuyện thỏa thuận rằng tôi đã không thì anh cũng phải không. Tất cả các nước tham gia hiệp ước này đều đã vi phạm thỏa thuận ấy, nhưng các bước mà chính quyền Bush vừa đi thì không còn đơn thuần là chuyện vi phạm thỏa thuận nữa. Những biện pháp này đang được tô vẽ theo kiểu xoa dịu: chúng tôi sẽ chỉ cải thiện những vũ khí này và làm cho chúng an toàn hơn mà thôi. Nhưng trong thực tế, chúng ta có thể đang tiến đến việc thử lại các vũ khí hạt nhân và phát triển thêm các vũ khí hủy diệt. Việc này đặc biệt nguy hiểm trong tình hình Hoa Kỳ chính thức giữ quyền được sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công trước, thậm chí cả những nước không có vũ khí hạt nhân. Ngày nào chúng ta cũng nghe rằng các nước chưa có vũ khí hạt nhân có thể đang tiến tới để có chúng, và chúng ta nhất định không muốn chuyện đó. Nhưng việc các nước hạt nhân vi phạm hiệp ước là nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều. Những nước này đã nhiều lần đẩy thế giới tới bờ vực hủy diệt và rất có thể là họ sẽ còn làm lại chuyện đó nữa.

David Barsamian: Năm 2005 đánh dấu kỉ niệm lần thứ 50 vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Lúc xẩy ra những vụ tấn công ấy, ông mới khoảng 16 tuổi. Tác động của chúng đối với ông ra sao?

Noam Chomsky: Lúc ấy tôi đang là một tư vấn trẻ trong một trại hè Do Thái trong vùng núi Poconos, gần Philadelphia, nơi chúng tôi đang sống. Chúng tôi vừa mới nghe tin. Và tôi nhớ rất rõ cảm giác lòng mình bị tan nát đến hai lần: lúc đầu là vì cái tin ấy, và thứ nữa là thấy không có ai xung quanh mình thèm quan tâm gì đến nó. Tôi không thể tin nổi cái thực tế phũ phàng ấy và đã phải lủi vào rừng ngồi một mình hàng mấy tiếng liền để nghĩ ngợi về chuyện đó.

David Barsamian: Liệu có phải vì không ai có thể hình dung nổi ý nghĩa của cái tin đó không? Có lẽ họ chỉ nghĩ rằng đó là một trái bom lớn, vậy thôi?

Noam Chomsky: Tôi không nghĩ thế. Đó không phải là một hiện tượng không quen thuộc. Việc bọn trẻ ở một trại hè chẳng mấy chú ý đến chuyện đã có một cuộc ném bom nguyên tử thật ra cũng không đáng ngạc nhiên. Hãy nhớ lại một vài tháng trước đó. Tháng Ba 1945 đã có một cuộc oanh kích xuống Tokyo, là mục tiêu mà quân Đồng minh biết rằng họ có thể dễ dàng tiêu diệt vì nhà cửa ở thành phố ấy chủ yếu toàn bằng gỗ. Không ai biết đã có bao nhiêu người bị giết. Có thể một trăm ngàn người đã bị chết cháy. Mà có ai biết tin hoặc bàn thảo gì về vụ ấy chưa? Sự thực là hầu như đã không có một lời nhắc nhở nào đến vụ ném bom cháy này trong dịp kỉ niệm nó 50 năm vừa rồi.

David Barsamian: Khi nhìn lại ngần ấy năm dạy học và hoạt động của mình, ông có thấy mục đích của mình ở đâu không?

Noam Chomsky: Việc dạy học và hoạt động của tôi có những mục tiêu khác nhau. Trong dạy học và nghiên cứu, vốn không thể tách rời nhau, mục tiêu của tôi là hiểu được phần nào bản chất của trí não con người. Tôi đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ, nhưng như kiểu một cửa sổ để nhìn vào bản chất của các hệ thống nhận thức, các hệ thống tư duy, lí giải, và hoạch định. Tôi có những quan tâm đặc biệt riêng của mình. Trong đó có một chủ đề rất khó nghiên cứu cho tới tận gần đây, tức là tìm hiểu giới hạn của việc có thể dùng chính những thuộc tính chung của các quy luật vật lí, các nguyên tắc toán học, và những thứ tương tự thế, để xác định đặc tính của những hệ thống sinh học. Và tôi coi tư duy, hoạch định và ngôn ngữ là những hệ thống sinh học. Đến nay thì cũng đã bắt đầu có những thâm nhập được vào các vấn đề này. Đây thực sự là một công việc rất hứng khởi, ít nhất là với tôi, trong những năm vừa qua.

Còn trong hoạt động xã hội thì vẫn chỉ là sơ yếu thôi. Vẫn còn vô vàn những cơ cực và đau khổ của con người cần phải được giảm nhẹ và khắc phục. Vẫn còn tình trạng áp bức không đáng có. Và lúc nào cũng có một cuộc tranh đấu vì tự do. Và còn những mối hiểm họa rất nghiêm trọng nữa: những giống loài có thể sẽ bị tuyệt diệt. Tôi không thể hiểu nổi làm sao lại có người không quan tâm đến việc cố giúp cho mọi người biết nghĩ đến những vấn đề ấy và cùng nhau làm cái gì đó để khắc phục chúng.

Lexington, Massachusetts (07/02/2005)



[1]John Dewey (1859 – 1952) nhà triết học và giáo dục Mỹ, một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa thực dụng trong triết học, là người đi tiên phong trong ngành tâm lí học chức năng, và là một lãnh tụ của phong trào giáo dục tiến bộ ở Mỹ.
[2]David Barsamian & Noam Chomsky, Propaganda and the Public Mind (South End Press, 2001), trang 19.
[3]Binationalist: gồm có hai dân tộc, ở đây là nói về lí tưởng của bộ phận cánh tả Do Thái Giáo muốn có một nhà nước gồm cả người Ả-rập và người Do Thái, trong đó giai cấp lao động của cả hai chủng tộc này đoàn kết với nhau để chống lại giai cấp phong kiến Ả-rập và giai cấp tư bản Do Thái. Phản nhà nước (antistate) ở đây là phản đối việc có một nhà nước Do Thái riêng rẽ.
[4]Jeffrey Dubner, The American Prospect (04/2005)
[5]Kathy Lynn Gray, Columbus Dispatch, 27/01/2005, dẫn lời của thượng nghĩ sỹ Larry A. Mumper, của đảng Cộng Hòa, tiểu bang Ohio.
[6]Noam Chomsky là tác giả của rất nhiều sách best-seller về chính trị, từ cuốn Thế lực Mỹ và những tên quan lại mới ra đời từ thập kỷ 60 đến cuốn Bành trướng hay sống còn xuất bản năm 2003. Là giáo sư Ngôn ngữ và Triết học tại MIT, ông được thế giới công nhận là người đã làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngôn ngữ học hiện đại. Ông sống gần thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts. David Barsamian là người sáng lập và chủ trì chương trình phát thanh hàng tuần lên sóng rộng rãi trên nhiều hệ thống và từng được giải thưởng dưới tên gọi Đài Phát thanh phá cách (Alternative Radio). Ong đã soạn lại thành sách những cuộc phỏng vấn của mình với nhiều nhà tư tưởng chính trị hàng đầu tại Hoa Kỳ, trong đó có Arundhati Roy, Howard Zinn, Edward Said, và đặc biệt là Noam Chomsky. Ông sống tại Boulder, tiểu bang Colorado.
Nguồn: ChÆ°Æ¡ng 8, Tham vọng bá quyền (Imperial Ambitions) - Há»™i thoại về tình hình thế giá»›i sau sá»± kiện 11/9 giữa GS Ngôn ngữ và Triết học Noam Chomsky và nhà báo David Barsamian [6] , NXB Tri thức và Công ty sách Alpha, Hà Ná»™i 2006