trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
22.5.2007
Hà Dương Dực
Tháng 5 năm 2007 nhìn lại
 
Cổ nhân dạy, phải nhìn lại để học hỏi ưu điểm của đối phương và khuyết điểm của mình; sau đó mới nói tới ưu điểm của mình và khuyết điểm của đối phương. Ưu điểm của Đảng Cộng sản và khuyết điểm của quân đội miền Nam thì trong nước đã nói tới nhiều. Vì vậy trong bài này chúng tôi bắt buộc phải đi ngược lại lời dạy của cổ nhân. Chúng tôi sẽ trình bày khuyết điểm của Lê Duẩn và Đảng Cộng sản từ 1975 tới khi có đổi mới và cũng chỉ nói tới trên ý niệm căn bản mà thôi; về phía miền Nam chúng tôi chỉ vắn tắt nói về sự kiện vào tháng Tư 1975. Muôn vàn lần xin cổ nhân tha thứ cho con cháu đã đi ngược lại ý niệm luân lý căn bản các cụ để lại.


A. Nhìn kẻ thắng

Nhà chiến lược tài ba Ngô Khởi đã nói: Thắng một trận thì làm đế, thắng hai trận thì làm vương… thắng tới năm trận thì nước lụn bại. [1] (Ðó là Ngô Khởi chưa nói đến những trận chiến kéo dài tới trên 15 năm; lệnh cấm vận thời hậu chiến thời đó cũng chưa có). Ngô Khởi biết rằng việc chính của nhà cầm quyền là lo cho dân ấm no. Đánh nhau là vạn bất đắc dĩ, giao hảo với láng giềng để củng cố nền độc lập, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chúng ấm no hạnh phúc mới là chính.

Xét theo tiêu chuẩn nói trên, Lê Duẩn và Đảng Cộng sản, từ tháng 5 năm 1975 tới khi đổi mới, đã phạm phải nhiều sai lầm có tính cách chiến lược như sau:
  1. Chỉ biết lo cho chiến tranh mà không biết lo cho hoà bình. (Trí thức hàng đầu hồi đó cũng chung phần trách nhiệm). Đây là sai lầm chiến lược trên phương diện chính trị.

  2. Đất nước thống nhất, độc lập, hoà bình là chính, cơm no áo ấm cho dân là chính. Dân mới là vạn đại, mọi lý thuyết đều là thứ yếu. Lý thuyết chỉ có giá trị khi nó phục vụ dân và nước. Khổng Tử nói vậy, các vua Trần nói vậy, Nguyễn Trãi nói vậy, nhiều nhà chính trị văn hoá nói vậy, và hình như Hồ Chí Minh cũng đã nói vậy. Lê Duẩn và Đảng Cộng sản hồi đó đã đặt lý thuyết lên trên vấn đề áo cơm với cách thức tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội… Đây là sai lầm văn hoá có tầm chiến lược.

  3. Nước nhỏ cố gắng hết sức để bảo vệ thống nhất và độc lập; khi đạt được rồi thì lập tức phải xin hoà và nhường nhịn nước lớn. Lê Duẩn không làm vậy. Đi ngược lại thế tất yếu của lịch sử Việt Nam mà cha ông đã để lại Đây là sai lầm chiến lược trên bình diện ngoại giao.

  4. Không nhớ rằng việc chia cắt đất nước là hậu quả của chiến tranh lạnh hồi 1954, mà Đảng Cộng sản lúc đó bắt buộc phải chấp nhận, chứ không phải là ý muốn của đa số dân Việt Nam. Ðảng Cộng sản đã nhờ sức hy sinh vô bờ bến của người dân để thống nhất đất nước. Đó là điều tốt. Nhưng ngay sau khi thống nhất, quân lính và nhân viên chính quyền miền Nam bị coi như những phần tử rất xấu, là nguỵ, là v.v… và bị đối xử rất tồi tệ. Lê Duẩn và Đảng Cộng sản hồi đó đã áp dụng một lý thuyết chính trị còn son trẻ chưa được thể nghiệm, đãi lọc qua thời gian, không thích ứng với văn hoá dân tộc, để chia rẽ người dân. Đây là sai lầm nghiêm trọng về tình tự dân tộc.
Gần đây, trong nước có nhiều bài báo ca ngợi thành quả của Lê Duẩn trong chiến tranh; dĩ nhiên khi thắng trận, khen ngợi lãnh đạo là đúng thôi; nhưng Lê Duẩn cũng phải chịu trách nhiệm chính về những bất cập trong thời bình. Có thể nêu vài lý do để giảm nhẹ lỗi lầm của Lê Duẩn, như vì áp lực chiến tranh lạnh, đánh nhau lâu quá, đã phải chống đối một địch thủ vượt trội quá nhiều về kinh tế, vũ khí… Nhưng lý do căn bản vẫn là tại ta, tại sự kiêu hãnh không thể tránh được của một con người; con người đó lại không đủ bản lãnh để vươn lên cho thích hợp với hoàn cảnh đất nước khi đã thống nhất, hoà bình.


B. Nhìn lại mình: người thua

Người lính cộng hoà đã chiến đấu dũng cảm, nhưng hụt hẫng. Hụt hẫng vì chính nghĩa tự do dân chủ quá ít ỏi, lại không được làm sáng tỏ.

Kể từ 1956, khi Ngô Đình Diệm và Mỹ làm mất chính nghĩa dân tộc và tự do (khi không chấp nhận hiệp thương, khi dẹp các đảng phái chính trị chống đối) thì người lính cộng hoà đi đánh trận luôn luôn ở vào tình trạng bị thập diện mai phục.

Trước hết trách mình. Người lính cộng hoà đã chỉ biết chống độc tài cộng sản, mà không biết chống độc tài chính phủ của mình. Nếu chính mình không ôm ấp, không giành lấy chính nghĩa mà mình cổ võ, mà mình hy sinh xương máu để bảo vệ thì ai làm điều đó cho mình? Tự do, dân chủ, nhân quyền đâu phải là món hàng nhập cảng, là đồ ăn sẵn (food to go); nó phải là món hàng dân chúng yêu thích, hợp sở thích, hợp khẩu vị, hợp với văn hoá đời sống của người dân, phải từ chính trong tâm tư con người. Ta đâu thể vừa uỷ thác cho Mỹ làm đài tiếng nói tự do, vừa mong dân chúng tin ở tự do đó. Người lính cộng hoà quá đa đoan với tiền phương, hậu phương đành để cho chính quyền, trí thức và các tầng lớp nhân dân khác lo. Chính quyền bất lực. Trí thức có cố gắng nhưng không hiệu quả. Chẳng hạn, báo Khởi hành của văn nghệ sĩ ít nói tới dân chủ tự do và rất ít có ảnh hưởng tới thôn quê; tạp chí Quê hương của các giáo sư trường Luật Sài Gòn, hay tạp chí của hội Khoa học và Kỹ thuật lại càng ít người đọc. Nhạc Trịnh Công Sơn chỉ phản đối chiến tranh chứ không nói gì tới độc tài hay dân chủ. Tóm lại, khi đồng minh chính chi tiền và lãnh đạo cao cấp nhất đã làm mất chính nghĩa thì mọi cố gắng của xã hội đều rất khó khăn, nhất là lại trước một đối thủ quá nhiều thủ đoạn tuyên truyền.

Miền Nam để mất chính nghĩa (hay lơ là với vấn đề đó) có lẽ vì kể từ khi Âu Mỹ có súng đạn và đi chiếm thuộc địa ở Phi châu và Á châu thì nhiều người quá tin vào vai trò súng đạn, vào sự hùng mạnh vật chất, mà quên rằng xưa nay muốn thắng trong cuộc chiến (không phải chỉ thắng trong một trận đánh), phải có thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Tức là phải có chính nghĩa, văn hoá, văn minh (súng đan) và cơ hội. Chúng ta để đối phương truyên truyền giành mất chính nghĩa, hay chính chúng ta đánh mất chính nghĩa? Chúng ta không tạo được cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Vì vậy, khi đồng minh chính của ta là người Mỹ nhận thua, tất chúng ta cũng phải thua mà thôi. Đã có và sẽ có hàng trăm quyển sách nói về thời gian này, đưa ra nhiều lý lẽ với các giả định “nếu…” và “nếu…” Nhưng xét cho cùng, muốn thắng trận chiến thì phải có đủ chính nghĩa, văn hoá, văn minh và thời cơ. Ðiều này đã được lịch sử chứng minh.

Một điều khác chúng tôi muốn bàn, và đây mới là điều quan trọng:

Chúng ta đã thua như thế nào?

Từ năm 1970 tới đầu 1975, ở miền Nam có phong trào trung lập. Phong trào này về chiến thuật là để ngăn cộng sản xâm chiếm miền Nam (vì cộng sản ủng hộ phong trào này), nhưng về phương diện chiến lược, thực chất vẫn giữ tình trạng phân chia đất nước. Phân chia ở Bến Hải, Đà Nẵng hay Nha Trang, nửa nước theo cộng sản, nửa kia dù theo tự do hay trung lập thì cũng là phân chia. [2] Cuối năm 1974, khi biết rõ không còn có thể trông cậy vào người Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu có hai lựa chọn:
  1. Cố gắng giữ vững miền Nam về mặt quân sự để chuyển giao cho chính quyền trung lập và bản thân sẽ rút lui lúc thích hợp nhất.

  2. Nghĩ rằng đánh nhau đã lâu, xương máu đã nhiều mà rồi đất nước vẫn bị chia cắt, và thật ra không có nước nào thương mình bằng chính mình.
Khi đó, Nguyễn Văn Thiệu đã thực hiện một hành động, dù vô tình hay hữu ý, rất quan trọng, rất cần tìm hiểu và mổ xẻ. Ông ra lệnh triệt thoái liên tục, làm mất tinh thần chiến đấu của binh sĩ, đặt quân cộng sản vào thế chẻ tre, không thể không thắng nhanh, vô Nam một cách nhanh chóng, trước cả dự định của họ (Văn Tiến Dũng nghĩ là sẽ phải đánh nhau thêm vài năm nữa). Hành động của Nguyễn Văn Thiệu nhằm nhanh chóng chấm dứt chết chóc (chiến tranh quá lâu rồi) và làm nản lòng các cường quốc còn muốn chia cắt Việt Nam. Ta có thể hình dung như thế này: mặc đồ quân cảnh, Nguyễn Văn Thiệu vừa đi giật lùi, vừa ra hiệu cho xe tăng miền Bắc tiến vô, qua Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quy Nhơn, Ban Mê Thuột, Nha Trang… [3]

Rồi Dương Văn Minh lên cầm quyền, vì được sự ủng hộ của nhóm trung lập và sự chấp nhận của cộng sản, để (gọi là) điều đình tiếp (sau Mỹ). Cũng cùng tâm tư như Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh mau chóng đầu hàng, vừa giúp cho toàn dân đỡ đổ máu vô ích, vừa tránh cho Việt Nam cảnh tiếp tục chia cắt.

Rút quân là một việc rất khó, nhất là lại rút nhanh chóng và liên tục hết tỉnh này tới tỉnh khác, sẽ rất khó duy trì kỷ luật, giữ làm sao cho lính không nổi loạn… Vậy mà suốt thời gian tháo chạy, ngoài một vài tai nạn lẻ tẻ, quân đội miền Nam đã rất kỷ luật, không phản loạn chống lại cấp chỉ huy, không hãm hiếp đàn bà con gái, không cướp phá dân chúng, không phá huỷ cơ sở công, không cướp của công. Từ Huế tới Nha Trang qua dăm bảy tỉnh, không hề có kho bạc nào bị phá huỷ, cướp bóc không. Không có cơ sở nhà nước nào bị đập phá không. Đoàn quân ấm ức vì chưa đánh đã phải theo lệnh chạy trốn, lúc đó đang sẵn súng đạn, chưa kịp điểm danh, vào tới Phan Thiết, Vũng Tàu. Như vậy mà dân trong hai thành phố đó có bị cướp không? Nhà có bị đốt không? Có nhiều đạo quân nổi tiếng vì chiến thắng. Ðạo quân miền Nam có lẽ sẽ được ghi nhớ là có kỷ luật rất cao, có văn hoá rất cao, hiếm có quân trường nào khác đào tạo nổi như vậy. Đạo quân đó đã thua một cách rất bi hùng và đầy nhân tính, thua nhưng vẫn xứng đáng được ca ngợi.

Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh và đạo quân đó đã khiến các lực lượng muốn tiếp tục chia cắt Việt Nam không kịp trở tay, đã giao cho người cộng sản miền bắc một miền Nam nguyên vẹn không bị phá hoại. Nhiều người đi được mà không đi, ở lại để sẵn sàng đóng góp vào công việc kiến thiết đất nước.

Than ôi! Người thua biết thua, nhưng kẻ thắng lại không biết thắng!

(Tác giả Hà Dương Dực là cử nhân Luật Sài Gòn. Động viên khoá 14 Thủ Đức. Thiếu uý thuộc Trung đội 2, Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 1, Quân đoàn 1. Hậu cứ ở Gio Linh, đóng đồn ở Lao Bảo và hành quân ở quận Hiệp Đức, Quế Sơn, Bạch Mã; thời gian đóng đồn và hành quân khoảng một năm, sau đó được điều động về dạy học tại Trường Sĩ quan Đà Lạt. Khi khoá 14 được giải ngũ, 1967, thì sang Mỹ học MBA. 1970 về Việt Nam; 1975 sang Mỹ.)

© 2007 talawas



[1]Trong thiên “Đồ quốc” của binh thư do Ngô Khởi soạn, Ngô Văn Triện dich, in trong tập Tôn Ngô binh pháp. Không thấy đề nhà xuất bản và năm xuất bản. Trang 269 viết nguyên văn: Những chiến quốc trong thiên hạ, năm trận thắng thì tai vạ, bốn trận thắng thì tồi tệ, ba trận thắng thì làm nên nghiệp bá, hai trận thắng thì làm nên nghiệp vương, một trận thắng thì làm nên nghiệp đế.
[2]Năm 1954, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ chủ trương phân chia Việt Nam. Cũng nên nhắc thêm, đã có lúc Trung Quốc cấm không cho chở võ khí của Nga viện trợ qua đất Trung Quốc. Nga cũng chưa bao giờ viện trợ cho Việt Nam hoả tiễn Sam4 để bắn B52, và Mỹ cũng chỉ chi viện cho miền Nam súng liên thanh M16 sau trận Mậu Thân (trước đó miền Nam chỉ có súng trường bắn từng viên một, trong khi miền bắc có súng liên thanh AK). Vì vậy, bảo rằng các cường quốc chỉ muốn chúng ta đánh nhau để họ tiêu thụ và thử vũ khí, để họ thử sức nhau như bên Triều Tiên, và họ không muốn bên nào thắng không hẳn đã là sai.
[3]Ðầu tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu cho người sang Mỹ xin viện trợ nhưng không được. Ngày 13 tháng 3 để mất Ban Mê Thuột; ngày 25 tháng 3 rút khỏi Huế, ngày 28 tháng 3 rút khỏi Ðà Nẵng; từ mùng 1 đến mùng 4 tháng 4 rút khỏi Qui Nhơn, Tuy Hoà, Nha Trang; ngày 16 tháng 4 rút khỏi Phan Thiết. Ngày 21 tháng 4 Nguyễn Văn Thiệu từ chức.