trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
13.6.2007
Trần Hữu Thuần
Tiếng Quảng Trị
 
Tôi sinh ra vào tháng Sáu năm 1941. Nói ra không phải để khoe tuổi, nhưng để đề cập đến chuyện thời gian qua mau. Mới đó mà tôi đã bước vào tuổi 67, chỉ còn ba năm nữa là 70. Những gì trời và cha mẹ tôi cho tôi biết, nếu không có cơ hội nói lại thì có thể mất đi, mai một nếu sính dùng từ đao to búa lớn. Tôi muốn nói về tiếng Quảng Trị, thu gọn vào làng quê nơi cha mẹ tôi cho tôi vào đời.

Làng quê nội ngoại tôi tên gọi là An Du Tây hoặc An Do Tây, thuộc huyện Gio Linh, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Giấy Thế vì Khai sinh của tôi nêu rõ như vậy. Trước năm 1954, có bốn làng mang tên An Du, chia ra Nam, Bắc, Đông, Tây. Chính quyền chế độ hiện nay đã xoá tên làng Tây, chỉ còn lại ba làng. Có lẽ ngày xưa trước khi chia thành bốn, nguyên thuỷ chỉ có một làng vì nhà thờ tổ của phía ngoại tôi ở làng Nam. Người ta còn gọi làng tôi bằng tên Đất đỏ vì đó là một vùng đất đỏ ở giữa khu vực đất trắng.

Ông ngoại và bà nội tôi là chánh gốc An Du Tây. Bà ngoại tôi nguyên ở làng Đông, còn ông nội tôi từ nơi khác đến nhập tịch. Ngay từ hồi còn nhỏ tôi rất thắc mắc, tại sao ông ngoại và bà nội tôi là chánh gốc An Du Tây mà lại nói tiếng Quảng Trị khác nhau? Bà nội tôi dùng nhiều từ mà hình như không ai khác trong làng dùng, kể cả bên ngoại tôi. Ví dụ đa số nói “Trời” còn bà nội tôi nói “B’lời,” đa số nói “Gạo” thì bà nội tôi nói “Cấu”. Không biết liệu sẽ có cơ duyên nào để bài này được lọt vào mắt xanh một học giả nào đó - Bình Nguyên Lộc chẳng hạn - để có lời giải thích giùm tôi không?

Như đã trình bày ở trên, tôi sinh năm 1941. Tôi học vỡ lòng với các o Nhà Phước mà sau này tôi mới biết là các nữ tu thuộc dòng Mến Thánh giá đạo Công giáo. Các o Nhà Phước đó bây giờ lại tự xưng là , trong khi các dòng nữ trước đây tự xưng là thì bây giờ lại tự xưng là ! Giấy bút không có, lũ học trò chúng tôi tập viết bằng gạch hoặc ngói vụn trên nền nhà. Bài học là những tấm vải kẻ chữ sẵn để chúng tôi tập đọc, ví dụ một bài như sau:

huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã
Lời Chúa dạy phải giữ
Đừng kết bạn kẻ dữ

Lên lớp năm lớp tư (bây giờ là lớp một lớp hai), tôi phải bới cơm trong mo nang với muối đậu muối mè, đi bộ có lẽ hơn một giờ đến trường ở làng Nam, đến chiều mới về. Gọi là trường, nhưng thực sự chỉ có một gian nhà tranh vách đất, bàn ghế là những thân cây ghép lại. Và chỉ có một thầy dạy tất cả các lớp từ trên xuống dưới. Hình như trường chỉ có ba lớp năm-tư-ba, các lớp gọi là Sơ học Yếu lược. Học sinh chẳng có mấy người, đến từ các làng xung quanh. Chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn khi phải đọc đúng theo thầy hai từ ănanh. Lý do là chúng tôi không có hai từ đó. Ăn chúng tôi nói nghe như an, còn anh thì là eng. Thêm vào đó, quê tôi còn nhà quê trong việc vẫn còn trao đổi bằng tiền đồng nhà Nguyễn, với các trự tiền ăn ba, ăn sáu, ăn mười. Đó đã là thời Pháp thuộc và Quốc trưởng Bảo Đại, với tờ bạc Đông Dương Gánh dưa, Bộ lư gì đó.

Các tiếng nhà quê và tiền đồng đó theo mãi người dân quê tôi, và không biết có thể đến bao giờ, nếu không có biến cố 1954, Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Ngoại trừ gia đình tôi và một số gia đình đã bỏ quê hương ra đi từ trước, dân làng tôi hầu như toàn bộ di cư năm 1954, mang theo tiếng nói nhà quê và tiền đồng trên, loaị tiền đã làm bao nhiêu người trắng tay vì chẳng đổi được gì khi đến nơi khác. Người ta bán đổ bán tháo cho người đúc đồng hoặc người mua tiền cổ. Cùng với tiền đồng, đa số tiếng Quảng trị cũng mất đi khi người ta thay thế loại tiếng nhà quê này bằng các tiếng thành thị để bằng chị bằng em, khỏi bị chê cười!

Để gọi là mua vui, tôi xin trình ra các từ nhà quê tôi còn nhớ được, với giải thích bằng từ thành thị.



Một vài nhận xét:
  • Ba âm “d”, “gi”, và “nh” đều nói thành “gi”, do đó “dái”, “giái”, và “nhái” đều nói thành “giái”.

  • Âm “uân” nói thành “un”, ví dụ “quần” thành “cùn”, tên tôi là “Thuần” đọc thành “Thùn”.

  • Phân biệt âm cuối “c” và “t”, “n” và “ng”, “oi” và “oai” không như giọng Thừa Thiên, ví dụ “cắc” (bạc cắc) và “cắt” (cắt đứt), “tan” (tan nát) và “tang” (đám tang), nói “đen” chứ không “đeng”, và “nói” chứ không “noái”. Chúng tôi nói “rán” (cố gắng) chứ không nói “ráng”.

  • Phân biệt âm “tr” và “ch”, ví dụ “trâu” và “châu” chứ không như giọng Bắc.

  • Không phân biệt dấu hỏi dấu ngã và có xu hướng đọc thành dấu nặng.

  • Có hai từ “bưởi” và “bòng” để chỉ hai loại trái cây trông tương tự nhưng vị khác nhau.

  • Lối nói đặc biệt: “Sợ bất chết”: sợ tới chết, rất sợ hãi; “Thương bất chết”: rất thương vân vân; “Thương hung lắm”: rất thương; “Giận hung lắm”: rất giận; “Sợ hung lắm”: rất sợ; “Đắt hung lắm”: rất đắt. Cũng còn nói “Thương dữ lắm,” Sợ dữ lắm,” “Giận dữ lắm”, vân vân.
Cuộc đời chóng thật. Tôi chưa đến tuổi thất thập cổ lai hy (xưa nay bảy mươi tuổi là hiếm) mà đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh tang điền biến vi thương hải (ruộng dâu biến thành biển cả). Các tiếng Quảng Trị quê mùa đó lúc tôi còn bé đã làm cho tôi ngượng chín người khi bị trêu chọc là le nhaque (thằng nhà quê, Pháp phiên âm tiếng Việt, có trong Từ điển Larousse). Mất đi các từ nhà quê đó không biết có đồng nghĩa với việc mất đi các từ cổ Việt Nam còn sót lại một thời nơi dân làng quê tôi không? Giờ đây nghĩ lại, tôi cho rằng tôi đã đánh mất đi cả một truyền thống tổ tiên, cũng như bao người khác đã mất đi như vậy, để chạy theo một cái gì đó gọi là văn minh.

© 2007 talawas