trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
16.6.2007
Tiểu Linh
Đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương
 
Nguyễn Bình Phương là một trong những tác giả đáng chú ý của văn học Việt Nam đương đại, đáng chú ý vì ông viết đều, cả đều tay và đều đặn, đáng chú ý vì ông bước đầu tạo cho mình một dấu ấn riêng trong một số tiểu thuyết, và đáng chú ý vì ông sáng tác trên nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tản văn… Riêng thơ Nguyễn Bình Phương, đó là một mảng nghiên cứu còn để trống, vì vậy, bài viết “Đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương” này ra đời với mong muốn lấp một phần nào khoảng trống ấy.

Ngoài những bài thơ đăng rải rác trên một số báo, thơ Nguyễn Bình Phương chủ yếu được tuyển lựa trong tập Thơ Nguyễn Bình Phương (Nhà xuất bản Thanh Niên-2004), vì vậy, người viết sẽ tập trung khảo sát và phân tích trong phạm vi tập thơ này. Một tập thơ in khổ nhỏ, xinh xắn, phong cách vẽ bìa đặc trưng của Văn Sáng dành cho Nguyễn Bình Phương, và may mắn, không có hình tác giả như nhiều tiểu thuyết khác của nhà văn - nhà thơ hay xuất hiện trên bìa sách này. Tập thơ gồm bảy mươi bài, trong đó hình ảnh đêm xuất hiện trong ba mươi bảy bài với nhiều biến thể khác nhau: không gian đêm, thời gian đêm, sinh thể đêm, đôi khi đêm còn hiện lên như một phép tu từ… Sự xuất hiện với tần số khá lớn, biến thể đa dạng này là một gợi ý cho người viết đi tìm những đặc trưng của đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương để trả lời câu hỏi: đâu là dấu ấn phong cách Nguyễn Bình Phương thể hiện qua thơ? Thơ Nguyễn Bình Phương có sự thống nhất như thế nào so với các sáng tác văn xuôi cũng như cái được và cả cái mất của sự thống nhất ấy.

Động, kỳ ảo, dung chứa những trạng thái đối lập, đó là ba đặc điểm chính của đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương.

Giai đoạn 1930-1945, Nguyễn Tuân nổi lên như một hậu duệ của chủ nghĩa xê dịch. Nhưng nếu có một chủ nghĩa xê dịch dành riêng cho những tín đồ chỉ xê dịch trong chính cõi tâm thức sâu thẳm của mình thì Nguyễn Bình Phương có lẽ sẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong văn học Việt Nam từ sau đổi mới đến nay. Sức mạnh sáng tạo của Nguyễn Bình Phương cũng như mẫu số chung cho các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nằm ở từ “Trôi Dạt”. Viết, với Nguyễn Bình Phương, là một hành trình lang thang cô độc trong thế giới nội tâm hun hút và bí ẩn của chính mình, điều đó dẫn tới hệ quả, hiện thực được phản ánh trong các sáng tác của Nguyễn Bình Phương là hiện thực của cõi tâm thức, hay hiện thực được nhìn nhận từ cõi tâm thức ấy. Hệ quả thứ hai là thành công của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào sức trôi dạt và cách trôi dạt của nhà văn. Những đứa trẻ chết già là thử nghiệm khá thành công của người mới tập bơi, Ngồi lại cằn cỗi, u ám vì được sắp đặt quá kỹ hay nhà văn đã kiệt sức, Người đi vắngThoạt kỳ thuỷ có thể gọi là những cuộc trôi dạt thành công, nhưng tác phẩm hay nhất của Nguyễn Bình Phương chính là Trí nhớ suy tàn, một đám mây nhỏ xinh được kết dệt từ ngàn vạn suy nghĩ ngỡ như vẩn vơ và văn phong trôi dạt không bó mình trong bất cứ chuẩn ngữ pháp nào; một tác phẩm mà người viết có thể bay khi sáng tác và người đọc có thể bay khi tiếp nhận, cho dù là những cuộc bay đầy nghĩ ngợi! [1] Hệ quả thứ ba của cách viết ấy, đó là các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương thường tạo cảm giác mệt, quá riêng tư và kén người đọc. Mỗi nhân vật bước vào sáng tác của Nguyễn Bình Phương đều bắt đầu một hành trình trôi dạt, và kết cục tha hoá, suy tàn của nó cũng bắt nguồn từ ma lực trôi dạt không thể cưỡng lại ấy. Văn Nguyễn Bình Phương cũng là một thứ văn trôi dạt, hay ở những câu lỏng, ngắn, đôi khi phá bỏ mọi nguyên tắc ngữ pháp, những câu chặt, dài thường chỉ có tính chất thông báo. Tương tự, Nguyễn Bình Phương có duyên với những tiểu thuyết ngắn, những tiểu thuyết dài thường không có được sức hút đến từng câu, từng chữ như Thoạt kỳ thuỷ hay Trí nhớ suy tàn. Sở dĩ, người viết đi sâu vào từ Trôi Dạt trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương bởi bước sang địa hạt thơ, từ Trôi Dạt này được chuyển hoá thành một đặc điểm quan trọng đó là “Động”. Trong bảy mươi bài thuộc tư liệu đã nêu, hầu như không có một bài thơ nào ở trạng thái tĩnh, đó có thể là cái động bắt nguồn từ chuyển động, từ âm thanh, từ những biến thái mơ hồ trong lòng tạo vật và những nghĩ suy miên man của con người… Ta sẽ tìm hiểu rõ hơn đặc điểm này qua những bài thơ có sự xuất hiện của đêm.

Bầy ngựa phi
Hồi chuông đem mượt
Lam chướng mọc lên ngun ngún mép thềm
Mái lạnh đền thiêng đứng
Cây hay người
Rưng rưng
Bầy ngựa phi tím tái lưng trăng
Qua Chùa hang, làng Phan, gò Trẹo
Những chàng trai ùa theo
Cô gái vặn lưng uể oải soi đèn
Người già nhả khói
Luồng gió lao rừng rực
(Canh ngọ)

Đây là một bài thơ hiếm hoi của Nguyễn Bình Phương viết về cảnh đêm có sự chuyển động dữ dội đến vậy. Cả thiên nhiên (ngựa, cây, gió) lẫn con người (chàng trai, cô gái, người già), cả ảo thể (lam chướng) và thực thể, cả người trẻ và người già đếu bị cuốn vào cuộc dịch chuyển của riêng mình. Tính chất động ấy được nhấn mạnh qua tám động từ xuất hiện dọc mười hai câu thơ, trong đó có những động từ mạnh như: phi (hai lần), ùa, lao, đặc biệt là những động từ có bổ ngữ là tính từ chỉ cách thức, mức độ như: mọc ngun ngún, phi tím tái, lao rừng rực. Những tín hiệu nghệ thuật ấy kết hợp với kiểu câu ngắn, nhịp nhanh, mạnh đã tạo cho đêm một diện mạo khác, một miền sống bí mật, dồn dập bởi nhịp điệu và tốc độ. Đêm là cánh cửa bật mở cho những điều linh thiêng bí ẩn, những đam mê bản năng được vùng thoát, trỗi dậy và tung cánh với tất cả sức mạnh bị kìm nén bởi ánh sáng ban ngày. Vì vậy đêm không chỉ sống động mà còn là thời khắc khởi nguồn cho sự sống.

Thế nhưng đêm trong “Canh ngọ” không phải là đêm tiêu biểu trong thơ Nguyễn Bình Phương và cái dữ dội ấy cũng chỉ là con sóng bất chợt ào lên từ một hồn thơ lặng lẽ, thường khuấy đảo người đọc bằng những cơn bão ngầm. Đọc thơ Nguyễn Bình Phương, cái động dữ dội, độc địa, đôi khi đáng sợ nhất lại đến từ những khoảng lặng không ngờ.

Con chuồn chuồn cõng vía bay qua màn đêm màu lam
Lắng nghe
Trong lòng đất mê man lá mục
Những tiếng thở dài não nề dần chết
Đêm dấu lửa
Lòng tay rực cháy
(Tiếng lạ)

Kìa chiếc lá chót cành
Hơi thở cuối
Run lên trời không mây
(Biền biệt)

Những người đánh bài không ai nhìn thấu nghe thấu
Tiếng kêu của nước bị múc vào gầu
(Áo đêm)

Vào buổi tối các bức tường rất trong
Tiếng rụng đều đều trên phố dài thăm thẳm
Đều như nhịp tim những ngày không xúc động
Tôi yêu một cây bằng lăng
Đêm rần rật màu tím buồn và độc.
(Về bằng lăng)

Không còn chuyển động của vó ngựa, giông gió hay những đam mê bản năng, đêm run rẩy vì lay động tuyệt vọng của sự sống đang hấp hối. Bốn bài thơ là những khoảnh khắc thăng hoa khác nhau của Nguyễn Bình Phương nhưng có sự gặp gỡ ở một điểm: đó là nhà thơ lấy cái tĩnh của đêm để làm nổi bật những ngân rung cuối cùng của sự vật đã chạm tới điểm suy tàn: hơi thở cuối của hồn lá lìa cành, tiếng thở dài của xác lá hoá đất, tiếng kêu của nước trong gầu - mảnh vỡ vô hồn bị bứt khỏi mạch chảy hay chút màu hoa, hồn hoa còn lạc lõng trong đêm khi xác hoa chỉ còn là tiếng rụng đều đều trên phố dài thăm thẳm. Chọn thời điểm chuyển giao giữa hai trạng thái đối lập: sống và chết, nguyên dạng và biến dạng, hữu thể và vô thể, Nguyễn Bình Phương không chỉ tạo cho người đọc ấn tượng mạnh mẽ về thời điểm chót cùng ấy, mà còn diễn tả được những vang động tinh vi, mỏng manh nhưng không kém phần dữ dội. Sự dữ dội không đến từ cường độ âm thanh hay tốc độ chuyển động mà cồn lên từ cảm xúc tuyệt vọng và nỗi nuối tiếc cả một kiếp sống. Những câu thơ còn hé mở về cái tôi của nhà thơ: cái tôi hữu tình trước nỗi đau tạo vật, cái tôi với quan niệm đặc trưng ta từng gặp trong nhiều tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương: vạn vật hữu linh. Nếu ai đó từng nghe lời thì thầm yếu ớt của những chùm cậm cam, lời kiêu hãnh khinh thị của cây chuối bên cửa sổ bệnh viện hay câu chuyện lảnh lót của cái chuông đeo trên cổ ngựa trong Người đi vắng có lẽ sẽ cảm thấy thật gần với tiếng thở của lá, tiếng kêu của nước trong những vần thơ này.

Bước vào đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương, người đọc không chỉ bị lay động bởi những lời hấp hối tuyệt vọng mà còn được cảm nhận những vang ngân tinh tế ẩn sâu trong lòng tạo vật. Người ta thường dùng hình ảnh cái nghiêng tai kỳ diệu để nói về con người và thơ ca Xuân Diệu. Đôi khi, ở một chừng mực nào đó, cụm từ ấy có thể dùng để nói về thơ Nguyễn Bình Phương.

Ngửa mặt nhìn ngôi sao chết trắng
Mùi cây khô váng vất cồn cào
Em huyễn hoặc một thời
Em giông bão
Kìa bên ai bên ai trở mình
Kìa bông hoa nức nở trong yên tĩnh
(Biền biệt)

Những ngôi sao màu hung
Quay mãi vòm lá héo
Người yêu tôi bé tèo tẹo
Đêm nằm nghe doi chín trong vườn
(Mở lời)

Động tiên nghe đá già
Nghe ngàn đêm hoa thức
(Với người trong cổ tích)
Mây đêm mây đêm mặc áo dài
Nhạc ngựa thoang thoảng
(Thật xa xôi)

Bốn bề phi lao rì rầm đen
Đêm huyền ảo
(Áo đêm)

Nai kêu
Rừng ẩm ướt
Sương mù lên che ngang mặt cây
Đá rì rầm bên suối

Và tiếng trăng va xuống cỏ mơ màng
Và lẳng lặng…
(Ở Định Hoá)

Tác giả đã sử dụng phép tu từ nhân hoá, liên tưởng: hoa nức nở, hoa thức, đá già, phi lao rì rầm, đá rì rầm, tiếng trăng va xuống cỏ và những động từ chuyển đổi cảm giác như nghe doi chín, nghe đá già, nghe hoa thức để diễn tả những trạng thái khác nhau của tạo vật và xúc cảm của con người. Cả một miền đêm kỳ ảo, mỏng manh, ẩn chứa những biến thái mơ hồ ngỡ không thể nắm bắt được tái hiện qua động thái nghe: nghe âm thanh (nhạc ngựa thoang thoảng), nghe thời gian (động tiên nghe đá già), nghe tâm trạng thao thức (nghe ngàn đêm hoa thức), nghe sự vận động đến viên mãn (đêm nằm nghe doi chín trong vườn)… Và điều người ta tìm thấy qua cái nghiêng tai kỳ diệu ấy là nỗi buồn tàn nở, là cơn mất ngủ của hoa, là tuổi đá già theo cổ tích hay cái chết thật êm của vầng trăng trên cỏ… vạn vật đang chuyển động theo quỹ đạo cảm xúc, quỹ đạo thời gian của riêng mình, dù rất nhẹ, rất khẽ. Thơ Nguyễn Bình Phương đôi khi khiến người đọc bối rối vì sự riêng tư và tinh tế . Thế giới thơ ấy, chỉ mình nhà thơ bước vào, mình nhà thơ dạo chơi, còn người đọc kiếp kiếp chỉ là kẻ đứng ngoài ngóng vọng, nhận lấy một tiếng khóc cũ của hoa, một lời thương vay của lá hay đôi mảnh trăng vụn mà kẻ lang thang kiêu kỳ và bí ẩn kia ngẫu hứng dành cho. Cầm trên tay tập thơ không đồng nghĩa có được hồn phách của tập thơ ấy, nhưng đổi lại, bạn có được khoái cảm cùng trôi dạt trong những lay động mơ hồ của thiên nhiên hay suy tưởng vô định của cái tôi trữ tình.

Với một chút e dè trong buổi tối dông dài
Em là chiếc gối ru tôi ngủ
Gió không mang đến hương thơm của nắng
Mà mang đến một ánh trăng
Tôi lớn dần lên trong cơn chóng mặt
Phố phường cũng lớn dần lên
Tiếng vang dài từ cầu thang đêm
Làm lay động những câu chuyện cổ
Bao giờ thức dậy tôi sẽ đưa em đến chốn xa xưa
Theo sợi chỉ sông ngân hà buông xuống
Cây lộc vừng đắm vào bóng mình quên hết mọi con đường
Cuộc hẹn hò chẳng thể nào có được
Em nói về màu hồng và những vết xước
Tôi vẫn ôm gối ngủ
Mơ tiếp thế cờ tàn con mã quỳ đợi chủ
Một nẻo đường mưa rắc trong lòng tay…
(Con đường bí mật)

Nào cần gì phải đi xa - Lên giường nhắm mắt cũng là đi chơi. [2] Giấc ngủ trong thơ Nguyễn Bình Phương là cánh cửa mở ra một thế giới khác, vì vậy nhà thơ này hay viết về giấc ngủ, những giấc mơ và hình ảnh đôi mắt khép hờ “Trong giấc ngủ xa vời có một ánh trăng- Trong ánh trăng một ngọn đèn nhỏ nhỏ- Sáng ngập ngừng nỗi sợ đời tôi”, “Đôi mắt không mở dấu sau những cánh hoa - Em lồng vào đêm - Đêm lồng vào sương”, “Qua con mắt khép hờ - Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ - Cuối đường gặp một ban mai bằng bạc… -Trong giấc ngủ mộng mị - Trăng không thể bay ra… Thế giới được giấc ngủ mở ra cũng giống như thế giới của người điên, người âm từng trở đi trở lại trong các sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Bởi tất cả đều là biến thể của một thế giới đặc trưng, tôi tạm gọi là “Thế giới khác”: xa lạ với cõi trần (mặc dù có thể hiện diện song song hoặc tồn tại đan xem giữa cõi trần), sinh ra khi cõi vô thức được giải phóng, và cho phép đảo lộn mọi trật tự không gian, thời gian thông thường. Với một cái tạng hướng nội, ưa trôi dạt, coi trôi dạt là cội nguồn và sức mạnh để sáng tạo như Nguyễn Bình Phương thì việc tìm đếm ”Thế giới khác” này là điều logic. “Con đường bí mật” có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bình Phương viết về cuộc trôi dạt ngẫu hứng, mơ màng, có phần trễ nải trong mộng. Không có nỗi tiếc nuối dằn vặt của những vong hồn hồi dương, không có cái ngây ngô độc đáo đầy ma lực của những suy nghĩ điên dại, bài thơ được mở ra, nhẹ, mỏng, thanh thản như một lời thì thầm “Với một chút e dè trong buổi tối dông dài - Em là chiếc gối ru tôi ngủ - Gió không mang đến hương thơm của nắng - Mà mang đến một ánh trăng”. Và sau ranh giới mỏng manh giữa hai cõi thức-ngủ là một cuộc lênh đênh, dập dềnh qua lại giữa quá khứ Tôi lớn dần lên trong cơn chóng mặt - Phố phường cũng lớn dần lên với tương lai Bao giờ thức dậy tôi sẽ đưa em đến chốn xa xưa - Theo sợi chỉ sông ngân hà buông xuống, giữa trạng thái thức-ngủ “Em nói về màu hồng và những vết xước - Tôi vẫn ôm gối ngủ - Mơ tiếp thế cờ tàn con mã quỳ đợi chủ”, giữa điều có được Gió không mang đến hương thơm của nắng - Mà mang đến một ánh trăng và cái mất đi Cây lộc vừng đắm vào bóng mình quên hết mọi con đường - Cuộc hẹn hò chẳng thể nào có được, giữa êm ấm cận kề Với một chút e dè trong buổi tối dông dài- Em là chiếc gối ru tôi ngủ…- Tôi vẫn ôm gối ngủ và những huyễn tưởng kỳ ảo Tiếng vang dài từ cầu thang đêm - Làm lay động những câu truyện cổ…- Mơ tiếp thế cờ tàn con mã quỳ đợi chủ - Một nẻo đường mưa rắc trong lòng tay … Một cuộc dạo chơi dài dặc, mênh mông, qua mọi khoảng không-thời gian và lớp lớp những đối cực có thể chỉ bắt đầu từ một buổi tối dông dài và cái nhắm mắt thật khẽ!

Người điên (với biến thể là người mắc những chứng bệnh tâm lý khác), sương mù (với biến thể là những bóng trắng), một thành tố của cõi thiêng hoặc cõi âm (người chết, linh hồn hồi dương, thần linh giáng trần) là ba yếu tố trở đi trở lại trong hầu hết các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, từ Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thuỷ cho tới Ngồi… Vì vậy, đọc Nguyễn Bình Phương nghĩa là bước vào một thế giới khác, kỳ ảo, ma mị, thế giới không dành cho những ai yêu lối văn chương tả chân và tái hiện cuộc sống thường nhật. Nói cách khác, Nguyễn Bình Phương đã dựng nên một hiện thực mang màu sắc kỳ ảo trong tác phẩm của mình. Những câu thơ viết về đêm của Nguyễn Bình Phương thể hiện rõ tính chất kỳ ảo ấy qua hai đặc điểm: Đêm là không gian bị xâm lấn bởi người âm, cõi âm, là thời điểm hồi về của những vong hồn. Đêm là thời điểm đột khởi, linh thiêng, là điểm đến và không gian dung chứa.

Cảnh đêm hiện lên với những chi tiết mang đậm màu sắc lạnh lẽo, nhạt nhoà, ma ảo của âm giới. Đó là vẻ chuếnh choáng biến hoá nhìn thật kỹ hàng cây thành đỏ - Màu đỏ giăng trập trùng ngang trời (“Đêm ngà ngà”), là sự mơ hồ chết chóc đến rợn người Qua thung lũng dập dềnh bảng lảng - họ bình tâm dấn tới ánh đèn vàng - nơi chúng ta run rẩy bước vào đêm - cùng cây sa mu bị siết cổ (“Chợ núi”), là không khí lạnh lẽo thê thiết Linh Sơn mênh mông Linh Sơn những rào mây xệch xạc - Hỡi ai bỏ đi trăng lác đác- Bỏ đi trăng ướt mướt dưới cây vườn - Nhuốm gót theo ôi đầm sương là sương - Mỗi vòm lá bạt ngàn con mắt khóc… Cảnh được vẽ bằng những nét mảnh, nhợt, nếu như trong đêm động, người lắng nghe những ngân rung tinh vi giữa lòng tạo vật thì với đêm ảo, người như nhoà đi, tan đi trong trong cái luễnh loãng của sương, khói, mưa. Trên nền cảnh đặc trưng ấy, nhân vật chính của đêm ảo xuất hiện, đó là những cái bóng, hồn hoa hay những oán hận ngàn đời sống dậy từ cổ tích.

Chạm vào cỏ trắng
Se sẽ hiện về
Em mách rằng có con chim nâu
Trong bông hoa nâu
Khuya nào cũng mải mê hót
Hót vào giấc mơ của em
(Khuya nào)

Cái bóng nhoà nhoà quẩn trong mưa
Nhẹ thênh không va động
… Cái bóng là cái bóng quen
Tìm gì
Trăng đang nở rộ kia kìa
(Cái bóng)

Bóng những bông hoa bị ngắt
Nửa đêm về đậu trên cuống run run
Sau lưng nở nụ cười lãnh đạm
Vầng trăng toạ trên nước im lìm
(Hình cũ)

Sáng trong bóng tối
Một đôi mắt mèo
Một ngày không ai
Con đường vắng hồn đi lảo đảo.
(Đêm chuyếnh choáng)

Vào các tối thứ bảy
Tấm vẫn đi dọc bầu trời cùng những ngọn gió
Bước chân cỏ úa mênh mông
Cám đã mộng
Trong nỗi đoạn trường sắc đỏ
Chúng ta mộng
Trong đám rước thê lương tới cánh đồng
Họ cũng mộng
Ôi giấc mộng thiêng liêng giấc mộng khổ đau quyết liệt
Bị đánh thức bởi tiếng hót oán thù
Những dấu chân mang hình linh tự
Sẽ băng qua bầu trời
Giữa mặt nước với mặt người
Cái cây
Như nụ cười lãnh đạm
Xa xa
Dưới lòng đất ẩm
Bộ xương cá rùng mình ấm lên
(Hồi lại)

Đọc tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, hình ảnh những bóng trắng hay hồn phách lạc lõng giữa cõi trần là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên không khí ma ảo của hiện thực được phản ánh, đặc biệt ở Những đứa trẻ chết già Thoạt kỳ thuỷ. Cuộc giao hoan man dại hằng đêm giữa hai người thợ mộc và bóng trắng kết tụ từ sương trên đồng cỏ có lẽ là một trong những chi tiết diễn tả thành công nhất không khí ma ảo của làng Phan cũng như sự xâm lấn mãnh liệt của người âm, cõi âm vào cuộc sống dương gian. Tương tự, những bóng trắng vật vờ đêm đêm bên kia xóm Soi - xóm của những người điên trong Thoạt kỳ thuỷ tạo nên một vòng vây ma quái xiết chặt lấy đất và người Linh Sơn. Cõi trần trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương cũng như phần nhân tính mỏng manh trong mỗi con người vậy, luôn luôn bị khuấy đảo, ám ảnh, xâm lấn và giành giật bởi âm giới và linh giới, ma mãnh và thánh thần, nó lang thang trôi dạt từ đối cực này qua đối cực khác, và đa phần nhận lấy kết cục suy tàn. Được chuyển hoá vào địa hạt của thơ, hình ảnh những bóng trắng và âm hồn trước hết cũng là dấu hiệu của sự xâm lấn âm-dương như trong tiểu thuyết, tuy nhiên, mức độ cũng như tính chất của cuộc xâm lấn ấy không quá gay gắt, nó không còn là một áp chế, một nỗi ám ảnh như trong tiểu thuyết mà chỉ giản đơn là một thành tố của đêm, là người bộ hành đơn độc khi người đi vắng Sáng trong bóng tối- Một đôi mắt mèo - Một ngày không ai - Trên đường vắng hồn đi lảo đảo, là những kẻ nuối đời, tiếc đời trở lại tìm chút dư ảnh xưa cũ: Bóng những bông hoa bị ngắt - nửa đêm về đậu trên cuống run run hay Cái bóng là cái bóng quen - Tìm gì - Trăng đang nở rộ kia kìa, hay những vong hồn oán hận khôn nguôi hồi về từ cổ tích Vào các tối thứ bẩy - Tấm vẫn đi dọc bầu trời cùng những ngọn gió - Bước chân cỏ úa mênh mông - Cám đã mộng - Trong nỗi đoạn trường sắc đỏ…- Họ cũng mộng - Ôi giấc mộng thiêng liêng khổ đau quyết liệt - Bị đánh thức bởi tiếng hót oán thù. Nếu cảnh âm mang lại cho đêm không khí chết chóc thì người âm mang lại cho đêm những nỗi niềm, có khi mơ mộng khẽ khàng (“Khuya nào”), có khi vơ vẩn nhẹ thênh (“Cái bóng”, “Đêm chuyếnh nhoáng”), có khi tiếc nuối đến run rẩy (“Hình cũ”) hay u uất đến độc địa (“Hồi lại”)… Dường như, Nguyễn Bình Phương không chỉ nghe thấu lời hấp hối của những sinh thể sắp tàn mà còn là nhà thơ của những gì đã chết nhưng không chịu suy tàn.

Biểu hiện thứ hai của đêm kỳ ảo trong thơ Nguyễn Bình Phương đó là đêm có tính chất linh thiêng, đêm hiện lên như một thời điểm đột khởi, một nơi tìm đến.

Đêm nay nước mắt giáng trần
Con đom đóm nhỏ xiu lạc mẹ
Ngủ nhờ giấc ngủ trẻ thơ
(Không đề)

Những giấc ngủ nồm nam mơ giấc ngủ dịu dàng
Giấc ngủ dịu dàng mang hai đứa đi xa
Tôi nhớ đêm yêu em cây rất lạ
(Tự sự và những ô cửa sổ nghiêng)

Có một đêm vô tình cao chất ngất
Sáng nào tới được
(Xa thân)

Yêu em anh làm cơn mưa vàng
Xếp đặt mùa đông bên trái mùa thu
Xếp đặt mùa hè giữa thấp thỏm sương mù
Đêm tai biến mùa xuân từ giã
(Đọc trong ánh sáng)

Anh vẽ một đường hầm dẫn vào buổi tối
Buổi tối nhện giăng tơ
(Xuân ý)

Tôi vẽ lên lòng bàn tay em khuân mặt ưu tư khó hiểu
Và sau đó
Những đèn lồng trôi nổi
Dẫn vào đêm khôn cùng
(Hoa đăng)

Đôi mắt không mở dấu sau những cánh hoa
Em lồng vào đêm
Đêm lồng vào sương
(Áo đêm)

Qua thung lũng dập dềnh bảng lảng
Họ bình tâm dấn tới ánh đèn vàng
Nơi chúng ta run rẩy bước vào đêm
Cùng cây sa mu bị xiết cổ
(Chợ núi)

Đêm có ý nghĩa thời điểm đột khởi, đột biến được thể hiện rõ nét qua “Đọc trong ánh sáng”, “Xa thân”, “Không đề”, “Tự sự và những ô cửa sổ nghiêng”. Đó là điểm đánh dấu sự đột khởi linh thiêng của cảm xúc “Đêm nay nước mắt giáng trần”, sự đột khởi của giới hạn Có một đêm vô tình cao chất ngất, sự đột biến của thời gian Đêm tai biến mùa xuân từ giã hay cảnh vật Tôi nhớ đêm yêu em cây rất lạ. Cảm giác về cái thiêng (nước mắt giáng trần), cái độc (đêm tai biến), cái lạ (đêm vô tình cao chất ngất, cây rất lạ) vụt đến, vụt hiện làm đảo lộn logic không gian, thời gian, cảnh sắc thông thường và khiến đêm trở thành một biến thể của “Thế giới khác”. Bên cạnh ý nghĩa thời điểm trên, đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương còn hiện lên như một điểm đến Những đèn lồng trôi nổi - Dẫn vào đêm khôn cùng, Họ bình tâm dấn tới ánh đèn vàng - Nơi chúng ta run rẩy bước vào đêm, Anh vẽ đường hầm dẫn vào buổi tối, một không gian kỳ ảo có khả năng dung chứa Em lồng vào đêm, và bị dung chứa Đêm lồng vào sương. Một điểm đáng chú ý đó là thơ Nguyễn Bình Phương thường sử dụng cấu trúc dung chứa này Chạm vào cỏ trắng-Se sẽ hiện về - Em mách rằng có con chim nâu trong bông hoa nâu -Khuya nào cũng mải mê hót - Hót vào giấc mơ của em, Anh theo sông tìm đến những mùa trăng - Trong mùa trăng có rất nhiều vầng trăng lạ, Trong giấc ngủ xa vời có một ánh trăng - Trong ánh trăng một ngọn đèn nhỏ nhỏ - Sáng ngập ngừng nỗi sợ đời tôi, Qua con mắt khép hờ - Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ - Cuối đường gặp một ban mai bằng bạc - Trong giấc ngủ mộng mị - Trăng không thể bay ra, Cánh rất mỏng những bông quỳnh nở chậm - Trong nhuỵ hoa có tiếng nói thầm… Có thể lý giải cấu trúc dung chứa này là hệ quả của một cái tôi hướng nội, luôn luôn kiếm tìm lớp lớp những bí ẩn ở thẳm sâu cõi tâm thức và trong lòng tạo vật. Vì vậy, với Nguyễn Bình Phương, không gian cao bị hạ thấp (Một cú nhảy vượt qua mặt tôi - Dưới bụng con mèo mờ mờ đường chân trời, Dưới gầm trời ẩm ướt - Người cuối cùng đang nghĩ về em), không gian xa bị thu hẹp, thường có những khoảng cánh ngắn, cụ thể như trái, phải, sau, trước, bên cạnh (Và biển khuya mất ngủ- Vỗ ì ầm ì ầm bên gối, Người yêu tôi nằm cạnh một con mèo- Cạnh một ánh trăng- Cả ba ho húng hắng, Yêu em anh làm cơn mưa vàng-Xếp đặt mùa đông bên trái mùa thu, Ý nghĩ màu đen cạnh ý nghĩ trắng, Cuối cùng- Trời cũng ở sau lưng…. ), chỉ có không gian sâu được mở ra đến vô tận. Đêm có tính chất thời điểm đột khởi, điểm đến kỳ ảo này hàm chứa một quan niệm trong sáng tác Nguyễn Bình Phương nói chung, thơ Nguyễn Bình Phương nói riêng: quan niệm về giới hạn. Cái tôi trữ tình trong thơ và các nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thường bị đặt trước một giới hạn nào đó, và nếu ở bên này giới hạn là sự suy tàn, bế tắc, thì ở bên kia giới hạn là sự hồi sinh. Thế nhưng, dường như các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương không đủ sức vượt qua giới hạn ấy, nó cứ mải mê trong những ám ảnh của riêng mình để rồi tàn đi, chết đi (Tính, Hưng - Thoạt kỳ thuỷ) hoặc trôi đi (Thắng, Yến - Người đi vắng). Chỉ có con cú (Thoạt kỳ thuỷ) và Em (Trí nhớ suy tàn) là bứt mình bay lên khỏi những cuộc trôi dạt dẫn tới suy tàn ấy, vì vậy đây không phải là những nhân vật tiêu biểu nhưng là những nhân vật đẹp nhất trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Còn trong thơ, điểm đột khởi và đích đến (như đã phân tích ở trên) là sự vượt thoát khỏi những giới hạn không-thời gian cũng như logic thường nhật, cái cuối cùng, chót cùng đồng nghĩa với sự giải thoát, và lời vĩnh biệt cất lên như một tiếng thở phào

Cuối cùng
Mùa hạ cũng giữ cho riêng mình một buổi chiều lành lạnh
Cuối cùng
Chiếc gương cũng trào ra những bóng hình ứ đọng
Cuối cùng ai đó kêu to dưới cơn giông
Cửa đã mở
cửa đã mở
mở
mở
(Ở nơi không có cánh)

Vĩnh biệt mùa hè con đường đi ngược
Vĩnh biệt phút khổ đau khi đối thoại với thầy
Vĩnh biệt ánh trăng góc vườn héo rũ
Vĩnh biệt những quả chuông
Ta cắt dây
Ngàn vạn giọt mưa rơi xuống
Ngủ…ngủ…ngủ…

Và nhè nhẹ bay về em…
(Vĩnh biệt)

Đặc điểm thứ ba của đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương đó là đêm dung chứa những trạng thái đối lập, đêm là khi cái chết ngự trị đồng thời là khoảnh khắc bừng nở vẻ đẹp mãn khai, song song với những tàn úa giã biệt là sự sống đang âm thầm nảy nở.

Đặc điểm này trước hết bắt nguồn từ ý nghĩa của biểu tượng đêm nói chung “đêm biểu thị tính chất hai mặt, mặt tăm tối, nơi đương lên men mọi biến chuyển và mặt trù bị cho ban ngày, ở đó sẽ loé ra ánh sáng của sự sống”. [3] Như vậy trong lòng bóng tối ấp ủ ánh sáng, ở tận cùng cái chết là nơi nảy mầm của một chu trình sống mới. Tính chất hai mặt này của đêm được thể hiện khá rõ nét trong thơ Nguyễn Bình Phương nhưng mối quan hệ giữa hai mặt đối lập ấy cũng như cách thể hiện những mặt đối lập là điều đáng bàn tới.

Như đã chứng minh ở phần hai, đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương có tính kỳ ảo mang màu sắc âm giới, cảnh vật được tái hiện bằng những nét mảnh, lạnh, nhợt. Bên cạnh đó, đêm còn là khoảnh khắc cái đẹp bừng nở viên mãn

Anh vẽ một đường hầm dẫn vào buổi tối
Buổi tối nhện giăng tơ

Con gái tắm giữa hồ
Ngực rờn rợn sóng bạc
(Xuân ý)

Ba vạn chín nghìn đom đóm
Mơn man sáng giữa lòng sông
Cỏ bờ bên cuồn cuộn gió lùa
(Viết cho người Thái Nguyên)

Em nói gì với thân xác của em
Thân xác bỗng hồng hào náo nức
Thân xác em nói gì với trời đêm
Ngàn sao trên đầu ta rạo rực
(Những điều đang nói)

Đây có lẽ là những thời khắc đẹp nhất của đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương, những thời khắc mà bất cứ người yêu thơ nào đều muốn tìm đến, nhập vào, thắp sáng và được thắp sáng. Thay vì cái lạnh lẽo nhợt nhạt của đêm, thay vì những chuyển động tàn dần chết dần là một khung cảnh hoàn toàn khác, đêm ngời lên trong những vầng sáng huyền ảo đang long lanh, trôi chảy hay đột ngột sáng bừng: Ngực rờn rợn sóng bạc, Ba vạn chín nghìn đom đóm - Mơn man sáng giữa lòng sông, Thân xác bỗng hồng hào náo nức - Thân xác em nói gì với trời đêm - Ngàn sao trên đầu ta rạo rực. Ánh sáng trong đêm có hai đặc điểm, thứ nhất đó là những nguồn sáng động, bởi được thắp lên từ những sinh thể: con gái, ba vạn chín nghìn đom đóm, thân xác em, bởi cách thức thắp sáng: lan truyền (ngực- rờn rợn - sóng bạc, em nói gì - thân xác hồng hào náo nức - thân xác nói gì - ngàn sao trên đầu rạo rực), êm ả, chập chờn (mơn man sáng), đặc điểm thứ hai đó là ánh sáng lan toả trong không gian rộng với mật độ dày: hồ, lòng sông, trời đêm, ba vạn chín nghìn đom đóm, ngàn sao trên đầu, thứ ba là ánh sáng mang màu sắc nhục cảm, từ chủ thể tạo sáng (ngực, thân xác hồng hào náo nức), cho đếm cảm giác ánh sáng mang lại (rờn rợn, mơn man, rạo rực). Nếu như đêm huyền ảo mang màu sắc âm giới chứa đầy những dấu hiệu của cõi âm và cái chết thì đêm bừng sáng là hiện thân của sự sống, cõi sống. Cách cảm nhận và diễn tả ánh sáng trong đêm của Nguyễn Bình Phương là hệ quả của một đặc điểm trong cách nhìn vạn vật của Nguyễn Bình Phương: nhìn nhận vạn vật bằng con mắt mơ màng, mang màu sắc nhục cảm, và giàu nữ tính, đó là hình ảnh những quả đồi có hình người đàn bà nằm khoả thân, là những đám sương trên cánh đồng khuya tụ thành hình cô gái (“Những đứa trẻ chết già”), là hình ảnh mùa như lụa là, tơ tóc, như thân thể trắng trong mềm mại thoắt buồn thoắt vui chìm ẩn giữa sương khói, giữa ký ức và cơn hôn mê của Hoàn (“Người đi vắng”) hay những câu thơ: Sương như mắt thiếu phụ về dĩ vãng (“Linh Nham đêm”)…

Tuy nhiên, sự đối lập của đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương được thể hiện rõ nhất ngay trong một bài thơ, nơi cái chết-sự sống, cái đang qua-cái đang đến, vẻ đẹp bừng nở-sự phai tàn dường như không có khoảng cách.

Con chuồn chuồn cõng vía bay qua màn đêm màu lam
Lắng nghe
Trong lòng đất mê man lá mục
Những tiếng thở não nề dần chết
Những vực thẳm lặng lờ
Mạch rễ chầm chậm vươn
(Tiếng lạ)

Ừ nai kêu tận máu
Trách làm chi
Rừng ẩm sương mù
Sau mái lá một đốm vàng dần nhú
Và tiếng trăng va xuống cỏ mơ màng
(Ở Định Hoá)

Hỡi ai bỏ đi mà trăng lác đác
Bỏ đi trăng ướt mướt trong vườn
Nhuốm gót theo ôi đầm sương là sương
Mỗi vòm lá bạt ngàn con mắt khóc
Nín đi nào nín đi nào trời đất
Ngoài lặng im mọi thứ bỗng lu mờ
Cái bóng là cái bóng quen
Tìm gì
Trăng đang nở rộ kia kìa
(Cái bóng)

Ôi những đêm này gối trăng thật rộng
Đời mênh mông hơn hay ta mênh mông hơn
Ai biết được cuối thu còn có người thèm ngủ
Gót sen hồng đang nở giữa trời đông
U uất những khoảng vắng trên đồng
Hài ấy tóc ấy sao dễ tàn hơn cỏ
(Cái bóng)

Người yêu tôi bé tèo tẹo
Đêm dài nghe doi chín trong vườn
Qua ô cửa bầu trời hoá thạch
Cái bóng già lử lả dần tan.
(Mở lời)

Hai trạng thái đối lập của đêm được thể hiện đa dạng: cái dần chết và sự sự sống đang nảy nở (Tiếng thở dài não nề dần chết - Mạch rẽ vươn chầm chậm), cái chợt đến rồi lại chợt tàn (Sau mái lá một đốm vàng dần nhú - Và tiếng trăng va xuống cỏ mơ màng), vẻ âm u ướt lạnh của cảnh với sự bừng nở của trăng (Hỡi ai bỏ đi trăng lác đác, Bỏ đi trăng ướt mướt trong vườn - Nhuốm theo gót ôi đầm sương là sương, Mỗi con lá bạt ngàn con mắt khóc- Trăng đang nở rộ kia kìa), vẻ đẹp mãn khai và dự cảm suy tàn (Gót sen hồng đang nở giữa trời đông - Hài ấy tóc ấy sao dễ tàn hơn cỏ), giữa chuyển động theo hướng tròn đầy viên mãn với chuyển động theo hướng tan biến (Đêm nằm nghe doi chín trong vườn - Cái bóng lử lả tan dần). Sự song hành giữa những trạng thái đối lập này trước hết giúp đêm trong thơ Nguyễn Bình Phương hoà mình vào dòng chảy chung của biểu tượng đêm, bên cạnh đó, sự đối lập này góp phần soi sáng cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương: cảm hứng suy tàn. Trong văn học Việt Nam hiện đại, nếu nhắc đến Thuận là nhắc đến hai chữ Tha Hương (đặc biệt là chuỗi tác phẩm trước T mất tích), Tạ Duy Anh bước đầu được nhớ đến bởi từ Sám Hối, thì Nguyễn Bình Phương ám ảnh người đọc bởi hai chữ Suy Tàn. Tác giả này đặc biệt nhạy cảm với sự suy tàn, cái chết, con người và vạn vật luôn được nhìn nhận trong hành trình suy tàn, dù đang ở thời điểm đẹp nhất. Cõi trần, cõi người đang suy tàn vì dục vọng hão huyền (Những đứa trẻ chết già), vì bạo lực và ám ảnh điên loạn (Thoạt kỳ thuỷ), vì những đam mê không thể cưỡng lại của mỗi cá nhân (Người đi vắng), thiên nhiên trong Thoạt kỳ thuỷ là một thiên nhiên đang suy tàn, bị sát thương và nhuộm đỏ máu, cả thời gian lẫn không gian trong Người đi vắng đang suy tàn vì sự ám ảnh của lịch sử và âm giới. Riêng thơ Nguyễn Bình Phương, có những câu nghe rợn người vì ám ảnh suy tàn ấy:

Cỏ xác xơ như tóc
Tóc như cây mùa rơi
(Với người trong cổ tích)

Gót sen hồng đang nở giữa trời đông
U uất những khoảng vắng trên đồng
Hài ấy tóc ấy sao dễ tàn hơn cỏ
(Tháng mười một)

Hai câu thơ gợi nhắc về Trông lên ngọn cỏ lá cây - Hễ hiu hiu gió thì hay chị về (Truyện Kiều-Nguyễn Du), thơ như tóc gãy, cỏ úa, như mùa mùa đang hấp hối trong hơi thở cuối cùng. Hình ảnh cỏ hiện lên trong tương quan so sánh với tóc, hài - những ẩn dụ của vẻ đẹp nữ tính để làm nổi bật sự mỏng manh của nhan sắc nói riêng, cái đẹp nói chung. Hệ quả của cảm hứng suy tàn không chỉ là cách nhìn vạn vật trong hành trình suy tàn mà còn là quan niệm về Cái-Đẹp-Trong-Khoảnh-Khắc. Các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương thường có những khoảnh khắc vụt sáng nhưng liền sau đó lại chìm vào vũng tăm tối nhầy nhụa (minh chứng rõ nét cho ý này đó là khoảnh khác bừng lên ngắn ngủi của nhân vật Hoàn trong Người đi vắng, khi đang hôn mê trong bệnh viện).

Như vậy, qua việc tìm hiểu ba đặc trưng của đêm: đêm động, đêm huyền ảo, đêm dung chứa những trạng thái đối lập, người viết đã nêu lên được một số dấu ấn cơ bản trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương ở cả hai mảng thơ, văn xuôi: Cảm hứng suy tàn, tạng viết trôi dạt trong sâu thẳm cõi tâm thức, hiện thực mang màu sắc huyền ảo, quan niệm về cái đẹp khoảnh khắc... Sự thống nhất này bước đầu tạo nên một thế giới, một giọng điệu cũng như một số nét phong cách đặc trưng trong hệ thống các sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Đó có thể coi là ưu điểm lớn nhất do sự thống nhất này mang lại, bởi nỗ lực của người viết, xét đến cùng là tạo cho mình một phong cách, một giọng điệu, một nét riêng không lẫn với bất cứ ai trong lòng độc giả. Tuy nhiên, mặt trái của sự thống nhất ấy đó là gây nên cảm giác cũ, đôi lúc nhàm chán với độc giả cùng đọc hai mảng sáng tác này. Nguyễn Bình Phương đã để thơ xâm nhập quá sâu vào văn xuôi và ngược lại. Điều này có thể tạo nên chất thơ trong văn xuôi của ông, nhưng mặt khác, khiến người đọc đến với thơ phải ngả mũ chào nhà văn Nguyễn Bình Phương và đọc văn lại ngả mũ chào nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Đọc tiểu thuyết, đặc biệt là Thoạt kỳ thuỷTrí nhớ suy tàn, ta có thể gặp lại những bài thơ, ý thơ của Nguyễn Bình Phương, và đọc thơ, ta tìm thấy những hình ảnh trong tiểu thuyết (Bài thơ của mụ điên trong phần phụ chú - Thoạt kỳ thuỷ là một phần của bài “Khuya nào” trong tập thơ, nhiều ý thơ về trăng được tái hiện trong những câu văn tả trăng trong Thoạt kỳ thuỷ, bài thơ “Hoa đăng” lấy cảm hứng và nhiều hình ảnh từ đêm hoa đăng tại Bách thảo được miêu tả trong Trí nhớ suy tàn…). Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi của cùng một tác giả là điều hoàn toàn logic, có thể chấp nhận được, tuy nhiên khi tập hợp chung giữa thơ và văn xuôi quá lớn nó sẽ tạo ấn tượng không tốt với người đọc. Điều này có thể xem là hệ quả của một lối viết chủ yếu dựa trên cuộc trôi dạt quá sâu, quá lâu trong cõi tâm thức của chính mình, và cùng với Ngồi, nó là minh chứng xác đáng cho một điều: đã đến lúc, Nguyễn Bình Phương nên dừng lại một lối viết, một chặng viết, một nhịp tác phẩm.

Hà Nội 4/6/2007

© 2007 talawas


[1]Ý thơ Nguyễn Bình Phương: Yêu là vừa bay vừa nghĩ ngợi
[2]Thơ Phan Thị Vàng Anh
[3]Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới