trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
20.6.2007
Lev Grossman
Thơ cho đại chúng
Trần Ngọc Cư dịch
 
Năm 1876 một cựu chiến binh của Nội chiến Mỹ tên là Eli Lilly lập một công ty dược phẩm. Ông ta khá thành công: có lẽ người đời cám ơn công ty của Eli Lilly đã chế ra nhiều loại thuốc trong đó có những tên thuốc thông dụng như Methadone, Cialis và Prozac. Nhưng Ruth Lilly, người cháu gái gọi ông bằng cụ cố, thì rõ ràng đặt quan tâm vào thi ca hơn là Prozac. Năm 2001, khi quyết định đem một phần gia tài ra làm từ thiện, bà Lilly đã chiếu cố một tờ báo văn học có uy tín nhưng thiếu tài chánh đó là tờ Poetry (Thi ca). Món quà tặng này lên đến 200 triệu Mỹ kim.

Tiền và thơ ít khi quan hệ với nhau, nhất là với một số tiền kếch sù như thế. Đột nhiên nhóm nhân viên lèo tèo của tờ Poetry bỗng bơi lội trong tiền – ví như người nghèo được đổi đời, được dọn vào khu Beverly Hill của giới tài tử điện ảnh. Bây giờ họ đang dùng món quà hậu hĩ của bà Lilly để vận động một cuộc hồi sinh cho thi ca. Nhưng liệu đồng tiền có thể hà hơi tiếp sức để cứu sống một loại hình nghệ thuật đang hấp hối không? Và liệu người ta có nên cứ để cho thi ca được yên phận thì hơn không?

Có thể bạn không đọc nhiều thơ, nhất là thơ mới. Xin bạn đừng áy náy, vì thật ra cũng chẳng mấy ai đọc đâu. Một tập thơ chỉ cần bán chừng 30 cuốn (copies) là được đăng lên danh sách best-seller rồi. Thi ca được ví như rau dền thuộc món kiêng khem trong phương tiện truyền thông (media diet) của Mỹ: nó lành thật đấy, nhưng thường được nấu chung với những món khác hợp khẩu vị hơn (chẳng hạn bài thơ “Funeral Blues” của W. H. Auden là một viên ngọc trong phim Four Weddings and a Funeral), chứ ít khi được người ta ăn nó riêng. Trong đẳng cấp của các bộ môn văn hoá, thi ca nằm gần chót bẹt, dưới nhạc cổ điển và chỉ trên môn nhảy giậm chân (clogging) của mấy thế kỷ trước.

Nếu Nàng Thơ chết rồi, thì ai là thủ phạm? Vào thế kỷ 19, thi ca là một bộ phận sinh động của văn hoá Tây phương. Những nhà thơ như Byron và Tennyson vào thời đó cũng nổi tiếng như siêu sao nhạc rock bây giờ. “Mọi tờ báo của Mỹ đều có đăng thơ. Vào cuối đời của thi sĩ Longfellow, ngày sinh nhật của ông được ăn mừng như một ngày lễ quốc gia”. Đó là phát biểu của Dana Gioia, chủ tịch Tổ chức Tài trợ Nghệ thuật Quốc gia (National Endowment for the Arts).

Nhưng thế kỷ 20 chứng kiến sự ra đời của chủ nghĩa Hiện đại (Modernism) cùng với các thi sĩ sáng giá nhưng bí hiểm như T. S. Eliot và Ezra Pound. (Bài thơ “Love Song of J. Alfred Prufrock” của Eliot xuất hiện lần đầu trên báo Poetry). Từ đó thi ca không còn là nhạc thịnh hành cấp cao mà càng ngày càng trở thành những bài toán chờ người giải. Thi ca trở thành tài sản của những kẻ rởm đời và các vị giáo sư. Người ta bắt đầu thấy đọc thơ giống như phải làm bài tập. Christian Wiman, biên tập viên của báo Poetry, cũng nhận xét: “Người ta nghĩ đến thi ca như là một bộ môn được giảng dạy thay vì coi nó như là một nghệ thuật để thưởng thức.”

Có thể 200 triệu Mỹ kim cũng tiếp sức cho thi ca phần nào. Theo biên tập viên Wiman, “Nguyệt san Poetry luôn luôn đối diện phá sản”. Nhưng nay nó đã đẻ ra một thực thể to lớn hơn, đủ sức sử dụng những số tiền gồm-9-con-số, cái thực thể mới này mang tên Poetry Foundation (Tổ chức Yểm trợ Thi ca). Tổ chức cần đến một người điều hành vừa có kinh nghiệm phục vụ nghệ thuật vừa có kinh nghiệm thị trường chứng khoán, và họ đã phát hiện được tài năng này ở John Barr, người đã làm việc 18 năm liền ở hãng Morgan Stanley trước khi ra lập hãng đầu tư riêng của mình. Trong suốt thời gian đó, Barr cũng đã xuất bản sáu tập thơ và làm giảng viên trong một chương trình dạy viết văn ở Sarah Lawrence College tại New York. Barr phát biểu: “Tôi thiết tưởng, tất cả những gì tôi kinh qua ở thế giới thương trường, trong sâu lắng, đều là chất liệu cho việc viết lách của tôi. Sống nhiều và viết mạnh dạn, là hai việc đi đôi với nhau.”

Nhỏ con và rám nắng, Barr là một thi sĩ khác thường ở chỗ ông luôn tươi cười và năng nổ. Và Barr đã tiến hành công việc với một hiệu năng chưa từng có trong thế giới thơ. Khởi sự từ tháng hai năm 2004, Barr thiết lập một ban nghiên cứu để phát hiện thành phần nào trong xã hội chịu đọc thơ và thành phần nào không đọc. Cụ thể là: tổ chức những buổi đọc thơ; ban phát giải thưởng và tài trợ sinh hoạt cho các nhà thơ; một website xinh đẹp, công phu được thiết kế lên mạng internet. Cộng tác với Tổ chức Tài trợ Nghệ thuật Quốc gia (National Endowment for the Arts), Tổ chức Yểm trợ Thi ca (Poetry Foundation) đã phát động chương trình Poetry Out Loud, một cuộc thi đọc thơ dành cho học sinh trung học, mà vào tháng Năm vừa qua giải thưởng đã vào tay em Amanda Fernandez của bang Washington vì em đã dùng giọng hùng hồn như sấm động để trình diễn bài thơ “Ma Rainey” của Sterling A. Brown.

Barr cũng thiếu nương nể với một số nhà văn. Vừa nhiệt tâm vừa không ngại ngùng hướng về đại chúng, gần như mị dân, ông tuyên bố quyết tâm làm cho thi ca bớt thê lương ảm đạm và trở thành một thú tiêu khiển nhiều hơn. Ông tài trợ việc thiết lập một danh vị gọi là Thi hào của Thiếu nhi (Children’s Poet Laureat). Ông tạo ra Giải thưởng Thi ca Mark Twain, “nhìn nhận sự cống hiến của một nhà thơ cho tính dí dỏm trong thi ca Mỹ”. Barr cũng xuất bản một số tiểu luận phê phán tình trạng hiện nay của thi ca Mỹ, mà ông lên án là sự bế tắc tù hãm của tri thức và tinh thần. Ông cho rằng các nhà thơ hiện nay nghiện phải loại thi ca tự tình (đối trọng với, chẳng hạn như, sử thi hay thi ca trào lộng) và quá chú trọng đến những thể nghiệm về hình thức của thi ca. Ông chỉ trích những chương trình của Viện Bảo tàng Mỹ thuật (Museum of Fine Arts), cho rằng cơ quan này đã sản sinh ra những thi sĩ háo danh và thiếu cá tính, “được nuôi dưỡng bởi một mạng lưới tài trợ và bao cấp, mà người thụ hưởng khỏi phải viết ra những tác phẩm để độc giả không chuyên môn có thể thưởng thức và chịu bỏ tiền ra mua”.

Không phải mọi người trong thế giới thi ca có thể chấp nhận những phê phán của Barr. Trong thư phản bác của Sidney Wade, chủ tịch Hội Nhà văn và Những Chương trình Dạy Viết văn (Association of Writers & Writing Programs), đã chứa đựng những từ như là kỳ quái, buồn cười, vô nghĩa và khiêu khích. (Nhưng điều đáng ca ngợi là, báo Poetry vẫn cho đăng hầu hết lá thư.) Một người viết trên blog (một dạng báo mạng) thì nói: “Tôi có thể kể tên một mạch 20 nhà thơ hay hiện nay, và tôi dám chắc bạn cũng có thể làm như vậy. Có lẽ một việc tồi dở đã xảy ra là việc ông Barr đọc thơ đương đại.”

Về phần mình, Barr chịu đấu dịu trong cuộc tranh luận này. Ông phân trần: “Rõ ràng là chúng tôi không cố tình hạ thấp thi ca. Chúng tôi không cố tình đưa ra ý niệm là chúng ta nên thẩm định giá trị một tác phẩm bằng lượng sách bán ra hay thậm chí bằng sự phổ biến trong giới người đọc. Nhưng vì một lý do nào đó mà thi ca đã đánh mất đại đa số người đọc, thì vẫn còn cơ hội để đảo ngược tình thế. Đại chúng sẽ yêu thơ nếu họ chịu trở lại với thơ”. Lời phát biểu này chứng tỏ rằng Barr có khuynh hướng diễn đạt bằng ngôn ngữ tiếp thị; phương thức này làm cho những người bất đồng với ông khó chịu, không kém gì nội dung của những điều ông nói ra. Gioia [chủ tịch National Endownment for the Arts] nhận xét: “Một trí thức hàn lâm rất dễ đả kích ông Barr, vì ông ta không chịu thảo luận bằng loại ngôn ngữ thanh tao của phân khoa Anh văn ở các đại học. Tuy thế ông Barr lại là người có nhiều khả năng to lớn và thực tiễn”.

Liệu thơ có cần mang tính tiêu khiển hơn không? Phải chăng chúng ta đã có lỗi với thơ vì không chịu đọc nó? Hay thơ đã làm cho chúng ta thất vọng bởi vì không đủ sức quyến rũ chúng ta đọc thơ? Dù cho bạn không đồng ý với những giải pháp do Barr đề ra, chí ít ông ta cũng nhìn nhận một sự thật cơ bản và nhức nhối trong lãnh vực văn hoá: rằng có cái gì đang chuyển biến, rằng những tiếng nói có tầm cỡ trong thời đại chúng ta không còn diễn đạt bằng thơ.

Hai trăm triệu Mỹ kim sẽ không thay đổi tình trạng này; không có gì, ngay cả tiền bạc, có thể làm cho người ta chịu thưởng thức một cái gì mà họ không thích. Điều mà thi ca thật sự cần đến là một nhà thơ có thể làm được những thành tích mà Andy Warhol [1] đã thực hiện được trong nghệ thuật thị giác tiền phong: làm cho thơ trở nên khêu gợi, tươi mát và dễ tiếp cận, mà không làm cho nó trở nên dở hơi hay trịch thượng. Một khi nhà thơ đó xuất hiện, tự nhiên sẽ có sự chuyển biến văn hoá rất nhanh chóng và tương đối thoải mái. Barr sẽ đứng chờ nhà thơ ấy với một ngân phiếu trên tay.

Bản tiếng Việt: © 2007 talawas



[1]Andy Warhol (1928-1987): hoạ sĩ và nhà làm phim, nổi tiếng với nghệ thuật đại chúng (pop art). Ông vẽ lại hình các sản phẩm của hãng Campell Soup, Coca Cola, chân dung Marylyn Monroe, Troy Donahue và Elizabeth Taylor… Ông lấy đề tài hội hoạ từ hình ảnh của báo chí, như đám mây hình nấm do bom nguyên tử tạo ra, hay chó của cảnh sát tấn công những người biểu tình đòi nhân quyền. Người thưởng ngoạn nhìn vào tác phẩm là nhận ra ngay ông muốn nói gì, vì thế tác phẩm của ông có sức thu hút đại chúng. Những nhận định sau đây của ông đối với Coca Cola cũng thường được trích dẫn như triết lý nghệ thuật của ông: “Điều kỳ vĩ về quốc gia này là, Mỹ quốc đã khởi động một truyền thống theo đó kẻ giàu nhất cũng tiêu thụ cùng một sản phẩm với người nghèo nhất. Nếu bạn xem TV và thấy quảng cáo về Coca Cola, bạn sẽ biết ông Tổng thống uống Coca Cola, Liz Taylor uống Coca Cola, và bạn cứ nghĩ đi, chính bạn cũng uống Coca Cola. Một chai coke là một chai coke; không có một món tiền nào có thể mua cho bạn một chai coke ngon hơn cái chai coke mà thằng du thủ du thực đang uống ở góc đường. Tất cả các chai coke đều giống nhau và tất cả các chai coke đều ngon như nhau. Liz Taylor biết điều đó, ông Tổng thống biết điều đó, tên vô lại biết điều đó, và chính bạn cũng biết điều đó”. (What's great about this country is that America started the tradition where the richest consumers buy essentially the same things as the poorest. You can be watching TV and see Coca Cola, and you know that the President drinks Coca Cola, Liz Taylor drinks Coca Cola, and just think, you can drink Coca Cola, too. A coke is a coke and no amount of money can get you a better coke than the one the bum on the corner is drinking. All the cokes are the same and all the cokes are good. Liz Taylor knows it, the President knows it, the bum knows it, and you know it.)--Người dịch chú thích.
Nguồn: Time Magazine, 7. 6. 2007