trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
26.6.2007
Matt Steinglass
Ðiểm sách ở Mỹ và Anh hoạt động như thế nào
(Tài liệu tham khảo trong buổi toạ đàm văn học do Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội tối 22/6/2007)
Vũ Trâm dịch
 
Năm 1937, mười sáu năm trước khi viết cuốn Người Mỹ trầm lặng, chàng trai trẻ Graham Greene - biên tập viên văn học cho một tờ tạp chí mới ở London mang tên Ngày và Đêm - đã nhờ bạn mình là Evelyn Waugh điểm sách văn học cho tờ tạp chí này. Waugh đồng ý với một điều kiện: anh ta được quyền giữ lại toàn bộ số sách mà tạp chí đã có bài phê bình, để có thể đem bán cho các hiệu sách cũ lấy tiền.

Nhuận bút trả cho các nhà điểm sách ở nước Anh cũng như nước Mỹ ngày nay hiếm khi tồi tệ đến mức họ còn phải coi việc bán lại những cuốn sách phê bình là nguồn thu nhập quan trọng nữa, thế nhưng họ lại không còn có được tầm quan trọng như các nhà phê bình vào những năm 1930. Vào thời điểm đó, các bài điểm sách trên báo và tạp chí văn học là những phương tiện chính để công chúng biết tới các tác phẩm mới. Ngày nay, các nhà xuất bản quảng bá về sản phẩm của họ theo nhiều cách năng động hơn, phớt lờ các nhà phê bình bằng cách tổ chức gặp gỡ tác giả qua những chuyến đi giới thiệu sách, và các buổi trò chuyện trên truyền hình. Mặc dù vậy, các tác phẩm văn học hư cấu mới vẫn là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của văn hoá Anh-Mỹ, nơi các nhà điểm sách chuyên nghiệp vẫn có ảnh hưởng quyết định về mặt thương mại, phần lớn do việc những người muốn đọc các tác phẩm hay cũng chính là những người biết đánh giá phong cách viết hay, và vì thế cũng bị những bài điểm sách hay lôi cuốn.

Điều này rõ ràng đã đặt một gánh nặng đặc biệt lên vai các nhà phê bình. Độc giả khó có thể tin tưởng sự phán xét của một nhà phê bình về một tiểu thuyết gia, nếu như chính bản thân nhà phê bình đó là một người viết tồi. Nhưng ngoài việc phục vụ cho mục đích thương mại, người làm phê bình sách cũng đóng một vai trò nghệ thuật vô cùng quan trọng: công việc của nhà phê bình sách, thậm chí còn quan trọng hơn cả tác giả - là làm cho môi trường văn học thêm phần thú vị và gây tranh cãi. Nhà phê bình đóng vai trò kích động, châm ngòi nổ, đưa độc giả vào một cuộc đối thoại về văn học.

Vì vậy, điểm sách tự thân đã là một loại hình độc lập: một bài viết ngắn gọn với lối viết hấp dẫn và văn phong thông minh, vừa tóm tắt được nội dung cuốn truyện mới và đặt nó vào đúng ngữ cảnh, mà vẫn giữ được quan điểm rõ ràng về thẩm mỹ, dù khen hay chê.

Tại Mỹ, có 5 loại báo chí có mục điểm sách.
  1. Các phê bình hàng tuần trong ngành xuất bản: Những tạp chí như Publisher’s WeeklyKirkus Reviews ở Mỹ là ví dụ điển hình - họ nhận được những cuốn sách mới xuất bản trước khi chúng được gửi tới các báo chính mạch. Những tờ tạp chí này đăng những bài điểm sách cực ngắn, đánh tín hiệu cho các báo chính mạch biết được là cuốn sách này có đáng được điểm hay không.

  2. Báo ngày: Chỉ có các tờ báo ngày lớn nhất ở Mỹ mới có những nhà điểm sách chuyên làm cho họ. Các nhà điểm sách cho một số tờ báo này là những người có quyền lực nhất trong ngành. Họ có quyền tự quyết rất lớn.

  3. Các phụ trương phê bình văn học hàng tuần: Các phụ trương như The New York Times Book Review, Washington Post Book World, the Times Literary Supplement và các tờ tương tự ra vào Chủ nhật hàng tuần. Ðây có thể là bộ phận quan trọng nhất trong ngành điểm sách: đọc lướt qua các bài điểm sách mỗi tuần một lần là cách phần lớn những người quan tâm đến văn chương thường làm để biết được mùa này có những cuốn sách mới nào, và người ta nói gì về chúng.

  4. Các tuần san và nguyệt san: Những tạp chí như The New Yorker, Vanity Fair, Time, Entertainment Weekly, the New York Review of Books, the Atlantic, Harper’s, the London Review of Books, the Spectator, và the New Statesman là những tạp chí có chọn lọc hơn. Việc một tạp chí quyền lực như London Review of Books hay The New Yorker quyết định đăng bài phê bình về một cuốn sách đánh tín hiệu cuốn sách ấy được coi là một trong những tác phẩm quan trọng trong năm.

  5. Các trang web văn hoá: Chẳng hạn như Slate, Salon, The Onion A/V. Những trang web này dành rất ít đất cho mục điểm sách. Lý do là vì họ không có nhiều tiền và cũng không muốn làm loãng trang web với quá nhiều thông tin riêng lẻ. Họ có xu hướng chỉ viết về những cuốn sách thực sự mang tính thời sự. Nhưng vì họ có thể đăng các bài điểm sách một cách rất nhanh chóng và cũng dễ dàng được nối kết với các blog, tầm quan trọng của họ là duy trì các cuộc đối thoại về sách được liên tục.
Trong mỗi loại trên, luôn có 3 nhân tố chủ chốt: Biên tập phê bình văn học; nhà điểm sách chuyên nghiệp; và các nhà điểm sách tự do, không thường xuyên (thường là những người nổi tiếng).

Biên tập viên: là những người quyết định những cuốn sách nào có thể được nói đến nhiều nhất trong mùa, và đặt bài điểm sách cho các nhà phê bình thích hợp.

Các nhà phê bình chuyên nghiệp: có thể điểm từ 2 tới 3 cuốn sách mỗi tuần. Những nhà phê bình này luôn có thị hiếu rõ ràng, có uy tín trong văn giới, và thường có nhiều người yêu nhưng cũng nhiều người ghét trong số độc giả của họ. Michiko Kakutani của tờ Thời báo New York có lẽ là nhà điểm sách cho báo ngày được biết tới nhiều nhất ở nước Mỹ. Kakutani nổi tiếng là một nhà phê bình khắt khe; hoặc bà thích cuốn sách đó, hoặc không. Nếu bà không thích, bà sẽ đánh nó tơi tả. Bà đạt được một địa vị khá huyền thoại trong thế giới văn chương.

Các nhà phê bình không thường xuyên: chủ yếu được mời viết cho các mục điểm sách hàng tuần của các tờ báo lớn và một số tạp chí. Thường thì họ viết về những lĩnh vực khác; có thể là tiểu thuyết gia (như Waugh chẳng hạn), nhà báo hoặc các học giả - những người điểm sách để kiếm thêm chút đỉnh và để quảng bá tên tuổi (vì một bài điểm sách của tuần san có thể có tới hơn 1 triệu độc giả). Họ thường được chọn vì quan điểm của họ về một cuốn sách nào đó sẽ cung cấp nhiều thông tin hoặc đặc biệt hài hước. Gần đây tôi điểm một cuốn tiểu thuyết mới của Daniel Mason, một nhà văn chuyên viết về Ðông Nam Á và các nước thứ ba, do các nhà biên tập đã hiểu lầm rằng tôi biết nhiều về những chủ đề này. Trong khi đó, một cuốn tiểu thuyết mới của một nhà văn trẻ người Mỹ gốc Nga đã được Gary Shteyngart, một tiểu thuyết gia trẻ cũng người Mỹ gốc Nga, viết bài bình. Mặt khác, một cuốn tiểu thuyết do một đô vật chuyên nghiệp viết, có thể sẽ được một giáo sư Văn học Anh theo chủ nghĩa Hậu hiện đại viết bài phê bình, để tạo hài hước qua sự đối lập.

Đó là những người chuyên điểm sách. Vậy, những bài điểm sách có kết cấu ra sao?

Một bài điểm sách hay, cũng như bất cứ một bài luận hay nào, thường được bắt đầu với một câu văn gây chú ý. Sau đây là câu đầu trong bài phê bình của Lee Siegel về cuốn tiểu thuyết của Joyce Carol Oates, Con gái người đào huyệt (The Gravedigger’s Daughter):

Sau khi tất cả mọi việc đã được nói và làm, khi bạn đã chỉ ra tất cả những nhược điểm của Joyce Carol Oates, sẽ là lúc bạn đầu hàng trước quyền lực áp đảo của những phẩm hạnh mà Joyce Carol Oates mang đến.”

Oates là một nhà văn rất nổi tiếng của Mỹ ở độ tuổi 60, tác giả của vài chục cuốn tiểu thuyết trong suốt mấy thập kỷ. Chính vì thế, trong phần mở đầu, Siegel (một nhà phê bình có tiếng, tuổi ngoài 40, biên tập viên của The New Republic, đồng thời là tác giả của hai cuốn sách về văn hoá truyền thông đương đại) phải đưa ra một nhận định về nhà văn này: Ủng hộ hay phản đối? Ông đã làm điều đó với câu bình luận nước đôi như trên. Ông khiến độc giả phân vân: Những thiếu sót nào? Những phẩm hạnh nào?

Trong phần còn lại của bài điểm sách, Siegel đưa ra một số điểm chính về sự nghiệp của Oates, tóm tắt nội dung tác phẩm, so sánh các tác phẩm hay nhất và được ưa chuộng nhất trước đó của bà với cuốn tiểu thuyết này, và nói chung, đưa ra những điểm tham khảo để nhờ chúng, độc giả cân nhắc liệu có nên đọc cuốn sách mới của Oates không, và nghĩ thế nào về nó. Nhưng tất cả những nhận xét này đều dựa trên lập luận của ông về nhà văn Oates: rằng xu hướng trích dẫn một cách nông cạn và cường điệu (nhược điểm) được bù lại bằng năng lượng tuyệt đối và cộng hưởng cảm xúc trong sức tưởng tượng của bà (phẩm hạnh). Bài điểm sách của Siegel không phải là bản thông tin tiểu sử về Oates hay bản tóm tắt nội dung cuốn sách. Nó cũng không phải là lời khen hay chê đơn giản về cuốn sách mới nhất của bà. Ðó là một lập luận nhanh, gọn về Oates với tư cách là một nhà văn, vị thế của bà trong văn đàn Mỹ, và cuốn tiểu thuyết mới này của bà thuộc vị trí nào - một lập luận sẽ kích thích độc giả nhất trí hay bất đồng, và tham gia vào cuộc đối thoại.

Tôi sẽ kết thúc [phần dẫn chứng minh hoạ] bằng cách đề cập đến một cách mở đề chắc chắn là nổi tiếng nhất trong các bài điểm sách ở Mỹ những năm gần đây. Vào năm 2002, nhà phê bình trẻ tuổi Dale Peck đã mở đầu bài điểm cuốn hồi ký của Rick Moody, The Black Veil (tạm dịch là Tấm mạng đen che mặt), với câu: “Rick Moody là nhà văn tồi nhất trong thế hệ của ông ta”.

Đó không phải là một cách mở đầu thật hay. Nó bộc lộ quá rõ ý định thẳng thừng nhằm thu hút sự chú ý của độc giả của Peck – và nó rất hiệu quả. Trong nhiều tháng sau đó, các nhà phê bình của các tạp chí và các trang web đều tranh cãi xem liệu Peck có nhận thức rõ điều mình viết không, liệu anh ta nói thế có đúng không, liệu viết một cách gay gắt như vậy trong một bài điểm sách có hợp lý không, và vân vân.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý lại là những gì mà cuộc bút chiến này nói về mục đích của nghề điểm sách. Rõ ràng Peck không thực sự có ý định nói như anh ta đã nói (không hiểu anh ta có ý gì khi gọi một người là “nhà văn tồi nhất” trong bất kỳ một thế hệ nào), Peck chỉ tung ra một ý tưởng điên rồ, không được suy tính kỹ, với mục đích tạo nên một cuộc tranh cãi, theo cách mà một gã nào đó, đứng trong quầy bar và gào lên là Manchester United vào năm 1998 là đội bóng vĩ đại nhất. Mục tiêu của bài điểm sách mà Peck viết, cũng như các bài điểm sách khác, không nhằm vào việc đưa ra những lời giới thiệu đứng đắn và trung lập tới độc giả về việc liệu có nên đọc một tác phẩm văn học nhất định nào đó hay không. Mà mục đích là để thực hiện những gì mà bất kỳ bài điểm sách nào cũng nên làm: khiến mọi người thảo luận về sách.
Nguồn: Tài liệu tham khảo do Há»™i đồng Anh cung cấp cho cá»­ toạ trong tối “Café Văn học” ngày 22/6/2007 tại Hà Ná»™i. Bản dịch của VÅ© Trâm (Há»™i đồng Anh), talawas bổ sung và hiệu đính trên cÆ¡ sở bản gốc do tác giả cung cấp cho toà soạn.