trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
6.8.2007
Yến Nhi
Nhà thơ “không nói bằng chiếc lưỡi người khác”
(Đọc Siêu thị mặt - tập thơ của Trần Quang Quý, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2006)
 
Trần Quang Quý được độc giả yêu thơ biết từ lâu, nhưng phải từ sau Giấc mơ hình chiếc thớt (Hội Nhà văn Việt Nam 2004) thì mới nổi lên như một cây bút có nhiều tìm tòi trong việc hiện đại hoá thơ. Siêu thị mặt, trong bộn bề thi phẩm thời nay đọc một lần đã thấy nằng nặng, một thi phẩm hiện đại thật chứ không dừng lại ở chỗ làm dáng nơi câu chữ. Thơ anh mới mà dễ đọc chứ không quá trúc trắc bởi những dấu lặng, những vắt dòng, những ngôn từ ngúc ngắc… Cách tiếp cận đời sống mới mẻ cùng với việc mở rộng biên độ cảm xúc làm Siêu thị mặt không cách xa đời sống, cũng như cách cảm nhận của độc giả thời mở cửa.

Cái tên tập thơ đã nói rõ một cách tiếp cận. Nó gợi ta nhớ đến cách nhìn cuộc đời của Tản Đà khi ông muốn đem văn đi bán “chợ trời” hay xa hơn, H. Balzac xem tác phẩm của mình chỉ là bóng dáng của một “tấn trò đời”, cuộc sống nếu không là một sân khấu với nhiều vai diễn thì cũng là một phiên chợ với bao nhiêu mặt nguời phô bày. Cách cảm nhận đó đã thể hiện một cái nhìn duy lý, biện chứng đối với cuộc sống phức tạp đa chiều chứ không phải là một cách nhìn khuôn sáo một chiều đơn giản: Mỗi ngày ra đường, tôi lạc vào cả một siêu thị mặt /nhỏ to, ngắn dài, tròn méo, buồn vui, cáu giận hay lạnh tanh chảy thành dòng / trên phố / cuộc mưu sinh hăm hở / bật lên sắc màu tạo hoá. Và tác giả cũng không ngại ngần tự thú, trong siêu thị đó có cả khuôn mặt luôn biến hóa của bản thân: Lúc rảnh rỗi tôi lại ngồi nghịch mặt / tách làm hai làm ba hay tráo ghép những cái nhìn góc cạnh / tôi đo bằng cách ném mặt mình vào siêu thị mặt / hy vọng mỗi ngày giá nhân nghĩa nhích lên. (Siêu thị mặt)

Trong những suy nghĩ của mình về nhân thế, tác giả chân thật và can đảm khẳng định: Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác, vì nhà thơ cảm thấy một gánh nặng, một trách nhiệm… Trên chiếc lưỡi có lời tổ tiên / Trên chiếc lưỡi có vị đắng sự thật / Trên chiếc lưỡi có vị ngọt môi em / Trên chiếc lưỡi có lời thề nước mắt…

Chính vì trách nhiệm, vì gánh nặng đó ấp ủ trong tim, soi dọi trong mắt nhìn mà tác giả đã thấy được những nghịch lý trong siêu thị mặt. Một siêu thị đa sắc đủ giàu, nghèo, xấu, tốt, hòa trộn! Những thân phận trồi trụt theo ngày tháng, những tính cách đổi màu theo hoàn cảnh…

Những ngón chân đi mỏi mùa em / những ngón chân cúi gằm khát vọng / Vui / lặng lẽ cả bàn chân gõ nhịp / Buồn / thì day xô lệch trăng rằm / Đau / im lặng dưới đáy đời trĩu nặng / Đi và đi / dài một phận người. (Điệp khúc những ngón chân)

Giai điệu vỉa hè, Răng và lưỡi, Khác biệt và không khác biệt
, Đồ vật… là những bài thơ thể hiện những nghich cảnh, những nghịch lý của đời sống đương đại do mặt trái của cơ chế thị truờng đem lại, làm xốn xang bao tâm hồn nhạy cảm. Những nghịch cảnh của thân phận các em bé đánh giày: Ngày đóng đinh trên những đôi giày / luân lý nhẫy màu xi bóng / những đồng bạc lẻ kia mới là bài ca thật cất lên từ lầm lụi bàn chân. Những vụ buôn bán ma túy đã tạo nên một cảnh tượng đau lòng, hai bà mẹ, một có con đi bán thuốc một có con chết vì thuốc. …Hai người mẹ, hai số phận có cùng tên Nỗi đau / dù không thể lấy nỗi đau này chia cho nỗi đau khác. Và bao trùm lên là một cuộc sống mà sự vụ lợi, sự tôn thờ vật chất lấn dần nhân phẩm: …se sắt trong ta thời áo mọn / Đồ vật càng đầy lên / ta dường càng nhỏ lại.

Tập thơ đọc không mệt vì đằng sau những thông điệp tưởng như khô khan lại chứa đựng nhiều trăn trở, lo lắng, vui buồn. Siêu thị mặt không suy lý suy cảm, những chiêm nghiệm về cuộc sống với nhiều khía cạnh cộng hưởng được với tấm lòng khắc khoải, bao dung của người đọc: Có cái đầu, câu hỏi mở nguồn sông /… Có câu hỏi vặn mình trong cõi trống / Có câu hỏi chết khi chưa được hỏi / một nỗi đau / khôngtiếng trả lời.

Siêu thị mặt không lặp lại cách thể hiện những chân dung khách quan, những mẫu người cụ thể - lịch sử, hình ảnh các bà mẹ, chú bé, nguòi chiến sĩ... như ta thường gặp một thời (phải chăng cuộc sống thời nay hiếm những nhân vật như vậy?), mà tác giả thuờng bộc lộ thẳng, trực tiếp những cảm nhận, những suy nghĩ chủ quan: Buổi trưa ở Mũi Đao, Ngày nhạt, Nước mắt, Mắt thu …

Hình tượng thơ được xây dựng trong một cấu trúc tổng thể , không quá thiên về câu, chữ, về dòng, khổ… Đa phần thơ tự do. Toàn bài xoay quanh một dụng ý, chủ đề toát lên qua một kết cấu mở liên kết toàn cục. Và câu cuối thường là điểm đọng của toàn bài. Như tình yêu bao gian nan, trắc trở, bao chìm nổi chỉ: …Tại trái tim / trái tim không chịu giả / lỡ một đời mắc cạn / mắt nhau. (Nước mắt)

Siêu thị mặt có một giọng điệu rất mới, mới một cách tự nhiên, thống nhất cả trong nội dung cùng cách thể hiện. Nhiều thi phẩm ta thấy chỉ là khoác một tấm áo mới lên một vấn đề đã cũ, nhiều tác giả lại có cái nhìn tuy mới nhưng lại thể hiện trong một nghệ thuật tu từ cổ truyền. Siêu thị mặt, trong những bài thành công, thoát khỏi sự phân mảnh rời rạc đó. Nó kết hợp được sự mới mẻ của một giọng điệu thơ hiện đại trên căn bản những cảm nhận đầy khám phá trắc ẩn về đời sống cộng đồng, nó không lạc vào cái mê cung tỉa tót bé nhỏ cố lạ hóa hình tượng thơ bằng những ảo giác, những duy cảm mộng mị đầy tính cá biệt mà nhiều cây bút thơ trẻ thường mắc phải...

Tập thơ không có nhiều bài đỉnh để làm nó rực sáng lên, nhưng có sức thấm bàng bạc vào độc giả trong một tổng thể tâm tình nhiều ưu tư, xúc cảm chân thành không hề lặp lại. Hương vị tình yêu cũng không được thể hiện nhiều lắm nhưng khá ấn tượng ở các câu thơ tác giả tự bạch về duyên tình.

Ngực trần gửi cho ngày nắng hạ / lòng đã thu / môi ngày mềm lá / mây bay loãng chiều / sông lẳng lơ trôi nhớ ngực em một miền thu đắm cỏ / ta chìm vào trăng ướt cơn mê. (Mắt thu)

Một trong số các bài để lại ấn tượng vì nó thấm nhuần được cái hơi thở giàu suy cảm cũng như tài xử dụng câu chữ của tác giả là “Ngâu Huế”. Nhiều tác giả viết về Huế hay khiến ai đến đây cũng mang nỗi lo, như nỗi lo của tác giả Hoàng Hạc lâu ngày trước, nhưng Trần Quang Quý vẫn gieo vào lòng độc giả một thi phẩm đẹp đẽ, xao xuyến lòng người, bài thơ đẹp như một hòn non bộ Huế:

Huế nằm ngang. Sông Hương vẫn mân mê xẻ dọc
mưa đôi bờ dắt Huế sang nhau
Ngâu ướt hay em ướt
mà mắt tôi ngâm đầy mắt Huế
Khép đêm rồi. Làm sao khép em
Buổi sáng. Mơ dài
những con thuyền ngái ngủ
Sông nằm suông. Mưa lang thang giãi bày
rơi trắng
rơi lâu
rơi ngầu
Tôi vịn ngâu về cơn men lãng đãng
áo em vừa tuột mắt đò khuya
Trúc Giang quán dăm người bạn Huế
cây ghi ta căng một phím chờ
nốt nào chạm
đáy buồn
buông giọt
tôi giọt nào
ngâu Huế
ngân xa

(Huế, tháng 4.2006)

Hè 2007

© 2007 talawas