trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
12.9.2007
Yến Nhi
Một vài đổi mới nghệ thuật trong Thơ Trẻ
 
Từ sau ngày đất nước thống nhất, hay chính xác hơn, vào thời kỳ đổi mới, thơ Việt có nhiều phân hoá. Một số vẫn sáng tác theo những quy chuẩn thẩm mỹ cũ, chọn từ đặt câu theo những biện pháp tu từ quen thuộc. Đọc nghe êm tai dễ nhớ, dễ thuộc nhưng cái ngữ điệu nhịp nhàng mô phỏng ấy không còn hấp dẫn lắm tầng lớp trẻ, một số đi tìm một thi pháp mới thích hợp với đời sống hội nhập, với nhịp điệu công nghiệp hiện đại. Theo hướng này chủ yếu là các cây bút thế hệ 7X, 8X. Họ cảm nhận đời sống khác trước, và vì có điều kiện tiếp cận, học tập những nền văn hoá tiên tiến thế giới, không bị các thói quen nghệ thuật cũ ràng buộc, hồ hởi mở rộng quan niệm nghệ thuật cũng như chào đón các hệ thống thi pháp mới. Quả thật họ đưa được một luồng sinh khí mới vào thơ ca. Có những thành công, có những thất bại nhưng nhìn chung các trang thơ bây giờ người đọc cầm lên cảm thấy một nhịp thở rộn ràng khác trước không chỉ về câu chữ mà về cái cách cảm nhận thế giới, tiếp cận hiện thực, biên độ cảm xúc mở rộng, hình thức nghệ thuật cũng nhiều thay đổi.

Thực tại mở ra trước mắt họ là một đất nước hội nhập trong xây dựng, không còn những cảnh bom đạn với những tên lính “đêm đêm nghe tiếng giày đi rỏn” làm khiếp hãi mọi người. Kẻ thù giờ lẩn quất bên trong mà người ta gọi là “nội xâm” bao gồm những thế lực vùi dập con người làm chậm bước tiến xã hội. Nếu ngày xưa thơ ca thiên về những bài ca cách mạng anh hùng thì giờ đây chủ đề nhân đạo tiềm tàng trên nhiều lĩnh vưc. Đây cũng là quy luật của văn hoc nước nhà trong trường kỳ lịch sử qua các triều đại khi đất nước từ thời chiến chuyển sang thời bình. Những nhân vật trữ tình xuất hiện như những anh hùng trận mạc, những nhân vật tích cực kiểu “con người mới xã hội chủ nghĩa” lùi dần nhường chỗ cho những cảm hứng trữ tình về quê hương đất nuớc, về nỗi cộng cảm những bất hạnh trong cõi nhân sinh!

Hinh thức thơ nhiều biến đổi. Loại thơ thiên về thanh, vần, điệu về cái nhip nhàng đưa đẩy ít hấp dẫn bằng những thi phẩm bộn bề, tự do mang âm hưởng đời sống. Bài thơ thời nay bằng mắt nhìn không còn cái vẻ cân đối với những ô chữ với số câu, số dòng đều đặn. Bài thơ nếu nghe bằng tai, đọc lên không còn cái du dương, bàng bạc đều đặn theo một quy định có sẵn, mà khi sôi nổi, khi thiết tha, khi lại vắng lặng kéo dài…. Các quy luật bằng trắc, các loại vần chân, vần lưng, các nhịp chẵn lẻ không còn mấy tác dụng, tất cả tuỳ biến theo tâm trạng tác giả.

Mở rộng trường liên tưởng, tặng nồng độ cảm giác, các biện pháp hư cấu theo kiểu ảo giác, vô thức nhằm lạ hoá hình tượng thơ được xử dụng với hàm lựợng tối đa, không điểm xuyết chấm phá như trước, các phạm trù “khả nhiên” theo cách cảm nhận của chủ thể thay cho sự phản ánh “tất nhiên” theo quy luật giả định khách quan. Hình tượng nghệ thuật thơ bởi vậy đa dạng và mới mẻ. Thơ ca trong thời kỳ giao lưu hội nhập, các hình-tượng-tổng-thể đánh mạnh vào nhịp suy nghĩ của bạn đọc khắp nơi hơn là các tỉa tót ngôn từ thịnh hành trong độc giả quốc nội như trước đây. Các cấu trúc mới lạ trở nên đắc địa hơn cách xử dụng khéo léo các nghệ thuật tu từ. Trên chặng đường tìm tòi thể nghiệm, có thi phẩm thành công có thi phẩm thì chìm vào quên lãng!

Thơ truyền thống, các nhà thơ bằng các biện pháp tu từ cố gắng tạo các “nhãn tự”, các “thần cú” nhằm gây ấn tượng cho độc giả. Đến thời kỳ sau, các tác giả lại chuộng các cách trau chuổt hình ảnh độc đáo, tăng giá trị cho tác phẩm. Một trong những nhà thơ hiện đại hàng đầu, Chế Lan Viên, đã khẳng định: Con chim thơ bay trên đôi cánh Hình và Nhạc! Và trong thực tiễn các sáng tác của ông đậm đặc các biện pháp kỹ thuật tạo hình làm say mê độc giả một thời.

Thơ đương đại, bên cạnh các tác giả vẫn quen cách viết phân mảnh, bài thơ bố cục tuỳ hứng, các khổ các phần liên kết theo mạch tình cảm, người đọc phải “lùi xa” mới hình dung được cái tư tưởng chung mà tác giả thể hiện, các tác giả bây giờ sáng tạo tập trung vào hình tượng chính, hình tượng tổng thể, con đẻ của trí tưởng tượng, cái tứ hình thành từ đầu trong trí nhà thơ sau đó hiện trên mặt giấy và được tô điểm thêm. Nhà thơ ít chú ý các biện pháp đơn lẻ mà định hướng vào “hình tượng tổng thể” của toàn bài thơ. Từng câu thơ dung dị, từ ngữ đời thường, vần điệu tự do, đọc từng dòng thơ có khi chưa thấy diễn đạt một ý gì, chẳng có hình ảnh gì mới lạ, nhưng đọc xong toàn bài, suy ngẫm độc giả mới lĩnh hội được cái thông điệp mà tác giả ngầm gửi. Nói vậy không phải các thi sĩ đương đại bỏ qua việc xây dựng hình ảnh, các biện pháp tu từ, nhưng nó chỉ như những nét hoa văn, những màu sơn ô cửa, sắc men tường nhà… Các tác giả chú trọng nhiều đến toàn bộ kiến trúc lâu đài cơ! Để kiến tạo cái hình tựong tổng thể đó nhà thơ không thể cảm gì viết nấy mà phải suy nghĩ, phải lập “tứ” .

Xin được minh hoạ bằng bài thơ sau “Hành trình của cây”. Từ nửa đêm cái mầm cây chồi lên từ đất, sương, nắng, mưa, gió và tất cả những gì rơi xuống, những gì bao quanh nắn cho thân cây thẳng. Rồi “Mỗi năm choàng thêm một vòng vân”, cây trưởng thành trổ cành đâm tán:

Mơ ước của đời cây có là gỗ quan tài nổ bừng trong lửa?
Hay trăm năm ẩm áp gói hòm da thịt giữa đất đen?
Khi vươn lên chẳng cây nào nghĩ mình rồi thành giường tủ
Không một thân cây nào uốn mình cho giống hình khung cửa
Kéo rèm.

Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng
Thành bột giấy.

(Phan Thị Vàng Anh, Gửi VB )

Hình tượng bao trùm toàn bài là “hành trình của cây”. Thông điệp của bài thơ mà tác giả gửi đến và được người đọc cảm nhận có nhiều cách giải thích. Có thể là một ngụ ý về văn hoá, về kiếp người, cũng có thể là một ẩn dụ về việc sáng tạo của nhà thơ. Câu kết “điểm đọng” của bài thơ gợi chúng tôi hướng suy nghĩ về công cuộc sáng tạo của nhà thơ. Tác phẩm như mầm cây được sinh ra và lớn lên trong sự trăn trở và tiếp nhận bao nguồn sinh thái. Nó dần lớn lên qua giai đoạn nở “hai lá mầm” rồi thành “tán”. Mơ ước của đời cây (và cũng là của tác giả) nó sẽ trở thành một “vật linh” – gỗ quan tài, chở che hình hài đi cùng con người vào chốn vĩnh hằng. Chính vì hoài bão đó nên cây sống tự nhiên không pha tạp, uốn éo trong một dạng hình thực dụng nào cả. Nhưng cuộc đời với những quy luật vô hình đã nhào nặn xay nghiền gỗ cây “thành bột giấy” đi ngược lại mơ ước ban đầu của cây, một hành trình không suôn sẻ và tác giả liên hệ, triết lý về việc làm thơ của mình:“Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng/ Thành bột giấy”. Tác giả cũng tự nhận cái kết cục đó là do mình -“Tôi giết”. Cái kết cục đó nên buồn hay vui, vì bột giấy không là linh vật như gỗ quan tài, nó tầm thường nhưng cũng có ích lắm chứ, tác giả để người đọc tự luận. Ý nghĩa bài thơ có thể có cách hiểu khác, ở đây chúng tôi muốn lưu ý rằng cách lập tứ, xây dựng hình tượng tổng thể kiểu bài thơ này được thể hiện khá phổ biến trong nhiều thi phẩm đương đại. Với cách xây dựng hình tượng kiểu này, bài thơ khi dịch sang một ngôn ngữ khác, dẫu có bị mất đi nhiều đặc sắc tu từ về âm, vần tiết tấu thì cái tác dụng thẩm mỹ cơ bản do hình tượng thơ đem lại vẫn đảm bảo ở mức cần thiết tối đa, so với các bài thơ sống chủ yếu dựa vào các thủ thuật tu từ.

Một thủ pháp xây dựng hình tượng khác trong thơ trẻ, đó là lối ẩn dụ, biểu tượng. Hình như tâm niệm cái triết lý của người xưa: cái bí quyết làm cho người ta chán ngấy là cái gì cũng nói toẹt cả ra, các nhà thơ đương đại hay xử dụng lối nói ẩn, gợi ý ngầm. Nó buộc người đọc phải suy nghĩ mong khám phá nhiều tầng nghĩa trong các thông điệp mà tác giả gửi gắm… và với sự biện minh về tính đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật nhiều khi nó giúp tác giả tránh được búa rìu của thế giới quan phương. Tập thơ Lô lô của Ly Hoàng Ly, nhiều bài xoay quanh cái đề tài “Đêm” đầy ẩn dụ, đặc biệt hình tượng thơ trong các bài như “Performance Ham bơ gơ”, “Đêm và Anh”, “Mở nút đêm”, “Tôi muốn”, “Đốt”, “Phòng trắng”, “Con cuốn chiếu”… tác giả đã xác lập được phong cách cho riêng mình, như ai đó nhận xét, có thể gọi tên phong cách ấy là “sắp đặt ảo giác” – một biến điệu của ẩn dụ cảm tính. Tứ thơ bởi vậy vừa nhẹ nhàng vừa sâu kín phải suy nghĩ mới nghiệm ra cái điều tác giả gửi gắm. Các thủ pháp biểu tượng, ẩn dụ làm cho hình tượng thơ có tình trừu tượng cao. “Con quấn chiếu”, một bài thơ ngắn gọn, thuộc loại khá dễ hiểu trong tập thơ, qua hình tượng con quấn chiếu mà thực-hư, riêng-chung, người-vật, khen-chê pha trộn:

“Nằm cuộn như con quấn chiếu
Cảm xúc cũng quấn chiếu…
Đá tảng rơi trước mặt nhẹ tênh
Một hạt cát sà buốt óc,
Run tịt
Chân chằng chịt
Cắt hết chân đi.”

Một sự phê phán kín đáo và bao dung về thói bảo thủ trì trệ? Rất mới về ngôn ngữ, vần nhịp, nhưng không hoàn toàn xa lạ, lối tư duy này ta cũng từng gặp đâu đó trong thơ cổ, nhưng ở đây được tạo lập bằng một ngôn ngữ tự do trẻ trung hơn. Có thể kể thêm nhiều, rất nhiều… lối xây dựng hình ảnh kiểu này qua các thi phẩm của hầu hết các tác giả trẻ tiên phong! [1]

Thơ đương đại nói chung lấy việc hoà nhập đời thường làm tiêu chí, xử dụng vốn từ vựng không câu nệ, lời ăn tiếng nói đời thường kể cả từ địa phương, từ tục, cũng ùa vào thơ rất “nhuyễn” đôi khi táo tợn, bóng bẩy hơn cả ca dao cổ truyền “đố tục giảng thanh”, nhưng để phục vụ cho các thủ pháp xây dựng hình tượng kiểu mới, nếu thơ thời trước chú ý đến cú pháp của dòng thơ, câu thơ, thì thơ đương đại chú ý cú pháp toàn bài. Để mở rộng trường liên tưởng của người đọc tô đậm cái hình tượng tổng thể, các tác giả xử dụng các dấu chấm, phẩy, viết hoa, sang dòng… rất phóng khoáng. Có khi cả bài là một câu, lại có khi nhiều câu trong một dòng. Lối vắt dòng tạo đột biến trong cảm xúc, các khoảng lặng gây sự chú ý kéo dài…

Thơ đương đại có nhiều thay đổi về hình thức xét trên mối quan hệ với nội dung là đời sống xã hội, như ta đã biết, nó phải thay đổi cho tiến gần đời sống, cập nhật đời thường với tâm lý con người bây giờ. Đó là trên bình diện vĩ mô, còn trong quy mô hẹp của từng tác phẩm thì sự thay đổi các yếu tố như ngôn ngữ, thể tài (bao gồm âm thanh, nhạc điệu, từ vựng, số câu, chữ…) đều do sự tác động, chi phối của hình tượng thơ. Trong các yếu tố tạo thành thi phẩm; đề tài, tư tưởng, kết câu, hình tượng, thể tài, ngôn ngữ… thì ở cấp độ trung gian hình tượng có nhiều tác động qua lại nhất. So với đề tài và tư tưởng thì nó là hình thức thể hiện, nhưng so với thể tài và ngôn ngữ thì nó chính là nội dung chi phối. Khi thủ pháp xây dựng hình tượng thay đổi thì nó kéo theo sự thay đổi các yếu tố thứ cấp như bố cục, thể tài, ngôn ngữ.

Để xây dựng các hình tượng tổng thể thoáng đạt, giàu sức biểu hiện giàu cá tính, các tác giả xử dụng một ngôn ngữ quãng đại, đa dạng, gần đời thường, các kiểu ngôn ngữ này khó kết hợp bó mình trong các thể thơ cách luật cũ, luôn tìm cách bứt phá, tạo một kiểu kêt hợp mới theo khuynh hướng mở rộng, từ đó hình thành các thể thơ tự do, thơ văn xuôi mà sự ràng buộc nhạc điệu chỉ thể hiện trong các kết cấu nội tại tùy biến .

Chẳng hạn nói về sự đổi thay của thể thơ 6-8, thứ lục bát cổ truyền giới hạn trong những tình cảm buồn thương, hoài cổ hay triết lý dân gian với một giọng điệu chân quê thích hợp với việc thể hiện các hình tượng duy cảm nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hướng tới những nội dung phức tạp của cuộc sống hiện đại, bởi vậy lục bát giờ đây không còn lặng lẽ hiền hoà như xưa.Khi nhà thơ chú ý đến việc xây dựng những hình tượng tổng thể phóng khoáng, bao quát bằng một ngôn ngữ dân dã, đa dạng thì thứ thể tài cổ truyền này cũng có nhiều thay đổi từ chấm câu, xuống hàng, luật bằng trắc… Nó cũng vắt dòng, leo thang, cũng thay vần, thay nhịp, tiết tấu tùy biến theo khuynh hướng tự do hoá. Nó vẫn dân dã, nhưng phóng khoáng và hơi bụi bụi, mang âm hưởng thời mở cửa. Các nhà thơ trẻ không ngườì nào là không có một vài thử nghiệm về sự cách tân thể thơ cổ truyền gia tài riêng của văn hoá Việt này.

Trong không khí bộn bề của sự tìm tòi đổi mới của thơ ca ba miền Nam, Trung, Bắc, nhiều tác phẩm của tác giả trẻ tạo những nét riêng mới mẻ khó nhầm lẫn, gây được nhiều ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu thơ. Có tác giả tạo một vẻ đẹp mới về cách xây dựng hình tượng cũng như cấu tứ, người thì gây sửng sốt vì những cảm xúc táo bạo đầy khao khát nữ tính và một ngôn ngữ cũng đầy khêu gợi. Có tác giả thu hút sự chú ý và cảm tình độc giả với các điểm nhấn hội hoạ trong các hình tượng thơ cùng với một cách thể hiện ẩn dụ kín đáo, người này tạo một lối nói “điên rồ hợp lý”, kẻ kia nhiều “ảo giác” ấn tượng…

Một phía khác của sự tìm tòi không thể không lưu ý, đó là trường hợp một số nhóm bạn thơ nam, nữ với các tập thơ “ngoài luồng” mà các tác giả hoặc “nhại” người khác hoặc tục-hoá các mô-típ thơ ca bằng một thứ ngôn ngữ đường phố kiểu “híp hốp”, các tác giả muốn ném một lời phủ nhận lên sự tha hoá của mặt trái xã hội đương đại, hoặc thể hiện một sự khao khát tự do “bình đẳng giới”, tuy hơi cực đoan, nhưng “cái tục” mang âm hưởng phủ định dân giả cũng ít nhiều tạo đựợc sự tò mò đồng cảm của bạn đọc! Con đường đi mà các tác giả hướng theo đó được một vài nhà lý luận cổ suý không phải hoàn toàn bế tắc, cái chính là mức độ, là thủ pháp và hiệu ứng mỹ cảm nơi độc giả.

Tháng 12-2006 – 07-2007

© 2007 talawas


[1]Độc giả chú ý đến các cây bút trẻ đương đại: Phan Huyền Thư, Tuyết Nga, Vi Thuỳ Linh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Ngọc Phú, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thuý Quỳnh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thuý Hằng, Bùi Chát, Lý Đợi v.v…