trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
17.9.2007
Lê Thiếu Nhơn
“Chớ vì què mà khập khễnh lên ngai”
(Gửi VB soi chiếu qua thơ Chế Lan Viên)
Phương Thảo thực hiện
 
Bài viết “Gửi VB gửi gì cho thơ?” của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói về tập thơ Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay, đang gây xôn xao trong giới cầm bút, với những phản hồi rất khác nhau.
Phương Thảo: Thưa nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhiều người đọc “Gửi VB gửi gì cho thơ?” nhận định rằng anh đã đưa hơi nhiều chuyện riêng tư không cần thiết vào bài viết, cụ thể là nhắc đến nhà thơ Chế Lan Viên và mấy cái tin nhắn cá nhân.

Lê Thiếu Nhơn: Trước hết, tôi xin khẳng định “Gửi VB gửi gì cho thơ” không hẳn là một bài phê bình, mà chỉ là một bài báo. Đã là một bài báo thì tôi có cách viết riêng của tôi chứ! Tôi bắt chước các đầu bếp nổi danh như Nguyễn Doãn Cẩm Vân hay Diệu Thảo đấy, thêm mấy cọng hành hay vài miếng cà chua cho món ăn thêm hấp dẫn. Món ăn trông có vẻ ngon thì người ta mới ăn, ăn vào cảm giác hình như cũng ngon và khi buông đũa mới thấy vị ngon riêng vì chẳng có đầu bếp nào nấu món như vậy! Hơn nữa, tôi nói thật, bạn đọc bây giờ không mặn mà gì với thơ lắm đâu. Nếu chúng ta ích kỷ chỉ nhăm nhăm nói chuyện thơ hay thế này dở thế kia thì bạn đọc mỏi mệt lắm. Kinh nghiệm mấy năm láu lỉnh đi làm báo của tôi thì viết về văn chương nên “khuyến mãi” vài ba chi tiết về đời sống nhà văn, nhà thơ!

Phương Thảo: Thế nhưng anh đưa chi tiết “đối với tôi, nhà thơ Chế Lan Viên là một người thầy lớn” phải chăng chỉ nhằm gây “khó” cho tác giả tập thơ Gửi VB?

Lê Thiếu Nhơn: Tôi xem Phan Thị Vàng Anh như đàn chị đồng môn trong lớp học văn chương của người thầy lớn Chế Lan Viên. Đã gọi là người thầy lớn thì có rất nhiều tuyệt kỹ để truyền cho hậu bối. Tôi chân đất mắt toét ghé vào học ké môn ưu thời mẫn thế, còn Phan Thị Vàng Anh đường hoàng đĩnh đạc ngồi học nhưng có lẽ chị ấy tự tin “thông minh vốn sẵn tính trời” nên chọn môn duy lý cay nghiệt!

Phương Thảo: Một nhà thơ đi phê bình tập thơ của một nhà văn, liệu có phải chỉ là “đồng môn” tranh luận không?

Lê Thiếu Nhơn: Phan Thị Vàng Anh có căn cơ để trở thành nhà thơ hơn tôi đấy chứ! Khi đang nằm ở Bệnh viên Chợ Rẫy tháng 9-1988, nhà thơ Chế Lan Viên có viết bài thơ “Tu hú có cần đâu?” đề rằng “Tặng cho ba con gái, nhưng riêng tặng Vàng Anh là đứa làm thơ” với những lời căn dặn mang tính cẩm nang cho người làm thơ: “Cẩn thận nhé! Cẩn thận nhé! Kẻo rồi có lúc mùa vải đỏ và chim tu hú/ Đến lúc nào, đi lúc nào, ta không biết… Chim tu hú có cần đâu/ Ta nghe nó hay không nghe nó/ Nghe nó, ta thành tình nhân, thi nhân, triết học… /Còn nếu như không nghe/ Mà ù ù cạc cạc/ Thì hết mùa vải này vẫn còn mùa vải khác/ Bên sông đỏ rực/ Bất cần ta, vải chín đón chim về”. Từ bé, Phan Thị Vàng Anh đã sở hữu được một Nàng Thơ rồi, nhưng chị ấy mải mê khám phá đã tháo rời Nàng Thơ ra, giấu xương cốt một đằng, giấu da thịt một nẻo. Rồi đùng một cái, chị ấy dắt Nàng Thơ ra đường cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, do sơ ý, chị ấy quên gắn lại da thịt, mà chỉ phô diễn một bộ xương Nàng Thơ. Tôi thấy mọi người hò reo ầm ĩ, nên lật đật chạy ra để ngắm dung nhan Nàng Thơ của Phan Thị Vàng Anh. Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ, nhà thơ Chế Lan Viên có Nàng Thơ “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” thì Phan Thị Vàng Anh ít nhất cũng có Nàng Thơ cỡ “mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”. Nào ngờ, tôi chỉ thấy Phan Thị Vàng Anh dắt bộ xương Nàng Thơ đi lêu nghêu, còn các vị mũ cao áo rộng ở Hội Nhà văn Hà Nội thì quần tam tụ ngũ trỏ tay về phía bộ xương mà hô vang “Hoa hậu đấy! Hoa hậu đấy!” nên tôi hoảng hồn la làng lên như một tín hiệu cấp cứu khẩn cấp!

Phương Thảo: Khi Gửi VB in ra, đâu thấy anh lên tiếng. Hội Nhà văn Hà Nội vừa trao giải thì anh lại thắc mắc “Gửi VB gửi gì cho thơ?”. Người ta có quyền nghĩ anh ganh ăn tức ở đấy!

Lê Thiếu Nhơn: Tôi phê bình thơ Phan Thị Vàng Anh cũng chỉ dựa trên quan niệm thơ của Chế Lan Viên thôi. Tính tới thời điểm này, tôi cho rằng chưa có ai suy nghĩ về thơ hay bằng Chế Lan Viên, nên tôi xin lấy thơ của Chế Lan Viên để trả lời. Một người làm thơ cất vào tủ kín thì khỏi bàn, nhưng đã in ra thì đứng trong tư thế “Có kẻ viết cho triệu người xem, kẻ chỉ viết cho mình/ Còn anh, anh viết cho một người ở trên đỉnh cao nhìn anh men miệng vực, chế giễu tài năng anh bất lực/ Cũng viết cho người độc giả nghìn mắt nghìn tay như Phật, đỡ dìu anh”. Một tập thơ được trao giải nghĩa là tác giả nhấp nhổm trở thành nhà thơ lớn rồi đấy, lớn đầu hay lớn đuôi, lớn tiếng hay lớn tài, lớn toàn bộ hay lớn từng phần, lớn nhất thời hay lớn muôn năm thì hạ hồi phân giải, nhưng mà “Nhà thơ lớn ư? Là để cho nhân loại yêu mình bằng mọi cách/ Khi thì nâng niu/ Khi thì hạch sách/ Khi giày vò mỗi chữ/ Khi trân trọng ngắm từ xa”.

Phương Thảo: Vì sao anh không nhận mình là một người viết phê bình khi nói về Gửi VB?

Lê Thiếu Nhơn: Tôi cảm thấy tôi chưa có khả năng làm một nhà phê bình đúng như Chế Lan Viên quan niệm “Tôi là ngọn đèn từng thức bên trang trắng các nhà thơ/ Hiểu được ưu tư các nhà thơ ấy/ Hiểu ngòi bút ngả bóng mình trên giấy/ Hiểu mái tóc nghiêng của anh ta che nửa ngọn đèn”.

Phương Thảo: Vậy anh viết “Gửi VB gửi gì cho thơ?” trong trạng thái nào?

Lê Thiếu Nhơn: Để khỏi mất công chú thích, bắt đầu từ lúc này của cuộc trò chuyện, tôi chỉ dùng thơ Chế Lan Viên để trả lời những gì liên quan đến Gửi VB. Tôi thấy, thế hệ con cháu chỉ cần nghiền ngẫm chút xíu quan niệm thơ của Chế Lan Viên thôi, cũng đủ trở thành một nhà thơ chững chạc. Tôi chọn cách này khi đọc thơ Phan Thị Vàng Anh: “Người cụ thể bảo ngựa vằn không phải ngựa/ Kẻ trừu tượng ư, ghét ngựa, chỉ thích vằn/ Tôi đứng giữa nét vằn và dáng ngựa/ Phối hợp hai cực hai đằng dễ đẻ ra văn”.

Phương Thảo: Có vài người bảo Gửi VB quá mỏng. Anh cảm thấy 21 bài có đủ làm thành một tập thơ không?

Lê Thiếu Nhơn: Mỏng hay dày không quan trọng. Với Gửi VB, Phan Thị Vàng Anh bước đầu làm đúng lời dạy của cha mình: “Hãy thu đội hình thi tứ lại/ Lùa nghìn câu tản mát của anh vào trang giấy”.

Phương Thảo: Căn cứ vào đâu mà anh khẳng định Gửi VB là thơ–văn xuôi và kể lể dài dòng?

Lê Thiếu Nhơn: “Nhân loại đi xa chớ có vẽ bày/ Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối/ Cả đời anh, anh thu nhỏ lại/ Chỉ còn cái lõi/ Cho nhân loại mang cùng, nhân loại cầm tay”.

Phương Thảo: Liệu có cần phải nhắc chuyện Phan Thị Vàng Anh viết truyện ngắn thế này, viết tạp văn thế nọ như cách anh thể hiện trong “Gửi VB gửi gì cho thơ”?

Lê Thiếu Nhơn: “Thơ ra đời ở thung lũng tình yêu, ở vịnh biệt ly, ở đỉnh suy tư, khúc eo tưởng nhớ/ Cái dư địa chí thơ, cái lịch sử thơ phải đếm xỉa nơi thơ ló tổ/ Có lúc ở chuồng bò, máng cỏ/ Có lúc nơi lầu son, gác tía/ Nhưng dù đẻ nơi nào/ Thì trước hết phải là thơ”.

Phương Thảo: Nhận định thơ Phan Thị Vàng Anh là thơ-mặt-phẳng có quá cực đoan chăng?

Lê Thiếu Nhơn: “Trái đất rộng thêm ra một phần vì bởi các trang thơ/ Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ/ Họ chỉ trồng một hàng dương đã mở lối cho ta về bể”. Tập thơ Gửi VB được viết bằng tư duy lý sự, chứ không phải tư duy biểu cảm. Phan Thị Vàng Anh có trồng một hàng dương đấy, nhưng không ai thấy lối nào về bể. Ngược lại, nhìn mấy cây dương lỏng khỏng của Phan Thị Vàng Anh chỉ khiến cho vài ba người lạc quan quá mức nghĩ rằng, ta đây cũng tạm đủ mắt mũi chân tay như các nhà thơ thì cũng có thể làm ra cái gọi là thơ đấy!

Phương Thảo: Nhiều người quan niệm việc làm thơ cũng đơn giản, không nên đòi hỏi nhiều quá?

Lê Thiếu Nhơn: Vâng, tài năng như Chế Lan Viên cũng nhỏ nhẹ ước mơ: “Anh chỉ mong câu thơ anh sống khỏi một đêm, sống quá một ngày/ Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ cho đỡ khổ/ Đúng cái ngày người chiến sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngả vào tay”.

Phương Thảo: Gửi VB cũng nói được tâm trạng cá nhân chứ?

Lê Thiếu Nhơn: “Những nhà thơ bỏ các đề tài khoáng đạt/ Về trong phòng con ngột ngạt/ Như con hổ đại ngàn hóa chú mèo con/ Xưa đến thác rừng uống những vầng trăng/ Nay liếm miếng thịt con trong bát/ Và thiên hạ thấy chú lấy tiếng meo meo làm tiếng hát/ Thay cho những tiếng gầm náo động không gian”.

Phương Thảo: Anh phê phán “soi qua cái Tôi trong thơ Phan Thị Vàng Anh chưa thấy được nhiều người”. Cần gì phải như thế?

Lê Thiếu Nhơn: “Những nhà thơ ba ngày thôi cũng làm ra thơ của nghìn ngày/ Miễn là anh đem cái vơi, cái hữu hạn của thời anh múc vào dải sông đầy/ Của sự sống, của nhân dân vô lượng bể”. Hơn nữa, “Như sân khấu mở rộng rinh ra bốn phía/ Câu thơ Ức Trai viết đâu chỉ cho một mình dân tộc ta xem/ Ngoài trời còn trời. Hết trời còn bể/ Đâu chẳng trái tim người? Đâu chẳng xót oan khiên?”

Phương Thảo: Anh nhận định thơ Phan Thị Vàng Anh “cái cô đơn chưa có tính biểu tượng để thấy thế sự hay thời cuộc”. Nhà thơ chỉ cần quan tâm đến bản thân mình là đủ rồi, chứ tại sao phải chú ý những chuyện khác?

Lê Thiếu Nhơn: “Làm thơ cứ làm, mê thơ cứ mê/ Việc gì phải chú ý vệt bay qua trời của đuôi sao chổi/ Một tầng di chỉ, một trận băng hà không có tuổi/ Để chỉ viết phù du một chiếc hôn thôi, chứ có viết gì?”

Phương Thảo: Vẫn có rất nhiều người ủng hộ Phan Thị Vàng Anh, làm thơ như một cuộc chơi thôi!

Lê Thiếu Nhơn: “Nếu làm thơ phải có hồn thi sĩ/ Sao làm thơ không có nghề như thợ nhỉ/ Nghề đếm lá, nghề trông sao, nghề tát bể/ Nghề dịch vụ tinh thần… Thế… Thế…/ Ba vạn sáu ngàn nghề, ta phải kể: nghề thơ!”

Phương Thảo: Anh thừa nhận thơ Phan Thị Vàng Anh có ý, thì tại sao lại nghi ngờ “năng-lực-chữ chừng mực”?

Lê Thiếu Nhơn: “Ý ở thế giới này/ Chữ đẩy sang đời khác/ Ý lò dò từng bước/ Chữ đẩy cho ý bay”.

Phương Thảo: Anh cũng viết rằng “Gửi VB dễ dãi với nung nấu sáng tạo chữ nghĩa, dễ dãi với cháy bỏng dâng hiến thi ca”, nghĩa là Phan Thị Vàng Anh chưa thành công với thơ vì chưa thực sự lao-động-thơ?

Lê Thiếu Nhơn: Đừng nói trong nghề thơ, trong chính cuộc sống cũng hiếm khi may mắn đến hai lần. “Không, không phải là giác quan thứ sáu/ Chỉ là anh cần cù/ Anh tìm được âm thanh bỏ quên, mùi hương ẩn náu/ Anh tự cho mình, lại ngỡ trời cho”.

Phương Thảo: Nếu anh không phản biện thì nhiều người nghĩ rằng, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng thơ cho nhà văn tên tuổi như Phan Thị Vàng Anh cũng là một giải pháp an toàn?

Lê Thiếu Nhơn: “Phải đâu tìm Trạng, tìm thơ thì cứ đến kinh thành/ Biết mấy tài năng nằm ngoài danh mục/ Như cỏ thơm ngoài đồng, họ mọc/ Và đã thơm rồi, đâu có vô danh?”

Phương Thảo: Trong “Gửi VB gửi gì cho thơ?” anh có vẻ bênh vực tập thơ Thế giới không còn trăng nhưng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không còn trẻ nữa để Hội đồng giám khảo đặc biệt lưu tâm trao giải?

Lê Thiếu Nhơn: Làm thơ không thể mang tính kinh nghiệm, và cũng không có chuyện gừng càng già càng cay. Thế nhưng, “Lúc trẻ anh có tài như con kiến có tài, con ong có tài/ Bản năng sống biết tìm ra tín hiệu trong mùi hương, trong điệu múa/ Cái tài lúc về già là cầm hòn đá đánh nên ngọn lửa/ Cái lửa bẩm sinh trời cho nay đã hết rồi”.

Phương Thảo: Đôi co về giá trị văn chương dễ mất hòa khí, vì nhiều nhà thơ vẫn nhất mực “văn mình vợ người” và kể cả những người bỏ phiếu trao giải thưởng vẫn luôn khẳng định mình có lý?

Lê Thiếu Nhơn: “Hoa lau xào xạc phỉnh lừa các nhà thơ đa cảm/ Là cứ nghe tiếng xào xạc kia, hồn sẽ hóa ra thơ/ Khốn nỗi: Đời họ không có hai triền hoa tím bạc/ Và lòng họ chưa bao giờ có ngọn gió thu qua”.

Phương Thảo: Dù anh có nói gì thì giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cũng đã trao cho Gửi VB?

Lê Thiếu Nhơn: À, sự loạn “chuẩn” giá trị văn chương và bát nháo giải thưởng trên văn đàn, lúc sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã tiên liệu trước, nên gửi lại lời khuyên: “Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc, ra hoa, mà còn để mang thương tích… Dẫu là vị vua què thì cứ phải lên ngôi/ Vẫn phải đúc niên hiệu anh vào tiền, ghi năm anh trị vì vào lịch/ Chớ vì què mà khập khễnh lên ngai/ Ở đời nếu không hài thì phải chơi bi kịch/ Màn mở, trống rung rồi, anh phải đội mũ, mang hia lên/ Mang số phận vào người…”

Phương Thảo: Theo anh thì một giải thưởng thơ phải thế nào để hài lòng mọi người?

Lê Thiếu Nhơn: “Mơ cái ngày có nhà phê bình gặp thi sĩ thiên tài liền ôm và khóc/ Lôi nhau ra uống rượu hát vang ở chợ phiên danh vọng/ Bứt một nắm tranh trên lều chợ, đốt lên để đọc một trang thơ/ Xong rồi bỏ bút đi, không bình thơ nữa/ Bởi thơ hay đã gặp”.

© 2007 talawas