trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
24.10.2007
Hoàng Hưng
Thơ-văn xuôi của ngày thường trong “Gửi VB”
 
Thơ Việt Nam những năm gần đây đã bung ra nhiều khuynh hướng, từ tiếp tục kiên trì lãng mạn, ru rín, triết lý sự đời, đến tuôn trào cái Tôi khát sống, có cả day dứt, thét gào, có cả “thơ tục”, “thơ rác”, thơ giễu nhại... nghĩa là có các cực trên mây-dưới bùn, trên đầu-dưới rốn, ngoài trời–trong ruột. Giữa các cực ấy, tập thơ Gửi VB của nhà văn truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh được đón nhận với cảm tình của giới truyền thông mà rất ít nhà thơ giành được trong nhiều năm lại đây.

Công bằng mà xét, tập thơ mỏng vỏn vẹn 21 bài ngắn, trong đó số bài trung bình và yếu chiếm tỷ lệ không nhỏ, trong số bài hay chưa có bài xuất sắc, không có câu nào làm người đọc phải chấn động, giật mình, sửng sốt, quặn lòng, thăng hoa, phấn khích... Vậy thì tại sao nó được đón nhận? Phải chăng người đọc thơ bây giờ đã quá mệt với mọi chấn động, giật mình, sửng sốt, quặn lòng, thăng hoa, phấn khích, như khách nhậu sau khi “quá đã” với mỹ tửu và những món ăn nhiều gia vị, quá ngọt béo và thơm nức mũi, bây giờ thèm đĩa rau luộc và bát cơm tẻ của ngày thường?

Phát hiện cái thơ của ngày thường, viết được lối thơ của ngày thường, bằng giọng của người bình thường, là điều không hề dễ. Vàng Anh đã thành công trong truyện ngắn của ngày thường, nay chị tiếp tục nó trong địa hạt thơ, và cũng đã có một số thành quả đầu tiên.

Những bài thơ trong Gửi VB phần lớn là thứ nhật ký ghi nhận những cảnh, những việc hàng ngày, không có gì lớn lao, không có sự cố (nói theo lối “hậu hiện đại” là không có “đại tự sự”). Những ghi nhận có không khí, ấn tượng, sinh động, giống những bức ký hoạ, như một đêm trăng ở Hội An “nước ánh bạc, lưới không sao giấu mắt”. Những chi tiết đắt, rất riêng: trong đêm lạnh nhất ở Hà Nội khi lên cầu thang chung cư “cái điện thọai cả tối không một tiếng reng/trong tay làm một ngọn đèn”, khi viết thì “chữ cong queo vì đeo găng”. Những liên tưởng lạ, ngộ nghĩnh: trong rừng Cúc Phương “những đàn bướm trắng đơn điệu bay nhanh nhanh như thôn nữ ngày đi chợ bị trai trêu”, “hơi rừng như mật, như kẹo the, như góc phố Thuốc Bắc”, Hồ Gươm thì “như hũ nước cốt tinh thần sóng sánh trêu ngươi”, ngày ốm chui vào chăn nghe tiếng đàn “bên kia làn dạ đàn nỉ non/ như ăn mày luẩn quẩn trước cửa nhà/ muốn đuổi mà ngại ra”, một ngày rét mướt “tất cả đàn ông trong hàng thịt chó đều mặc áo đen/ Hai đốm lửa – hai cái áo len đỏ một góc phòng nhức mắt. Ngay cả khi nói về quan hệ đôi lứa cũng có cách so sánh thật ngộ: “Chúng ta là bánh mì và chả lụa/ Bán riêng và ăn chung”. Những chấm phá loé lên tài hoa giữa các đọan kể và tả, thể hiện sự tinh tế mang tính trí tuệ. Ở những bài mà sự ghi nhận mang tính suy diễn, thiếu tự nhiên đồng thời chung chung, lạnh lùng, thiếu ấn tượng như “Buổi sáng trên Cầu Đá”, cảm giác “phẳng” (lì) mà một nhà thơ trẻ nhận xét về Gửi VB là dễ chia sẻ.

Tất nhiên, ghi nhận giỏi thì cũng mới tạo không khí cho bài thơ. Giống như trái cây có lớp vỏ dễ thương, bắt mắt, có mùi thơm hấp dẫn. Cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ là thịt trái một khi cắn vào, tan trong miệng rồi mới nhớ mãi. Những ghi nhận của Vàng Anh nhiều chỗ không bề ngoài, mà chứa tâm trạng, vỏ đồng thời là thịt. Chỉ một “cái điện thọai trong tay cả tối không một tiếng reng/ trong tay làm một ngọn đèn/ loạng choạng” đủ phơi bày hết nỗi cô đơn của người con gái trong đêm xa nhà, xa mọi người thân. Trái cây thơ Vàng Anh không ngọt như cam, không chua như chanh, không nồng đậm như sầu riêng, thoạt nếm nó như không có vị. Hoặc cảm thấy như lạnh và nhạt. Ngay đến lứa đôi kia (quan hệ lứa đôi đang là đề tài chủ đạo ồn ào quằn quại đến thế trong nhiều giọng thơ nữ trẻ bây giờ!) bên nhau sao mà rời rạc, lỏng lẻo, như tạm bợ “gá” vào nhau trong bài thơ có thể cho là “thơ tình” duy nhất trong tập, cũng là bài mà cả tập lấy tên: “Gửi VB”: “Chúng ta là cá và nước/ Cá bơi và nước trôi/ Chúng ta là bánh mì và chả lụa/ Bán riêng và ăn chung/ Chúng ta – hai vốc cát Quảng Trị/ Hai ly trà đá Sài Gòn”. Thế nhưng “hai cái đầu tưởng lạnh như băng” (chính tác giả “tưởng”, nghĩa là tác giả cũng không hiểu chính mình và bạn mình?) trong một phút đã như bất ngờ tự phát hiện sự yếu đuối, nhạy cảm, dễ tổn thương của chính mình: “vào một ngày rất bình thường/ bị làn gió nhẹ góc Hồ Gươm/ thổi cho xiêu vẹo”. Trái cây bất ngờ cắn vào lưỡi người ăn một vị đắng khó quên.

Phát hiện cảm xúc của chính mình là nét độc đáo trong thơ Vàng Anh. Phải chăng đó cũng là nét đặc trưng của một thế hệ bị trơ lì trong cuộc sống bão hoà ấn tượng, cảm giác, thông tin, giao tiếp, giống như “mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình”, nhưng sâu bên trong vẫn là con tim tự thức. Trừ bài “Ngày lạnh nhất ở Hà Nội” giãi bày tâm trạng trực tiếp không khác nhiều bạn thơ khác, một số bài thơ đạt nhất trong tập Gửi VB chính là những bài có kết cấu “gài nổ” ở câu kết, tâm trạng nhói lên bất ngờ sau chuỗi liệt kê vẻ như dửng dưng: (“Công chức”, “Trước khi đi Hội An”, “Ngày thứ ba ở Hội An”, “Gửi VB”, “Đã đến Huyền Mi...”). Khi tác giả “quên” thủ pháp này, để câu kết trở thành một “kết luận rút ra” ráo hoảnh: “Buồn làm sao, chuyện gì rồi cũng thành ấm áp” (“Ngày lạnh nhất ở Hà Nội”), thì không có sự thuyết phục.

Bao trùm tập thơ là tâm trạng cô đơn, nét tâm lý hầu như điển hình của con người đô thị hiện đại mà nước ta bắt đầu trải nghiệm, song Vàng Anh không gào lên nỗi cô đơn như một số nhà thơ nữ trẻ, mà lặng lẽ sống với nó. Đời chị hầu như là những chuyến đi một mình, những căn phòng khách sạn, những phòng trọ chung cư. Lời than thở chỉ khe khẽ thốt ra như để mình biết với mình thôi: “Quờ tay tìm viên thuốc/ Ba năm rồi không sợ đụng nhầm tay ai” (“Ốm”); “Về nhà thuê chỉ thấy đèn chưa bật” (Vàng Anh có sự ám ảnh của ánh đèn gia đình. Vào phòng khách sạn chị “chọn một màu vàng ấm nhất”. Trong đêm trăng sáng ở Hội An, chị đã “thắt cả lòng” vì nhớ ra “lúc đi, đóng cửa, đã quên bật đèn”. Về chung cư trong đêm, nỗi thất vọng đầu tiên là “bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy”. Ám ảnh của một khát khao bếp lửa ngàn đời chuyển thành khát khao ánh đèn buồng thời hiện đại). Nước mắt có chảy cũng lẳng lặng, chầm chậm: “Giờ nằm im và ngửa cổ/ cho đầu thõng xuống cạnh giường/ đề phòng nước mắt có chảy/ chầm chậm/ ngược dòng/ mà tuôn” (“Đã đến Huyền Mi...”). Có khi chỉ là một chạnh lòng lúc trở về nhà, thấy con chó con trong những ngày chủ đi vắng đã“lớn phổng phao/ lạnh nhạt” (“Về nhà”).

Cuộc sống cô đơn khiến Vàng Anh có sự quan tâm đặc biệt tới đồ vật. Tình cảm của chị với đồ vật có khi còn bộc lộ mạnh hơn là với con người. Trong “danh sách chuyển nhà”, chị cảm nhận được “ba cái bình hoa/ Bát Tràng/ nung ẩu/ hình như đất còn giãy giụa”. Buổi sáng sớm đến sở, chị “thấy yêu đến nghẹt thở cái công tắc đèn mỗi ngày mình là người đụng đến đầu tiên” (“Công chức”). Văn học hiện đại hay khai thác đồ vật như nhân vật (“tiểu thuyết mới” của Alain Robbe-Grillet, Georges Perec...) chính là do tâm lý mang tính thời đại ấy.

Cô đơn nhưng cái buồn trong tập thơ không nặng nề, nhiều chỗ ta còn bắt gặp nụ cười của người con gái sắc sảo. Ở những chi tiết ngộ nghĩnh như đã dẫn trên. Nhưng khi cố vẽ cả một bức hí hoạ thì Vàng Anh không thành công (như cảnh đoàn du khách trên Cầu Đá, cảnh quán ăn ở Hội An). Chỉ đôi nét ghi nhanh và tự nhiên là đạt. Kể cả khi chị tự giễu. “Hoa lít nhít lẫn vào trong cỏ/ Muốn ngửi/ lại ngại mũi dính đất”, nhè nhẹ thế thôi thì thú vị. Nhưng thậm xưng một chút là thành thô thiển, không Vàng Anh chút nào: “Bên góc miệng, không khác gì con chó, vẫn còn ngậm một cái tăm”, “Giờ thì buồn ngủ/ Nhai cái kẹo lạc dính hai hàm răng chẳng muốn mở miệng ngáp một lần”.

Cũng như thế về những triết lý trong tập thơ. Trong lúc ghi những cảm nhận hàng ngày, Vàng Anh đôi khi nảy ra triết lý. Cũng chẳng có gì lớn lao, nhỏ nhẹ thôi, giản dị thôi, nhưng có chiều sâu. Như lúc dậy sớm chuẩn bị cho một chuyến đi, chị chợt nhận ra, “để đi được xa thì...” phải bắt đầu “vào cái giờ bông hoa đơn giản nhất cũng còn hương / Đất cũng còn hương/ Chưa hề nghĩ đến sâu khi vẹt ngang cành lá/ Lòng rất thơ ơ với quả/ Lờ mờ treo như không phải để ăn”. Nghĩa là phải bắt đầu sự nghiệp, cuộc đời... bằng tấm lòng trong trẻo, vô tư, vô cầu. Với những gì tự nhiên nhất, ngẫu nhiên nhất, kể cả với thiếu hụt như sự “vắng mặt không lý do” của hai con mèo thân thiết vào lúc người chủ lên đường. Hay giữa rừng Cúc Phương, chị chợt nhận ra một chân lý thế sự: “Tất cả chim hót đều giấu mặt”. Thế nhưng, khi chị có ý định làm một bài thơ triết lý về hẳn một chủ đề, như hai bài cuối về nghề thơ: “Hành trình của cây” và “Tập làm thơ”, Vàng Anh đã không thoát được bóng người cha, cả về lối suy tưởng bằng hệ thống hình ảnh, tận dụng các biện pháp tu từ, thậm chí “ngoa ngôn”, đào bới xới lật chủ đề trừu tượng. “Hành trình của cây” nói được băn khoăn về sự cưỡng bức độc tài của con người đối với tự nhiên, trong khi “mơ ước của đời cây là tán” thì con người bắt cây thành “gỗ quan tài”, thành “giường tủ”, “khung cửa”, và đến thơ của con người thì càng độc ác vì vô nghĩa, vô dụng:“mỗi bài thơ giết một ước mơ cây giết đến tận cùng/ thành bột giấy”. Ý nghĩ bi quan ấy cũng như hình ảnh tự trào về sự bất lực của mình với thơ ở cuối bài sau không hợp với phong thái tự nhiên, nhẹ mà sắc, của nhiều bài trong tập. Bài “Cơ thể tôi ngày chủ nhật” mang tính biểu hiện và triết lý “nhà tù khổ sai, tiếng nói rỉ rả trong đầu – cai ngục/ suốt ngày dài” cũng nặng nề, tư biện, bật khỏi giọng chung. Bài triết lý về “Ngủ” không nên có mặt trong tập, nó quá yếu về mọi mặt, hoàn toàn không nhận ra cái gì của Vàng Anh trong đó.

Tóm lại, đóng góp của Gửi VB cho Thơ chính là ở những bài thơ-văn xuôi của ngày thường, với sự chân thật, giản dị, tự nhiên, nhẹ nhàng, có tâm trạng, có chiều sâu. Đó cũng là một trong các khuynh hướng của thơ hiện đại, thoát ra khỏi cái Tôi lãng mạn đa cảm, cái Tôi thích ca hát réo rắt, cái Tôi thích cao giọng, vẫn còn ngự trị một phần quan trọng thi đàn. Lối “thơ-văn xuôi ngày thường” này một vài nhà thơ lớn tuổi ở ta đã làm, nhưng họ không được đón nhận như Vàng Anh, vấn đề ở đây có lẽ là cái duyên thơ, cái duyên của giọng nói, cái duyên và cái hương của tuổi trẻ mà Vàng Anh có được để bộc lộ tâm trạng cô đơn của con người đô thị, nhẹ nhưng thấm thía, khiến người đọc dễ dàng đồng cảm.

Khi nói Gửi VB là “thơ-văn xuôi”, tôi có ý nhấn mạnh sự không làm đỏm, không chú trọng tu từ về từ, dụng ý sử dụng ngôn ngữ thường ngày để nói những việc thường ngày. Chứ thực ra, tuyệt đại đa số bài thơ trong tập là thơ tự do có vần hoặc không vần. Nó là thơ chính ở nhịp điệu, âm nhạc của câu. Nó là thơ ở cấu tứ chặt nhưng không gò, không bí, cảm giác như tự nhiên. Vàng Anh khá thành thục trong cấu tứ “gài nổ” ở câu kết như trên đã nói. Tôi cũng đã nhận xét nhiều bài thơ Vàng Anh giống như ký hoạ. Ai hay xem tranh thì biết ký hoạ có sức truyền cảm trực tiếp mà không phải tác phẩm bố cục nào cũng đạt được. Tuy nhiên trong số đó, có những ký hoạ sơ sài, chưa đủ sức thành tác phẩm. Những lời chê quá mức về sự dễ dãi của ngôn ngữ thơ Gửi VB thể hiện một quan niệm hơi cứng nhắc về quan hệ giữa “chữ” và “ý” – trong nhiều trường hợp, dễ dãi về chữ là một tính cách đồng bộ với chất giản dị, tự nhiên, đời thường của nội dung thơ, làm bài thơ đi vào ta một cách thoải mái. Nhưng lời chê ấy không phải không có lý ở một số chỗ. Có thể dễ dàng chỉ ra sự sơ suất về ngôn từ ngay cả ở những câu gợi cảm nhất. Như câu tả nước mắt “chầm chậm/ ngược dòng/ mà tuôn”. Đã “chầm chậm” thì khó mà “tuôn”, và chảy “ngược” chứ sao lại “ngược dòng”? Lao động chữ để chữ phát huy hiệu quả cao nhất, tuy vẫn tự nhiên, cũng không chứng tỏ ở những câu “văn xuôi” quá thể như: “Tất cả đàn bà nhớ đeo vào vòng giả ngọc trai”, “Từ sau quán, ba con chó con bước ra, một con miệng ngậm lệch mẩu tăm/ Với hai miếng giấy ăn, lũ chó xé thành một đống rác trắng”.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân Ä‘á»™i số tháng 10.2007