trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Giao thông
 1   2   3 
31.10.2007
Lê Phú Khải
Xe gắn máy hai bánh: nỗi kinh hoàng về giao thông ở Việt Nam
 
Đó là nhận xét của nhà báo Anh Dale Lawrence đã từng đến Việt Nam năm 1995, nay trở lại TPHCM trong những ngày đầu 2007, đúng thời điểm Việt Nam vừa chính thức gia nhập WTO. Ông Dale Lawremnce sau khi phát biểu những nhận xét rất tốt, “ngạc nhiên về sự đổi mới” ở Việt Nam, đã nói tiếp: “Nhưng tôi không thể không nói đến những gì tôi nhìn thấy trên đường phố, nơi sẽ là ác mộng cho những người lần đầu tiên lái xe tại TPHCM. Toàn bộ hệ thống đường luôn đông nghẹt xe máy. Họ chuyển động chậm chạp, len lỏi, tạt qua tạt lại giữa các làn đường và thậm chí còn đi bên trái. Trong khi đó, những chiếc xe tải, xe bus và xe du lịch cũng luôn tìm cách vượt qua hoặc chen lấn vào đường của người đi xe máy. Tôi tin chắc rằng, bất kỳ một người nước ngoài nào đến Việt Nam cũng phải đặt câu hỏi về số tai nạn giao thông ở trên. Có lẽ chính vì lý do ấy mà trong số mấy chục đất nước trên thế giới tôi từng đến, không có nơi nào các tờ báo và chương trình truyền hình hàng ngày luôn dành một mục cho các vấn đề tai nạn giao thông. Nhưng dường như những nỗ lực ấy của giới truyền thông không ảnh hưởng đến những người dân đi trên đường phố này.” (Tạp chí Nghề báo số Xuân 2007)

Cái “số tai nạn giao thông” mà nhà báo nước ngoài này muốn biết ở Việt Nam, đó là bình quân 1000 người chết mỗi tháng trong năm 2006 (Báo Sài Gòn Giải phóng 22/12/2006), quả là kinh hoàng! Ai là thủ phạm của nỗi kinh hoàng đó? Xin thưa: đó là xe gắn máy 2 bánh! Chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng đã công bố như vậy. Ở các nước, phương tiện nào gây 50% tai nạn giao thông thì người ta cấm ngay!

Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến nhà văn hoá nổi tiếng, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Vào những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, có lần ông bảo với tôi: “Cái xe Honda hai bánh và cái băng video là những trái đạn đại đại bác, nó sẽ nã vào các thành phố, thị xã của chúng ta, kỳ cho đến khi nào tan nát hết thì mới thôi!”

Vậy mà những “trái đạn đại bác” ấy lại đang chất đầy trong các tiệm xe máy ở khắp mọi miền đất nước. Hiện nay nước ta đang có 18,7 triệu “trái đạn đại bác” đó, và mỗi năm còn tăng thêm 17%!

Có điều “ai oán” là chính những nước chế tạo ra các trái đạn đó là Trung Quốc, Nhật Bổn, họ lại không xài mà bán ồ ạt, bán rẻ sang nước ta! Và hiện nay không có nước nào giải quyết giao thông ở thành thị chủ yếu bằng xe hai bánh như ở Việt Nam (!)

Năm 2001, có lần người viết bài này ngồi xem tivi tại một ngõ hẻm ở quận 19 Paris, thấy người ta đưa số liệu: cứ 1 ngày nước Pháp có 30 tai nạn giao thông chết người do ô tô chạy quá nhanh... Và đài Pháp mỉa mai là: nước Pháp thuộc các cường quốc tai nạn trên thế giới! Lúc nghe những lời bình luận như thế, tôi thấy mừng, vì lúc đó tai nạn giao thông chết người ở nước ta mới là bình quân 1 người 1 ngày!

Vậy mà có hơn 5 năm, nước ta đã vượt cả cường quốc tai nạn giao thông Pháp (với 35 người chết 1 ngày)!

Chết người, ô nhiễm môi trường, thiệt hại vật chất (gần 1 tỷ USD theo số liệu Ngân hàng Phát triển châu Á công bố), gây kinh hoàng cho người ngoại quốc đến Việt Nam, gây bất ổn tinh thần cho nhân dân... Vấn đề tai nạn giao thông do xe hai bánh gắn máy gây ra đã trở thành quốc nạn.

Tết vừa qua, một người bạn Đức đi cùng một Việt kiều từ Đức về Việt Nam đến nhà tôi tá túc. Họ dự kiến ở chơi TPHCM trong ba ngày. Vậy mà chỉ có 1 ngày đi chơi phố, tối về họ thu xếp hành lý để hôm sau đi Nha Trang luôn... Tôi hỏi tại sao? Người phụ nữ y tá Đức 49 tuổi nhún vai: “Ở đây xe máy chạy cả trong hẻm, trên hè, phóng như thường, chẳng có luật lệ gì cả, sợ quá, tôi phải đi ngay!” Một phụ nữ lớn tuổi ở đường Hồ Biểu Chánh nói với tôi: “Cứ tối đến thấy chồng con về đủ, tôi mới biết là bình yên, hết lo lắng, để đến sáng hôm sau lại tiếp tục lo lắng cho đến tối về việc chồng con đi lại bằng xe gắn máy. Vụ hai giáo sư, 1 là người nước ngoài, đi bộ bị xe hai bánh đâm chết ở Hà Nội đã làm xôn xao dư luận cả nước.

Như thế có thể nói là đất nước ta đang “ổn định” không?

Vì vậy, tôi rất đồng ý với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khi ông tỏ ra kiên quyết: “Tôi sẽ chấp nhận thách thức, đối mặt với dư luận... với hy vọng rồi kịch sử sẽ phán xét” trong chủ trương hạn chế xe máy của ông.

Và theo tôi, tiến tới 2 – 3 năm nữa cấm hẳn xe hai bánh gắn máy ở các thành phố, thị xã trong cả nước vì nói như nhà báo Dale Lawrence: “Nếu các bạn chỉ thay đổi nó khi hàng triệu chủ nhân của những chiếc xe máy kia... kinh tế khá hơn và mua ô tô thì chắc chắn là quá muộn!” Sẽ có hàng vạn câu hỏi đặt ra: Xoá xe gắn máy thì đi bằng gì? Xin thưa: Xe đạp và xe bus. Tuyến xe bus Sài Gòn – Củ Chi (xe số 13 và 94) mà tôi vẫn đi, 5 phút có 1 chuyến, hỏi ra đều có tư nhân đảm nhiệm một phần lớn. Đó là giải pháp hay của TPHCM.

Nhân dân nhớ mãi công của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh cấm pháo để không còn tai hoạ chết người vì pháo trong ngày Tết và để môi trường Tết được trong sạch. Vừa qua ông Võ Văn Kiệt cũng lên tiếng gọi tai nạn giao thông hiện nay là “đạI hoạ” (Báo SGGP 11/9/2007).

Lịch sử sẽ ghi công những nhà lãnh đạo sớm có quyết sách cứng rắn trong vấn đề quốc nạn xe gắn máy đang là nỗi “kinh hoàng” của đất nước, nỗi lo âu của bạn bè đến làm ăn ở Việt Nam hôm nay. Ở Việt Nam có chuyện nực cười là khi cần quyết đoán một vấn đề gì, người ta hay hỏi: Trung Quốc đã làm chưa? Người viết bài này xin thưa: Trung Quốc người ta đã cấm xe gắn máy ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... rồi đấy ạ! Than ôi!

© 2007 talawas