trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
23.11.2007
Ngô Quốc Phương
Thế giới nhàm chán và đôi mắt triết học trong nhà hàng
 
Nhà triết học giương mục kỉnh nhìn... thị trường lao động

Có một phóng sự trên một đài truyền hình ở Pháp cách đây một thời gian đưa tin về một hội thảo của những người làm nghề triết học và việc đào tạo ngành này. Trong khi, không ai trong số các đại biểu và những người tham dự phản đối việc "triết học" là một khoa học cần thiết và quan trọng trong đời sống, thì mọi người lại lo lắng về việc những người học xong các tấm bằng về triết học khó có cơ hội xin việc làm.

Tôi từng có một người bạn trước học ngành triết học, nhưng mấy năm sau khi ra trường, không thể kiếm được việc làm, chị đành chuyển sang học nghề nấu bếp và lấy một tấm bằng trung cấp nghề này cho dễ xin việc. Tôi cũng nhớ lại một lần, GS François Julien (ảnh bên, nguồn EVENE) trong bài thuyết trình của mình, dẫn ra một ví dụ thú vị khi nói về tư duy triết học. Ông nói, mọi người ngày thường hay hỏi nhau một câu: "Bây giờ là mấy giờ rồi?", nhưng nhà triết học thì sẽ không hỏi đáp như thế, thay vì có thể trả lời theo cách thông thường ấy, ông sẽ đáp: "Thế tại sao chúng ta lại hỏi về khái niệm thời gian?".

Một gợi ý rất thú vị, "très philosophique" - rất đỗi triết học! Thế nhưng tại làm sao mà ông hoàng trị vì vương quốc của tư duy và khoa học của vạn khoa học này lại khó kiếm cho thần dân mang quốc tịch của xứ sở của ông những việc làm khả dĩ giúp họ có cái cho vào bụng để khỏi đói? Thật là không công bằng một chút nào với triết học phải không?

Hay là triết học chỉ để phục vụ cho những người "phú quý sinh lễ nghĩa", hay những ai đã có bát ăn bát để, không phải chạy bữa hàng ngày và nay có thế "trà dư tửu hậu"? Câu hỏi có vẻ bắt đầu phồng lên lớn quá đây, sợ ngay cả Hercule cũng khó mà có thể mang vác được...


Sự nhàm chán của thế giới

Có một lần tôi nhớ được nói chuyện với một người tự cho là hiểu biết rất sâu sắc về triết học. Ông phê phán tất cả các thứ triết học trên đời, từ cổ chí kim, qua những hạn chế của chúng. Ông nói, như Pháp cũng chỉ có một chút triết học, Đức cũng một chút ít mà thôi. Trung Quốc và Ấn Độ ư, triết học của họ là gì vậy? Triết học tôn giáo hoá hay triết học phong kiến hoá đây? Rồi ông còn nói rõ hơn, loài người từ lâu khủng hoảng rồi, do khủng hoảng mà đẻ ra triết học, có triết học thì lại càng làm khủng hoảng, rối tâm. Ông chỉ ra quy luật, mà tôi nhận thức như một giả thuyết của ông, cứ mỗi lần khủng hoảng, như trong khoa học xã hội và nhân văn hiện nay, thì người ta lại để cho "người chết sống lại thôi". Lại tung hê, ủm củ tỏi. Ông bảo, Sartre cũng là tay lèo lái thôi, mấy ông ngày xưa thời Hy, La, Lưỡng Hà này nọ cũng đã chết rồi, mấy ông trẻ thì đang làm loạn và chơi trò cải cách. Loại như Julien (François Julien), nhiều như ruồi, cũng sắp hưu trí non rồi, có gì mà bàn.

Sang Đức cũng vậy thôi, có lẽ thỉnh thoảng qua đó uống bia và ăn xúc xích Wurst thì còn xứng tiền đi lại hơn. Nga à, ông nói thêm, phong kiến trộn chính trị nửa vời, vừa phù thuỷ, cảm tính vừa khủng bố, gia trưởng, làm gì có triết hữu ích ở đó, các bố đọc làm gì cho mất thời giờ. À, mà có một ông hai ông kiểu đầu hói đấy, làm chính trị thôi, nhưng cứ treo nhãn triết cho người ta vào thăm "hàn gia ở mé tây thiên", dễ bán vé tàu điện ngầm và ap-to-bu-xe.

Mặc dù không muốn nhập tác giả với tác phẩm, mà ở đây dưới dạng một phát ngôn, tôi vẫn phải ghi chú rằng, vị "ẩn sĩ" đọc nhiều sách triết và có nhiều bạn làm triết học trên là chủ một nhà hàng rất lớn, nằm ở trung tâm thương mại của một thành phố lớn. Ông còn sở hữu nhiều đất đai, nhà cửa ở nhiều nơi khác nữa. Nhưng tôi không có ý bảo ông là nhà triết học nhà hàng và địa ốc đâu nhé.


Triết học chính trị, hay triết học đời? Một sự ngây thơ!

Bao nhiêu trang sách về triết học, đạo đức, luân lý và tôn giáo đã được viết ra, in ấn, lưu truyền, cái thì đi vào sọt rác, cái đi chơi theo bước chân các bà đồng nát, cái nằm ở thư viện, cái nằm trong đầu mấy ông thầy, trong óc mấy môn sinh đi học và nhiều cái thì lẩn khuất trong cuộc đời, trong thời sự lớn, vừa, nhỏ, trong cuộc mưu sinh của người này, cuộc xa xỉ của người kia và tiếp nữa, trong sự hăng hái của người này, trong khi người khác lại thờ ơ, vô cảm.

Thế giới vẫn thế thôi? Chúa bảo loài người vẫn u mê, dù đã được mặc khải bao lần. Phật bảo, vẫn là chưa hiểu hết cái nghĩa "vô ngã là Niết bàn", nên vẫn còn trong vòng trầm luân, lấn bấn với những "tham, sân, si" mà các cụ bà lên chùa thuộc nằm lòng. Thánh Alah thì bảo, những kẻ tội đồ như những con lạc đà lạc đường trên sa mạc, những con lừa ngồi dưới lưng 40 tên cướp. Có một năm 365 ngày hành hương đến Mecca thì các ngươi cũng vẫn như thế thôi. Các ngươi vẫn luôn là những tên cướp, khi có điều kiện.

Vẫn như thế thôi? Nước mạnh ăn hiếp nước yếu, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Tôi còn nhớ một bức tranh biếm hoạ đăng trên một tờ báo mạng của người Pháp thời Chirac về cuộc chiến Iraq, trong đó một bà mẹ trẻ trả lời câu hỏi của đứa con trai, khi hai mẹ con cúi rạp mình tránh bom đạn. Cậu con trai nhỏ bé hỏi mẹ: "Mẹ ơi, dân chủ kiểu Mỹ là tuyệt lắm đúng không ạ?". Và bà mẹ trả lời, tay dắt con, cúi cúi, luồn luồn, dưới ánh chớp của trận oanh tạc: "Ừ, đúng thế con ạ, nhưng phải sống qua trận bom này đã!"

Còn nhớ là Bắc Kinh đã có phản ứng phản đối và phê phán khá mạnh mẽ cuộc chiến này. Nhưng trong khi ấy, họ vẫn lấn đất đối với láng giềng, o ép các quốc gia yếu thế trong khu vực. Luôn đe doạ sử dụng vũ lực với các nước ấy. Họ cũng có ứng xử rất không văn hoá và vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi, thay vì có thể xử lý khác (như bắt giữ, xét xử), thì cho phép mình nổ súng bắn chết, bắn bị thương ngư dân của nước ngoài, dù là do lạc đường, hoặc bị dạt bão, đi vào hải phận của họ. Họ cũng còn hay chơi lại bài xúi bẩy, thọc gậy một số chính quyền non gan của láng giềng để những nước đó phải sợ và nghe theo quyền lợi của họ (xin gọi Mr. Pol Pot dậy và hỏi, các cụ Tàu đã khuyên ông ấy "thịt" bao nhiêu thường dân là đủ?).

Trong khi ấy, ở trong nước, họ tiếp tục o ép người dân. Họ ngang nhiên cho phép mình được quyền trở thành lực lượng cầm quyền duy nhất, không chịu sự cạnh tranh dưới bất cứ một hình thức nào, thủ lợi trên đầu 1,3 tỉ dân của họ, tự động "phịa" ra hiến pháp cho phép chỉ có "tập đoàn quyền lực" của họ được phép nắm quyền lực toàn bộ, tuyệt đối và duy nhất (tiếng Anh gọi thế là gì nhỉ, "sitting on constitution", tạm dịch là "an toạ lên hiến pháp").

Trong khi ấy, thế giới tiếp tục loạn xạ, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, tiêu cực ngóc đầu. Các phái cực tả, cực hữu cũng nhân cơ hội kiếm điểm, vơ vét phiếu ở khắp nơi. Bọn độc tài, mị dân cũng được thể làm càn, ăn uống và tặng cho dân cái quyền "sống trong sợ hãi". Sư sãi và luật sư một số nơi cay cú, liền được biến thành món "cào cào rán trên chảo" ở những nước đó. Ai bảo xuống đường, ai bảo thích "nhảy nhót"? Tiện đây, nói cho các cào cào hoặc những ai muốn được làm cào cào biết, quân đội và cảnh sát luôn có đủ dầu mỡ để rán các vị.

Một cái nhìn kiểu chỉ thấy "còn một nửa cốc nước thôi" ư? Nhưng không, đến Edgar Morin (ảnh bên, nguồn EVENE), nhà triết học xã hội và lý thuyết xã hội học chuyên nghiên cứu về sự phức tạp ("complexité") và hệ thống luận xã hội ("systémique sociale") cũng phải lên tiếng, cho rằng, đã có những bờ vực của sự rối loạn. Song, thật triết học, ông cho rằng, sự rối loạn là đa số, trật tự chỉ là một thiểu số.

Trong khi người dân, tuỳ theo khả năng, thói quen của mình, người thì đọc báo, người nghe đài, người xem tivi, người lướt web, viết blog v.v..., thì "nhà triết học restaurant" mà tôi kể ở trên vẫn vừa bình tĩnh nhắm rượu vang đỏ Pháp, ăn thịt bò Metro, tráng miệng rromage xịn và bảo: "Ôi giời, thế giới hỗn loạn, triết học khủng hoảng! Nhưng anh bảo các chú ngựa non nhé, "Cái đùi gà phải là cái đùi gà thật! Các chú giấy mực vừa vừa thôi. Người ta đùa cả đấy. Chủ nghĩa nọ, chủ nghĩa kia. Đùa nhưng ăn thật! Các chú đừng ngây thơ nhé!" Nói xong, ông rời bàn ra chỗ quầy ba và nhắc người nhà đừng mải xem đá bóng trên TV treo cao ở tường nhà, mà quên tính tiền cho khách.

© 2007 talawas