trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
28.11.2007
Steven Cherry
Làm sao xây dựng một thành phố xanh
Khiêm dịch
 
Thượng Hải hy vọng xây dựng một thành phố thực sự hài hòa đầu tiên trên thế giới.

Trong ba năm tới, đa phần sự chú ý của thế giới sẽ hướng về Trung Quốc và hai thành phố lớn nhất của nó, Bắc Kinh, ngôi nhà của Thế vận hội 2008, và Thượng Hải, nơi diễn ra Hội chợ Thế giới (World Expo) vào năm 2010. Nhưng hiện giờ, các thành phố này thường được biết tới vì một lý do khác: ô nhiễm.

Không khách thăm viếng nào trở về mà không nhận xét về nó [tình trạng ô nhiễm ở Thượng Hải]. “Bầu trời lúc nào cũng vàng vọt,” là một câu bình luận phổ biến, hay “Trời giống như ngày nào cũng có mưa, nhưng đó chỉ là ô nhiễm.” Không thể phân biệt rõ giữa trưa với chiều tối. Đèn pha xe hơi rọi xuyên qua làn khói mù, làm lộ ra chính luồng giao thông đã gây nên phần lớn lớp mù đó. Blog “Điên lên vì Thượng Hải” duy trì một “Chỉ số Nhìn rõ Tháp Minh Châu Phương Đông,” tên của ngôi tháp truyền hình nổi bật trên nền trời thành phố, kết cấu nhân tạo cao thứ ba trên thế giới. Chỉ số có thang từ một tới năm, mà năm thì biểu thị, theo từ ngữ của dân blog, “Tháp nào – tao chẳng thấy cái khỉ mốc gì hết!” Vào tháng tư năm nay, chính quyền hai lần tuyên bố hạng Chỉ dấu Ô nhiễm Không khí trầm trọng nhất, và khuyên rằng, “Người bệnh và người già nên ở nhà.”

Quan ngại tiền Thế vận hội về tác động của ô nhiễm lên các trận đấu sẽ diễn ra lớn đến mức mà các quan chức Bắc Kinh đồng ý chuyển đổi các nhà máy điện của thành phố này từ than sang khí thiên nhiên và dời một nhà máy thép khổng lồ ở trung tâm tới một vị trí mới cách đó hàng trăm dặm. Tương tự, ở Thượng Hải, chính quyền đang dời các nhà máy ra khỏi thành phố đã hơn một thập niên nay. Nhưng việc chuyển dời này, đối với toàn cuộc quốc gia, là một trò có tổng bằng không, xáo trộn các nguồn gây ô nhiễm như những quân cờ trên bàn cờ.

Vậy Trung Quốc đã bắt đầu một thử nghiệm tốn kém và mạnh bạo để thử xem ô nhiễm và rác thải - mọi dạng, chứ không chỉ những thứ làm bẩn bầu không khí – có thể được giảm mạnh hoặc ngay cả loại trừ hay không. Trong tháng ba, Trung Quốc đã động thổ cái mà nước này gọi là thành phố sinh thái đầu tiên trên thế giới. Được thiết kế bởi công ty tư vấn toàn cầu Arup Group đặt ở Luân Đôn, Ðông Than (东滩 - như thành phố mới sẽ được gọi) được xây trên một hòn đảo chỉ cách trung tâm Thượng Hải một chuyến phà. Chính quyền hy vọng rằng vào thời điểm Hội chợ Expo, lãnh địa mới này sẽ là một thành phố 8000 dân kiểu mẫu, và dân số sẽ tăng lên nửa triệu vào năm 2050.

Ðông Than sẽ cấm tất cả các loại xe gây ô nhiễm, kể cả các loại hybrid tân tiến nhất. Nó sẽ đào kênh cho đường thủy. Trên đường phố, người dân sẽ đi lại bằng xe hơi điện, xe đạp, hoặc chỉ đi bộ. “Các thành phố ngày nay được xây dựng theo xe hơi,” Malcolm Smith - một toán trưởng thiết kế đô thị ở Arup, nói. “Bạn sẽ xây một kiểu thành phố rất khác nếu bạn biết xe hơi sẽ không phải là phương tiện vận chuyển chính.”

Thành phố sẽ tái sử dụng (nguyên vật liệu) nhiều đến hết mức có thể, bao gồm tất cả nước thải; trồng thực phẩm trên các nông trại riêng nhạy cảm với môi trường; và tạo nên tất cả năng lượng của riêng nó theo những cách không gây ô nhiễm – gió, mặt trời, và bằng cách đốt chất thải của người và động vật. Nó sẽ khuyến khích, và trong một vài trường hợp đòi hỏi, sự sử dụng lao động địa phương và các loại vật liệu xây dựng mới lạ, chẳng hạn như các chất giống bê tông mà có thể được tạo từ tro và dầu ăn dùng rồi.

Phần lớn các kỹ thuật này không mới, và nhiều thứ được sử dụng phổ biến ở Tây Âu, nếu không ở Á châu hoặc Mỹ. Cái độc đáo của Ðông Than là sự phối kết các kiểu thực hành thân thiện với môi trường với sự loại bỏ nghiêm ngặt các kiểu cũ gây ô nhiễm. Dong Shanfeng, một kiến trúc sư thâm niên ở Arup và quản trị viên nhóm sở tại của đồ án Ðông Than của công ty, nói, “Ðiều mà chúng tôi thử làm với Ðông Than không phải là về phát kiến công nghệ, mà là sự kết hợp giữa các loại công nghệ khác nhau. Ðây không phải là một thử nghiệm kỹ thuật. Nó là một thử nghiệm về việc người ta có thể thiết kế một thành phố mới theo con đường đúng ra sao.”

Trong tháng mười một năm 2005, Arup, vốn có văn phòng ở 37 quốc gia, ký một hợp đồng diện rộng với chủ dự án phát triển của Ðông Than, Shanghai Industrial Investment (Holdings) Co. (SIIC). Thỏa thuận đó đã mở rộng trách nhiệm của Arup với Ðông Than và khởi đi cho phép công ty làm thiết kế cho hai dự án phát triển khác, trong đó một cái nằm gần Bắc Kinh. Buổi lễ ký kết đình đám diễn ra ở số 10 đường Downing, vời sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Anh Tony Blair.

Nếu một hợp đồng thương mại được chứng bởi những người đứng đầu hai trong số những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là bất bình thường, thì ý tưởng tạo nên từ con số không một thành phố sinh thái rộng lớn như Manhattan và đông dân hơn Edingburgh hoặc Atlanta cũng vậy. Nhưng việc xây dựng thành phố hầu như chỉ qua đêm không phải là điều gì mới với người Trung Hoa. Trong năm 1980, chính quyền trung ương tạo nên đặc khu kinh tế Thâm Quyến, vào lúc đó là một làng đánh cá nhỏ cách Hồng Kông chừng một tiếng. Giờ đây nó là một khu đô thị trải rộng với chín triệu người.

Trong năm 1990, người Trung Hoa thiết lập một đặc khu kinh tế khác về phía đông trung tâm Thượng Hải trên Tân Khu Phố Ðông (浦东), lãnh địa nằm giữa sông Hoàng Phố và Đông Hải. Lúc đó, trung tâm Thượng Hải có 13 triệu người, và Phố Ðông là một dải đất nông nghiệp, miền quê, và kho bãi còn ngái ngủ. Ngày nay, Phố Ðông là quận đông đúc quá mức nhất trong một thành phố đông quá mức – ít nhất một triệu rưỡi người chen chúc trong các cao ốc và nhà chọc trời lộng lẫy san sát.

Thượng Hải, giờ có mười bốn triệu rưỡi người, tăng trưởng nhanh chóng, nhưng nó đã không tăng trưởng tốt, ít nhất là theo quan điểm về phát triển bền vững. Cho dù hàng trăm chung cư và cao ốc văn phòng của nó chưa đến hai chục năm tuổi, một nghiên cứu hồi năm 2002 cho thấy rằng, so sánh với dân cư sống ở các thành phố chính yếu khác trên thế giới, một cư dân Thượng Hải trung bình chỉ có được một nửa diện tích sống, nhưng lại tiêu thụ gấp đôi năng lượng.

Ngay cả với việc tiêu thụ năng lượng nhiều như vậy, các văn phòng và nhà ở vẫn lạnh lẽo vào mùa đông và nóng bức khó chịu trong mùa hè, theo quan sát của Saskia Sassen, một nhà xã hội học đô thị dạy ở Viện Đại học Chicago và Học viện Kinh tế London. “Thượng Hải đã bỏ lỡ một cơ hội chủ chốt bởi không xây được các văn phòng và nhà ở hiệu quả về năng lượng trong thời kỳ bùng phát xây dựng của nó,” bà nói.

Một trong các nhà cao ốc đó là số 98 đường Huai Hai Zhong, nơi Arup có một tổ hợp văn phòng đông đúc ở tầng 12. Tòa cao ốc mới tới mức hành lang vẫn còn tối om và chưa hoàn thiện, và bạn có thể nghe gió rít xuyên qua các giếng thang máy. Dong, quản trị viên trẻ tuổi, người học về thiết kế đô thị và khoa học xã hội ở London, đã mời một chén trà nóng đón khách trong cuộc phỏng vấn dài một giờ ở phòng phác thảo của anh vào tháng Một.

Các tòa nhà ở Ðông Than sẽ chỉ cao từ ba tới tám tầng, Dong nói. Đó là chiều cao tối ưu để phân phối các dịch vụ như cung cấp nước và nhiệt. Ví dụ, cách tốt nhất để điều tiết nhiệt độ trong một tòa nhà ở vùng khí hậu như Thượng Hải là phải có cửa sổ hai lớp với các tấm mành hắt có thể tự động đóng mở để nhận nắng trong mùa đông và tạo bóng mát trong mùa hè. Nhưng các cơn gió mạnh dập vào phần trên cao của các toà nhà chọc trời sẽ khiến các tấm mành hắt đó gãy nhanh chóng. Hơn nữa, các tấm pin mặt trời trên mái có thể làm ấm phần lớn nước cần có cho một căn nhà thấp, nhưng chúng sẽ chỉ thỏa mãn một phần nhỏ nhu cầu của một cao ốc. Vì vậy, bằng cách giới hạn độ cao, cả hai chiến lược này có thể được áp dụng, cho phép các tòa nhà của Ðông Than sử dụng chỉ một phần ba năng lượng của không gian sàn tương ứng ở đất liền.

Công việc về cơ sở hạ tầng căn bản của Ðông Than – các nhà máy điện, các con đường chính, hệ thống cung cấp nước, kênh rạch, và cống rãnh - chỉ mới bắt đầu, và sang năm, người ta mới khởi công xây dựng văn phòng. Nhưng bạn có thể nắm được ý tưởng thành phố trông sẽ như thế nào bằng cách viếng thăm Phố Giang Trí Cốc (Pujiang Intelligence Valley - PIV), một khu văn phòng lớn đang được xây dựng, cách trung tâm Thượng Hải trên đất liền 15 cây số về hướng nam, bởi Shanghai Pengchen United Industry Co., một chủ dự án phát triển bất động sản cam kết (xây dựng thành phố theo hướng) phát triển bền vững.

PIV kết cục sẽ bao gồm 20 tòa nhà. Hai tòa đã mở cửa mùa thu năm ngoái, một cái bốn tầng, cái kia năm tầng. Steven Liu, tổng quản trị dự án, tuyên bố rằng kết cấu của các tòa nhà này đạt được mục tiêu vận hành đầy tham vọng với 75 phần trăm năng lượng ít hơn so với năng lượng các văn phòng ở Thượng Hải sử dụng. Chúng hầu như chắc chắn là các tòa nhà hiệu quả nhất về mặt năng lượng ở Trung Quốc.

Chi phí xây dựng thì 25 phần trăm cao hơn lối xây thường, một đầu tư mà Liu nói sẽ tự trả trong năm hay sáu năm từ tiết kiệm năng lượng. Ông chỉ ra mười công nghệ khác nhau được triển khai, gồm cả những tấm mành cửa sổ kỹ thuật cao đó, được gắn vào các bức tường dày ba tấc và chứa hai lớp cách nhiệt. Một số chiến lược tiết kiệm năng lượng khác rõ ràng sử dụng công nghệ thấp, chẳng hạn như gom nước mưa và trồng cỏ trên mái. Khí trời được chu chuyển xuyên qua một chuỗi các tấm lọc, và độ ẩm được điều tiết chặt chẽ.

Tâm điểm của sự hiệu quả năng lượng của PIV, tuy nhiên, là một hệ thống ống địa nhiệt. Một ống nước chính có đường kính 13 phân chạy sâu 100 thước dưới lòng đất, nơi mà, so sánh với nhiệt độ không khí, mát lạnh vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Nước - một số trong đó là nước mưa gom lại - được bơm xuống và rồi đi lên theo một hệ thống các ống nhỏ hơn chạy xuyên qua sàn và tường. Hệ thống này được phát triển ở Đức và Thụy Sĩ, và phần lớn vật liệu được mua từ các công ty Âu châu. Dù sử dụng năng lượng, chiếc bơm địa nhiệt cứ mỗi ba ngày chỉ cần hoạt động một, ngay cả trong mùa đông, chẳng hạnh vào cái ngày tháng Giêng lạnh giá khi tôi viếng thăm PIV. Nhiệt độ áng chừng giữa 18 và 20 độ C, và tôi thấy thoải mái đủ để cởi áo len ra. Tôi đã không ở đó đủ lâu để phát hiện sự khác biệt trong phẩm chất không khí, nhưng những người công nhân mà tôi trò chuyện nói rằng đó là văn phòng dễ chịu nhất mà họ đã từng làm việc qua.

Liu nói những người thuê nhà lý tưởng của PIV sẽ là các công ty công nghệ cao vốn quan tâm đến phẩm chất cuộc sống cũng như khoảng không gian mà họ sẽ có thêm bằng cách chuyển dời khỏi thành phố trung tâm. Thiết kế của PIV đặt các toà nhà văn phòng xung quanh một cái hồ nhân tạo rộng 1.3 mẫu với hàng đàn cá bơi lội và chim chóc đớp côn trùng trên mặt nước, một khung cảnh bất thường cho một khu văn phòng.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mục tiêu của PIV để thành “một khu kinh doanh hài hòa với R&D [Research and Development: Nghiên cứu và phát triển], đời sống thương mại, và giải trí” cũng là tâm điểm cho thiết kế của Ðông Than, như Arup và chủ dự án phát triển, SIIC, tiên liệu. Dong nói sự hài hòa với thiên nhiên là mối quan tâm chủ yếu. “Không phải con người thì ở trong này, còn thiên nhiên thì ra ngoài kia,” anh nói. “[Ðông Than] sẽ là một thành phố, nhưng với các đường đi bộ, đường thủy và công viên. Thiên nhiên sẽ ở trong thành phố.”

Gao Guihua, một phó chủ tịch của Shanghai Chongming Dongtan [Sùng Minh Ðông Than] Investment and Development Co., một nhánh của công ty cổ phần SIIC lớn hơn, lưu ý rằng Ðông Than sẽ chỉ có một phần ba lượng dân cư của Manhattan, trên một diện tích tương tự và, có lẽ ít du khách và ít người ra vô làm việc hơn.

Thành phố sẽ chỉ sử dụng bình quân đầu người 150 lít nước một ngày, Gao nói, tương tự như Singapore, vốn nằm trong số các thành phố tân tiến nhất trên thế giới. Quan trọng hơn nữa là, hệ thống tuần hoàn của Ðông Than sẽ được đặt trên sự tái sử dụng. Nước từ các văn phòng và nhà ở sẽ được thâu lại bằng các nhà máy tái hồi vốn sẽ phân ra cái gọi là nước xám khỏi nước đen. Nước đen chứa chất thải của cơ thể người; nước xám, mọi thứ khác. Một số nước xám sẽ đi thẳng vô đầm lầy, nhưng phần lớn sẽ được thanh lọc và bơm lại về nhà ở hoặc bơm lên hướng bắc để tưới đất nông nghiệp. Nước đen sẽ được xử lý như một cơ hội thay vì như một vấn đề ô nhiễm. Chất thải từ phòng vệ sinh sẽ được cô lập bằng tiến trình bốc hơi, và sinh khối thâu được sẽ được sử dụng để tạo ra năng lượng - hoặc bằng cách sấy khô và đốt, hoặc được sử dụng để tạo khí metal. Chất thải từ súc vật trên các nông trại sinh thái cũng sẽ được sử dụng như một nguồn năng lượng khi không cần dùng làm phân bón.

Các nông trại sinh thái của Ðông Than sẽ nằm kế ngay thành phố trung tâm. Các chất thải đặc và lỏng vì vậy có thể được sử dụng dễ dàng trên các nông trại, vì không phải di chuyển xa. Tương tự, việc vận chuyển thực phẩm từ nông trại tới bàn ăn - một sự phí phạm năng lượng do đời sống đô thị tạo ra – cũng được giảm thiểu.

Phần đô thị của Ðông Than và các nông trại sẽ chiếm giữ dải đất nằm gần cực đông của đảo Sùng Minh (崇明). Với 86 kilomet vuông, Ðông Than sẽ bao phủ khoảng 7 phần trăm diện tích hòn đảo. Các nhà nghiên cứu nông nghiệp từ một số viện đại học Âu châu và Trung Quốc đã thiết lập những nhà kính để tìm hiểu xem loại cây trồng nào sẽ tăng trưởng tốt nhất trên đất của đảo Sùng Minh và cách tốt nhất để trồng chúng.

Các nhà khoa học Ý đặc biệt năng nổ, dưới sự ủng hộ của một tổ chức gọi là Chương trình Hợp tác Bảo vệ Môi trường Ý – Trung Hoa, chính bản thân tổ chức này được sự bảo trợ của Phái bộ Mậu dịch Ý và Bộ Môi trường, Đất đai, và Biển của Ý. Tổ chức này ra đời vào năm 2000 và rất năng nổ ở một số thành phố Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Tây An, và Thiên Tân. Theo Silvia Massimi, quản trị chương trình cho văn phòng Thượng Hải, tổ chức của bà bắt đầu làm việc với thành phố này vào năm 2004, và trong vòng một năm đã khởi sự các cố gắng để thúc đẩy nông nghiệp bền vững cho Ðông Than.

Một đề án ba năm hướng tới “bắt đầu sản xuất thực phẩm trồng theo phương pháp hữu cơ trên đảo và dạy cho dân địa phương cách canh tác không cần tới thuốc trừ sâu và dạy các kỹ thuật tân tiến để tiết kiệm nước,” Massimi nói. “Họ đang làm các thử nghiệm sử dụng các sản phẩm hữu cơ thay cho hóa chất và thuốc trừ sâu.” Vấn đề chính là độ mặn của đất, do Đông Hải bao quanh. “Họ đang thí nghiệm các kỹ thuật không gây ô nhiễm và không có hóa chất để trồng rau quả trên hòn đảo,” bà nói. Cần phải nghiên cứu nhiều.

Như một cù lao - lớn nhất thế giới – không có gì ở đảo Sùng Minh ngoài phù sa được nén chặt, và lịch sử 1300 năm của hòn đảo được định bởi sự thất thường của hoạt động tích tụ trầm tích của sông Dương Tử. Sùng Minh được hình thành phía bắc vị trí hiện thời của nó bởi một trận lụt lớn năm 619. Vào thế kỷ 13, nó có ít nhất 12000 cư dân. Người dân đảo cho rằng họ sáng chế ra thuyền mành, một loại tàu buồm vốn trong nhiều thế kỷ đóng vai trò then chốt trong sức mạnh mậu dịch của Trung Hoa.

Bờ của Sùng Minh tiếp tục bị cuốn trôi nhưng được bồi đắp lại bởi dòng Dương Tử, vốn cùng lúc nhanh chóng cuốn phù sa từ đáy sông dài 6000 cây số của nó xuống biển. Như phần lớn các sông khác, Dương Tử chuyển dòng theo thời gian, và hòn đảo coi như biến mất ở một số thời điểm, chỉ xuất hiện trở lại khi cửa sông tái hình thành ở vị trí hiện thời. Nông dân từ tỉnh Giang Tô đến phía bắc tái định cư trên đảo, và vào năm 1896 dịch vụ đưa phà đều đặn được khởi sự từ Thượng Hải.

Như một đứa trẻ đến tuổi vị thành niên, trong năm 1950, Sùng Minh bắt đầu một cuộc bột phát tăng trưởng, nhân đôi kích thước nó trong 50 năm kế tiếp đó, từ 600 lên tới 1229 cây số vuông vào năm 2001. Một nguyên nhân là do sự phá rừng ở khu vực thượng nguồn sông Dương Tử và hậu quả sói mòn đất đai tiếp theo. Nguyên nhân thứ hai là sự rót vốn xuống nhiều hơn cho đập và đê lấn biển, vốn là một ưu tiên đối với chính quyền mới của Mao Trạch Đông.

Sự bành trướng lãnh thổ của Sùng Minh đã ngừng lại bởi vì đập Tam Hợp, một ngàn cây số về phía thượng nguồn, giờ ngăn lại phần lớn phù sa không cho đi xa hơn xuống hạ lưu. Tuy thế, mỗi năm hòn đảo vẫn tăng trưởng khoảng chừng 150 thước tuyến ở bờ đông của nó, vị trí của thành tố địa lý thứ ba và cuối cùng của kế hoạch phát triển Ðông Than.

Về hướng đông của thành phố sinh thái và các nông trại sinh thái, chính quyền trung ương Trung Quốc lập ra một công viên quốc gia. Bên cạnh sự thu hút du khách, khu bảo tồn thiên nhiên Ðông Than Sùng Minh sẽ thỏa mãn một phần nghĩa vụ của Trung Quốc theo Hội nghị Ramsar về Đầm Lầy, một hiệp ước quốc tế vốn có hiệu lực đã hơn ba thập niên và vốn để, trong số nhiều điều khác, bảo vệ các tuyến thiên di truyền thống cho chim chóc và cá. Chính quyền Trung Quốc đã buộc SIIC thiết lập một vùng đệm rộng 3.5 cây số giữa Ðông Than và khu bảo tồn.

Cho dù các kế hoạch thực sự quy mô, tại thời điểm này, một người quan sát tại vị trí của thành phố tương lai không thấy gì làm lộ ra được những cái sẽ nằm phía trước. Chưa một xẻng đất nào được lật lên cho thành phố sinh thái Ðông Than, và công việc về cả nông trại sinh thái lẫn khu bảo tồn thiên nhiên vẫn còn sơ khởi. Có đúng hai tòa nhà đời cũ tại thành phố này. Một chứa các văn phòng sở tại của SIIC; cái kia là ký túc xá và nhà ăn của 200 người làm công cho nó, nhiều người trong số họ tới bằng phà vào thứ Hai và trở lại Thượng Hải vào cuối tuần. Khi thành phố được xây dựng, đi về theo hướng ngược lại sẽ phổ biến hơn, dù cả Arup và SIIC nói một phần chính yếu của phát triển bền vững là người dân làm việc ngay tại thành phố họ sống.

Tương tự, khi đứng trên đầm lầy vốn sẽ thành một phần của khu bảo tồn thiên nhiên, bạn sẽ không có một ý niệm gì về tầm quan trọng của nó – nó nằm trên tuyến thiên di của chim kéo dài từ Úc châu cho tới Canada và nó giáp với các tuyến đường thủy vốn là sinh quyển duy nhất của cá tầm Trung Hoa còn non. Vào một ngày tháng Giêng lạnh lẽo tôi đứng đó, một con hải âu cô độc đớp một cái gì đó không thấy được giữa hai tảng đá lớn. Gió thổi mạnh và không khí đượm mùi muối và rong biển. Gần đó, công nhân xây dựng đào xuống đất cứng, làm một con đường hai làn sẽ chạy xuyên qua vùng đệm. Xoay lưng về biển và nhìn quá vệt đường, vô trong một khu rừng mới trồng, tôi không thể mường tượng ra một thành phố.

Trong thập niên 80, khi Trung Quốc lên kế hoạch một đặc khu kinh tế trong lòng Thượng Hải, có sự phân vân giữa đảo Sùng Minh hoặc Phố Ðông. Nó đã chọn Phố Ðông. Dù quyết định đó đã tạo nên cho Thượng Hải một đường viền trên nền trời choáng ngợp như đường viền trên nền trời của New York, hơi thở là cái mà cư dân của nó khá ngợp [1] , căn cứ vô làn khói mù của Thượng Hải. Thành phố này, tóm lại, không thể chịu đựng nổi một Phố Ðông nữa. Ngày nay, với Ðông Than, Thượng Hải hy vọng tạo nên một dạng đô thị mới sử dụng các thực hành phát triển bền vững tốt nhất sẵn có. Vì lợi ích của mọi siêu đô thị trên thế giới, chúng ta hãy chúc nó may mắn.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Tác giả chơi chữ: breathtaking - choáng ngợp và breath - hơi thở - ND.