trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
29.5.2003
Minh Tá»±
Thiên đường mang tên Karl Marx
 
1. Sự thức tỉnh vĩ đại

Hãy điểm qua toàn bộ lịch sử của nhân loại. Hoá ra nó nghèo nàn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Hàng triệu năm[1] đã trôi qua kể từ khi những con vượn người nổi tiếng của Darwin bắt đầu tập nói, tập đi bằng hai chân và dấy lên trong bộ não đang ngày một lớn của nó tham vọng trở thành chúa tể thiên nhiên, hàng vạn năm đã trôi qua kể từ khi con người phát minh ra tình yêu, chiến tranh và nghệ thuật. Thế mà những thay đổi chỉ bắt đầu diễn ra cách đây không quá 10 000 năm, còn những thay đổi lớn - không quá 5- 6 ngàn năm. Có nghĩa là hàng triệu năm trước đó gần như để trắng! Alvin Tofler đã mô tả điều đó bằng cách chia 50 000 năm sau cùng của lịch sử nhân loại thành 800 quãng đời chừng 62 năm một và nhận xét: "Chỉ trong khoảng 70 quãng đời sau cùng mới có thể thông tin từ quãng đời này đến quãng đời khác nhờ chữ viết. Chỉ trong 6 quãng đời sau cùng người ta mới thấy chữ in. Chỉ trong 4 quãng đời sau cùng mới có thể đo chính xác thời gian. Chỉ trong hai quãng đời sau cùng mới có động cơ điện. Hầu hết hàng hoá chúng ta dùng hàng ngày hiện nay được phát triển trong quãng đời thứ 800 chưa kết thúc".

Bạn thử đặt câu hỏi, vì sao khoảng trống trong lịch sử kéo dài đến vậy? Phải chăng là do hạn chế về mặt sinh học, hay cụ thể hơn, của bộ não người trong quá khứ?

Nhưng vấn đề chưa dừng ở chỗ đó. Xem xét kỹ hơn quãng thời gian gần đây nhất của lịch sử ta thấy phương Ðông đạt tới trình độ văn minh đáng kinh ngạc cách đây khoảng 5000-6000 năm nhưng sau đó đã dậm chân tại chỗ và chỉ mới lại sực tỉnh vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX. Trong khi đó lịch sử phương Tây cổ đại bắt đầu muộn hơn nhiều, 3000-4000 năm trước, nhưng đã tiến bộ vượt bậc và bỏ xa các nước phương Ðông, đặc biệt là trong khoảng 4-5 thế kỷ gần đây. Bạn giải thích ra sao về điều đó?

Trước hết, chúng ta phải loại bỏ những lý do sinh học vì những nghiên cứu khoa học cho thấy từ khoảng vài vạn năm trở lại đây con người thực tế không có biến đổi gì đáng kể về sinh học. Những công trình kiến trúc, những tác phẩm triết học cổ chứng minh rằng trình độ tư duy trừu tượng của con người cách đây 5-6 ngàn năm đã rất cao và thậm chí trong nhiều trường hợp còn vượt qua cả hiểu biết của khoá học hiện đại. Hơn nữa, lập luận đó cũng không thể giải thích sự thăng trầm của văn minh phương Ðông và phương Tây mà ta vừa nói ở trên.

Vậy gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Theo chúng tôi, sự trưởng thành và sau đó là sự phát triển của xã hội loài người gắn liền, hay nói đúng hơn là phụ thuộc vào mức độ thức tỉnh của con người đối với quyền tư hữu, một sự thức tỉnh đầy tính ích kỷ và mâu thuẫn.

Theo lối suy nghĩ dựa trên hệ thống quan niệm lưỡng phân chúng ta thường cho rằng công hữu được sinh ra như là một cái gì đó trái ngược hoặc là cái cân bằng của tư hữu. Thực ra, công hữu, với tư cách là hình thức quan hệ phổ biến giữa con người và vật chất, đã ra đời trước, mặc dù công hữu và tư hữu, hoặc là mầm mống của chúng, đã tồn tại song song trong đời sống bộ lạc nguyên thuỷ, và trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại sau đó, với vai trò chủ đạo khi thuộc hình thức này khi thuộc về hình thức kia. Trong đời sống bộ lạc nguyên thuỷ mọi thứ đều là của chung, kể cả quan hệ giới tính, nhưng con người cũng đã có quyền tư hữu đối với một vài vật dụng như đồ trang sức hay một vài con thú nhỏ nào đó.

Trong một xã hội cào bằng một cách ngây thơ và đơn giản như xã hội công xã nguyên thuỷ, thật khó tìm thấy một kích thích mang tính xã hội nào. Dĩ nhiên, ngay từ khi đó, những nhu cầu tự nhiên đã đòi hỏi cải tiến những công cụ thô sơ để đảm bảo cho đời sống cộng đồng. Nhưng mọi người đều có quyền như nhau thì cũng có nghĩa là thiếu-nghĩa-vụ như nhau, ít nhất về việc cải tiến công cụ. Việc cải tiến công cụ, vì thế, nói chung được tiến hành do công sức của rất nhiều thế hệ và không thể diễn ra nhanh chóng. Trên thực tế chúng ta thấy rằng thời kỳ công xã nguyên thuỷ kéo dài trong hàng chục vạn năm.

Ý thức về tư hữu xuất hiện đã trở thành tác nhân kích thích mang tính xã hội lớn lao đối với sự phát triển. "Sự thức tỉnh vĩ đại" - Chúng tôi không tìm thấy từ nào thích hợp hơn là để diễn tả một cột mốc quan trọng bậc nhất ấy trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Diễn ra cách đây vào khoảng 5-10 000 ngàn năm tuỳ thuộc vào khu vực trên thế giới, sự thức tỉnh ấy lập tức khiến cho xã hội thay đổi đến mức không còn nhận ra nổi. Nhưng điều đó đã diễn ra như thế nào? Ðầu tiên là vua chúa - thực ra là những thủ lĩnh bộ lạc - rồi đến một số thành viên nhận ra và có khả năng thu lợi cho cá nhân. Họ bắt đầu khai thác rồi dần dần có ý thức duy trì và tăng cường khả năng ấy. Chắc chắn ban đầu những hành động đó bị những thành viên khác chống lại, nhưng giống như một thứ dịch bệnh, nó lan truyền và không ngừng tàn phá cái thân thể đã già nua hàng vạn năm của chế độ công xã nguyên thuỷ. Bây giờ thì tất cả mọi thành viên của xã hội đều đã nằm trong vòng ảnh hưởng của đòn bẩy kích thích kinh tế. Một số người giàu lên nhanh chóng nhờ tài năng, nhờ may mắn hoặc những thủ đoạn. Ngoài việc cải tiến công cụ, họ bắt đầu tìm cách thay đổi cách tổ chức sản xuất để làm ra nhiều của cải hơn và thu lợi nhiều hơn. Sức lao động của tù binh trở nên quý giá và những cuộc chiến tranh đã nổ ra không chỉ nhằm tranh cướp của cải mà còn nhằm bắt thêm tù binh. Sau cùng người ta nghĩ ra cách thuê lao động để tổ chức kinh doanh kiếm lời. Thế là lần đầu tiên không chỉ có vua chúa mà cả thường dân cũng có thể bóc lột người khác. Xã hội đã bị phân chia thành các giai cấp. Ðó là một quá trình giản lược, thậm chí quá giản lược về những gì đã diễn ra mà chúng ta không thể biết chi tiết. Tuy nhiên, một quá trình có nhiều nét giống như thế có thể được quan sát thấy ở Liên Xô cũ và các nước XHCN Ðông Âu sau khi khối này sụp đổ.

Việc phân chia xã hội thành giai cấp càng thúc đẩy hơn nữa các nhân tố kích thích kinh tế. Vì mục đích bóc lột, họ càng ra sức cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện quá trình sản xuất và quản lý sản xuất...Bắt đầu một quá trình gia tốc về phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, những gì chúng ta đã được chứng kiến trong vòng vài ngàn năm ngắn ngủi gần đây.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập trên đây, sự thức tỉnh đã diễn ra không đồng thời ở mọi nơi trên thế giới và với mức độ triệt để cũng không giống nhau. Ở phương Ðông sự thức tỉnh diễn ra sớm hơn, có lẽ khoảng 6000 năm trước hoặc trước nữa. Ðiều này đã cho phép xã hội phương Ðông đạt được những thành tựu vượt bậc so với phương Tây. Tuy nhiên, do sự thức tỉnh ở khu vực này mang tính chất nửa vời, biểu hiện ở sự duy trì công hữu về ruộng đất, thứ tư liệu sản xuất quan trọng nhất, cho đến tận thế kỷ XIX, vì thế phương Ðông đã không thể đi nhanh được. Ngược lại, sự thức tỉnh diễn ra ở phương Tây muộn hơn nhiều, nhưng lại triệt để hơn. Ở phương Tây ngay từ thời cổ đại ruộng đất đã dựa trên cơ sở tư hữu. Sở hữu tư nhân về ruộng đất đã thúc đẩy việc tăng năng suất, cải tiến công cụ, đẩy mạnh sự phân công lao động, và từ đó là trao đổi, thương mại. Tất cả những điều đó cuối cùng làm phân chia giai cấp ngày càng sâu sắc và thúc đẩy sự ra đời cuả CNTB. Vì thế phương Tây đã đi nhanh hơn và cục diện thế giới cuối từ vài thế kỷ trở lại đây nghiêng hẳn về phương Tây. Tuy vậy, cuối thế kỷ XX đã xuất hiện những nhân tố mới. Phương Ðông, khởi đầu là Nhật Bản, bắt đầu nhận thấy thiếu sót trong nhận thức của mình. Và lần thức tỉnh thứ hai này đã đem lại cho Châu Á một làn sóng thứ hai của sự phát triển.

Nói như thế, có cảm tưởng rằng chúng tôi ca tụng thái quá hoặc một chiều vai trò của tư hữu đối với nhân loại? Không, hoàn toàn không có gì như thế cả. Có điều, cũng giống như khi Adam Smith khuyên chúng ta khi ăn chiếc bánh mì ngon hãy biết ơn sự ích kỷ của ông thợ bánh, đây là một trong những paradox lớn của nhân loại. Chẳng cần nhắc lại những gì xấu xa mà chế độ tư hữu đã đem tới - việc này Marx đã thực một cách tuyệt vời. Gần như đồng thời với sự ra đời của nền kinh tế tự do, con người nhận ra mặt trái của nó. Ðến thời kỳ tư bản chủ nghĩa, những mặt tiêu cực càng bộc lộ trầm trọng hơn: khủng hoảng, lãng phí, nạn thất nghiệp... Thế nhưng cũng chính Marx đã nói rằng chúng ta cũng không thể phủ nhận công lao của nó. Một câu hỏi đặt ra và làm đau đầu những người lãnh đạo quốc gia từ hàng ngàn năm nay là làm thế nào để hạn chế những mặt tiêu cực của nó?


2. Chủ nghĩa cộng sản tri thức

Nhà nước Cộng sản không phải là sản phẩm của riêng Platon hoặc các tiền bối và học trò của ông, cũng không phải là tác phẩm của cá nhân Marx hay của các nhà không tưởng, mà là ước mơ ngàn đời của toàn nhân loại. Chúng ta gặp nó trong các huyền thoại của nhiều dân tộc trên khắp thế giới, trong các tư tưởng triết học phương Ðông và thậm chí - điều này có vẻ lạ lùng - trong một số triết thuyết tư bản chủ nghĩa hiện đại, cho rằng CNTB đang được "xã hội hoá", rằng dưới CNTB hiện đại mọi người lao động đều có quyền và thực tế - thông qua nhiều hình thức, chẳng hạn mua cổ phiếu - đang dần dần trở thành những đồng sở hữu chủ tư liệu sản xuất, rằng hệ thống phúc lợi công cộng đang dần dần xoá bỏ các ranh giới giai cấp... "Từ không tưởng đến khoa học" - tuyên bố này đã không ít lần vang lên trong lịch sử nhân loại, và một trong những lần gần đây nhất là cùng với chủ nghĩa Marx, thường được liên tưởng đến Chủ nghĩa cộng sản. Nhưng đó là một liên tưởng sai lầm. Có rất nhiều thứ không tưởng, như Nước Chúa, như không tưởng Hồi giáo...Và không tưởng Tư bản chủ nghiã cũng không phải là ngoại lệ.

Các nhà tư tưởng mọi thời đại đều nhận rõ rằng nạn nghèo khổ, bất công, suy thoái và thất bại kinh tế, cũng như mọi tệ nạn xã có nguồn gốc là quyền chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Theo các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa, con đường giải quyết những mâu thuẫn, tệ nạn đó là đảm bảo cho người lao động có quyền sở hữu tư liệu sản xuất. Bằng cách nào? Họ trả lời: Bằng con đường công hữu hoá tư liệu sản xuất.

Theo lý thuyết, một khi xoá bỏ tư hữu, sự lãng phí do cạnh tranh gây ra sẽ không còn nữa, một cơ chế kế hoạch hoá hợp lý sẽ khiến cho việc sản xuất hướng vào phục vụ tối ưu cho nhu cầu của xã hội chứ không phải cho mục đích tăng lợi nhuận. Việc đầu tư được tập trung và tuân theo một kế hoạch hợp lý sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh chóng. Kết quả cuối cùng một xã hội phồn vinh, công bằng của nhân loại trở thành hiện thực.

Nhưng thực tế đã không suôn sẻ như thế. Mặc dù chế độ sở hữu nhà nước và tập thể đã từng có những thúc đẩy tích cực đối với kinh tế Xô Viết trong một vài giai đoạn ngắn, đặc biệt là trong thời chiến và giai đoạn đầu công nghiệp hoá, kể từ thập kỷ 60, càng ngày kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa càng lâm vào tình trạng trì trệ. Và cuối cùng, những khó khăn chồng chất đã làm sụp đổ toàn bộ hệ thống XHCN ở Ðông Âu.

Tuy nhiên, vấn đề sở hữu vẫn cứ là một đề tài được tranh luận không bao giờ dứt. Vấn đề là ở chỗ những tư tưởng của Marx vào thế kỷ XIX đã phản ánh được tri thức khoa học tiên tiến hơn tất cả các tư tưởng trước đó. Vấn đề còn ở chỗ liệu có phải sự sụp đổ của phe XHCN là do sự lỗi thời của chủ nghĩa Marx hay không? Nếu không thì vì cái gì? Và trong trường hợp đó liệu những luận điểm của CNXH về sở hữu có còn đúng hay không? Hoặc là nó cần phải được phát triển thêm, như Marx vẫn yêu cầu phải như thế đối với học thuyết của ông?

Ðể trả lời, chúng ta phải nhìn nhận thực thất những thay đổi lớn lao đã và đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới.

Những thay đổi bắt nguồn trước tiên từ đối tượng sở hữu. Ðối tượng này bao giờ cũng gồm ba bộ phận là những lực lượng vật chất (như ruộng đất, máy móc, tiền vốn...), sức lao động và tri thức. Tri thức về bản chất cũng chính là lao động được tích tụ từ đời này qua đời khác, không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm lao động sản xuất hay trình độ công nghệ mà thể hiện dưới những hình thức vô cùng đa dạng và phức tạp của đời sống tinh thần. Tri thức làm thay đổi lối sống, thay đổi giá trị của vật chất xung quanh. Ai cũng có thể nhận thấy rằng trước khi xuất hiện động cơ nổ, những quốc gia có nhiều dầu cũng chẳng biết làm gì, chẳng biết bán cho ai và cũng chẳng ai ai đến đầu tư khai thác. Trong những xã hội có trình độ sản xuất thấp kém, chỉ có ruộng đất, súc vật, máy móc, tiền vốn... và sức lao động (đặc biệt là sức lao động cơ bắp) mới được coi là những đối tượng sở hữu, mặc dù tri thức vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Mặc dù trong lịch sử vẫn có những trường hợp một gia đình hay một quốc gia giữ gìn một bí quyết nào đó, nhưng đặc điểm quan trọng nhất của tri thức vẫn là tính sử dụng vô hạn, là khả năng truyền bá. Tri thức có thể được chia xẻ cho tất cả mọi người mà không hề bị mất mát. Chính vì lẽ đó mà khi đóng thuyền, người ta chỉ nghĩ đến gỗ, đến sơn, đến đinh và công lao động mà không hề nhắc đến định luật Archimede hoặc những tri thức khác không thể thiếu để có được một con thuyền. Tri thức đối với sản xuất khi đó cũng giống như không khí đối với cuộc sống, ai ai cũng hít thở, nhưng chẳng ai phải trả tiền, chẳng ai sở hữu, hay đúng hơn, ai cũng có quyền sở hữu. Người ta thậm chí quên cả sự tồn tại của nó.

Sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật trong vài thập kỷ qua đã nhắc nhở loài người về sự lãng quên đó và trên thực tế vai trò của tri thức đã thay đổi rất nhiều. Thay cho đất đai, lao động, nguyên liệu và vốn, những nhân tố chủ yếu trong sản xuất ngày nay là tri thức dưới những dạng khác nhau như dữ liệu, thông tin, hình ảnh, ký hiệu, văn hoá, hệ tư tưởng và giá trị...Giá trị của công ty không chỉ còn là những tư liệu, nhà xưởng...mà ngày càng thể hiện nhiều hơn trong năng lực thu thập, sáng tạo, phân phối và ứng dụng tri thức. Các quốc gia phát triển nhất đang dần dần bàn giao những ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng và lao động cho các nước lạc hậu hơn, tầng lớp kỹ trị non trẻ nhưng đầy khát vọng và tràn trề sức mạnh, với những đại diện như Bill Gates, đang riết củng cố không gì cưỡng nổi những cái vòi bạch tuộc vô hình của họ.

Quá trình này bắt đầu từ lâu, nhưng những dấu hiệu rõ nét nhất của nó lộ ra vào khoảng những năm sáu mươi, khi cả các nước tư bản chủ nghĩa lẫn các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, sau khi đạt được những thành tựu đáng kính phục, lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Có thể hình dung đến một lúc nào đó tri thức sẽ ngự trị lên toàn xã hội. Khi đó máy móc, nguyên liệu, tiền vốn sẽ chỉ còn đóng vai trò rất thứ yếu trong nền sản xuất, tỷ lệ đóng góp của nguyên vật liệu, của vốn và sức lao động vào giá trị của hàng hoá sẽ chỉ còn rất nhỏ. Khi đó việc sở hữu những công xưởng mênh mông, với vốn đầu tư hàng tỷ đô la và sử dụng hàng triệu công nhân sẽ bị nhìn nhận như một cảnh tượng lỗi thời, hệt như ngày nay chúng ta nhìn nhận cơ ngơi của những địa chủ với hàng trăm mẫu ruộng cho cấy thu tô, hoặc như những chủ nô thời cổ đại có hàng trăm nô lệ.

Tuy nhiên, những đặc tính của tri thức mà chúng ta nêu ở trên thì không hề thay đổi. Tri thức, thứ tư liệu sản xuất chủ yếu của tương lai, tự nó đã là tài sản chung. Nói khác đi, theo chúng tôi, chính sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ thực hiện được công việc công hữu hoá tư liệu sản xuất mà ở thời đại của Marx chỉ có thể thực hiện được thông qua đấu tranh giai cấp, dưới hình thức cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thay đổi này sẽ là một bước ngoặt lớn lao đối với lịch sử loài người, có lẽ chỉ có sự thức tỉnh vĩ đại mà chúng tôi trình bày trong phần thứ nhất là có thể so sánh được với nó.

Ở thời đại của Marx, và cả trong hàng thế kỷ sau đó nữa, nền sản xuất công nghiệp có thể được hình dung gần như trọn vẹn như là sự kết hợp giữa nguồn lực vật tư, máy móc, thiết bị với sức lao động, chủ yếu là lao động trực tiếp. Ngày nay, một mô hình sản xuất mới đang hình thành. Hoạt động sản xuất không còn bắt đầu và kết thúc trong nhà máy, mà thực chất được trải rộng cả về phía trước và sau đó, trong đó chính lao động gián tiếp, dưới những hình thức khác nhau của tri thức, chứ không phải là lao động trực tiếp, chiếm phần chủ yếu của giá trị hàng hoá. Ðiều đó, một mặt nói lên năng suất ngày càng cao, mặt khác cho thấy rằng ranh giới giữa lao động sản xuất và phi sản xuất ngày càng mờ đi.

Tổ chức lao động thay đổi sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản của toàn bộ đời sống xã hội. Nếu như sự phát triển của nền sản xuất đại công nghiệp trong suốt mấy trăm năm qua khiến cho gia đình dần dần mất đi vai trò của nơi sản xuất, nơi giáo dục con cái, nơi vui chơi giải trí..., và cuối cùng bị rơi vào tình trạng tan rã thì nền sản xuất mới sẽ khôi phục lại vai trò của gia đình. Càng ngày càng nhiều khả năng để công nhân có thể làm việc mà không cần phải đến công sở. Các hoạt động văn hoá, giải trí cũng thay đổi, cho phép gia đình lại có thể đảm đương những chức năng của nó giống như trong xã hội nông nghiệp: giải trí, giáo dục, làm việc...

Ðời sống tinh thần của xã hội cũng sẽ có một bước ngoặt.
Trong giai đoạn thứ nhất, do tỷ trọng của sở hữu trí tuệ, thứ sở hữu không giới hạn và vô hình, ngày càng tăng lên, mọi người dân đang tự nhiên trở thành người đồng sở hưũ một phần tư liệu sản xuất ngày càng quan trọng hơn. Năng suất lao động tăng vọt, khiến cho của cải trong xã hội ngày càng dồi dào, và do lao động gián tiếp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn. Nếu như trong những giai đoạn trước đây, do nguyên vật liệu, khấu hao máy móc và lao động trực tiếp chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong giá trị sản phẩm làm ra, nhà tư bản chỉ có thể thu được lợi nhuận bằng cách bóc lột sức lao động của công nhân, thì sau này nhà tư bản có thể thu được lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần từ lao động gián tiếp, thể hiện ở sự áp dụng tri thức, mà không cần phải chiếm đoạt thêm phần lao động trực tiếp của người công nhân. Kết quả của việc đó là đời sống của người lao động cũng được cải thiện cơ bản, giúp cho mâu thuẫn giai cấp ngày càng bớt đi.

Trong giai đoạn tiếp theo, một khi vật chất sẽ dồi dào đến mức không còn đóng vai trò chủ yếu nữa trong sản xuất thì nó cũng sẽ dần dần mất đi ý nghĩa của đối tượng ham muốn, không còn là thứ động lực ghê gớm và bi thảm từng tồn tại trong hàng ngàn năm đối với con người. Các tiêu chuẩn đạo đức cũ cũng như tâm lý sùng bái sự giàu sang vật chất sẽ lung lay. Chắc chắn khi đó con người sẽ khao khát trở thành người chủ của một gia tài tri thức hơn là một gia tài gồm những toà nhà và mấy chục chiếc xe hơi.

Ðó chính là lúc, như Marx tiên đoán, không còn phân biệt giàu nghèo vật chất, mà chỉ còn những khác biệt về năng lực.

Trái đất sẽ là một thiên đường mang tên Karl Marx.

[1] Theo Câu chuyện lịch sử hay nhất về vũ trụ và con người của Hubert Reeves, Joel de Rosnay, Yves Coppens và Dominique Simonnet thì con người xuất hiện trên trái đất cách đây 3 triệu năm. (Cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt, NXB Khoa học kỹ thuật ấn hành, 1997- ND).
Nguồn: Khoa học và Tổ quốc, tháng 5. 2003