trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
24.12.2007
Chu Kình
Ngọc thực kiểu gì: Khảo sát an toàn thực phẩm ở Trung Hoa hiện thời
Phạm Toàn dịch
 
Có lẽ chỗ khác nhau lớn nhất trong cách ăn uống ở bên Tây và bên Trung Hoa, ấy là dân Trung Hoa thích ăn nhiều món lắt nhắt, còn người Tây thì ưng một “món chủ lực” thôi. Bên Tây, các nhà hàng và các cửa hàng bán món ăn nhanh cung cấp những đồ ăn tiêu chuẩn hoá quy định chặt chẽ về lượng. Còn người Hoa thì có truyền thống ăn vặt [1] . Vốn là nước nông nghiệp, nên nông dân ra đồng làm việc thường mang theo thức ăn cho mình rồi khi ăn thì mời bà con ăn cùng, hoặc đem đổi chác cho bà con làng bên. Nên với người Hoa, chất lượng món ăn vặt thành quan trọng – nó cho thấy trình độ bếp núc giỏi giang của bà vợ và giữ thể diện [2] cho cả gia đình. Thế là trải qua nhiều thế kỷ, chất lượng các món ăn vặt đó càng ngày càng ngon lên, và dần dần trên khắp đất nước Trung Hoa ở đâu đâu ta cũng có thể mua được các loại đồ ăn vặt vừa ngon vừa lành.

Tôi nghĩ rằng khi mọi người ăn quà vặt, niềm tin vào món họ ăn và nhu cầu giữ thể diện quan trọng hơn chuyện ăn uống. Nhưng bây giờ đây, những món “quà vặt” có lịch sử vẻ vang lâu đời ấy đang gieo kinh hoàng trong lòng mọi người [3] . Như món dưa muối chẳng hạn [4] . Món dưa muối đầu tiên là ở mãi Tứ Xuyên [5] nhưng hiếm có ai chưa từng nếm món ăn ngon lành đó. Nhưng bây giờ khi bạn tới Tứ Xuyên, bà con bè bạn sẽ bảo bạn thế này: “Thích ăn dưa muối hả? Có xí nghiệp ở Thành Đô làm món dưa muối bằng DDVP đấy [6] (DDVP = Dimethyl Dichloro Vinyl Phosphate – ND thêm).” Ngày xưa thì người nào ở Tứ Xuyên cũng ăn dưa muối, còn bây giờ thì những ông quản trị mấy xí nghiệp dưa muối nói rằng “Chúng tôi không ăn bất kỳ thứ dưa nào muối ở Tứ Xuyên nữa, chúng tôi chỉ làm ra rồi bán cho dân các tỉnh khác thôi”.

Sau mấy cuộc phỏng vấn kín đáo, rốt cuộc tôi cũng mò ra được sự thật trong ngành kinh doanh này. Giai đoạn quan trọng hơn cả trong quá trình muối dưa là giai đoạn ngâm. Tôi nhận xét thấy muối dùng để muối dưa [7] không những trắng hơn các loại muối khác mà còn mịn hơn. Tôi hỏi “sao muối trắng thế?”. Ông quản trị nói: “Muối này mua chợ đen, mỗi cân rẻ hơn được năm mươi nguyên”. Sau đó, ra ngoài sân xí nghiệp, tôi bắt gặp những dòng chữ in trên các túi đựng muối mấy chữ kinh hoàng này: “Muối công nghiệp” và “Không dùng cho người”.

Công nhân của xí nghiệp này chỉ cho tôi một cái sân khác có các bao muối công nghiệp đó, được xếp thành từng đống ngăn nắp. Tôi hỏi, “Từ trước tới giờ các anh vẫn dùng muối này à?” thì họ bảo “Phải”. Tôi hỏi, “Các xí nghiệp khác có dùng thứ muối này không?” Và các công nhân gật đầu. Mấy ngày sau, tôi trở lại xí nghiệp và nhìn thấy rất nhiều sâu bọ đang bò quanh vại dưa muối. Tôi hỏi sao lắm sâu bọ thế. Viên quản lý đáp, “Khi ngâm rau để muối dưa thì vẫn còn nhiều sâu bọ, nhưng bỏ hoá chất vào thì hết ngay ấy mà”. Lát sau, một công nhân bắt đầu cho hoá chất vào các vại. Tôi hỏi đó là hoá chất gì, anh ta nói đó là thuốc diệt sâu bọ. Anh ta cũng nói thêm rằng, để bảo đảm sâu bọ không xuất hiện lại trong vại, thì cứ hai hoặc ba ngày lại phun thuốc trừ sâu vào các vại dưa muối cho tới khi dưa được mang đi khỏi xí nghiệp. Khi tôi hỏi xem đó là loại thuốc trừ sâu nào, thì cả viên quản lý lẫn công nhân đều không rõ. Không thấy nhãn mác gì trên lọ hoá chất họ đã dùng, nên tôi lấy mẫu một chút chất lỏng màu đỏ ấy, cho vào lọ đóng kín và gửi tới Trung tâm Điều tra Thực phẩm Xuất nhập khẩu của Trung Hoa, thì được biết hoá chất đó có thành phần 99% là DDVP…

Chỉ có khoảng một phần ba dưa muối sản xuất ở Thành Đô [8] đáp ứng các quy cách do Vụ Thanh tra Chất lượng Thành Đô đặt ra. Ngày 16 tháng sáu năm 2004, Vụ Thanh tra Chất lượng Thành Đô công bố kết quả khảo sát dưa muối của họ. Trong 70 mẻ dưa của năm mươi sáu xí nghiệp, chỉ có 16 mẻ đạt yêu cầu, tỷ lệ như vậy là 22.86%. Có 17 mẻ chứa phụ gia cao hơn mức cho phép tối đa. Có 9 mẻ mang số lượng ít hơn ghi ngoài nhãn mác và 48 mẻ có nhãn mác ghi không đúng hoặc không ghi đủ thông tin. Vụ Thanh tra Chất lượng đã yêu cầu tất cả các công ty nào không đạt tiêu chuẩn phải sửa sai.

Tại Quý Châu [9] người ta thường nói “Ba ngày không ăn đồ chua, chân mềm oặt đứng không vững”. Các nhà hàng ở Quý Châu nổi tiếng về món canh chua nấu cá [10] , nhưng gần đây phát hiện ra 215 nhà hàng có vấn đề nghiêm trọng. Ngày 16 tháng sáu năm 2004, người ta tìm thấy ở 215 nhà hàng có chất “muối” thuốc phiện (opiate) liều cao trong món canh chua và trong hương liệu [11] , chính quyền đã bắt các nhà hàng đó đóng cửa. Trương Tân, đội phó đội chống ma tuý, nói với tôi rằng đơn vị chống ma tuý Quý Châu phối hợp với Trung tâm Phòng bệnh và Vụ Thanh tra Chất lượng Thực phẩm, cùng phát động chiến dịch chống bổ sung chất thuốc phiện vào thực phẩm. Một đội thanh sát phối hợp tiến hành nghiên cứu tại 2642 nhà hàng ở Quý Dương, Tất Giai và Lục Bàn Thuỷ đã tìm thấy trong thực phẩm bán ở 215 nhà hàng có vết tích chất “muối” thuốc phiện với liều lượng khác nhau. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, người ta đã tịch thu 3.200 gam chất thuốc phiện dạng hạt và 1.700 gam chất thuốc phiện dạng bao. Chính quyền địa phương đã bắt đóng cửa 215 nhà hàng và ra lệnh 36 nhà hàng khác vi phạm nhẹ hơn phải đi tập huấn lại. Người ta nói là nhiều nhà hàng chuyên bò, chuyên cừu, chuyên chó và chuyên canh chua ở Quý Châu đều bỏ chất “muối” thuốc phiện vào thức ăn để khách nhớ mà quay lại. Nguỵ Thao, phó thủ trưởng cơ quan phòng bệnh tỉnh Quý Châu nói với tôi là có tìm thấy dấu vết morphin trong các món canh ở nhiều nhà hàng, có khi với liều cao. Ông nói rằng nếu khách hàng ăn canh một thời gian dài thì sẽ nghiện, và có khi vì thế mà phải tìm đến các loại ma tuý nặng hơn.

Cũng vẫn ở Quý Châu, một khảo sát mới đây do Cơ quan Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia tiến hành đã thấy tại 30 điểm bán quẩy trên đường phố, lượng hàn the trong quẩy cao hơn tiêu chuẩn cho phép [12] . Không một cửa hàng nào đạt chuẩn cả. Thậm chí một cửa hàng còn có lượng hàn the cao gấp 11 lần cho phép. Nguyên nhân là ở chỗ những người làm hàng đó không có hiểu biết về an toàn thực phẩm, và trong quá trình chế biến họ đã cho hàn the cao quá mức vào bánh quẩy.

Theo một nhà sản xuất thực phẩm, các nhà hàng có bán món cá rán dầu đều có xu hướng dùng đi dùng lại dầu đã rán. Thường là những người chạy bàn cứ vứt cá rán ăn thừa vào cái rổ thưa mắt cho dầu nhỏ giọt xuống chiếc chậu sắt đặt bên dưới. Đêm đến, họ tách lấy dầu rồi sau đó họ dùng lại dầu đó và đánh lừa khẩu vị bằng cách thêm rất nhiều ớt vào để không ai thấy đó là dầu dùng lại. Vì thế mà “cá rán dầu” đã thành “cá rán nước bọt”.

Bánh da là một món ăn nổi tiếng ở huyện Quan Chủng của tỉnh Thiểm Tây. Với thành công tài nghệ của nhiều kịch sĩ Thiểm Tây, các món quà làm bằng bánh da này đã thành phổ cập khắp trong nước. Nhưng gần đây đã phát hiện những chuyện kinh khủng về món bánh da này bán ở Bắc Kinh: có nhà sản xuất phi pháp đã nhào bột bằng chân rồi còn thêm nước đái và nước bọt trộn vào nữa.

Bánh da thái ra làm thành món mì sợi nổi tiếng khắp cả nước, và phụ nữ đặc biệt thích ăn món này vào mùa hè. Nhưng ngày 18 tháng sáu năm 2004, một công nhân mười bảy tuổi tại một xí nghiệp làm bánh da tại huyện Thiệu Dương [13] đã kể với một phóng viên báo chí về cung cách ghê tởm người ta dùng để sản xuất món này. Anh ta kể rằng họ nhào bột như giặt quần áo loại vải dầy, nhiều khi mệt quá họ không “giặt” bằng tay nữa mà “vò” bằng bàn chân. Nếu có miếng bột nhào nào rơi xuống nền nhà bẩn thỉu, họ nhặt lên và ném luôn vào đám bột đang nhào. Hết một ngày làm việc, họ không bao giờ nghĩ đến chuyện rửa ráy các vật dụng nhào bột trong ngày. Sau khi đi đại tiểu tiện xong, họ không rửa tay và làm việc luôn. Nhìn thấy chuyện đó thì ông chủ cũng chỉ cười và bảo “đừng cho ai nhìn thấy!” Có khi do bị chủ mắng chửi hoặc bị cúp lương, bọn họ còn đái vào bột nhào. Đôi khi các bạn thợ còn thấy những người cùng làm có chuyện tức giận đã nhỏ bọt vào nồi đang luộc bánh da thái sợi. Người công nhân trẻ này còn kể là có hơn chục trẻ em làm việc bất hợp pháp với anh ta trong xí nghiệp. Người chủ đã đem chúng từ Thiểm Tây về đây làm, đứa nhỏ nhất mới mười bốn tuổi. Chúng không có giấy chứng nhận sức khỏe, và nhiều đứa không có giấy tùy thân.

Tết Đoan ngọ [14] vốn là dịp để người Trung Hoa bày tỏ lòng đồng cảm và công bằng. Chất lượng của món cơm lam (xôi nấu trong ống tre) cắt thành khúc nhỏ từ bao đời vẫn được đem cúng người anh hùng Khuất Nguyên thì gần đây đã thành chuyện bàn tán xôn xao. Đó là vì dính vào chuyện này là những người buôn bán bất hợp pháp vô đạo đức chỉ cốt lợi dụng ngày lễ để làm tiền.

Vào dịp Đoan ngọ ngày 11 tháng sáu năm 2004, các cơ quan quản lý thị chính, công nghiệp, thương nghiệp và vệ sinh thành phố Bắc Kinh đi thanh tra một xí nghiệp hoạt động chui sản xuất cơm lam ở khu Tân Định. Các cơ quan này đã tịch thu hàng tấn các miếng cơm lam cùng một mẻ phụ gia bất hợp pháp trị giá tới 180 nghìn nguyên. Xí nghiệp chui này không thực hiện đúng bất kỳ quy định vệ sinh cơ bản nào, ba bề bốn bên toàn là rác rưởi, bốn công nhân làm ở đó không có chứng nhận sức khỏe hoặc sổ lao động. Hoạt động ở đây hoàn toàn bất hợp pháp.

Vào cùng ngày đó còn khám phá ra vụ sản xuất đậu phụ nữa [15] . Kể từ ngày 1 tháng bảy năm 2003, việc sản xuất đậu phụ đã được đưa vào quy cách và cấm hoàn toàn việc bán đậu phụ không đóng gói. Nhưng tại một vài chợ ven đô, có những người vẫn bán thứ đậu phụ mất vệ sinh không đóng gói. Thường thì loại đậu phụ không đóng gói đó được bán thẳng cho các khách sạn, nhà hàng, công ty và nhà ăn tập thể của trường học. Do chỗ giá rẻ và các quy định thực thi lỏng lẻo nên đậu phụ không đóng gói vẫn được mua bán bình thường. Loại đậu phụ này bây giờ lại thấy bán ở các chợ, dù là không công nhiên. Loại “đậu phụ đen” này được bán khi không có mặt các viên thanh tra, hoặc có khi được cung cấp thẳng tới tận nhà người tiêu thụ.

Một nhà sản xuất đậu phụ kể rằng ông đã từng đi theo một người làm đậu phụ bất hợp pháp từ xưởng của anh ta tới chợ Bát Lý Kiều, và phát hiện ra rằng giờ giao hàng đã được người ta đổi từ 5 giờ sáng lên thành 2 hoặc 3 giờ sáng. Một người trong cuộc khác cho tôi biết rằng để duy trì các xưởng sản xuất đậu phụ này, ta không cần vốn liếng nhiều - chỉ tối đa là 2000 nguyên. Thiết bị duy nhất của họ là cái máy nghiền chạy điện, một thùng dầu hỏa cũ và một ống tuýp cao su.

Trước hết họ cho đậu tương vào cái túi vải [16] và chẳng cần kiểm tra xem có sạn sỏi gì không, sau đó đem nhúng tất cả vào nước rồi đem ra xay. Tiếp đó, đậu xay rồi được cho vào cái rá mắt thưa rồi đem ép trong vòng vài ba tiếng đồng hồ là xong. Người cung cấp thông tin cho tôi nói rằng loại đậu phụ này chỉ có 4% protein trong khi lượng protein trong đậu phụ sản xuất tại các xí nghiệp hợp pháp là từ 70 đến 80%. “Nói thật nhé, những nhà sản xuất đó không bán đậu phụ, họ bán nước lã”, ông ta bảo tôi như vậy.

Người Trung Hoa ăn đậu phụ có cả vài ngàn năm rồi. Đang có những người Hoa ở nước ngoài định phát triển đậu phụ thành món ăn lành nhất cho thế kỷ 21. Nhưng những câu chuyện như thế chắc chắn sẽ làm mất thanh danh đậu phụ ở nước ngoài.

Càng lúc chúng tôi càng thấy các món ăn nổi tiếng này bị hủy hoại ngay trước mắt mình: đó là trường hợp bánh trung thu [17] nhân bị thối, là món chân giò lợn “xíu mại” đầy hóa chất DDVP, thịt lợn thịt bò thái mỏng đầy chất độc. Rồi còn có tin tức về lợn bị nhiễm độc vì nuôi bằng “bột tạo thịt nạc”, về giá đỗ có chất độc. Loại cá khô mặn ở Quan Hải vốn nổi tiếng ở vùng Thái Sơn, tỉnh Quảng Đông. Gần đây, được tin là loại cá Quan Hải đó được bảo quản bằng hóa chất DDVP. Một nhà báo đi thăm một xí nghiệp cá khô đó ở làng Hoàng Long, nơi đóng hầu hết các xí nghiệp cá khô, đã được một công nhân cho biết về quy trình hết sức thô sơ ở nơi đây. Cá mới đầu được ướp muối, sau được rửa đi, đem phơi khô, rồi đóng hộp và đem bán. Công đoạn quan trọng nhất trong quy trình này là khâu rửa cá. Anh phóng viên được tận mắt thấy sau khi họ rửa cá xong thì liền cho thêm một thứ dung dịch vào trong vại gỗ, và vừa mới cho thứ nước đó vào thì bên trên miệng vại liền thấy sủi bọt. Anh kia giải thích đó là hóa chất DDVP dùng trong nông nghiệp, vẫn dùng để diệt côn trùng. Nền sàn đầy muối, công nhân đi lại xéo lên muối. Có khi còn có cứt gà từ những con gà nuôi cạnh đó. Mặc dù sản xuất theo cung cách kinh hoàng như vậy song cá khô vẫn bán chạy. Dân tự miền Bắc cũng xuống mua. Phần lớn người tiêu thụ là từ Quảng Châu, Giang Môn, Huy Đông, Huy Châu, có khi từ Hồ Nam và Quảng Tây nữa.

Xưa kia chúng ta thường nói “dân dĩ thực vi thiên”, thức ăn là ngọc thực, nhưng bây giờ sau biết bao nỗi “đe dọa thực phẩm” [18] như vậy, người dân hoàn toàn không còn tin tưởng gì nữa vào miếng ăn đưa lên miệng. Không có gì là quá đáng khi nói rằng bây giờ có cả một “nỗi kinh hoàng thực phẩm”: gạo sát trắng bằng kim loại, mì sợi đầy chất phụ gia độc hại, hoa quả đầy hóa chất và thúc cho chín nhanh bằng hóa chất, rau được bảo quản cho tươi xanh bằng thuốc trừ sâu… Ai còn có thể bình tĩnh trước hoàn cành kinh hồn đó?

Tiếp theo dưới đây là trích những báo cáo về an toàn thực phẩm chúng tôi mới có được.

Ngày 5 tháng bảy năm 2004, tờ Nhân dân nhật báo cho biết một khảo sát cho thấy 82% dân chúng thấy sợ trước tình trạng an toàn thực phẩm của Trung Hoa và 90% người được phỏng vấn đều tỏ ra lo lắng về tình trạng an toàn thực phẩm. Hơn một nửa số người được hỏi đều sợ trước tình trạng thực phẩm không tuân thủ tiêu chuẩn nhà nước, số còn lại lo sợ về thực phẩm hàng giả và thực phẩm bán quá hạn. Khảo sát này tiến hành tháng 5 và tháng 6 năm nay tại 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố.

Cuộng rau muống có chất độc đang được bán ở khắp các chợ trong cả nước. Ngày 13 tháng ba năm 2004, đội thanh tra vệ sinh thực phẩm Thẩm Dương phát hiện bảy ô tô tải chất đầy 24 tấn rưỡi cuộng rau muống có chất diêm sinh (sulphur dioxide) cao hơn 200 lần cho phép. Thế rồi lại phát hiện ra rằng tại các vùng trồng nhiều rau muống lấy cuộng đó – ở khu Bình Hành tỉnh Hồ Nam – chuyện 24 tấn rưỡi này chỉ là chỗ nhô lên của tảng băng trôi. Theo cơ quan Y tế thành phố Hành Dương, số 24 tấn rưỡi rau bẩn đó là từ vùng Dengdong, nhưng cũng có cả rau bẩn từ vùng Thiểm Tây và Phúc Kiến, điều đó cho thấy là việc tưới rau bằng diêm sinh là điều diễn ra trong cả nước. Dương Ngô, chủ tịch công ty rau muống cuộng Dương Ngô tỉnh Hồ Nam nói với tôi “năm nay đã sản xuất hai ba ngàn tấn rau độc” như thế.

Tính độc hại trong rau muống cuộng này là do thêm chất gọi bằng “Bột Jiaoya”, 30% của phụ gia này là diêm sinh [19] . Theo “Tiêu chuẩn an toàn phụ gia thực phẩm Trung Hoa năm 1992”, bón diêm sinh cho rau muống cuộng là phi pháp, cho dù đó là đưa vào để bảo quản hoặc để làm trắng cuộng rau.

Một ông có quầy hàng rau ở Dengdong nói với tôi là vào năm 1992 khu Bình Hành tỉnh Hồ Nam bắt đầu trồng rau muống lấy cuộng. Họ học mót kỹ thuật từ Dengdong là đưa thêm diêm sinh vào khi chế biến. Thu hái rau muống xong, người ta liền cho vào bao nhựa to, sau đó cho bột diêm sinh vào. Cứ mỗi 100 cân [20] cuộng rau muống thì cho vào khoảng 5-6 cân bột sulphur. Tính ra, cứ 8 cân cuộng rau muống tươi cho khoảng 1 cân rau khô, thì cứ 20 cân cuộng rau muống khô phải chứa một cân diêm sinh.

“Chúng ta không ăn cuộng rau muống, chúng ta ăn diêm sinh!” Li Yingwu nói. Đây mới chỉ là bước thứ nhất. Các sản phẩm còn được bổ sung diêm sinh trong khi phơi và trong các công đoạn khác nữa, sao cho tới khi chúng nằm trên đĩa rau trên bàn ăn của ta thì lượng diêm sinh đã hàng trăm lần cao hơn tiêu chuẩn được phép rồi.

Theo công trình nghiên cứu, nếu ta ăn một lượng diêm sinh cao thì sẽ thấy có các triệu chứng ngộ độc – chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, hôn mê, đau bụng, v.v… và ăn trong thời gian dài thì sẽ đau gan và thận. Ăn diêm sinh cũng có thể bị ung thư. Chất diêm sinh liều lượng cao nằm trong rau muống cuộng là quả bom nổ chậm. Nhưng nông dân không biết vậy, và chính họ cũng ăn rau đó hàng ngày.

Các nhà thơ và triết gia phương Tây thường dùng muối làm ẩn dụ để nói về tình yêu và tình bạn [21] , còn theo truyền thống thì người Trung Hoa bao giờ cũng coi muối là một trong bảy mặt hàng phải nhớ mà mua khi đi chợ, nhưng giờ thì muối cũng gây độc. Tại Trung Hoa, có 403 người đã bị ngộ độc vì ăn muối, trong đó có 2 người đã chết. Trong cảnh báo năm nay của Sở Y tế có khuyến cáo người dân hãy mua muối có nguồn gốc đáng tin cậy, và không bao giờ nên mua sữa chợ đen cả.

Muối có diêm sinh [22] là do phụ gia thêm vào khi chế biến để giữ được màu muối. Thứ phụ gia này rất độc. Ăn vào 3 gam thôi là đủ chết. Ngộ độc nặng dẫn đến các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đau ngực, khó thở, hồi hộp, nôn mửa, tiêu chảy, v.v… Ngộ độc nặng còn có các triệu chứng như mất tập trung, mất ngủ, mất ý thức, khó thở và có thể chết.

Một báo cáo thuộc cơ quan y tế cũng cho biết nhà hàng Vạn Gia Đăng Hỏa ở Bộc Trung, Thiểm Tây đã làm cho 168 người bị ngộ độc, và nhà hàng Xuân Phương Đăng ở khu Gan tỉnh Thiểm Tây đã sử dụng bất hợp pháp muối có diêm sinh làm cho 115 người bị ngộ độc. Tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm có 117 người bị ngộ độc vì nhà hàng bán muối có dùng diêm sinh. Tại Hàm Ninh tỉnh Hồ Bắc, ba người trong một gia đình bị ngộ độc vì ăn muối, hai người đã chết…

Ngày 11 tháng sáu năm 2004, chính quyền Bắc Kinh cảnh báo công chúng không ăn cá hồi sống để đề phòng bị ngộ độc vì chất listeria [23] . Cùng thời gian này, Sở Công thương Bắc Kinh cảnh báo công chúng ăn rau quả và hạt khô có chừng mực thôi vì 87.1% các sản phẩm đó không đáp ứng quy định về hàm lượng diêm sinh. Và cũng trong cùng một ngày đó, Sở Công thương cũng nêu tên 43 sản phẩm chứa các chất phụ gia phi pháp. Ngày 21 tháng 7, cơ quan vệ sinh thực phẩm ra thông báo cho cư dân thành phố không ăn ốc biển. Nguyên do là vì vào ngày 13 tháng 7, thành phố Dương Xuân đã phát hiện những vụ ngộ độc vì ốc biển – 55 người bị ngộ độc và 1 người đã chết. Bản thân ốc biển thì chẳng có gì độc, mà do chúng ăn phải các chất độc nên ốc biển thành độc.

Vào mùa hè ăn rau thật nguy hiểm. Mùa hè rau có nhiều sâu, và nông dân phun hóa chất liều cao hơn để diệt chúng. Điều đáng sợ là các côn trùng đó lâu dần đã kháng hóa chất, và để tiêu diệt sâu, nông dân đã dùng cả loại thuốc trừ sâu bị chính phủ cấm. Và cũng có ít nông dân biết rằng phải đợi đủ 15 ngày sau khi phun thuốc trừ sâu thì mới được thu hái rau đem bán. Trong một trường hợp ngộ độc vì ăn rau xanh ở Ngô Châu thuộc tỉnh Giang Tây, nông dân mới phun thuốc sâu có năm ngày đã thu hoạch rau đem ra chợ bán rồi.

Còn có nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khác nữa. Chiều ngày 8 tháng sáu năm 2004, 15 cán bộ Công ty Năng lượng Mặt trời Yuxi ở Bắc Kinh bị ngộ độc vì ăn phải hạt đậu sống. Cùng ngày, nhà ăn tập thể của văn phòng công ty Luoyang ở Bắc Kinh bỏ thêm 28 gam muối có diêm sinh vào 18 cân thịt gà, làm cho 16 người bị ngộ độc. Và ngày 6 tháng năm, sau bữa tiệc cưới ở làng Dahe tỉnh Hồ Nam [24] , một trăm người đã bị ngã bệnh. Cơ quan y tế khu nghi rằng đó là do họ ăn phải món chân gà. Ngày 19 tháng năm, hơn 100 sinh viên đại học Trường Xuân bị ngã bệnh sau khi ăn cơm rang trứng ở nhà ăn tập thể. Nguyên nhân ngộ độc là do bỏ muối có diêm sinh vào thức ăn. Ngày 17 và 18 tháng năm, học sinh trường tiểu học khu Thạch Thành tỉnh Hồ Nam bị ngộ độc thức ăn, 47 cháu phải vào bệnh viện. Nguyên nhân là thức ăn bẩn và đầy vi khuẩn. Ngày 18 tháng bảy, 9 nhân viên một công ty ở khu Thiệu Dương thuộc Bắc Kinh ăn món đặc sản lòng ở nhà hàng Quan Đông. Sau bữa ăn, 9 người bị nôn mửa và choáng váng, bệnh viện xác định họ bị ngộ độc muối có diêm sinh.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]http://www.lettre-ulysses-award.org/about.html
[2]http://www.opendemocracy.net/arts-Literature/ulysses4_3927.jsp
[3]http://www.opendemocracy.net/arts-Literature/ulysses3_3917.jsp
[4]http://www.opendemocracy.net/arts-Literature/ulysses6_3944.jsp
[5]http://www.opendemocracy.net/arts-Literature/ulysses1_3896.jsp
[6]http://www.opendemocracy.net/arts-Literature/ulysses5_3938.jsp
[7]http://www.opendemocracy.net/arts-Literature/kathmandu_3907.jsp
[8]http://www.opendemocracy.net/arts-Literature/zimbabwe_2922.jsp
[9]http://www.chinaplanner.com/cuisine/snacks/index.htm
[10]http://en.wikipedia.org/wiki/Face_%28social_custom%29
[11]http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2004-06/22/content_341431.htm
[12]http://www.bbc.co.uk/dna/h2g2/A3100168
[13]http://www.travelchinaguide.com/cityguides/sichuan/index.htm
[14]http://www.pesticideinfo.org/Detail_Chemical.jsp?Rec_Id=PC33362
[15]http://www.saltinstitute.org/38.html
[16]http://en.wikipedia.org/wiki/Chengdu
[17]http://english.china.com/zh_cn/gourmet/food/11020891/20040929/11899345.html
[18]http://www.flickr.com/photos/5daygirlfriend/164830415/
[19]http://www.pbs.org/wgbh/pages/frontline/shows/heroin/etc/history.html
[20]http://www.prn2.usm.my/mainsite/bulletin/sun/1995/sun37.html
[21]http://www.bjchy.gov.cn/english/asc.htm
[22] http://english.people.com.cn/200406/22/eng20040622_147154.html
[23]http://en.wikipedia.org/wiki/Tofu
[24]http://www.newstatesman.com/200607240028
Nguồn: Trích từ What Kind of God: A Survey of the Current Safety of China's Food - Phóng sá»± văn học, 2004, Flora Drew dịch từ tiếng Hoa. Xem thêm: "Quí ngài đừng bao giờ nên Ä‘i ăn ở nhà hàng!", talawas 22.12.2007.