trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
1.2.2008
Sức Mấy
Chuột và người
 
Giải Nobel Y khoa năm 2007 được trao cho ba nhà nghiên cứu Mario R. Capecchi; Oliver Smithies; và Sir Martin Evans. Cả ba đã được tặng giải thưởng cao quý nhờ công trình nghiên cứu từ thập niên 80 về cách tìm hiểu qua “gen” của loài chuột, để biết rõ các căn bệnh nguy hiểm của loài người như ung thư, áp huyết cao, tiểu đường, và bệnh Alzheimer. Chuột thường bị coi là kẻ thù của người, nhưng lại cũng đóng góp xương máu để cứu nguy, chữa bệnh cho người. Ranh giới giữa bạn và thù, thật quá mong manh.

Các nhà khoa học được giải Nobel, dầu sao cũng chỉ nghiên cứu chuột trong phòng thí nghiệm. Họ chỉ biết có những giống nhau giữa cơ thể chuột và cơ thể người, nhưng có lẽ không biết được cách suy nghĩ, phản ứng, thói quen hay nếp sinh hoạt trong cuộc sống tự nhiên của chuột. Người viết bài này đã có cơ hội theo dõi chuột qua một phần cuộc sống thực của chúng ở ngoài đời, và còn nhớ được một số nhận xét.

Vào đầu thập niên 70, tôi sống một mình, trong hơn một năm tại một căn phòng trên lầu một biệt thự ở đường Hoàng Diệu, Sài Gòn. Phòng không có máy lạnh, cửa sổ mở tối ngày cho thoáng, trên trần lúc nào cũng có vài ba con thạch sùng. Một hôm, bạn thân Lê Triết đem cho khẩu súng bắn hơi “baby gun”, với một hộp đạn chì 500 viên, nói là để thỉnh thoảng bắn thạch sùng cho đỡ buồn. Nhưng tôi chỉ bắn thử vài con, rồi thôi. Vì xác chúng rơi xuống, cái đuôi vẫn còn giãy một hồi, ớn lắm. Có khi chỉ có đuôi rớt xuống, còn nạn nhân cụt đuôi chạy mất tiêu.

Cách phòng tôi chừng bốn mét, là dãy nhà phụ phía sau, nối với nhà chính bằng lối đi ở cả tầng trệt và tầng lầu. Đối diện với cửa sổ phòng tôi là một sân thượng nhỏ, đầu dãy nhà phụ, bên hông nhà bếp của tầng lầu. Góc sân thượng có thùng rác. Hàng ngày, tôi chứng kiến một đàn chuột khá đông, con nào cũng lớn bằng cổ tay, kéo tới kiếm ăn bên trong, hoặc quanh thùng rác. Khi chúng tới, có một con đi đầu, chắc là lãnh tụ. Nhưng khi chúng bới rác kiếm ăn, tôi không còn phân biệt được chuột lãnh tụ với chuột thường. Đây là điểm khác người, vì trong xã hội loài người, lãnh tụ thường chỉ ăn, và ăn nhiều, mà không phải kiếm ăn. Mỗi khi thấy người, chúng chạy tán loạn, lãnh tụ chạy lẫn với chuột thường. Điều này cũng khác người, mỗi khi nguy hiểm, lãnh tụ thường chạy trước. Nhưng chúng chỉ chạy đi trong chốc lát, rồi quay trở lại.

Quan sát đàn chuột sinh hoạt trong thời gian khá lâu, rất ít khi thấy chúng tranh ăn với nhau. Đặc biệt, không bao giờ thấy chúng đánh nhau, hay cắn nhau tới chết, hoặc bị thương. Ngược lại, có vẻ hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc muu sinh. Có người kể, nhưng tôi không được tận mắt chứng kiến, là chuột có phương pháp lấy trứng rất tài. Một con dùng cả bốn chân ôm chặt quả trứng, để con khác cắn đuôi lôi về tổ. Loài người khó hợp tác kiểu này, vì khó tránh được án mạng khi phân chia phẩm vật. Kẻ ôm cho rằng nhờ mình ôm mới có trứng, lại còn bị cắn đuôi lôi đi, đau rướm máu vẫn không la, nên đáng được phần hơn. Kẻ kéo bảo mình có công nhiều hơn, phải tận lực kéo cả trứng lẫn kẻ ôm, không kéo làm sao có trứng?

Không có kiên nhẫn của nhà khoa học, quan sát chúng mãi cũng chán, lại sợ chúng đem bệnh tới, như trận dịch hạch khủng khiếp thời trung cổ mà chuột đóng vai chính trong việc phát tán, tôi bèn nảy ra ý định dùng cây súng hơi để tiêu diệt chúng. Dự tính sẽ hạ từng tên một, cho đến khi thanh toán hết mới thôi.

Chuột cũng như người, mông là mục tiêu dễ nhắm nhất. Nhưng mỗi lần lẩy cò, khi tai nghe tiếng “đẹt”, mắt chỉ thấy cái mông bị nhắm vạy đi một chút, giống các mệnh phụ quý tộc nhún mình chào vua chúa, rồi cả đàn chuột chạy mất. Ít phút sau, chúng lại kéo đến, như chẳng có chuyện gì xẩy ra.

Bắn mông không kết quả, tôi đổi sang nhắm đầu. Nhưng so với những cái “vòng số ba” đồ sộ, đầu nhỏ hơn, khó trúng. Nhiều khi đám chuột chạy vì hoảng hốt khi nghe tiếng “đẹt”, chứ chẳng con nào hề hấn gì. Tôi vẫn không bỏ cuộc. Cho đến một hôm, một con lăn ra chết vì trúng đạn. Quan sát tử thi, không thấy máu me thương tích gì cả. Tìm mãi mới rõ nguyên nhân: Đạn trúng ngay lỗ tai, khiến chú chuột chết không kịp ngáp. Tất nhiên, con chuột này tới số, chẳng may đạn trúng chỗ hiểm, không phải tôi bắn giỏi tới mức nhắm trúng lỗ tai. Điều làm tôi ngạc nhiên, là từ đó về sau, không còn con chuột nào bén mảng tới gần thùng rác nữa. Khiến dự tính lần lượt hạ từng tên một, bỗng nhiên phải chấm dứt. Sự việc xẩy ra đúng với lời dạy của người xưa dành cho loài người “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người, vạn người sợ).

Điều khó hiểu là bằng cách nào, sự việc xẩy ra rất nhanh, trong khi cả đàn chạy tán loạn, và con chuột trúng đạn chết ngay, không có cơ hội thông báo cho đồng bọn, tại sao chúng biết được một con đã chết? Những lần khác, một con trúng đạn nhưng không chết, chúng cũng chạy tán loạn, nhưng ít lâu sau đã trở lại. Phải chăng đã có cuộc điểm danh, thấy mất một tên, khiến cả bọn ý thức được một việc nghiêm trọng đã xẩy ra: không phải chỉ là chuyện rát mông như trước, mà có một đồng bọn đã chết, nên tất cả không ai trở lại nữa?

Vậy, có thể nói, chuột đã đủ thông minh để nhận ra chân lý: Ở đời chẳng bao giờ có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng”, nên dù bị rát mông mà có ăn, cũng nên trở lại. Nhưng, đồng thời cũng nhận ra rằng: “ăn để mà sống”, nên nếu phải chết vì miếng ăn, là điều vô lý. Do đó, nhất định không trở lại chỗ có thể chết, dù biết rõ nơi đó có ăn. Trong trường hợp này, giữa chuột và người, ai hơn ai? Có người đã lăn xả vào chỗ chết, chỉ vì miếng ăn. Những người này không khôn bằng chuột, hay chuột không can đảm bằng người? Nếu chuột sinh hoạt theo hướng dẫn của lãnh tụ, thì đàn chuột do tôi quan sát đã có một lãnh tụ sáng suốt, biết quý trọng mạng sống, không xô đẩy đồng loại vào chỗ chết uổng. Tôi xin ngả nón trước lãnh tụ chuột vô danh này, và ghê tởm những lãnh tụ người không được như chuột.

Có lẽ vì sợ chết, chuột đã bị loài người gán cho tiếng xấu. Theo chữ Nho, người Tầu gọi chuột là “thử”, và dùng chữ “thử bối”, tức bầy chuột, để chỉ một bầy tiểu nhân. Cũng như dùng chữ “thử kỹ”, là nghề hay của chuột, để chỉ tài nghệ của bọn tiểu nhân. Người nhát gan mà hay rình lén, bị gọi là người có mắt chuột (thử mục). Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tuổi Giáp Tý, không phải bị gán cho, mà đúng là người có tướng thử mục. Tuổi Chuột mà có tướng thử mục, là trúng cách, hay quý tướng. Càng nhát, càng làm lớn. Chuột mà không nhát, chết như chơi!

Tuy người Tầu đồng hóa chuột với bọn tiểu nhân, nhưng theo cuốn truyện nổi tiếng Trại súc vật của George Orwell, trong một đại hội súc vật, trước cuộc cách mạng long trời lở đất chống lại loài người bẩn thỉu, chuột đã được đa số bầu là bạn của súc vật, tức là thuộc thành phần cao quý tiến bộ, không thuộc thành phần kẻ thù như loài người. Cuộc bầu cử này coi như đã phục hồi danh dự của chuột.

Nhưng không phải lúc nào chuột cũng tránh cái chết. Thỉnh thoảng báo đăng, có những đàn chuột hàng ngàn, hàng triệu con, nối đuôi nhau đi nhiều dặm đường, kéo tới một vách đá trên bờ biển, thường là tại những nơi hẻo lánh ở châu Phi, rồi con nọ theo con kia, nhảy xuống biển mà chết. Hành động này, tất nhiên không phải vì miếng ăn tầm thường. Mắt chuột sáng hơn mắt người, có thể nhìn rõ ngay cả trong đêm tối. Trước khi nhảy, chúng phải nhìn thấy phía dưới là nước biển xanh thẫm, sâu thăm thẳm, không phải là chậu phó-mát mầu vàng. Vậy, khi chúng tự nguyện nhảy vào chỗ chết, chắc phải do một niềm tin cao cả nào đó, như tin sẽ được làm anh hùng, hay làm thánh. Rất có thể một lãnh tụ chuột tài ba đã tạo được niềm tin, khiến đàn chuột tin mà không cần thắc mắc, rằng cứ theo nhảy xuống biển, rồi sẽ được mãi mãi hưởng một cuộc sống thần tiên, được lấy một trăm “trinh thử” (chuột còn trinh), hay được hóa kiếp thành... mèo.

Dưới mắt người, những vụ chuột theo nhau nhảy xuống biển chết tập thể thật khó hiểu, và có vẻ ngu si đần độn. Trong các sinh vật, hầu như chẳng có loài nào hành động lạ lùng như thế. Trừ loài người. Riêng trong thế kỷ trước, đã có hàng trăm triệu người theo nhau vào chỗ chết. Tự nguyện hay cưỡng bách. Từ một hành tinh nào đó, nếu có một loại sinh vật khổng lồ, quan sát sinh hoạt của loài người trên trái đất, giống như loài người quan sát sinh hoạt của loài chuột, ắt cũng không thể hiểu nổi thỉnh thoảng có những đám đông hàng triệu người, dàn trận đánh nhau, dùng đủ loại võ khí tiêu diệt nhau, rất tàn bạo.

Khác nhau là: Chuột nhảy vào chỗ chết, nhưng không gây thiệt hại cho đồng loại. Người nhảy vào chỗ chết bằng cách tiêu diệt nhau, vô cùng dã man.

Chuột không hiện đại bằng người, hay người ác hơn chuột?

© 2008 talawas