trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
16.2.2008
Đặng Thân
Tú Xương & những con giòi [bò trong… tuỷ]
 
Trước hết xin được thanh minh một chút rằng, thực ra thì ai cũng biết cái câu “giòi bò trong xương” nhưng mà phải tránh chữ “xương” nên phải viết ra thành “tuỷ” vậy. Đấy là bản thân cũng rút từ cái kinh nghiệm xương (xin lỗi, tuỷ) máu của Tú Xương:

Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy

chỉ vì phạm huý và phạm một số thứ khác.

Thi nhân vĩ đại “đất ông cò” quả là “số dách”! “Dách” chứ không phải là “rách” như người ta bấy lâu nay vẫn nhầm tưởng hay cố tình nhầm tưởng. Trước hết người ta dễ nhầm tưởng bởi mấy câu ông tế sống vợ mình:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ 5 con với 1 chồng

Thực ra, nguyên bản là “Mom sông”. Bà Tú chuyên nghề buôn bán thóc gạo ở bến Mom thuộc về đất làng Đệ Tứ. Bến Mom hồi đó là một nơi buôn bán rất là thịnh vượng, kẻ đi người lại, trên bến dưới thuyền, rất sầm uất. Cái từ Mom không viết hoa quả là có tác dụng làm cho người ta thấy cái cảnh khổ sở, éo le làm sao. Vì thế mà Văn học sử An Nam (được viết bởi các “xử da mới” [1] trong Văn học) suốt bao năm qua cứ tua đi tua lại đoạn băng rè: Hoàn cảnh nhà ông thật là khốn khó! Sức vóc thư sinh gầy gò trói gà không chặt lại thi trượt liên miên thì biết lấy gì làm kế sinh nhai nuôi vợ nuôi con. Uất ức, bất mãn trước thời thế của kiếp sống nô lệ dưới ách thực dân phong kiến, ôm nỗi đau bất đắc chí vì bất phùng thời của sĩ tử hỏng thi, lại phải mang cái tiếng sống nhờ vợ ông quả là người đau khổ nhất trong quần chúng lao khổ. Thơ ca của ông chính là tiếng nói của quần chúng lao động chống lại cường quyền. Nhưng vẫn còn đó hình ảnh người vợ tần tảo thuỷ chung! Bà chính là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, hi sinh, tiết nghĩa. “Nuôi đủ 5 con với 1 chồng” mà suốt đời không một lời oán thán.

Tôi không hiểu nổi cái ông “khốn khó, nghèo túng” này lấy tiền đâu ra mà suốt ngày chỉ việc làm thơ rồi uống rượu, hút xách, rồi đi xe lửa/cưỡi xe tay từ thành Nam lên tận Khâm Thiên ở Hà Nội để hút hít và hát cô đầu? Để cho:

Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô? [2]

Hay là:

Đêm qua anh đến chơi đây
Giày đôn anh diện, ô tây anh cầm
Rạng ngày sang trống canh năm,
Anh dậy em hãy còn nằm trơ trơ. [3]

Ông đi chơi khắp nơi, mỗi năm chỉ ở nhà ba bốn tháng:

Nay chơi Năng Tĩnh mai Hàng Giấy
Khi ở sông Thương lúc tỉnh Hà [4]


Trong bài phú "Thầy đồ" ông cũng có viết về cái sự “đi chơi” của mình:

Cũng nhiều phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo;
Cũng lắm lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoanh.


Ông Tú ăn chơi như vậy mà chẳng phải làm gì thì ắt bà Tú, theo tôi, hẳn là một tay buôn thuốc phiện, buôn người hoặc buôn súng (ngày nay thì phải kể thêm bọn buôn dầu lửa) thì mới đủ tiền cho ông “phá” như thế. Ông nội tôi cũng là một tay uống rượu và hút thuốc phiện chuyên nghiệp. Và bà nội tôi đã phải bán đi một số nhà cửa và đồn điền mới đủ cho ngài hút. Được cái hút xong là cụ có nhiều ý tưởng hay ho kinh khủng làm cho mọi người ai cũng kính phục và cụ nghĩ ra nhiều kế hoạch kinh doanh hay hớm, đem lại ấm no hạnh phúc cho cả nhà, các cụ bà cứ thế mà thực hiện. Còn cái trò “hát hò” của các cụ xưa mới thật là “khủng”. Mỗi lần “đi hát” các cụ đều thuê phòng suốt mấy ngày cho đến cả tuần “nội bất xuất ngoại bất nhập”, có các em phục vụ đủ việc hút hít, thơ phú, ca ngâm… “Hát” mấy lần như thế là đủ bán nhà. Mà cái trò “uống, hút, hát” này thì có ai chơi một mình bao giờ, lúc nào cũng phải có cả thê đội thì nó mới vui. Thế mà sao cụ Tú lại được đứng trong hàng ngũ của “giai cấp vô sản” bần cùng được nhỉ? Khi người nghiện thuốc phiện lên cơn thì hay có cái cảm giác “giòi bò trong xương.” Vậy phải chăng cái nỗi đau đớn này đã thành nghiệp chướng của đời ông, khi cả lúc sống và khi đã chết rồi, ông đều gặp “giòi”. Khi đã chết rồi ông vẫn còn bị “khai thác triệt để” bởi các “xử da mới” cho mục đích mới.

Cái băn khoăn trong tôi về thân thế Tú Xương gần đây đã được giải toả khi tôi gặp một nhà nghiên cứu về nhà thơ cho biết nhiều thông tin “mới”. Hoá ra, những người thân của cụ Tú đã cho biết cụ là một người cao to đẹp giai. Tất nhiên là hào hoa phong nhã. Cụ có một phong độ phi phàm và gia cảnh thì thuộc vào hàng “con nhà gia thế”, “kim ngọc mãn đường”. Xin quý vị đọc bài của Chu Cảnh Phạm Đình Kỵ trên talawas thì sẽ thấy:
  • Xét gia thế thì cụ thân sinh ra ông trước kia làm việc quan về bộ Lễ, sung chức Đăng sĩ tá lang. Sau khi ông đã thi đỗ Tú tài rồi thì cụ xin hồi hưu, tháng ngày nhàn tản, khóm cúc chồi lan, thoát vòng kiềm toả bước ra ngoài, mặc sức điền viên vui với thú, câu thơ chén rượu, ván kiệu quân cờ.

  • Trong bài phú “Hỏng thi” của ông có câu:

    Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ nổi tiếng tài hoa;
    Con nhà dòng ở đất Vị Xuyên [5] ăn phần cảnh nọng

  • Xét về hình dung thì người ông hơi cao, trán to miệng rộng, da trắng mắt dài, lúc thiếu niên rất là tuấn tú.

  • Ông không những là văn hay, ông lại thêm có cái sức mạnh nữa, vì rằng khi ông còn bé ở nhà có học ít võ nghệ. Trong vòng từ 18 đến 25 tuổi thì ông mạnh lắm, hễ tối đến mà không vác được thức gì thật nặng để cho người mệt đi thì thật là khó mà ngủ đi được.

  • Người ông đẹp mà tiếng ông lại cũng tốt. Giọng ông hát hay là ngâm thơ thì nghe thật hay thật thú.

    Ấy cái trò đời cũng chả lấy chi làm lạ, phàm người hễ đã có tài thì là có tình, lúc còn thiếu thời ông cũng hay chơi bời lắm. Thời bấy giờ học trò nho còn danh giá lắm, bọn con gái có nhiều người mê ông và thích ông.

  • Xét về gia tư, lúc sinh thời ông là người rất phong lưu, cụ thân sinh ra ông trước kia đã nổi tiếng là nhà giàu có. Lúc Đại Pháp đem quân hạ thành Nam Định lần thứ hai, dân tình xao xác, giặc cướp tứ tung, gái cũng khó giữ được trinh, giàu cũng khó giữ được của. Bấy giờ có dư đảng giặc Cờ Đen đã mấy lần định đến ăn cướp nhà cụ, song cụ cũng nhờ được có bọn gia đinh giỏi nên không mất mát gì.

  • Ông nhờ được có cái cơ nghiệp giàu có của tổ phụ, ông giao du rất rộng, bấy giờ đã nức tiếng là tay hào hiệp. Vì thế các danh sĩ đương thời ở các nơi xa cũng đều tìm đến chơi.

    Ông là người rất là thư thản, nhất sinh không phải lo đến cái kế gia đình bao giờ cả. Lúc còn bé thì ơn cha nhờ mẹ lên xe xuống ngựa, cửa rộng nhà cao, rước thầy rước bạn, tiền bút giấy, việc sách đèn, dầu tốn kém đến bao nhiêu cũng là không ngại.


    Đến lúc ra ở riêng thì ông lại được một bà vợ hiền, thực trung hậu, rất đảm đang, bà chỉ chuyên buôn bán để lo liệu tất cả các công việc trong nhà.
Có thế chứ! Thế nhưng mà sao bấy lâu nay cái sự thật ấy về cụ cứ bị dẹp đi cho một “nhà thơ nghèo thành thị bán nông thôn”? Mà sao không thấy ai lên tiếng cải chính nhỉ? Thế mới phỉ.

Phải chăng đám “xử da mới” đã có ý đồ “bần cùng hoá” các danh nhân lịch sử? Bởi lẽ cứ anh hùng hào kiệt nào oanh liệt cũng đều bị dán cho cái nhãn “bần cố nông” cả. Lê Lợi xuất thân đại địa chủ hào bá cũng bị quy cho là “anh hùng nông dân”. Nguyễn Huệ xuất thế gia tộc giầu có đại địa chủ buôn bán tung hoành ngang dọc thì có cái mác rất “giai cấp” là “anh hùng áo vải”. Thì ông vào ra trận mạc, không mặc áo vải thì chẳng nhẽ mặc áo gấm sao. Chưa kể các nhân vật “phản diện” thì thế nào cũng xuất thân dòng dõi vua chúa phong kiến, địa chủ, cường hào. Rõ ràng đây là một chính sách lôi kéo rất nhăng nhố đê tiện bằng cách xuyên tạc lịch sử, và các trò ảo thuật của các “xử da mới” quả là vô cùng thành thạo vậy. Nay ngẫm Tú Xương nếu có đội mồ sống dậy, thấy đám hậu sinh xuyên tạc mình như thế, chắc thế nào cũng phì cười mà tức cảnh mấy câu (tự lẩy) rằng:

Lẳng lặng mà xem nó biến ta
Biến ta ra kẻ rớt mồng tơi;
Phen này ông quyết đi buôn chức
Lý lịch xem ra rất đúng Thời.

Nó lại thương ta cái sự nghèo
Cũng cùng giai cấp, cũng gieo neo;
Phen này ông quyết đi Kách Mệnh
Một phát lên voi lọ phải trèo.

Nó lại thương ta đếch ghế ngồi
Lập trường, tư tưởng rất sục sôi;
Phen này ông quyết chui dzô đảng
Con cháu may ra kiếm mấy nồi.

Ái dà...

Vít cổ người sang đòi nhận họ
Thiên hạ bao nhiêu đứa thế rồi?

Cười chán chê rồi thế nào ngài cũng khóc ngất mãi để rồi mà bật ra mấy câu kiểu thế này:

Chém cha cái số giòi bò
Đã rức trong tuỷ lại dò ngoài xương.
Rõ là thời thế ẩm ương
Lừa đời dối thế một phường trùng phân.

Nhân chuyện phu nhân Tú Xương luôn được ca ngợi cùng chồng kể cả trong Văn học sử – đúng với 8 chữ vàng mà Hồ Chủ tịch đã tặng phụ nữ Việt Nam: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang – tôi chợt thấy nay thời thế đã khác. Do hoàn cảnh hiện tại không bị đe doạ trực tiếp của kẻ thù ngoại bang nên phụ nữ Việt trong rất nhiều trường hợp đã phát huy tinh thần cách mạng theo thời đại mới – thời đại @/thông tin/robot hay còn gọi là kỷ nguyên công nghiệp [hiện đại/vi tính/số/ăn/ngủ] hoá – cho nên có thể thấy thực tế là họ đã: anh hùng với chồng, bất khuất với bố mẹ/gia đình chồng, trung hậu với sếp/bồ/bọn ninh bợ, đảm đang với các cơ quan đoàn thể/bọn cha căng chú kiết. Nếu Tú Xương mà sống trong thời đại sau này và hiện nay thì, than ôi, ngài không thể còn làm thơ nổi chứ đừng mong viết được mấy câu trên. Nếu ngài sống trong thời “hợp tác hoá” thì ắt là ngài sẽ phải đi gánh phân, cấy lúa (tức là được “hạ phóng” về nông thôn); trong giai đoạn phát triển công nghiệp thì ngài sẽ phải đi học nghề để đứng máy tơ/dệt, nếu không thì phải đi làm bảo vệ ở một nhà máy nào đó hoặc đạp xích-lô vì ngài có nghề ngỗng gì đâu; còn bây giờ thì chắc là ngài sẽ được vợ sắm cho một con Wave Tầu mà chạy xe ôm “không thì chết với bà”. Sống trong cảnh không “bị làm hại” bởi “trà, rượu và đàn bà” [6] thì ông Tú Vị Xuyên làm sao mà làm thơ hay được. Có chăng thì chúng ta cũng chỉ có được một ông Trần Tế Xương làm thơ báo tường (cho các hợp tác xã, nhà máy) hay làm thơ “mậu dịch” (cho báo Văn nghệ hay các báo chí lăng nhăng khác). Như thế có thể nói thẳng Tú Xương là người gặp thời vậy.

Đó là bàn về cái sai lầm của đời đối với Tú Xương.

Sau đây xin được luận về cái sai lầm của cụ Tú đối với đời và văn chương.

Ông Tú Vị Xuyên có câu:

Hà Nam danh giá nhất ông cò

như quảng cáo cho thương hiệu độc quyền của một nghề duy nhất Nam Định có. Thế nhưng cụ Tú đâu biết rằng cái nghề “cò” danh giá thời cụ Tú ấy bây giờ đã trở nên danh giá ở khắp đất nước trong mọi ngành mọi nghiệp. Cò đất, cò nhà, cò chứng chỉ, cò bằng cấp, cò học trường điểm, cò dự án, cò bệnh viện, cò “chạy đua vào Nhà Trắng”, cò “vào hội” (nhà văn/nhà báo/nhà đài…), cò nghĩa địa… Tội nghiệp, chỉ có con cò đích thực thì rủi thay đã bay khỏi Việt Nam không còn con nào ở lại, do ô nhiễm hay bị săn bắt “triệt để”, và cũng do “đất chẳng lành, cò chẳng đậu”. Nay chỉ còn duy nhất một con sót lại trong bức tranh của Thiếu tướng/Tổng biên tập của các báo ngành an ninh Hữu Ước giá 4 tỉ đồng mà thôi [7] . Nhờ có Thiếu tướng mà nước Nam khỏi mất giống hình ảnh con cò vậy.

Vì thế mà nhiều người đã sửa câu thơ của cụ Tú thành:

An Nam danh giá nhất ông cò

cho nó đúng với tầm vóc quốc gia của nó.

Trong sáng tác văn chương Tú Xương từng mắng bọn lang băm:

Văn chương nào phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu!

Tức là ông bảo bọn văn nhân/thi sỹ với bọn bác sỹ/thầy lang là không thể chơi với nhau được, đối chọi nhau/không đội trời chung ví như nước (thuỷ) với lửa (hoả) vậy. Thật là một sai lầm nghiêm trọng do bệnh chủ quan duy ý chí.

Thực chất thì thế vầy:

Đông y lấy thuỷ hoả làm trọng, vì không có vấn đề sức khoẻ bệnh tật nào mà không dính líu đến thuỷ hoả cả, mà cần nhất là thuỷ hoả quân bình. Phác đồ điều trị nào thì cũng phải dụng đến “bổ” (tăng cường) và “tả” (đánh phạt). Toa thuốc nào của các lang y, dù là biến hoá của “bát vị” hay “lục vị”, thì cũng loanh quanh với thuỷ hoả mà thôi.

Xã hội thì dù là thời cuộc nào, chế độ nào cũng chưa bao giờ dứt thuỷ hoả đạo tặc (4 thứ hoạ lớn của nhân loại: lũ lụt, cháy nhà hay hạn hán, trộm cướp, giặc dã).

Và, văn chương thì lại càng hơn lúc nào hết phải thoát khỏi cái tình trạng “tam đại tiện” (là 3 cái đại đê tiện của người cầm bút; xin đừng nhầm với đại tiện/ỉa là việc thiết yếu/sung sướng với mọi con người lành mạnh, là một trong “tứ khoái”) là: nhạt như thể đang là nghề chính của bọn bán ốc luộc (úng thuỷ – tượng bí bách, hiểm trở); suốt ngày cúng cụ như bọn bán vòng hoa, hương, vàng mã và cờ phướn (hoả quá vượng nên nặng về lễ nghĩa xằng), dốt nát như bọn buôn hũ (thổ trung hoả/hoả nhập vào lòng đất thì là tượng của quẻ Địa Hoả Minh Di – tình trạng đau thương, ngu tối, điên dại, gẫy đổ, nát bét). Tức là phải làm làm sao để cho độc giả luôn được vừa bốc lửa vừa chẩy nước! Nếu không thì viết làm gì.

Như thế mới được quẻ Thuỷ Hoả Kí Tế. Tế là vượt qua sông, là nên; kí tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành. Quẻ này trên thuỷ dưới hoả, Lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước, nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Cũng như nồi nước để ở trên bếp lửa, lửa bốc lên mà nước mới nóng, mới sôi được, để thành công dụng cho đời. Như thế thì dù là “đơn thuốc” hay “văn chương” cũng đều phải trọng dụng cả thuỷ hoả vậy.

01/2008

© 2008 talawas



[1]Xin tham khảo bài “Đọc Bình Ngô đại cáo (nhân ngày nhà giáo)”.
[2]Trần Tế Xương, “Áo bông che bạn”
[3]Trần Tế Xương, “Mất ô”
[4]Thơ Trần Tế Xương
[5]Tôi nhấn mạnh.
[6]Tú Xương có câu: Một trà, một rượu, một đàn bà / Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
[7]Xem: http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2007/11/78978.cand;
http://blog.360.yahoo.com/blog-iKYjmUEgduhL71nQnzMlHSga?tag=063.thiênhạhảhêcười