trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
21.2.2008
Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì
(Tham luận tại Hội thảo “Thơ Việt Nam đương đại”, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19.02.2008)
 
Lời mào đầu

Thời thế thay đổi, thơ thay đổi. Thơ thay đổi, cách đọc thơ cũng phải thay đổi.

Cứ tạm đóng thùng trịnh trọng ăn nói to con thế.

“Làm sao có thể quá độ sang hậu hiện đại khi thơ Việt còn chưa đi đến tận cùng con đường hiện đại?” Ông Khổng Đức đã hỏi vặn tôi thế, tại góc khuất của quán Cà phê 81 Trần Quốc Thảo một sáng tháng Tư đẹp trời.

“Khi chưa thể đi hết cánh đồng để qua bờ bên kia, và khi nước lũ đã tràn đến chân, để sống – chúng ta chỉ còn cách duy nhất: làm một cú nhảy.”

“Ở đó mà nhảy với nhót!”

“Nhảy hoặc chết.” Lát sau tôi thêm: "Mở Miệng đã nhảy. Sara cũng sắp nhảy. Bàn tròn văn chương là chuẩn bị cho mọi người nhảy…”

Tôi liếc xéo ông bạn vong niên, và vỡ cười thành tiếng.

Tiếc rằng mọi người đã hiểu sai tinh thần Bàn tròn văn chương, nên nó đã ngưng trệ và chết. Không ít bạn nghĩ Bàn tròn văn chương là nơi chốn để vinh danh một tác phẩm, một tác giả hoặc tệ hại hơn: lăng xê tên tuổi nào đó. Chứ không như là cơ hội bắt mạch chẩn bệnh thơ đương đại. Bởi, chỉ khi được chỉ đích danh căn bệnh, thơ Việt mới có cơ hội mở ra thế giới…

(Trích: Những mảnh đời chắp vá, Tự sự h[ậu h]iện đại, chưa in)


A. Khép lại…

Một thế kỉ thơ Việt, có lẽ bài “Tình già” của Phan Khôi và tập thơ Tôi không còn cô độc của Thanh Tâm Tuyền là quan trọng nhất. Quan trọng nhất chưa hẳn là hay nhất mà là, bởi nó đóng vai trò bản lề mang tính xoay chuyển. Xoay chuyển cho mở ra một trào lưu, một thành tựu của cả thời đoạn văn chương.

Nhưng có thi tập hay bài thơ mang trong mình sự khép lại. Khép lại một lối viết, lối suy nghĩ, một thời đại thơ,… để mở ra một khả tính mới cho thơ.

“Đi về” của Tô Thùy Yên là một.

Đi về

Khuya rồi, nước đã đầy trăng,
Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?
Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?
Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.
Thấy gì chăng, chẳng thấy gì,
Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê...
Chầy khuya, nước ủ trăng ê,
Uổng công, bãi ấy đi về một ta...
Mãi rồi trời cũng sáng ra,
Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.
Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,
Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai?

Một tác phẩm văn chương, nếu nó không mang chở yếu tố thời cuộc của thời đại nhà văn sống, thì nó sẽ không nói được gì nhiều. Nhất là với lịch sử Việt Nam ở thế kỉ XX. Lịch sử của va chạm và xung đột khốc liệt giữa các ý thức hệ: phong kiến và tự do, thực dân xâm chiếm thuộc địa và phong trào giải phóng dân tộc, phương Đông và phương Tây, cộng sản và tư bản, dân chủ với độc tài, cá nhân với tập thể,… Suốt giai đoạn lịch sử dài, mảnh đất hình chữ S này trở thành sân khấu diễn tập của bao thí nghiệm và thử nghiệm: học thuyết chính trị - quân sự, tôn giáo - tư tưởng, văn học - nghệ thuật, vũ khí và cả… thơ ca.

Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ.

Va chạm, xung đột và chiến tranh. Chiến tranh thì có kẻ/bên khải hoàn chiến thắng. Nhưng – nói như Nguyễn Duy – dù kẻ/bên nào chiến thắng, nhân dân đều bại. Nhà tư tưởng, triết gia và nhất là nhà thơ, kẻ nhạy cảm đồng thời ít trang bị vũ khí tự vệ nhất, chiến bại. Chiến bại, và chịu đựng hậu quả cùng muôn vàn hệ lụy của nó.

Thời sự của “Đi về” tuyệt không mang tính thông tấn báo chí. Nó không thông tin cái gì cả. Thi sĩ và cả người đọc đột ngột bị đẩy rơi vào trung tâm của sự thể, đối mặt và chịu đựng nỗi phi lí của sự thể ấy.

Một tù nhân của lịch sử, trong giá rét miền Bắc hay vùng miền nào đó ở thế giới, đang đi suốt bãi sông Hằng hay con sông nào đó trên trái đất bất kì, không quan trọng. Bài thơ đã không đưa thông báo cụ thể. Và chúng ta cũng không cần thông tin đó.

Đi – về, đi và về, vậy thôi. Đi hoài đi hủy. Đêm còn là ngươi còn đi. Cũng bãi sông đó, lối cũ đó. Lại đi. Không gặp ai, không cần gặp ai và, cũng chẳng có ai để gặp. Đi, để làm gì cũng chẳng biết. Hành hạ ư? Không chắc. Tác nhân – không biết. Bị nhân – không biết. Ngươi là kẻ thù, kẻ chiến bại, ngươi phải bị trả giá. Không phải bởi cá nhân hay con người nào đó. Mà bởi một cơ chế. Cơ chế không xem ngươi là cá nhân, một con người. Không có ngoại lệ hay biệt lệ ở đây. Ngươi là kẻ vừa bị cơ chế đánh bại – thế thôi. Cơ chế không cần biết ngươi nghĩ gì, đau thế nào, chết ra sao. Không gì cả!

Cơ chế vô tâm, đã đành. Cả thiên nhiên cũng vô tình.

Vũ trụ và thiên nhiên của Trần Tử Ngang hay Huy Cận mang chở yếu tính siêu hình, đưa con người giáp mặt với nỗi trống không, sự cô đơn và cái mong manh của sinh thể mang tên con người. Con người cảm nhận được và con người thấy hạnh phúc. Cả nỗi phi lí của kiếp phận Sysiphe, ông biết, ông học chấp nhận và hạnh phúc. Ở đây – không gì cả! Thi sĩ đối mặt vũ trụ, vừa siêu hình vừa hữu hình trong một thực tại lù lù. Lê thân xác mệt mỏi rã rời mà đi. Đi mãi. Cuộc đi vô cùng tận. Chẳng kẻ đồng hành để sẻ chia. Dứt kỉ niệm để hồi tưởng. Không tương lai để hi vọng.

Chỉ còn một ta đi và về giữa thiên nhiên vô tình với cơ chế vô tâm.

Sức chịu đựng của con người gần như là không cùng.

Chịu đựng câm lặng. Suốt bài thơ không bật ra nửa lời trách oán. Than vãn – không. Căm hận hay nuôi ý định trả thù lại càng không. Vô lượng tâm mở ra cùng vô tình trời đất, và nghiệt ngã cơ chế. Càng mở hơn nữa với kẻ đến sau. Sang đêm, một thân phận khác sẽ đến, chắc chắc. Sẽ đối mặt với cảnh ngộ này, như ta. Để phải chịu đựng một lần và muôn ngàn lần nữa nỗi phi lí to lớn này. Họ sẽ thế nào?

“Ai nữa đi về…”?

Giữa đêm tối của thời cuộc tưởng như không còn lối thoát ấy, qua sự chịu đựng nỗi khắc nghiệt gần như bất khả vượt ấy, những tưởng mọi tình người sót lại bị hủy diệt, mọi cánh cửa cảm thông sẽ đóng sầm. Mãi mãi. Nhưng không, thi sĩ vẫn biết vươn vượt khỏi phận mình. Nhìn ra ngoài, ưu tư lo lắng đến sinh phận khác.

“Đi về” – mỗi lần đọc lại là mỗi bận khiến ta rùng mình. Rùng mình ở mỗi câu thơ vang lên như từ thẳm sâu cõi mộng và thực, ranh giới được và mất, sống và chết. Bài thơ chạm vào tận miền đáy đau khổ của con người. Mỗi tiếng, mỗi âm run rẩy, như thể đẩy ta ra xa đồng lúc vẫy gọi gần. Gần lại với thân phận con người hơn.

“Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao khổ ải suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.

Nó khép lại một thời đại. Vĩnh viễn khép lại.


*

Đây chỉ là một [trong những] diễn giải…

Bởi dẫu sao, trải nghiệm thế giới là một trải nghiệm rất riêng tư. Kinh nghiệm ngôn ngữ hay thơ ca cũng thế. Tô Thùy Yên đã làm một giải trình ngôn ngữ (discourse) về một kinh nghiệm lưu đày của riêng ông. Tôi vừa làm một giải trình khác về giải trình đó. Và người đọc, khi tiếp nhận giải trình của tôi, lại sẽ có giải trình khác nữa.

Ngôn ngữ lang thang cuốn chúng ta làm cuộc lang thang mải miết, vô định.

Vậy, làm thế nào có thể chấm dứt lang thang, để chúng ta có thể nhìn sự thể như là thế, và để ngôn ngữ hiện thể như là ngôn ngữ?

Điều chúng ta làm lúc này là: nhảy!

Nhưng để có khả năng nhảy, cần chuẩn bị trước cho bước nhảy.


B. Mở…

Hậu hiện đại gặp gỡ phương Đông

Khi nhìn nhận mọi ý niệm về thực tại chỉ là phái sinh từ vô số hệ thống đại diện của mỗi cá nhân, các nhà hậu hiện đại hoài nghi toàn triệt đối với đại tự sự và siêu tự sự (metanarrative). Họ xem chúng không gì hơn là hệ thống lí thuyết mang tham vọng thâu tóm thế giới đa tạp vào một số luận điểm rạch ròi, hay “những câu chuyện mà một nền văn hóa tường thuật những thực tiễn và những niềm tin của chính nó”. Trong suốt chiều dài lịch sử, đã không ít lần con người đẩy nó lên cấp độ cao hơn nữa để biến chúng thành những huyền thoại! Huyền thoại này mang ở tự thân sự bạo động, chúng thao túng cuộc sống con người, khiến họ ngày càng chìm sâu hơn trong nỗi vong thân mà không tự biết.

Cảm thức thế giới như hỗn độn, hậu hiện đại bất tín nhận thức, từ đó quyết liệt chống lại đại tự sự (grand narratives, grands récits). Họ tin rằng mọi “nỗ lực khôi phục trật tự đẳng cấp, hoặc những hệ thống ưu tiên nào đó trong cuộc sống, đều vô ích và không thể thực hiện được” (I. P. Ilin). Nhận thức thế giới của con người luôn là nhận thức đầy thiếu khuyết. Nói một cách hình ảnh, với thế giới, chúng ta muôn đời làm thứ ếch ngồi đáy giếng.

Ngay từ thế kỉ XIX, khi khám phá thấy tất cả nền triết học (siêu hình học) từ Socrate đến Hegel đều sai lầm, Nietzsche quyết lật đổ tất cả mọi giá trị để thiết lập bảng giá trị mới. Nhưng lật ngược siêu hình học vẫn là một siêu hình học, Heidegger nói thế. Giá trị mới vẫn cứ là “giá trị”. Vì tất cả siêu hình học được xây dựng trên nền tảng tư tưởng [bằng] biểu tượng (representational thought), nên mọi siêu hình học đều vừa là nhân đồng thời là quả của tinh thần đại tự sự.

Tiếp bước nhưng khác Nietzsche, Heidegger nỗ lực đưa tư tưởng vượt qua siêu hình học, nghĩa là tư tưởng mà không tiền tưởng. Đây là sự kiện xảy ra lần đầu tiên trong truyền thống triết học Tây phương, trong đó cuộc gặp gỡ giữa ông và Suzuki vào giữa thế kỉ XX mang ý nghĩa biểu trưng. Nó báo hiệu một đối thoại giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây.

Hầu hết các mệnh đề trọng yếu nhất của hậu hiện đại đều được tìm thấy trong tư tưởng Krishnamurti và Phật giáo Thiền tông. Thế nhưng, dẫu sao đi nữa, thái độ chối bỏ giải trình ngôn ngữ (discourse), “sự không tin vào những siêu truyện (metanarrative) của hậu hiện đại hay hành vi phá chấp triệt để của Thiền tông với chủ nghĩa hư vô phân cách mong manh tơ trời. Làm sao phân biệt được Thiền sư với Thiền “giả” hay tinh thần bất tín nhận thức với thái độ phá hoại đơn thuần?

Đây là câu hỏi trọng đại, đòi hỏi một sự giải minh thích đáng.


Hành động hậu hiện đại

Nhìn một cách tinh yếu, tinh thần hậu hiện đại tiềm ẩn trong truyền thống tư tưởng phương Đông mà phương Tây – trong truyền thống triết học của họ – đã khai mở theo cách thế khác, nói bằng ngôn ngữ khác. Nên có thể nói, hậu hiện đại đã chảy trong máu chúng ta. Vì vậy, kẻ sáng tạo hôm nay không cần thiết phải đi hết hiện đại [phương Tây] mới có thể tiếp cận hậu hiện đại, như vài người đã nghĩ thế. Nhưng làm sao hành động, khi mọi nền tảng kinh nghiệm đã lung lay? Hay, làm sao có thể bước đi, khi chúng ta đã chối bỏ mọi đất đứng?

Nhận thức thế giới là hỗn độn chaos, “khi mọi trung tâm không chắc chắn, các nhà hậu hiện đại chấp nhận sự hỗn độn như là một sự kiện và sống một cách thực tế, xâm nhập vào nó bằng “tình cảm mật thiết” (I. P. Ilin). Nghĩa là: Cần một quyết định dũng cảm: nhảy thẳng vào hậu hiện đại! Nhưng muốn nhảy, chúng ta cũng cần chuẩn bị cho bước nhảy.

Chuẩn bị ra sao và từ đâu?

Sau buổi nói chuyện về thơ hậu hiện đại, một nhà văn hỏi tôi có thể tóm gọn tinh thần hậu hiện đại bằng hai câu được không? Tôi nói chỉ một là đủ: Hậu hiện đại là không có cái gì là trung tâm cả! Đó là thuyết lí. Còn trong đời thực, con người hậu hiện đại suy tư toàn cầu - hành động cục bộ. Ví dụ, môi trường thế giới đang bị tàn phá và bị hủy hoại khắp nơi, ai cũng hiểu thế. Con người hậu hiện đại không than khóc nó, cũng không lo lắng cho cả thế giới nữa. Khi bạn học trồng cây trong khuôn viên nhà bạn, khuyên hàng xóm láng giềng bạn không lên núi phá rừng là bạn đã góp phần cải tạo môi trường trái đất rồi. Trong lĩnh vực văn chương, nhà văn hậu hiện đại có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi vào cuộc sống nông thôn lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà ngay tại làng mình sống.

Châm ngôn “Suy tư toàn cục, hành động cục bộ” là tính thực tiễn của hậu hiện đại. Phi trung tâm hóa là đặc điểm dân chủ của hậu hiện đại. Hậu hiện đại tôn trọng sự đa dạng, các giá trị trái nhau, những phi chuẩn, ngoại vi, dân tộc thiểu số, người nữ, da màu, phi phương Tây,... Phi đại tự sự khẳng định tư thế cá nhân, là đặc điểm nhân văn của hậu hiện đại.

Nhưng, liệu hậu hiện đại có là đại tự sự mới hay một huyền thoại mới?


Viết hậu hiện đại

Thế nhưng, mang cảm thức hậu hiện đại thôi không đủ; hành động hậu hiện đại thôi cũng chưa đủ; nhà văn hậu hiện đại là kẻ biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại vào sáng tác. Đậm/nhạt, nhiều hay ít tùy gu hay thể tạng mỗi người.

Lưu ý là hầu hết mọi thủ pháp hậu hiện đại đều đã được nhà hiện đại hay hiện đại hậu kì biết đến. Sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản, sáng tác thuộc dòng ý thức, biên giới mờ giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và sự không liên tục của ý tưởng, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/thấp, trí thức/bình dân của nghệ thuật,… được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.

Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã ít nhiều có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: nền tảng triết học và thái độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp, đưa chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng – khoái hoạt!


Đọc hậu hiện đại

Hậu hiện đại là trào lưu lớn và phát triển rất đa dạng với quy mô toàn cầu nên, khó thâu tóm nó trong vài mệnh đề. Cơ sở mĩ học của nó cũng chưa hình thành rõ nét. Hậu hiện đại đang vận động, nó là một hệ thống mở. Do đó, nó gây khó khăn không ít cho kẻ sáng tạo muốn vận dụng nó vào sáng tác; càng khó khăn hơn nữa cho người tiếp nhận các sáng tác đó.

Một trào lưu văn học - nghệ thuật tân tiến nào bất kì muốn đặt nền tảng và phát triển cũng đòi hỏi sự nỗ lực của các đối tượng liên quan. Nhất là độc giả Việt Nam với bao ngáng trở: về tri kiến (chưa được chuẩn bị chu đáo từ các cấp học), về tinh thần (bởi bảo thủ hay do quyền lợi cũng có), cả về truyền thống ít chịu chấp nhận cái mới nữa.

Đòi hỏi trước tiên là: cứ tạm chấp nhận điều mình chưa hiểu. Kinh nghiệm đọc của Nguyễn Hiến Lê với nhóm Sáng Tạo, hay Xuân Diệu với Nguyễn Đình Thi là bài học nhỡn tiền. Không thể đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học này dựa trên cơ sở mĩ học đã có trước đó. Sáng tác hậu hiện đại thì càng như vậy. Nếu không khả năng thẩm thấu và nhận định chúng qua lăng kính mĩ học của chính chúng thì ít ra, chúng ta cần đọc chúng bằng tâm thế hậu hiện đại. Chấp nhận, và kiên trì truy tìm hành trình sáng tạo của tác giả, triết lí nằm ở bề sâu sáng tác đó và biết đâu, qua đó chúng ta có thể thay đổi cách đọc của chính mình. Từ đó chúng ta không còn đánh mất cơ hội thưởng thức các tác phẩm đương đại xuất sắc trên thế giới.

Với tinh thần cầu thị như thế, ta thử đọc vài bài thơ của tác giả đương đại sáng tác theo trào lưu này.


Thử đọc 5 bài thơ hậu hiện đại tiêu biểu.

1. Văn Cao mất, hàng trăm bài điếu Văn Cao xuất hiện, nhưng có lẽ có rất ít bài được người đời nhớ. Không phải nó không hay mà, bởi nó “nhảm”! Nhảm này có gốc gác từ mĩ học: chúng chìm khuất giữa bao “khóc” khác. Nếu tại đó có cái mới, chúng chỉ có mặt như thể vài nhấp nháy kì khu đầy toan tính của mánh khóe cũ. “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát là biệt lệ. Biệt lệ vì nó đi ra khỏi quỹ đạo của lối thơ điếu như lâu nay chúng ta được biết.

khóc văn cao

anh văn ơi!
hu hu hu…

3/1978
--------------------------
biện giải:

không hiểu sao tôi phải khóc văn cao, vì bổn thân không dính dáng hoặc liên quan gì. cõ lẽ là hùa theo đám tiểu tử kên kên múa lửa lắc vòng, vo ve vãn hồi cương toả.

chú [cháu]:

có thể thay văn cao bằng bất cứ ai cũng đều [khóc] hạp lí cả, vì bài thơ được xây dựng như một công thức, nếu ứng dụng vào sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghệ thì càng tốt [những ai có ý định sở hữu công thức này xin liên hệ gấp qua trung gian lydoi cellphone: 0903.695.983 để biết thêm chi tiết, ưu tiên cho người đến trước. đặc biệt giảm giá từ 10–20% cho học sinh sinh viên khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn, nếu là nữ-lại xinh đẹp thì 40% trở lên]

cuối cùng:

bài thơ này được viết vào năm 1978 như đã ghi ở cuối bài thơ. đây là cách mà các nhà thơ "nhớn" ở ta gần đây hay dùng nhằm tăng tuổi đời cho tác phẩm mình [cũng có thể là một chiêu để tiếp thị đồ cổ?]. mốt này đang phát triển rầm rộ & trở thành một phong trào lớn mạnh trên các web chuyên đăng tải sáng tác hiện nay. riêng bài thơ "khóc văn cao" thì đúng là được viết vào tháng 3 năm 1978, không phải tôi cố tình lừa dối độc giả & lừa dối mình… nhưng tôi biết rõ & tin chắc bài thơ này được sáng tác vào năm 78, dù lúc đó tôi chưa bị ra [đời] & văn cao thì chưa được chết.

thêm thắt:

bài này [quan trọng đấy, lời tiếp thị], nếu phải ra giá zip code cho bản in đầu tiên thì sẽ là 87/3 dollar. ở việt nam hay bất cứ đâu, đều có thể gọi cellphone (*); còn thằng nào có ý cướp bóc thì tốn thời gian dối trá cho việc lập kế hoạch và 1 tờ a4 để in ráng chịu đựng nhé.

lưu ý:

(*) nếu dùng hoa ngữ thì chỉ tiếp giọng bắc kinh hoặc quảng đông. [còn nam nguyệt (1) hay quảng ít thì miễn tiếp]

phụ tử:

(1) bắc kinh thì phải nam nguyệt
tự dưng bại liệt thì cũng thế thôi
chưa kể những đứa ô-môi
vậy tôi với hắn(i) cùng chơi năm mười(ii).

tiếp tục:

(i)chỉ văn cao. cường dương bổ thận nhiên liệu hồn ma cà bông bí vàng khè…
(ii) là trốn tìm í mà. đứa nào thua sẽ bị lấp đít ở tận vườn mít thuộc biên hoà đồng nai để gọi là lai rai vậy

⇒ [còn nữa] ⇐
(Bùi Chát, cai lon bo di, NXB Giấy vụn, Sài Gòn, 2004)

Hãy tưởng tượng trong đám tang một nhà “lớn” nọ (có thể thay Văn Cao bằng tên tuổi nào bất kì), nhiều người ghé vào than khóc. Ruột rà thì không nói rồi. Bà con lối xóm tối lửa tắt đèn nữa. Thêm: bạn bè chia ngọt sẻ bùi, cho qua. Cả kẻ khóc mướn, không vấn đề gì cả, xã hội nào cũng có và, nên có. Phiền nỗi là kẻ khóc giả. Họ khóc từ lúc bạn lớn còn nằm giường bệnh, có khi trước đó rất lâu, cả mươi, hai mươi năm sau khi nhà kia nằm mồ nữa. Hãy nghĩ đến các vụ văn thơ ăn theo báo Tết được nhà văn ta cảm tác từ mùa hè năm ngoái! Tuần chay nào cũng có nước mắt, kịp thời vụ và, đúng bài. Anh “ra đi để một khoảng trống lớn trên văn đàn”, “không gì bù lấp được”, “niềm tiếc thương vô hạn”, “thơ văn anh sống mãi trong lòng người đọc”, vân vân… Khóc giả, họ biết thế, làng trên xóm dưới biết thế, nhưng phiền hơn cả là họ đòi hỏi người thiên hạ đóng triện công nhận họ khóc thiệt! Lâu nay, thiên hạ dễ tính, cứ thế mà tin làm. Họ thành kính lắng nghe (sự sợ hãi hay phép lịch sự lắng nghe?). Bất chợt, một tay ăn mặc nhếch nhác, mặt mũi tạm được, to lớn, lù lù thò mặt ra, khóc:

anh (…) ơi
hu… hu… hu…

Một sáng tác phẩm ngẫu hứng như thế thừa sức biến bao nhiêu bài điếu tang muôn thuở kia trở thành lố bịch! Đấy cũng là cách hạ bệ thơ, một loại thơ giả mạo cứ muốn làm bất tử.

Bài thơ đánh thức sự phản tỉnh nơi tâm thức người đọc, buộc kẻ viết nhìn ra sự giả của thể hiện tình cảm và cái nhảm của thơ ca lâu nay như nó từng. Bên cạnh, người đọc có thể tùy nghi sử dụng nó cho nhiều đối tượng khác, như là một phụ tùng thay thế: thay Văn Cao bằng Trịnh, Bùi hay Hoàng Cầm [sắp tới], vân vân… Không vấn đề gì cả!

Thêm phần “Chú thích” không chỉ để làm rõ nghĩa mà còn là một phần không thể tách rời của bài thơ, cũng là một thủ pháp hậu hiện đại.


2. “Khóc” của Bùi Chát đã làm cuộc nhảy thẳng vào tâm điểm của vấn đề “khóc”, nó mang khả tính làm hoang mang kẻ khóc và người nghe khóc mà không cần đến các ngón nghề tu từ rườm rà của hệ mĩ học cũ. Như thể một lời giải công án Thiền; độc giả thơ bị đẩy vào hoặc cửa tử hoặc đốn ngộ. Đó là một cách gây phản tư độc đáo. Nghệ thuật gây phản tỉnh nơi ý thức người đọc được Lý Đợi thể hiện kiểu khác.

Một nhà thơ bị đánh chết

Nữ thi sĩ Nadia Anjuman, người Afghanistan bị chồng và mẹ chồng đánh cho đến chết. Hai kẻ phạm tội và gia trưởng kia đã bị bắt. Liên Hiệp Quốc khóc lóc trước hành vi bạo lực này.

Tại Việt Nam thì khác, có nhiều nhà thơ đã chết ngay trong lúc sống, nhưng không ai biết, ngay cả bản thân hắn. Đa phần các nhà thơ khác bị ngược đãi, nhưng không ai thèm nhìn. Liên Hiệp Quốc quá chán ngán nên không thèm lên tiếng.

Anjuman qua đời hôm thứ sáu [ngày 4-11] tuần trước tại một bệnh viện ở phía tây thành phố Herat sau khi bị đánh đập tàn nhẫn [và mất cả nhẫn cưới]. Trong lời chỉ trích đưa ra vào hôm thứ ba, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho rằng vụ việc này cho thấy nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn còn tiếp diễn ở Afghanistan sau khi chế độ Taliban đã sụp đổ cách đây 4 năm. Anjuman năm nay 25 tuổi, nổi tiếng với tập thơ đầu tay Gule Dudi [còn gọi là:Gul-e-dodi] (Bông hoa u huyền).

Các tác giả trong độ tuổi 25 đến 35 tại Sài Gòn thì đang sống trong sự phè phỡn, vị cá nhân, vì tuổi thơ có nhiều mặc cảm, thua thiệt... nên nay tìm cách lấy lại; và tất nhiên, do không được tu dưỡng đường hoàng, nên thích sống cuộc đời vô cảm và phi nhân tính.

Chồng Anjuman chỉ thú nhận là có tát vợ sau một cuộc tranh cãi giữa hai người. Mẹ chồng Anjuman cũng bị bắt nhưng người ta chưa có đủ chứng cớ để buộc tội.

Hàng nghìn người đã tham dự tang lễ Anjuman tổ chức hôm chủ nhật. Homayan Ludin, một sinh viên tại Đại học Kabul, cho biết: "Sinh viên trên khắp đất nước đều rất bức xúc trước sự kiện này. Anjuman là một nhà thơ có triển vọng của Afghanistan".

Nguồn: metimes.com,... Và một vài địa chỉ khác(16).

(Lý Đợi, Tienve.org)

Có thể coi bài viết trên là tin trong tin. Lý Đợi sử dụng tin làm thứ chất liệu (như từ, cụm từ, hay cái gì nữa bất kì) sẵn có, chế biến chút đỉnh, làm thành bài thơ. Để bày tỏ một thái độ trước thời cuộc. Đó là “điển tích” mới, nóng hôi hổi. Tại sao không? Bản chất của tin tức báo chí là được đọc lướt qua rồi quên. Nhưng ở đây, nhà thơ buộc kẻ đọc bằng tâm trạng hờ hững khi trước đọc lại bản tin và kiểm nghiệm thái độ sống của mình.

Tại đây có ba điểm cần nhấn: Thứ nhất, những hoa đào năm ngoái, cánh nhạn đưa tin, núi Thái Sơn xa lơ xa lắc từng có mặt trong thơ và được cộng đồng chấp nhận, tại sao một tin thời sự liên quan trực tiếp đến thân phận thơ ca như thế không thể có mặt trong cuộc sống văn chương đương đại? Thứ hai, các bình luận mang tính liên hệ sát thực và gần như thế (các câu in nghiêng) không gây cho ta sửng sốt, giận dữ và ngao ngán hơn mấy điển tích lạ huơ lạ hoắc kia sao? Cuối cùng, bạn đọc có thể hỏi vặn nếu vậy thì nhà thơ cứ viết một bài xã luận đi, sao lại phải viện đến thơ? Và kêu một bài như thế là thơ?

Quan điểm hậu hiện đại: sự nhùng nhằng giữa các thể loại, thao tác kết hợp và trộn lẫn các thể loại để tạo nên một thể loại văn chương khác, mới. Khi ta muốn gọi nó là bài thơ thì đó chính là bài thơ.


3. Thủ pháp collage chủ yếu là phỏng nhại (pastiche) với mục đích lật trái điều mà bản gốc của bài thơ nhắm tới, đạt được. Xài lại “Ngậm ngùi” của Huy Cận, Nguyễn Hoàng Nam đã làm giảm thiểu tối đa cảm xúc thường có trong thơ, nhất là thơ lãng mạn, như là một phản-lãng mạn:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi

cái lo
nó lãng mạn thôi
nhẹ nhàng
cái lười
nó cố lấn
cái dâm
cái dâm
nó bự gấp trăm cái lười
(không thấy trong sách "học làm người"
bắc thang lên hỏi ông trời ổng cũng chịu thua)
yêu rồi mà
khỏi phân bua
nửa đêm vui vẻ chạy đi mua condoms
(Nguyễn Hoàng Nam, Tạp chí Thơ, Hoa Kì, số 7)

Thường thì tên một bài thơ có thể thay đổi mà không/ít ảnh hưởng tới nội dung thơ. Ở đây ngược lại, nó làm một với bài thơ, không thể khác. Đọc cái tên: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, người ta không thể không liên tưởng đến “Ngậm ngùi” của Huy Cận. Nhà thơ buộc độc giả luôn đọc thơ mình trong thế đối chiếu với văn bản của Huy Cận mà họ từng biết trước đó. Vô hình trung, bài thơ trở thành bài thơ kép. Tình cảm ủy mị, ướt át tràn trề và, rất không thực từng có mặt ở thơ Huy Cận hoàn toàn vắng mặt. Nguyễn Hoàng Nam có cách xử lí nghệ thuật khác: thực và đời hơn. Qua đó anh tước bỏ cơ sở mĩ học của bài thơ gốc. Tiếp tục: anh cởi lớp áo lót tâm tình cuối cùng bằng cấu trúc nghịch âm ở dòng bát câu thơ cuối, qua đó lục bát truyền thống đánh rơi nốt sự nhịp nhàng, êm mượt như nó vốn có. Muốn thưởng thức “Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, người đọc buộc phải từ bỏ lối đọc-nghe bằng tai, cả việc đọc thầm.

Như vậy, Nguyễn Hoàng Nam làm mới Thơ Mới bằng cách sử dụng lại chính bài Thơ Mới vốn rất nổi tiếng.


4. Có thể nói, cái đặc trưng nhất của lối viết hư cấu hậu hiện đại là sự phá vỡ trật tự thời gian, sự phân mảnh, tính lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng, sự sáng tạo những cặp vòng tương tác,... thể hiện trong rối loạn ngôn từ của kẻ mang chứng bệnh thần kinh phân liệt (schizophrenia). Một rối loạn ngôn từ như thế từng xuất hiện ở Bùi Giáng, nhưng phải đến Phan Bá Thọ, nó mới được đẩy đến tận cùng của mâu thuẫn và rối loạn. Thử đọc bài thơ:

hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng

ông ấy là một người [mỹ] trầm lặng - ai cũng bảo vậy - với 60 % tính trầm tĩnh + 30 % tư chất của những con người thông minh linh lợi

từng đoạt chức quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương [từ vịnh con heo đến vịnh bắc bộ] chỉ mất 2 giây 10 %, bơi theo thể thức telephone internet card
về thứ 2 trong cuộc đua năm ấy: phan khôi, mất quãng thời gian [tính từ tình già đến lúc tình thôi xót xa] vị chi 80 năm chẵn lẻ
nguyễn quốc chánh với kinh nghiệm căn cước của ẩn dụ & đinh linh bơi với kỹ thuật của một chiến thắng nhỏ trên sự thả lỏng cán đích đồng hạng 3

thông minh, trầm tĩnh & bởi anh ta là ernest hemingway nên thay vì được phần thưởng là vào lăng viếng bác + bắt tay với fidel dũng cảm, anh ta lại lẻn lên điện biên nhập vào đoàn quân kháng chiến đánh đồn đờ cát, mà chẳng bị một ai phát hiện.

đề cạc thì ai cũng biết rồi [kể cả em bé chăn trâu & chị dậu đều biết. nhưng một điều kỳ lạ, nguyễn đình thi & hải triều thì đéo biết thằng chả là thằng khỉ khô cốc ổi nào]
ông ấy không phải là hạng xoàng nên, sau khi thất trận & hồi cố quốc, vì rảnh rỗi + với lương bổng của 1 thiếu tướng rất ư bảnh choẹ, ông đâm ra nhậu nhẹt & chơi bời đĩ điếm liên tù tì [cho nó hết mẹ thời gian + tiền bạc đi, nhưng cũng đếch xong, nên] thỉnh thoảng để đổi món cho đỡ nhạt mồm miệng, ông lại dắt ngựa đi đua, tiện thể quăng ra vài ba cuốn triết học [làm thế giới đảo điên lộn xộn cùng cực] chơi, đến độ đâu là vịnh con heo đâu là vịnh bắc bộ cũng chẳng có ma nào phân biệt nổi.

lại nói về ernest hemingway, sau khi cắm cờ trên nóc hầm đờ cát thì được tưởng thưởng & tung hô vinh hiển đủ thứ, được về hà nội ăn phở, nghe hẹn hò & bên cầu biên giới, được phạm duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí đến sình cả bụng, lại được mang họ mới [nguyễn ernest hemingway] & kết nạp vào hội viên hội nhà văn việt nam [sướng nhé]. 2 tháng chỉ đi lòng vòng quanh một cái hồ bé tẹo thì chán, thành thử nhiều hôm đóng cửa nằm nhà ngâm cứu sách vở, những cuốn sách do đỗ kh & nguyễn đăng thường vô tình lượm mót ở vỉa hè saigon gởi ra. nhưng nghiệt nỗi, trong cái mớ hổ lốn ấy lại có cả đề cạc hoa xoan bên thềm cũ & nguyễn ernest ta tất nhiên ngậm phải, nên nhiễm luôn vi trùng lậu giang mai mà lâm trọng bệnh rồi đâm ra tóc tai bạc trắng, da dẻ nhăn nheo nhìn thấy ớn. nhan sắc biến dạng gớm ghê nên cũng không đủ can đảm để đi lại thăm em út ở các động đĩ hà thành. lo các em hoảng sợ mà chết xỉu.

vì ernest chưa hoàn tất cuộc tẩy trần để trở thành nguyễn ernest hemingway chính hiệu nên sau đấy, ông gởi đơn tới tướng nguyễn sơn, xin đầu quân về khu 4, biên chế 50 % ở mặt trận văn nghệ 50 % ở các phòng karaoke máy lạnh hát với nhau. nơi đấy, cứ mỗi 2 chiều một lần ông lại lội ra bãi biển thanh hóa [do đã nhờ kafka hoá trang kỹ lưỡng thành một ông già biển cả hiền từ] vờ, ngồi câu cá thiền định. nhưng cốt chỉ để rình các o du kích mọi nhỏ tắm táp trần truồng cho… monroe… đỡ nhớ.

vì là nhà văn hội viên duy nhất đoạt chức vô địch bơi lội, nguyễn ernest được vinh dự đọc tham luận tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2004. thay vì ngậm nước hoa trong mồm, phun vào mặt mũi quan khách & hội viên em nhỏ cho lấm lem cho bớt phần căng thẳng cuộc cấu xé. thì đàng này ernest lại tuyên bố hùng hồn [nước miếng văng tùm lum]: viết vẽ hay làm cái đéo gì thì cũng phải như câu cá vậy mới được. phải như câu cá [câu này hô to 3 lần] dẫu con cá đó có là nguyễn du cô nương - là đức hùng vương em nhỏ - là gì gì gì gì cũng thế

ừ, thì kết quả của cái là gì gì cũng thế: ernest bị ném hơn 4000 viên đạn ghim vào người. [nhưng, thằng họa sỹ a nhìn thằng nhà văn b - thằng phê bình c nhìn thằng d nhà thơ nhìn mỏi cả miệng lưỡi cũng chẳng biết được đứa nào trong cái đám hội ấy thủ phạm]. nguyễn ernest vẫn chưa chết hẳn [là theo cách dàn dựng của đạo diễn thế lữ] ông ta lồm cồm ngồi dậy, cố cười một cái thật duyên rồi sống tiếp thêm 10 năm hì hì. sau đó còn rinh về cho việt nam cái giải nobel văn chương [quá đã] với tác phẩm có tựa đề lạnh gáy: lời của tớ có thể sai & đúng, nhưng stalin - mao thì đừng hòng.
rené descartes tư duy [theo kiểu một cái bóng của thượng đế nhảy múa] còn de castrie thì hiện hữu [như một võ sỹ quyền anh hạng ruồi quanh năm thất nghiệp] – ấy là theo lời bẻm mép của một chị bán cá rỗi hơi.

& hemingway thì ai cũng biết: đích thị là một người mỹ trầm lặng. nhưng hắn ta cũng đồng thời lại là một nhà văn việt nam bi bô & láo toét vào loại bậc nhất.

(Phan Bá Thọ, “hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng”, Tienve.org)

Lối viết siêu hư cấu sử kí (historiographic metafiction) không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ, như chúng ta thấy nó xuất hiện ít nhiều trong vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, mà còn làm sai lệch các sự kiện hiện tại nữa.

Hemingway, một người [Mĩ] trầm lặng, tư chất thông minh linh lợi hay Hemingway quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương, cũng được đi. Nhưng cho ông nhà văn tác giả Ông già và biển cả được kết nạp vào hội viên nhập Hội Nhà văn Việt Nam hay cắm cờ trên nóc hầm Đờ-cát, kết bè cùng Phạm Duy đi hút thuốc phiện… thì chỉ đến thi sĩ hậu hiện đại Phan Bá Thọ chúng mới lòi ra. Không là dạng độc thoại nội tâm như W. Faulkner từng thể hiện hay hiện thực huyền ảo kiểu García Márquez nữa mà là một phá bỏ biên giới giữa sự kiện có thật và hư cấu. Triệt để. Đây là thủ pháp hoán vị (permutation) hậu hiện đại. Các nhân vật xuất hiện ngẫu nhiên, các chi tiết bị tháo rời, chồng lắp, xen kẽ, tù mù thêm, rối rắm hơn nữa! Không dừng lại tại đó, Phan Bá Thọ cố tình nặn ra hàng loạt thông tin dư thừa không cần thiết rồi nhét bừa vào bài thơ, làm người đọc quá tải. Qua đó anh đẩy người đọc rơi vào tình thế đối mặt với trạng thái lấp lửng giữa thực vào ảo. Văn bản nội tại và thế giới ngoại tai, nghĩa bóng/đen trộn lộn. Ta không biết đâu là thế giới bên trong/bên ngoài văn bản, không còn phân biệt đâu là hư cấu đâu là hiện thực nữa.

Mâu thuẫn toàn triệt. Bằng thủ pháp này, Phan Bá Thọ đã khiến người đọc mỗi lúc mỗi ngưng lại “đối chiếu” để tìm mối liên quan nào đó giữa sự thật và hư cấu. Ít ra họ cũng chờ đợi một khai phá mới về cuộc đời đầy sôi động của nhà văn này. Rốt cục họ nhận ra bài thơ không phản ánh hiện thực gì cả: ở đó bao nhiêu sai lầm với nghịch lí. Người đọc không còn tin vào văn bản nữa. Hơn thế, họ biết đây chỉ là một hiện thực giả (simulation) làm đầy thêm hiện thực (hyper-reality) trong một thế giới phi căn nguyên (image-without-an-original)! Thành công của Phan Bá Thọ là giải thoát người đọc khỏi sự bị hút đắm vào câu chuyện “như thật” như đã từng xảy ra ở hầu hết lối viết cũ, để họ biết rằng họ đang đọc văn bản. Bài thơ chỉ là một trò chơi của ngôn ngữ, một diễn ngôn mảnh “thực tại của cuộc sống” như là mớ hỗn độn như nó vốn là thế.

Chắc chắn sẽ có phản ứng: thơ như thế mà “khó” gì, cứ xáo bừa mọi hình ảnh/ngôn từ/ý tưởng như nhà cái bầu tôm xóc dĩa làm thì cũng xong cái bài thơ. Chúng ta hãy nhớ phản ứng của Xuân Diệu trước “thơ điên” của Hàn Mặc Tử hơn nửa thế kỉ trước! Hoặc một người bạn thơ của tôi khi nhận tập thơ tặng Người đàn bà gánh nước sông từ tay tác giả Nguyễn Quang Thiều vào mùa hè 1996, đã phát biểu khá ngây thơ rằng: “Thơ như vầy em làm mỗi ngày 20 bài!”.


5. Thời kì hậu hiện đại phát triển mạnh với phong trào nữ quyền mới, hậu thuộc địa, dân tộc thiểu số, vấn đề da màu và di dân,… Nên, nói đến hậu hiện đại, không thể không nhắc tới các sáng tác nữ quyền. Đó là thể cách giải-trung tâm quan trọng. Vài chục năm qua, văn học-nghệ thuật nữ quyền Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng kể. Với các tên tuổi: Trịnh T. Minh-hà, Phạm Thị Hoài, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Hương, Đỗ Lê Anh Đào,… và phần nào đó cả ở nhóm Ngựa Trời với “cuộc cách mạng thơ dang dở” của họ nữa. Không cần tuyên bố [trong thơ] sẽ làm nghiêng đổ ổn định, phá vỡ mọi quy ước, chặt đứt quá khứ, thoát khỏi tính bầy đàn để khẳng định cái Tôi biệt lập ngang tàng hay la lối om xòm với cả rổ hình dung từ ngổ ngáo gì gì khác mà, chỉ bằng một nhát dao, Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã cắt đứt cái đuôi hậu tố “nữ”, rất ngọt. Thử thưởng thức:

Ngọn cỏ

tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa

(Nguyễn Thị Hoàng Bắc, 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB. Tân Thư, Hoa Kì, 2002).

Bài “Ngọn cỏ” xuất hiện ở tạp chí Hợp lưu năm 1997, đã gây sốc lớn cho độc giả thời điểm ấy. Không ít kẻ làm văn chương đã có phản ứng khá tiêu cực. Nhưng nó đã chinh phục được nhiều người, bởi đây là bài thơ thể hiện tinh thần nữ quyền luận rất độc đáo.

Thế giới hôm nay cung cấp cho nữ giới bao nhiêu là tấm gương chói lòa, với đủ đầy phương tiện hiện đại [“bồn cầu” là một trong những]. Người nữ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới. Chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa. Tại sao họ lại từ bỏ cơ hội ngon ăn kia chứ?

Biên giới giữa nam và nữ đã, đang phải bị/được xoá bỏ. Nguyễn Thị Hoàng Bắc tuyên bố như thế trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng tuyên bố là một chuyện, làm thơ là chuyện hoàn toàn khác. Khởi đầu, hơi thơ “Ngọn cỏ” đi mạnh mẽ và trang trọng như bao bài thơ hiện đại khác. Người đọc ngỡ sẽ bắt gặp nỗi gồng mình [phê phán hay tuyên bố gì đó đại loại] ở câu tiếp theo, như đã từng thấy sự thể biểu hiện ở thơ nữ trẻ mấy năm qua. Nhưng không, bài thơ bỗng chuyển hướng qua giọng phớt đời, khinh bạc rồi bất ngờ bẻ ngoặt sang đùa cợt đầy khiếm nhã!

Chẳng có gì nghiêm trọng cả! Nếu không có “ngọn cỏ gió đùa” đột ngột kia, bài thơ chỉ dừng lại ở ngưỡng nữ quyền luận hiện đại: nghiêm trọng và không kém quyết liệt. Nhưng chỉ cần một giễu nhại, tất cả đã lột xác: bài thơ làm cú nhảy ngoạn mục sang bờ bên kia của mĩ học hậu hiện đại.

Tính chất nghiêm cẩn của giọng thơ đã được tháo gỡ. “Ngọn cỏ gió đùa” thời Hồ Biểu Chánh đã lui vào hậu trường lịch sử. Nó được Nguyễn Thị Hoàng Bắc giải phóng. Hãy để cho ngọn cỏ tự do đùa với gió mà không buộc nó phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, qua đó thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng.


Kết…
Chúng ta – kẻ đứng ở ngoại vi – còn có quyền mặc cảm không?

Lẽ nào văn học Đông Nam Á mãi chịu phận “vùng trũng” của văn học thế giới, và Việt Nam là một trong những vùng trũng đó? Văn chương không phân biệt ngoại vi hay trung tâm, dân tộc thiểu số hay đa số, giàu hay nghèo, nam/nữ, trung ương/địa phương, chính lưu/ngoài luồng, trong nước/hải ngoại,… Đã có nhiều phân biệt, nhưng đó là sự phân biệt giả tạo xuất phát từ mặc cảm giả tạo. Vượt qua mặc cảm, người nghệ sĩ ngoại vi khả năng đạp đổ vách tường ngăn trung tâm/ngoại vi đầy tệ hại.

Nhiều văn nghệ sĩ từ các nơi trên thế giới di cư và thành danh ở Hoa Kì minh chứng sáng giá cho sự thật đó. Và cả khi anh/chị cư trú tại vùng biên, các công cụ hiện đại (internet là một) vẫn cung cấp cho chúng ta phương tiện thiện xảo để đánh đổ mọi rào cản.


“Kim Blaeser, giáo sư phụ giảng Anh Văn tại đại học Wisconsin-Milwaukee và là một nhà thơ thổ dân sinh trưởng trong vùng White Earth, bang Wisconsin, nhìn thấy triển vọng xa hơn của văn học thổ dân. 'Từ quá lâu rồi, các dân tộc thổ dân đã được đại diện bởi những nhà văn, học giả, nhà làm phim phi-Thổ dân. Chừng nào họ không đại diện cho chính họ thì họ sẽ vẫn tiếp tục là một dân tộc bị lệ thuộc’. Và Blaeser quả quyết: 'Thế hệ mới của những nhà văn Thổ dân sẽ nói với thế giới: chúng tôi là một phần của văn chương Hoa Kì và xa hơn thế nữa, là một phần của văn chương thế giới’.” (Đinh Từ Bích Thúy, “Siêu thị và Quái thai”, Damau.org, 5.2006).

Hỏi chúng ta còn có quyền mặc cảm nữa không?

Sài Gòn, 20.01.2008


Các bài viết của tác giả có liên quan
  • “Sáo chộn với Bùi Chát”, Tienve.org, 21.12.2003; Tạp chí Thơ, Hoa Kì, Mùa Đông 2003
  • “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Tienve.org, 17.03.2005; Tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 03.2005
  • “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố “nữ”, Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, số135, 12.2006; Tạp chí Nhà văn, tháng 03.2007
  • “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, Tham luận tại Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25.8.2006 ; báo Người Đại biểu nhân dân, số 184 & 185, tháng 07.2006
  • “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế Hậu thuộc địa”, Tạp chí Tia sáng số 14, 20.07.2006; Tienve.org, 2006; Tạp chí Thơ, Hoa Kì, số 31, Mùa Xuân 2006
  • “Góp nhặt sỏi đá”, Tienve.org, 26.08.2006; báo Văn nghệ, 20.9.2006
  • “Thơ hậu đổi mới, và… đang khủng hoảng”, Tham luận tại Hội nghị Lí luận-phê bình lần thứ hai, Đồ Sơn tháng 09.2006; talawas.org, 2006
  • “Hậu hiện đại và tinh thần nhập cuộc chịu chơi”, Tạp chí Tia sáng số 22, 20.11.2006
  • “Văn chương – suy nghĩ toàn cầu, hành động cục bộ”, Tham luận tại Hội thảo Lí luận - phê bình và sáng tạo văn học-nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, Hà Nội, 11.12.2006
  • “Thơ trẻ và hiện tượng lặp lại mình”, báo Quân đội nhân dân, 01.03.2007
  • “Cách mạng nghệ thuật nhìn từ hội họa”, Tạp chí Người đương thời, số 11, 06.2007
  • “Khủng hoảng như là tín hiệu tốt lành”, Tham luận tại Hội thảo Mĩ thuật Việt Nam 20 năm đổi mới, Hà Nội, 10.05.2007
  • “Phạm Lưu Vũ và Ngụ ngôn hậu hiện đại”, Tienve.org, 17.07.2007
  • “Thơ văn TP Hồ Chí Minh hậu đổi mới, khởi đầu cho một khởi đầu”, Tham luận tại Hội thảo khoa học Đời sống Văn học - nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập, 16.10.2007, Vanchuongviet.org, 20.10.2007
  • “Thơ văn trẻ Sài Gòn ở đâu?”, báo Văn nghệ trẻ, số 45, 11.11.2007
  • “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt”, Vanchuongviet.org, 21.12.2007
Đọc thêm
  • “Ngẫu hứng” của Bùi Giáng: Một hôm gầu guốc gầm ghì / Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm / Bôm ha? đạn hả? bao gồm / Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen, với lời bình của Nguyễn Hưng Quốc
  • Các bài thơ khác của Lý Đợi: “Yêu đương khi”, Đỗ Kh: “Liên khúc đường dài”, Đinh Linh: “Thơ song nghĩa” và nhiều bài khác, Nguyễn Hoàng Nam: “Baggage Y2K” với lời bình của Inrasara
  • Nguyễn Ngọc Tuấn bình bài: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” và Phan Tấn Hải bình “Thơ chụp bắt” của vài tác giả khác.
(Tất cả đều được có thể được tìm đọc trên Internet.)


Viết sau Hội thảo
Ý kiến ngắn về một hội thảo

Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, vừa được Khoa Văn học và Ngôn ngữ thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, tổ chức nguyên buổi sáng 19.02.2008, tại Hội trường của Khoa. Tên gọi đầy đủ: “Hội nghị khoa học Thơ Việt Nam đương đại - những xu hướng mới trong thơ Việt Nam đương đại”.

Hội thảo thu hút khoảng 60 người gồm nhà thơ, nhà văn, giáo sư, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, các cây bút trẻ… tham dự. Có cả nhà văn từ nước ngoài về như Đặng Tiến, Lý Lan, với tham luận của Khế Iêm. 24 tham luận in thành tập được phát trước khi vào Hội thảo.

Diễn biến Hội thảo tương đối nghiêm túc, dù có nhiều ý kiến trái chiều và dù chưa qua một phần ba buổi, khoảng mươi đại biểu đã rời hội trường (có vị phát biểu xong thì… về). Có lẽ bởi hội thảo được tổ chức trong đại học đầy mô phạm chăng mà không khí tham luận và thảo luận ban đầu khá trầm lắng, chỉ đến gần giữa buổi nó mới sôi động lên. Và càng về cuối càng nóng.

Có thể đánh giá Hội thảo thành công 70%, theo chuẩn yêu cầu! Và có thể hơn thế, nếu vài đại biểu không đi chệch khỏi vấn đề: Thế nào là thơ? Làm thơ như thế nào?...

Tên Hội thảo ghi rõ: “Những xu hướng mới trong thơ Việt Nam đương đại”.

Chúng ta cần đặt câu hỏi: Thơ đương đại đang ở đâu? Nó biểu hiện như thế nào? tại sao có nó? Và nó sẽ đi về đâu?... Từ đó mới bật ra vấn đề cần thảo luận.

Mấy “xu hướng mới” chính, theo tôi:
  1. Thơ sáng tác trong dòng truyền thống (chủ yếu để đối chiếu)
  2. Thơ tân hình thức
  3. Thơ hậu hiện đại
  4. Thơ xu hướng nữ quyền luận
  5. Trình diễn thơ
Khi chúng ta (đại biểu xứng đáng được chọn để đặt bài tham luận) đã chỉ đúng tên nó, phương thức biểu hiện cùng thủ pháp của nó, nền tảng triết lí nẩy ra loại thơ đó,… để người tham gia sẽ thảo luận về từng xu hướng đó. Chỉ như vậy, mới hi vọng vấn đề được vỡ ra. Và hội thảo đi đúng trọng tâm chủ đề.

Phần thứ hai là khá phụ, Thơ đương đại và sự tương tác:
  • Với Internet (như gợi ý của tham luận Lý Lan)
  • Với việc tự xuất bản (tham luận của Hoàng Hồng Hà, và như Giấy vụn đã làm)
  • Với nhà phê bình.
  • Với người đọc,…
Nhìn nhận thiếu sót, chúng ta rút kinh nghiệm cho kì sau vậy.


© 2008 talawas