trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
27.2.2008
Nhật Chiêu
Thu mình nhỏ lại, thơ ơi!
(Tham luận tại Hội thảo “Thơ Việt Nam đương đại”, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19.02.2008)
 
Thơ ca thế giới có những thời đã từng tự thu mình lại vào trong những thể rất nhỏ nhắn, ngắn gọn.

Như thơ sonnet của Âu Tây chỉ có 14 hàng, nên ta từng gọi nó là thập tứ hàng thi.

Như tuyệt cú chỉ có 20 chữ hoặc 28 chữ.

Ả Rập và Ba Tư cũng có thơ tứ tuyệt mà họ gọi là rubai, có nghĩa là bốn câu.

Thể thơ trữ tình nổi tiếng nhất trên bán đảo Triều Tiên là Sijo chỉ có ba câu, mỗi câu khoảng 15 tiết.

Thơ tanka và haiku của Nhật Bản đều rất ngắn, một cái 31 âm tiết và một cái vỏn vẹn 17 âm.

Có thể tìm thấy những bài thơ Việt Nam hay nhất trong ca dao lục bát mà mỗi bài chỉ có 14 chữ mà thôi.

Mười bốn chữ ấy rất cô đúc.

Nhưng mười bốn chữ ấy cũng rất mênh mông.

Dù thể lục bát muốn làm bao nhiêu câu cũng được nhưng thường thì nó chỉ trương nở khi có nhu cầu kể chuyện.

Ngoài ra, ngắn gọn là linh hồn của lục bát. Ngay cả Truyện Kiều, nó thường tan ra thành từng câu lục bát khi ta trích dẫn, bình đọc hoặc tập Kiều. Ít người có nhu cầu đọc một lúc 3254 câu của nó.

Cái cô đơn hay nỗi buồn thường là chủ đề của thơ ca. Và ở đâu mà nó nói hay hơn câu ca dao lục bát này:

Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió day bông sậy, bỏ buồn cho em.

Gió và bông sậy là những rất nhẹ. Buồn là thứ nặng trĩu. Vậy mà cái buồn rất nặng ấy lại được các thứ nhẹ nhàng kia mang đến và bỏ lại.

Đó là lời hát của cô gái. Còn chàng trai, nếu đủ tinh tế, thì có thể trả lời:

Mưa trong đám sậy mưa buồn
Giơ tay hứng nước rửa buồn cho em.

Buồn mà có thể đặt để vào tha nhân.

Buồn mà có thể hứng nước rửa cho trôi.

Cần gì nhiều lời để khắc hoạ một nỗi buồn? Những lục bát ca dao hát về nỗi buồn hay đến mức ta lấy làm xấu hổ khi muốn làm thơ về nỗi buồn.

Và nó dạy ta rằng dài dòng mà chi, lê thê làm gì.

Mọi thứ, kể cả những cái đồ sộ nhất trên đời này, đều được cấu tạo bằng những thực thể tế vi.

Chỉ với chút ít thực thể tế vi ấy, ta sẽ có được thơ hay.

Tagore gọi những bài thơ ngắn của mình là Sphulinga (những tia lửa):

Và khi tôi nhấp nháy, đằng sau tôi tôi thấy
Người, ôi bóng tối nguyên sơ vô thuỷ ơi.

Như những tia lửa nhỏ ấy, những bài thơ cực ngắn mang phía sau nó cái bóng tối nguyên sơ vô thuỷ, đó là cái huyền bí vô tận của đời.

(Yet when I blink, behind me I see
You, O first, beginningless Dark)

Và thơ có thể thu mình nhỏ lại cỡ nào?

Nhà thơ Bắc Đảo, nếu tôi nhớ không lầm, có lần cho thơ thu mình nhỏ đến mức chỉ có một chữ duy nhất:

Võng

Võng là lưới. Lưới là gì? Lưới gì cũng được. Nước đi qua nó. Bầu trời đi qua nó. Trùng trùng duyên khởi đi qua nó.

Nhưng bài thơ một chữ khó mà bắt chước, khó mà lặp lại.

Có thể dẫn thêm một trường hợp lý thú của nhà thơ Pedro Xisto (1901 – 1987) thuộc trường thơ cụ thể Brazil (the Brazilian Concretist movement).

Dưới tiêu đề “Epithalamium” (Tụng ca hôn phối) là:



Mới nhìn vào trang giấy, ta gặp ngay chữ She được trình bày và sắp đặt theo cách mà ta có thể đọc thấy chữ he bị quấn bởi một chữ S trông như con rắn. Rồi tác giả dẫn dắt ta bằng những phụ chú. Do đó ta có thể đọc “bài thơ” này là: he and she (chàng và nàng) hay đảo lại cũng thế. Chữ S có hình rắn và cũng là chữ cái đầu tiên của Serpens (rắn). Còn lại, chữ hhomo (con người) và chữ eeva.

Vậy thì, chữ She được trình bày theo lối thơ cụ thể của Pedro Xisto bỗng trào dâng vô vàn ý nghĩa của đời thường, huyền thoại và tôn giáo.

Trong thế kỷ này, hơn bao giờ hết, thơ cần thu mình nhỏ lại về hình thức.

Thơ cũng như phần mềm vi tính, nó cần thu mình nhỏ lại dù lượng ý nghĩa của nó là vô tận.

Còn hơn thế nữa, ý nghĩa mà nó sản sinh không cần do tác giả cài đặt. Tác giả phải chết sau bài thơ. Ý nghĩa tự nảy nở trong cách thế đón đợi của người đọc.

Thu mình nhỏ lại, thơ ơi.

Để thơ có thể bay đi vô ngại trong thế giới bề bộn này!


Tác giả Nhật Chiêu là nhà nghiên cứu, giảng viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

© 2008 talawas