trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
7.3.2008
Nguyễn Trương Quý
Mối tình trâu sắt
 
Những năm đầu thế kỷ 21 này, có đi đâu xa, dân văn phòng sống ở thành phố như Hà Nội mới ngộ ra, lắm khi cái nao nao kỷ niệm lại là tiếng còi xe máy trong những phút tắc đường. Ở thành phố bây giờ, tiếng còi kem trưa hè bồi hồi tâm trí bọn trẻ thì đã xa lắc, tiếng métro sầm sập thì chưa tới. Dân văn phòng thành phố chúng ta bây giờ, có thể định nghĩa là sinh vật di chuyển bằng hai bánh xe máy chứ không bằng hai chân. Nếu vẽ tranh biếm hoạ hay giả tưởng về dân văn phòng trên đường phố hôm nay, hoàn toàn có thể vẽ một sinh vật đầu người mình xe máy.

Đầu tiên, nghĩ về xe máy ở phương diện văn minh đô thị theo lối lý tưởng, chúng ta sẽ phải ghét. Trăm sự tệ hại của đô thị này là do cái xe máy. Trong số 2 triệu xe máy ở Hà Nội và 4 triệu cái ở Sài Gòn, có cái nào vô tội đối với nạn tắc đường, với mức độ ô nhiễm và với cảnh quan giao thông đường phố kì cục trong mắt bất cứ mỗi du khách? Nhưng mà đúng là chúng ta, những viên chức văn phòng đi bằng xe máy đã thành quy ước. Biết đi bằng cái gì trong thời buổi phải linh hoạt tối đa thế này. Ôtô nói chung vẫn là một thứ xa xỉ, đẳng cấp ôtô trong giới văn phòng chưa nhiều, và đảm bảo rằng lúc dân văn phòng đi ôtô con nhiều là lúc ôtô cũng đáng ghét y như xe máy hôm nay. Cứ như thể dân văn phòng động đến cái gì là cái đấy xoàng xĩnh đi ngay lập tức. Cho dù có ghét đến mức muốn tống khứ đi, vẫn phải cậy đến xe máy. Hai mươi năm qua, câu chuyện xe máy song hành với đời văn phòng như chúng ta vẫn cần không khí để thở vậy.

Vậy thì nhìn ở phương diện biện chứng, xe máy chỉ là phương tiện. Nghĩ về nó, chúng ta thấy xe máy đã giúp ta bao nhiêu: cải thiện tốc độ, tiếp cận mục tiêu dễ dàng, linh hoạt và dễ sửa chữa. Chưa kể đó là nguồn sống của bao nhiêu con người. Cho nên thù ghét xe máy, chỉ là một suy nghĩ kiểu công nhân Anh thế kỷ 18 hận thù sự bóc lột của tư bản mà đập phá máy móc công nghiệp mà thôi. Hận thù cơ giới dễ dẫn đến những hành động lãng mạn cách mạng, nhưng rút cục như phong trào phá máy, chúng ta không thể ngay ngày mai phát động toàn dân toàn diện cất xe máy ở nhà.

Nếu một cái xe máy là sinh vật, nó sẽ nghĩ gì? Nó phục tùng ông bà chủ của mình, thương họ chạy mải miết trên con đường mưu sinh. Nó cũng yêu những cặp giò trắng muốt của các chị trong chiếc váy ngắn kẹp trên yên trước hay khẽ khàng khép lại ngồi lệch một bên phía sau một anh trai hào hùng dạng chân. Nó là kẻ đưa lại tốc độ cần thiết cho anh viên chức nhanh đến cơ quan để kịp giờ, cho chị gái đang yêu nhanh đến điểm hẹn, cho người nôn nả chóng đi lĩnh tiền trúng quả, nghĩa là nó đồng nghĩa với vật may tài mắn lộc. Nó cũng là kẻ đồng hành lầm lũi với ông bà chủ những phút mưa gió, im lặng khi họ thất bại bẽ bàng, đưa họ về đến nhà sau những nước mắt đắng cay của đời công sở. Nó cam chịu khi ngập đường tắc ống bô, và cũng biết dở chứng chành choẹ khi kẹt bugi, luôn bất ngờ thủng săm giữa trời hè nắng muốn chảy nhựa mặt đường. Nó cũng thành cái ghế tự nhiên cho đôi ta ghé mông tâm sự ven bờ cỏ hồ Thiền Quang. Nó biết phóng veo véo trên đại lộ và cũng khéo len lỏi trong những ngõ hẹp hun hút.

Chúng ta có kể công ra, mới thấy thương cái xe máy. Nói thương xe máy nhưng cũng chính là thương cái đời chúng ta. Mơ ước một đời đi làm của bố mẹ và thành quả dành dụm của anh chị viên chức sau vài năm đi làm hiển thị ở đấy. Cái xe máy bạn mới mua là chứng chỉ cho đời văn phòng “thành đạt”, niềm hạnh phúc giản dị và dễ đạt được hơn nhiều mục tiêu cao xa khác. Trong ba mục tiêu “làm nhà, tậu trâu, cưới vợ” thì “trâu” là thứ dễ hơn cả thời nay. Trâu sắt hay cái xe máy chỉ cần vài triệu đã có được, trong khi nhà đất cứ đắt mãi lên, và có khi cuộc đời hôn nhân của ta chưa chắc đã ổn.

Nhưng chính có lẽ vì bây giờ dễ có, nên ta lại coi thường. Lúc ta mới rinh được con xe láng coóng về, nghĩ nó như nô lệ, như một thứ trang sức, cố lên chút thì Dylan, thời trang thêm thì Piaggio. Chúng ta ve vuốt nó có phần thái quá và mong tất cả mọi người chú ý đến cái vẻ bóng nhoáng tinh tươm của chiếc xe sành điệu. Còn khi nó đã ậm oẹ sau vài vạn cây số, chúng ta ghét nó và chỉ muốn tống khứ đi cho khuất mắt. So với sự chung thuỷ đơn phương của cái xe thì ta đúng là hạng Sở Khanh.

Xe máy ưu thắng trong đời văn phòng là bởi khả năng loăng quăng của nó. Nó cũng là kẻ không được chuyên chính cho lắm, kết bạn với đủ loại mặt đường và hoàn cảnh bến bãi. Nếu xe bốn bánh, tức xe hơi, chỉ kết được những làn đường tối thiểu ba mét rưỡi và chỉ chịu chui vào những chốn nghỉ ngơi đẳng cấp và không thèm (hay không thể) hạ cố chui vào ngõ ngách, thì xe máy chỉ cần một mép đường chênh vênh vài chục phân đã có thể rì rì chạy. Có lẽ xe máy phản ánh chính con người anh viên chức bình dân. Vẫn động cơ bốn thì ấy, vẫn hộp số, cái công tơ mét, và ống bô bất tử của mình, lắm khi chỉ khác nhau cái vỏ nhựa xanh đỏ bên ngoài. Anh làm ngành tin học so với chị kế toán thì sự khác nhau cũng như xe Honda Future với Attila chẳng hạn. Cho dù sang trọng như trợ lí giám đốc cũng có thể so với Piaggio GX giá 6200USD, nhưng cũng chỉ là… xe máy. Nói vậy không có nghĩa hạ thấp hay chê xe tay ga xoàng theo lối nói dỗi nho còn xanh lắm, mà giúp dân văn phòng chúng ta nhìn sự hơn kém của nhau một cách rất vô thường.

Xe máy không còn là thứ đắt giá như cách đây hai mươi năm, khi một chiếc xe là cả một gia tài, và một cơ quan ai có xe mới là cả một sự kiện. Hãnh diện nhất của một anh viên chức lúc đó có lẽ là: cả đám đàn ông trai tráng cơ quan bỏ việc chỉ để ngồi uống nước chè bình luận thời sự xe máy và ai cũng muốn tranh thủ leo lên yên con Kim vàng giọt lệ (tên gọi bình dân của Honda Cup 86) để chạy vài vòng. Bây giờ xe máy sao mà sẵn, đến nỗi cái hãnh diện của anh viên chức teo lại không còn mảy may cơ hội. Cái thời tươi đẹp ấy qua rồi. Và chúng ta tưởng tượng đến một ngày không xa, xe máy nằm buồn bã trong kho sắt vụn, chủ nhân của chúng hì hục quay vôlăng trên những con đường xa lộ hay kịp nhảy phóc lên cửa tàu điện ngầm cho kịp giờ. Chúng ta vĩnh biệt xe máy như vị hoàng đế cuối cùng vĩnh biệt ái thiếp trong cao trào cách mạng.

Nhưng xe máy không bao giờ chết. Bởi vì sự lãng mạn của nó, sự ích kỷ và nhu cầu cá thể hoá cách đi lại của chúng ta. Chúng ta có thể lựa chọn xe hơi, nhưng bạn có thấy các nhà thiết kế vẫn phải chịu thua khi làm xe mui trần đó không? Khả năng khoe mặt ra với đời của xe ôtô chỉ có khi nó dừng lại và bạn bước ra đó một cách oai vệ. Chứ ai mà nhìn thấy bạn mặc váy hay áo hai dây sau cửa kính chứ. Đi xe máy, phóng với tốc độ cho tóc bay bay trong gió là cách bắt buộc thiên hạ ngoái đầu nhìn lại: Kìa, chân kia mới gọi là chân chứ. Trong khi đó, thút nút trong xe hơi, bạn có thể chỉ nhận được những ánh mắt tức giận khi xe bạn chiếm chỗ trong đám xe cộ kẹt đường Chùa Bộc chiều nay. Đi xe máy là bạn tiếp xúc với môi trường được nhiều hơn, bạn có thể hít nhiều khói xăng độc hại hơn không thành vấn đề, nhưng thấy một bóng áo đỏ phóng qua dưới hàng cây hoa sữa khiến bạn nao lòng hơn là chỉ kịp dõi theo đít xe Mercedes xịt khói đầy nhạo báng kẻ đi xe máy rão xích là bạn. Nói đến Piaggio hay Vespa, những đại biểu cho trường phái xe-máy-là-lãng-mạn thì ta hãy xem phim Ý, nước sản xuất ra những nhãn hiệu xe đó, những nhân vật đi xe máy có bao giờ lại không thời trang, và nhất là luôn xinh đẹp. Nhưng mà cứ nghĩ đến 2 triệu cái lãng mạn ấy đổ bộ ra đường Hà Nội mỗi sớm cao điểm mỗi chiều tan tầm đủ làm ta hoảng sợ.

Trong túi quần anh viên chức, không gì bất ly thân bên cạnh cái điện thoại di động ngoài cái chìa khoá xe. Xe máy là một vật chứng cho ta một tốc độ, cho dù ta chỉ xê dịch với “tốc độ chóng mặt” 30km/h, ta cũng còn thấy đời mình có chút phương tiện để đôi khi thoát khỏi sự chôn chân nơi văn phòng. Cái cảm giác mình phiêu du hẳn nhiên là có, để ta như chàng Don Quichotte rong ruổi ngựa sắt mà giành giật chút lãng mạn nơi xứ Mantra chật hẹp này. Xe máy với tốc độ của nó, khi cần sẽ là cực kì nam tính hoặc lả lướt thục nữ. Tốc độ ấy nhiễm vào máu bạn, cho đến con bạn nữa. Dưới mái nhà này, trong thành phố này, còn cái gì khiến con bạn chia sẻ được với bạn ngoài chủ đề xe máy? Trong khi bạn chưa có một phương tiện nào thay thế, chiếc xe máy vẫn là thứ gần như duy nhất khiến con bạn (chưa đến tuổi được cấp bằng lái) ghen tỵ với bạn. Bạn còn cái gì để ai ghen tỵ nữa nào? Chúng ta thử đặt mình vào vị trí một ông bố. Ta thấy mình cũng nên tỏ ra hào hiệp, cho thằng cu đi ké, nó cũng lớn rồi, có bạn gái rồi, cũng nên để nó có đất thể hiện. Nhưng đã là tốc độ thì khó kiểm soát, kẻ hậu sinh thể hiện phẩm chất đàn ông quá mức cần thiết và bạn chỉ còn có nước cấm. Và mẹ nó với cái tính đàn bà cố hữu, có ngay cớ để phản đối ầm ầm, mắng chồng sa sả vì can tội làm hư con. Con nhà tông giống lông giống cánh, nó sớm có bản lĩnh nam nhi giống bạn, bỏ nhà đi sau khi để lại một tối hậu thư: Con sẽ không về nếu không được đi xe máy. Vợ ta gầm lên, cứ để nó đi xem nào, có giỏi đi được đến đâu. Nó lại nhắn (qua tin nhắn, qua chat chẳng hạn, bọn trẻ giờ tệ thế là cùng): Nếu bố mẹ đổi ý, đúng 12 giờ trưa mai treo một lá cờ trắng ở ban công. Bạn hơi cáu nhưng cũng thấy thằng này khá, nó giống bố nó. Nhưng vợ bạn có bao giờ đồng ý với bạn về chuyện con cái đâu. Sau một đêm tranh cãi nảy lửa về phương pháp dạy con, cả hai đi đến quyết định cần thiết. Cuộc chiến đấu nào chả có khúc quanh. Chính ngọ hôm sau, hàng xóm thấy bạn run run cầm cái áo may ô trắng móc vào cái sào thò ra ban công.

Đứa con hoang đàng đã trở về, xe máy vẫn còn đó như một thách thức và nhân chứng cho cuộc đời viên chức nhà bạn. Con bạn chưa mê tốc độ đến mức dùng xe máy để đua đã là may, nhưng lắm khi, bạn tự vấn, mình dùng xe máy ở khía cạnh nào? Đời mình chả có đam mê gì, ngay đối với cái xe máy là thứ gần gũi chân kề đùi áp tay nắm hàng ngày (vợ chồng chưa chắc đã được như thế), mình có mê xe được như nó không?


© 2008 talawas