trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
10.3.2008
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 14
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!


Nghĩ lai rai – Hai tám

1. Nay nói chuyện phiêu lưu đường rừng: Chuyện Tarzan.

Hồi nhỏ coi phim Tarzan thấy lần nào đu dây Tarzan cũng hú, lấy làm thắc mắc. Đi săn mà hú om sòm kiểu này thì thú rừng bỏ chạy hết, làm sao mà bắt được con gì? (Xin quý vị vui lòng vặn nghe nhỏ bớt !) Vượt biên sang tới bên Tây, bèn tò mò vô thư viện tra cứu, tìm hiểu vì lẽ gì mà Tarzan hú mỗi khi đu dây.

Thoạt đầu, hồi còn trẻ, Tarzan chỉ đu dây âm thầm thôi, không có hú hiếc gì hết. Lớn lên lúc gặp Jane, cũng không phải vì mừng quá mà hú. Rồi sau đó, khi “nếm thử thương đau” lần đầu, cũng không phải vì sướng ran mà hú. Vậy thì bởi lẽ gì mà Tarzan hú? Tra cứu tiếp. Khởi đầu Tarzan đi săn một mình. Tới khi gặp Jane thì bắt đầu đi săn hai mình. Cho tới bận nọ, hai người vì ham mê rượt đuổi theo thú rừng mà săn mồi quá xa. Tới khi muốn trở về thì trời đã sẩm tối. “Hoàng hôn dần xuống, tiếng chuông chùa dần dần vẳng xa, cánh buồm nâu đã khuất bóng dưới ánh tà dương, tư bề vắng ngắt, chơn trời góc bể, biết đâu là nhà...”!

Tarzan bèn lật đật níu một sợi dây dài trong tầm tay trước mặt mà đu. Jane cũng vội vã phóng tấm thân bồ liễu theo chàng cho có đôi – như chim liền cánh như cây liền cành. Rồi trong bóng hoàng hôn nhá nhem nhìn không rõ mặt người, đôi tay ngà may mắn vớ được một sợi dây gì ngăn ngắn mềm mềm nhũn nhũn mà đu vèo một cái...

Và kể từ đó Tarzan biết hú! Úuuu... Úuuu... Úuuu...


2. Bần tăng vội vã kể chuyện Tarzan mở đầu là vì những chuyện gì mà bần tăng sắp kể tiếp theo có thể sẽ khiến cho bà con ta hết cười nổi. Và sẽ mếu khóc luôn không biết chừng.

Bần tăng vốn đại ghét nói chuyện tiền bạc – có lẽ tại vì mình không có tiền chăng? Không có thì biết nói mần răng? Nhưng lần này, bần tăng đành phải phạm điều cấm kỵ. Bần tăng viết tiết mục này vào đầu năm 2008. Một vụ xì căn đan vĩ đại vừa bùng nổ tại Pháp! Một vụ thất thoát lỗ lã lên đến 7 tỉ euros (hơn 9 tỉ đô la Mẽo)! Mà ai lỗ lã mới được? Một ngân hàng đứng hàng thứ nhì của nước Phúlanxa Đại Pháp: Société Générale (SG). Vì sao mà lỗ? Một mặt, Jérôme, một trong những tay traders (mua bán chứng khoán) của SG đã tung ra 50 tỉ euros của ngân hàng để đầu cơ vào những nghiệp vụ ngắn hạn có thể lời nhiều mà vô cùng rủi ro: các hedge funds (HF). Loại quỹ đầu cơ HF này càng lúc càng gia tăng vùn vụt trên khắp thế giới: từ 120 tỉ đô năm 1990, HF đã vượt lên đến mức 1870 tỉ đô năm 2007! 1870 tỉ đô! Một số tiền khổng lồ khó lòng mà hình dung được trong trí người thường. Thử so sánh với nội sản thô (PIB: produit intérieur brut) tức là trị giá toàn bộ khối lượng sản xuất trong vòng một năm của một vài quốc gia để có một ý niệm: Năm 2007, PIB của Nga 1420 tỉ đô, Nam Hàn 1020 tỉ đô, Việt nam: 83 tỉ đô. Có nghĩa là toàn dân Việt nam 85 triệu người già trẻ bé lớn phải cày cục đổ mồ hôi xót con mắt trong vòng 23 năm mà không ăn uống, nhậu nhẹt, áo quần, bia ôm, son phấn và không tiêu xài chi chi hết mới có được khối tiền đầu cơ khổng lồ 1870 tỉ đô.

Jérôme đã tinh ranh và lén lút vượt qua được hàng chục chặng kiểm soát nội bộ của SG và luôn cả các chặng kiểm soát ngoại bộ của các cơ quan bên ngoài để mà tung 50 tỉ euros của các cổ đông (nhiều hơn vốn riêng 39 tỉ euros của SG) vào thị trường chứng khoán HF. Sa vào trận khủng hoảng tài chánh thế giới, tới khi vỡ lẽ, SG lật đật bán đổ bán tháo các chứng khoán hết sức rủi ro này để thu hồi vốn lại được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Kết quả: lỗ 5 tỉ euros! Một lượng tiền kếch sù khó lòng mà tưởng tượng nổi trong đầu. Đương cử một ví dụ: ở Pháp một căn nhà trung bình cho 4 người ở trị giá khoảng 100 ngàn euros. Với khối tiền 5 tỉ euros, có thể mua được 50 ngàn căn nhà như vậy cho 200 ngàn người ở! Cả một thành phố nhỏ!

Chưa hết. SG còn lỗ thêm 2 tỉ euros trong nghiệp vụ subprime ở Mỹ. Subprime là nghiệp vụ cho vay tiền mua nhà với điều kiện ban đầu vô cùng dễ dãi, tới mức gần như không có, những người trước đây không đủ lợi tức để vay, nay cũng vay được. Vay dài hạn, nhưng với lãi suất biến đổi (gia tăng rất nhiều theo thời gian). Kết quả, đa số dân Mỹ vay tiền subprime để mua nhà không trả góp nổi, bị trục xuất. Cơ quan cho vay không thu lại được tiền, chỉ còn nước sập tiệm. Lôi những ngân hàng khác đã đầu tư vào nghiệp vụ subprime này sạt nghiệp theo trên khắp thế giới, từ Mỹ sang Âu, từ Âu sang Á. Lỗ 5 tỉ HF thêm 2 tỉ subprime: tổng cộng SG lỗ liền tù tì 7 tỉ euros! Nghe qua xây xẩm mặt mày! Bèn hét lên một tiếng lớn rồi té nhào xuống ngựa, mà hộc máu cả chậu như Châu Du.


3. Trên đây là tóm lược vụ lỗ 7 tỉ euros của SG qua tin tức báo chí và TV ở Pháp. Nhưng không phải bần tăng có mục đích tường thuật vụ lỗ này với tính cách lặp lại - phần lớn ai nấy đều đã rõ. Bần tăng chỉ muốn nhân cơ hội này bóp cái trán nhỏ nằm hiên ngang trước cái đầu trọc của mình để mà tư duy Mác Lê nặn ra một vài suy gẫm (và lòi con mắt luôn thể!)

Cái vụ subprime sập tiệm đưa tới khủng hoảng kinh tế tài chánh ở Mỹ đã do ai chủ mưu? Đừng tìm kiếm đâu xa: chính Uncle Sam made in USA chính cống đã đánh trống phất cờ! Vì sao? Ai cũng còn nhớ vụ máy bay khủng bố đánh sập hai cái Twin towers ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sau vụ đó, kinh tế Mỹ xuống dốc. Để khôi phục lại và đẩy mạnh lên mức tiêu thụ của dân Mỹ, hai đầu sỏ của Toà Bạch Ốc và Fed (Quỹ dự trữ liên bang), Bush con và Greespan đã đồng ý giảm lãi suất chỉ đạo của Fed xuống thấp liên tiếp 5 năm. Mục đích: xúi giục các định chế tài chánh và ngân hàng Mỹ vay những món tiền khổng lồ của Fed rồi sau đó tung ê hề ra thị trường cho dân Mỹ vay lại dễ dãi. Có tiền rủng rỉnh thì mới có mua bán rầm rộ. Có mua bán rầm rộ thì mới đẩy mạnh tiêu thụ (CQFD). Rồi chương trình subprime được tung ra thị trường. Rồi dân Mỹ ùn ùn kéo tới ngân hàng vay tiền mua nhà. Số tiền các ngân hàng lớn của Mỹ cho vay trong nghiệp vụ subprime lên tới 130 tỉ đô. Nếu tính luôn các ngân hàng lớn Âu Á và cả các ngân hàng nhỏ, số tiền cho vay lên đến hàng ngàn tỉ đô. Khi cho vay, các ngân hàng cố tình che đậy sự rủi ro về sau, không muốn giải thích cho người vay biết rõ cái nguy hiểm của "lãi suất biến đổi" dính liền với subprime: tiền lời tăng vọt theo thời gian. Kết quả: các con nợ trả nợ không nổi. Rồi bị trục xuất ra ngoài đường ở.

Không thâu lại được tiền, nhiều ngân hàng Mẽo theo nhau sập tiệm lôi nhiều ngân hàng khác trên thế giới sập tiệm theo. Theo các chuyên viên tài chánh thì trong cơn khủng hoảng bất động sản này, số tiền lỗ lã của các ngân hàng lên tới 300 hoặc 400 tỉ đô. Và cuối cùng khủng hoảng kinh tế tài chánh bùng nổ ngay tại xứ của Uncle Sam cuối năm 2007. Hơn thế nữa, khi giảm lãi suất của Fed sau vụ khủng bố năm 2001, Bush conGreespan dư biết là nước Mỹ sẽ có nguy cơ khủng hoảng khi làm như vậy.

Lần này, để bổ thần dược chữa trị cho trận khủng hoảng bất động sản subprime, đầu năm 2008, Bush conFed lại tung ra một tuyệt chiêu bảo đảm hoàn toàn "mới ra lò": giảm lãi suất chỉ đạo của Fed bớt 0.75 điểm một cái rụp. Vô tiền khoáng hậu! Chưa từng thấy hơn mấy chục năm vừa qua tại Mẽo. Hiểu nổi không? "Lấy độc trị độc" chăng? Hay lại thúc đẩy dân Mỹ tiêu thụ để duy trì hoạt động kinh tế Mỹ? Ai hiểu được thì cứ hiểu tự nhiên. Riêng mình, bần tăng xin nhìn nhận mình "tối dạ" và chịu thua. Đầu hàng vô điều kiện!


4. Tuy nhiên, dù không hiểu nổi lối hành xử quái gở này, nhưng cũng tìm xem do đâu mà đưa tới lối hành xử kỳ quặc như vậy? Cái lối hành xử đầy mạo hiểm của Bush con, của Fed, của các định chế tài chánh và các ngân hàng trên khắp thế giới là hệ quả của chính sách toàn cầu hoá. Đã toàn cầu hoá rồi thì mọi biên giới tài chánh bị xóa bỏ. Vô số lượng tiền khổng lồ (hàng ngàn tỉ đô) nườm nượp vượt biên giới, qua lại, tới lui xoèn xoẹt mà không một ai ngăn nổi, không một ai kiểm soát nổi, và cũng không ai biết được hiện trạng tài chánh thế giới ở bất cứ thời điểm nào. Hầu hết những khối tiền kếch sù này và các hedge funds đều được tung vào những nghiệp vụ đầu cơ bởi các định chế có trụ sở đặt tại những địa điểm offshore (gần như vô gia cư) và các "thiên đường thuế vụ" (để trốn thuế), như các đảo Caimans, Bahamas, vân vân… Những địa điểm này nằm ngoài quyền kiểm soát của các quốc gia, nơi những kẻ nắm tiền thực sự cư ngụ. Thì tha hồ mà múa gậy vườn hoang! Chỉ cần nằm thẳng cẳng khoẻ re ra cho mấy em bé xoa dầu đấm bóp và từ xa mà bấm nút ra lịnh. Thế là xong. Gọn, nhẹ và nhanh. Để sau đó còn rút vô phòng riêng có gắn máy lạnh và kiếng rọi bốn bề mà tính chuyện khác. Thì giờ là tiền bạc!

Trước khi có toàn cầu hoá thì tiền bạc còn được sử dụng để đầu tư vào các hoạt động kỹ nghệ, thương mại và phát triển mở mang, nghĩa là có “làm ăn” thiệt sự. Sau toàn cầu hoá thì tiền bạc được sử dụng hầu hết vào các nghiệp vụ đầu cơ tài chánh để duy nhứt... đẻ ra tiền. Tiền lời đẻ ra được đầu cơ trở lại vào các nghiệp vụ đầu cơ tài chánh để... đẻ ra tiền, và lại... đẻ ra tiền, rồi lại... đẻ ra tiền, và cứ thế cứ thế... Cái cách tiền phát triển cũng giống như tế bào sinh sôi luỹ thừa để cuối cùng trở thành một cái nhọt ung thư. Một ngày nào đó, cái nhọt ung thư sẽ giết chết cơ thể mang nó, có gì mà lạ? Tiền không còn là một phương tiện như trước nữa, mà đã lột xác biến thành một cứu cánh: Tiền chỉ duy nhứt phục vụ cho chính nó, phục vụ cho Tiền. TIỀN trở thành một tôn giáo: “Tôn giáo TIỀN”, trong đó TIỀN là Thượng đế. Mọi người đều tôn thờ và quì lạy trước Thượng đế, trước TIỀN. Mội người đều xả mình phục vụ và sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng tử vì đạo: Đạo TIỀN! Mọi thứ khác đều trở thành thứ yếu: xứ sở, xí nghiệp, việc làm, thất nghiệp, an sinh xã hội và ngay cả mạng sống con người đều phải nhường bước cho tiền đi trước, bất chấp rào cản, kẽm gai, hầm chông, bảng cấm hay đèn đỏ. Sau thời điểm “toàn cầu hoá”, cái tư bản kinh tế cổ điển đã từ từ lột xác biến thành tư bản tài chánh “hậu hiện đại”. Giống như con nhộng lột xác biến thành... con đỉa! Rồi đi kiếm máu người mà hút.


5. Như đã nói, trong thời buổi toàn cầu hoá, không một ai nắm được hiện trạng tài chánh của thế giới ở bất cứ thời điểm nào, kể cả Tổng thống, kể cả Fed, kể cả các ngân hàng quốc gia và các ngân hàng tư nhân trên thế giới, các định chế tài chánh và ngay cả những tay chủ mưu đầu cơ. Mọi người đều nhắm cái hải đăng lù mù phía xa và cái lợi trước mắt của mình mà lấy quyết định và hành động. Trước mắt là phải kiếm lời, bằng mọi cách. Kiếm lời có nghĩa là kiếm ra tiền. Kiếm tiền chưa đủ, mà còn phải kiếm cho thiệt nhiều tiền. Kiếm thiệt nhiều tiền chưa đủ, mà còn phải kiếm cho thiệt lẹ. Mục tiêu, tóm lại: kiếm thiệt nhiều tiền cho thiệt lẹ (và trốn thuế, dĩ nhiên. Understand ?) Bất chấp mọi rủi ro, bất chấp mọi hiểm nguy: các hedge funds được đẻ ra trong hoàn cảnh đó.

Trong cái môi trường tài chánh mù sa không một ai thấy rõ đường đi đó, các định chế tài chánh và ngân hàng bèn thừa cơ chế tạo ra những cái “quái thai”, những sản phẩm - tài chánh (như cái subprime chẳng hạn) phức tạp, rắc rối và bí hiểm tới mức người mua sản phẩm không hiểu nó là cái chó gì hết – mà ngay cả các tác giả và luôn cả người đứng bán chưa chắc đã am hiểu tận tường. Nhưng đâu có sao (no stars where!). Không một ai hiểu nổi, đó chính là mục tiêu mà lối làm ăn đầu cơ nhắm tới để mà ngù ngờ đánh lận con đen. Thị trường tài chánh trở thành một cái casino minh mông, một sòng bạc thế giới vĩ đại dẫy đầy những tay cao thủ đánh bạc lận. Những người góp vốn và các tay con chỉ còn nước lãnh đủ, lời ăn lỗ chịu, hên xui may rủi. Cũng giống như trong một gánh xiệc mà các tay nghệ sĩ đu bay tự ý bịt mắt và đu không có lưới hứng bên dưới. Chỉ được dùng mũi đánh hơi để nhắm hướng mà tung người ra chụp đại, may nhờ rủi chịu. Nhưng khổ nỗi là có vô số người đeo chưn “đu sĩ” để mà tòn teng đu theo. Càng đông càng vui. Đu sĩ vừa đu vừa hú om sòm như Tarzan. Úuuu ! Úuuu... Vô cùng ngoạn mục. Nào nào: úuuu... úuuu... một! hai! ba! Xin mọi người hãy cùng lặp lại theo ta! Please, repeat after me: “Lạy đức Chúa Cha ở trên trời, xin Người hãy xót thương...” Úuuu! Úuuu...


6. Chẳng những không một ai rõ được hiện trạng tài chánh thế giới vào bất cứ thời điểm nào, mà trên bình diện quốc tế, thiếu hẳn một sự điều hành tổng quát, một công cuộc lèo lái chung chung con tàu tài chánh thế giới giữa đại dương tràn ngập phong ba, dẫy đầy cá mập, ngổn ngang đá ngầm, và thêm nữa lại lểnh nghểnh xác tàu chìm khắp nơi. Cái tình trạng "vô chính phủ" này cũng chẳng phải mới mẻ gì, và cũng chẳng phải giới trách nhiệm mù tịt. Đã dư biết và biết rõ từ khuya! Trong thế giới tài chánh, từ lâu ai cũng đều biết cần phải có những luật chơi quốc tế, chặt chẽ và minh bạch. Vậy thì các cấp trách nhiệm còn chần chờ gì nữa?

Khổ thay! Khổ thay! Những cấp có thể thay đổi luật chơi hoặc đặt ra luật chơi tài chánh mới phần đông lại là những tay đầu sỏ có "ăn chịu", có bàn tay vấy máu, có dính líu, có phần hùn trong các nghiệp vụ đầu cơ. Sửa đổi hả? Còn khuya! Thôi, bỏ đi Tám! Hơn nữa, nếu đặt ra luật lệ thì sẽ trói buộc, sẽ cản ngăn. Mà trói buộc và cản ngăn thì lại là một hành vi bất kính, là xúc phạm tới "tôn giáo toàn cầu hoá" vốn chủ trương xóa bỏ mọi rào cản. Là dám cãi lệnh xé xác của Giáo chủ TIỀN! Không thể tha thứ. Phạm thuợng à? Chém! Để giữ cho còn có cái đầu mà đội nón, thì thôi, statu quo! Giữ nguyên tình trạng cũ. Cứ ngậm thẻ mà ăn tiền. Après moi, le déluge! Chết sống mặc bây, tiền thầy bỏ túi. Cố sức sửa đổi làm chi cho mệt. Mà lại không ăn cái giải gì hết. Có khi còn mất cả chức lẫn tiền. Rồi do đó mà mất cả vợ lớn lẫn vợ nhỏ. Và mất luôn cả đào nhí. "Ai mà làm vậy chết liền!"

Bàn về sự giám sát tài chánh ở cấp bực thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (FMI) đã phát biểu: "Sự giám sát đã bị các áp lực chính trị vô hiệu hoá". Nói rõ hơn, nguyên tắc giám sát đã tỏ ra hết sức vô hiệu trong việc ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng vì nó hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới quyền tự quyết của các quốc gia: các quốc gia kỹ nghệ lớn, trong đó Mỹ đứng đầu, luôn luôn từ chối áp dụng một thủ tục đa phương có thể tạo vấn đề cho quyền tự quyết kinh tế của mình. Hơn thế nữa, Mỹ còn vô địch trong việc chuyển hướng sự giám sát sao cho có lợi cho mình so với Nhựt và Âu châu trong những năm 80, và Trung Quốc trong những năm 2000. Mỹ đã ép buộc Trung Quốc tăng giá đồng yuan (nhân dân tệ) của mình vì Mỹ đã kết án đồng yuan gần như là cái cớ duy nhứt đã làm cho cán cân thương mại của Mỹ thâm thủng triền miên.

Thôi thôi! Nhức cái đầu trọc quá rồi! Bần tăng xin tạm ngưng trình diễn cái tiết mục bàn xăm tài chánh ở đây. Hẹn lần sau sẽ bàn tiếp chuyện dài nhân dân tự vệ. Các tay làm ăn thua lỗ có bị trừng trị? Nếu đồng đô Mẽo phá giá thì sao? Các Ông Trời con đóng vai gì trong vụ án này? Bush con có bị ăn đòn hội chợ? Muốn biết chuyện sau thế nào, xin đón xem hồi sau sẽ rõ.

Hơn nữa, (con lợn) lòng của bần tăng nó đang rối tựa tơ vò. Trong vụ lỗ lã 7 tỉ euros vừa rồi của SG, bần tăng đã tiêu tùng trong đó ngót nghét 1 tỉ rưỡi. Hết tiền ăn chay! "A di đà Phật", chắc phen này phải đành ngả mặn mà thôi. Xin Phật thông cảm mà hỉ xả cho con nhờ. Cái "cơ ngơi" của bần tăng ở từng lầu 15. Ngày nào bần tăng cũng cú rũ ra đứng ở bao lơn mà "bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Biết tính sao đây? Bay lên thì không có phản lực jet riêng. Mà bay xuống thì sợ bị trặc cẳng, hết còn mong gì là lướt được nữa trên sàn nhảy. Đu dây như Tarzan thì sợ Jane đu theo (hay đu keo?) Mà đi vô thì sợ bị vợ la. Thiệt là một mình lưỡng lự canh chầy… "Phật ơi! Cứu con với! Nam mô a di Đà Lạt…” Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời, Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân!


7. Những khi nào bị bức xúc (bứt nút?) như hôm nay, bần tăng thường trốn chùa ra quán ngồi nhậu một mình giải khuây. Thì lần này cũng vậy thôi. Rượu vô ngà ngà, bần tăng thả hồn lâng lâng về miền dĩ vãng rong rêu sỏi đá, có căn nhà màu tím và sơn nữ Phà Ca vú lớn. Và trong cái đầu trọc có sạn láng te của mình chợt loé lên một kỷ niệm, hay đúng hơn là một câu chuyện rất là hằn lên nỗi đau. Không phải chuyện tình của con sâu nhỏ rúc trong trái táo đỏ, hay của con chim bói cá ngồi làm thơ trong căn nhà màu tím. Số là…

Bận nọ, bần tăng trúng số hạng cá kèo nên có tiền rủng rỉnh. Bèn làm gan bước vô một cái bar khá le lói để nhậu cho cuộc đời nó lên... hang! Ngồi bên cạnh là một anh chàng sồn sồn ăn mặc bảnh bao, trước mặt hắn là một chai champagne Dom Pérignon thơm phức. Rượu vô tì tì anh chàng rót thêm một ly nữa mời bần tăng cùng đối ẩm cho vui. Ừ, dô thì dô! Hắn ta vui lắm, nói chuyện huyên thuyên. Rồi cứ tà tà như vậy. Dô! Dô! Cho tới khi quán đóng cửa, hai đứa bắt buộc phải giã từ tửu quán. Ra ngoài, hắn cứ nằng nặc đòi kéo bần tăng tới nhà chơi cho biết. Ô kê! Hắn bước tới một chiếc xe đỏ mui sập láng cón lịch sự mở cửa mời:

“Chiếc Ferrari kiểu chót này là của tao!”

Phóng xe bay tóc trán trên xa lộ phom phom một hồi, hắn quẹo vô một con đường nhỏ quanh co, rồi cuối cùng đậu lại trước cổng lớn của một ngôi nhà vô cùng hoành tráng và đầy đủ dấu ấn (muốn lòi con mắt!). Hắn chỉ ngôi nhà lớn bự trước mặt:

“Biệt thự đồ sộ này là của tao!”

Mở cổng, đoạn mở cửa nhà bước vô. Hắn chỉ bộ salon bọc da trắng to tổ bố:

“Phòng khách nguy nga này là của tao!”

Xong, hắn dắt vô một căn lớn khác đầy máy móc tân kỳ:

“Nhà bếp tối tân này là của tao!”

Xong, hắn nắm tay dắt lên lầu. Mở cửa bước vô một phòng lớn thơm lừng có thắp đèn mờ mờ ảo ảo:

“Phòng ngủ trang nhã này là của tao!”

Đoạn, hắn cởi giày rón rén bước tới một cái giường rộng minh mông, rồi đưa ngón tay chỉ vào một người đàn bà tóc vàng đang đánh giấc dạ lan mơ màng trên nệm gối, để lộ đôi vú tròn lớn mũm mĩm rất hấp dẫn.

“Người đàn bà lộng lẫy này là vợ tao!”

Đoạn, hắn nhè nhẹ giở mền đắp của vợ mình lên... Phát hiện bên dưới một người đàn ông trần truồng như nhộng, nằm co ro bên cạnh cô vợ thơm phức của mình. Hắn ngó bần tăng mỉm cười, đưa tay chỉ:

“Còn cái thằng cha nầy là... tao đó!”


8. Đố vui để chọc. Hãy tìm động vật nào thích hợp với các môi trường sau đây:

Đố loài gì thích hợp với cuộc đất chính trị? Đáp: loài bò sát

Đố loại gì thích hợp với biển kinh tế? Đáp: loài cá mập

Đố loài gì thích hợp với đại dương tài chánh? Đáp: loài đỉa trâu

Đố loài gì thích hợp với khu vườn trí thức? Đáp: loài chích choè

Đố loài gì thích hợp với rừng già triết lý? Đáp: loài tu hú

Đố giống gì thích hợp với cuộc đất văn chương? Đáp: giống cù lần

Tuy nhiên, hài tên mấy loài thú ra chỉ là đáp theo nghĩa bóng, có nghĩa là đáp chơi cho vui vậy thôi. Chớ loài thú không có những luân lý và đạo đức (thiệt/giả), cũng như những thói hư tật xấu của con người.


9. Nhắc tới con cù lần, nhân tiện thử luận về con cù lần xem sao.

Trước hết, con cù lần là con gì? Theo chỗ bần tăng thiển nghĩ thì cù lần là con paresseux (có nghĩa là làm biếng), theo tên gọi của mấy ông Tây bà Đầm. Giống cù lần sống ở Nam Mỹ, đặc biệt là xứ Brésil. Mặt con cù lần coi rất hề, hai mắt có quầng đen, tóc ngắn chải “xụt” xuống trán, miệng lúc nào cũng như là cười mỉm chi một cách rất ư là... cù lần. Mình cù lần có lông rất dài để che mưa, và che luôn lũ rận lểnh nghểnh bên dưới nằm vùng để mà đánh du kích. Cù lần có bốn cẳng (không chấm đất). Cẳng có ba hoặc bốn móng rất dài để leo và níu lấy cành cây trên cao mà đeo tòn teng cả ngày. Không thấy có đuôi ló ra ngoài. Cù lần không biết nói. Không biết kêu. Cũng không biết hú như Tarzan.

Tại sao gọi nó là con cù lần? Dễ ợt. Tại vì nó rất là... cù lần! Cả ngày nó chỉ dùng móng dài mà đeo bốn cẳng tòn teng trên ngọn cây. Tại sao? Tại vì bước xuống đất nó sợ bị ăn thịt. Vì sao? Vì nó không biết chạy. Cũng không biết đi trên bốn cẳng. Trên mặt đất, nó chỉ biết có bò mà thôi. Nó nằm xoải hết bốn cẳng dài ngoằng ra rồi... bò (hay gọi là bò). Nó bò rất là quều quào, lờ quờ, lạng quạng (như đã nói, nó rất là cù lần!). Nó bò mà giống như giậm chưn tại chỗ. Bò chậm rì - thấy mà sốt ruột. Nếu xả hết ga thì tốc độ tối đa của nó là 1,752 mét/một giờ, tính ra là 0,486 ly/một giây. Có nghĩa là khi bò hết tốc lực thì cứ 2 giây là nó tiến lên được 1 ly! (Kỷ lục “bò chậm” ôlympic!) Tuy rằng nó bò lờ quờ nhưng mà nụ cười mỉm chi vẫn không bao giờ tắt trên môi. Chịu thua! Không tin mấy cha nội thử bò bốn chưn chậm rì, vừa bò vừa cười mỉm chi từ sáng tới chiều thử coi. Nếu được, bần tăng hứa sẽ cõng cho đi chơi và chạy bốn vòng sân banh.

Bởi lẽ bò quá chậm nên cù lần chỉ đặt chưn xuống đất khi nào tối cần thiết mà thôi: lúc nó đi... ỉa. Bộ ở trên ngọn cây mà ỉa tưới hột sen xuống đất không được sao cha nội? Hay là lấy giấy nhựt trình gói lại rồi quăng qua nhà thằng khít vách, chờ lúc nó đi ngủ. Mà sở dĩ cù lần không dám cử động nhiều là cũng có lý do sinh lý riêng tư chánh đáng chớ không phải tại vì làm biếng hay bởi lẽ cù lần mà ra. Nó không bao giờ ăn chất béo (làm đai ếch?) Nó cũng thuộc loài ăn chay như bần tăng. Nó chỉ ăn toàn là lá cây – còn bần tăng thì đôi khi còn có thêm được đậu hũ (nhồi thịt chay) chấm nước tương cho nó đúng điệu nâu sồng. Mà lá cây con cù lần khoái xơi lại thuộc loại khó tiêu và rất ít chất dinh dưỡng, rất ít vitamin. Vì cù lần đổ xăng ít nên di chuyển nhiều sợ hao xăng, chạy lẹ e hết hơi bình. Bởi lẽ đó, suốt ngày nó chỉ đeo tòn teng trên ngọn cây mà cười mỉm chi. Vì cười ít tốn xăng. Bây giờ mấy cha nội đã hiểu tại sao con cù lần nó “cù lần” rồi chớ? Và cũng hết chửi con người ta là “đồ cù lần!”? Chẳng những vậy, đôi khi còn cường điệu: “đồ cù lần lửa!”


10. Bần tăng không rõ đời sống tình dục của con cù lần nó ra sao. Tuy nhiên, coi TV thỉnh thoảng thấy nàng cù lần cái bồng con (trông chồng) nên đoán chừng là chàng cù lần đực, cho dù có cù lần cách mấy đi nữa, nhưng đụng tới cái "chuyện đó" thì cũng phải hết cù lần cho người ta nhờ (Hoan hô!) Cũng đành phải "chàng ơi thức zậy chìu em tí!". Nhưng khi nghĩ tới cái "chuyện đó" của con cù lần, bần tăng bỗng hoang mang và đâm lo. Với tốc độ tối đa 1ly/2giây thì chàng cù lần mới làm ăn ra làm sao đây? Bèn viết phương trình bực ba trên giấy trắng và lôi cái máy tính nhỏ bỏ túi ra làm toán. Sau khi cộng trừ nhơn chia lấy căn, lên bình phương, luỹ thừa, đạo hàm (ếch), bỏ bớt bốn con zéro, thêm ba dấu phẩy thì được kết quả xác suất như sau: Nếu trời vừa hừng sáng, chàng cù lần tức tốc leo lên ngựa liền thì sau khi hít đất ba cái, lúc đó mặt trời sẽ bắt đầu xế bóng non đoài. Và "anh (cù lần) sẽ đưa em (cù lần) về chân trời tím" là vừa. Cũng được. Cũng tốt thôi! Cho "em có thằng cu để bế bồng" là được lắm rồi. Hơn nữa, như vậy sẽ tránh được nạn "cù lần mãn". Sẽ không có cái cảnh "bồng bế nhau lên nó ở non" như giống người có trí tuệ. Cứ yên chí lớn để mà cả đời đeo tòn teng trên ngọn cây tử thủ, hầu bảo tồn cái truyền thống "cù lần" cho nó phải đạo.

Về vấn đề tình dục, cũng không bao giờ thấy hai con cù lần đực đánh nhau để giành gái như thường thấy ở các loài khác: nai, sấu, trâu, bò, cọp, beo, sư tử, con người… Như vậy mà gọi là "cù lần" được sao? Thêm nữa, có lẽ thịt con cù lần rất là "cù lần" nên không thấy người ta ăn thịt nó. Mà một khi thịt mình bị con người chê thì là diễm phúc lớn. Không tin thử đi làm một màn phỏng vấn và thăm dò ý kiến heo, bò, gà, vịt, tôm hùm, cá mập… thì biết. Ngoài ra, trong một gánh xiệc bần tăng còn thấy chó, ngựa, gấu, cọp, voi, sư tử, hải cẩu, bồ câu, két biểu diễn, chớ chưa hề thấy một con cù lần nào bước ra sân khấu cúi đầu thiệt sâu chào khán giả rồi leo lên thang dây mà hát xiệc hoặc đu nhào. Mới biết, nhờ con cù lần nó "quá cù lần" nên không bị con người bóc lột lao động, khai thác giai cấp và nhốt trong chuồng sắt.

Gẫm ra mới biết, cù lần ta sao cứ mỉm cười kinh niên là phải lắm! Ngoài cù lần ra, chỉ có Phật Thích ca đắc đạo mới mỉm cười bất tận được như vậy. Bần tăng đã cố gắng để giữ cho thiệt lâu nụ cười mỉm chi trên môi mình. Nhưng chỉ cầm cự được 1 phút 5 giây là oải. Mỏi không chịu được! Không tin, mấy cha nội cứ làm thử đi thì biết. Bởi vậy, lúc chụp hình, khi nào em nhỏ hậu phương nhoẻn nụ cười duyên dáng là phải bấm liền tức khắc. Bằng không, nếu để lỡ cơ hội bằng vàng, thì phải nghỉ giải lao ít nhứt 32 giây, xong mới có thể tắt đèn làm lại. Đó là chưa kể trường hợp em nhỏ giận lẫy thì sẽ hỏng hết cả ngày – và cả đêm, không biết chừng. "Em ơi! Hãy cười lên đi cho sụp đổ chiếc ngai (ơơờ…) vàng!" (Phựt đèn). Flash!

Như đã nói, con cù lần không biết đi trên bốn cẳng (khỏi mất công làm footing), cũng không biết chạy bộ (khỏi phải mất công làm jogging). Ấy vậy mà cù lần lại biết lội, và lội nhanh hơn là bò bốn cẳng trên mặt đất. Như vậy mới ngộ. Nhưng lúc nào thì cù lần mới lấy quyết định lao mình xuống nước để mà lội? Là lúc rừng Amazone bị ngập nước. Từ beo dữ, heo rừng, ngựa vòi (tapir), cho tới con sâu, cái kiến cũng phải lội để tìm sống. Thì sá gì một con cù lần! Chừng đó mới thấy cù lần ta trổ tài mọn: lội sấp (lội ngửa), lội bươm bướm (lội chuồn chuồn), lội ếch (lội nhái), lội đủ hình đủ kiểu. Và hơn nữa, còn lội nhanh. Dĩ nhiên là không thể lội đua với cá mập, nhưng vẫn còn hơn bần tăng xa lắc.

Không thấy cù lần lái xe bốn bánh (và hửi khói xăng), lạng moto (và té gãy cẳng), hay đạp xe 2 bánh lẫn 3 bánh (và bị cảnh sát phạt). Không thấy cù lần chen lấn hay chạy theo cho kịp chuyến métro. Còn ngó phe ta thì thấy có vô số con "cù lần" chạy theo xe buýt muốn tắt thở. Hoặc đánh bóng cái xế 4 bánh của mình, hút bụi nhà và cắt cỏ trong sân hết cả một weekend. Rồi phè cánh ra ngủ gật. Sáng thứ hai mở mắt ba ngù, húp vội cái cà phê nóng, đi làm việc tiếp tục. Vậy thì khi nói “cù lần”, ai mới thiệt sự là “cù lần”? Cứ ngó xem cho kỹ phong thái con cù lần khi nó trổ hết kỹ thuật tinh xảo để đeo tòn teng trên ngọn cây cả ngày, cả tháng, cả năm, cả đời. Như vậy mà là “cù lần” được sao?

Cuối cùng, một điều chót hết: không bao giờ thấy con cù lần bị bức xúc, nôm na là bị xì trét, căn bịnh của thời đại. Không bao giờ bị khủng hoảng tâm lý, thắt cổ tự tử, hay uống thuốc ngủ tự vận. Bởi lẽ đó, nếu được phép ước một điều duy nhứt trước khi từ giã cõi đời ô trọc này, bần tăng xin ước được đầu thai làm con cù lần. Để được đeo tòn teng trên ngọn cây tít ở trên cao nhìn xuống đám thiên hạ xì trét bên dưới mà mỉm cười bất tận.

Bèn thơ rằng:

Mặc ai lội suối trèo non
Riêng ta quyết chí làm con... cù lần!
Mặc ai xuôi ngược rần rần
Riêng ta cười mỉm cù lần rất tươi
Mặc ai xì trét ngất ngư
Riên ta đủng đỉnh rất ư... cù lần
Mặc ai nhào lộn giựt gân
Riêng ta chí quyết cù lần mãi thôi
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cù lần đứng giữa trời mà reo!

© 2008 talawas