trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
22.3.2008
Phong Uyên
Tản mạn về một vài dụng ngữ có hai chữ “dân tộc”
 
Gần đây, khi đọc những bài tranh luận, khảo luận trên các diễn đàn tiếng Việt, tôi không khỏi ngạc nhiên trước việc một vài dụng ngữ vốn thường chỉ được dùng để đề cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam nay đã được dùng một cách bừa bãi trong mọi lãnh vực tôn giáo, văn hoá và lịch sử. Đó là những dụng ngữ bao gồm danh từ “dân tộc”. Ngoài ra, khái niệm “dân tộc Việt” đã trở nên mang tính chất hoàn toàn sô vanh và được biến thành một tiêu chuẩn duy nhất để định đoạt sự chính đáng của một tôn giáo, của một sự kiện lịch sử hay một khám phá lịch sử. Những dụng ngữ mà tôi cho là đang bị lạm dụng trong lãnh vực tôn giáo là “nằm trong lòng dân tộc”, “đồng hành với dân tộc”, còn trong lãnh vực khảo luận lịch sử - văn hoá là “dân tộc [Việt]”. Sau đây, tôi xin trình bày một vài suy nghĩ của tôi xung quanh hiện tượng này.


1. “Nằm trong lòng dân tộc”

Nhiều tác giả muốn đề cao Phật giáo đã nhấn mạnh rằng Phật giáo luôn luôn “nằm trong lòng dân tộc”. Tôi lại có cái tự hào là người dân Việt Nam có tư tưởng phóng khoáng về tôn giáo hơn so với nhiều dân tộc khác, trong đó phải kể đến các dân tộc Tây phương thời trung cổ hay đa số các dân tộc theo Hồi giáo thời nay: mọi tín ngưỡng đều được chấp nhận và sống hài hoà trong lòng xã hội người Việt. Một trong những thí dụ tiêu biểu là đạo Cao Đài. Trong lịch sử người Việt cũng chưa từng có chiến tranh tôn giáo, chưa từng có thánh chiến. Ngay cả trong thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo là các triều đại Lý, Trần, các vua chúa cũng không vì thế mà áp đặt đạo Phật thành một quốc giáo (religion d’état). Các vị vua đều tách rời tôn giáo với chính trị, và chỉ khi đã từ bỏ ngôi vị của mình mới xuất gia nương mình nơi cửa Phật. Vả lại Phật giáo cũng không có mục đích chinh phục “lòng” mỗi dân tộc hay tâm tình mỗi hạng người nào mà chỉ có một tôn chỉ là giác ngộ mọi chúng sinh.


2. “Đồng hành với dân tộc”

Dụng ngữ này mang nhiều màu sắc chính trị hơn và có ý muốn so sánh Phật giáo – vốn đã “đồng hành với dân tộc từ 2000 năm” qua – với Công giáo, là tôn giáo chỉ mới “đồng hành với dân tộc từ 27 năm nay” theo sự tính toán của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy, theo cách nói của Thủ tướng Dũng, “đồng hành với dân tộc” có nghĩa là đồng hành với chính quyền. Một tôn giáo như Công giáo hiện có 7–8 triệu tín đồ, vào Việt Nam đã gần 500 năm, không theo gót chân của kẻ chiếm đóng nào ngoài mấy giáo sĩ Bồ Đào Nha, đã đóng góp rất nhiều cho tư tưởng và văn hoá Việt Nam mà chỉ được một người đứng đầu giới chức coi là đồng hành cùng dân tộc trong một thời gian quá ngắn ngủi như vậy sao?

Đứng về phương diện thuần tuý lịch sử, Phật giáo có thật sự đồng hành với dân tộc Việt từ 2000 năm trước không? “Từ 2000 năm trước” tức là từ khi Giao Chỉ còn là một quận của Nhà Hán và khi đạo Phật mới được truyền từ Ấn Độ vào Trung Hoa; có thể do hoàn cảnh địa lý, Phật giáo đã tới Giao châu trước, tới lục địa Trung Quốc sau, nhưng nó đã mang tính chất Đại thừa đặc trưng của Trung Hoa ngay từ đầu. Mặc dầu trong số các vị cao tăng thời đó có thể có người gốc Giao Chỉ, song một điều không thể chối cãi được là Phật giáo ở đất Giao Chỉ thời đó là tôn giáo của kẻ thống trị, của người Trung Quốc, tương tự như Nho giáo. Trái lại, Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Tiểu thừa, được truyền vào các nước Á Đông khác như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-bốt v.v... không thông qua một chính quyền chiếm đóng nào, có thể được coi là đồng hành với các dân tộc này ngay từ khởi đầu. Về phương diện lịch sử, nếu muốn nói cho thật chính xác thì phải nói rằng Phật giáo phiên bản Nhà Đường mới thật sự “đồng hành với dân tộc Việt Nam” từ thời Lý - Trần. Còn về phương diện tâm lý - ý thức dân tộc, “đồng hành với [một] dân tộc [nào đó]” là một khái niệm xa lạ với giáo lý nhà Phật. Từ bi hỉ xả không bao hàm ý nghĩa đồng hành với một dân tộc cụ thể nào.


3. “Dân tộc Việt Nam”

Đã xa rồi cái thời từ “nhân dân” là từ thông dụng nhất vì bao hàm ý nghĩa cách mạng xã hội và đấu tranh giai cấp, và để đề cao những tổ chức trực thuộc Đảng hay tổ chức ngoại vi của Đảng như Quân đội Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, v.v... Dụng ngữ “dân tộc Việt Nam” đã lần lần thay thế hai chữ “nhân dân” từ khi cuộc chiến tranh chống Mỹ được phát động, với mục đích tăng cường lòng ái quốc và ý chí thống nhất đất nước của mỗi người dân Việt. Thế rồi “dân tộc Việt Nam” trở thành một ý niệm mỗi ngày một lớn rộng, bao trùm lên các truyền thuyết, nền văn minh và đặc biệt là văn hoá chính trị của “chủng tộc” Việt Nam. Sau cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979, dụng ngữ này còn mang thêm dụng ý đối lập với chủng tộc Trung Hoa và chối từ văn hoá Hán. Lấy tiêu chuẩn “chủng tộc” để đo lường mọi nhận định, một số nhà nghiên cứu về cổ sử Việt Nam đã không coi trọng tư duy khách quan và tư duy phân tích trong các khảo luận mà chỉ thiên về lập luận chủ quan. Đó là nhận xét chung của những độc giả như tôi, vốn quen đọc những bài khảo luận của nước ngoài.

Để cụ thể hơn, tôi xin lấy làm thí dụ loạt bài “Những phát hiện chấn động mới đây của thiền sư Lê Mạnh Thát” đăng trên Thanh Niên Online những số gần đây:
  • Mậu Tử, người viết cuốn Lý hoặc Luận hồi thế kỷ thứ II (198), là người Việt Nam.
  • Tăng Khương Hội, người viết Lục độ tập kinh vào khoảng thế kỷ thứ II và truyền bá đạo Phật sang Tàu, là người Việt Nam.
  • Pháp sư Đạo Cao, người viết sáu lá thư gửi sứ quân Lý Miễu đất Giao châu vào thời Nam - Bắc triều Trung Quốc (435–440), là người Việt Nam.
Tôi thì chỉ thấy sự kiện thiền sư Lê Mạnh Thát đã khám phá ra sáu lá thư của Đạo Cao là có thể được coi là một phát hiện. Những “phát hiện” mà ký giả Hoàng Hải Vân của báo Thanh Niên đề cao chỉ là những suy đoán, theo lô gích sau:
  • Không thấy tên tuổi lý lịch Đạo Cao trong số những tác giả người Tàu, người Nhật, người Triều Tiên thì tất nhiên Đạo Cao phải là người Việt Nam...
  • Vì lối viết tiếng Hán khác với lối viết của người Hán chính cống,Tăng Khương Hội, Mậu Tử phải là người Việt.
  • Đã là người Việt thì tất nhiên phải viết bằng tiếng Việt, trước khi dịch trước tác ra chữ Hán.
Khẳng định: Chữ viết Việt đã có từ thời đó.

Nhưng có một khẳng định khác, quan trọng và “chấn động” hơn cả là: sứ quân Lý Miễu chính là một vị vua Việt Nam.

Đây mới thật là một suy luận phi thường vì từ những cái “không” đã sinh ra cái “có” là Lý Miễu: “toàn bộ những chức danh tương đương với sứ quân Trung Quốc cử sang cũng không có tên Lý Miễu, sử sách Việt Nam cũng không. Kết luận: Lý Miễu chính là một vị vua của Việt Nam” (!!!).

Bắt đầu từ đây lập luận trở thành thuần túy chủ quan:
  • Có triều đại Lý Miễu thì không có chuyện Tàu đô hộ liên tục 1000 năm;
  • không có An Dương Vương cũng chẳng có Triệu Đà;
  • nhà nước Hùng vương “đã được xây dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó, có luật pháp, có chữ viết, có lịch số, có âm nhạc, có văn học...”
Cách đây ít nhất là 3000 năm mà Việt Nam đã có một nhà nước như vậy thì trong lịch sử loài người chỉ có nhà nước Cổ Ai Cập mới có thể sánh ngang được. Trung Quốc mới lập quốc từ đời Nhà Hán nghĩa là mới 2000 năm còn thua xa Việt Nam!

Tôi không hiểu vì sao trong thời buổi hội nhập này vẫn có người còn duy trì tư duy chủng tộc: cho tới bây giờ có ai biết đất Giao châu cách đây 2000 năm có những chủng tộc nào, và người Việt Nam thời nay liệu có cùng một chủng tộc với những bộ lạc Việt thời đó không? Thử so sánh người Việt cách đây 2000 năm với người Gaulois cùng thời dưới nền đô hộ La Mã: cách đây 1500 năm người Francs từ Đức qua xâm chiếm đất Gaulois và lập ra nước Pháp. Việc vua chúa Pháp có thuộc dòng dõi người Francs hoặc chủng Gaulois cổ hay không, và chủng tộc này còn hay mất, hay đã hoà trộn với các chủng tộc khác, chẳng có nhà sử học Pháp nào, dù sô vanh đến mấy, đặt vấn đề. Cũng vậy, việc Mậu Tử, Tăng Khương Hội, Đạo Cao là người gốc Hán hay gốc Bách Việt, hay gốc người Mường Cao Bằng - Bắc Kạn đâu có thành vấn đề, và cũng làm sao có thể hay biết? Một khi viết sách, viết kinh kệ bằng chữ Hán, theo lối Hán thì phải được coi như người Hán hay người theo văn hoá Hán. Chẳng ai đặt vấn đề triết gia Trần Đức Thảo là người Việt thì đương nhiên phải như Tăng Khương Hội, viết triết học bằng tiếng Việt trước khi dịch ra tiếng Pháp, và Trần Đức Thảo ngang tầm với Jean-Paul Sartre thì triết học Việt Nam cũng ngang tầm với triết học Pháp!

Về các triều đại cũng vậy. Nếu chứng minh được rằng Triệu Đà tuy là người gốc Tàu (Tàu nào, vì lúc đó nào đã có nước Tàu?) nhưng sau khi chiếm được đất Âu Lạc đã tạo ra một nước Nam Việt để đương đầu với Trung Quốc của nhà Hán thì phải coi nhà Triệu không những là một triều đại Việt mà còn là một triều đại vẻ vang của nước Việt.

Tôi xin kết luận bằng một nhận xét – đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều khi đọc những bài viết trong nước – là (đa số) trí thức Việt Nam rất giỏi về lí luận, nhưng hình như là thứ lí luận thiếu óc phân tích, thiếu cái nhìn các sự kiện một cách khách quan mà bao giờ cũng theo lập trường. Có lẽ vì từ trước tới nay lí luận về chính trị luôn luôn được đặt lên hàng đầu và được coi là đồng nghĩa với “lô gích” nên người trí thức trong nước – được đào tạo trong lòng chế độ – đã quen để phong cách lí luận chính trị xâm chiếm mọi lãnh vực, trong đó có khoa học lịch sử.


© 2008 talawas