trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
25.4.2008
Ngô Phan Lưu
Các cụ Rùa đội bia Tiến sĩ
 
Tháng trước, nhân có việc phải đi Hà Nội, con tôi gọi điện nhắc tôi phải đến xoa đầu các cụ Rùa Đá đội bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tôi hỏi con tôi trong điện thoại:

“Alô… Xoa đầu các cụ Rùa để làm gì?”

“Ba chưa biết à?"

“Chưa.”

“Rùa trường thọ ngàn năm. Lại đội bia Tiến sĩ vinh hiển… Alô… Vậy ba hiểu chứ gì?”

“Hiểu… Hai món đó truyền vào người ba, khi xoa đầu các cụ Rùa chứ gì? Ừ, ba sẽ nhớ… Alô… Con yên tâm.”

“Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng tranh thủ xoa đầu các cụ Rùa đấy.”

“Biết rồi… Alô… Con yên tâm.”

Việc này tôi không hề nghĩ đến, nhưng con tôi nghĩ đến, nghĩ đến cho tôi mà không nghĩ đến cho nó. Tại sao? Tại sao vậy? Tôi tự giải thích lý do như sau:

Thứ nhất: “Tôi không hề nghĩ đến” vì tôi đã già. Trường thọ và vinh hiển ư? Việc này thật ngông cuồng. Chỉ nên lưu ý về “quan tài” là hợp lý hơn cả. Thế nên tôi không hề nghĩ đến.

Thứ hai: “Nhưng con tôi lại nghĩ đến cho tôi” vì nó thấy tôi gầy còm và đang làm chuyện “văn chương”. Nên nó muốn điều tốt cho tôi. Ý con tôi quả tuyệt vời.

Thứ ba: “Nó không nghĩ đến cho nó” bởi nó còn trẻ, nhiều nghị lực và đủ thời gian để làm chuyện rạng rỡ này.

Thế là tôi dành nửa buổi sáng để thăm Văn Miếu… Hàng dài các cụ Rùa hiện ra dưới mắt tôi, có cụ Rùa to, cụ Rùa nhỏ không đều, đội trên lưng bia to, bia nhỏ không đều. Đặc biệt, đầu các cụ Rùa to bị khách thập phương xoa nhẵn thín… Đầu các cụ bóng lên nước, ánh lên màu xám ngọc, hẳn là êm dịu và mát rượi trong lòng bàn tay. Tôi đảo mắt ngắm các cụ Rùa nhỏ… Đầu các cụ này sần sùi và mốc xì, bởi lẽ chẳng có ai thò tay xoa cả! Dĩ vãng bị hiện tại cạn cợt đối xử không công bằng. Và, tôi quyết định xoa đầu các cụ Rùa nhỏ này… Trong lòng bàn tay tôi cộm lên bao nhẫn nại của thời gian. Tôi nhìn vào tấm bia trên lưng cụ mà chữ khắc bị thời gian phủ mờ, lòng bỗng mơ hồ kính phục người đời xưa. Tôi dốt chữ Nho, không thể đọc được những gì khắc trên các bia, nhưng tôi vẫn nhớ một câu trong bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 9 do tác giả Trần Mạnh Thường biên soạn: “Ngày thường thì dám nói ngay thẳng, tôn trọng nhà vua, làm lợi cho dân. Lúc có việc thì phải vì nước mà quên nhà, thấy nguy thì không tiếc tính mạng.” Và từ cảm giác nhám thô của đầu cụ Rùa nhỏ này bỗng thì thầm điều đó.

“Alô… Con đấy à?”

“Dạ… Ba đi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám chưa?”

“Đang xoa đầu các cụ Rùa đây.”

“Ba cảm thấy thế nào?”

“Quá khứ truyền vào người. Ba cảm giác mình một ngàn tuổi. Con người buộc phải biến mất, nhưng công việc của họ không mất.”

“Tốt quá! Chúc ba khoẻ và vui.”

“Ừ… Alô… Chào con.”

Thế đấy, con lại gọi… Không ngờ con trai mình lại quan trọng việc này đến thế.

Tôi lại tiếp tục đi xoa đầu các cụ Rùa… Ừ, lạ nhỉ! Tôi thoáng cảm nhận một điều có vẻ kỳ cục: Các cụ Rùa này đang trôi trong thời gian vô tận… Các cụ sẽ trôi đến mai sau để gặp các thế hệ khác. Rồi các cụ sẽ trôi đến sau cả “mai sau” nữa… trong khi thế hệ hiện tại và cả thế hệ mai sau lại tiến ngược lên phía trước. Ảo giác này quả là kỳ cục. Vậy việc xoa đầu các cụ Rùa đích thị là một cuộc gặp gỡ hi hữu. Tôi mỉm cười: “Ảo giác này coi vậy mà được đấy. Đích thị là tiếp xúc với đời xưa. Và, lòng bỗng muốn lều chõng đi thi, muốn cầm bút lông, muốn nằm dài xuống chiếu mà viết chữ Nho. Người đời nay làm được việc ấy quả thú vị thật.” Trong lòng bàn tay tôi, một áo giác nữa lại hiện hình…

“Này cụ Rùa nhỏ này! Nay cụ bao nhiêu tuổi?”

“565 tuổi.”

“Bao nhiêu tuổi thì cụ chết?”

“Cái chết của tôi nằm trong tay người khác. Nhưng tôi khó mà chết.”

“Cụ đỗ Tiến sĩ rồi à?”

“Đâu có. Tôi cõng vị đỗ khoa Nhâm Thân, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 trên lưng.”

“Ồ, xin lỗi! Vậy tôi phải xoa bia chứ đâu phải xoa đầu cụ như con tôi bảo?"

"Phải xoa đầu tôi. Còn bia chỉ nên nhìn.”

“Tại sao?”

“Tôi sẽ cõng trong tâm hồn người nào xoa đầu tôi. Người xoa đầu tôi sẽ được vinh hiển trong tâm hồn. Cái đấy mới quan trọng. Người xoa đầu tôi không thể đậu Tiến sĩ, nhưng tôi trao cho họ một chứng chỉ trừu tượng ghi khắc chữ NHẪN. Một chữ nhẹ tênh và nặng trĩu. Nhẹ như chữ mà nặng như bia.”

Tôi nhấc bàn tay mãn nguyện khỏi đầu cụ Rùa, và đi vào toà Đại Bái…

Cảm ơn con trai. Việc con điện để gợi ý rất tốt, nhưng ý con và cả ý ba đều khác với ý các cụ Rùa ở đây. Ý các cụ Rùa chính xác và cao cả hơn nhiều…


© 2008 talawas