trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
30.5.2008
Phan Xuân Sinh
Chuyến về quê nhà
 1   2   3   4 
 
II. Đến Đà Nẵng

Tôi về Đà Nẵng bằng máy bay. Phi trường của một thành phố nhỏ, lượng máy bay không nhiều, nhìn chung vẫn còn hoang sơ. Ngồi trên xe từ phi trường về nhà, từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, đường phố Đà Nẵng lạ hoắc, không còn một chút xíu nào trong trí nhớ của tôi. Đây là thành phố mà tôi đã sinh ra và lớn lên, tôi nhớ tên từng con đường, từng góc phố và thậm chí tên những người con gái đẹp cùng thời với tôi dù ở những hang cùng ngỏ hẽm. Thế mà bây giờ nó quá xa lạ với tôi, tôi không tìm ra được một nơi chốn thân quen, tất cả đều thay đổi. Thành phố nầy trên đà phát triển, ngoại trừ vài con đường cũ không thể nới rộng, còn tất cả đều được làm mới và mở mang gấp mấy lần khi tôi còn ở quê nhà. Có lẽ đây là thành phố đẹp nhất vì nó hội tụ nhiều yếu tố, mà trong đó thiên nhiên là yếu tố quan trọng hơn cả, có sông, có biển, có núi, dễ làm nên một thành phố có vóc dáng nên thơ.

Tôi vừa về tới nhà thì điện thoại reo, Trần Nghi Hoàng gọi. Anh cho biết, anh đang ngồi với một số anh em văn nghệ Đà Nẵng, muốn mời tôi ra với các anh em ấy chơi tại đường Nguyễn Hoàng. Nhà thơ Trần Nghi Hoàng sống tại tiểu bang Virginia là chồng nhà văn Hoàng Thị Bích Ti, hai vợ chồng đều là bạn của tôi. Trần Nghi Hoàng cách đây khoảng vài ba năm có một cuộc bút chiến với nhà văn Trần Mạnh Hảo trong nước, trên website Gió-O của Lê Thị Huệ. Hai bên bất phân thắng bại thì ngưng. Trần Nghi Hoàng về Việt Nam lần nầy để tìm tư liệu viết, sau nầy anh thuê một căn phòng ở Hội An yên tịnh để ngồi viết. Tôi nhờ đứa em chở tôi ra chỗ mà các anh em đang ngồi. Đường Nguyễn Hoàng, đường nầy ngày xưa không có, thằng em tôi cho biết đây là đường rầy xe lửa, nổi tiếng là xóm bình khang trước năm 75. Tôi mới sực nhớ ra. Bây giờ trở thành đường phố khang trang, đó là một điểm son cho Đà Nẵng của tôi. Trong bàn có Thái Bá Lợi (nhà văn trong nước), Trần Thiên Thị, làm thơ (sau nầy hay xuất hiện trên website Da Màu), Đặng Ngọc Khoa, cháu của anh Đặng Tiến (nhà phê bình văn học của miền Nam trước đây). Khoa hiện thời là phóng viên thường trú cho báo Thanh Niên tại Đà Nẵng. Sau nầy có Huỳnh Lê Nhật Tấn họa sĩ, làm thơ hay đăng trên Hợp Lưu và một số website hải ngoại. Tôi biết Huỳnh Lê Nhật Tấn vì Nhật Tấn có liên lạc với tôi bằng email vài lần. Nhật Tấn còn quá trẻ, vui tính và rất có tình với anh em văn nghệ. Buổi chào sân của tôi mới tới Đà Nẵng thật vui, gặp lại Trần Nghi Hoàng (dân Bến Tre) trên quê hương của tôi, một số văn nghệ sĩ mà tôi không nhớ tên hết. Sau đó thì Uyên Hà và Hạ Đình Thao tới, Chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều chuyện từ trong nước ra hải ngoại, cũng cái kiểu châm biếm sâu sắc thâm trầm mà mũi dùi đều nhắm vào chế độ của mấy anh trong nước. Anh em thoải mái vui cười.

Trời Đà Nẵng lạnh với người dân ở đây, thế nhưng đối với những người từ ngoại quốc về thì trời có vẻ mát, rất lý tưởng cho chúng tôi. Sáng sớm, Liêu (thằng bạn thân thời đi học) chở tôi đi lòng vòng cho biết đại khái về Đà Nẵng. Bây giờ tôi mới nhận ra được Đà Nẵng của tôi. Cổ Viện Chàm được mở rộng thêm. Trường Sao Mai mà tôi đã mài nhẵn đít quần vẫn còn đó, người ta dự trù phá hủy ngôi trường nầy để làm thêm cây cầu bắc ngang sông Hàn. Đà Nẵng xe cộ tương đối dễ chịu, không chen lấn như Sài Gòn, không khí trong lành hơn, đường sá rộng rãi hơn. Con đường bờ sông Hàn rất đẹp, có lan can bên ngoài và rất nhiều tượng đá mỹ thuật. Cây cảnh làm nên một vuờn hoa trên bờ sông rất nên thơ. Liêu chở tôi đi thăm mấy thằng bạn cũ, bây giờ nhìn lại nhau đứa nào cũng già. Chúng tôi có ngồi lại với nhau trong một bữa cơm chiều, kể cho nhau nghe những chuyện xưa cũ khi còn đi học. Tụi tôi vừa vui, vừa ngậm ngùi. Chúng tôi ra trường năm 1966, mỗi người tứ tán. Chiến tranh ngùn ngụt. Sau cuộc chiến, những người bám trụ tại quê hương chẳng còn bao nhiêu. Bốn mươi hai năm qua nhìn lại nhau, bạn trai cũng như bạn gái tuổi đời chồng chất, con cháu đầy đàn. Thế nhưng anh chị em mỗi năm đều có cuộc gặp gỡ. Truyền thống đó thật đáng trân trọng đối với tôi.

Những ngày Tết thật vui. Chiều 30 Tết rước ông bà trong nhà từ đường. Con cháu đông đủ, tôi thuộc lớp lớn trong họ, các cháu tới chào tôi đều xưng gốc gác của mình, tôi mới biết. Ba mươi bốn năm rời xa quê nhà, tôi làm sao biết hết mấy đứa cháu sinh sau nầy. Đêm giao thừa, vợ chồng đứa em út soạn bàn giữa hiên nhà, sắp đặt lễ vật cúng giao thừa. Lâu quá tôi mới thấy cái không khí thiêng liêng nầy của gia đình. Nhìn qua các nhà hàng xóm, nhà nào cũng đang sửa soạn bàn cúng giao thừa như vậy. Khi đồng hồ điểm 12 giờ, pháo bông trên bờ sông Hàn bắn lên sáng rực cả thành phố. Tôi ra đứng trước nhà lòng cảm thấy vui vui, lời chào đầu năm của những người hàng xóm khi đi ngang qua chỗ tôi đứng làm lòng tôi lâng lâng một nỗi niềm khó tả. Tôi đã sống lại những thân tình của bà con quanh tôi, mà tôi cứ tưởng rằng đã đánh mất mấy chục năm nay. Lòng tôi ấm lại. Đứa em mời tôi vào cúng, rồi sau đó anh em uống với nhau ly rượu đầu xuân. Sáng mồng một Tết, tôi vào thăm mộ ba má tôi tại Cẩm Hải, Hội An.

Khi tôi về Đà Nẵng, thì ngày hôm sau đi đám tang thân phụ của nhà thơ Kiều Uyên (Trần Văn Kiểu). Ông cụ là người tôi thương nhất. Khi còn đi học, tôi thường vào Bàn Thạch ở nhà của Kiểu chơi trong những tháng hè, ông bà cụ xem tôi như con trong nhà. Chiến tranh đến hồi khốc liệt, Bàn Thạch bị tàn phá nên mọi người phải tản cư. Gia đình Kiểu phải dọn ra Hội An và cuối cùng định cư hẳn tại Phước Tường, Đà Nẵng. Trong làng Bàn Thạch ở quận Duy Xuyên, Quảng Nam, có 3 người làm thơ thuở đó quen với tôi là Kiều Uyên, Lê Anh Huy và Vũ Đức Sao Biển. Vũ Đức Sao Biển sau nầy là một nhạc sĩ, một nhà Kim Dung học nổi tiếng ở Sài Gòn hiện nay. Trong đám tang nầy tôi gặp anh Xuân Thao trước đây có thơ đăng trên các tạp chí tại Sài Gòn. Anh Xuân Thao và tôi đều không đi xa được, nên không tiễn ông cụ ra tận huyệt. Sau khi đưa đám xong, Uyên Hà mời về nhà chơi. Trong nhà Uyên Hà, tôi gặp được Đoàn Huy Giao (nhà thơ trước 75, có bài trên talawas) hiện thời là đạo diễn phim, Phạm Ngọc Lư (nhà thơ, nhà văn) có mặt trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn trước 75, Lâm Anh nhà thơ, tôi đã giới thiệu trước. Những ngày sau có thêm Nguyễn Đốc (nhà thơ), Kiều Uyên (nhà thơ), Lê Anh Huy (nhà thơ).

Hạ Đình Thao, Đỗ Xuân Quang, Phan Xuân Sinh, Đặng Tiến, Uyên Hà, Phạm Ngọc Lư

Quảng Nam - Đà Nẵng trong thập niên 60 có một số lượng những người làm văn nghệ khá lớn, đã đóng góp vào nền văn học miền Nam nhiều tên tuổi đáng kể. Tôi chỉ quen biết với một số ít các anh chị văn nghệ, còn phần đông tôi chỉ nghe tiếng tăm của họ mà không có hân hạnh được gặp. Vì vậy, tôi chỉ gặp một số lượng nhỏ anh em mà tôi đã quen hồi trước hoặc mới quen sau nầy. Thế nhưng sau năm 75, vì mưu sinh số người mà tôi quen cũng tản mác đi nhiều nơi khác sinh sống, tôi không gặp được. Những người viết cũ phần đông họ mai danh ẩn tích không ai biết, hoặc có người còn viết nhưng chỉ cầm chừng cho mấy tờ báo hải ngoại. Thành phần nầy thật hiếm hoi, phần đông anh em tự động nghỉ, mà không nghỉ cũng không được, âm thầm rút vào bóng tối, để các người làm văn nghệ thắng trận múa may trên văn đàn. Tâm trạng của họ vừa u uất vừa ê chề, vừa đau đớn vừa lạnh nhạt. Có cơ hội anh em gặp nhau là họ xổ toạc ra những gì trong lòng họ chất chứa. Tôi hoàn toàn đồng cảm với anh em trong tình thế nầy. Họ cũng nhớ lại một thời Bách Khoa, Văn, Văn Học v.v… của Sài Gòn mà họ đã từng cộng tác. Nhìn họ bây giờ thật tội nghiệp, hơn 33 năm trên sân chơi văn chương thiếu vắng họ. Họ phải mưu sinh bằng những nghề nghiệp thật tầm thường, có ai biết một thời họ là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của miền Nam trước đây.

Mồng 2 Tết, Đỗ Xuân Quang từ Mỹ về. Quang mời anh em văn nghệ quen biết lại nhà chơi. Trong đó có thêm Hồ Trung Tú (người nghiên cứu dân tộc Chăm) cũng là em vợ của Quang, Trần Thiên Thị, Huỳnh Lê Nhật Tấn, còn tất cả anh em có mặt tại nhà Uyên Hà. Sáng ngày hôm sau, mồng 3 Tết, tụi tôi vào Hội An thăm anh Đặng Tiến ở Pháp mới về. Chúng tôi nói chuyện một tí, thì tôi có điện thoại của người bạn, nhắc lại hôm nay tôi có một cái hẹn với bạn bè ở nhà Liêu. Tôi vội vàng, cáo lỗi với anh Đặng Tiến và bạn bè, tôi đón taxi chạy ra lại Đà Nẵng.

Tôi về Việt Nam trong chuyến nầy, nhà xuất bản Văn Nghệ có in cho tôi một tập thơ, theo lời rủ rê của vài người bạn thân, tôi in một tập ở đây để biếu anh em, vì in ở Mỹ mang về khó quá. Theo dự trù, tập thơ sẽ in xong trước Tết, thế nhưng vào giờ chót không kịp. Nhà in hẹn mồng 8 Tết sẽ giao. Tập thơ mang tên Khi tình đang ru đời. Đúng ra tập thơ 225 trang, tôi layout sẵn. Thế nhưng khi nhận tôi nhìn thấy thay đổi tất cả, kể cả layout. Anh Tần Hoài Dạ Vũ (một nhà thơ trước 75) báo cho tôi biết là tập thơ bị kiểm duyệt 8 bài và 5 bài viết về tôi của Nguyễn Đình Toàn, Luân Hoán, Nguyễn Mạnh Trinh, Vương Trùng Dương và Lương Thư Trung bị cắt. Tập thơ chỉ còn lại 115 trang. Lý do vì sao bị kiểm duyệt? Tôi không được nghe chính thức giới có thẩm quyền nói ra, chỉ nghe qua người khác nói lại là những bài thơ bị kiểm duyệt có chút ít đụng chạm. Những tác giả viết về tôi, không phải là người trong nước viết nên bị loại. Đơn giản như vậy. Khi in tập thơ nầy, chính tôi đã tự kiểm duyệt, chỉ lựa ra những bài thơ vô thưởng vô phạt, thế mà cũng chưa vừa lòng người kiểm duyệt. Tôi là người viết ở hải ngoại, người đọc tác phẩm tôi là người đang sống tại hải ngoại. Có ai trong nước đọc được của tôi đâu để viết về tôi. Một sự đòi hỏi thật vô lý, tréo cẳng ngỗng. Thế nhưng người kiểm duyệt hình như họ không cần phải biết những điều như vậy. Họ chỉ là những bộ máy nghiền nát theo một chính sách chung. Thật khó lòng cho những ai muốn về nước để in ấn, khi bộ máy nghiền nầy chưa được tháo gỡ. Gần đây, anh Tô Nhuận Vỹ, một nhà văn trong nước, trên website talawas có một bài viết về giao lưu văn hóa. Dụng ý của anh là kêu gọi những nhà văn, nhà thơ trong cũng như ngoài nước hãy xích lại gần. Tôi là người quen biết với anh, đã gặp anh và nói chuyện nhiều lần với nhau. Tôi hiểu tấm lòng của anh. Tôi là người tiên phong, nghe lời anh để làm một gạch nối. Những người bạn văn nghệ trong nước cũng nói với tôi, “bây giờ trong nước thoáng lắm, về in một tập thơ cho anh em đọc chơi”. Tôi đồng ý ngay. Hai lý do chính đáng đó làm cho tôi “xé rào” đưa thân ra thử nghiệm. Hơn nữa, tôi nghĩ đây chỉ là chuyện chơi thôi mà…, vui là trên hết.

Tôi chuẩn bị mời một số anh em văn nghệ ở Đà Nẵng, gặp nhau tại quán café Thạch Trúc Viên của anh Đynh Trầm Ca, một nhà thơ, một nhạc sĩ đã thành danh trước năm 75. Sáng 20/2/08 anh Trương Được và anh Lê Văn Trung mang 100 quyển sách ra. Anh Được nói họ chỉ đưa 100 quyển còn tất cả chưa xong. Và chiều hôm ấy, vào lúc 2g30, anh em gặp nhau uống café, và ra mắt sách trong vòng thân hữu. Có vài người ngâm thơ rất hay, làm cho buổi sinh hoạt thêm hưng phấn. Anh em văn nghệ tham dự gồm có: Uyên Hà, Phạm Ngọc Lư, Lâm Anh, Trần Từ Duy (từ Sài Gòn), Lê Anh Huy, Kiều Uyên, Nguyễn Miên Thượng, Trương Được, Lê Văn Trung, Lý Đợi, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Trần Nghi Hoàng (từ Hoa Kỳ), Nguyễn Đốc, Nguyễn Văn Gia, Trần Lộc (từ Hoa Kỳ về), Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Văn Liêu, Anh Bảy, Phan Ngọc Minh, Hoàng Vy Khanh, Đoàn Huy Giao, Tô Nhuận Vỹ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đắc Xuân, Đặng Ngọc Khoa, Lê Anh Dũng, Minh Diệu, Nguyễn Ngọc Hạnh.và một số anh chị em văn nghệ mà tôi không biết tên, cùng một số là bạn bè của các văn nghệ sĩ có mặt, ngồi trong vườn cây của café Thạch Trúc Viên.

Kiều Uyên, Hạ Đình Thao, Xuân Thao, Đoàn Huy Giao, Phạm Ngọc Lư, Phan Văn Đức, Nguyễn Thiệu Châu, Phan Xuân Sinh

Một chuyện bên lề của bữa ra mắt sách trong vòng thân hữu, anh Đynh Trầm Ca điện thoại với Uyên Hà nói rằng anh không xin phép chính quyền, không biết giờ chót có bị cản trở gì không? Đây là quyển sách Nhà xuất bản Văn Nghệ kiểm duyệt và phát hành, xem như hợp pháp. Cũng vừa lúc đó, nhà văn Nguyên Ngọc từ Hà Nội vào Đà Nẵng mời tôi đi ăn cơm tối, tôi có mời anh ngày mai đến dự ra mắt sách của tôi, đi với anh có anh Thu, Hiệu trưởng trường Đại học Phan Chu Trinh ở Hội An. Tối hôm đó, anh Tô Nhuận Vỹ ở Huế điện thoại vào nói chuyện chơi với tôi, luôn tiện tôi mời anh vào luôn. Anh Đynh Trầm Ca mừng lắm dù sao cũng có các “quan chức lớn” của văn nghệ, thì địa phương không làm khó dễ. Anh Đynh Trầm Ca không mời, nhưng chính quyền địa phương vẫn tới dự. Một người ở địa phương gọi tôi ra nói nhỏ, cẩn thận, vì anh thấy có vài người lạ mặt mà anh nghi là công an văn hóa. Thật tình ra, theo dự trù của anh Đynh Trầm Ca và Uyên Hà, chỉ gói ghém trong vòng anh em thôi, không rình rang nhưng rốt cuộc chuyển biến lại khác đi. Người đến dự đông, có lẽ đó là một vùng quê, một buổi sinh hoạt như vậy cũng lạ với họ, nên vì hiếu kỳ, họ đến dự chơi để biết ra mắt sách như thế nào.

Vì số lượng sách có hạn, không đủ phân phối cho tất cả người tham dự, có người có sách, có người không. Anh em đều vui vẻ. Tôi không ngờ anh em văn nghệ đông đảo như vậy. Sau khi tặng sách xong, chúng tôi ngồi lại với nhau tại Thạch Trúc Viên. Đây là cơ hội anh em gặp nhau trong tình văn nghệ, hỏi thăm những anh em đang sinh hoạt tại hải ngoại. Theo tôi nhận thấy, rất ít người biết những tin tức bên ngoài. Có được bao nhiêu người có computer để vào các website Việt ngữ đọc được. Hơn nữa, tuổi già, mắt kém, họ cũng lười đọc. Đêm đó chúng tôi về lại nhà Uyên Hà, anh em ngồi đọc thơ cho nhau nghe chơi, một đêm sinh hoạt bỏ túi rất dễ thương.

Trong thời gian ở Đà Nẵng, ngày nào cũng có vài anh em văn nghệ đến thăm. Tôi thường gặp anh Phạm Ngọc Lư, người Huế, nhưng sinh sống tại Đà Nẵng. Trước 75 anh cộng tác với các tờ báo văn nghệ tại Sài Gòn, sau nầy anh thường viết cho “Thư Quán Bản Thảo” do anh Trần Hoài Thư chủ trương với nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Nhà xuất bản nầy thường in lại những tác phẩm của anh em văn nghệ viết trước năm 1975 để khỏi bị mai một, và Thư Ấn Quán có in lại tập thơ Đan Tâm của anh. Khi về Đà Nẵng, anh tặng tôi tập thơ Mây nổi, anh vừa mới thực hiện bằng computer để dành tặng thân hữu. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau, và tâm đắc với nhau nhiều vấn đề. Tôi thích tính thẳng thắn của anh, những nhận xét của anh rất thâm trầm và chính xác. Anh cho tôi biết cuộc sống của anh cũng năm chìm bảy nổi, sau khi định cư tại Đà Nẵng thì mới ổn định được. Anh cũng cám ơn thành phố nầy đã cưu mang gia đình anh.

Ngày Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng), Hội Văn nghệ thành phố Đà Nẵng, có tổ chức đêm đọc thơ tại rạp hát Hòa bình cũ, và Blog Đà Nẵng cũng có tổ chức đêm thơ tại café Bão Nam Trân. Hai nơi đều có mời tôi. Tôi và mấy anh em cảm thấy tại café Bão Nam Trân vui hơn, nên chúng tôi chọn nơi nầy. Chúng tôi chọn một cái bàn khuất bên trong để ngồi dễ dàng nói chuyện. Tất cả số tiền thu được trong đêm đó, bán đấu giá tranh và sách, đều được sung vào quỹ cứu trợ những nạn nhân bị thiên tai. Trong bàn tôi có anh Nguyễn Đốc và tôi được mời lên đọc thơ. Không phải là lần đầu tiên tôi đứng trước đám đông để đọc thơ, mà lần đầu tiên tôi đứng trước bà con ngay tại quê nhà tôi để đọc thơ của mình. Tôi được giới thiệu như một người khách trên chính quê hương mình. Tôi mang tâm trạng một người buồn tủi. Sau khi đọc thơ xong, tôi bảo với mấy người bạn ra về, tìm một nơi để ngồi nói chuyện tiếp.

Phan Xuân Sinh, Lâm Anh, Phạm Ngọc Lư

Sáng ngày 16 tháng Giêng, anh Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Đốc và Xuân Sơn đến nhà rủ tôi đi đám giỗ nhà thơ Vũ Hữu Định. Anh em biết khi còn sinh thời anh Vũ Hữu Định hay uống rượu, nên chúng tôi ghé vào một quán mua hai chai rượu đến giỗ anh. Nhà anh ở sâu vào một con hẻm, tôi đoán gần trại nhập ngũ ngày xưa. Các con của anh bây giờ làm ăn khá giả, nên nhà cửa khang trang. Chị Vũ Hữu Định và người em trai của anh ngồi tiếp chúng tôi, kể lại những chuyện cũ về anh. Chị báo cho chúng tôi biết là vài hôm nữa chị sẽ đi hành hương tại Ấn Độ nơi Đức Thích Ca sinh ra. Về Việt Nam tôi mới biết một điều là bây giờ dân chúng có thể đi du lịch các nước Đông Nam Á một cách dễ dàng. Khi mà cuộc sống tương đối khá lên, thì đi du lịch là một cách mở mang tầm nhìn và cho những người thừa tiền, thừa của có chỗ xài tiền một cách rộng rãi mà không sợ người đồng hương dòm ngó. Gần hai mươi năm sống ở Mỹ, tôi chưa có hân hạnh đi du lịch. Suốt ngày cặm cụi làm việc. Chỉ có vài dịp đi Canada thăm các anh Luân Hoán, Song Thao, Khải Minh, Hoàng Xuân Sơn và một vài anh em khác tại đó. Tự thấy mình đã lỗi thời và thua xa những người trong nước.

Ở trong nước bây giờ về “thư họa” rất nhiều người viết, mỗi người có một dáng dấp viết riêng. Họ trình bày trên giấy bồi, trên những bức sáo tre v.v… thật tự nhiên, và thật đẹp. Đó cũng là một thể hiện mỹ thuật rất thanh tao, để trang trí trong thư phòng. Tôi được Xuân Sơn, một đứa em trong xóm, sinh hoạt văn nghệ với các anh em tại Đà Nẵng, Sơn viết tặng tôi một bức thư họa rất đẹp, viết trên giấy bồi. Những ngày ở Đà Nẵng cùng với anh Đặng Tiến, chúng tôi gặp một số nhà văn, nhà thơ trong Hội Văn nghệ tại Đà Nẵng, đây là thành phần chính thống trong đó có Nguyễn Nho Khiêm (em ruột Nguyễn Nho Nhượn, người bạn của tôi đã chết năm 1969). Trong quan niệm của tôi, “chính thống” hay “ngoài luồng” đều cũng là anh em với nhau cả, nhưng có một số người không chấp nhận như vậy. Họ cho rằng một số người trong Hội Nhà văn là theo đóm ăn tàn hoặc bất tài nhưng háo danh, ham danh, bỏ tiền túi in đại vài tập thơ tầm phào rồi chạy chọt để được vào hội, để vênh vang có chức danh "hội viên hội nhà...". Đúng hay sai? Chỉ có trời biết. Thiệt tình, những người thích ở “ngoài luồng” vì họ không chấp nhận viết trong khuôn khổ của Hội, hoặc những nhà văn cũ trước 75 họ không việc gì phải chen chân vào nơi chốn mà họ rất coi thường. Nhiều lý do mà họ chẳng cần phải khép vào khuôn khổ. Sống bên ngoài tự do thoải mái hơn. Cơm áo của họ ở một lãnh vực khác, không dính líu gì đến viết lách, nên họ không cần quỳ lụy ai. Còn những người có tên trong Hội Nhà văn, họ được đặc quyền, đặc lợi của chế độ ban phát (nói cho ngay, số nầy cũng ít thôi, chỉ có thành phần đảng viên cốt cán, chứ phần đông hội viên cũng chẳng có gì), cho nên họ tận tình phục vụ chế độ. Có những người làm báo chí hay viết lách rất giàu có, có lẽ họ không hái ra tiền bằng viết lách, nhưng hái ra tiền bằng nhân danh viết lách để làm việc khác, lợi nhuận kếch xù. Đây là nhận xét cá nhân tôi, đúng hay sai tùy theo hoàn cảnh của những người trong cuộc. Nhưng tôi nghĩ mức độ chính xác trong trường hợp nầy khá cao.

Tôi gặp họa sĩ Phan Ngọc Minh, một họa sĩ có tài. Minh đã đi châu Âu hai lần và chuyên đề là vẽ những sinh hoạt của người Chăm, những nét nghệ thuật văn hóa của dân tộc nầy để lại. Trong những lúc nói chuyện với nhau, tôi biết Phan Ngọc Minh là người tha thiết với nghệ thuật. Minh có qua Pháp gặp anh Đặng Tiến và một số anh em văn nghệ bên đó. Minh cho tôi xem một số báo chí của Pháp khen ngợi các cuộc triển lãm của Minh. Minh là một người rất đàng hoàng, tự tin và nhiệt thành. Tôi hy vọng có một ngày nào Minh sẽ được đến Mỹ, sẽ triển lãm tranh của mình tại một gallery nào đó để những người Việt thấy được một góc nhỏ của quê nhà, dưới nét vẻ nghệ thuật của Minh.

Có một nhân vật rất thân với tôi, đúng ra tôi phải đề cập tới trước, anh Đynh Trầm Ca, một nhà thơ, một nhạc sĩ. Vào Khoảng thập niên 1980, Đynh Trầm Ca có vào Sài Gòn sống, anh em tụi tôi có làm chung kem đánh răng Mimosa chừng vài năm. Đynh Trầm Ca có một bản nhạc “Ru con tình cũ” mà ai cũng biết. Tôi ngồi chung bàn với nhiều nhạc sĩ, ca sĩ và những người hát rất hay nhưng không chuyên nghiệp. Thế nhưng tôi chưa gặp được người nào hát như Đynh Trầm Ca. Khi uống vào vài ba chén rượu, Đynh Trầm Ca hát rất hay, rất xuất thần trong mấy bản nhạc của anh sáng tác. Hình như mỗi người mang một cái tật, có người hát trên sân khấu hay, có người hát quay quần bên lửa trại (như các nhóm du ca) rất hay, nhưng cũng có người hát trên bàn rượu, khi mà máu trong người có vài giọt rượu nóng lên hát thật hay; đó là trường hợp của Đynh Trầm Ca. Chính vì anh mà tôi có quen được với Phan Nhự Thức và Hà Nguyên Thạch sau nầy. Khi Uyên Hà đưa đề nghị sẽ tổ chức đêm thơ gặp gỡ anh em văn nghệ để ra mắt Khi tình đang ru đời, thì Đynh Trầm Ca đồng ý ngay.

Một người làm văn nghệ nữa, mà ngày trước tôi chỉ biết tên, chứ chưa gặp mặt, mặc dù anh quen hầu hết các bạn bè của tôi ở Đà Nẵng, đó là Đoàn Huy Giao. Đoàn Huy Giao người Quảng Ngãi, hiện thời làm đạo diễn phim tài liệu. Đoàn Huy Giao năm 1971 ở trong nhóm “Tương Lai Hướng Về Phía Những Người Lao Tác” tại Đà Nẵng. Trong nhóm nầy có những người tôi biết như Nguyễn Đức Bạn, Uyên Hà, Nguyễn Tịnh Đông v.v…, Hình như họ có ra được một tập san, sau nầy không thấy nữa. Lúc đó tôi nghe phong phanh là nhóm nầy có khuynh hướng Cộng Sản nên bị chính quyền Đà Nẵng trước 75 để ý. Thật hư thế nào thì tôi không biết, nhưng suy ra cái tên dài thườn thượt mang một ẩn ý có chút hơi hướng bên kia, thì chắc không oan được. Trước khi tôi về Việt Nam, tôi đọc được bài thơ “Tam giác nghịch" của Đoàn Huy Giao đăng trên talawas, tôi nhớ mang máng cái tên nầy tôi đã biết, đã đọc ở đâu đó. Về Việt Nam tôi mới biết anh. Tôi có trèo lên núi Sơn Chà, nơi anh khẩn hoang lập một doanh trại có tính cách triển lãm về đồ mỹ nghệ xưa cũ. Nhìn thấy cơ ngơi này mới phục sức cần cù lao động của anh, chỉ con đường đi lên đến những căn nhà trên đó, đủ thấy anh vất vả chừng nào. Tụi tôi có ngồi nói chuyện với nhau nhiều lần, từ những lần nói chuyện như thế mới hiểu được anh em.

Đà Nẵng dưới con mắt của tôi là một thay đổi khủng khiếp, bên cạnh xây dựng nầy tôi nghe được những lời oán trách của bà con có đất bị trưng thu mua giá rẻ, rồi sau đó bán lại cho người khác giá cao. Ngoài xây dựng nhỏ của cá nhân, còn có những xây dựng quy mô của nhà nước về đường sá, cầu cống, những xây dựng của công ty nước ngoài về khách sạn, nhà máy. Đủ nói lên được Đà Nẵng là thành phố có mức độ xây dựng cao nhất của Việt Nam hiện thời. Quả thật, sau 33 năm đất nước không còn chiến tranh, chỉ có xây dựng thì cũng không lấy gì làm hãnh diện. Cái quan trọng là mức độ thu nhập của người dân có cao không? Ra khỏi thành phố, người dân vẫn còn lam lũ thiếu ăn. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thấy rất vui khi nhìn lại thành phố nầy sau mấy chục năm không về được. Tình cảm của tôi vẫn gắn bó với nó, những người thân, gia đình và bạn bè vẫn dành cho tôi những cảm tình mà tôi khó quên được.

(Hết phần 2)

© 2008 talawas