trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
5.6.2008
Nguyá»…n Vy Khanh

Thưa ông Nguyễn Trọng Văn,

Trong bài “Một sỉ nhục cho trí thức”, ở đoạn cuối ông viết “Rất mong nhận được những góp ý của bạn bè trong nước và hải ngoại”, khiến chúng tôi (chỉ là hậu sinh) mạo muội viết thư góp ý này.

Trước 1975, tôi là sinh viên Văn khoa và Sư phạm Sài Gòn, cử nhân giáo khoa Triết Tây năm 1973 và chưa kịp trình luận án Cao học Triết Tây thì xảy ra biến cố 30-4-1975. Luận án Cao học của tôi được giáo sư Nguyễn Văn Trung đỡ đầu và liên hệ với giáo sư Nguyễn Văn Trung được tiếp nối từ năm 1995, vài năm sau khi giáo sư Trung định cư ở Montréal. Ngoài liên hệ thầy trò, chúng tôi thường trao đổi về các vấn đề văn hóa miền Nam ở hai thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa. Ngoài ra, cá nhân chúng tôi cũng từng nghiên cứu và xuất bản 40 năm văn học chiến tranh 1957-1997 (1997), Văn học Việt Nam thế kỷ XX (2004), và những bài về văn học miền Nam tự do, thi ca miền Nam, văn học tự do khai phóng vẫn là nguồn hy vọng, v.v… Qua các nghiên cứu vừa kể, chúng tôi đã tham khảo nhiều tài liệu trước và sau 1975, trong cũng như ngoài Việt Nam, và dĩ nhiên đã tham khảo phân tích những chuyên khảo của Lữ Phương và những vị khác sau 1975. Tôi xin lên tiếng với tư cách một người nghiên cứu văn học “bán thời gian”.

Bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Trung trên tạp chí Văn Học (CA) số 112 (9-1995) đã gây vài tranh luận về “mảng” hải ngoại, còn phần nói đến trong nước thì không thấy phản ứng gì - có thể xem là ở ngoài nước gần như tất cả đều nghĩ như vậy. Nay thấy phản ứng của ông Nguyễn Trọng Văn thì chúng tôi hơi ngạc nhiên vì đã 13 năm trôi qua. Từ trình bày của giáo sư Nguyễn Văn Trung rằng “Lữ Phương và một số người khác như Nguyễn Trọng Văn đã trình bày ‘cơ sở lý luận’ của chính sách khủng bố chủ nghĩa trong những lớp chính trị”, mà ông đã phản ứng rằng “Khẳng định của ông Trung làm tôi kinh ngạc vì Lữ Phương và tôi không hề (được) trình bày ‘cơ sở lý luận’ của chính sách khủng bố chủ nghĩa trong bất cứ một lớp chính trị nào! Trái với điều ông Trung tưởng tượng Lữ Phương không bao giờ báo cáo trong các lớp tập huấn chính trị. Vì không xuất hiện trong các lớp chính trị nên cũng không có vấn đề trình bày ‘cơ sở lý luận’ của chính sách khủng bố chủ nghĩa như ông Trung loay hoay nghĩ ra! Không những không được trình bày, Lữ Phương còn bị phê bình (rất) gay gắt trong những lớp chính trị đó. Riêng tôi, vì ông Trung cố ý lôi tên vào chứ thật ra tôi chẳng dính dáng gì tới các lớp chính trị cả!” Kết luận của ông càng làm chúng tôi thấy không ổn, khi ông nói: “Không lẽ trí thức Công giáo không được dạy dỗ về danh dự, trách nhiệm, bổn phận làm người? Đúng là một con chiên ghẻ trong giới đại học”. Đây là một thói quen vơ đũa cả nắm và tổng quát hóa thiếu khoa học về trí thức Công giáo.

Chúng tôi được biết ông Nguyễn Trọng Văn là tác giả bài tham luận “Chủ nghĩa Xã hội KHÔNG Cộng sản tại miền Nam Việt Nam thời Mỹ - ngụy: nội dung và ảnh hưởng”, phụ chú ghi là “bản báo cáo” tại “đại học tổng hợp, cơ sở 2, Thành phố HCM, tháng 6 năm 1978”. Trong bản báo cáo này, tác giả Nguyễn Trọng Văn đã tố cáo tờ Hành Trình của nhóm giáo sư Nguyễn Văn Trung (và các nhóm Thái Độ, Lá Bối, v.v… nhưng bị nặng nhất vẫn là nhóm Hành Trình, ông Nguyễn Văn Trung và Hành Trình được trưng và trích dẫn nhiều nhất) đủ thứ sai lầm, tai hại, tiêu cực, là ‘làm cách mạng xã hội với Mỹ’ (tr. 11) và ông Văn cho rằng chỉ có những cơ cấu đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Giải phóng mới đáp ứng được nhu cầu xã hội miền Nam lúc bấy giờ! Bài của ông Nguyễn Trọng Văn nặng nề hơn Lữ Phương trong bản “Mấy ý kiến về các xu hướng gọi là ‘Cách mạng Xã hội Không Cộng sản’ ở miền Nam trước đây’”. Lữ Phương cho rằng lúc bấy giờ tờ Hành Trình “đã tỏ ra mềm mỏng, cởi mở hơn”.

Những tài liệu vừa trưng dẫn đã được nhà Nam Sơn xuất bản ở Montréal, năm 2000, với tựa đề Hồ Sơ về tạp chí Hành Trình Sài Gòn 1964-65 do giáo sư Nguyễn Văn Trung thiết lập. Chúng tôi nghĩ có lẽ giáo sư Nguyễn Văn Trung đã nhắc đến các bài báo cáo này khi viết bài trên tạp chí Văn Học năm 1995.

Ngoài ra, là người đi sau, nhưng chúng tôi được nghe nói (có thể sai) ông Nguyễn Trọng Văn đã được giáo sư Trung giúp chấm đậu luận án Cao học Triết, trong khi hai giám khảo khác đã nêu vấn đề “chính trị” của ông (theo bên kia) để bác luận án, nhờ lúc bấy giờ giáo sư Trung vừa là trưởng ban Triết vừa là khoa trưởng Văn khoa, và ông còn được đưa vào ban giảng huấn ban Triết ở Văn khoa Sài Gòn. Nếu thật như vậy thì đây là điểm son của miền Nam trước 1975, vừa nhân bản vừa nhân đạo!

Hậu sinh như chúng tôi vẫn mong ở đàn anh như ông Nguyễn Trọng Văn những hồi ký cá nhân về giai đoạn nhập cuộc đó hơn là chuyện “kiện tụng” bất khả thi vì địa lý và juridiction.

Vài hàng mạo muội, chúng tôi chỉ muốn các biến cố và sự kiện lịch sử được trình bày như đã từng xảy ra, và hôm nay nếu có gốc rễ quá khứ thì cũng xin được biết.

Montréal, 01-06-2008