trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
25.6.2008
George Orwell
Biên giới của nghệ thuật và tuyên truyền
(Kỉ niệm 105 năm ngày sinh George Orwell 25.06.1903 – 25.06.2008)
Phạm Minh Ngọc dịch
 
George Orwell (1903-1950)
Đề tài của tôi hôm nay là phê bình văn học, và trong cái thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay nói về nó cũng vô vọng chẳng khác gì nói về hoà bình vậy. Đây không phải là thời đại của hoà bình, cũng chẳng phải là thời đại của phê bình văn chương. Ở châu Âu trong mười năm qua, phê bình văn chương kiểu cũ – phê bình sáng suốt, cẩn trọng, công bằng, coi tác phẩm nghệ thuật có giá trị tự thân - gần như đã không còn tồn tại nữa.

Nhìn lại nền văn học Anh mười năm vừa qua, không chỉ văn học mà quan điểm thịnh hành trong văn chương, điều làm chúng ta ngạc nhiên là nó đã gần như không còn mang tính thẩm mĩ nữa. Văn chương đã bị tuyên truyền nuốt chửng. Tôi không nói rằng tất cả các tác phẩm xuất bản trong giai đoạn này đều chẳng ra gì. Nhưng các nhà văn tiêu biểu như Auden, Spender và MacNeice đều là những người mô phạm, là những nhà văn dấn thân vào lĩnh vực chính trị, dĩ nhiên là họ nhận thức được thẩm mĩ, nhưng quan tâm đến đề tài nhiều hơn là kĩ thuật sáng tác.

Và gần như tất cả các tác phẩm phê bình nổi bật nhất lại là của những nhà phê bình theo đường lối marxist. Đối với những người như Christopher Caudwell, Philip Henderson và Edward Upward thì cuốn sách nào cũng là sách chính trị cả và họ quan tâm đến việc đào xới cho ra ý nghĩa chính trị và xã hội hơn là giá trị văn chương, theo nghĩa hẹp của từ này.

Chuyện này càng đáng ngạc nhiên hơn nữa vì nó tạo ra một sự tương phản rõ rệt và bất ngờ so với giai đoạn ngay trước đó. Những nhà văn tiêu biểu của những năm 1920, thí dụ như T. S. Eliot, Ezra Pound và Virginia Woolf là những nhà văn đặt trọng tâm chú ý vào kĩ thuật sáng tác. Dĩ nhiên là họ có những tín điều và định kiến riêng của mình, nhưng họ quan tâm nhiều đến sự cách tân về kĩ thuật hơn là đạo đức, ý nghĩa hay là hàm ý chính trị trong mỗi tác phẩm. Nổi bật nhất là James Joyce, ông là một bậc kì tài, gần như đạt đến danh hiệu nghệ sĩ “thực thụ”. Ngay cả D. H. Lawrence, một người được coi là “nhà văn có mục đích” hơn bất kì người nào khác thuộc thế hệ ông, cũng không có quá nhiều cái mà hiện nay chúng ta gọi là ý thức xã hội. Và mặc dù tôi giới hạn trong giai đoạn những năm 1920, trước đấy, tức là từ khoảng năm 1890 về sau tình hình cũng tương tự như thế. Trong suốt giai đoạn này khái niệm hình thức quan trọng hơn nội dung, khái niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” được coi là đương nhiên. Dĩ nhiên là có nhà văn không đồng ý như thế, Bernard Shaw là một thí dụ, nhưng đấy vẫn là quan điểm giữ thế thượng phong. George Saintsbury, nhà phê bình nổi bật nhất trong giai đoạn này, trong những năm 1920 đã thành một ông lão nhưng vẫn còn có ảnh hưởng mạnh cho mãi đến những năm 1930, bao giờ cũng kiên quyết đề cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ông từng tuyên bố rằng chỉ đánh giá tác phẩm theo cách thể hiện, theo bút pháp, chứ gần như không quan tâm đến quan điểm của tác giả.

Tại sao lại có sự thay đổi đột ngột như thế? Cuối những năm 1920, Edith Sitwell, trong một cuốn sách viết về Pope, đã nhấn mạnh một cách quá đáng vai trò của kĩ thuật, coi văn chương chẳng khác gì việc thêu thùa mà từ ngữ chẳng còn một tí ý nghĩa nào. Chỉ mấy năm sau chúng ta lại bắt gặp những nhà phê bình theo trường phái marxist, thí dụ như Edward Upward, họ khẳng định rằng chỉ có những cuốn sách theo xu hướng marxist thì mới có thể coi là “tốt” mà thôi. Cả hai quan điểm, của Edith Sitwell cũng như của Edward Upward, đều là những quan điểm đặc trưng cho giai đoạn đó. Vấn đề chỉ là tại sao các quan điểm đó lại khác nhau đến như thế?

Tôi cho rằng phải tìm nguyên nhân trong những điều kiện bên ngoài văn chương. Thái độ duy mĩ và thái độ chính trị đối với văn chương được sinh ra hay ít nhất cũng được hình thành bởi điều kiện xã hội trong những giai đoạn nhất định. Bây giờ, khi mà một giai đoạn nữa đã kết thúc – không nghi ngờ gì rằng cuộc tấn công của Hitler vào Ba Lan đã chấm dứt một giai đoạn, cũng như cuộc đại suy thoái năm 1931 đã chấm dứt một giai đoạn khác – chúng ta có điều kiện nhìn lại và và nhận ra (rõ hơn là mấy năm trước) ảnh hưởng của các điều kiện bên ngoài đối với quan niệm về văn chương. Nhìn lại nền phê bình văn học trong một trăm năm vừa qua có thể làm người ta bực mình và có thể nói rằng từ năm 1830 đến năm 1890 ở nước Anh gần như không có phê bình văn học. Điều đó không có nghĩa là không có cuốn sách hay nào trong suốt giai đoạn đó. Một số nhà văn thời đó như Dickens, Thackeray, Trollop và một số người nữa có thể được người đời nhớ lâu hơn bất cứ kẻ hậu sinh nào. Nhưng nước Anh thời Victoria đã không có một nhà văn nào có thể so sánh được với Flaubert, Baudelaire, Gautier và rất nhiều người khác nữa. Có vẻ như lúc đó người ta gần như chưa biết đến thái độ duy mĩ. Đối với một nhà văn thời giữa giai đoạn Victoria thì sách chỉ có hai nhiệm vụ: kiếm tiền và tải đạo. Nước Anh đã thay đổi rất nhanh, tầng lớp lắm tiền nhiều của đã xuất hiện thay thế cho giai tầng quí tộc già nua, mối liên hệ với châu Âu bị gián đoạn và truyền thống nghệ thuật lâu đời bị phá bỏ. Các nhà văn thời kì giữa thế kỉ XIX là những người thô lỗ, mặc dù đôi khi có thể có những tài năng thiên phú, thí dụ như Dickens chẳng hạn.

Nhưng từ nửa sau thế kỉ XIX quan hệ với châu Âu được tái lập, thông qua những người như Matthew Arnold, Pater, Oscar Wilde và nhiều người khác, và thái độ tôn trọng đối với hình thức và kĩ thuật sáng tác văn chương cũng quay trở về. Chính đây là lúc xuất hiện khái niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” - một khái niệm có vẻ như không còn hợp thời nữa - nhưng tôi nghĩ chưa có khái niệm nào hay hơn. Giai đoạn từ năm 1830 đến năm 1890 là giai đoạn sung túc và an toàn cho nên quan niệm đó đã đơm hoa kết trái và được coi là đương nhiên trong một thời gian dài như thế. Ta có thể gọi đấy là buổi chiều vàng son của chủ nghĩa tư bản. Ngay cả Chiến tranh Thế giới I cũng không làm nhiễu loạn được nó. Chiến tranh Thế giới I đã giết chết mười triệu người nhưng không làm thế giới rung chuyển như cuộc chiến hiện nay [1] đã và sẽ làm. Gần như người châu Âu nào trong giai đoạn giữa năm 1890 và năm 1930 cũng tin tưởng rằng nền văn minh của chúng ta sẽ trường tồn. Người ta có thể gặp may hoặc không may nhưng trong thâm tâm mọi người đều tin rằng về cơ bản sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Trong bầu không khí như thế người ta có cơ hội trở thành người trí thức vô tư, thậm chí một trí thức tài tử nữa. Chính cái cảm giác về tính liên tục và sự an toàn đã tạo điều kiện cho các nhà phê bình như Saintsbury, một người bảo thủ kiên định và là một người trung thành với giáo hội Anh, đánh giá một cách công bằng đối với những tác phẩm của những tác giả mà ông coi khinh cả về đạo đức lẫn quan điểm chính trị.

Nhưng từ năm 1930 trở đi cảm giác an toàn đã không còn nữa. Hitler và cuộc đại suy thoái đã làm được điều mà ngay cả Thế chiến I cũng như cuộc Cách mạng Nga đã không làm được. Các nhà văn xuất hiện sau năm 1930 phải sống trong cái thế giới, nơi không chỉ cuộc sống mà cả hệ thống giá trị của con người cũng luôn luôn bị đe doạ. Trong những hoàn cảnh như thế thái độ vô tư là bất khả thi. Không thể giữ quan điểm mĩ học đối với căn bệnh đang giết chết người ta, cũng không ai có thể bình thản nhìn kẻ đang sắp sửa cắt cổ mình. Trong cái thế giới, nơi chủ nghĩa phát xít đang đánh nhau với chủ nghĩa xã hội, bất kì người có suy nghĩ nào cũng đều phải lựa chọn chỗ đứng cho mình, tình cảm của anh ta phải được thể hiện không chỉ trong các trước tác mà còn thể hiện cả trong các đánh giá về văn chương nữa. Văn chương phải chính trị hoá, nếu không nó sẽ trở thành bất lương về mặt tri thức. Tình yêu và lòng hận thù nằm ngay trên bề mặt của ý thức, không thể nào lờ đi được nữa. Cuốn sách viết về cái gì trở thành cực kì quan trọng đến nỗi thủ pháp nghệ thuật đã gần như mất hết ý nghĩa.

Trong mười năm gần đây, văn chương, thậm chí ngay cả thi ca, đã gần như trở thành các tác phẩm tuyên truyền chính trị, phê bình văn học đóng vai trò không nhỏ trong chuyện này vì chính nó đã đập tan ảo tưởng về chủ nghĩa duy mĩ “thuần tuý”. Giai đoạn này nhắc nhở chúng ta rằng tuyên truyền, dưới hình thức này hay hình thức khác, có mặt trong mọi cuốn sách; rằng bất kì tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều phải có ý nghĩa và mục đích - mục đích chính trị, mục đích xã hội và mục đích tôn giáo – còn việc đánh giá mang tính mĩ học bao giờ cũng nhuốm màu của niềm tin và định kiến của chúng ta. Nó đã hạ bệ khái niệm nghệ thuật vị nghệ thuật. Nó còn dẫn người ta vào ngõ cụt vì nó làm cho không biết bao nhiêu nhà văn trẻ tìm cách gắn bó với một tư tưởng chính trị nào đó, mà một khi đã gắn bó rồi thì sự trung thực tri thức là điều bất khả thi. Chủ nghĩa Marx là hệ thống tư duy duy nhất đối với họ, chủ nghĩa này lại đòi hỏi người ta phải trung thành với các quyền lợi dân tộc của nước Nga và buộc nhà văn tự nhận là marxist phải tham gia vào những việc làm bất lương của chính trị. Dù có như thế thì quan điểm mà những nhà văn này dựa vào cũng đã bị Hiệp ước Nga - Đức [2] phá huỷ hoàn toàn. Vào năm 1930 nhiều nhà văn cho rằng người ta không thể có thái độ thờ ơ đối với các sự kiện đương thời, nhưng vào năm 1939 cũng có nhiều nhà văn nhận ra rằng không thể hi sinh sự trung thực trí thức cho tín điều chính trị - hay ít nhất là không thể làm như thế mà vẫn còn là một nhà văn. Tận tâm với mĩ học không thôi chưa đủ, nhưng thái độ đúng đắn về chính trị không thôi cũng chưa đủ. Các sự kiện của mười năm vừa qua đã làm cho chúng ta nghi ngờ, văn chương Anh không có một phương hướng nào nhất định, nhưng chúng cũng giúp chúng ta xác định (dễ hơn là trước đây) biên giới của nghệ thuật và tuyên truyền.

1941


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Chiến tranh Thế giới II –(ND)
[2]Hiệp ước giữa Liên Xô và Đức, kí vào tháng 9 năm 1939 (ND)