trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
17.7.2008
Tam Ích
Ý văn 1
 1   2   3   4   5   6 
 
Câu chuyện một người viễn khách của Nghiêm Xuân Hồng

Từ ngày mùng một tháng Mười Một năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba trở về trước, trong khoảng chín năm (hãy nói bấy nhiêu thôi), mỗi một nhà văn, khi cầm bút, đều phải đắn đo – đôi khi đắn đo đến độ bực mình khổ sở lắm. Nói một cách khác: họ phải rào đón, nói xa xôi, nói úp mở… để khỏi mang họa vào mình, họa lớn cũng vậy mà họa nhỏ cũng vậy. Vì vậy có vài nhà trần thế, vài kịch gia phải chọn bối cảnh ở một xứ xa xôi nào khác chớ chẳng phải nơi đất nước của mình là cái xứ Việt Nam này. Cho nên nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, khi viết vở kịch Người viễn khách thứ mười cho nhà xuất bản Quan Điểm, cũng đặt chuyện xảy ra ở "một miền nơi trung tâm lục địa châu Á" nào đó cho gọn. Cho nó gọn, cho nó ổn… với thời thế! Kẻo lỡ ra, có thể mang họa. Biết đâu đấy, chỉ vì một tiếng nói thôi, nếu có kẻ xuyên tạc, mình lại mang vạ miệng! Thành ra nhân vật của họ Nghiêm có những tên nghe nửa như là nhân vật thần thoại, nửa như là nhân vật đời Đông Chu… Có khi có cả dư âm thời một ngàn lẻ một đêm bên xứ Ba Tư nào đó xa xôi lắm: Thạch Đầu Nhi, Giang Hoa Tâm… Và đất cát núi sông có những tên như tên trong mộng: thôn Đào Nguyên, xứ Hoa Thích Lâm, bản Sa Phin, sa mạc Qua Bích… Và rốt cuộc, người đọc vở kịch Nghiêm Xuân Hồng có ấn tượng như đọc một truyện ngắn trong văn học của những dân tộc đã từng sống trong một ngàn lẻ một đêm đằng đẵng dài… Chuyện kể ra cũng ly kỳ: nếu không có một bãi tha ma, vài ba cái xác chết, vài ba người điên và một suối nước mắt… thì cũng chỉ là một câu chuyện tình thương tâm mà thôi.

*


Có hai người trẻ thương nhau, một giàu quá, một nghèo quá. Thế là khó mà thành vợ chồng được! Hai người không thành vợ chồng, nhưng sau đó, trong cái quãng hai mươi năm dài lê thê buồn đến muốn khóc, có chiến tranh xen vào… Khi người con trai trở về xóm cũ thì người yêu cũ đã có chồng và có cả con. Người con gái có chồng rồi, nhưng vì báo thù duyên kiếp ngăn đón yêu thương cũ, khi chọn người chồng sau này, nàng ra cho anh chàng này một điều kiện rất hiếm trong sử nhân sinh; mà trong cổ nhân sinh thật cũng hiếm có một người chồng nào lại nhận một điều kiện như vậy. Thật ra, chuyện có thể có: đây chỉ là một đòn ngửa nghiêng của tâm lý: ở hoàn cảnh ấy, trong thời gian ấy, với những nhân vật ấy, những tình tiết ấy… thì một điều kiện như vậy không phải là một chuyện thần thoại. Con người khi đã thua cuộc trong ván cờ định mệnh thì cũng muốn thua cho oanh liệt: thế cờ cuối cùng của kẻ bại trận bao giờ cũng là một thế cờ không có trong "văn phạm"! Điều kiện ấy thế nào, bạn đọc vở kịch sẽ rõ, chỉ biết rằng người chồng sau này của nàng một hôm đi đón một số viễn khách, thì gặp người viễn khách thứ mười. Và ai ngờ người viễn khách đó lại là người yêu xa xưa của người vợ mình đương say mê.

Tấn thảm kịch bắt đầu từ đó và kết thúc thật thương tâm: có hai ba người chết, một người đi mất, một người nữa cũng đi mất: đi như điên như dại …

*


Thật ra, tôi không thể kể hết chuyện, mà vở kịch không phải chỉ đáng đọc vì câu chuyện mà thôi. Ngày xưa thì chuyện không ly kỳ thì sách không hay. Ngày nay, có chuyện không ly kỳ nhưng sách vẫn hay. Huống gì sách cũng khá hấp dẫn. Trong sách còn có tình tiết; còn có ý tưởng; còn có một lời nói nào đó thấp thoáng và kín đáo, mà tác giả muốn nói với người đương cùng sống, muốn gửi người sắp trưởng thành và muốn nói cả với chính mình. Trong văn chương hiện đại thường có những cuộc đối thoại mình nói với mình… Bên Âu châu, một số tác giả viết tiểu thuyết và viết kịch như một nhà chụp hình: họ đứng ngoài cái "vũ trụ" mà họ tạo ra. Họ thuộc về phái duy nhiên. Mãi mới đây, có phái tiểu thuyết mới ra đời.

Còn bên mình hiện thời, ngoài những nhà văn duy nhiên, còn có những nhà văn có mặt trong tác phẩm: tác phẩm chỉ là một cái cớ và mỗi nhân vật là một tấm gương để cho tác giả soi mặt mình nói chuyện với chính mình; tự hỏi mình về những băn khoăn, nhất là những băn khoăn siêu hình rất phong phú trong tâm tư trí thức giới hiện thời. Ở một vài phương diện nào, Nghiêm Xuân Hồng thuộc về phái này, kích thước dài ngắn khác nhau một chút nào đó thôi.

*


Con người của họ Nghiêm là con người "đương dở niệm Phật nơi bàn thờ sau vườn"; con người muốn rằng "ở xứ Hoa Thích Lâm, ai ai cũng đều sùng kính Đức Phật". Con người ấy có thể là người viễn khách – người đi đường xa: đường đi đến cõi như bao giờ cũng là đường dài, đầy sắc không không sắc "có quá nhiều sự đày đọa vô lý và đau khổ vô nghĩa". Và người thiếu phụ bất hạnh của người viễn khách lý luận như một Phật tử chính truyền: "Thiếp trộm nghĩ có lẽ sự đày đọa của kiếp này chỉ là hậu quả của những duyên nghiệp xa xưa, và những gì lỡ làng bây giờ sẽ được đền bù ở một kiếp mai hậu".

Nhưng đã trót làm người Á Đông thì người niệm Phật trừ phi là nhà tu hành khoác áo cà sa, đều mang trong thông minh một mẩu dư âm của Lão giáo: "Có thấy trời đất nào đâu?! Giờ đây, trời cũng chỉ biết lặng thinh, còn đất thì dĩ nhiên là câm họng". Hai ba ngàn năm về trước, có người nói rằng Trời Đất coi người như chó rơm… và hai ba ngàn năm sau, cũng có người như Alfred de Vingy nói rằng Trời Đất lãnh đạm trước mọi chuyện của con người. Ở chỗ này, tín đồ nhà Phật không nói gì nhiều, nhưng con người của Nghiêm Xuân Hồng cũng là một cá nhân trung thành với chính mình: vì Phật giáo không quan niệm có thực thể tối cao có trước và có ngoài không thời gian và vạn vật, thì vấn đề con người, có là chó rơm hay không là chó rơm, Trời Đất có lãnh đạm hay không có lãnh đạm trước nhân sinh… cũng không phải là vấn đề! Mỗi một nhân vật của bất kỳ một tiểu thuyết gia hay một kịch gia nào cũng thường mâu thuẫn với chính mình: đó cũng chỉ là phản ảnh của nhị nguyên tính của vũ trụ và cũng là lẽ dĩ nhiên của mọi chuyện. Nhưng ở đây, cái ý niệm về con người của họ Nghiêm cũng là một ý niệm hơi thuần nhất. Đã biết rằng người viễn khách cũng thường băn khoăn về thân phận con người, và "tưởng rằng con người không có cách gì khác là trông cậy ở chính mình"… tức là người viễn khách không thoát được lẽ hiện sinh của đời sống (như bất kỳ một người hiện sinh nào), nhưng không phải vì vậy mà chàng đi xa… giáo lý của nhà Phật! Trái lại, Phật dạy rằng ai cũng có Phật tính, và mỗi người đi đến cõi như bằng con đường riêng của mình. Ai cũng khổ: nhưng đến tập, thì không ai tuyệt đối giống ai; vì vậy, mỗi người diệt dục theo những điều kiện chủ quan và khách quan của chính mình. "Cõi" Niết Bàn là một cõi một: còn thành được chánh quả, nhiều hay ít, ai cũng tự giác rồi mới giác tha, nhưng nếu ai cũng tự giác rồi, thì vấn đề giác tha tự nó đã đặt ra rồi. Vấn đề tưởng như hai mà lại là một. Và cõi tu hành là cõi con người trông cậy ở chính mình đã. Tôi tin rằng Jean Paul Satre là người chủ trương thuyết hiện sinh cho rằng con người giải quyết lấy những vấn đề của chính mình, sẽ một lần nào đó, dừng chân ở ngưỡng cửa thiền… Nhưng đó lại là một chuyện khác.

Nhưng con người bỗng thấy mình cô đơn; vì người viễn khách "còn ưa thích hơn nữa nỗi lòng cô quạnh của mình". Rồi bỗng chàng muốn mặc cả với đời sống: "Ông khách là một người tin tưởng ở tình người". Và đôi khi "nghĩ tới người khác", "nghĩ tới người khác thì lòng mình sẽ lắng dịu một phần…". Mặc cả với nhân sinh, rồi người viễn khách còn muốn mặc cả với thiên mệnh: "Người thì còn hàng trăm ngàn vạn, nhưng phải có một sự khoan dung lạ lùng của kẻ hóa nhi" mới tạo được yêu thương giữa hai linh hồn…

*


Kết quả của một sự mua bán mặc cả giữa cá nhân và xã hội, giữa cá nhân và Trời Đất, lẽ tự nhiên là sự thất bại. Người khách định đi một nước cờ hạnh phúc cho mình và cho người, nhưng không may cờ chuyển hướng: trong một phút, chàng rời cửa nhà Phật đi "xây dựng một bức tường cô liêu kiêu hãnh" giữa mình và cái xã hội đầy tàn bạo và thiếu công lý này, tìm một khí giới mới để phòng thủ cá nhân… Thật không may: cuối con đường xa của người đi đường xa – người viễn khách – không phải cõi như mà là cõi tuyệt vọng: cõi chết. Chết không than thở, chết không oán, chết thản nhiên… Trong cuộc tranh đấu với cái chết, có một người thua cuộc sẵn! Nói một cách khác: có một người đã chọn trước thế bại trận!

Bỗng nhiên, tác giả thành người tàn nhẫn: chàng dọn một bãi tha ma cho hai xác chết, ba xác chết. Còn lại một số người: họ không còn vị trí trong đời sống thông thường này: họ điên. Họ là nạn nhân của tình thương yêu và sự say mê chân thành của họ và sự tàn nhẫn của tác giả cũng chỉ là thái độ của một con người muốn báo thù định mệnh…

Người thua cuộc bao giờ cũng tàn nhẫn. Tàn nhẫn hay là chết: họ đã lựa chọn.

Vở kịch của Nghiêm Xuân Hồng là một thứ truyền thống Hy Lạp (tradition grecque) dựng trên một bối cảnh một ngàn lẻ một … Nhân vật chính là một chàng Narcisse "soi bóng nét mặt ta trên dòng nước" và soi luôn mặt "trong lòng mắt của người khác", làm một người đi xa, đi trên con đường rất xa để tìm cõi như cho chính bản thân mình – con đường mà hình bóng người yêu cũ trong ngày ngàn xưa phản ảnh một giai đoạn. Không may cho chàng, trong khi chưa kịp hiểu hết cái phi lý của cuộc đời, thì cùng đã gặp cái chết.

Còn Người viễn khách thứ mười chỉ là một câu chuyện "đầy ồn ào và phẫn nộ…" đượm rất nhiều nước mắt Á Đông. Rất nhiều.

1964


Câu chuyện một cái trại…

Con người nào lại không có trong mình một mẩu thực thể giông giống như "chất" tôn giáo… Vì vậy, ngày xưa, khi gấp cuốn Ngọc Lê hồn lại rồi là Mộng Hà, Lê Ảnh trở nên những thần tượng. Và cùng một lúc với ông Hoàng Ngọc Phách, đầu thế kỷ XX cũng đã tạo ra trong Tố Tâm được một Đạm Thủy… Cứ vậy mà những thần tượng ấy ám ảnh thanh niên xưa cho đến đỗi giá được làm… Đạm Thủy lấy một ngày, dù có phải thổn thức và nhảy luôn xuống sông cũng… mãn ý.

Người trẻ tuổi thời đại ấy chỉ còn thiếu suy tôn những nhân vật tiểu thuyết ấy lên để chiêm bái! Tôi lấy làm lạ có người vẫn cho tiểu thuyết là đồ phù phiếm. Cứ xét luôn ảnh hưởng của cuốn La condition humaine của André Malraux chẳng hạn ra đời bên Pháp vào khoảng năm 1934 thì ai cũng phải thừa nhận rằng bất kỳ ở đâu, vào thời nào, tiểu thuyết hay không phải là… đồ phù phiếm chút nào. Trái lại, tác dụng của văn chương không phải là thứ đếm được như lời lãi ngoài chợ hay đo được thành kích thước – sở dĩ ai cũng lười biếng không thừa nhận, chỉ vì bao nhiêu tiếng nói của tiểu thuyết (langage romanesque) thường nằm một cõi riêng trong con người: cõi tiềm thức và vô thức! Và thân hình con người không bao giờ có chỗ trống: chẳng bị ám ảnh bởi một thần tượng, thì trí nhớ cũng mất đi một chỗ cho một thứ người điển hình bệnh hoạn như Ả Cu chẳng hạn… dung thân.

Thời kỳ ấy đã dừng lại: giữa xưa và nay đã có cả một biên giới. Ngày nay, nhân vật không hiện ra như một thần tượng nữa, và cho có điển hình trong tiểu thuyết thì cũng phải điển hình có sức khoẻ tinh thần.

Trên dưới ba ngàn người làm nghề chài lưới sống trên một khu vực địa dư và lập thành Trại Tân Bồi gồm có chín vạn, mỗi vạn là một làng. Con số ba ngàn ấy có một đời sống, có một cảm tình. Giữa dân tộc, con số ấy là một tế bào. Thành phần con số ấy có những cá nhân mạnh, tự mình tranh đấu với mình, tranh đấu với thiên nhiên, tranh đấu với tất cả những gì chận đường đi lên… Mỗi một cá nhân nhỏ đều tự vượt mình và ba ngàn cá nhân nhỏ làm thành một cá nhân lớn, tự tạo một nhân văn chung (humanisme collectif). Có thể gọi họ là một thứ người quần chúng (homme-foule) có tổ chức, có ý thức, ý thức được sức mạnh và khả năng của mình, sống một đời sống chung, cảm một thứ vui buồn chung, giận một thứ giận chung… Và khi không ở đó nữa thì cái người quần chúng có ý thức ấy đi chỗ khác và "đi đến lần vừa rồi là lần thứ ba". Và đi đến đâu thì nơi ăn chốn ở, chỗ họp hành… giờ học tập… đâu ra đấy, có khuôn khổ hẳn hoi cả". Trước khi đi không bao giờ hoang mang, "lúc nào đi là cứ việc đi"…

*


Nhân vật của tiểu thuyết gồm có ba ngàn người. Trong ba ngàn người, nổi bật ra là người già: Sịch Khậm và Lão Mỡi và một cặp thanh niên nam nữ, con gái Sịch Khậm và Lão Mỡi, yêu thương nhau.

Yêu thương nhưng khó lấy nhau vì hai người cha không ưa nhau: một người xuất thân làm anh mõ và một người trước kia đã từng làm một thứ người ở Lương Sơn Bạc…

Nhưng rồi hai người cha cũng phải làm một cuộc tự mình thử thách với mình để thắng một thành kiến đương… chảy trong dòng máu. Họ tự vượt mình và dung thứ cho tình yêu của con trẻ, một thứ tình thương yêu không trắng trợn sặc sỡ như tình yêu ở những thành phố… Họ yêu nhau và "Lực nhìn quanh nhìn quẩn và Thờn cúi đầu xuống. Hai người cùng nhìn nhưng chẳng biết nhìn cái gì cả"…

*


Tôi nghĩ ngay tới loại tiểu thuyết hoàn toàn phi ngã (roman impersonnel), loại tiểu thuyết tả đoàn thể (roman histoire d’une collectivité) như En un combat douteux của Jonh Steinbeck chẳng hạn, như Tempête của Ehrenbourg chẳng hạn.

Lão Mỡi, Sịch Khậm, Tom Joad, Mac, Jim, v.v. mà người ta tưởng là những vai chính, lại chỉ là cái cớ – xin nói lại: cái cớ – để cho đời sống số đông nổi bật lên chiếm hết… màn ảnh, và có thể lạm dụng danh từ mà nói rằng những nhân vật ấy – trái với những tiểu thuyết khác – mới là… bối cảnh.

Bỏ chú tiểu Lan đi thì Hồn bướm mơ tiên hết là tiểu thuyết. Bỏ Mai đi thì Nửa chừng xuân còn gì? Không có Tố Tâm thì Đạm Thủy thành người "mồ côi"? Và bỏ ông An Tiêm đi thì cuốn Quả dưa đỏ tàn tật.

Nhưng bắt Thờn và Lực chìm đi, bắt Mac, Jim, v.v. khuất đi. Trại Tân Bồi En un combat douteux vẫn là tiểu thuyết như thường… Số đông vẫn là số đông. Các nhân vật không phải là một thứ nhân vật lờ mờ chiếm lấy cõi tiềm thức và vô thức (và cõi thức) của người đọc như những thần tượng. Và người ta vẫn có ấn tượng rằng có một số người, tuy không hiện hẳn ra trên sân khấu, chỉ ở sau… bối cảnh, nhưng vẫn lưu động, làm một việc, thở một hơi thở, buồn vui một nỗi buồn vui… như những nhân vật có mặt lớn trong sách.

*


Tuy nhiên, tôi cũng hơi dè dặt.

Bỏ Lực và Thờn đi còn được. Nhưng bắt Sịch Khậm và Lão Mỡi chìm đi thì… khó. Ở trong Trại Tân Bồi, cá nhân Sịch Khậm và Lão Mỡi vẫn nghênh ngang nổi bật ra và ám ảnh người đọc như thường…

Người viết tiểu thuyết sử đoàn thể là người xây dựng điển hình chung và tạo nhân văn chung (hamanisme collectif). Những nhân vật tuy khác nhau về cá tính, nhưng người đọc hình dung người vắng mặt cũng như người có mặt, trường hợp ẩn cũng như trường hợp hiện. Những cá nhân trong đoàn thể không nổi bật ra ám ảnh và theo người đọc, bắt mảnh sống số đông phải lùi vào bóng tối mất vị trí trong trí nhớ. Cuốn sách gấp lại rồi ở trong trí người đọc chỉ cần hình ảnh chung của một sức sống, và Mac cũng như Jim, Jim cũng như Dubois và Dupont… Sịch Khậm cũng như Lão Mỡi, Lão Mỡi cũng như Giáp, Ất như bất kỳ một ẩn số hay vị trí số nào, phải mờ đi…

Đạt được kỹ thuật ấy là thành công trong phạm vi nghệ thuật tiểu thuyết tả đời sống tập đoàn và lên đường đi lên của số đông. Sự thành công của Hoàng Công Khanh – nếu quả tình có sở đoản – là ở chỗ để cho caméra "lấy" Sịch Khậm và Lão Mỡi kích thước chiếm hết màn trắng – gros plan.

*


Một vấn đề thấp thoáng hiện ra trong cuốn tiểu thuyết của Hoàng Công Khanh: vấn đề cá nhân trong đoàn thể – ở phạm vi hẹp là cá nhân trong xã hội loài người. Cá nhân có giá trị tuyệt đối không? Cá nhân… trưởng thành cách nào? Con người tự thực hiện làm sao?

Tìm được câu trả lời tiềm tàng trong cuốn sách là giải quyết luôn luôn được cả vấn đề nhân văn mới: nhà văn riêng của từng người và nhân văn chung của tất cả.

Vạn nhất mà đem Sịch Khậm và Lão Mỡi đặt trên một miếng đất khác, giữa một khung cảnh khác và dưới một khí hậu xã hội khác, như Sài Gòn này chẳng hạn… thì cảnh tượng quả là sẽ đáng buồn! Người đánh mõ vẫn suốt đời "mõ này cả tiếng lại dài hơi"… và cái anh chàng làm nghề "anh hùng" trên mặt nước lại vẫn không bỏ được mặt nước. Cái… nấc thang xã hội chỉ dành riêng cho một số người: vấn đề nhân văn lại cũng chỉ là một món đồ trang sức… hiếm và danh từ vẫn giữ cái trống rỗng của danh từ! Có ai can đảm dám nói rằng cái mõ sẽ thành cái chuông vàng và Sịch Khậm sẽ khoác một thứ áo cà sa mới giữa cái cuộc sống mà con người lẻ loi chỉ thấy có… dốc! Trừ những người hóa hợp với số đông, con người lẻ loi có nhiều sinh tố cũng chỉ làm được cái việc lớn nhất là tìm "một chiếc thuyền con bé tẻo teo" để đi trên "ao thu lạnh lẽo nước trong veo", trốn vào bản ngã, bằng lòng một nhân sinh hẹp. Nhân văn ấy là nhân văn tịnh. nhân văn tịnh là nhân văn hấp hối!

Lão Mỡi và Sịch Khậm, Lực và Thờn đã có cái may mắn là sống trong Trại Tân Bồi. Cá nhân tự kiểm điểm mình, tự vượt mình, tự thực hiện mình trong một khung cảnh tập đoàn lớn. Và cái khung cảnh tập đoàn lớn cũng trưởng thành theo cái đà của cá nhân. Cái homme-foule ý thức được thẩm quyền của mình song song với sự ý thức cá nhân (conscience individuelle) và tự thực hiện. Đó là đặt luôn cả vấn đề con người tự thực hiện mình. Hẳn ai cũng biết; sở dĩ con người trở nên bệnh hoạn và khủng hoảng về tinh thần cũng chỉ vì không thực hiện được hết cái phong phú của mình. Và muốn ngoại hiện (extériorisation) khả năng của mình, con người – nghệ sĩ chẳng hạn – phải tìm một lối thoát.. khác.

Đặt vấn đề lên đất sống của trí thức, thì nếu cái xã hội có đẹp tốt, đã chẳng sinh ra những phong trào trí thức và nghệ thuật bi quan, hoài nghi, bí hiểm… Đã chẳng có một thứ Chế Lan Viên xưa chỉ thấy có đầu lâu và khớp xương… một thứ Bích Khuê làm thơ nặng mùi khoái lạc… Đã chẳng có Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh phải rước bàn thờ siêu thực về làm chuyện mộng…

Trở lại với ba ngàn người ở Trại Tân Bồi. Con người đây không phải là một quân cờ cho người chơi muốn đi nước cao nước thấp gì tùy ý, không phải là một thứ bánh xe không có linh hồn chạy một chiều với những bánh xe khác trong một bộ máy có sẵn. Khả năng của cá nhân ở đời sống tập thể này phát triển theo một nhịp lớn và kết quả sự tranh đấu chung với bản thân, với trời đất, đã tạo ra những trường hợp nói rất nhiều: Lão Mỡi điềm nhiên chứng kiến một cái chết làm đau lòng một người cha làm Sịch Khậm bỗng ý thức được một sự đần độn của mình và bỏ được một thành kiến. Sự hy sinh và sự ý thức cùng xảy ra trong một khung cảnh lớn: trên một khu vực địa dư "không phải ta chỉ thấy một chiếc lá mà thấy cả một rừng cây", rừng cây gồm có cây có lá làm rừng cây, lá cây có tốt tươi là nhờ… đất.

Sống trong một xã hội thiếu tổ chức, con người, trừ phi là phải đi theo "hướng của dòng tiến hóa", cho có muốn hóa hợp với cái mà người ta gọi là… xã hội, cũng là chuyện mơ hồ. Đã hy sinh cái phong phú bên trong của mình nuôi cho "thiên hạ" sống, lại còn đi trên một cái dốc… Nhân văn ấy là nhân văn đi xuống, và con người vô tình đã tự dối mình. Sự tự dối mình chỉ diễn ra trong tiềm thức vô thức của cá nhân nên con người thường dễ lầm.

*


Cuốn Trại Tân Bồi còn lôi ra cả một vấn đề xu hướng văn học. Nói một cách khác là vấn đề trường văn nghệ. Trường văn nghệ đây là trường duy nhiên (naturalisme).

Văn chương duy nhiên thịnh hành nhất ở Mỹ cũng đã đến ngày hết sứ mạng. Các nhà tiểu thuyết Mỹ khai thác đất duy nhiên đã gần hết, dân tộc Mỹ đương đòi hỏi một chất nghệ thuật khác. Hội họa của họ đã đi vào cõi trừu tượng (peinture abstraite), còn văn chương đương bước thấp bước cao… Người ta vẫn viết bài nói về hoàng hôn của văn phái duy nhiên rồi.

*


Cứ một biến cố lớn lại đẻ ra một phong trào văn nghệ mới lớn hay nhỏ, và một hay nhiều nhân tài. Cuộc chiến tranh 1870 và cuộc khởi nghĩa Commune năm 1871 đã đẻ ra một chàng Rimbaud và một xu hướng… Trận Thế chiến thứ Nhất đã đẻ ra một chủ nghĩa dada, và sau đó phái siêu thực. Và tiếng dội của chiến tranh ngoài chân trời bắt đầu năm 1939 cũng đã dồn vào bản ngã vào mộng vào cõi trừu tượng Đoàn Phú Tứ, Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập… Khói lửa đất nước cũng đã làm cho Tạ Tỵ vẽ tranh lập thể… Có lẽ cái nước Mỹ chưa có một biến cố lớn nên chủ nghĩa duy nhiên đã về chiều rồi mà văn chương còn bước thấp bước cao… đi vào lối science-fiction, để đến đỗi bên Pháp bây giờ lại cũng có người kêu rằng tiểu thuyết hết… thời rồi và Raymond Queneau một thi nhân, một văn sĩ đàn anh Pháp cũng đã chủ trương rằng science-fiction sẽ thắng và đã lập hội Science-fiction.

Người ta đã hương khói cúng chủ nghĩa tả chân cũ, người ta đã khóc chủ nghĩa duy nhiên cũ. Sau cái thời kỳ đọc tiểu thuyết tả đời sống kháng chiến ở Pháp và cái đời sống ở những trại tập trung Đức, thiên hạ đua nhau đọc tiểu thuyết của Sartre…

Tiểu thuyết nước Pháp bây giờ đã lâm vào ngõ bí. Mấy cái giải thưởng Goncourt, Femina, v.v. chỉ là những tác phẩm lạt lẽo chẳng có gì mới lạ. Hai mươi năm sau, người ta đọc lại La condition humaine của André Malraux còn thấy thú vị hơn nhiều thì quả tình văn chương nước Pháp đang đánh dấu hỏi…

Ngày nay, cái cuốn đọc được hơn hết có lẽ là cuốn Drôle de Jeu của Roger Vailland được giải thưởng Interallié năm 1945 và sau đó là cuốn Bon pied bon oeil. Và cái ngày Vailland viết Un jeune homme seul là ngày tác phẩm của Vailland gây ra một cuộc thảo luận khá ồn ào.

Ngộ nghĩnh hơn hết là nhà tiểu thuyết Roger Vailland đã sáng tác với lối văn duy nhiên!

Nguyễn Văn Lang đã viết Tìm sống, Sao Mai đã viết Nhìn xuống và Hoàng Công Khanh đã viết Trại Tân Bồi bằng văn duy nhiên. Màu sắc khác nhau một chút, nhưng có lẽ ở tạm chung một văn phái.

Thứ văn chương duy nhiên này động mà không tịnh. Căn nhà duy nhiên cũ của Emile Zola và của Vũ Trọng Phụng đã thuộc hẳn về lịch sử. Cái chủ nghĩa duy nhiên của Sao Mai và Hoàng Công Khanh này đã mang một màu sắc mới. Hẵng tạm gọi là tả chân mới chẳng hạn. Nhà xuất bản Vỡ Đất, xuất bản cuốn Trại Tân Bồi quả đã vỡ được đất mới.

Tôi đã đọc Terre défrichée của Cholokov và Terre défrichée cũng thuộc về loại tiểu thuyết tả đời sống tập thể. Sợ mang tiếng là thiên lệch, nếu không, tôi sẽ nói tôi đọc Trại Tân Bồi thấy hứng thú hơn nhiều. Nhưng cũng xin nói luôn một ý tưởng rất thành thực kẻo người viết bài này mang tiếng là nói chuyện… phiến diện… Chẳng biết từ đây về sau ra sao, nếu chỉ đếm từ đây về trước, thì hình như ông Hoàng Công Khanh chỉ nên hãnh diện rằng mình đã viết được Trại Tân Bồi… mà thôi.

Đã nói đến Trại Tân Bồi thì phải nói đến Hoàng Công Khanh. Đã nói đến họ Hoàng thì cũng phải nói nốt một ý tưởng nữa cho đầy đủ. Người ta có thiện cảm với tác giả Trại Tân Bồi Quan điểm văn nghệ nhân dân bao nhiêu, thì người ta lại buồn cho người đã viết Mối tình đầu, Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu, Yêu chỉ một lần, bấy nhiêu. Có người đã nói là Hoàng Công Khanh không có lập trường văn nghệ gì rõ ràng. Họ Hoàng trả lời làm sao với dư luận?

1954


Tình người của Tam Quán

Con người có thể can đảm không sợ gì cả – trừ quyên sinh. Nói một cách khác: con người ta không dại gì mà đi rước sự… tự tử vào mình. Chẳng có cá nhân nào muốn tự sát – mà cũng chẳng có dân tộc nào muốn quyên sinh. Kể cả toàn thể loài người. Từ ngày có bom nguyên tử và bom khinh khí, loài người đâm ra sợ chết. Sợ chết phải tìm cách thoát chết: muốn thoát chết phải hủy cái… "lợi khí" gây ra chết… là các thứ bom nguyên tử. Nhưng không may cho cá nhân cũng như cho cả loài người, là không ai dám hủy bom nguyên tử. Trái lại, mỗi ngày người ta còn làm thêm cho nhiều… bom.

Thành ra cái chết đã thấp thoáng ở đâu đây… rồi đấy! Chết riêng cho một người hay chết chung cho cả… lũ thì cũng vậy!

Người Âu Mỹ là người nhiều bom nguyên tử nhất. Cho nên họ sợ. Hình như không còn có cách gì tạo cho họ một lối thoát cho sự khủng khiếp của tâm hồn bằng triết học… Phật Lão.

Họ bèn quay về Phật Lão. Nói "quay về" là không đúng vì trong mấy thế kỷ trước đã có lúc nào họ nghiên cứu bề sâu và bề rộng của triết học Phật Lão đâu! Ngày nay họ mới thưởng thức…

Nhất là Phật giáo.

Cứ coi số sách viết bằng Âu ngữ về Phật giáo và số triết gia, tư tưởng gia, văn gia – kích thước lớn – viết về Phật giáo thì đủ biết. Nhưng chạm đến phái Thiền của Phật giáo thì trí thức giới Âu Mỹ… ngơ ngác! Và họ càng tìm hiểu họ càng khó hiểu – khó hiểu hay không hiểu gì cả…

*


Ông Georges Reyer là một nhà văn kiêm học giả chuyên viết triết sử về tôn giáo sử cho báo Paris Match, một ngòi bút cỡ kích thước quốc tế, thường ao ước hiểu thế nào là Thiền. Một hôm ở Nhật Bản, ông gặp nhà bác học D.T. Suzuki là một trong vài nhà thông thái đã có công đem triết học Thiền truyền bá ở Âu Mỹ. Hôm hội kiến, có cả ông Yamada, giáo sư về thiền học tại trường đại học thiền học ở Kyoto ở Nhật Bản. Ông Reyer hỏi ông Suzuki về Thiền. Ông này nói rằng không sống Thiền thì không thể nào hiểu được Thiền mà đã sống Thiền rồi thì không thể nào nói về Thiền được…! (Luôn tiện, để làm… sáng tạo câu chuyện Thiền, tôi xin ân cần giới thiệu với bạn đọc hai cuốn sách về Thiền rất phong phú của T.T. Thiên Ân và cuốn Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma có giá trị của Phạm Công Thiện). Nhưng rồi giữa lúc Georges Reyer ngơ ngác và khổ sở đi về việc hiểu… Thiền thì ông Suzuki cũng ráng giải thích Thiền bằng một câu chuyện – gọi là giai thoại cũng được!

*


Có một vị thiền sư hỏi một đệ tử:

"Phật tổ là ai?"

Người đệ tử thưa:

"Thưa sư phụ, Phật tổ là một hiền giả Ấn Độ (nguyên văn: le sage hindou) đã sáng lập ra Phật giáo và Thiền tông là một tông phái của Phật giáo".

Thiền sư hét lên:

"Đồ ngu!"

Rồi ngài đánh một gậy vào đầu người đệ tử. Ngay lúc ấy, có một đệ tử khác cúi đầu thưa rằng:

"Thưa sư phụ, Phật tổ là một vị thái tử bỏ ngôi báu và đi hành khất. Người đã nhận thấy rằng cái ta chỉ là một ảo ảnh, và vạn vật cũng chỉ là ảo ảnh… Người đã giác và đã đạt đến cõi Niết Bàn – mà Nhật ngữ gọi là Satori".

Vị thiền sư lại hét lên một lần nữa:

"Thậm ngu, chí ngu!"

Rồi thiền sư túm lấy mũi của người đệ tử, vặn cho đau điếng… Một người đệ tử thứ ba có mặt tại đấy thận trọng hơn, không nói gì cả, im lặng. Thiền sư liền tát lia lịa vào mặt người đệ tử thứ ba này làm cho máu mắt máu mũi trào ra chan hòa… và hét lớn hơn trước:

"Phật tổ là thế này này… Ngu ơi là ngu, một lần ngu, hai lần ngu, ba lần ngu, ngu gì mà ngu quá vậy hở trời…!"

*


Ngày nay, tại đây có một cuốn sách – một cuốn truyện. Tên sách là Tình người. Tác giả là Tâm Quán. Nhà xuất bản là Lá Bối. Sách gồm có mười truyện – đúng hơn là mười truyện ngắn, trong đó có một truyện tựa là Tình người mà tác giả lấy làm tên cho cả tập truyện. Tôi cũng xin nói thêm rằng nhà xuất bản Lá Bối đã xuất bản nhiều sách của Thích Nhất Hạnh: Bông hồng cài áo, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Le Bouddhisme d’Aujourd’hui, Đạo Phật ngày nay… Tập truyện Tình người trình bày rất trang nhã – một thứ đẹp kín đáo làm người ta mến, làm người ta kính… ấy là chưa nói về nội dung… đề cập tới nếp sinh hoạt và nếp suy tư phong phú của hai nhân vật chính là tác giả xưng là tôi – là Tâm Quán – và một chú tiểu nữa là Tâm Mãn cũng là đệ tử của phái Thiền tông trong Phật giáo – nếu tôi không lầm. Nhất là truyện cuối cùng tựa là Công án…

Chú Tâm Mãn thường bắt chú Tâm Quán cắt nghĩa những câu chuyện thiền trong tác phẩm Vô môn quan. Chú Tâm Quán nói với chú Tâm Mãn: "Chú nghĩ xem, ba chữ Vô môn quan đã là vô lý rồi. Vô môn quan là cái cửa không có cửa… Chú bảo tôi cắt nghĩa làm sao được thế nào là một cái cửa không cửa?"… Rồi chú Tâm Quán thêm: "Tôi cũng nghĩ rằng tác phẩm ấy nói chuyện vô nghĩa. Này nhé, có nghĩa tức là có nghĩa đối với một người nào, và không bao giờ cũng không có nghĩa đối với một người nào… Đối với người ngoại cuộc thì nó có thể không có nghĩa. Nhưng đối với người trong cuộc thì nó là có nghĩa". Rồi chú Tâm Quán nói về sự ngộ của hành giả. "Có người ngộ rất mau mà có người ngộ rất lâu". Đồng thời chú kể một chuyện xảy ra bên Tàu – có lẽ ở một thời xa xưa nào đó. Chuyện như thế này.

*


Có một thiền sư dạy rất đông đệ tử. Trong hàng đệ tử có một vị đệ tử tu đã rất lâu năm và đã dày công phu mà cũng vẫn chưa ngộ. Vị đệ tử rất lấy làm hổ thẹn… Nhưng thiền sư thì vẫn kiên tâm trong việc giáo dục. Một mùa đông, trong chùa, trên hang núi, chỉ có một thầy một trò. Sáng hôm ấy, trời lạnh như cắt. Vị thiền sư sai người đệ tử đi kiếm thêm bó củi vào lò sưởi. Nhưng đường ra núi bị tuyết phủ rồi.

Người đệ tử đi tìm quanh trong động nhưng tuyệt không còn thấy một khúc củi. Vị thiền sư tỏ vẻ khó chịu: "Chú kiếm bất cứ thứ gì bằng gỗ cũng được!". Sau một hồi tìm kiếm, vị đệ tử không thấy một thứ gì trong hang đá cả, vì bàn, ghế… tất cả đều bằng đá. "Bạch thầy, không có đồ vật gì bằng gỗ nữa cả…". Vị thiền sư tỏ vẻ khó chịu thêm và nói: "Thì chú hãy vào chính điện thử xem". Sợ hãi, người đệ tử vào phía hang chính điện và cũng không thấy đồ vật gì bằng gỗ cả, trừ tượng Phật. Run rẩy, chàng trở về báo cáo: "Bạch thầy, chỉ có tượng Phật là bằng gỗ thôi". Vị thiền sư quắc mắt: "Tôi đã bảo chú là bất cứ đồ gì bằng gỗ kia mà!...". Chưa từng bao giờ thấy thiền sư nổi giận, vị đệ tử hoảng lên, run lập cập, hạ bệ tượng Phật xuống. Trước con mắt vô cùng ngạc nhiên của người đệ tử, vị thiền sư lấy búa chẻ tượng Phật làm bốn mảnh liệng vào lò lửa. Tượng Phật bốc cháy.

Chú Tâm Quán kể xong chuyện rồi kết luận cho chú Tâm Mãn nghe rằng: "Chú biết sao không? Sự việc xảy đến, gây chấn động mãnh liệt trên tâm trạng người đệ tử: bỗng nhiên người này thấy tâm mình thông suốt bừng nở… ánh sáng giác ngộ chảy tràn vào… Tôi chắc trong nội tâm của người đệ tử, tất cả đều đã được chuẩn bị cả rồi. Duy còn một tí chấp trước nào đó… Vị thiền sư đã đợi đúng lúc để giáng xuống một đòn cân não…".

Tác giả bài phê bình này – nói phê bình là nói ép – cách đây một tuần lễ, đã đọc vội vàng tập truyện Tình người trong một hiệu sách ở Dalat – đọc như vậy kể cũng không lương thiện lắm! Trở về Sài Gòn, bỗng tôi bị nó ám ảnh. Tôi kiếm nó để đọc lại…

Đọc xong, tôi nghĩ rằng, trước hết tác giả cuốn truyện hẳn là một nhà văn của cửa… thiền. Rồi tôi lại nghĩ Tâm Quán là ai? Một nhà văn mới ra đời. Bút pháp Tâm Quán điêu luyện: chính sự sáng sủa nhẹ nhàng đã làm ra sự điêu luyện ấy – một thứ điêu luyện của một cây bút đã… dày công "tu luyện" trong… thi văn giới. Kỹ thuật dựng truyện ngắn rất giản dị – và chính sự giản dị ấy làm ra sự kín đáo và vững vàng của kỹ thuật. Đây có hương vị của Tự Lực Văn Đoàn, có màu sắc văn chương rất Việt Nam – rất Việt Nam mà không xưa, rất mới mà không cần táo bạo… và có "âm thanh" lặng lẽ và thoát tục… Một thứ văn chương và một bút pháp cân xứng với tình, với cảnh, với việc của nếp sống và nếp nghĩ của những nơi trong, trắng, sạch – khác hẳn thứ văn chương hiện đại phản ảnh nếp nhân sinh của một loài người chán nản và mệt mỏi, sợ chiến tranh và sợ chết chóc, sợ máu chan hòa và sợ nước mắt nhiều như bao nhiêu đại dương, sợ sự phi lý của việc trời và việc người: khắc khoải, ấm ức, có mùi tha ma… Con người sợ chính mình…

Người đọc Tình người sẽ có ấn tượng như vừa thoát khỏi cõi vũ phu, ồn ào và tàn bạo của đời sống và lạc vào một "giới" nhân sinh nhẹ nhàng: những tấm thân lưu đày và lưu lạc ngồi giây lát – và muốn ngồi dai nơi bóng mát, vì ngoài trời chói quá, nóng quá, u ám quá, nồng nực nặng nề quá… Mô Phật!

Tác giả là Tâm Quán đã thành công ở chỗ viết một cuốn truyện nói chuyện thiền: nói chuyện tôn giáo mà không ai hay, nói cả chuyện siêu hình mà như kể chuyện Tấm Cám… Tôi ngờ Tâm Quán là Thích Nhất Hạnh, một Thích Nhất Hạnh với kích thước của tác giả Đạo Phật ngày nay…

Vậy xin thành thực giới thiệu với bạn đọc. Và để kết thúc, xin thêm hai ý tưởng: một về việc giảng thiền cho thiên hạ… hiểu thiền – xin nói lại hiểu – của nhà thông thái Suzuki và của Tâm Quán; và một về vấn đề nghệ thuật truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại – nhân tiện có cuốn Tình người và có chú Tâm Quán từ đây có mặt trong văn thi giới.

Ý tưởng thứ nhất của tôi là về vấn đề nói chuyện thiền với thiên hạ. Nhà thông thái Suzuki đã làm ông Georges Reyer thất vọng… vì không thể nào hiểu được thiền… hiểu như cái kiểu chúng ta hiểu, hiểu bằng thông minh, bằng lý trường sinh, kể cả là bằng tất cả toàn diện cái nhất trí của cơ thể và tâm hồn cá nhân – hiểu như chúng ta thường hiểu Khổng Khâu và Socrate … thị giác nhìn thấy màu, thính giác nhìn thấy âm thanh, thông minh đi vào bề sâu và bề rộng của tinh vi của vi ti và li ti… lý trí đi vào những thành tố của vạn vật, với tinh thần khoa học. Georges Reyer thất vọng vì nhà thông thái Suzuki không đủ thẩm quyền hay hà tiện… tri thức? Tôi biết Reyer muốn về amy để làm mặt… thông thái về thiền. Số là ở amy, thiên hạ đương say mê thiền: tôi dẫn ra đây cái câu của Reyer trong báo Paris Match ra trong tháng Novembre 1963: "Mais que les foules amréicaines données aux "funnies" aux best-sellers des drugstores et aux cours de compt abilité par correspondance se soient prises d’un engouement touchant à la passion pour la plus hermétique de toutes les doctrines de l’Extrême – Orient, il y avait là de quoi s’étonner. Snobisme? Sans doute. Et désarroi spirituel. Le maitre de Zen remplacait le professeur de Yoga ou le psychanaliste".

Cái công việc ông Suzuki đã – vô tình hay cố ý – làm không xong, chú Tâm Quán của chúng ta có lẽ đã làm được… Nhưng mà thôi, xin dành cho bạn đọc mọi thú vị của cuốn Tình người của Tâm Quán…

Ý tưởng thứ hai của tôi thuộc về vấn đề nghệ thuật truyện ngắn – một loại mà đã có nhiều nhà văn học quốc tế liệt vào hàng văn chương cao đẳng (genre supérieur) – trong văn học Việt Nam hiện đại, nhân bàn đến Tâm Quán tác giả Tình người. Chúng ta có Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam – thêm vào đó vài người hàng đầu có kích thước: Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến. Còn có những người có hẳn những sắc thái riêng biệt: Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Mai Thảo, v.v. - và đừng quên Song Linh, Viên Linh, Trần Dạ Từ… - và vài người có mặt: Minh Đức, Hoài Trinh, Hoàng Anh Tuấn, Kiêm Minh, v.v. Và nhất là một người ký là Lan Đình đã viết truyện Đêm dài ba mươi Tết đăng trong Phổ thông Xuân Ất Tỵ đã làm tôi ngạc nhiên hết cỡ của tâm hồn tôi và làm tôi nghĩ rằng tiềm năng văn thơ của dân tộc còn phong phú vô cùng…

Xin thêm: Tâm Quán.

Và xin nói một cảm hứng lờ mờ: hình như về truyện, truyện ngắn đã vượt truyện dài chăng? Đó có phải là một đặc tính văn học của một giai đoạn văn học của một lịch sử văn học của một nền văn học dân tộc?

Viết truyện ngắn cho hay khó hơn viết truyện dài. Kích thước không gian và thời gian của người viết truyện ngắn có chừng – người viết không thể vượt giới hạn. Kích thước bề rộng và bề sâu của người viết truyện dài… nó vô cùng: người viết có thể "bơi lội" mà vẫn còn… tự do: biên giới còn xa. Cái sở đoản nếu có, nó lấp nó chìm đi trong số người, số việc – việc trời, việc người… và việc của chính việc sinh đẻ ra nhiều việc vô cùng…

Hay là cái thông minh sáng tạo (intelligence créatrice) của dân tộc Việt Nam chỉ thích nghi với những việc khó – kể cả và nhất là ở lĩnh vực văn nghệ?

1964


Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng

Ba chục năm trước…

Có một nhà văn mới ra đời là đã có thế lực: Khái Hưng. Và có một cuốn tiểu thuyết mới ra đời đã chiếm đứt vị trí của Ngọc Lê hồn Tố Tâm: cuốn Hồn bướm mơ tiên.

Từ Trẩm Á của văn học cận đại Trung Hoa tới, và Hoàng Ngọc Phách tại chốn "ngàn năm văn vật" không còn là thần tượng nữa. Giới thanh niên trí thức tiểu tư sản đã có thần tượng mới: nhân vật của Khái Hưng và Nhất Linh. Cuốn tiểu thuyết thứ nhất của Khái Hưng là cuốn Hồn bướm mơ tiên hiện ra trong văn học như một hành tinh sáng. Cùng với tác giả nó: Khái Hưng.

Ra đời trong văn giới, Khái Hưng mang theo với mình một số mặc cảm: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính… đã lên đoạn đầu đài rồi, còn sĩ phu của Tân Việt cách mạng đảng đương mạnh ai nấy chạy… Nước đã mất và nước đương mất… Dân tộc tính văn hóa đương phai lần lần: nếu chẳng phải là Ngũ kinh Tứ thư đã xưa xửa hay cuốn Ngọc Lê hồn đương gây nước mắt chan hòa một cách rất… lãng mạn thì cũng là Chateaubriand hay Lamartine đương thổn thức… Còn chính trường dân tộc đã đẩy những quan lại phụng sự chính quyền thuộc địa một cách rất "hạo họa nhiên" trong lúc những đứa con cuối cùng của một lớp nho sĩ bại trận thì đành "hạ Thú dương" và tự phòng thủ mình với nguyên tắc "thế chiến quốc thế xuân thu, gặp thời thế…".

Kết quả là bao nhiêu cặn bã của một lớp trí thức Việt Nam mới và cũ nổi lên trên, theo thời… với tất cả những lầy lội ẩn sau mấy hòn non bộ, mấy bức hoành phi, mấy đôi câu đối thếp vàng sơn son, thêm vào đó mấy cuốn Luận ngữ giấy tuy rách nhưng còn giữ lấy… lề đặt bên cạnh mấy cuốn sách Tây… xếp có ngăn nắp trong văn phòng Khai Trí Tiến Đức…

*


Một người như Khái Hưng phải thở dài… Thở dài mãi và nhiều rồi, chàng không còn cách gì hơn là tìm lối thoát cho mình: chàng tạo một hình ảnh của chính mình – cậu Ngọc – và tô thêm phấn son: một tấm gương để mình soi mình.

Một lối hướng thượng bèo bọt cho một tấm thân mất nước đương bơ vơ và tự mình dối mình trầm trồ khen mình trước hình bóng của mình trong tiểu thuyết do mình viết ra. Chàng tạo thêm một mối tình mà chàng muốn cho đẹp: kết quả ép của tinh thần Á Đông hòa hợp với màu sắc ái tình lãng mạn trong mấy trang văn học sử Pháp để gần một trăm năm mới từ Âu châu qua đất này. Chàng còn phải tìm khung cảnh cho mối tình ấy: còn ở đâu hơn là nơi kín đáo xa xôi – một ngôi chùa, một nơi mà nếp nhân sinh lặng lẽ và vắng vẻ khác hẳn nếp nhân sinh nơi tưng bừng, nơi mà mọi thứ của con người đều cân nhắc và dựng trên nguyên tắc buôn bán!…

Rồi chàng khai sinh bức tranh ấy dưới một cái tên nghe khá đẹp, thỏa mãn được ao ước của thính giác, thỏa mãn được sự đòi hỏi của thông minh: Hồn bướm mơ tiên.

Kể thế đã là đẹp lắm!

Cái giai cấp trí thức tiểu tư sản và giới sinh viên học sinh của một dân tộc bại trận… trước chính quyền thuộc địa… không đòi gì hơn là được ngắm những bức tranh ít nét ít màu, đẹp như tranh thủy mạc, kín đáo như sương và nắng Á Đông những sớm đầu xuân… Hồn bướm mơ tiên.

Hồn bướm mơ tiên được hoan nghênh.

May cho Hồn bướm mơ tiên là thời ấy Phật giáo chưa phục hưng như bây giờ; và nhà Nguyễn đương chải chuốt nguyên tắc Nho giáo độc tôn đương suy vi – của nhà Hậu Lê để lại như để một gia tài sắp khánh kiệt – đã sa đọa và đương sa đọa, một thứ vang bóng xa xôi của một triều đại quân chủ đã hết sứ mạng lịch sử đương cố giấu bức tranh vân cẩu của chính mình.

*


Không may cho tác giả Hồn bướm mơ tiên.

Khái Hưng có thiện cảm với Phật giáo lại làm tổn thương giá trị Phật giáo mà không biết! Hồi đó, chẳng ai nói đến, mà ngày nay cũng không ai nói đến cái sở đoản ấy, vì mỗi thời có những tưng bừng riêng, có những vui buồn và lo âu riêng, có những tấp nập riêng… thiên hạ quên mất cái bảng giá trị có vị trí tinh thần văn nghệ – có cuốn Hồn bướm mơ tiên.

Trừ văn nghệ phẩm thuần túy tả chân duy nhiên ra, trong những tiểu thuyết của các trường khác, ít nhiều đều có lờ mờ hình bóng của tác giả. Tác giả lấp ló, khi ẩn khi hiện, khi nghênh ngang có bề dài bề rộng, khi kín đáo lờ mờ trong truyện… Trong mỗi nhân vật đều có một mẩu tác giả và trong mỗi một lời nói của nhân vật đều có bóng thông minh và lý trí của tác giả. Đôi khi đến trang chót, tính sổ tư tưởng, người ta có thể xếp cả một "hệ thống" ý tưởng của người viết sách: Gide, Mauriac, Malraux… Kể cả người gần chúng ta: Khái Hưng, Nhất Linh… mà nhiều người gọi là tác giả tiểu thuyết luận đề.

Cẩn thận một chút, chúng ta thấy Khái Hưng thật không hiểu Phật giáo: yếu tính Phật giáo, yếu lý phong trào, bản chất Phật giáo, tinh thần kinh kệ Phật giáo… Kể cả cái thông thường nhất của Phật giáo: tâm lý siêu hình chính truyền của Phật giáo.

...

Cậu Ngọc hỏi chú Lan:

"Chú tu ở trong vùng này thú chú nhỉ?"

Chú Lan trả lời:

"Thưa ông, đã xa nơi trần tục mà mến cảnh thiền am thì không còn lấy chi làm vui thú nữa".

...

Vô tình, cả cậu Ngọc và chú Lan của Khái Hưng đã hiểu lầm cái thú và cái vui thú của sự tu hành chấp chính – nói vậy vì tôi tin rằng tác giả Hồn bướm mơ tiên đã muốn thăng hoa mọi trường hợp, mọi điều kiện và cả mọi luận cứ của sự tu hành ở cửa thiền – kể cả những người tu hành. Vì cái thú và cái vui thú của người chân tu – hay đương tìm đường chân tu – phải nhìn qua một góc lăng kính khác… Ủa, người chân tu họ vui thú lắm chứ!

Và nguy nhất là Khái Hưng đem hoang sử, huyền sử vào cửa thiền: muốn thăng hoa thái độ và nếp tu hành của Văn Khôi công chúa đời Lý Nhân Tôn, người viết truyện đã đem cả Ngọc hoàng Thượng đế và Tiên Nga giáng thế vào… chùa – thêm vào đó một con rồng vàng và phép mầu nhiệm của Thích Ca Mâu Ni…

Mô Phật!

Chẳng lẽ Phật giáo – theo cái nghĩa chính truyền của nó – lại vướng vào chính cái mà Phật giáo chống ở Bà La Môn là một giáo mà "giấy khai sinh" và "giấy sao lục tư pháp" có cả một vạn chuyện hoang sử, huyền sử… Và chuyện hoang đường, không khác gì tất cả những chuyện hoang sử người bình dân kể cho nhau nghe những đêm trăng dài… cho vơi những nặng nề của thân phận mỗi ngày đầu tắt mặt tối đủ cả hai mươi bốn giờ… Ấy là chưa nói rằng người viết Hồn bướm mơ tiên đã để vào miệng sư Cụ một lời nói – nói với Ngọc là cháu – mà một thượng tọa hay đại đức bây giờ ít khi nói: "Cháu nên biết rằng đạo Phật huyền bí lắm!...". Thực ra, nếu nói về tôn giáo, về gốc đạo Phật, thì Phật là một người bằng xương bằng thịt: thái tử Tất Đạt Đa… Còn nói về triết học như một trong những hệ thống triết học… thì ai cũng có thể dày công nghiên cứu – hãy bắt đầu bằng duy thức học…- và có khó hiểu (?) thì chỉ có Thiền (Zen) là khó nhưng ai cũng có thể đem tất cả cái nhất trí của cá nhân ra để chứng nghiệm và luyện cái trực giác đến cao độ để ngộ ở một trình độ nào đó cái thiền… Nói huyền bí cũng như nói bà Âu Cơ đẻ ra một trăm trứng và mỗi trứng nở ra một người…

Khái Hưng, nhà văn đáng quý và đáng kính của chúng ta đã qua đời: giá ông còn sống đến bây giờ, ông sẽ không mãn nguyện về cuốn truyện của mình – vào chính giờ này, ở ngay chỗ này…

*


Khái Hưng còn làm một chuyện mà tôi cho là chướng nữa.

Trong bức thư Ngọc viết cho Lan – nhưng rồi lại xé đi - có câu:

"...Dù có muốn xa lánh cõi tục, dứt bỏ trần duyên, song cái bản tính của con người dễ một lúc mà có xóa bỏ nổi được. Cái bản tính ấy là tình, là, A Di Đà Phật, là ái tình…

Ái tình là bản tính của loài người mà là hạnh phúc của chúng ta…

Đức Thích Ca Mâu Ni xuất thế để đưa linh hồn chúng sanh đến cõi Niết Bàn mà hưởng sự hạnh phúc bất vong bất diệt. Nhưng hạnh phúc của chúng ta chỉ ở ái tình. Đó là… A Di Đà Phật: Đó là Niết Bàn của chúng ta…

Mấy hôm nay tôi đọc quyển Phật giáo tôi thấy tôi yêu đạo Phật…"

Những cây ấy thành một bức thư, viết ở đâu, gửi cho ai – miễn là ở ngoài nơi tu hành – đều có văn chương và bay bướm … Nhưng viết cho chú Lan và do cậu Ngọc viết nhờ Khái Hưng viết giùm và viết trong cuốn truyện Hồn bướm mơ tiên, một cuốn tiểu thuyết mà Khái Hưng muốn dùng để… đề cao cậu Ngọc, vẽ chú tiểu Lan cho đẹp, và thi vị hóa mối tình… và nhất là hình ảnh từ bi của Phật… thì thật là tôi, kẻ viết bài này, không tán thành chút nào.

*


Chú Tâm Quán có viết một tập truyện tên là Tình người. Trong tập truyện có một truyện tên là Giọt nước cành dương… Trong truyện này có một nhân vật tên là Vĩnh. Vĩnh hay nói chuyện với chú Tâm Quán – là tác giả, là "tôi" trong tập truyện. Một hôm Vĩnh hỏi chú Tâm Quán: "Chú có đọc cuốn Thế rồi một buổi chiều của Nhất Linh chưa? Chú Tâm Quán nói rằng có đọc rồi và nói thêm rằng: "Có thêm một nhân vật như thế" - nghĩa là cô sư nữ? - "thì đạo Phật cũng chỉ lấy làm xấu hổ mà thôi". Bạn đọc muốn hiểu đầu đuôi, xin tìm đọc Thế rồi một buổi chiều của Nhất Linh và Tình người của Tâm Quán mới ra đời đây. Chỉ biết rằng kẻ vào chùa, khoác áo cà sa để quên một mối tình thương tâm, một sớm cũng sẽ cởi áo cà sa trả lại cho chùa… mà thôi. Nhà Phật chỉ hãnh diện về những kẻ có sẵn bản chất tu hành, có sẵn cái Nguyễn Du gọi là thiện căn – chứ không hãnh diện về những người mượn chùa làm nơi quên những chuyện bại trận ngoài đời sống: những người ấy khi quên được rồi… lại sẽ ra… trận! Tôi đồng ý với chú Tâm Quán như vậy!

*


Và nhà chùa quả tình cũng chẳng hãnh diện gì về "hai linh hồn…" - Ngọc và Lan – "ẩn núp dưới bóng từ bi". Nhà văn Khái Hưng còn viết ở trang cuối, để câu nói vào miệng Ngọc: "Yêu là một luật chung của vạn vật, mà là bản tính của Phật giáo. Ta yêu nhau, ta yêu nhau trong linh hồn, trong lý tưởng, Phật giáo cũng chẳng cấm đoán ta yêu nhau như thế". Theo kẻ viết bài này, nói rằng yêu là luật chung của vạn vật, và là bản tính của Phật giáo… là nói đúng. Nhưng cái yêu đó là tình thương của Phật đối với chúng sinh, và là giấc mơ tình cảm chúng sinh đối với nhau… chứ không phải là tình yêu giữa trai gái – một thứ ái tình không biết rằng đó là ái tình của hai cái "giống" – amour qui s’ingore. Và theo tôi thì thứ yêu ấy, Phật giáo có… cấm đoán hẳn hoi! Vì nếu Ngọc cứ đạp xe đạp lên thăm Lan mãi – như hai người, Ngọc và Lan đã nói với nhau, hứa hẹn với nhau – thì rồi thế nào cũng "thế rồi một buổi chiều"… Một việc ở nơi tu hành – xin nói lại: ở nơi tu hành mà thôi – mà chú Tâm Quán không tán thành. Kể cả một kẻ không có tư cách gì để không tán thành, và vẫn không tán thành, là tôi.

*


Còn cái chuyện – mà có người gọi là vấn đề ái tình và tôn giáo trong Hồn bướm mơ tiên chỉ là truyện trà dư tửu hậu nói giữa hai ly rượu trắng thì được, nói một cách nghiêm trọng trong văn học sử thì quả tình là không… ổn! Một câu chuyện đã là dối (faux) rồi, thì vấn đề cho có đặt ra lẽ tự nhiên cũng chỉ là một vấn đề dối (faux problème).

1964
Nguồn: Lá Bối xuất bản lần thứ nhất, in tại nhà in Đăng Quang, 734a Phan Thanh Giản – Sài Gòn. Giấy phép số 481 TBTTCH/BC3/XB Sài Gòn ngày 22 tháng 2 năm 1967, ngoài những bản thường in thêm 100 bản đẹp dành riêng cho tác giả, nhà xuất bản và thân hữu. ThÆ° từ, liên lạc về Nxb xin gá»­i cho Từ Mẫn, bÆ°u Ä‘iện xin đề tên cô Cao Ngọc Thanh. Giá 120 đồng. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.