trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thể thao
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
31.5.2002
Kai Strittmatter
Mười một người chơi - 1,3 tỷ người thắng
Bora biến Trung quốc thành một quốc gia bóng đá
 
Tên hắn là Velibor Milutinovic, gọi tắt là Milu. Nhưng bạn chỉ cần gọi là Bora. “B-O-R-A!”. Chỉ thế, không có gì khác. Bora nói: “Tớ chả làm gì sất. Chả có gì là đặc biệt cả. Mà cái gì cũng đặc biệt. Giải thích thế nào bây giờ nhỉ? Tớ là thế đấy. Người ta nói: Thằng cha này không bình thường. Nhưng mà tớ là thế đấy. Bora.”

Người ta nói rằng, Bora là một kẻ lừa đảo, một tay làm trò, một thằng hề. Người ta lại nói, Bora là một nhà ảo thuật, một thầy thuốc, một vị thánh. Bora bảo: “Puta madre! (Mẹ kiếp!) Cà phê với cả cà pháo!”. Phía nam của mây mù, ở cái tỉnh Vân Nam tít tắp hẻo lánh, nhòm sang bên Burma được.

Bora, một tay lang thang. Bora, dân di-gan. Giầy hắn dính may mắn, bất kể hắn đi tới đâu. Năm 1994, khi hắn lại vừa làm cho người què biết đi, người mù biết nhìn, và một đám chú lùn bóng đá (lần này là người Mỹ) trở thành một bất ngờ trên sân cỏ, một cầu thủ của hắn đã nói: “Sẽ có lúc Bora huấn luyện mặt trăng, và mặt trăng sẽ tham dự World Cup”. Điều đó đã xẩy ra: Bora đã biến Trung quốc thành một quốc gia bóng đá.

1:0 với Oman!

Trung Quốc. Shenyang. Sân vận động “Sông năm dặm”. Vào ngày mùng 7 tháng 10 năm 2001, hồi 21 giờ 43 phút, thời gian ngừng trôi. Một huấn luyện viên tên là Milu mở tròn mắt kinh ngạc. Một hậu vệ mang tên Fan Zhiyi sụp xuống, nức nở không ra tiếng. Một hậu vệ khác, Li Weifeing, chạy lồng trên sân, gào lên như một chú lợn đang bị chọc tiết, như đang tắc thở, như đang đau đẻ. Một tiếng gào nguyên thủy. Một sự giải phóng. Ngày mùng 7 tháng 10 năm 2001, tại Shenyang, một quốc gia ra đời, một quốc gia bóng đá. Một-Không với Oman. Trung Quốc lọt vàoWorld Cup. 1: 0. Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên sau 44 năm kể từ khi những người Cộng sản bắt đầu tranh tài trên những sân vận động quốc tế. Lần đầu tiên sau bảy thập kỷ Trung Quốc là thành viên của FIFA.

Vì thế mà tay huấn luyện viên không nên lấy làm lạ khi hắn nhận được một sự tôn thờ gần như mang tính tôn giáo. “Milu đã dẫn chúng ta đến Miền đất hứa”, Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn xã quốc gia, ca ngợi bằng những lời có cánh vốn chỉ dành cho Mao Chủ tịch quá cố đáng kính. Nhân tiện cũng nói, Mao Chủ tịch là một nhà bơi lội, không phải cầu thủ bóng đá. Milu là Bora, Bora cũng là Milu. Trong tiếng Trung, Milu dễ phát âm hơn. Cái tay Milu này, tuy không phải một nhà bơi lội, nhưng cũng là một nhà cách mạng. Hắn nói: “Giá mà các anh gọi tôi từ 44 năm trước”.

Máy bay vừa hạ cánh ở Côn Minh. Trước khi xuống, Bora cúi chào, cười lấy lệ trước tràng vỗ tay của các hành khách. Và bây giờ, hắn ngồi trong chiếc xe Limousine đen, phóng qua những ruộng lúa để tới bãi tập.

Puta Madre!”. Lần này, chữ “Mẹ kiếp” vang lên có chiều nghĩ ngợi. Bora, người Serb, thường chửi bằng tiếng Tây Ban Nha, bởi từ 30 năm nay quê hắn là Mexico. Nếu như chữ “quê” còn có một ý nghĩa gì đối với hắn. “Puta Madre… Mẹ kiếp, 1,3 tỷ người!”. Hắn lắc đầu và thọi tôi một cái vào đùi. 500 triệu trong số 1,3 tỷ đó đã ngồi trước màn hình xem trận quyết định ở Shenyang. Và cùng với hắn nhẩy cẫng lên. Cảnh này đến Bora cũng chưa từng nếm mùi.

Cách đây mười mấy năm báo “Süddeutsche Zeitung” đã xác nhận, “những chuyện lang thang điên rồ” của Bora Milutinovic đủ dùng cho ba kiếp người gộp lại. Nay, mấy năm sau, Bora lập một kỷ lục thế giới: năm lần liên tiếp hắn tham gia World Cup – và mỗi lần hắn huấn luyện một nước khác nhau. Trước Trung Quốc là Mexico, Costa Rica, Mỹ và Nigeria. Sau mỗi World Cup hắn lại bị đuổi, nhưng điều đó còn mang lại cho hắn danh hiệu “một trong những con chim Địa đàng cuối cùng” (báo “Kicker”). Người Mexico treo lên ngực hắn “huân chương Đại bàng Aztec”, người Nigeria chửi với theo hắn là “huấn luyện viên tệ nhất trong các huấn luyện viên”.

Bora đã trải qua hết, nhưng một điều tương tự như Trung Quốc thì hắn cũng chưa gặp. “Costa Rica”, hắn nói, “có ba triệu dân”. Nhưng Trung Quốc và Costa Rica (1) giống nhau ở một điểm: cùng là nước chậm tiến trong bóng đá. Cùng là những cú tự sát. Cùng là những ca lý tưởng cho Bora!

Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với hắn. Là đỉnh cao của cuộc sống di-gan của hắn. Dân tộc lớn nhất thế giới. Phát minh ra bóng đá từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Ngay từ hồi đó quả bóng đã được làm bằng da (trang Web của FIFA viết vậy). Nhưng tới một lúc nào đấy những nhà phát minh này lại quên mất cách sử dụng bóng, và từ đấy làm cho cả quốc gia đau khổ.

Những sân vận động của Trung Quốc trở thành sân khấu của những sự sỉ nhục đau đớn. Nhưng lòng nhiệt thành của dân fan Trung Quốc không vì thế mà suy suyển, ngược lại, từ lòng đam mê nó lớn lên thành một bi kịch vĩ đại, một kẻ khổng lồ lúc thì lặng lẽ trầm uất, lúc thì quằn quại tan nát con tim. Mỗi giọt nước mắt rơi cho bóng đá là một giọt nước mắt đổ cho quốc gia. Người Trung thắng bóng bàn, bóng chuyền; họ giật huy chương vàng các môn bơi, nhảy và chạy. Nhưng dân chúng không thiết, dân chúng khóc than với những cầu thủ bóng đá của mình. Ở Bắc Kinh có một quán ăn bán món “Nước mắt Seoul”: chân vịt lạnh trộn mù tạt cay. Món này được đặt tên theo trận đại bại trước đối thủ khét tiếng Nam Triều Tiên. Ai quan sát fan Trung Quốc trong những trận đấu của đội tuyển quốc gia mấy năm vừa rồi, nhìn họ bấu chặt vào hàng rào, áp mặt vào lưới sắt, đầy vẻ sợ hãi và tuyệt vọng, chỉ thỉnh thoảng lóe lên một sự cầu khẩn cuối cùng, rồi lại chìm vào khốn cùng và giận dữ, hẳn phải liên tưởng tới một trại tị nạn nhiều hơn là một trận bóng. Cho tới ngày của Shenyang, khi đài truyền hình quốc gia Trung Quốc trang trọng tuyên bố: “Chúng ta đã tới đích! Bóng đá thật tuyệt vời!”

Lúc đó Bora lờ mờ hiểu rằng hắn đã thực sự thắng cuộc. Bora, tay bông lơn. Người viết tiểu sử và bạn gái thân nhất của hắn, Lily Li, nói: “Điều kỳ lạ là việc Bora đã sống sót ở Trung Quốc.”

Trung Quốc và Bora khác nhau như mặt trăng với mặt trời. Năm vừa rồi, có ai mà không giày xéo hắn, tấn công hắn, làm trò về hắn, khinh thường hắn: nào báo chí, nào cán bộ, nào fan, nào cầu thủ. Sau mấy lần đội tuyển lại bị làm nhục trong mấy trận giao hữu thì ai cũng nghĩ: bắt được quả tang tay ba hoa đây. Hắn được quyết định thuê vào phút chót. Năm ngoái, tình hình đối với hắn không sáng sủa chút nào. Mà hắn chỉ muốn dạy dân Trung Quốc một điều: “Happy soccer” – bóng đá vui vẻ.

Sự khác nhau một trời một vực giữa tay cầu thủ vui nhộn Mulutinovic và hành tinh bóng đá ảo não và buồn thảm mang tên Trung Quốc đã được thể hiện qua một cuộc họp báo, khi hắn bị một phóng viên phẫn nộ hỏi: “Ông cho rằng bóng đá là một trò chơi à?”

Chẳng là bóng đá ở Trung Quốc có một ý nghĩa đặc biệt: nó là một biểu tượng của một quốc gia đang đấu tranh để được công nhận, để có một chỗ đứng trên địa cầu. Do đó, mỗi cú chuyền sâu cũng trở thành một hành động yêu nước. Một cách miễn cưỡng, nó cũng là bức tranh của xã hội, với những bước tiến, những đổ vỡ, những nham nhở. Nơi mà phóng viên đang thử dân chủ và cạnh tranh, nơi fan “cà khịa” với cán bộ lãnh đạo, nơi tiền chảy như nước, mỗi người lừa mọi người và có tiền mua gì cũng được.

Bây giờ ta đi bơi!

Bora vẫn cười mỉm như lúc trước, và hỏi mọi người, ngoài hắn còn có ai có thể khoe 271 lần khoác áo quốc gia và bốn lần tham dự vòng chung kết giải vô địch thế giới không. Hắn tiếp tục cho các cầu thủ luyện tập bằng cách chơi bóng đá-quần vợt, bắt dậy sớm để chạy đường trường nhưng sau đó lại cho ra biển bơi. “Nhiều người nghĩ, tay này giỡn vói mình”, Peng Hongjun, một người làm phim tài liệu đã theo chân đội tuyển nửa năm, nhớ lại. Nhiều cầu thủ cũng không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. “Ông này xuất hiện, một mình một balô. Thế mà là một huấn luyện viên lớn à?”, ngôi sao tiền đạo Hao Haidong chỉ trích Bora giữa thanh thiên bạch nhật. “Ông ấy để cho chúng tôi chơi quần vợt một ít, chả có kế hoạch gì cả - thế là thế nào?”, Hao hỏi, và chỉ rõ sự đụng độ giữa hai cách nhìn. “Hãy cho chúng tôi vào khuôn khổ!”, Hao yêu cầu Bora. Nhiều người phản ứng theo lối cũ: tay này chắc chắn không hiểu được Trung Quốc, không hiểu được văn hóa lâu đời của chúng ta, tính cách của chúng ta… Người ta tiên đoán Bora sẽ thất bại, giống như số phận của những người nước ngoài khác. Họ nhớ lại những màn trình diễn buồn bã của tay người Đức Klaus Schlappner (1992-95), của huấn luyện viên người Anh (1988-99). “Nhiều người nước ngoài đến đây một cách đầy tự tin”, Lily Li nói, “và ra đi như một bóng ma”. Không cầu thủ nào đoán được rằng thực ra Bora hiểu họ còn rõ hơn chính bản thân họ, khi anh ta, trước những ống kính quay phim, đội chiếc mũ lưỡi trai giờ đây đã trở thàng nổi tiếng lên đầu. Trên mũ ghi dòng chữ: “Phong độ là tất cả”.

Hãy nhảy tuýt!

Bora Milutinovic là người Serb. Hắn rời quê hương năm 26 tuổi, làm hậu vệ đánh thuê dọc ngang châu Âu, và cuối cùng cập bến ở Mexico, cưới con gái một triệu phú và cho ra đời một cô con gái tuyệt xinh. Có lý thuyết nói rằng, phần lớn người ta tổ chức bản thân dựa theo cái thời kỳ đẹp nhất của họ. Bora có bộ tóc làm hắn trông như thành viên thứ năm bị lãng quên của Beatles.

Còn gây ấn tượng hơn cả bộ tóc là tài ngoại ngữ của hắn. Có người đã viết rằng Bora nói được khoảng nửa tá ngoại ngữ. Ấy là loại ngôn ngữ mà người ta hiểu được. Ngoài ra hắn còn nói dăm ba thứ tiếng nữa, loại mà chỉ mình hắn hiểu. Nhưng tiếng Trung không nằm trong danh sách của hắn. Điều này làm hắn bực mình. Việc trao đổi thông qua phiên dịch phiền phức, đôi khi làm mất những tích tắc quý báu trên sân cỏ. “Chúng có hiểu ta không nhỉ?”, Bora nhìn các cầu thủ và tự hỏi, rồi lại tự trả lời: “Chả biết nữa. Cốt là chúng chơi như là chúng hiểu ta muốn gì.” “Bóng đá vui vẻ” tiếng Trung nói thế nào? Rất đơn giản, cô viết tiểu sử Lily Li trả lời: đừng có lê trên sân như con trâu tha cái cầy thế! (câu này miêu tả tương đối chính xác tình trạng đội tuyển Trung Quốc trước thời Bora).

Tình hình trước thời Bora như thế này: “Chúng tôi kính nể, có thể nói là sợ những ông huấn luyện viên của đội.” Jiang Jin, tay thủ môn cao to, một trong những người hùng của vòng đấu loại, kể. “Họ sách vở và bảo thủ. Không khí rất nặng nề.” Ở Trung Quốc, khi huấn luyện viên lên tiếng thì tất cả các cầu thủ phải im như thóc. Cũng như phần lớn các cầu thủ khác, Jiang Jin được cán bộ tìm kiếm tài năng phát hiện ra vào năm cậu 12 tuổi, và được gửi vào học ở trường thể thao.

Ở đó tụi trẻ không được giữ cái gì, kể cả cái đầu. Chúng được rèn. Về mặt kỹ thuật và thể lực thì các cầu thủ Trung Quốc đã ngang bằng các đồng nghiệp châu Âu từ lâu. Nhưng trên sân cỏ, khi tình hình trở nên nghiêm trọng thì họ dúm dó lại, run sợ trước bóng, quên hết các cách phối hợp. Một thảm cảnh. Vậy mà bây giờ một người xuất hiện, tóc bay trong gió, chửi thề bằng tiếng Mexico, da nâu vì mặt trời phía Nam, và nói về “bóng đá vui vẻ”.

Thư giãn đi!

"Bọn tôi chẳng hiểu ông ấy ra làm sao cả", Jiang Jin nói. Mọi người đầu tiên còn thấy ghét Bora, vì tay huấn luyện viên này có cái lệ là đưa ra câu hỏi rồi sau đó nhìn trừng trừng đợi trả lời, làm mọi người phát khiếp. Họ cả đời chỉ quen lắng nghe, đùng một cái phải nghĩ ra câu trả lời. Cứ như vậy cả một năm trời. Sau đó thì mọi người mới "hiểu ra vấn đề", theo lời thủ môn Jiang.

"Lão", tên họ đặt cho Bora, đã đánh tan đi sức ép và sự căng thẳng ở họ. "Cứ thoải mái đi, rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy", Bora dạy. "Ông ấy làm chúng tôi tự tin hơn", hậu vệ Li Weifeng nói. Họ sớm nhận ra rằng gã hề rong thực tế là một người làm việc hết sức nghiêm khắc, nhiều lúc làm họ đến khó chịu vì cặp mắt cú vọ không bao giờ bỏ qua kể cả những lỗi lầm nhỏ nhất. Và cuối cùng thì Bora vẫn kịp biến họ thành một đội tuyển, một việc chắc chắn không phải là đơn giản. "Người Tàu có kiên nhẫn không?", Bora hỏi như muốn thách thức những quan niệm xưa cũ về người Tàu, "Có thật là họ có tinh thần cộng đồng không?"
Thường thì Bora nói tràn và không có một tí nội dung nào. Bây giờ Bora yên lặng và nói lên cả đống. Một người Tàu là một con rồng, mười người Tàu là một đàn rận, châm ngôn đã nói. Ai cũng vì mình, người này đè người kia. Có một bộ phim Hollywood, "Remember the Titans", mà Bora cho họ xem đi xem lại để nhồi được vào đầu họ rằng tuy không cần ôm nhau thắm thiết nhưng ít nhất phải biết tôn trọng nhau. "Chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn", thủ môn Jiang Jin nói, "Chúng tôi có ý kiến riêng và trao đổi với nhau. Chúng tôi bàn luận. Chúng tôi thấy vui và chơi tốt hơn". Hậu vệ Li Weifeng thậm chí phải thốt lên, "Milu không những đã thay đổi chúng tôi trong cách nhìn bóng đá, mà cả trong cách nhìn cuộc sống". Milu là bạn chứ không còn là một quản giáo nữa.

Thậm chí cả báo Nhân dân, tiếng nói của đảng, cũng đã có lời khen ngợi "Milutinovic đã hoàn thành công tác tư tưởng cho các cầu thủ một cách xuất sắc." Một lời tuyên dương cho trại cải huấn Bora.

Đó là một điều về bóng đá Tàu mà nhiều người chưa hiểu. Tức là quả bóng Tàu không chỉ phải tròn mà còn phải có tinh thần yêu nước nữa. Một vài dòng sau câu được trích ở trên, tờ báo nhân dân nọ tiếp, "Một quốc gia, một dân tộc mất tinh thần chiến đấu sẽ bị áp bức và huỷ diệt. Một đội bóng mất lòng gan dạ trong trận chiến sẽ bị loại trừ không thương tiếc." Không hiểu ai muốn đi thi đấu sau những bài giảng như vậy.

Nhà làm phim tài liệu Peng Hongjun cho rằng sở dĩ những cầu thủ Trung quốc phải chịu sức ép về mặt tư tưởng là vì 150 năm Trung quốc bị các đế quốc phương Tây bắt nạt.

Chỉ từ năm 1982, khi lần đầu tiên đài truyền hình trung ương phát từ đầu đến cuối một World Cup, Trung quốc mới thực sự biết đến bóng đá thế giới. "Người Tàu hồi ấy chỉ nhìn cái Cup là chính, sau đó mới nhìn đến quả bóng", Peng nhìn nhận.

Nhìn lại. Trước vòng loại. Trong phòng họp. Các cầu thủ đứng xếp hàng như những cậu học sinh cấp một. Đầu cúi, mặt mày thất sắc.Yan Shiduo, Phó chủ tịch Liên hiệp bóng đá Trung quốc, nêu rõ: "Đừng quên là các anh đại diện cho thanh danh đất nước, cho linh hồn của dân tộc!"

Yan nhìn một lượt các cầu thủ, nói tiếp, "Chưa bao giờ chúng ta vào được vòng chung kết..." Họ ngồi khép nép, tránh nhìn vào mắt vị cán bộ. "Tất cả các anh", ông gào lên, "tất cả các anh đều phải cảm thấy có lỗi! Các anh phải chịu trách nhiệm!" Nghỉ. "Các anh có muốn nhân dân phải khóc vì các anh một lần nữa không?" Thảo nào mà các cầu thủ Tàu sợ phát khiếp khi nhìn thấy bóng, một fan bóng đá từ tỉnh Jiangxi nói, vì họ chỉ sợ sẽ làm nhục nước nhà. "Bóng đá cần sự tự do, thoải mái, không bó buộc, những thứ người Tàu chúng tôi chưa bao giờ biết đến. Chỉ từ khi có Milu chúng tôi mới được học."

Nhìn kìa! Đẹp không!

Nhiều lúc không hiểu gì lại hay. Như hôm vị cán bộ đến thăm đội. Hay hôm đá với Cam-pu-chia, khi Trung quốc thắng 3:1 và Bora nghe thấy fan hô tên mình hàng nghìn lần. Cứ tưởng họ hô muôn năm tên mình, ngờ đâu lại là "Milu về vườn!" Họ muốn thắng đậm nữa. Không đọc được báo cũng là cái hay. Trước đây nửa năm thôi Bora bị nói không ra gì. Cả việc phỏng vấn Bora cũng không hề đơn giản.

Nhà báo: "Xin ông cho biết kế hoạch tập luyện ngày mai."
Bora: "Kế hoạch nào? Mai tập luyện đấy à? Không biết." Bora cười ngây ngô.

Hay hôm họp báo ở Maldives, (một nước cộng hoà nhỏ, nằm trên một nhóm những hòn đảo phía tây nam Ấn độ). Bora, "Nhìn trăng kìa! Nhìn vịnh kìa! Đẹp không!" Hết họp báo.

Ở Trung quốc có hơn 3000 phóng viên không viết về cái gì khác ngoài bóng đá. Sức cạnh tranh trong cái ngành vừa hỗn loạn vừa có tính kinh doanh cao này là khủng khiếp. "Đây là cái mảng cho phép người ta được tự do nhất", Lily Li nói. Các phóng viên muốn viết gì thì viết, các fan được dịp trút những uất ức trong lòng ra vào ngày cuối tuần. Tự do ở Trung quốc chỉ có trên sân cỏ. "Ai muốn phê bình chỉ trích gì cũng được," Li nói, "Liên hiệp bóng đá không phải là Chính phủ". Cuộc săn đuổi tin tức rất dữ dội, và Lily là nữ thần bảo vệ: Trước đây hai năm cô chỉ là một phóng viên bình thường không biết gì về bóng đá, giờ cô đã trở thành cố vấn của Bora.

Cuốn tiểu sử Milutinovic của cô đã bán được hơn 200.000 bản chỉ trong vòng hai tháng đầu. Nhan đề của cuốn sách được đặt một cách đầy hàm ý: Khoảng cách zero.

"Nhẽ ra tôi phải giết cô ấy rồi", Bora nói và chỉ vào trang bìa cuốn sách: Bora và Lyli trên một bãi biển không người. Cười: "con bé khôn!" Nàng giúp chàng đi qua khu rừng quan hệ Trung quốc, chàng trả ơn nàng bằng những mẩu tin đắt khách. Huấn luyện viên khôn!
Lily Li là người duy nhất có được những thông tin mật. Điều đó làm các phóng viên khác phát điên. Nhiều nhà xuất bản tuyệt vọng đã phải (bắt chước) dùng phương pháp tán tỉnh, cho những cô fan trẻ đẹp ăn mặc hở hang đến uốn éo đụng chạm, dở cả tiếng Anh lẫn tiếng Serb. Nhưng không ăn thua. Bora có thể làm đủ trò trước fan và báo chí, nhưng không bao giờ nói gì về mình cả. Không bao giờ. Hắn đưa tôi đi đây đi kia bằng xe riêng, làm sa-lát dưa chuột kiểu Nam tư cho tôi ăn ở giữa một quán ăn Quảng đông, đánh bại tôi trong trò bowling (bằng sức nhiều hơn là kỹ thuật), tán phét hàng giờ với tôi - thế mà sau một tuần trong khu tập luyện, khi một phóng viên đói tin hỏi tôi Bora có nói gì hay ho không, thì tôi cũng chẳng có gì để kể cả. Không một cái gì. "Một con cáo", một đồng nghiệp Thượng hải nhận xét về hắn, "một con rắn", là lời tay nhiếp ảnh của tôi. Kể cả Lily, người hắn thân cận nhất, cũng nói, "Càng biết rõ hắn thì càng ít hiểu hắn. Hắn không muốn ai hiểu mình. Đầu tiên tôi nghĩ đó là kiêu ngạo, nhưng hắn quả thực là một con người rất tốt. Hắn làm mọi thứ cho người khác".

Những người xung quanh Bora không chỉ biết ơn hắn vì đã làm họ vui hơn. Vui chắc chưa thể đủ cho họ trong cái nước Trung quốc mới này, nơi cái liên hiệp bóng đá chuyên nghiệp tám năm tuổi giờ có tên là liên hiệp Pepsi, nơi Red Bull quảng cáo cạnh Bank of China, và nơi trọng tài kín đáo nhận phong bì.

Thủ môn Jiang Jin bây giờ quảng cáo cho thuốc trị gan, hậu vệ Li Weifeng hy vọng kiếm được một chân tại châu Âu, và Lily Li, nữ nhà văn độc quyền Bora, vừa chuyển sang làm cho một tờ báo khác với số tiền khoảng 200.000 euro. Và đấy mới chỉ là bắt đầu.

Ngôi sao lớn nhất ở đây vẫn là Bora, người giơ bím tóc của mình ra, quảng cáo cho cả rượu lẫn máy DVD và máy điều hoà nhiệt độ. Ngày 14 tháng 5, một bức tượng to hơn người được khánh thành tại Shenyang, nơi chiến thắng: một Bora đang cười ngượng nghịu, trên trái tim có một lá cờ Trung quốc, tất cả đều bằng đồng.

Sướng thật!

Cũng như đã từng diễn ra trong lịch sử, ngày nay những con tin đốt hương dưới chân tượng Mao trạch Đông để cầu mau khỏi bệnh hoặc được ban một đứa con trai. "Puta Madre...", Bora nói, "Mẹ kiếp! Sướng thật. Thật là 1 tỷ ba lần sướng!" Hắn lại được tham gia World Cup. Trung quốc sẽ đá với Brasil. Trung quốc sẽ ăn đủ đòn (2). Sau đó Milu sẽ lại bị đuổi việc (3). Hoặc hắn sẽ tự bỏ đi. "Đời ngắn lắm", Bora nói, "tôi thích lang thang." Sắp tới sẽ là đâu, thầy phù thuỷ, vị cứu tinh: Về trang trại ngựa với vợ con?
"Hừm", Bora nhún vai. Hay một chân mới. Trong bóng đá không thiếu gì kẻ yếu, kẻ nghèo và kẻ thiếu. Một lần nữa Bora không nói gì mà vẫn đưa ra được một câu hay. Hắn, Bora, chỉ tránh duy nhất một nơi: "Địa ngục." Hắn nói với giọng của một kẻ biết mình đang ở trên thiên đường.
Trong tàu điện ngầm Bắc Kinh có treo biển hiệu mới: "Mười một người chơi, 1,3 tỷ người thắng." Một tỷ ba cộng một. Mẹ kiếp! Puta Madre!

Süddeutsche Zeitung

Bản dịch, tựa và chú thích của Talawas


1) Ngày 04.06.2002, Trung Quốc thua Costa Rica 0:2. Bora bình luận: “Cốt là chơi cho quen thôi mà!”
2) Ngày 08.06.2002, Trung Quốc thua Brazil 0:4. Bora bình luận: “Được đấu với Brazil là phúc lắm rồi!”
3) Nếu bị Trung Quốc đuổi việc, Bora nên tình nguyện sang huấn luyện cho đội tuyển Việt Nam: một cú tự sát mới, một ca lí tưởng mới.