trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
28.7.2008
Trần Văn Tích
“Quốc tộ“, bản tuyên cáo chủ hoà của dân tộc
 
Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh ghi ở chữ quốc một trăm ba mươi sáu mục từ nhưng không có mục từ quốc tộ. Việt Nam Tự điển Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ ghi ở chữ quốc một trăm hai mươi tám mục từ nhưng cũng không có mục từ quốc tộ. Hai chữ quốc tộ xuất hiện trong một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt của thiền sư Đỗ Pháp Thuận.

Đỗ Pháp Thuận sống vào thời Lê Đại Hành, không rõ tên thật và quê quán, là một nhà sư thuộc thế hệ thứ mười dòng thiền Nam phương do Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, một thiền sư người Thiên Trúc đến nước ta năm 580 lập ra. Nhờ kiến thức uyên bác và có biệt tài văn chương nên ông rất nổi tiếng. Ông tích cực tham gia khuông phò nhà Tiền Lê, do đó được vua Lê Đại Hành phong đến chức Pháp sư. Cùng với nhà sư Khuông Việt, ông từng giữ những công việc cố vấn tối cao dưới triều Tiền Lê và có lần được cử đón tiếp sứ giả nhà Tống là Lý Giác. Thiền sư mất năm Canh Dần niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990), thọ bảy mươi sáu tuổi. Tác phẩm duy nhất còn truyền lại hậu thế là một bài thơ trả lời Lê Đại Hành hỏi về vận nước. Bài thơ được ghi trong Thiền uyển tập anh như sau:

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

(Vận nước như dây leo quấn,
Trời Nam mở cảnh thái bình.
Vô vi nơi cung điện,
Khắp nơi hết đao binh.)


Thiền sư thi sĩ

Trong dòng văn học dân tộc, giới thiền sư thi sĩ Lý Trần tạo thành một mẫu người rất giàu cá tính chỉ xuất hiện vào một giai đoạn nhất định bên cạnh mẫu người nho gia thi sĩ hiện diện trên suốt chiều dài lịch sử văn học chữ Hán. Hai mẫu nhân vật khác nhau. Nếu nhà nho có thiên hướng du lãng, phiêu bạc vì thuyên chuyển, hoán bổ, có khi vì biếm trích, lưu đày thì thiên hướng nhà thiền là có định sở. Sau những tháng năm niên thiếu hành hương tầm đạo, thiền sư thường chọn cho mình một sơn phòng, một tự viện, một cảnh chùa, một am mây. Thậm chí có trường hợp thiền sư gắn bó cùng một ngọn núi và dùng luôn tên núi làm pháp hiệu. Nhưng hành giả vẫn hằng tiếp xúc với nho gia, đôi khi đấng chân tu đi tìm người học thức, hoặc ngược lại và thường tình hơn, môn sinh cửa Khổng đến cùng đệ tử cửa thiền. Vả lại trong cùng một con người nhưng ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời trần thế, hoạn lộ có thể được khổ tu nối tiếp.

Về thể loại sáng tác, thiền sư thiện dụng một hình thức thi ca hoàn toàn xa lạ với giới nho sĩ, đó là kệ. Chỉ có văn học Phật giáo mới có kệ. Thông thường đây là những bài thơ tóm tắt tư tưởng của bài thuyết pháp nhằm mục đích giáo dục đệ tử. Kệ có khi còn được gọi là thi kệ, kệ biệt, kệ tụng, kệ tha, già đà. Độ dài ngắn của kệ không nhất định. Có bài rất ngắn, giống một câu tục ngữ, chẳng hạn câu kệ của sư Huệ Năng: "Hạ hạ nhân hữu thượng thượng trí". Rất nhiều bài kệ mang hình thức thơ tuyệt cú, hoặc ngũ ngôn tuyệt cú như bài Hữu không của thiền sư Từ Đạo Hạnh hoặc thất ngôn tuyệt cú như bài "Thị đệ tử" của thiền sư Vạn Hạnh. Lại có bài kệ dài như bài "Chư Phật tâm ấn" của thiền sư Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi dài ba mươi mốt dòng hay bài "Bồ tát từ bi mặc nghi lự" trong Trì thế vấn tật (Đôn Hoàng linh thập) gồm đến bốn mươi tám dòng. Số chữ trong mỗi dòng thường là bốn, năm, sáu hay bảy chữ.

Về chức năng, kệ thường dùng để ngâm tụng sau đoạn giảng kinh. Thể văn luận thuyết tôn giáo tiếp thu cả thi, biền văn tản văn nhưng lại mang những đặc trưng riêng biệt. Ở đây, vừa có tự sự vừa có triết lý, vừa trình bày giảng giải vừa cảm xúc trữ tình. Và thông thường, cuối mỗi đoạn luận thuyết, tác giả đóng lại bằng mấy câu kệ nêu bật những ý lớn, để người nghe dễ thuộc lòng. Nhà thơ sáng tác kệ tránh né luận chứng trực tiếp vào giáo lý, mà sử dụng những hình tượng ngẫu nhiên, đột ngột nhằm kích thích trực giác của người tu hành hay kẻ tầm đạo. Thông qua những câu thơ bóng bẩy, gợi cảm, bậc chân tu bàn bạc về những vấn đề giáo lý rất khô khan như cái thể, cái dụng, cái chân, cái vọng, Niết bàn, Bồ tát hoặc những điểm khác nhau giữa Phật và Thánh, quan hệ giữa Phật và chúng sinh, cũng như phương pháp tu hành để đạt đến chính giác v.v... Thiền sư thi sĩ sáng tác theo tuyệt cú, qua thi pháp và thể loại, khiến liên hội đến quyết tâm chống đối thời gian tàn nhẫn qua đi mà không bao giờ trở lại, khi nhất định khắc ghi cho kỳ được một chớp mắt tâm tình, một sát-na tâm cảnh. Tuyệt cú ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ, cô đọng, đậm đặc, bão hòa rất phù hợp với chủ đích ghi lại một cách nhanh chóng nhất giây phút đốn ngộ, thời điểm xuất thần của nhà tu hành. Tuyệt cú chứa đựng những năng lượng trí tuệ tích tụ đến độ căng thẳng, có tác dụng to lớn nhằm khai ngộ cho những tâm hồn khao khát chân lý Phật giáo. Tất nhiên ngôn ngữ thi ca nói chung là hình thái ngôn ngữ đậm đặc, ngữ khí thi ca nói chung vốn có thể cách ngữ khí nén ép. Và chẳng phải chỉ riêng tuyệt cú hay kệ mới có lời chật nhưng ý rộng, lời gần mà ý xa, lời cạn tải ý sâu. Tuy nhiên do độ dày của nó, do tỷ trọng của nó, do nồng độ của nó nên tuyệt cú và kệ bắt buộc phải hàm súc mà hiển lộ, chỉ nói lên cái tối thiểu để diễn tả cái tối đa. Đặc quánh về từ vựng, đàn hồi về ngữ nghĩa, đó là kệ. Kệ tiết chế âm tiết đến cực điểm; nó kín đáo, thâm trầm, ít nói, kiệm lời. Nó là nghệ thuật lược văn, lược từ tinh luyện nhưng nó cũng là nghệ thuật gợi ý, dẫn khởi siêu đẳng. Cảnh và tình được nó trình bày là cảnh và tình dành cho cả người làm thơ lẫn người đọc thơ. Mối tương tác tác giả-độc giả sâu sắc và gần gũi đến nỗi chỉ cần một vài chữ sàng đãi kỹ lưỡng, hai ba dòng phẩm bình chính xác là đủ để gây hoà đồng, để tạo tiếng dội, để đạt hồi âm, để phát sóng đồng cảm, tất cả trong một tâm trạng sẵn sàng rung động dây đàn cùng điệu của người thưởng ngoạn. Nghệ thuật kệ nương tựa vào bí quyết kích thích trí tưởng tượng của hồn thơ mẫn cảm và hoà hợp. Kệ vận dụng hình thức tuyệt cú là hình thức ngôn ngữ đặc thù để nói lên, trong một tích tắc và vào một đỉnh điểm, tư tưởng Thích giáo hay thiền học. Do đó tuyệt cú là thể thơ tâm đắc của kệ.


Bài kệ "Quốc tộ"

Chữ tộ khi đứng riêng có thể mang hàm nghĩa ngai vàng của vua, và danh từ kép đế tộ là chỉ ngai vua, ngôi vua. Theo Hán ngữ đại từ điển thì quốc tộ đồng nghĩa với quốc vận. Từ điển Hán-Việt Đào Duy Anh cũng giảng – nơi mục từ tộ – rằng quốc tộ là vận may của quốc gia. Mathew’s Chinese-English Dictionary định nghĩa : “quốc tộ or niên tộ: the prosperity of the State. Couvreur trong Dictionnaire classique de la langue chinoise dài dòng hơn: tộ là “bonheur accordé à l’homme juste en récompense de ses vertus, prospérité, richesses, apanage, dignité. Thiên tộ minh đức (Tả truyện, Tuyên công tam niên) Le Ciel récompense les vertus éclatantes.” Trong Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô), vua Lý Thái Tổ cũng vận dụng khái niệm quốc tộ: Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ (Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh).

Quốc sư Pháp Thuận đề cập đến quốc tộ nhân dịp hoàng đế tham khảo ý kiến cố vấn chính trị về đối nội và đối ngoại. Nhưng vị cố vấn vốn không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp mà là một thiền sư thi sĩ. Người vừa phải khuyên bảo đệ tử lại vừa phải chỉ dẫn quốc trưởng. Tất nhiên một mặt Người sẽ vận dụng tư tưởng thiền lâm nhưng mặt khác, Người cũng sẽ trình bày quan điểm nho sĩ. Bởi vì vào thời đại đó, giới cao tăng đồng thời cũng là những đại nho. Hơn nữa, trong một số trường hợp chẳng phải là hiếm hoi, sáng tác vận văn của họ mang tính cách sấm thi, sấm ngữ; mà riêng một mình thiền sư Vạn Hạnh đã có ít nhất hai bài nhưng ở đây chỉ xin đan cử một bài làm bằng:

Tật lê trầm Bắc thủy,
Lý tử thụ Nam thiên.
Tứ phương qua can tĩnh,
Bát biểu hạ bình yên.

(Cây tật lê chìm xuống biển Bắc,
Cây mận mọc lên ở trời Nam.
Bốn phương dẹp yên binh lửa,
Tám cõi mừng cảnh thái bình)

trong đó hai câu đầu ám chỉ nhà Tiền Lê sắp suy vong và triều Lý sắp khởi đầu.


Quốc tộ như đằng lạc

Bài kệ khởi đầu bằng một nhận định cụ thể: việc nước phức tạp rối rắm như dây leo quấn quít. Đó là cung cách khai ngộ phổ thông của nhà thiền, dùng một hình tượng hữu hình để chuyển sang vô hình, dùng sắc nhằm nói đến không. Vận nước hay vận nhà, vận thế giới hay vận quốc gia, vận tập thể hay vận cá nhân, vận lớn hay vận nhỏ, đều có chung một hình thức cấu tạo, một cung cách kiến trúc, một chính thể bố trí. Nhà Phật cho rằng đó là một chuỗi dài nhiều mắt xích trùng trùng duyên khởi không thể kể hết, khi đạt điều kiện thông biến thì hiện thể được khai sinh.


Nam thiên lý thái bình

Dẫu rằng vận nước đa đoan rắc rối nhưng sẽ có cơ may dựng được cảnh thái bình. Tính chất sấm ký bắt đầu xuất hiện. Mang sắc thái chính luận bàn về những vấn đề xã hội chính trị hiện hành của đất nước nhưng câu thơ hướng về vị lai, nó thấy trước cảnh Vạn Xuân. Thiền sư có cái nhìn viễn kiến rằng giang sơn sẽ bền vững, sẽ sống cảnh thái bình muôn thuở. Phải chăng đây là sự xác nhận quốc gia Việt Nam sẽ thoát cảnh Bắc thuộc ngàn năm; với những triều đại tự chủ Lê, Lý, Trần, Lê; với lời thơ của vua Trần Thánh Tông Sơn hà thiên cổ điện kim âu?


Vô vi cư điện các

Đây là câu thơ quan trọng nhất của toàn bài kệ. Vị cố vấn chính trị nói rõ sách lược nội trị và ngoại giao mà nhà vua nên theo qua một lối trình bày giản dị mà thâm thúy: “Vận nước sẽ dài lâu bền vững khi hoàng đế bảo vệ được nền hoà bình qua phương sách vô vi.“ Hai chữ vô vi nhãn tự của toàn bài kệ; một mặt chúng đúc kết chủ trương đường lối; mặt khác, chúng trình bày chính kiến của thiền sư nho sĩ đạo gia. Trong phép luyện chữ của cổ nhân và khi thẩm thơ, bình thơ, giới thưởng ngoạn thường chú ý tìm nhãn tự. Nhãn tự có khi được gọi là thi nhãn, chữ mắt. Trong một câu thơ hay một bài thơ, nhãn tự là từ thể hiện cái thần, cái ý của câu thơ, bài thơ. Nó tạo sự chú ý, nó long lanh sống động, nó vượt lên chói sáng. Nó là đích hội tụ của thi trường. Nó là tiêu điểm của lăng kính thi ca. Yếu tố trọng điểm nhãn tự thường gặp trong mọi thể thơ: trữ tình, miêu tả, trần thuật, chính luận. Nó qui kết những hình ảnh tiêu biểu, nó mang ý nghĩa khái quát cao; nó biểu hiện một cách nổi bật và trực tiếp các phương diện cơ bản trong cảm hứng chủ đạo của thi sĩ, trong nội dung thuyết giảng của thiền sư. Trong hàng loạt hình ảnh đẹp đẽ, chân thực, giàu xúc động của toàn bài thơ, cái hồn của bài thơ tuy bàng bạc khắp trên những dòng chữ nhưng có khi cái hồn đó kết tinh lại vào một chữ giữ vị trí then chốt, mang chức năng tim óc, tải ý nghĩa tổng hợp, tạo thành điểm hội tụ tư tưởng sâu xa của thi phẩm. Vô vi mang nội hàm ngữ nghĩa uyên áo. Trước hết, đó là một thuật ngữ của Lão Tử, nhằm trình bày một phong cách sinh sống, một thái độ hành động thuận theo lẽ tự nhiên, không chịu để khuôn phép nhân tạo, tập quán nhân vi ràng buộc, gò bó; làm mất bản chất của mình. Nhà nho tiếp thu khái niệm này và sử dụng nó rộng rãi, theo chủ trương cụ thể vô vi nhi trị của sách Luận ngữ, thiên Vệ Linh Công; yếu tính của đường lối này là không bày đặt, không nhiễu sự. Nhưng Đỗ Pháp Thuận trước hết là một Pháp sư, một Quốc sư. Cho nên vô vi của câu kệ cũng là vô vi pháp của Phật giáo. Phật học chia thế giới ra hữu vi pháp vô vi pháp. Hữu vi pháp chỉ thế giới hiện tượng có sinh diệt và chuyển biến; vô vi pháp chỉ cảnh giới yên tĩnh, không sinh diệt và không chuyển biến. Vô vi theo Thích giáo chỉ sự tùy thuận tự nhiên, không dụng tâm tạo tác, đối lập với hữu vi. Cũng có khi vô vi pháp là thuật ngữ tổng hợp của sách Phật nhằm chỉ từ bi, bác ái, vị tha. Với tư thế và vị thế một thiền sư thâm nho đạo nhân cố vấn chính sự, Pháp Thuận đã thể hiện một cách thanh nhã và tế nhị quan niệm tam giáo đồng hành trong lời thơ. Vô vi là thiên nhân hợp nhất, dùng đức để trị, khiến dân hoá theo; không cần đến chính sự phiền hà và hình pháp nghiêm ngặt. Tóm gọn lại, vô vi thể hiện phương châm đức trị thay vì pháp trị; nhà sư khuyên vua hãy lấy đức mà trị nước để được hoà bình lâu dài. Thiền sư Chân Không cũng sẽ vận dụng hai lần hai chữ vô vi trong một bài kệ:

Nhân nhân tận thức vô vi lạc,
Nhược đắc vô vi thủy thị gia.

(Mọi người đều thấu hiểu vô vi là vui,
Nếu được vô vi mới coi đấy là nhà).


Xứ xứ tức đao binh

Nguyện ước của đại sư là muốn thấy được, mong đạt đến một quốc gia thanh bình, yên vui, thịnh trị, không bạo lực, không chiến tranh với một bậc lãnh đạo tài ba lỗi lạc biết lấy đức hoá dân. Đất nước không còn can qua đã đành mà đối với lân bang cũng sống chung hoà bình không gây hấn. Đường lối đó sẽ là kim chỉ nam cho thời kỳ độc lập tự chủ của nước Việt Nam, kéo dài hằng ngàn năm, cho dẫu triều đại có thể thay đổi. Tất nhiên trong thực tế lịch sử, để mệnh nước trường tồn đôi khi đã phải dùng đến vũ lực. Dầu sao đó chỉ là chuyện bất đắc dĩ, trong thâm tâm, bậc cai trị dân vẫn tâm niệm ba chữ kiến thái bình và khi phải huy động quân đội thì các hoàng đế đã có cùng tâm trạng với vua Lý Thái Tổ năm Nhâm tý 1012 khi thân chinh đi đánh châu Diễn “không dám cậy quân mạnh mà đi đánh dẹp càn bậy". Lời kệ đáp câu hỏi của vua trở thành một tuyên ngôn chủ hoà của dân tộc. Nó nói lên bản chất hiếu hoà của nòi giống chúng ta.


Chủ nghĩa cộng sản phản lại bản chất hiếu hoà của dân tộc

Cùng với Việt Nam, hàng loạt các quốc gia khác từng bị nước ngoài xâm lăng đô hộ. Nhưng trong khi tất cả đều lần lượt được trả lại độc lập mà không phải chịu cảnh hàng triệu triệu người dân chết chóc thảm khốc thì những người cộng sản Việt Nam, mà đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã mù quáng theo chủ nghĩa Mác-Lê để tiến hành hết “chiến tranh giải phóng" đến “chiến tranh chống Mỹ", hết “chiến tranh chống bá quyền" đến “chiến tranh chống diệt chủng". Ngược lại, giới lãnh đạo Đức quốc trong quá khứ và Hàn quốc trong hiện tại, dẫu không có bài kệ quốc tộ nào, vẫn biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên ý thức hệ chính trị để mưu tìm lời giải hoà bình cho bài toán đất nước phân chia.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng chủ trương rằng quá trình phát sinh và phát triển của xã hội – được mô tả là có giai cấp – nhất định phải sinh ra chiến tranh, tức là những cuộc đấu tranh vũ trang và có tổ chức giữa các giai cấp hoặc giữa các nhà nước, nhằm vào những mục tiêu kinh tế và chính trị nhất định. Người cộng sản xem chiến tranh, tự bản chất, là sự tiếp tục thực hiện chính sách của một giai cấp, bằng những thủ đoạn và phương tiện bạo lực. Người mác-xít công khai cổ xúy chiến tranh qua sự tôn vinh hình thái chiến tranh mệnh danh chính nghĩa. Chiến tranh chính nghĩa, theo họ, mang tính chất giải phóng với mục đích hoặc bảo vệ nhân dân chống xâm lược chống nô dịch, hoặc giải thoát nhân dân khỏi đời sống nô lệ cho tư bản hay giải phóng các nước thuộc địa khỏi gông cùm đế quốc. Họ khoác cho các cuộc chiến tranh do họ gây nên chiêu bài chiến tranh cách mạng. Chiến tranh đó tiêu diệt những chế độ cũ lỗi thời phản động đang ngăn cản sự phát triển tự do và kềm hãm sự tiến bộ của các dân tộc. Chiến tranh chính nghĩa giúp cho xã hội tiến bộ. Mao Trạch Đông phân biệt đường lối của đảng cộng sản hướng vào việc phát động chiến tranh nhân dân và đường lối của quốc dân đảng tiến hành chiến tranh phản lại nhân dân! Thậm chí cho đến hôm nay, khi chủ nghĩa cộng sản đã bị phế thải, cộng sản Trung Hoa vẫn còn có đủ can đảm nói đến chiến tranh nhân dân khi dùng vũ lực và bạo lực trấn áp người dân Tây Tạng đòi tự trị!

Tổ tiên chúng ta luôn luôn hiếu hoà, và điều này rõ nhất qua văn chương thơ phú. Truyện Kiều tuy là một tiểu thuyết xã hội, cũng mở đầu bằng cảnh tượng thái bình: Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng. Chinh phụ ngâm hân hoan ghi nhận Nước thanh bình ba trăm năm cũ. Bích câu kỳ ngộ vẽ lên cảnh tượng Triều Lê đang hội thái hoà. Truyện Trinh thử lấy bối cảnh dựng truyện Muôn phương triều cống mười phân thái bình. Kết cục truyện thơ Phạm Công Cúc Hoa là tình tiết Vua nhường ngôi báu trị yên dân trời. Và ngay bậc Thượng tướng như Trần Quang Khải cũng quan niệm Thái bình tu nỗ lực, Vạn cổ thử giang san (Thái bình nên gắng sức, Non nước ấy nghìn thu). Thi ca cổ không có nhiều bài thơ vịnh chiến, đốc chiến, chủ chiến. Bởi chịu ảnh hưởng tam giáo, dân tộc Việt Nam vốn hoà tính. Tư tưởng hoà bình bao trùm mọi lãnh vực sinh hoạt, tư duy của chúng ta. Phật giáo đương nhiên là một tôn giáo hoà hiếu, qua chủ trương xuất thế, cấm sát sanh. Lão giáo đề xướng Đạo vốn bất biến nhưng lại là động lực biến hoá của vạn vật mà không cần hoạt động (vô vi), như vậy không thể chủ chiến. Còn Khổng Tử thì nhận rằng chiến tranh là một trong ba vấn đề khiến mình phải rất quan tâm: Tử chi sở thận: trai, chiến, tật nghĩa là Đức Khổng Tử rất cẩn thận trong việc trai giới, chiến trận và bệnh tật. Cho nên yêu chuộng hoà bình là thuộc tính của nòi giống chúng ta. Quần chúng Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử, là một tập thể chiến sĩ, nhưng là một tập thể chiến sĩ hoà bình. Những kẻ phá hoại hoà bình, những kẻ gieo rắc, truyền bá, thậm chí khai thác, đề cao, cổ vũ bạo lực và/hoặc chiến tranh chính là những đồ đệ của chủ nghĩa cộng sản.

Bài kệ "Quốc tộ" là một bản án kết tội những lãnh tụ cộng sản người Việt sát nhân, khát máu, hiếu chiến, mà vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế cách đây bốn mươi năm gây tử vong lưu huyết cho hàng vạn đồng bào đồng hương chỉ là một trong rất nhiều bằng chứng lịch sử.

Westpreussenstr., 08.07.08

© 2008 talawas