trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
26.8.2008
Bernard-Henri Lévy
Mắt thấy tai nghe trong cuộc chiến ở Gruzia
Phạm Toàn dịch
 
Ảnh REUTERS © Denis Sinyakov / Reuters Lính Nga đi ngang thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia.

1. Điều đầu tiên đập vào mắt khi ra khỏi thủ đô Tbilissi, đó là không thấy một chút bóng dáng quân đội nào, khiến ta thêm cảm giác lo lắng. Tôi đọc bản tin, được biết rằng quân đội Gruzia tháo chạy khỏi Ossetia sau đó bị đánh tan tác ở Gori đã co cụm về để bảo vệ thủ đô. Thế mà lúc này tôi đang tới ngoại vi thủ đô đây. Tôi đã đi được chừng bốn chục cây số trên cái xa lộ cắt ngang đất nước theo hướng đông tây. Vậy mà chẳng hề thấy dấu vết gì của cái quân đội được nói là đã co cụm lại để chống lại cuộc xâm lăng. Chỗ này, chẳng thấy một điếm canh của cảnh sát. Xa hơn một chút có một nhóm binh sĩ mặc quân phục quá mới. Nhưng không thấy một đơn vị nào ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Không có một khẩu cao xạ phòng không. Cũng không thấy cái cảnh chướng ngại vật chỏng chơ và đường đào chữ chi để ngăn bước quân thù như vẫn thấy ở tất cả các thành phố bị vây trên thế giới. Trong khi xe chúng tôi đang bon bon, một tin ngắn báo xe tăng Nga đang tiến về phía thủ đô. Tin được các đài phát thanh truyền đi và rồi lại được nói ngược lại đã tạo ra một cảnh hỗn loạn không biết gọi tên là gì cho đúng, khiến cho mấy cái ô tô đang liều lĩnh đi ra ngoài thành phố cũng phải quay lui. Và điều lạ lùng là chính quyền cũng chẳng biết làm cách gì cho khỏi hỗn độn.

Phải chăng quân đội Gruzia có ở đó nhưng nấp kín? Nó sẵn sàng xông ra, nhưng vẫn đang còn vô hình? Phải chăng chúng tôi đang được chứng kiến một cuộc chiến tranh, giống như những cuộc chiến có từ bao đời ở châu Phi, với cái mưu mẹo tác chiến cao nhất là càng xuất hiện ít càng tốt? Hay là ông Tổng thống Saakashvili đã chọn cách không-chiến-đấu – tựa hồ như để đặt người châu Âu chúng ta vào cái thế phải chịu trách nhiệm trước các chọn lựa của mình ("Các vị vẫn nói rằng các vị là bạn của chúng tôi chứ gì? Cả trăm ngàn lần các vị nói rằng với những thiết chế dân chủ của chúng tôi, với ước nguyện chúng tôi gia nhập châu Âu, và với cái chính phủ của chúng tôi – sự kiện hi hữu trong biên niên sử – có một ông Thủ tướng người Gruzia pha Anh, có những Bộ trưởng người Gruzia pha Mỹ, có một Bộ trưởng Quốc phòng người Gruzia pha Israel, đó là cái chính phủ xếp hạng một của phương Tây, đúng vậy không? Nào bây giờ là cơ hội duy nhất để các vị chứng minh điều mình vẫn nghĩ")? Chẳng biết có phải vậy không. Nhưng chuyện có thật đầu tiên chúng tôi bắt gặp là một sự hiện diện quân sự đáng nể đang đi ngược chiều với chúng tôi, một đoàn xe vận tải quân sự Nga, chừng trăm xe là ít, đang bình tĩnh nạp xăng và đi tiếp về hướng thủ đô Tbilissi. Rồi, cách thủ đô bốn chục cây số, ngang thành phố Okami, thì thấy một tiểu đoàn, cũng vẫn là lính Nga như lúc nãy, được một đơn vị xe bọc thép yểm hộ, đang làm nhiệm vụ ngăn cản các nhà báo đi về một hướng này và ngăn cản các người tị nạn đi về một hướng ngược lại.

Một trong những người tị nạn, một bác nông dân bị thương ở trán, người vẫn còn bàng hoàng chưa hết sợ, kể cho tôi những chuyện xảy ra ở làng ông tại Ossetia, nơi ông đã trốn thoát và đi bộ ba ngày để tới được địa điểm này. Người Nga đã tới. Theo sau họ là bầy đoàn người Ossetia và cô-dắc, bọn họ cướp, hiếp và giết. Cũng như đã diễn ra ở Tchetchenia, bọn này tập trung thanh niên lại rồi đưa lên xe tải dẫn tới những nơi không ai biết là đâu. Họ giết những người cha trước mặt các con. Giết các con trước mặt những người cha. Trong gian hầm một ngôi nhà, họ chất bình ga vào để cho nổ tung, họ đã bắt gặp một gia đình trốn dưới đó, họ đã vơ vét sạch những gì những người này định giấu giếm, sau đó họ bắt những người lớn tuổi quỳ gối và cho một phát đạn vào đầu. Viên sĩ quan Nga chỉ huy trạm kiểm soát đứng đó có nghe thấy những lời kể. Nhưng anh ta mặc kệ. Rõ ràng anh ta đã uống say mèm, và anh ta bất cần biết mọi thứ. Với anh ta, chiến tranh đã chấm dứt rồi. Không mảnh giấy rẻ rách nào – ngừng bắn, thỏa thuận năm điểm hay sáu điểm – lại có thể làm thay đổi được cái chiến thắng của anh. Còn cái thằng cha tị nạn nhẵn nhụi kia muốn kể chuyện gì thì mặc mẹ nó.


2. Gần tới thành phố Gori thì tình hình khác đi và chợt căng thẳng lên hẳn. Bên vệ đường, có những chiếc xe Jeep của phía Gruzia nằm trong hố. Xa hơn tí chút là một xe tăng cháy thành than. Xa hơn chút nữa là một trạm kiểm soát quan trọng hơn, họ chặn hoàn toàn đoàn nhà báo trong đó có chúng tôi. Và nhất là tại điểm này họ nói thẳng với chúng tôi là không ai hoan nghênh chúng tôi ở đây hết. "Các vị đang ở trên lãnh thổ Nga”, một viên sĩ quan nói ông ổng và thở ra sặc mùi vodka lẫn vẻ quan trọng. “Không được đi xa hơn những nơi đã được nhà cầm quyền Nga cho phép"… May sao khi đó xuất hiện một chiếc xe có cắm cờ ngoại giao. Đó là xe đại sứ Estonia. Trên xe, ngoài vị đại sứ, còn có vị thư ký Ủy ban An ninh quốc gia Alexander Lomaia, người được phép đi quá khu vực người Nga đóng quân để tìm người bị thương, và ông đồng ý cho tôi cùng bà Isler Béguin; ủy viên nghị viện châu Âu và một nhà báo của tờ Washington Post đi ké. "Tôi không bảo đảm an ninh cho bất kỳ ai đâu nhé”, ông báo trước – “thế là rõ chứ?" Rõ rồi. Và chúng tôi chen nhau vào chiếc xe Audi trực chỉ thành phố Gori.

Đi qua sáu trạm kiểm soát nữa, trong đó có một trạm chỉ là một thân cây được nâng lên hạ xuống bằng ròng rọc và do dân quân phụ trách, chúng tôi đến Gori. Chúng tôi không vào trung tâm. Nhưng từ cái điểm nơi ông Lomaia bỏ chúng tôi xuống để một mình trên chiếc Audi đi thu nhặt người bị thương, cái địa điểm có một chiếc xe tăng to như cái boong-ke di động kiểm soát, chúng tôi đứng từ đây vẫn có thể nhìn thấy vô vàn đám cháy trước mặt. Đều đặn từng đợt các trái pháo sáng soi rực trời, tiếp theo là những tiếng nổ ngắn. Lại vẫn là sự trống rỗng. Mùi vị phảng phất của sự thối rữa và cái chết. Nhất hạng là cái tiếng gầm gừ không ngớt của xe bọc thép, và gần như cứ có hai chiếc xe quân sự thì lại là những chiếc xe “không quan trọng” đầy những dân quân, người nào tay cũng đeo băng trắng và tóc chít lại. Gori không thuộc về cái xứ Ossetia mà người Nga nói là đã có ý định tới để "giải phóng". Đây là một thành phố của Gruzia. Nhưng người Nga đã đốt nó rồi. Và cướp. Và biến nó thành thành phố ma. Vắng ngơ vắng ngắt.

Ông tướng người Nga Vyachislav Borisov đứng trong bóng đêm và mùi thối rữa giảng giải cho chúng tôi trong lúc chờ đợi ông Lomaia trở lại: "Thật là lô-gich. Chúng tôi có mặt ở đó vì bọn người Gruzia không có năng lực và chính quyền của họ đã tan rã và thành phố thì rơi vào tay bọn cướp bóc. Các vị nhìn coi…" Trên chiếc điện thoại di động của mình, ông chỉ cho tôi những tấm ảnh chụp các vũ khí được ông nhấn mạnh là từ Israel chuyển tới. "Các vị có cho rằng không cần kiểm soát gì hết mấy thứ hàng họ đó? Vả chăng, tôi muốn các vị biết rằng…" Ông khạc. Rồi ông châm thuốc, tiếng diêm quẹt cháy làm anh lính bé nhỏ đang ngủ trong tháp xe tăng giật mình. "Chúng tôi đã cho mời Bộ trưởng Ngoại giao Israel tới Moskva. Và ông ta được thông báo rằng, nếu còn tiếp tục cung cấp vũ khí cho người Gruzia, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho cánh Hezbollah và Hamas."Chúng tôi sẽ tiếp tục … ” Lời thú nhận mới hay! Hai giờ trôi qua. Hai giờ nghe giảng bài và dọa dẫm. Đôi khi có chiếc xe ô tô tới gần, chạy chậm lại, rồi khi thấy chiếc xe tăng nó lại bỏ đi. Cho tới khi ông Lomaia trở lại với một bà già và một người đàn bà chửa đã được ông moi lên từ địa ngục và nhờ chúng tôi dẫn về Tbilissi.


3. Tổng thống Saakashvili, bên cạnh có cố vấn Daniel Kunnin, nghe câu chuyện tôi kể. Chúng tôi ngồi trong nhà ông tại Avlabari. Đã hai giờ sáng, nhưng bộ máy các cố vấn của ông vẫn hoạt động như đang giữa ban ngày. Ông còn trẻ. Rất trẻ. Một sự trẻ trung lộ rõ qua sự hấp tấp trong các cử động, trong cái nhìn nồng nàn, trong những tiếng cười chợt phát ra hoặc trong cái cách nốc những lon tăng lực Red Bull như người ta uống Coca Cola. Đám người của ông đều rất trẻ. Tất cả các bộ trưởng và cố vấn này đều là những người nhận học bổng của các quỹ kiểu Soros và bị ngưng việc học hành ở Yale, Princeton, Chicago vì cuộc "cách mạng hoa hồng”. Tổng thống yêu cái tinh thần Pháp và nói tiếng Pháp. Mê mải chuyện triết học. Một nhà dân chủ. Một người Âu châu. Tự do phóng túng theo cả hai nghĩa, kiểu Mỹ và kiểu Âu châu. Trong tất cả những nhân vật chống đối lớn mà tôi từng gặp trong đời mình, trong tất cả những ông Massoud hoặc những Izetbegovic mà tôi có cơ hội bảo vệ, đây là con người xa lạ hiển nhiên với cái thế giới chiến tranh, với các nghi thức, các biểu trưng, nền văn hóa của cái thế giới đó – nhưng ông lại đương đầu với chiến tranh.

Ông chợt ngắt lời tôi với một vẻ buồn buồn: "Cho tôi được nói rõ một điều. Không thể để cho họ cứ nói rằng chúng tôi khởi đầu cuộc chiến này… Bây giờ là đầu tháng Tám. Các bộ trưởng của tôi đang nghỉ hè. Bản thân tôi thì đang ở Italia chữa cho nhẹ cân, và cũng sắp sửa lên đường sang Bắc Kinh. Thế rồi tôi đọc thấy trên báo chí ở Italia: Chuẩn bị chiến tranh ở Gruzia. Ông hiểu rõ ý tôi chứ: tôi đang yên lành ở Italia, và tôi đọc tin tức thấy chính nước mình đang chuẩn bị chiến tranh! Nhận thấy ngay có chuyện gì không ổn, tôi vội vã trở về Tbilissi. Và các cơ quan tình báo của tôi cho biết những gì, ông biết không?" Ông bĩu môi kiểu người bị dán miệng lại và bắt trả lời sao cho đúng… "Người Nga, trong khi họ trút lên các hãng tin của họ những tin tức kiểu đó, thì chính họ đang lùa hết dân chúng ở Tskhinvali ra khỏi thành phố, họ tập trung quân đội, họ vận chuyển quân đội, họ chuyển hậu cần tới lãnh thổ Gruzia và đưa hàng sư đoàn đi qua đường hầm Roky nằm giữa hai miền Ossetia. Nào, giả định là ông phải chịu trách nhiệm trước một đất nước và ông biết tin tức đó – ông làm gì đây?"

Ông đứng dậy, tới bàn làm việc trả lời hai máy điện thoại di động chợt cùng reo chuông, rồi ông trở lại, duỗi thẳng hai cái cẳng dài… "Với chiếc xe tăng thứ một trăm năm mươi đứng án ngữ trước các thành phố của ông, buộc lòng ông phải chấp nhận sự thật là chiến tranh đã bắt đầu, và mặc dù không cân sức đấy, ông không có chọn lựa nào khác…" Tôi hỏi xem ông có nhận được sự đồng tình của các đồng minh không. Chắc là ông có báo trước cho những thành viên của cái tổ chức NATO đã đóng sập cửa không tiếp nhận ông? Ông tránh trả lời thẳng, nói: "Vấn đề đích thực là những gì nằm sâu bên dưới cuộc chiến tranh này. Putin và Medvedev đều tìm một cái cớ để xâm chiếm chúng tôi. Tại sao?" Ông đếm ngón tay. "Một, chúng tôi là một nhà nước dân chủ, và như vậy là sau khi thoát ra khỏi chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi tạo thành một phương án khác với phương án Putin. Hai, chúng tôi là quốc gia có đường ông dẫn dầu và khí đốt chạy ngang từ Bakou qua Tbilissi tới Ceyhan; và như vậy là, nếu chúng tôi bại trận, nếu Moskva cắt vào vị trí của tôi một tay nào đó của công ty Gazprom, thì các ông, người Âu châu, các ông sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào người Nga về nguồn cung cấp năng lượng. Và ba là…" Ông chọn trong giỏ đựng trái cây mà cô trợ lý – "người Ossetia", ông nhấn mạnh với tôi – vừa mang tới. "Ba là, xin ông nhìn vào bản đồ. Nước Nga là đồng minh của Iran. Các vị láng giềng Armenia của chúng tôi cũng không xa lạ với người Iran. Hãy hình dung nếu ở Tbilissi có một chính thể thân Nga. Thế là sẽ có một cơ sở địa-chiến lược đi từ Moskva tới Teheran mà tôi nghi rằng cái trục đó sẽ chi phối được thế giới tự do. Tôi hi vọng khối NATO hiểu điều đó…"


4. Sáng thứ Sáu. Cùng với Raphaël Glucksmann, Gilles Hertzog và bà đại biểu Nghị viện châu Âu, chúng tôi quyết định quay lại Gori, nơi người Nga chắc là đã phải rút quân tiếp theo văn bản ngừng bắn do Sarkozy và Medvedev soạn, và tại đó chúng tôi cũng sẽ gặp Trưởng lão Thiên chúa giáo Tbilissi cũng đi Tskhinvali, ở đó có những thi thể người Gruzia được cho chó và lợn tới ăn. Nhưng chúng tôi không sao tìm được vị trưởng lão cả. Người Nga vẫn chẳng rút tí gì khỏi Gori cả. Và lần này, chính chúng tôi cũng lại bị chặn lại trước Gori khi có một xe ô tô phía trước chúng tôi, với một tốp lính không chính quy, dưới con mắt kiểm tra lạnh lùng của một sĩ quan Nga, bắt các nhà báo phải ra khỏi xe, tước máy ảnh và tiền nong cùng đồ dùng cá nhân của họ và cuối cùng thì tịch luôn cả ô tô. Vậy là tin tức đến với chúng tôi là tin sai toét. Cái trò múa may tung tin tức thất thiệt đã thành nghệ thuật trong nghề tuyên truyền của Nga dường như trong vụ này đã khiến họ thành bậc thầy. Thế là chúng tôi phải đi về hướng Kaspi, thành phố nằm ở giữa Gori và Tbilissi, nơi được giới thiệu với chúng tôi là yên tĩnh hơn – những thực ra, lại có hai điều ngạc nhiên khác đón chờ chúng tôi… Điều ngạc nhiên trước hết là những cảnh tàn phá. Cả ở thành phố này cũng đầy những tàn phá. Nhưng ở đây, tàn phá lại không nhằm vào nhà cửa hoặc con người. Thế thì phá gì? Họ phá cầu. Phá nhà ga. Đường sắt đang do một tốp công nhân phục hồi được điều hành từ phòng làm việc của cơ khí trưởng vì ông bị thương nặng ở háng. Cũng bị tàn phá là hệ thống điều khiển điện tử của nhà máy xi măng Heidelberg có vốn xây dựng của Đức đã bị tên lửa có tia lade điều khiển bắn trúng. Giám đốc nhà máy nói với tôi: "Ở đây có 650 công nhân. Hôm nay chỉ có 120 người tới làm việc được. Thiết bị sản xuất của chúng tôi bị phá cả." Ở bến cảng Poti, người Nga đã đánh đắm hạm đội chiến đấu của Gruzia. Có ba điểm trên đường ống dẫn dầu khí đã bị dính đạn. Ở đây, tại Kaspi, người Nga cố tình phá hoại những trung tâm nhạy cảm sống còn của một nền kinh tế có tác động gián tiếp đến nhân dân cả nước. Một chủ nghĩa khủng bố có chủ đích. Cả ở đây cũng thấy rõ cái ý định bắt cả nước Gruzia phải quỳ gối.

Và điều ngạc nhiên thứ hai là xe tăng. Tôi muốn nhắc lại trong bài tường thuật này rằng chúng tôi đang ở cửa ngõ thủ đô nước Gruzia. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice, tôi cũng xin nhắc lại cho chính xác, đúng lúc này đang họp báo. Thế rồi đột nhiên thấy xuất hiện trên ngọn cây, bay tầm thấp, một trong những chiếc trực thăng mà hễ thấy nó là có điềm xấu đến mức tồi tệ. Và liền đó những người dân còn lại của thành phố Kaspi đổ ra đường, mới đầu thì đứng ở cửa, sau rồi nhanh chóng leo lên những chiếc xe Lada cũ – người nào cũng la hét thật to cho mọi người khác biết rằng quân Nga đã tới và phải chạy trốn. Mới đầu chúng tôi không tin. Vẫn cứ nghĩ như hôm qua, chuyện tin đồn thất thiệt. Nhưng không phải là thất thiệt. Xe tăng của họ đã tới rồi. Chính xác là có năm chiếc. Cộng thêm một đơn vị công binh đang bắt đầu đào hầm. Thông điệp thế là đã rõ. Có bà Rice hay không có bà Rice thì người Nga cũng đến đây như về nhà họ vậy. Họ di chuyển ở nước Gruzia như trên đất bị chiếm đóng. Đây không hoàn toàn là vụ đảo chính ở Praha mấy chục năm trước. Đây là phiên bản thế kỷ 21 – chậm rãi, từng cú nho nhỏ một, hạ nhục, dọa dẫm, phô trương và gây hoang mang …


5. Lần này, cuộc hẹn gặp diễn ra hồi 4 giờ sáng. Tổng thống Saakashvili đã gặp bà Rice suốt cuối buổi chiều qua. Cả ngày hôm qua là gặp Tổng thống Pháp Sarkozy. Với cả hai người, ông đều tỏ ra biết ơn vì những nỗ lực của họ cũng như vì tình bạn của họ mà chẳng ai có thể hồ nghi – ông đã chẳng “cậu cậu tớ tớ” với "Nicolas" đó ư? Và ứng cử viên McCain, "người gần gũi với bà Rice", lại đã chẳng gọi điện thoại cho ông ngay từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng và mỗi ngày gọi ba lần đó ư? Ấy vậy mà hôm nay tôi lại thấy ông có vẻ u sầu, cái vẻ buồn bã không thấy trong lần đầu tôi gặp ông. Có thể là vì mệt mỏi… Những đêm dài không được ngủ… Những cú bạt trái liên tiếp… Cả cái tiếng gầm gào cảm nhận được ở đất nước ông đang dâng lên mà tôi buộc phải nói cho ông biết: "Mà nếu như Micha không đủ sức bảo vệ chúng ta thì sao? Nếu như vị Tổng thống trai trẻ sục sôi đó chỉ đem lại sấm sét cho chúng ta thì sao? Và nếu như để tồn tại, chúng ta phải chịu chấp nhận ý chí của Putin cùng cái quân bài tay sai ông ta đã có sẵn thì sao?" Hẳn là đủ thứ dư luận trong dân như vậy cũng có in hằn vào nỗi u sầu của ông Tổng thống. Và cũng còn cộng thêm cả những cái khác nữa – đầy xao động mà nguyên nhân là từ thái độ lạ lùng của các bạn bè… Thí dụ như thỏa thuận ngưng bắn do ông bạn Sarkozy đem tới nhưng văn bản lại được soạn thảo chung với Medvedev ở Moskva. Ông nhớ lại cảnh mình đã gặp Tổng thống Pháp cũng ở trong gian phòng này, và ông ta nóng ruột chờ ông ký. Ông nhớ lại lúc Sarkozy cao giọng và gần như quát lên: "Cậu không còn lựa chọn nào nữa đâu, Micha; hãy thực tế đi; khi người Nga tìm được cách truất cậu đi rồi, thì chẳng một ai trong đám bạn bè, không một ai đâu, sẽ đụng đậy một ngón tay để cứu cậu đâu." Và ông cũng nhớ lại phản ứng lạ lùng của mình, Micha Saakashvili, khi hai người bạn Gruzia và Pháp cùng quyết định cứ gọi điện cho Medvedev; và rằng Medvedev cho người trả lời rằng ông ta ngủ rồi – khi ấy mới chỉ 21 giờ, thế mà ông ta đã ngủ rồi, và không sao liên lạc được với ông ta trước 9 giờ sáng hôm sau; khi đó thì vị Tổng thống Pháp nổi cáu; người bạn Pháp lúc đó cũng không muốn đợi chờ thêm; ông bạn Pháp vội vàng muốn về nhà chăng? Quá tin chắc là vấn đề cơ bản là ký, bất kể ra sao, nhưng ký cái đã? Và Micha nghĩ bụng, thương lượng mà sao lại làm ăn như thế. Cư xử với bạn bè mà sao lại như thế.

Tôi đã nhìn thấy tài liệu dó. Tôi đã nhìn thấy những ghi chú sửa chữa văn bản của cả hai vị Tổng thống, mới đầu là của Tổng thống Gruzia, sau đó là của Tổng thống Pháp. Sau đó tôi được thấy tài liệu thứ hai, cũng có chữ ký của Sarkozy và trao cho Condi Rice tại Brégançon để đem trao lại cho Saakashvili. Và sau cùng tôi thấy bị vong lục về những nhận xét đã được phía Gruzia đưa ra ngay trong buổi chiều và coi đó là chuyện sống còn với họ.

Gruzia đã được chấp nhận – và đây không phải là một chi tiết – xóa đi mọi chữ nghĩa nào ám chỉ đến "thể chế" tương lai của Ossetia. Gruzia đã được chấp nhận – và đây không phải chuyện đùa – là trong văn bản có nói rõ ra rằng cái "chu vi hợp lý" trong đó quân đội Nga được tiếp tục đi tuần để bảo đảm an toàn cho những người nói tiếng Nga xứ Gruzia (trong văn bản đầu tiên) được cụ thể hóa thành một chu vi "vài kilômet". Nhưng trong cả hai tài liệu chẳng có chữ nào về toàn vẹn lãnh thổ của nước Gruzia. Còn với điều khoản về sự hỗ trợ chính đáng cho những người nói tiếng Nga, thì ai ai cũng lo sợ chuyện đó sẽ có thể áp dụng cho những người nói tiếng Nga ở Ukraine, ở các nước vùng Baltic hoặc ở Ba Lan, khi đến lượt họ cũng cảm thấy bị đe dọa vì một ý chí "diệt chủng"… nào đó. Chính ông người Mỹ Richard Holbrooke, nhà ngoại giao có cỡ và gần gũi với Barack Obama, là người đến gần sáng vẫn còn ngồi ở quầy bar khách sạn chúng tôi cùng ở, đã nói lên một điều chí lý hơn cả: "Trong vụ này có cái mùi vị thum thủm của cung cách xoa dịu như từng xoa dịu ở Munich." Thế đó. Hoặc là chúng ta có khả năng cao giọng thực sự và nói: Putin hãy ngừng tay ở Gruzia! Hoặc là cái con người, theo đúng lời lẽ của ông ta, đã từng rượt đuổi dân thường Tchetchenia tới tận chuồng xí, sẽ lại cảm thấy có quyền hành động như vậy đối với bất kỳ người láng giềng nào. Phải chăng sẽ phải xây dựng châu Âu, hòa bình và thế giới ngày mai theo cung cách đó?


Bản tiếng Việt © 2008 talawas